Trang

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Những người mẹ tuyệt vời trong Kinh Thánh

Những người mẹ tuyệt vời trong Kinh Thánh


 
Tác giả: 
 Trầm Thiên Thu


Những người mẹ tuyệt vời trong Kinh Thánh

Đức Maria

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa Mẹ, chuyện đó can gì đến Mẹ và Con? Giờ của Con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:3-5).

Đức Maria là Mẹ của Đấng cứu độ trần gian. Áp lực nhiều không? Chắc hẳn rất khó để Chúa Giêsu có thể “làm việc của Chúa Cha”. Đức Mẹ biết lý do Chúa Giêsu được sai tới trần gian nên phải chăm sóc Ngài rất cực khổ. Đức Mẹ hy sinh mọi ý riêng vì Thiên Chúa.

Bà Tổ Ê-va

“A-đam đặt tên cho vợ là Ê-va, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3:20).
Bà Ê-va biết nỗi đau mất con sau khi Ca-in giết A-ben. Bà còn đức con trai khác là Sét. Qua Sét mà tổ tiên của Đức Giêsu Kitô được lưu truyền.

Bà Han-na

Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó” (1 Sm 1:10-11).

Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu của bà Han-na và cho bà thụ thai Sa-mu-en. Bà hoàn tất lời thề với Thiên Chúa và Sa-mu-en được đưa tới Đền Thờ giao cho tư tế. Nhờ đức vâng lời của bà, Sa-mu-en trở nên ngôn sứ nổi tiếng nhất trong lịch sử dân Ít-ra-en.

Bà Đơ-vô-ra

Bà Đơ-vô-ra, một nữ ngôn sứ, vợ ông Láp-pi-đốt, thời ấy làm thủ lãnh xét xử Ít-ra-en. Bà ngồi xử dưới Cây Chà Là Đơ-vô-ra, giữa Ra-ma và Bết Ên, trên núi Ép-ra-im, và con cái Ít-ra-en đến với bà để bà xét xử cho. Bà sai người mời ông Ba-rắc, con ông A-vi-nô-am, từ Ke-đét thuộc Náp-ta-li tới, và nói với ông: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, lại không nói với ông thế này sao? Hãy đi chiêu mộ trong vùng núi Ta-bo lấy mười ngàn người trong số con cái Náp-ta-li và trong số con cái Dơ-vu-lun để đi với ngươi. Ta sẽ dụ tướng Xi-xơ-ra, chỉ huy quân đội vua Gia-vin tiến về phía ngươi, bên suối Ki-sôn, cùng với chiến xa và quân binh của nó, và Ta sẽ trao nó vào tay ngươi”. Ông Ba-rắc nói với bà: “Nếu bà đi với tôi thì tôi đi, nếu bà không đi với tôi thì tôi không đi”. Bà trả lời: “Chắc chắn tôi sẽ đi với ông. Có điều là trong chuyến đi này, vinh dự không thuộc về ông, vì Đức Chúa sẽ trao Xi-xơ-ra vào tay một người đàn bà”. Bà Đơ-vô-ra chỗi dậy đi với ông Ba-rắc đến Ke-đét. Ông Ba-rắc triệu tập Dơ-vu-lun và Náp-ta-li tiến về Ke-đét. Mười ngàn người theo chân ông, cả bà Đơ-vô-ra cũng đi với ông (Tl 4:4-10).

Bà Đơ-vô-ra là người mẹ, là ngôn sứ, là thủ lãnh và sống vì Chúa dù tội lỗi ảnh hưởng đất Ít-ra-en!

Bà Sa-ra

“Nhờ đức tin, cả bà Sa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được” (Dt 11:11-12).

Bà Sa-ra là vợ ông Áp-ra-ham và không có con, khi sinh I-sa-ác thì bà đã ngoài 90 tuổi. Bà Sa-ra trở thành “mẫu tổ” đầu tiên của dân Do Thái.

Bà Rê-bê-ca

Đây là gia đình ông I-sa-ác, con ông Áp-ra-ham. Ông Áp-ra-ham sinh ra ông I-sa-ác. Ông I-sa-ác được bốn mươi tuổi, khi ông lấy bà Rê-bê-ca làm vợ; bà này là con ông Bơ-thu-ên, người A-ram ở Pát-đan A-ram, và là em ông La-ban, người A-ram. Ông I-sa-ác khẩn cầu Đức Chúa cho vợ ông, vì bà hiếm hoi. Đức Chúa nhậm lời ông, và bà Rê-bê-ca vợ ông có thai. Các đứa con đụng nhau trong lòng bà, nên bà kêu lên: “Nếu vậy thì tại sao tôi thế này?”. Bà thỉnh ý Đức Chúa. Đức Chúa phán với bà:“Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé”. Khi đến ngày sinh nở thì quả là bà đã mang hai đứa con trong lòng. Đứa ra trước đỏ hoe, toàn thân như một chiếc áo choàng bằng lông: người ta đặt tên cho nó là Ê-sau. Sau đó, đứa em ra, tay nắm gót chân của Ê-sau: người ta đặt tên cho nó là Gia-cóp. Ông I-sa-ác được sáu mươi tuổi khi chúng sinh ra.

Hai đứa trẻ lớn lên. Ê-sau là người thạo nghề săn bắn, chuyên rong ruổi ngoài đồng; còn Gia-cóp thì trầm tĩnh, chỉ sống ở lều. Ông I-sa-ác thương Ê-sau vì ông thích ăn thịt rừng, còn bà Rê-bê-ca thì thương Gia-cóp. Lần kia, Gia-cóp đang nấu cháo, Ê-sau từ ngoài đồng về, mệt lả. Ê-sau nói với Gia-cóp: “Cho anh ăn món đo đỏ kia với, vì anh đang mệt lả”. Vì thế người ta đặt tên cho nó là Ê-đôm. Gia-cóp nói: “Anh hãy bán quyền trưởng nam của anh cho em trước đã!”. Ê-sau nói: “Anh đang sắp chết thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh?”. Gia-cóp nói: “Vậy anh thề ngay với em đi”. Ê-sau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Gia-cóp. Bấy giờ Gia-cóp cho Ê-sau bánh và cháo đậu. Ê-sau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Ê-sau đã coi thường quyền trưởng nam (St 25:19-34).

Bà Rê-bê-ca là mẹ của Gia-cóp và Ê-sau, là vợ của I-sa-ác. Khi con cái lớn khôn, bà chứng kiến chúng tranh chấp. Cuộc xung đột này trở thành mối chia rẽ các thế hệ. Bà Rê-bê-ca có tiếng là người làm việc cần cù và hiếu khách vì bà tin rằng họ được Thiên Chúa sai tới.

Bà Rút

Bà Na-o-mi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!”. Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (Rút 1:15-16).

Khi chồng mất, bà Rút chăm sóc mẹ chồng là bà Na-o-mi mà không hề than phiền. Thiên Chúa biết lòng chung thủy của bà, Ngài ban cho bà có chồng mới và gia đình mới. Bà là mẹ của Ô-bét và là bà của vua Đa-vít.

Bà Giô-kê-bét

Pha-ra-ô ra lệnh cho toàn dân của mình: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin; mọi con gái thì để cho sống”. Có một người thuộc dòng họ Lê-vi đi lấy một người con gái cũng thuộc họ Lê-vi. Người đàn bà ấy thụ thai và sinh một con trai. Thấy đứa bé kháu khỉnh, nàng giấu nó ba tháng trời. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nin. Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó. Có nàng công chúa của Pha-ra-ô xuống tắm dưới sông, trong khi các thị nữ đi đi lại lại trên bờ. Nàng thấy chiếc thúng ở giữa đám sậy, thì sai con hầu đi lấy. Mở thúng ra, nàng thấy đứa trẻ: thì ra là một bé trai đang khóc. Nàng động lòng thương nó và nói: “Thằng này là một trong những đứa trẻ Híp-ri”. Chị đứa bé thưa với công chúa của Pha-ra-ô: “Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Híp-ri, để nuôi đứa bé cho bà không?”. Công chúa của Pharaô trả lời: “Cứ đi đi!”. Người con gái liền đi gọi mẹ đứa bé. Công chúa của Pha-ra-ô bảo bà ấy: “Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị”. Người đàn bà mang ngay đứa bé về nuôi. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pha-ra-ô. Nàng coi nó như con và đặt tên là Môsê; nàng nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước” (Xh 1:22-2:10).

Bà Giô-kê-bét là mẹ của Mô-sê, A-a-ron và Mi-ri-am. Bà dâng Mô-sê cho Thiên Chúa bằng cách làm một chiếc thuyền và đặt Mô-sê vào cho trôi tới sông Nin sau khi Pha-ra-ô ra lệnh hạ sát các bé trai của dân Ít-ra-en.

Bà Ra-khen

Thiên Chúa đã nhớ đến bà Ra-khen, Thiên Chúa đã nhận lời bà và đã cho bà sinh đẻ được. Bà có thai và sinh một đứa con trai. Bà nói: “Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục của tôi” (St 30:22-23).

Bà Ra-khen là vợ ông Gia-cóp, mẹ của Giu-se và Ben-gia-min. Gia-cóp làm việc cho cha của Ra-khen suốt 14 năm. Lúc họ thành vợ chồng, bà Ra-khen không thể sinh nở, nhưng bà kiên tâm cầu xin, Thiên Chúa ban cho bà có một con trai.
Bà An-na

“Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2:36-38).

Kinh Thánh không nói gì về việc làm mẹ của bà An-na. Tuy nhiên, nữ ngôn sứ này đêm ngày thờ phượng Chúa trong Đền Thờ, cả sau khi chồng mất và chịu đau buồn. Bà quan trọng vì bà là gương mẫu cho các người mẹ và các phụ nữ về việc dành thời gian cho Chúa, Đấng có thể chữa lành vết thương lòng.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét