Trang

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC LÀM HÒA CÙNG THIÊN CHÚA LÀ CHA GIẦU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C (06/03/2016)

HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC LÀM HÒA CÙNG
THIÊN CHÚA  LÀ CHA GIẦU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C (06/03/2016)
[Gs 5, 9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Mùa Chay là Mùa Ăn Năn Sám Hối để được làm hòa với Thiên Chúa. Làm hòa với Thiên Chúa thì chúng ta vừa tránh được đại họa là đánh mất sự sống vĩnh cửu của mình, vừa được Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và phục hồi phẩm giá và tước vị làm con.
Ba bài Thánh Kinh Chúa Nhật IV Mùa Chay cho chúng ta biết rõ điều ấy. Nhờ ăn năn sám hối mà những người Do-thái được vào Đất Hứa, cử hành Lễ Vượt Qua để cảm tạ Thiên Chúa về ơn được cứu khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Nhờ ăn năn sám hối mà những người Do-thái và chúng ta sẽ được làm hòa với Thiên Chúa là Đấng không muốn một ai phải chết khi Người đã sai Con Một Người đến trần gian để cứu chuộc nhân loại. Nhờ ăn năn sám hối mà những người Do-thái và chúng ta sẽ được Thiên Chúa là CHA tha thứ và đón nhận lại trong nhà của Người, như người cha nhân hậu đón nhận đứa con hư trở về sau chuỗi ngày đi hoang, phung phá của cải thừa kế là ơn huệ của Chúa và làm mất cả phẩm giá cao quý của mình khi phạm tội. Không những Thiên Chúa đón nhận lại mà còn bù đắp một cách rộng rãi ngoài sức tưởng tượng cho kẻ quay về.
Chúng ta hãy dành thời gian tìm hiểu, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện để biết cách phải sống thế nào với Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu luôn rộng lòng thứ tha cho kẻ ăn năn sám hối.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
[Ghi chú: Chúng tôi dùng bản dịch các bài Thánh Kinh của cố linh mục Giu-se Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, đăng trên mạng Tin mừng cho người nghèo]
2.1 Trong bài đọc 1 (Gs 5, 9a.10-12): Sau khi vào Đất Hứa, dân Chúa mừng Lễ Vượt Qua.  9 Và Yavê phán với Yôsua : “ Hôm nay, ta đã lăn xa khỏi các ngươi nỗi ô nhục Aicập!”  10 Con cái Israel đã cắm trại ở Gilgal, và đã mừng lễ Vượt qua, ngày mười bốn trong tháng, buổi chiều, ở Hoang giao Yêrikhô. 11 Hôm sau Vượt qua, họ đã ăn thổ sản trong xứ, bánh không men và cốm lùi, đúng tủy ngày ấy. 12 Và hôm sau, manna chấm dứt khi họ đã ăn được thổ sản trong xứ: manna không có nữa cho con cái Israel và ngay năm ấy họ đã ăn những sản vật của đất Canaan.
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,17-21): Thiên Chúa đã cho chúng ta được hòa giải với Người trong Đức Ki-tô.  17 Cho nên ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự!
18 Nhưng mọi sự đều do tự Thiên Chúa, Ðấng đã giảng hòa ta lại với chính mình Người, nhờ Ðức Kitô đã ban cho chúng tôi được giúp việc giảng hòa. 19 Ấy vì chính Thiên Chúa là Ðấng trong Ðức Kitô mưu cuộc giảng hòa thế gian với chính mình Người, không còn đếm xỉa đến các lỗi lầm của họ, và đặt trên chúng sứ mạng loan báo ơn giảng hòa. 20 Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, tin chắc rằng Thiên Chúa dùng chúng tôi khuyên bảo. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy lo làm hòa lại với Thiên Chúa. 21 Ðấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32): Em con đây đã chết mà nay sống lại.
1 Các người thu thuế, cùng những kẻ tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe lời Ngài. 2 Và Biệt phái kêu trách. Họ nói: "Ông ấy tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng". 3 Ngài mới nói cùng họ ví dụ này, rằng:
"Người kia có hai đứa con. 12 Con thứ nói với cha: "Thưa cha, xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!" Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó. 13 Không mấy ngày sau, con thứ thâu góp tất cả vốn liếng mà trẩy đi phương xa. Và ở đó, nó sống trác táng đã phá tan sản nghiệp."
14 "Khi nó tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó, lại xảy ra nạn đói kém khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải túng thiếu. 15 Nó đi sống bám nhờ một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. 16 Nó ước gì có thể lấy muồng muồng heo ăn mà thốn cho đầy bụng, mà cũng chẳng có ai mà bố thí cho nó. 17 Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao nhiêu người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! 18 Thôi dậy! tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người: "Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với trời và trước mặt cha; 19 con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin xử với con như một người làm công của cha thôi".
20 "Và nó đã chỗi dậy mà về cùng cha nó."
"Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương: chạy lại, ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để. 21 Người con mới nói với ông: "Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn đáng gọi là con cha nữa!" 22 Nhưng cha nó đã nói cùng tôi tớ: "Mau mau! đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó, và giày vào chân nó; 23 rồi đem con bò tơ nẫy mà hạ đi! ta phải ăn khao mới được, 24 Vì này con ta đây: nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được". Và người ta mở tiệc ăn khao."
25 "Nhưng con cả của ông thì ở ngoài đồng. Thoạt khi nó vừa lại gần nhà, thì nghe có đàn ca múa hát. 26 Chàng gọi một tên đầy tớ lại mà dò hỏi xem có gì thế. 27 Tên đầy tớ nói với chàng: "Ấy em cậu vừa về đó, và cha cậu đã cho hạ bò tơ nẫy, vì cụ đã được lại con an lành mạnh khỏe". 28Chàng liền nổi giận và không thèm vào nhà. Cha chàng phải ra dỗ chàng. 29 Chàng đáp lại mà nói với cha: "Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm cho ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông; thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn. 30 Còn khi thằng con ông này đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ nẫy mừng nó".
31 "Cha chàng mới nói: "Này con! con hằng ở luôn với cha, thì tất cả của cải cha đều là của con. 32Nhưng phải ăn khao mà mừng chớ, vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được".

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài đọc 1 (Gs 5, 9a.10-12) là một đoạn văn tuy ngắn nhưng rất quan trọng đối với lịch sử Ít-ra-en và lịch sử Cứu Độ. Cuộc giải thoát và xuất hành của Ít-ra-en chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi họ đặt chân vào Đất Hứa. Quảng thời gian 40 năm đi loanh quanh trong sa mạc là thời gian thanh luyện và thử thách lòng tin. Lịch sử đã cho thấy không một người Ít-ra-en nào đã ra khỏi đất Ai-cập mà vào được Đất Ca-na-an. Tất cả những người ấy đã chết trong hoang địa, kể cả ông Mô-sê. Chỉ những người sinh ra trong hoang địa và vững lòng tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa mới được cùng ông Giô-suê bước vào vùng Đất Hứa mà thôi.
à Trong đoạn sách Giô-suê trên, chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng có kế hoạch đàng hoàng, có chương trình hẳn hoi, có dự phòng tất cả. Hành động nào, lời nói nào của Thiên Chúa cũng mang một ý nghĩa. Mỗi hành động, mỗi lời nói ấy có thời điểm của nó. Ví dụ trong sa mạc dân sống nhờ man-na, trong Đất Hứa dân sống bằng bánh là sản phẩm làm từ lúa là sản phẩm của đất và dân sẽ cử hành lễ Vượt Qua mà tưởng nhớ công ơn giải thoát của Thiên Chúa.

3.1.2 Bài đọc 2 (2 Cr 5,17-21) là những lời giãi bày chí lý của Thánh Phao-lô Tông đồ nhằm khuyên nhủ các tín hữu Cô-rin-tô hãy biết làm hòa với Thiên Chúa là Đấng luôn mở rộng tấm lòng và bàn tay để thứ tha tội lỗi. Bằng chứng hùng hồn là Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, đã mang lấy tội lỗi nhân loại trên hai vai của Người, để loài người được hòa giải, được thứ tha
àTrong đoạn 2 Cr 5,17-21 trên, chúng ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương, rộng lượng và sáng tạo như thế nào để loài người chúng ta không phải chết vì tội lỗi do chúng ta đã phạm; mà trái lại, chúng ta còn được thứ tha và hòa giải với chính Đấng mà chúng ta xúc phạm. Thiên Chúa thực hiện công trình kỳ diệu này nhờ Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô Đấng đã hy sinh mạng sống mình trên Thập Giá, để chuộc lại cho Thiên Chúa những tội nhân là tất cả chúng ta.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32) là một trong ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Tin Mừng Lu-ca và là dụ ngôn nhiều ý nghĩa nhất. Nhân vật  người con hoang đàng làm nổi bật tấm lòng của người cha nhân hậu.
à Qua dụ ngôn người cha nhân hậu trong Phúc Âm Lc 15,1-3.11-32, Chúa Giê-su muốn cho chúng ta thấy tấm lòng của Thiên Chúa là như thế nào khi một người con dại dột sống theo ý mình là: (a) bỏ nhà cha đi hoang, (b) phung phí tài sản là ơn huệ của Thiên Chúa, (c) tìm thú vui trần tục, chóng qua trong đời sống tội lỗi. Những hành động ấy là tội tày trời phạm đến Thiên Chúa và làm mất tư cách và quyền làm con. Nhưng đối với Thiên Chúa thì chỉ có một điều đáng kể là việc người con sám hối trở về. Nên Thiên Chúa đã thể hiện tấm lòng của mình một cách tuyệt vời là: (a) quên hết quá khứ mà chỉ nghĩ tới hiện tại và tương lai nên vui sướng đón nhận con, (b) bù đắp một cách ngoài sức tưởng tượng cho đứa con dại dột mà đi hoang, đứa con “đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy”, (c) bênh vực đứa con hư trở về khi người anh có thái độ phản đối và so sánh.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa    
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là dù yếu đuối, tội lỗi đến mức nào đi nữa, chúng ta cũng có thể trông cậy vào lòng Chúa là Cha yêu thương và tha thứ nếu chúng ta biết ăn năn sám hối và quay trở về với Thiên Chúa để được Người thứ tha, đón nhận và hồi phục chức danh làm nghĩa tử mà chúng ta đã dại dột đánh mất khi xúc phạm đến Người.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa
Là Đấng không muốn cho bất cứ tội nhân nào phải hư mất mà trái lại muốn mọi tội nhân ăn năn sám hối và trở về với Người. Thiên Chúa, vì lòng từ bi nhân hậu không bờ bến, sẽ bù đắp cho những kẻ lỡ lầm và phục hồi phẩm giá và tước vị làm con cho những kẻ ấy. Tâm tình thích hợp là cảm tạ, ngợi khen và ngưỡng mộ đối vời Thiên Chúa của chúng ta.

4.2 Thực thi Sứ điệp của Người  
 Tôi xét mình xem:
* Tôi ý thức như thế nào về tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình?
* Tôi có thật sự muốn từ bỏ tội lỗi và cải thiện tình trạng yếu đuối về mặt tâm linh của mình không?
* Tôi có đặt hết lòng cậy trông, tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa là Cha mà ăn năn sám hối và quay trở về với Thiên Chúa không?
* Tôi có thực sự trân trọng và khát khao tư cách làm con của Cha trên trời không? Tôi đã làm những gì để thể hiện lòng trân trọng và khát khao ấy?

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
5.1 «Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho loài người ở khắp năm châu bốn bể, nhất là cho những người đang phải sống trong cảnh ngục tù nô lệ, để mọi người được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh ô nhục của kiếp người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

5.2 «Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho Hội Thánh Công giáo Rô-ma những vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn đễ lãnh đạo cộng đoàn tín hữu một cách thích hợp và hữu hiệu nhất.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

5.3 «Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người đang sống trong tội lỗi để họ được ơn hoán cải mà quay về làm hòa cùng Thiên Chúa chí thánh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

5.4 «Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy ý thức và trân trọng tước vị và gia sản của mình là những kẻ được làm con Thiên Chúa, mà sống tốt lành thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét