Trang

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Fabiola Gianotti: “Tôi tin ở Chúa. Khoa học và đức tin không xung khắc nhau”

Fabiola Gianotti: “Tôi tin ở Chúa. Khoa học và đức tin không xung khắc nhau”

  - 


aleteia.org, Unione Cristiani Cattolici Razionali, 2016-01-10
Fabiola Gianotti
Nữ tân giám đốc Trung tâm Âu Châu Nghiên cứu Hạt nhân CERN tuyên bố mình là người có đức tin và khẳng định không có xung khắc giữa việc làm khoa học của mình và đức tin.
Bà Fabiola Gianotti, nhà vật lý học người Ý, được bầu làm Giám đốc Trung tâm Âu Châu Nghiên cứu Hạt nhân CERN, một trung tâm rất hiện đại có trụ sở ở Genève (Thụy Sĩ). Từ ngày 1 tháng 1-2016, bà Fabiola Gianotti điều khiển phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý hạt nhân lớn nhất hành tinh. Bà là phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này, một lựa chọn xứng đáng để góp phần lớn lao vào việc khám phá hạt boson của Higgs, phần tử-chính yếu của sự tồn tại con người.
“Khoa học sẽ không bao giờ chứng minh được có Chúa tồn tại hay không tồn tại”
“Phụ nữ khoa học” như bà vẫn tự nhận là một trong các nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới. Ngày 6 tháng 1 vừa qua, bà được nữ ký giả Lilli Gruber của chương trình truyền hình Ý “Otto e mezzo” mời nói chuyện. Trực tuyến từ Genève, tân giám đốc Trung tâm CERNn đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vật lý hạt nhân, nhưng bà cũng trả lời các câu hỏi liên quan đến khoa học và đức tin: “Khoa học và tôn giáo là hai lãnh vực khác nhau và phải ở như vậy”, bà Gianotti cho biết: khoa học được xây dựng trên thử nghiệm các sự kiện, trong khi tôn giáo xây dựng trên những nguyên tắc hoàn toàn đối lập, nói một cách khác, đó là đức tin, là tín ngưỡng và vì thế càng đáng khen hơn cho những ai không thấy mà tin. Khoa học sẽ không bao giờ chứng minh được có Chúa tồn tại hay không tồn tại. Và tôi tin nó sẽ không bao giờ chứng minh được”.
Trả lời câu hỏi của nữ ký giả Lilli Gruber bà có tin ở Chúa không, nhà khoa học đã trả lời ngắn gọn: “Có, tôi tin có Chúa.” Nữ ký giả hỏi tiếp: khoa học có tương hợp với đức tin không? “Tuyệt đối tương hợp. Không có nghịch lý ở đây. Quan trọng là phải để hai lãnh vực này tách biệt nhau: tin và không tin, không phải ngành vật lý sẽ cho câu trả lời.”
“Tôi không thấy một nghịch lý nào giữa khoa học và đức tin”
Một vài ngày trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với báo La Repubblica, tân giám đốc Trung tâm CERN khẳng định: “Khoa học và tôn giáo là hai lãnh vực tách biệt nhau, dù không phải là không trái ngược nhau. Người ta có thể là nhà vật lý và có đức tin hoặc ngược lại. Tốt hơn nên có một khoảng cách giữa Chúa và khoa học”. Bà cũng đã nói trên báo Gia đình Công giáo năm 2010: “Tôi không thấy có một nghịch lý nào giữa khoa học và đức tin: chúng nói lên hai phạm vi khác nhau. Chúng ta sẽ quá tham vọng và ngạo nghễ nếu chúng ta có thể giải thích nguồn gốc của thế giới. Những gì chúng ta có thể làm về mặt khoa học là tiến từng bước nhỏ và thu thập hiểu biết. Nhưng như Newton đã nói, những gì chúng ta biết chỉ là một giọt nước so với đại dương của những điều chúng ta không biết, vậy chúng ta còn lâu mới trả lời được cho loại câu hỏi này”.
Đương nhiên chẳng có gì lạ qua kinh nghiệm đức tin của bà Fabiola Giannotti, kinh nghiệm này cũng như kinh nghiệm của một linh mục, một người thợ hay bất cứ ai. Và nhất là, bà chỉ là một trong hàng ngàn nhà khoa học cũng tin như thế.
Phúc cho ai không thấy mà tin!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét