Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN





Trang web giaolyductin xin giới thiệu đến quý độc giả một vài suy tư, nghiên cứu như một góp ý mang tính tư vấn cho các Giám mục địa phương về một số vấn đề liên quan đến "Đời sống hôn nhân" . Những suy tư này đáp ứng các tiêu chuẩn sau: vừa cụ thể vừa có nền tảng giáo thuyết; vừa mang tính mục vụ vừa diễn tả tính toàn vẹn của đức tin và luân lý; ngắn gọn, có lý chứng vững vàng chắc chắn, nhưng không phải là bài nghiên cứu academic.

Hôn nhân bất hợp pháp

a)   Sự kiện: Nhiều trường hợp kết hôn theo dân sự, tổ chức đám cưới, nhưng không theo luật Giáo hội: hoặc không cử hành bí tích hôn phối theo luật Giáo hội, hoặc không có phép chuẩn khác đạo.
b)  Trước thực tế đó, có nhiều cách giải quyết:
·     Một số nơi coi đó chỉ là lỗi của hai người kết hôn. Cha mẹ của họ và những người tham dự đám cưới vẫn được lãnh nhận bí tích.
·     Một số nơi khác: cha mẹ và những người tham dự đám cưới không được xưng tội rước lễ trong một thời gian, dài ngắn tuỳ từng nơi:
-   Có nơi một hay vài tháng và buộc làm đơn xin tha lỗi, hoặc xin lỗi công khai trong cộng đoàn.
-   Có nơi chế tài cho đến khi đôi hôn phối ấy được sửa chữa và cử hành theo giáo luật.
-   Có trường hợp kéo dài nhiều năm.
·       Cũng có nơi quy trách nhiệm và buộc phải “đền tội” nhưng theo hướng tích cực: buộc cha mẹ và những người tham dự phải khuyên bảo động viên, nỗ lực làm gương sáng, cầu nguyện,… cho đôi hôn phối.
c)     Lý do cấm xưng tội rước lễ
Biện pháp chế tài bằng cách không cho xưng tội rước lễ thường được áp dụng tại các giáo xứ có truyền thống lâu đời, người công giáo tập trung đông và các gia đình trong giáo xứ biết nhau.
Lý do:
-        Hôn nhân bất hợp pháp gây gương xấu trong cộng đoàn.
-        Việc cấm không được xưng tội rước lễ sẽ tác động trên cha mẹ để cha mẹ tác động hoặc áp lực trên con cái phải giữ luật Giáo hội. Điều này xem ra có kết quả vì phòng ngừa được nhiều nố.
Vấn đề:
-        Giáo luật có tiên liệu cho mục tử có quyền chế tài ấy không? Đấng Bản quyền có quyền ra luật trong địa phương?
-        Trong giai đoạn trước đây, việc chế tài này có thể đem lại kết quả, nhưng trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc chế tài ấy liệu có còn phù hợp và đem lại kết quả nữa không?
-------------------------------------------

GÓP Ý

Hiện tượng kết hôn dân sự mà không có nghi thức tôn giáo hay thể thức giáo luật là khá phổ biến và có nhiều người đặt ra những câu hỏi về việc tham dự cũng như những hình phạt kèm theo như cấm xưng tội rước lễ…
Một vấn đề thường được nhắc đến đó là sự bất đồng nhất của quy định trong các giáo phận của HDGMVN. Thậm chí ngay trong một giáo tỉnh cũng không có những cách áp dụng đồng bộ.
1.     Giáo luật có tiên liệu cho mục tử có quyền chế tài ấy không?
Theo giáo Luật điều 1331 thì Giáo Hội có quyền sử dụng các biện pháp chế tài để phạt những người phạm pháp:
Điều 1311
Giáo Hội có quyền bẩm sinh và riêng biệt cưỡng chế các Kitô hữu phạm pháp bằng những chế tài hình sự.
2.     Đấng Bản quyền có quyền ra luật trong địa phương không?
Thẩm quyền thiết lập luật hình sự được trao cho cơ quan lập pháp mà trong giáo phận Đức Giám Mục là người có thể ban hành luật cho Giáo phận của mình. Theo giáo Luật điều 1315 thì Đức Giám Mục giáo phận chứ không phải Đấng Bản Quyền có quyền ban hành luật kèm theo hình phạt.
Điều 1315
§1. Người nào có quyền lập pháp cũng có thể ban hành những luật hình sự, nhưng cũng có thể dùng luật của mình để thêm một hình phạt thích đáng vào một luật của Thiên Chúa hay một luật của Giáo Hội do một nhà chức trách cấp trên ban hành, miễn là vẫn tôn trọng các giới hạn của thẩm quyền đối địa hay đối nhân của mình.
§2. Chính luật có thể ấn định hình phạt hoặc để cho thẩm phán xác định theo sự đánh giá khôn ngoan của mình.
§3. Luật địa phương có thể thêm các hình phạt khác nữa, ngay cả khi một luật phổ quát đã thiết lập những hình phạt cho một tội phạm nào đó; tuy nhiên đừng làm như vậy, trừ khi có nhu cầu rất nghiêm trọng. Còn nếu luật phổ quát ngăm đe ra một hình phạt  bất  định hay tùy ý, thì luật địa phương cũng có thể thiết lập thay vào đó một hình phạt nhất định hay bắt buộc.
3. Trong giai đoạn trước đây, việc chế tài này có thể đem lại kết quả, nhưng trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc chế tài ấy liệu có còn phù hợp và đem lại kết quả nữa không?
Hiện nay việc chế tài này đặt ra nhiều vấn nạn:
a)    Nếu là một luật thì cần phải có văn bản chính thức được ban hành và phổ biến cách công khai. Có ngày tháng, có chữ ký và ngày luật có hiệu lực.
Điều 7
Luật được thiết lập khi được ban hành.
Điều 8
.…
§2. Những luật địa phương được công bố theo thể thức do nhà lập pháp xác định và bắt đầu buộc sau một tháng, kể từ ngày được ban hành, nếu chính luật đó không ấn định một thời hạn nào cả.
b)  Cách phạt không cho xưng tội rước lễ là một hình thức vạ cấm chế tiền kết. Muốn ra một hình phạt như vậy thì luật phải minh nhiên công bố như vậy chứ không thể được ngầm hiểu.
Điều 1314
Thường thường, hình phạt là hậu kết, nghĩa là tội nhân không phải chịu hình phạt bao lâu chưa bị tuyên bố; còn hình phạt là tiền kết, nghĩa là phạm nhân phải chịu hình phạt tức khắc do chính sự kiện phạm tội, nếu luật và mệnh lệnh minh nhiên ấn định như thế.
c)     Theo linh mục An phong Nguyễn công Vinh của Tòa Giám Mục Phan Thiết thì chưa hề có văn bản luật nào mà chỉ có hai văn bản của HĐGMVN một với tựa đề Hướng Dẫn Mục Vụ và văn bản kia cũng tựa đề Hướng Dẫn Mục Vụ ( Cùng với phần chú thích). Bản văn không có ngày tháng, không có lệnh ban hành, ấn ký… (2007).
Nội dung của 2 văn bản như sau:
…Hội Đồng Giám Mục đề ra một vài hình phạt thực sự cần thiết sau đây:
1/ Hình phạt cho người cố tình tổ chức đám cưới đời mà không có phép đạo: họ bị cấm lãnh nhận bí tích cho đến khi hợp thức hóa hôn phối ấy theo phép đạo; trường hợp không thể sửa chữa, sẽ bị phạt một năm hay hơn nếu liên tục vi phạm; tuy nhiên trong trường hợp nguy tử, bất cứ cha giải tội nào hay cha xứ của đương sự cũng tha được hình phạt này.
2/ Hình phạt dành cho người cố tình tham dự đám cưới đời mà không có phép đạo: bị phạt cấm lãnh nhận bí tích trong vòng ba tháng và sẽ gia tăng 6 hay 9 tháng hay hơn tùy theo việc liên tục vi phạm. Khi nguy tử bất cứ cha giải tội nào hay cha xứ của đương sự cũng tha được hình phạt này.
Hai văn bản này không phải là văn bản luật nên chỉ coi là văn bản hướng dẫn và việc thi hành còn tùy thuộc Giám Mục Giáo Phận.
Việc ra vạ tiền kết được Giáo Hội khuyến cáo đừng thiết lập vạ để ngăm đe trừ những trường hợp đặc biệt áp dụng cho những tội phạm rất nặng như nói đến ở điều 1318:
Nhà lập pháp đừng dùng những hình phạt tiền kết để ngăm đe, trừ khi một vài tội phạm đặc biệt cố tình phạm có thể gây ra một gương xấu nặng hơn hoặc những hình phạt hậu kết không thể trừng phạt những tội phạm đó cách hữu hiệu; tuy nhiên, chỉ nên thiết lập các vạ, nhất là vạ tuyệt thông, một cách hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những tội phạm rất nặng.
d)    Việc tham dự một đám cưới đời mà không có phép đạo không thể coi là một tội phạm nặng nề đến nỗi không cho xưng tội, rước lễ. Có thể xem đây là một vi phạm luân lý vì ủng hộ một hành vi tội lỗi, sai trái hơn là một tội phạm nghiêm trọng theo luật hình.
e)     Giáo Luật cũng nhắc nhở việc quy định những luật hình sự trong một nước, một miền cần có sự đồng nhất:
Điều 1316
Các Giám Mục giáo phận phải liệu sao để trong một nước hay một miền, những luật hình sự, nếu cần phải ban hành, được đồng nhất với nhau trong mức độ có thể.
f)    Khi tu chính giáo luật liên hệ đến hình luật thì nguyên tắc thứ hai yêu cầu giảm bớt xung khắc tòa trong với tòa ngoài, giới hạn hình phạt vào tòa ngoài. Trong khi ở đây, việc trừng phạt một lỗi không nặng mà lại liên quan quá nhiều với tòa trong. Có Giáo Phận quá khe khắt đến nỗi kéo dài hình phạt nhiều năm tháng làm cho nhiều người quá bối rối, lo âu, sợ hãi gây thiệt thòi về thiêng liêng.
g)  Đề nghị có một quy định chung cho toàn thể các giáo phận trong nước về những vi phạm kể trên.
Tác giả: Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích, CSsR.
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét