Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

VUI HỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM B


VUI HỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM B
Tin Mừng thánh Luca 24,35-48



I. TIN MỪNG

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.49


35 Then the two recounted what had taken place on the way and how he was made known to them in the breaking of the bread.

36 9While they were still speaking about this, he stood in their midst and said to them, "Peace be with you."

37 But they were startled and terrified and thought that they were seeing a ghost.

38 Then he said to them, "Why are you troubled? And why do questions arise in your hearts?39 10 Look at my hands and my feet, that it is I myself. Touch me and see, because a ghost does not have flesh and bones as you can see I have."

40 And as he said this, he showed them his hands and his feet.

41 While they were still incredulous for joy and were amazed, he asked them, "Have you anything here to eat?"

42 They gave him a piece of baked fish;43 he took it and ate it in front of them.

44 He said to them, "These are my words that I spoke to you while I was still with you, that everything written about me in the law of Moses and in the prophets and psalms must be fulfilled."

45 Then he opened their minds to understand the scriptures.

46 11 And he said to them, "Thus it is written that the Messiah would suffer and rise from the dead on the third day47 and that repentance, for the forgiveness of sins, would be preached in his name to all the nations, beginning from Jerusalem.

48 You are witnesses of these things.

I. HÌNH TÔ MÀU




* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết lại câu Tin Mừng thánh Luca 24,35
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .


II. TRẮC NGHIỆM

01. Khi thấy Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”, các tông đồ có thái độ gì? (Lc 24,36)
a. Kinh hồn bạt vía.
b. Vui mừng hớn hở.
c. Hân hoan.
d. Lo sợ.

02. Để minh chứng mình không phải là ma, Đức Giêsu đã đưa tay chân cho các ông xem, Người còn xin họ của ăn, và các ông đã đưa cho Người cái gì để Người ăn? (Lc 24,40-43)
a. Một con cá nhỏ.
b. Một khúc cá nướng.
c. Một chiếc bánh.
d. Một ly rượu.

03. Khi còn ở với anh em, Đức Giêsu đã nói tất cả những sách gì chép về Người đều phải được ứng nghiệm? (Lc 24,44)
a. Các sách Ngôn Sứ.
b. Sách Luật.
c. Các Thánh Vịnh.
d. Cả a, b và c đúng.

04. Đức Giêsu đã mở trí cho các ông hiểu những điều gì Kinh Thánh đã chép về Người? (Lc 24,46)
a. Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.
b. Đấng Kitô phải được vinh thăng.
c. Đấng Kitô bất tử.
d. Cả a, b và c đúng.

05. Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn gì? (Lc 24,47)
a. Tha tội
b. Khôn ngoan
c. Cứu rỗi
d. Chết lành


III. Ô CHỮ 






Những gợi ý

01. Đây là những sách phải được ứng nghiệm những điều đã được viết về Đức Giêsu? (Lc 24,44)


02. Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn gì? (Lc 24,47)


03. Khi Đức Giêsu đứng giữa các tông đồ, các ông tưởng là thấy ai? (Lc 24,38)

04. Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ai phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, Người từ cõi chết sống lại?  (Lc 24,46)

05. Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ mấy, Người từ cõi chết sống lại?  (Lc 24,46)

06. Đức Giêsu đã mở trí cho các ông hiểu biết điều gì? (Lc 24,45)

07. Theo lời Kinh Thánh, các tông đồ phải nhân danh Đức Giêsu mà làm gì cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội? (Lc 24,47)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

Đấng Kitô phải chịu khổ hình,
 rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại
Tin Mừng thánh Luca 24,46



Lời giải đáp
VUI HỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM B
Tin Mừng thánh Luca 24,35-48

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề :
Loan tin vui
* Bạn hãy viết lại câu Tin Mừng thánh Luca 24,35
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.


II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM

01. a. Kinh hồn bạt vía (Lc 24,36)
02. b. Một khúc cá nướng (Lc 24,40-43)
03. d. Cả a, b và c đúng (Lc 24,44)
04. a. Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24,46)
05. a. Tha tội (Lc 24,47)

 III. Lời giải đáp Ô CHỮ 

01. Sách luật Môsê (Lc 24,44)
02. Tha tội (Lc 24,47)
03. Ma (Lc 24,38)
04. Đấng Kitô (Lc 24,46)
05. Thứ ba (Lc 24,46)
06. Kinh Thánh (Lc 24,45)
07. Rao giảng (Lc 24,47)

Hàng dọc : Loan Báo

NGUYỄN THÁI HÙNG




Bài giảng Ngày Chúa Nhật III Phục Sinh B - Chúa Giêsu là một người thật


Anh Chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng của Ngày Chúa Nhật III Phục Sinh B trong Thánh Lễ hôm nay, Chúa Giêsu nói rõ với các Tông Đồ khi Ngài hiện ra cho họ thấy: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,39)

Cộng đoàn phụng vụ chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về tín điều: Chúa Giêsu là một người thật.

+++

Chúa Giêsu sinh, sống và chết như một người trong chúng ta. Ngài sinh ra tại Bêlem, miền Giuđêa, nước Palestina, vào năm 748 kể từ ngày lập quốc Rôma, dưới triều đại hoàng đế Xêdarê Augustô, trong lúc vua Hêrôđê đang trị vì tại xứ Palestina dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Chính quyền đế quốc Rôma đang chế ngự tất cả các quốc gia trong vùng Địa Trung Hải. Ngài sống thời thơ ấu và thanh niên tại làng Nadarét, thuộc miền Galilê, phía bắc nước Palestina; lúc ba mươi tuổi, ra đi truyền đạo khắp nước Do Thái, đúng vào năm thứ 15 của triều đại hoàng đế Tibêriô. Ngài chết lúc ba mươi ba tuổi, bị xử tử thập giá vào ngày thứ sáu, 14 tháng Nisan năm 30, tức là ngày mồng 7 tháng 4 Dương Lịch năm 30, dưới thời quan tổng trấn Pônxiô Pilatô thay mặt hoàng đế Rôma kiểm soát xứ Palestina.

          Chúa Giêsu là con người có sức khỏe bền bỉ, không đau ốm tật bệnh. Trong cuộc đời bôn ba truyền giáo, Ngài thức khuya, dậy sớm, luôn luôn có mặt trên mọi nẻo đường đất nước. Ngài chịu đựng được nhiều cơn nhọc mệt lớn lao, nên không chao đảo, không ngã quỵ. Đám đông dân chúng và vô số bệnh nhân bao vây Ngài tư bề, không kể ngày đêm, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện, niềm nở, không bao giờ  bỏ rơi một ai, viện cớ mệt, mắc việc, mắc ngủ.

          Chúa Giêsu là con người lạc quan. Ngài mang một tình yêu lớn lao và một mối thiện cảm đậm đà đối với những người đang sống trong xã hội đồng thời với Ngài và đối với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh Ngài. Đối với thiên nhiên, đối với thú vật, Ngài cũng yêu thích với một mối thiện cảm đậm đà không kém: Ngài thích nghe tiếng chim hót, thích nhìn chim bay, thích ngắm hoa đẹp, thích ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn, thích nhìn vầng trăng sáng, thích ngồi trên biển hồ Gênêdarét và theo dõi các làn sóng đua nhau lăn vào bờ. Ngài vui vẻ tham dự tiệc cưới và sản xuất rượu ngon cho khách tiệc dùng. Ngài muốn cho các môn đệ vui vẻ trong thời gian Ngài còn tại thế. Ngài hứa ban hạnh phúc cho những ai đeo đuổi lý tưởng Ngài vạch ra. Ngài hân hoan sung sướng khi nghĩ đến Cha Ngài trên trời và dâng lời cảm tạ.

Chúa Giêsu là con người can đảm. Ngài có lập trường cao cả và vững vàng, không lay chuyễn. Nếu Ngài chấp nhận đến dự tiệc, chấp nhận ngồi ăn uống với đủ mọi hạng người, thì Ngài vẫn luôn lớn tiếng chống lại tội lỗi, lên án công khai những hạng bất chính, những kẻ dâm tà. Nếu Ngài luôn luôn tốt lành và thông cảm đối với những kẻ yếu hèn, cô thế, sa đọa, thì Ngài vẫn chống đối nặng nề những kẻ lạm dụng Đền Thờ, những kẻ làm gương xấu, những hạng đạo đức giả, những kẻ kiêu căng, dù họ là ai và dù họ ở địa vị nào. Khi dân chúng say mê đi theo Ngài, muốn tôn Ngài lên chức cao quyền trọng, Ngài không đếm xỉa, không chụp cơ hội vì Ngài không tìm thành công nhất thời và bên ngoài cho mình. Khi người ta xin Ngài làm điềm lạ, Ngài có thể làm cho họ sửng sốt, nhưng Ngài không muốn làm thỏa mãn tính tọc mạch của một ai. Đối với tiền bạc, Ngài từ chối điều đình, dứt khoát không được làm tôi hai chủ: không thể nào vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. Đối với luật pháp, Ngài chủ trương rõ ràng: phải vâng giữ luật thế trần trong những điều chính đáng, nhưng trên hết, phải tuân giữ luật Chúa trong những điều Chúa dạy. Ngài tuyệt đối trung thành với việc bổn phận: việc bổn phận phải làm, Ngài thi hành không sai một phẩy, không sẩy một chấm; Ngài hoàn thành bổn phận của mình trong mọi hoàn cảnh, khi thuận cũng như khi nghịch, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi hân hoan cũng như trong hồi đau khổ, và Ngài luôn luôn làm chứng hùng hồn về sứ mạng của mình cho đến hơi thở cuối cùng.

          Chúa Giêsu là con người có trái tim rất tình cảm. Tình cảm của Ngài rất cao đẹp, nồng nàn và mãnh liệt, nhưng Ngài vẫn luôn làm chủ trái tim của mình. Ngài dành cho Mẹ Maria, cho Cha Giuse, tất cả những tình cảm quý báu nhất. Ngài tận tâm săn sóc các môn đệ của mình, không bỏ rơi một ai. Tuy yêu thương tất cả các tông đồ, nhưng Ngài vẫn quý chuộng Gioan hơn, và giao Mẹ cho Gioan nuôi dưỡng. Ngài thích trú ngụ tại nhà ba chị em ở Bêtania. Ngài khóc khi đến mộ Ladarô là người mà Ngài yêu. Ngài rơi lệ khi nhìn ngắm kinh đô yêu dấu của tổ quốc mà Ngài biết thế nào cũng bị tàn phá trong một ngày gần đây. Ngài da diết buồn khi nghĩ đến nhiều kẻ vẫn mù quáng và vong ân. Ngài quá đỗi buồn phiền trong Vườn Cây Dầu và khi đứng trước sự phản bội của Giudà mà Ngài tin cẩn.

Chúa Giêsu là con người có tâm hồn rất cao thượng. Ngài rất hiền lành và hết sức kiên nhẫn đối với các bệnh nhân và những ai bị đời hất hủi: những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh tấp nập đến với Ngài, và Ngài tiếp đón săn sóc họ không biết mệt. Ngài động lòng trước nỗi đau khổ của bà góa đi đưa xác đứa con trai độc nhất. Ngài xiêu lòng trước những lời van xin của người đàn bà xứ Canaan muốn Ngài thương giúp chữa lành đứa con gái. Ngài rất nhân từ đối với những người tội lỗi, những kẻ yếu đuối lỡ lầm: Ngài tha tội cho họ ngay, tha trong nháy mắt; Ngài công khai bênh vực họ trước những hạng biệt phái đạo đức giả, luôn kiêu căng khinh dễ kẻ khác. Trước những kẻ nghịch nhạo cười đắc thắng, hả hê chê bai, Ngài vẫn bình tĩnh yêu thương và tha thứ. Sự dữ, sự tội, sự tức tối,  sự báo thù không ảnh hưởng được gì trên Ngài: Ngài tha cho tất cả mọi kẻ nghịch với Ngài ngay trên cây thập giá, trước khi chết.

Chúa Giêsu là con người nếm đủ mọi nổi đau khổ của con người. Mọi cực nhọc túng thiếu trong thân xác và mọi đau khổ ê chề trong linh hồn, tất cả đều có mặt trong cuộc đời của Chúa Giêsu khi Ngài còn sống cũng như lúc Ngài chết. Sống thì không nhà, không cửa, nay đó, mai đây; nhiều ngày không đủ ăn; nhiều đêm phải ngủ ngoài trời, gối đầu trên tảng đá thô. Ở Nadarét, lúc làm nghề thợ mộc tại gia, Ngài đã từng cảm thấy mệt mõi sau một ngày lao động vất vả, và sau nầy, khi lìa nhà, bôn ba truyền giáo, Ngài kiệt sức sau nhiều giờ đi bộ trên những con đường dài dưới ánh nắng chói chang, đến đỗi phải dừng lại nghỉ trên bờ một giếng mát. Vì làm việc quá nhiều, Ngài rãnh được chút nào thì ngủ chút đó, có khi ngủ ngay trên mạn thuyền giữa cơn bão tố dữ dội. Nhiều lần, Ngài cảm thấy đói và uể oải trong thân xác. Nhất là nhiều lần, Ngài cảm buồn da diết khi thấy dân chúng vô ơn, khi thấy các tông đồ yêu dấu chạy trốn, khi thấy Giuda trắng trợn phản bội. Nhất là trong giai đoạn Thương Khó: thân xác nát tan, linh hồn sầu thảm, tràn đầy nhuốc hổ và sĩ nhục, lảo đảo vác thập giá lên Núi Sọ, chịu xử tử bằng hình khổ đóng đinh trần truồng, nhìn Mẹ đứng dưới chân mà bất lực, chết tủi cực và rùng rợn giữa trời và đất, bị treo trên hai miếng gỗ lạnh lùng. Chết không có mồ chôn, phải mượn mồ kẻ khác để chôn thế. Chúa Giêsu thật là con người duy nhất nếm đủ mọi nổi đau khổ của nhân loại: Ngài xứng danh là Nhà Vô Địch Đau Khổ!

+++

            Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nhưng là một con người cao cả và đáng kính phục biết bao!

Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa hết lòng con!

Amen!

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Không phải mọi sự chỉ toàn là ánh sáng
(Suy niệm của Jean-Yves Garneau)
Những nỗi nghi ngờ của chúng ta.
Nhiều người đã nhìn thấy Chúa Giêsu tận mắt, đã nghe Ngài nói, đã biết những việc lạ lùng Ngài làm. Có lẽ chính họ đã chứng kiến nữa. Nhưng cũng chính những người đó vẫn không tin nơi Ngài. Họ đã không nhận ra được rằng Ngài là Đấng Cứu Độ. Trái lại, nhiều người đã “chối bỏ, trao nộp và giết” Ngài (Cv 3,13;14;15).
Nhiều lần sau khi Phục Sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ. Và khi những biến cố như thế xảy ra, thì không phải tự nhiên các ông vui mừng phấn khởi ngay đâu, nhưng đúng hơn các ông ngạc nhiên, nghi ngờ. Thánh Luca nói với chúng ta rằng: “Họ tưởng trông thấy ma” (24,37). Phải có những cử chỉ đầy thuyết phục để cho các Tông đồ tin vào Chúa Giêsu: “Hãy xem tay chân Thầy đây. Hãy sờ xem…”. Mà vẫn chưa đủ, Ngài còn phải ăn một miếng cá nướng trước mặt các ông.
Khi biết được những điều này ta sẽ không ngạc nhiên khi nhiều Kitô hữu thuộc những thời đại và trong những hoàn cảnh khác nhau, đã muốn chối bỏ Chúa Kitô hoặc ít ra là nghi ngờ. “Đức tin của tôi dựa trên cái gì? Tôi có lý mà tin chăng? Tôi có lầm đường chăng?”. Ai mà chẳng có lần tự đặt cho mình những câu hỏi như thế. Có lẽ hiện giờ một số người vẫn còn những thắc mắc kiểu ấy nữa.
Giả như ít ra, vào những giờ phút ấy, chúng ta có được những dấu chỉ cũng rõ rệt như những dấu chỉ mà các môn đệ xưa kia đã có được. Trông thấy Chúa Kitô, sờ vào Ngài, nghe Ngài! Và lúc đó mọi sự sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng những dấu chỉ ấy không được ban cho chúng ta. Chúng ta đừng chờ đợi vô ích. Nhìn thấy Chúa Giêsu bằng mắt xác thịt, sờ vào Ngài với đôi bàn tay của chúng ta, chính tai chúng ta nghe Ngài, ngồi ăn cùng với Ngài như các chứng nhân đầu tiên về sự Phục Sinh, đó không phải là cơ may của chúng ta.
Những điểm qui chiếu.
Như thế không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bị chìm ngập trong tối tăm và không thể bám víu vào cái gì cả để khơi dậy đức tin nơi mình.
Chúa Giêsu đã nói với Phêrô và những tông đồ khác: “Hãy xem tay chân Thầy”. Nhưng Ngài nói với chúng ta: “Các con hãy nhìn các môn đệ. Hãy lấy kính lúp mà xem họ đã sống những gì. Các con hãy đón nhận chứng tá của họ. Các con hãy tin vào lời họ. Thầy đã làm cho họ trở nên những sứ giả của Thầy”.
Ngài cũng nói với chúng ta: “Hãy nhìn xem các tín đồ xung quanh các con. Hãy nhìn xem Giáo Hội. Hãy nhìn xem những kẻ lớn bé tin vào Thầy. Hãy nhìn xem tất cả những người nam, người nữ gắn bó với Thầy tận đáy lòng. Hãy nhìn xem hành vi của họ. Hãy nói chuyện với họ. Hãy kiểm chứng niềm tin của họ. Hãy yêu cầu họ trả lẽ về niềm hy vọng của họ. Điều đó sẽ giúp ích cho các con. Khi gặp gỡ những tín hữu chân chính, các con sẽ được lôi cuốn trong đức tin, đức tin của họ sẽ củng cố đức tin của các con”.
Lời khuyên khác để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.
Thánh Gioan cho chúng ta lời khuyên này khi người khẳng định: “Đây là cách chúng ta có thể biết được chúng ta có biết Ngài không? (chúng ta có tin nơi Ngài không?). Đó là tuân giữ các giới răn của Ngài”.
Chính nhờ sống như Chúa Kitô mà người ta trở thành Kitô hữu và thành người sống đạo. Chính nhờ thực sự cố gắng làm cho cuộc sống của mình am hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng mà ta làm chứng cho sự vững chắc và sự thật của những gì Chúa Giêsu dạy. Chính nhờ cụ thể bước theo con đường Phúc Âm đã vạch ra mà ta gặp được Chúa Kitô. Sống bằng Tin Mừng để tin vào Tin Mừng! Sống như Chúa Kitô để tin nơi Ngài!
Những nghi nan của chúng ta vẫn còn.
Khi bước theo con đường này, chúng ta có tránh được mọi nghi nan không, chúng ta có sống trong ánh sáng chói lòa và trong sự yên tĩnh hoàn toàn không? Chắc chắn là không. Sự nghi ngờ, những vấn nạn không có câu trả lời rõ ràng và thỏa mãn chúng ta hoàn toàn, cả đến sự cám dỗ chối bỏ Chúa Kitô nữa. Mọi sự đều có thể xảy ra cho chúng ta trên trần thế này. Ánh sáng chan hòa sẽ chỉ có ở thế giới bên kia. Diện đối diện với Chúa không phải là điều xảy ra nơi trần thế này. Ở đây ta phải luôn luôn chờ đợi những lúc khó khăn và những bước đường cực nhọc.
Tin! Chắc chắn đó là một hồng ân. Nhưng cũng là một cuộc chiến đấu, một sự tìm kiếm mỗi ngày. Người nào tìm kiếm không ngừng, sống một đức tin trong niềm thao thức, một đức tin có thể rất mỏng dòn, người đó sẽ được Thiên Chúa yêu thương. Và hễ ai tìm kiếm, thì Ngài ban cho ơn được thấy. Và ai gõ cửa, Ngài sẽ mở cho. Ngài là Cha và Ngài chờ đợi chúng ta hết thảy.



Chúa Giêsu là trung tâm lịch sử

Noel Quesson

“Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”
Trong các bức hoạ cổ, người ta thường nói bức vẽ của Misen Angelo (Michel Angelo) ở nguyện đường Sixtin Rôma. Hoạ sĩ Michel Angelo đã mất bảy năm để thực hiện bức vẽ trên trần nhà nguyện. Bức vẽ diễn tả những chương đầu của sách Khởi nguyên: Thiên Chúa tạo dựng vạn vật. Thay vì ký tên vào bức vẽ, hoạ sĩ đề hai chữ Alpha và Omêga, đó là chữ đầu tiên và cuối cùng của mẫu tự Hilạp. Hoạ sĩ có ý nói: Thiên Chúa là đầu hết và cuối hết của vạn vật.
Toàn bộ lịch sử nhân loại được diễn ta trong Kinh Thánh đều quy tụ về một điểm là con người trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Từ nhiều nghìn năm, Kinh Thánh đã tiên báo về Ngài, chuẩn bị tâm hồn người đọc để có đủ tư cách tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Cựu ước nói về Chúa và cái chết với những lời lẽ rõ ràng. Trong đó cũng nói về những đau khổ Người phải chịu. Người Do Thái đã đọc những lời tiên báo đó trong sách Luật, sách các Ngôn sứ và Thánh vịnh, nhưng họ và ngay cả các Tông đồ cũng không hiểu rõ. Vì thế mọi người đã coi cái chết của Chúa Giêsu như một thất bại, và đến lúc nghe Chúa sống lại, ai nấy đều hoang mang nghi ngờ.
Cho tới lúc Chúa sống lại, Chúa vẫn còn bận tâm làm sao cho các môn đệ hiểu rõ Chúa chính là Đấng được tiên báo trong Cựu ước. Trong lần hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emaus, cũng như với mười một tông đồ mà Tin Mừng hôm nay tường thuật, Chúa đã dành nhiều giờ cắt nghĩa cho họ những điều Cựu ước nói về Người. Những lời cắt nghĩa của Chúa, kèm với ân huệ Người.
Những cải tổ về phụng vụ của Công đồng Vaticăng II đã quan tâm lo liệu cho ta nghe, đọc nhiều đoạn Cựu ước trong Thánh lễ, có ý cho ta thấy Chúa Giêsu chính là cốt trục xuyên suốt của lịch sử. Muôn dân, muôn thế hệ đã được ơn tha tội, được cứu rỗi nhờ kêu cầu danh Chúa Giêsu, nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh của Người. Cuộc cải thiện thế giới bắt đầu từ Giêrusalem và mỗi người chúng ta là những chứng nhân.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đọc và hiểu lời Ngài trong Thánh kinh. Vì lời Chúa là đèn soi bước cho chúng con đi. Xin ban ánh sáng đức tin cho những người chúng con gặp gỡ hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa.

Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG
Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, ngài đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho ngài phải thất bại. Trong một vụ án mà ngài thấy là đơn giản, dễ dàng, ngài đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.
Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, ngài tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, ngài hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa ngài về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện ngài trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống trong danh vọng trần thế để nâng ngài lên trong vinh quang Nước Trời.
Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Đức Giêsu. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an... Có lần Đức Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.
Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Đức Giêsu phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.
Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe dọa đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.
Khi đức tin các tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Đức Giêsu là có thực. Đức tin của các tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh. Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Đức Giêsu. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.
Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày. Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.
Lạy Đức Giêsu Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

Suy Niệm của ĐGM. Vũ Duy Thống

CÁCH HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất vào Mùa Phục Sinh, đó là ngôi làng Emmaus. Mặc kệ các nhà khảo cổ với những công trình tìm kiếm xem ngôi làng đó nằm ở đâu trên thực tế địa lý. Mặc kệ các nhà chú giải với những phân tích chi li xem địa danh Emmaus hợp bởi chữ gì và có nghĩa gì. Mặc kệ các nhà hội họa với những cảm hứng khơi nguồn đã khéo tô điểm Emmaus nên một kiệt tác như bức họa nổi tiếng của Rembrandt. Mặc kệ tất cả. Người tín hữu chỉ có một cảm tình tốt đẹp là xem Emmaus như một địa chỉ tinh thần không thể quên được. Bởi lẽ khởi đi từ đó, Đấng Phục sinh đã ưu ái cho thấy Ngài luôn có mặt bên cạnh con người và vẫn muốn hiện diện thường xuyên cho cuộc sống con người. Khởi đi từ địa chỉ tinh thần ấy, người ta thấy ít ra có ba cách hiện diện của Đấng Phục sinh:
1) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT TRONG NHỮNG BƯỚC ĐỒNG HÀNH CHIA SẺ
Bối cảnh của bài Phúc Am là những ngày tiếp theo biến cố Phục sinh. Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát. Họ là người theo Chúa từ những ngày đầu cuộc sống công khai, những mong được tả hữu vinh quang khi Đấng Messia chinh phạt thế giới. Nào ngờ Thầy mình lại chọn lấy con đường khác để cứu độ. Ngài đã bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá. Và lưu ảnh cuối cùng họ có về Thầy mình, đó chính là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Vỡ mộng, thất vọng, cô đơn, họ như những môn sinh “chữ thầy lại trả cho thầy, trở về làng cũ học cầy cho xong”.
Mà đâu có xong. Chính lúc tưởng chừng trống vắng không gì có thể lấp đầy được, Đấng Phục sinh đã âm thầm hiện diện bên họ, trong dáng dấp của một người khách lạ, trong thân quen của những bước đồng hành và trong ân cần của những lời thăm hỏi rất đỗi bình thường. Ngay trong Phúc Am hôm nay, liền sau biến cố Emmaus, khi hai môn đệ đang kể lại Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba, thì Ngài đã tự bao giờ “đứng giữa” câu chuyện ở ngôi thứ hai để chào hỏi đối thoại ủi an.
Vâng, Đấng Phục sinh là như thế. Tưởng vào trong vinh quang là bắt đầu nẻo đời xa cách, nào ngờ lại là lúc Ngài la cà thân thiện với con người hơn cả bao giờ. Thiên Chúa đã gần gũi với đời người, cho con người trở nên phần đời của Thiên Chúa. Chính khi đời người xem ra trống vắng nhất, Đức Kitô vẫn hiện diện đồng hành chia sẻ, để rồi khi con người biết chia sẻ cuộc sống cho nhau thì Ngài vẫn có đó trong sức mạnh đồng hành.
2) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT BẰNG NHỮNG LỜI CỦNG CỐ TIN YÊU
Tâm trạng của các môn đệ hôm nay trong Phúc Am cũng vẫn là thất vọng ê chề. Sau lưng họ là Giêrusalem đen tối, trước mặt họ là những nơi xa cũng chẳng sáng sủa gì. Quá khứ vừa mới khép lại, tương lai chưa kịp mở ra. Chới với, chao nghiêng. Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục sinh có mặt, bằng lời Thánh Kinh sống động và hóa giải, Ngài thanh luyện các môn đệ khỏi những tình cảnh thất vọng sợ sệt và đặt họ vào một đà sống mới.
Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư. Nhưng sẽ là một hiện diện thường xuyên ở bất cứ đâu cho bất cứ ai, nếu lời Chúa được thực thi chân thành trong đời sống.
Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe lời Chúa. Các môn đệ ở lại Giêrusalem trong Phúc Am hôm nay cũng thấy phấn khởi khi được Chúa soi sáng củng cố và đặt vào tin yêu hy vọng của đời chứng nhân. Nếu mỗi tín hữu hiểu và sống lời Kinh Thánh, họ cũng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Phục sinh như những ý lực trong ngày sống, như một sức mạnh để vươn lên, cho dẫu sống chứng nhân cũng là sống với Đức Kitô trên đường thương khó.
3) ĐẤNG PHỤC SINH CÓ MẶT GIỮA NHỮNG TẤM BÁNH BẺ RA CHO ĐỜI
Nếu có phút giây nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong bài Phúc Âm, đó phải là lúc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem có gì ăn không, rồi Ngài lại tự nhiên ăn cá và mật ong trước bao cặp mắt sững sờ của họ. Ngài hỏi thức ăn không phải vì Ngài đói và Ngài ăn không phải vì cơ thể Ngài cần. Đấng Phục sinh mà không một định luật vật lý nào có thể ngăn cản được như trong việc Ngài thoắt hiện thoắt đi đâu cần phải có thực phẩm nhân gian để mà tồn tại. Đấng Phục sinh có mặt giữa con người không giống như kẻ hồi sinh sau tai nạn để cần phải bổ dưỡng bù trừ theo kiểu “ăn giả bữa”. Nhưng, nếu qua việc Chúa Giêsu bẻ bánh, hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Thầy mình, thì qua việc ăn uống này Đấng Phục sinh đã củng cố lòng tin vốn đang chao đảo hoang mang của họ.
Đấng Phục sinh ăn trước mặt các môn đệ. Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng, nhưng đã làm nên lý chứng phục sinh và ý nghĩa cuộc đời, bởi có Ngài hiện diện, nên thôi hết buồn sầu để mở ra một lối sống mới trong niềm vui. Thảo nào các môn đệ hôm đó đã nhận lệnh lên đường làm chứng về những gì các ông đã thấy đã hiểu đã tin.
Nếu có lần nào ta chiêm ngắm Chúa Kitô như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, thì có lẽ một cách vô thức ta đã quy chiếu vào khoảnh khắc bất ngờ này. Và nếu đúng như thế thì qua việc rước Mình và Máu Đức Kitô hôm nay, ta cũng được mời gọi để trở nên những tấm bánh, những mẩu cá, những tảng mật ong sống động biết chia sẻ nâng đỡ, vun đắp chung xây cuộc sống tốt lành tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống.
Ba cách hiện diện nghe như quen mà vẫn cứ lạ, nghe như gần gũi mà vẫn cứ rời xa. Cảm tưởng quen quen lạ lạ gần gần xa xa ấy có là vì Đức Kitô Phục sinh có mặt, nhưng không hữu hình như xưa để dễ dàng mắt thấy tai nghe nữa, mà đã hiện diện vô hình chỉ gặp được bằng tin yêu hy vọng. Và thường thì vì ta quá vô tình không nhận ra Ngài trong những khuôn mặt cuộc đời, tình huống của ta và của những người quanh ta. Nhưng hiện diện của Đấng Phục sinh không phải là một hiện diện thụ động chỉ để ta tìm gặp, mà còn là một hiện diện chủ động khi ta biết tích cực đồng hành chia sẻ, cũng như gieo lời Chúa vào môi trường sống, rồi từng ngày nỗ lực âm thầm trở nên những tấm bánh “ăn được” cho người lân cận.
Qua thánh lễ này, ta được đồng hành bên nhau, được chia sẻ lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Xin cho đời ta được đổi mới nơi địa chỉ Emmaus tinh thần này, để tới phiên ta cũng sẽ trở thành địa chỉ tinh thần mới cho cuộc sống hôm nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét