THỬ ĐỌC KHÁI NIỆM “GIÁO HỘI” QUA LĂNG KÍNH KHÁI NIỆM “NƯỚC THIÊN CHÚA”
Liên quan đến nỗ lực suy tư về GIÁO HỘI, có một nghịch lý là có một đề tài mà lúc còn sống cuộc sống xác thể, Đức Giêsu có vẻ như quan tâm nhiều nhất và nhấn mạnh nhiều nhất, nếu không muốn nói đó là trọng tâm của nỗ lực loan báo Tin Mừng của Ngài, qua trên dưới 44 dụ ngôn, và rải rác đó đây trong trong toàn bộ Sách Tin Mừng Tân Ước, nhưng Giáo Hội Công giáo thì lại không mấy quan tâm: đó là khái niệm “NƯỚC THIÊN CHÚA”, hay “NƯỚC TRỜI”…
Thật vậy, có thể nói rằng hầu như Bốn sách Tin Mừng rất ít khi sử dụng hạn từ hay khái niệm “GIÁO HỘI” (chỉ 3 lần nơi Mt 16,18; 18,17); hạn từ nầy chỉ thấy xuất hiện nhiều trong Sách Công vụ (19 lần), các thư Tân Ước (5 lần trong Rm; 14 lần trong 1Cr; 10 lần trong 2Cr; 3 lần trong Gl; 9 lần trong Ep; 2 lần trong Pl; 4 lần trong Cl; 2 lần trong 1Tx; 2 lần trong 2 Tx; 3 lần trong 1Tm; 1 lần Plm; 1 lần trong Gc; 3 lần trong 3 Ga), và trong Sách Khải huyền (20 lần)…
Tình trạng lúng túng của các nhà thần học bao nhiêu thế kỷ qua khi cố gắng đưa ra một “định nghĩa” về Giáo Hội và xác định thời điểm Đức Giêsu thành lập Giáo Hội “lúc nào?”, thậm chí cả nơi Công đồng VATICAN II, trên thực tế, phản ảnh cho thấy hình như nỗ lực suy tư thần học về Giáo Hội, một đàng, đã có một khởi điểm “có vấn đề”; đàng khác, kể cả suy tư về bản chất, căn tính của Giáo Hội cũng “có vấn đề”! Điều nầy được phản ảnh khá rõ ràng và mang nhiều ý nghĩa trong một công thức rất tuyệt vời của “Công đồng Giêrusalem” đã ngày càng bị cắt cụt đi: từ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28), dần dần trở thành chỉ còn “Chúng tôi quyết định…”, thậm chí có lúc chỉ còn “Magister dixit…”!
Vì thế, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải suy tư lại về những vấn đề liên quan đến căn tính của thực tại vốn vẫn thường được gọi là “Giáo Hội” nầy.
Ở đây, như một bước đầu mò mẫm, chúng tôi mạo muội đề xuất một lối đọc khái niệm Giáo hội qua lăng kính khái niệm Nước Thiên Chúa.
Những khái niệm “Vương quyền của Thiên Chúa” (Règne de Dieu ou Règne des cieux) [Cựu Ước sử dụng 7 lần; Tân Ước sử dụng 42 lần], hay “Nước Thiên Chúa” (Royaume de Dieu) [Tân Ước sử dụng 36 lần], hay “Nước Trời” (Royaume des Cieux) [Tân Ước sử dụng 28 lần, chủ yếu bởi Mt, vì kiêng húy Danh Thiên Chúa]…, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, nói chung, đều ám chỉ “Tương quan Tình yêu giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài”.
Khi nói “Tương quan Tình yêu”, điều nầy hàm chứa những yếu tố sau đây:
1- Các “đối tác” (les “partenaires”) trong tình yêu: một bên là Thiên Chúa (Cha, Con và Thánh Thần) và một bên là các thụ tạo của Ngài (các thiên thần, Satan, Ma quỉ, con người, thiên nhiên-vũ trụ…);
2- Thực tại, kết quả của chính những tương quan Tình yêu đó…
I- CÁC “ĐỐI TÁC”:
I.A- Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa:
Trong Cựu Ước (CƯ), khái niệm “Ba Ngôi” (Cha, Con và Thánh Thần) đã tồn tại, nhưng, chưa mấy rõ ràng và cụ thể, chỉ mới dưới dạng: Thiên Chúa, Lời hay Sự Khôn Ngoan và Thần Khí…
Trong ngôn ngữ Tân Ước (TƯ), dung mạo Ba Ngôi Vị Thiên Chúa (Cha, Con và Thánh Thần) đã được mặc khải cách rõ ràng hơn, có tính ngôi vị hơn và có tính hiện sinh hơn…
Trên cơ sở “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8; xem Is 54,8; Hs 11,1-9; Gr 31,3,20), thần học kitô-giáo suốt hơn 20 thế kỷ qua đã suy tư, và đã hiểu sự hiện diện của Ba Ngôi Vị Thiên Chúa qua lăng kính các mối tương quan tình yêu: Cha “Yêu” nhiệm sinh ra Con, bởi vì khi nói yêu thì phải là yêu “Ai đó”, vừa khác mình vừa giống với mình (Lc 3,22; Cv 13,33; Dt 1,5; 5,5; 1Ga 5,18); Cha và Con yêu nhau “ái xuất” (spiration active) Thần Khí (spiration passive), vừa là của Cha (Mt 3,16; 10,20; 12,28; Ga 14,26; 15,26; 1Cr 6,11; v.v…), vừa là của Con (Ga 7,39; 14,26; Cv 2,33; 5,9; Rm 8,9; v.v…)…
I.B- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và Các Thụ tạo của Ngài:
I.B.1- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và các thụ tạo thiên thần (lành và dữ):
Trong ngôn ngữ CƯ, tương quan giữa Thiên Chúa và các thiên thần (lành và dữ) được quan niệm như khá thân mật, gần gũi.
Các thiên thần lành chủ yếu được coi như là những đấng được Thiên Chúa sai đi, vừa loan tin vừa thực thi các mệnh lệnh của Ngài (St 24,7; Xh 23,20; Ds 20,16; Tv 91,11; Đn 3,28; 6,23; v.v…):
“Vì ngươi, Ngài ra lệnh cho các thiên thần. để gìn giữ ngươi trên mọi lối ngươi đi…” (Tv 91,11 tt).
“Thiên Chúa sai một thần sứ đến Giêrusalem để tàn sát thành; trong khi ngài tàn sát, thì Giavê thấy và Ngài đã hối tiếc về tai họa xảy ra và Ngài phán với thần sứ tàn sát: ‘Đủ rồi! Bây giờ hãy nới tay!’.” (1 Sb 21,15; xem Đn 6,23).
Còn Satan, thiên thần sa ngã, được coi như là “kẻ thử thách” con người:
Ở đây, câu truyện Gióp (G) cung cấp cho chúng ta một số ý nghĩa đặc trưng khá độc đáo: a) Satan được hành xử với sự cho phép của Thiên Chúa (G 1,12); b) công việc diễn tiến được coi như một vụ thách thức giữa Thiên Chúa và Satan (G 1,8-12); c) Thiên Chúa chấp nhận thách thức với niềm tin chắc chắn Ngài sẽ chiến thắng và con người cũng sẽ chiến thắng (G 2,3; 42,2.10-17); d) những khí cụ đề Gióp chiến thắng là: liêm khiết và chính trực, kính sợ Thiên Chúa và xa điều gian ác (G 1,8).
“Một ngày kia, các con cái của Thiên Chúa đến ra mắt Giavê và Satan cũng có mặt giữa họ. Giavê phán hỏi Satan: ‘Ngươi từ đâu đến?’ Satan thưa với Giavê: ‘Đi lởn vởn và lang thang trên đất’. Giavê lại phán hỏi Satan: ‘ Ngươi có lưu ý gến Gióp, tôi tớ của Ta chăng? Trên đất, chẳng có ai như nó: Một người liêm khiết và chính trực, kính sợ Thiên Chúa và xa điều gian ác.” (G 1,6-12).
Trong ngôn ngữ TƯ, trước tiên, tương quan giữa Thiên Chúa và các thiên thần lành vẫn vậy, nghĩa là các thiên thần lành vẫn là những thần sứ của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đi loan báo và thực thi các mệnh lệnh của Ngải (Mt 1,20; 13,41; 16,27; Lc 1,26; 12,8-9; 15,10; Ga 1,51; v.v…):
“Và Ngài nói với ông: ‘Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người’.” (Ga 1,51).
Còn tương quan giữa Thiên Chúa và các thiên thần dữ, trong ngôn ngữ TƯ, có vẻ phức tạp hơn.
Satan, trước tiên, là kẻ thách thức Thiên Chúa và thử thách con người, những con cái của Thiên Chúa: Ba cám dỗ mà Satan đã dùng để thử thách Đức Giêsu (Mt 4,1; Mc 1,13; Lc 4,2) liên quan đến những vấn đề cơm bánh, quyền lực và muốn thách thức Thiên Chúa.
Và để chiến thắng, ngoài những khí cụ truyền thống, Đức Giêsu còn cung cấp thêm một khí cụ mới đó là Lời Thiên Chúa mà Ngài chính là hiện thân.
Thứ đến, Satan còn là kẻ phá đám công trình của Thiên Chúa đối với loài người (Mt 13,25.28.39; Mc 4,14; Lc 8,12)!
“Bấy giờ, Ngài bỏ dân chúng mà về nhà. Môn đồ đến gặp Ngài mà rằng: ‘Xin nói rõ cho chúng tôi hiểu ví dụ cỏ lùng trong ruộng!’ Đáp lại, Ngài nói: ‘Kẻ gieo giống tốt tức là Con Người; ruộng là thế gian; giống tốt là con cái của Nước; cỏ lùng là con cái Quỉ dữ; kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ; mùa gặt là thời tận thế; và thợ gặt là các thiên thần.” (Mt 13,36-39).
Tuy nhiên, mọi thách thức và thử thách của Satan đối với Đức Giêsu, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa đều thất bại:
“Rồi sẽ là cùng tận, lúc Đức Giêsu-Kitô trao trả vương quyền cho Thiên Chúa và là Cha, sau khi đã hủy ra không, mọi thiên phủ, mọi uy thế và quyền năng. Vì Ngài phải giữ quyền vua cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài. Địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết. Vì: muôn sự Ngài đã bắt phục cả dưới chân Ngài. Khi nói: muôn sự phải phục quyền, thì đã rõ là chỉ trừ Đấng đã bắt muôn sự phục quyền Đức Giêsu-Kitô. Vì khi mọi sự đã phục quyền mình, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (1Cr 15,24-28).
I.B.2- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và nhân loại:
Liên quan đến tương quan giũa Thiên Chúa và con người, ngôn ngữ CƯ thường nhấn mạnh tương quan giữa Đấng Sáng tạo và Thụ tạo (Gr 51,19; 2 Mcb 7,23), và trong tương quan với dân Israen, Thiên Chúa tỏ ra như là Mục Tử [vừa là người lãnh đạo, vừa là bạn đồng hành] (1 Sm 17,34-37; Cn 27,23; St 33,13tt; Is 40,11; 2 Sm 12,3; v.v.), như là Cha (Đnl 14,1; 32,6; Hs 2,1) và như là vị Hôn Phu (Hs 2,20tt; Gr 2,2; 31,3; Ed 16,1-43.59-63; Is 54,4-8; v.v.)…
Nếu trong CƯ, khía cạnh “Cha-con” thường chỉ được hiểu theo nghĩa tương quan giữa Thiên Chúa và tập thể dân Israen, hơn là một cá nhân nào đó cụ thể (Đnl 14,1; 32,6; Hs 2,1), và thường có kèm theo những điều kiện, đôi khi có vẻ như mang tính vụ lợi (?) (Đnl 29,19; Ed 35,11-15;v.v.), thì trong TÂN ƯỚC, tương quan tình yêu nầy luôn mang tính vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới…
“Mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta, ngõ hầu nhờ sự kiên nhẫn và an ủi của Kinh Thánh, ta được có hy vọng. Nguyện xin Thiên Chúa, nguồn kiên nhẫn và an ủi, ban cho anh em được ý hợp tâm đồng với nhau rập theo Đức Kitô Giêsu, ngõ hầu anh em được cùng một lòng trí, một miệng lưỡi, mà tôn vinh Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu-Kitô.
Bởi đó, anh em hãy chấp nhận lẫn nhau, như Đức Kitô đã chấp nhận anh em, vì vinh quang Thiên Chúa.
Tôi muốn nói: Đức Kitô đã phục vụ giới cắt bì, để (chứng thực) lòng chân thành của Thiên Chúa, làm cho các lời hứa trên cha ông được nên kiến hiệu. Còn dân ngoại (đã được chấp nhận) vì lòng nhân nghĩa, để họ tôn vinh Thiên Chúa, như đã viết: …” (Rm 15,4-9).
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, trong ngôn ngữ TƯ, tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và các thụ tạo, vừa có tính liên ngôi vị hơn, vừa có tính không lệ thuộc nguyên lý nhân-quả…
1- Những tương quan liên ngôi vị:
Trong thực tại thần linh, cũng như trong kế đồ tế thế (économie): đó là những tương quan giữa Cha, Con và Thánh thần (Ga 3,35; 5,20; 15,9; Mt 28,19; 1Cr 6,11; Tt 3,4-6; v.v.).
Trong tương quan vói con người, đó là những tương quan giữa từng Ngôi Vị với từng cá thể (Ga 16,27; Rm 15,15-16) vừa vì lợi ích cá thể, vừa vì lợi ích của tập thể (1Cr 12,4-6.11; 2Cr 13,13; Ep 4,4-6; Ga 17,22).
1.1- Tương quan Cha-con trong Đức Giêsu-Kitô:
Trong TƯ, tương quan Cha-con giữa Thiên Chúa và con người được nhấn mạnh và làm sáng tỏ nhiều hơn trong CƯ (Mt: 21 lần; Mc: 1 lần; Lc: 3 lần; Ga: 2 lần; Rm: 2 lần; 1Cr: 1 lần; Gl: 2 lần; Ep: 3 lần; Pl: 2 lần; Cl: 2 lần; 1Tx: 2 lần; Plm: 1 lần; v.v…).
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có được “tư cách con” và được tháp nhập vào Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô qua và trong Đức Giêsu-Kitô mà thôi:
“Chúc tụng Thiên Chúa, và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu-Kitô, Đấng đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần Khí, chốn hoằng thiên, trong Đức Kitô.
Bởi chưng, Thiên Chúa-Cha đã chọn ta trong Đức Giêsu-Kitô, từ trước tạo thiên lập địa, để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Ngài.
Bởi lòng yêu mến, Thiên Chúa-Cha đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu-Kitô, và vì Ngài, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Ngài…” (Ep 1,3-5)
“Mỗi người chúng ta đã được ân sủng ban xuống tùy theo lường ân lộc của Đức Kitô. Bởi thế có nói:
Ngài đã lên cao, dẫn tù một đám tù binh,
Ngài đã ban ân lộc cho nhân loại.
Tiếng ‘Ngài lên’ là gì nếu không phải là Ngài đã xuống dưới thấp cõi đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên, trên mọi tầng trời, để làm viên mãn mọi sự. Và chính Ngài đã ‘ban cho’: kẻ thì làm tông đồ, kẻ thì làm tiên tri, người thì làm giảng viên, kẻ thì làm vị chăn chiên, làm thầy dạy, cốt để chuẩn bị các thánh, cho họ sung vào công cuộc phục vụ, mà xây dựng Thân Mình Đức Kitô, cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu được sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa, mà nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô…” (Ep 4,7-13).
1.2- Tương quan Cha-con trong Thần Khí của Cha và của Con:
Trước tiên, chính Thần Khí của Cha làm cho chúng ta trở thành con cái hay những nghĩa tử của Thiên Chúa:
“Vì chưng phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa. Quả thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đả chịu lấy, để mà sợ hãi. Nhưng anh em đã chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó, ta kêu lên: Abba, lạy Cha! Chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa…” (Rm 8,14-16).
Thứ đến, ngay cả tiếng kêu “Lạy Cha!” của chúng ta đối với Thiên Chúa, tự mình chúng ta cũng không thể làm được, nếu không nhờ Thần Khí của Con trong chúng ta kêu lên:
“…Mà bởi vì anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Ngài vào lòng anh em, (Thần Khí) kêu lên: Abba, lạy Cha. Cho nên người không còn là nô lệ, nhưng là con, mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự thể theo (ý của) Thiên Chúa.” (Gl 4,6-7).
Như vậy, cùng với Gl 2,20, Gl 4,6-7 cho chúng ta thấy được có một sự hiệp nhất trên cơ sở “ngôi vị” nào đó giữa những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa với Thiên Chúa-Ba Ngôi, từ đó con người mới có thể sống được sự sống vĩnh hằng, điều mà ngay từ lúc tạo dựng Thiên Chúa đã muốn chia sẽ cho mọi thụ tạo của Ngài (xem thêm Ep 4,7-13). Việc nghiên cứu tương quan giữa Thần Khí Thiên Chúa và các thụ tạo, đặc biệt con người sẽ cho phép chúng ta khám phá ra được nhiều điều thú vị và ý nghĩa hơn nữa (xem Mc 1,8; 12,36; 13,11; Lc 1,41.67; 2,26-27; Ga 3,6-8; 6,63; 7,39; Cv 1,5; 2,4.17-18.38; 4,8.31; 5,32; 6,3.5; 8,17.29.39; 9,17.31; 10,19.44; 11,12.24; 13,2.4.9; 15,58; 16,6-7; 20,22-23.28; 21,4.11; Rm 8,11-27; 15,13.16.19.30; 1Cr 2,4.10.13; v.v…).
2- Những tương quan không dựa trên nguyên lý nhân-quả:
Những tương quan thuộc thế giới “tự nhiên” thông thường lệ thuộc “phạm trù
không-thời gian” (catégorie spatio-temporelle). Tương quan giữa Thiên Chúa với nhau và với các thụ tạo của Ngài, vừa không lệ thuộc những phạm trù không-thời gian mà siêu vượt chúng, vừa vượt quá khái niệm công bằng của CƯ (kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”, hay làm nhiều thì phải được hưởng nhiều), bởi vì đó là những tương quan tình yêu, và vì thế lý trí không thể nào lý hội được hoàn toàn theo kiểu thông thường, mà cần phải có sự can dự của trái tim (Ga 3,16; Lc 6,27-36; Mt 5,43-48; 20,1-16; Lc 8,20-21; 15,11-32; 18,9-14; v.v.)…
Hai đặc tính trên đây chính là những yếu tố thuộc yếu tính của khái niệm “mầu nhiệm”. Thật vậy, mầu nhiệm chính là thực tại siêu việt thực tại “tự nhiên”, vốn vẫn hằng bị chi phối, cách chặt chẽ, bởi nguyên lý nhân-quả: chính đặc tính qui luật nầy khiến cho lý trí, chỉ dựa trên khả năng tự nhiên của mình vẫn có thể nắm bắt được thực tại tự nhiên nầy, và có thể trình bày chúng cách chính xác, rõ ràng và cụ thể qua những khái niệm, những hình ảnh và những biểu tượng…Còn khi đối diện với những gì liên quan đến mầu nhiệm, lý trí con người thường tỏ ra hụt hẫng, lúng túng, bối rối, từ đó có những phản ứng khác nhau: hoặc là khiêm tốn nhận ra giới hạn của lý trí, hoặc là nổi loạn, phủ nhận, từ chối mầu nhiệm trên cơ sở bởi vì lý trí không nắm bắt được! Mầu nhiệm không phi tự nhiên mà là siêu việt lên trên tự nhiên…
I.B.3- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và Thế giới (= Thế gian):
Trong ngôn ngữ CƯ, tất cả gì Thiên Chúa tạo dựng nên đều tốt đẹp cả:
“Và Thiên Chúa đã thấy mọi sự Ngài đã làm ra: và nầy tốt lành quá đỗi…” (St 1,1-31).
Và, tất cả được tạo dựng nên là vì con người:
“Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Ngài đã dựng nên chúng. Và Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng, và Thiên Chúa đã phán bảo chúng: ‘Hãy sinh sôi nẫy nở và hãy đầy dẫy trên đất. Và hãy bá chủ nó! Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất’.
Và, Thiên Chúa đã phán: ‘Này, Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lả sinh hạt giống có trên cả mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm của ăn cho các ngươi.
Và cho mọi loài sinh vật trên đất và mọi thứ chim trời, và mọi loài nhung nhúc trên đất, loài có sinh khí nơi mình, Ta ban các thứ cây cỏ xanh tươi làm của ăn’.” (St 1,27-30).
Trong ngôn ngữ TƯ, Thiên Chúa đã yêu thế giới đến nỗi đã thí ban Người Con Một của Ngài (Ga 3,16).
Ở đây, qui luật “tự hủy mình ra không” (kénose) có vẻ như là một qui luật phổ quát, vốn không chỉ được áp dụng nơi biến cố Nhập thể của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Đức Giêus-Kitô, mà còn áp dụng cho cả con người và vũ trụ:
“Tạo thành những ngong ngóng trông đợi thấy con cái Thiên Chúa được hiển dương. Tạo thành đã phải lụy phục sự hư luống – dẫu không muốn – nhưng, vì Đấng đã bắt nó phải lụy phục, với hy vọng là chính tạo thành cũng sẽ được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa. Bởi chưng, ta biết: tất cả tạo thành cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại ở cữ cho đến bây giờ. Nhưng, không chỉ có nó, song cả ta nữa, những kẻ hưởng khai ân của Thần Khí, ta cũng rên siết nơi mình ta, trông đợi [phúc nghĩa tử], sự cứu chuộc thân xác ta.” (Rm 8,19-23).
Rm 8,19-23, một đàng, cho chúng ta hiểu được vai trò quan trọng của vũ trụ vật chất, của thân xác trong công trình siêu độ của Thiên Chúa; đàng khác cũng cho chúng ta biết rằng cả vũ trụ vật chất, cả thể xác cũng nằm trong kế đồ siêu độ của Thiên Chúa: để trở thành Trời mới, Đất mới và Con người mới (Kh 21,1-8).
II- THỰC TẠI ĐƯỢC TẠO RA DO HỆ QUẢ CỦA TƯƠNG QUAN TÌNH YÊU GIỮA THIÊN CHÚA-BA NGÔI VÀ CÁC THỤ TẠO CỦA NGÀI:
Để biểu hiện Thực tại mầu nhiệm nầy, Thánh Kinh sử dụng nhiều hạn từ, hình ảnh khác nhau, nhằm bổ sung cho nhau, bởi vì mỗi hạn từ hay mỗi hình ảnh chỉ phản ảnh được một khía cạnh hay một yếu tố nào đó của Thực tại đó mà thôi…
Để diễn tả khía cạnh đó là một Thực thể sống, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm như: Cây nho và cành nho, hạt giống nẫy mầm, men
Để diễn tả khía cạnh đó là một Thực thể có chủ thể tính, ngôi vị tính, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm: Thân Mình hay Thân Thể, là Hình ảnh Thiên Chúa…
Để diễn tả khía cạnh đó là những tương quan sống với nhau, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm: Nước Thiên Chúa, Nước Trời…
Để diễn tả khía cạnh đó là một cơ cấu có tổ chức, được phân công phân nhiệm rõ ràng, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm: Thân Mình (có đầu và các chi thể khác biệt nhau), Giáo hội…
Để diễn tả đặc tính phổ quát của Tinh yêu của Thiên Chúa và của con người, Thánh Kinh sử dụng hình ảnh: Lưới bắt được mọi thứ cá…
Tóm lại, có thể nói rằng, trong ngôn ngữ TƯ, nếu nhìn từ góc độ những mối tương quan, được gọi là “Nước Thiên Chúa”, “Nước Trời”; nếu nhìn từ góc độ cơ cấu tổ chức, được gọi là “Giáo hội”; còn nếu nhìn từ góc độ thực tại sống động, được gọi là Thân Mình Đức Giêsu-Kitô.
Nếu nhìn từ góc độ “Nước Thiên Chúa”, có ba vấn đề cần phải được xem xét:
a. Tương quan giữa Cha và “Nước Thiên Chúa”;
b. Tương quan giữa Con và “Nước Thiên Chúa”;
c. Tương quan giữa Thần Khí và “Nước Thiên Chúa”.
Nếu nhìn từ góc độ “Thân Mình Đức Giêsu-Kitô”, kể cả góc độ “Cơ cấu tổ chức”, có hai vấn đề cần được xem xét:
a) Chiều kích vĩ mô của Nước Thiên Chúa: Giáo hội như
Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô;
b) Chiều kích vi mô của Nước Thiên Chúa: con người như hình ảnh của Thiên Chúa.
Ở đây, chúng tôi sẽ chọn lựa phương án tổng hợp hai góc độ nhìn nầy với nhau.
II.1- CHIỀU KÍCH VĨ MÔ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA: GIÁO HỘI NHƯ THÂN MÌNH ĐỨC GIÊSU-KITÔ:
Ở đây, có ba vấn đề sẽ được lần lượt xem xét:
1- Nguồn cội tam vị của Nước Thiên Chúa (hay Giáo hội);
2- Sự phát triển của Nước Thiên Chúa hay của Giáo hội.
3- Giáo hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời và Con Thiên Chúa…
II.1.a - NGUỒN CỘI TAM VỊ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA (hay GIÁO HỘI):
Như phần trên chúng tôi đã khái quát phân tích, nguồi cội tam vị của Nước Thiên Chúa hay Giáo hội phải được tìm kiếm ngay trong chính những “nhiệm xuất’ của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi.
Thật vậy, trước tiên, nếu Con, Ngôi Lời là nguyên lý của công trình Tạo dựng (x. Ga 1,3), thì hành vi nhiệm sinh ra Con cũng chính là hình ảnh và là nguồn gốc của hành vi sinh ra Nước Thiên Chúa hay Giáo hội. Điều đó có nghĩa là: Cũng như Cha “Yêu Con” “sinh ra” Con, và Con là Hình Ảnh của Cha và giống như Cha, cũng vậy, qua Tình yêu đối với Con và trong Con, Cha “Yêu” các thụ tạo và các thụ tạo bắt đầu hiện hữu:
“Cha yêu mến Con, và đã ban cho mọi sự trong tay Ngài” (Ga 3,35).
“Quả vì Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Người Con một…” (Ga 3,16).
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính Mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x.Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4).” (DV 2).
Cách đặc biệt, con người được tạo dựng “theo Hình Ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26-27). Thế mà, Đức Giêsu-Kitô chính là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình:
“Đức Giêsu-Kitô chính là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình.” (Cl 1,15; xem thêm 1Cr 11,7; 2Cr 4,4).
Điều nầy, trước tiên, có nghĩa mô hình chuẩn của con người chính là Con, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể, là Đức Giêsu-Kitô. Điều nầy liên quan không chỉ đến hành động mà cả đến chính hữu thể của con người:
“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20; x. Gl 4,6-7).
Điều nầy chính là cơ sở của những hành vi nhận là của mình (appropriations) và thông ban cho (communications), trong ngôn ngữ kitô-học.
Thứ đến, cũng như hành vi Cha và Con Yêu nhau “ái xuất” ra Thần Khí như một Ngôi Vị và như Ân huệ, cũng vậy, hành vi Cha và Con, cùng yêu các Thụ tạo “ái xuất” ra Thần Khí của Nước Thiên Chúa hay của Giáo hội, Thần Khí mà vốn là Nguyên lý hiệp nhất của mọi Thụ tạo. Đó chính là cơ sở của tương quan giữa Thần Khí và Nước Thiên Chúa hay Giáo hội.
“Cha yêu mến Con, và đã ban cho mọi sự trong tay Ngài.” (Ga 3,35).
“Ai khát thì hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ tin vào Ta thì như Thánh Kinh đã nói: Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống. Điều ấy, Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Kitô chưa được tôn vinh.” (Ga 7,37-39).
Ga 7,37-39 cho thấy có sự phân biệt giữa Thần Khí của Cha và Thần Khí của Con Nhập thể (xem Mt 10,20; 12,18; Ga 14,26; Cv 2,17-18; 8,39; Rm 8,9.11; v.v…).
Ngoài ra, tuy cũng cùng một Thần Khí, nhưng mỗi người sẽ được ban cho cách riêng và khác nhau, vì mục đích chung:
“Đặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thần Khí. Phục vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa. Kỳ công chia làm nhiều , nhưng cũng là một Thiên Chúa, Đấng ra uy làm nên mọi sự nơi mọi người. Thần Khí hiển thị (như vậy) được ban xuống cho mỗi người để mưu lợi ích chung.” (1Cr 12,4-7).
Sau cùng, cũng như Tinh yêu làm cho các Ngôi Vị tương ngụ và hiện diện trong nhau, cũng vậy, chỉ có tình yêu mới làm cho các Thụ tạo, đặc biệt con người vốn được tạo dựng nên theo Hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, tương ngụ và hiện diện trong Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi và trong nhau.
“Vậy, bây giờ án phạt không có nữa cho những ai ở trong Đức Kitô Giêsu. Vì luật Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu cho ngươi được tự do thoát luật của sự tội và sự chết […]. Vì chưng, hứng theo xác thịt là làm nghịch với Thiên Chúa. Nhưng, anh em không theo xác thịt, mà là Thần Khí, nếu thực có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em.ông có Thần Khí Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài. Nhưng, nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì tuy thân xác vẫn là đồ chết, vì tội, nhưng Thần Khí là sự sống vì Đức công chính. Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dỡ của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Ngài cư ngụ trong anh em.” (Rm 8,1-11).
Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa là tác giả của Công trình Nước Thiên Chúa, thì sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa cũng là sứ mạng của các Ngài.
Trước tiên, đó là sứ mạng của Cha:
“Quả vì Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Người Con một…” (Ga 3,16).
Thứ đến, ý nghĩa và mục đích của cả cuộc đời trần thế của Đức Giêsu chẳng là gì khác hơn ngoài những công việc nầy:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời,
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như ở trên trời…” (Mt 6,9-10)
(Bản Pháp ngữ của TOB:
“Notre Père qui est aux cieux,
fais connaître à tous qui tu es
fais venir ton Règne,
fais se réaliser ta volonté
sur la terre à l’image du ciel”).
Trong ngôn ngữ của Thánh Phaolô, điều nẩy được trinh bày như sau:
“Rồi sẽ là cùng tận, lúc Đức Giêsu-Kitô trao trả vương quyền cho Thiên Chúa và là Cha, sau khi đã hủy ra không, mọi thiên phủ, mọi uy thế và quyền năng. Vì Ngài phải giữ quyền vua cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài. Địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết. Vì: muôn sự Ngài đã bắt phục cả dưới chân Ngài. Khi nói: muôn sự phải phục quyền, thì đã rõ là chỉ trừ Đấng đã bắt muôn sự phục quyền Đức Giêsu-Kitô. Vì khi mọi sự đã phục quyền mình, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (1Cr 15,24-28).
Đó cũng chính là Ý Nghĩa và Mục Đích của Lịch Sử, của Các Công trình Sáng Tạo, Mặc Khải và Siêu Độ…(x. DV số 1).
Sau cùng, đó là sứ mạng của Thần Khí. Nếu trong Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, Thần Khí Tình Yêu là Đấng nối kết Tinh yêu giữa Cha và Con, cũng vậy, trong tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi với các Thụ tạo của Ngài, chính Thần Khí Tình yêu là Đấng liên kết giữa các “đối tác” nầy lại với nhau. Không có Thần Khí Tình yêu, không thể diễn ra bất cứ hảnh vi yêu thương nào…
Thần Khí Tình yêu không chỉ hiện diện trong nội thân Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, và khiến cho Tình yêu vận hành giữa Ba Ngôi với nhau mà còn cả trong Kế đồ Tế thế (Économie du Salut) nữa: trong Công trình sáng tạo (St 1,2.26-27), trong Công trình Nhập Thể, Làm Người và Siêu độ của Con-Ngôi Lời (Lc 1,35; Mt 1,20; 3,22; 4,1.17-21; Mc 1,10.12; Ga 1,32; v.v…).
Sự hiện diện của Thần Khí đối với Đức Giêsu-Kitô cũng phải trãi qua một quá trình tiệm tiến, hay nói theo ngôn ngữ triết học hiện sinh, trong suốt hành trình trần thế của Đức Giêsu, Thần Khí của Cha vẫn “hiện hữu” nơi Ngài (existe en Lui), nhưng chưa hoàn toàn “hiện diện” đối với Ngài (Lui est présent), hay nói cách khác, chưa là “của riêng Ngài” (son propre):
“…Điều ấy, Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh.” (Ga 7,39).
Khi nói “vì Thần Khí chưa có”, điều nầy muốn ám chỉ rằng Thần Khí của Cha chỉ trở thành Thần Khí của Con trong giây phút mà Đức Giêsu-Kitô đã hoàn toàn tận hiến tất cả những gì Ngài “có”, thậm chí cả đến Thần Khí của Cha trong Ngài:
“Khi đã nếm dấm rồi, Đức Giêsu nói: ‘Đã hoàn tất’. Đoạn, gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần Khí” (Ga 19,30).
Chính qua hành vi tận hiến tất cả cho Cha trên Thập giá đó mà Cha đáp trả lại bằng cách cho Con tất cả gì Cha có, trừ cương vị là Cha:
“Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy. Vậy, được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống, đó là điều các ông thấy được và nghe được.” (Cv 2,32-33).
Chính nơi khoảnh khắc đó mà Thần Khí của Cha trở thành Thần Khí của Con, hay nói cách khác, mà Thần Khí hoàn toàn hiện diện đối với Con.
Và cũng chính khoảnh khắc đó nhân tính của Đức Giêsu mới thực sự trở thành nhân tính của Con, của Ngôi Lời Thiên Chúa, và hoàn toàn hiệp nhất với Ngôi Vị Con: chính trên cơ sở nầy mà Đức Giêsu-Kitô trở thành hiện thân của Nước Thiên Chúa; hay nói cách khác, đó chính là tình trạng “Viên Mãn” và “Thái Hòa” giữa ba yếu tố “Thiên-Địa-Nhân”, cơ sở nền tảng của Trời mới, Đất mới và Người mới (x. Kh 21,1-8).
Đó chính là ý nghĩa của hành vi nhận Thần Khí của Cha là của Mình của Đức Giêsu-Kitô (appropriation de l’Esprit).
II.1.b - SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA HAY GIÁO HỘI:
Sách Khải Huyền (Kh) cho chúng ta bằng chứng về quá trình phát triển mang chiều kích vĩ mô của Trời, Đất và Người:
“Và tôi đã thấy một trời mới và một đất mới, vì trời cũ, đất cũ đã qua, và biển không còn nữa. Và Thành thánh, Giêrusalem mới, tôi đã thấy tự trời xuống từ nơi Thiên Chúa, chỉnh tề như tân nương trang sức trang sức chờ đón đức lang quân.” (Kh 21,1-2).
Như trên đây chúng tôi đã phân tích, cũng như tương quan Tình Yêu trong nội thân Mầu nhiệm Thiên Chúa đã làm nẫy sinh các Ngôi Vị, cũng vậy, tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và các Thụ tạo của Ngài, cách tương tự, cũng làm nẫy sinh một Thực Tại có tính ngôi vị, có tính chủ thể, đó là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, tức là Giáo hội hay là Nuớc Thiên Chúa.
Khi nói Giáo hội là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, điều nầy không chỉ nhằm ám chỉ một chủ thể thống nhất, sống động, bao gồm những cá thể như những chi thể, mà hơn thế nữa có lẽ còn ám chỉ đó là một ‘ngôi vị” cánh chung mang chiều kích phổ quát. Ngôi vị hay Chủ thể hay Thân mình nầy, vì ở trong phạm trù không-thời gian, nên có một quá trinh phát triển lịch sử tiệm tiến như bất cứ thụ tạo nào.
Trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã ví Nước Thiên Chúa, trước tiên, như một “Hạt giống Lời” phải trãi qua những bước phát triển của nó: hạt giống phải tự hủy mình đi, nẫy mầm, lớn lên, cho bông hạt, và chim trời có thể đến và đậu lại trên đó…(x. Mt 4,14; 13,3132).
Quá trình phát triển của Nước Thiên Chúa cũng được ví với sự phát triển của nắm “Men bột”: men phải hòa mình vào với thúng bột thế gian để làm cho thúng bột đó dậy lên men tình yêu (x. Mt 13,33).
Quá trình đó cũng còn được ví như quá trình của “Ngọn lửa”: lúc ban đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ, và rồi dần dần sẽ cháy sáng lên thành ngọn lửa lớn tình yêu thắp sáng và giữ ấm cho thế gian (x. Lc 12,49).
Quá trình phát triển nầy không chỉ là công việc của thụ tạo mà còn là và chủ yếu là công việc của Thiên Chúa-Ba Ngôi:
“Ngài nói: ‘Về Nước Thiên Chúa, thì thế nầy: như khi người kia gieo giống xuống đất, thì dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ` nẫy mầm, lên đõn, mà người ấy không biết. Tự dưng, đất cho đậu; trước tiên thành mạ, rồi thành đòng đòng, rồi thành lúa chắc nơi gié. Và khi mùa màng cho phép tức thì liềm hái tra tay, vì mùa gặt đã đến.” (Mc 4,26-29; xem thêm 1Cr 15,24-28).
“Kẻ gieo giống tốt tức là Con Người; ruộng là thế gian; giống tốt là con cái của Nước; cỏ lùng là con cái Quỉ dữ; kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ…” (Mt 13,37-39).
Như vậy, kẻ gieo giống cũng như hạt giống chính là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Đức Giêsu-Kitô:
“…Người gieo giống là gieo Lời.” (Mc 4,14).
Đó chính là lý do tại sao Thánh Phaolô gọi Giáo hội hay Nước Thiên Chúa là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, hay nói cách khác, Đức Giêsu-Kitô chính là “hiện thân” của Nước Thiên Chúa (Cl 1,24).
Thật vậy, trong tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô và Nước Thiên Chúa, có vẻ như ngôn ngữ TƯ không chỉ muốn ám chỉ một sự nhận làm của mình (appropriation) không thôi, mà thậm chí còn cả một sự “ngôi hiệp cánh chung” (union hypostatique eschatologique) nào đó nữa, sự hiệp nhất giữa các chi thể và cái đầu của Thân thể để trở thành một Ngôi vị, một Chủ thể duy nhất:
“Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa;
ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện,
ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện,
thì ta sẽ được giống như Ngài,
vì Ngài thế nào, ta sẽ được thấy như vậy…” (1Ga 3,2; xem thêm Cl 1,18; Ep 1,22; 5,23; St 1,26-27).
Sự “ngôi hiệp cánh chung” nầy giữa các thụ tạo, cách đặc biệt con người, và Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, có cơ sở là sự ngôi hiệp giữa thần tính và nhân tính của Đức Giêsu-Kitô, vốn đạt đến tình trạng thành toàn và viên mãn nơi Biến cố Thập giá và Phục sinh của Ngài.
Về phía các thụ tạo, đặc biệt con người, đây là một quá trình “được thần linh hóa”, vừa mang tinh Kitô vừa mang tính Thần Khí.
Đặc tính là một thực thể sống nầy còn được diễn tả qua hình ảnh Cây Nho:
“Cây nho đích thực chính là Ta, và Cha Ta là người canh tác. […]. Cây nho chính là Ta, các ngươi là nhánh. Ai lưu lại trong ta và Ta trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gỉ.” (Ga 15,1.5).
Cũng như mỗi một chi thể trong thân thể không thể là thân thể, mà tất cả các chi thể phối hợp lại với nhau mới làm thành thân thể, cũng vậy, cả gốc, cả cây, cả các cành nho mới làm thành thân nho, và mới đâm hoa, kết trái được.
“Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình Ngài, tức là Hội Thánh, mà tôi đã trở thành người phục vụ, thể theo sự an bài của Thiên Chúa trao phó cho tôi, để lo cho anh em: viên thành (công việc của) Lời Thiên Chúa…” (Cl 1,24-25).
Cl 1,24-25, như vậy, một đàng, cho chúng ta thấy vừa chiều kích vĩ mô vừa chiều kích vi mô của Thân Mình Đức Giêsu-Kitô là chính Giáo Hội; đàng khác nhằm muốn ám chỉ có một sự “đồng hóa cánh chung” (identification eschatologique) nào đó giữa thụ tạo và Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đến nỗi nơi Ngài là hiện thân của Trời mới, Đất mới và Người mới (Kh 21,1-3).
Trong ngôn ngữ dụ ngôn, Lời Thiên Chúa đã được gieo vào, hay đúng hơn, đã tiềm ẩn trong “thế gian” (= thế giới) (Is 7,14; Mt 1,23; 13,38), như hạt giống, như ngọn lửa, và lớn lên, bề ngoài, theo một quá trình “tự nhiên”…
Nói theo ngôn ngữ triết học, trong nhãn quan tam tài “Thiên-Địa-Nhân hòa”, Ngôi Lời (=Thiên) vốn thuộc về cấu trúc hữu thể học của mọi Thụ Tạo. Và chính yếu tố “Thiên” hay Ngôi Lời nầy bảo đảm cho sự tồn tại của quá trình tiến hóa theo nghĩa vật chất (matériel, charnel) cũng như theo nghĩa thuộc linh (spirituel):
“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Trên bình diện vĩ mô, có thể nói rằng Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô sẽ được thành toàn khi đạt được tình trạng “Thái hòa” giữa ba yếu tố “Thiên-Địa-Nhân”. Tình trạng “Thái hòa” nầy đã trở thành hiện thực viên toàn nơi Đức Giêsu-Kitô trong Biến cố Thập giá và Phục sinh: đó chính là tình trạng “Trời mới, Đất mới và Người mới” mà sách Khải huyền đã đề cập tới (Kh 21,1-27; 22,1-5).
Vì thế, chỉ qua lăng kính Đức Giêsu-Kitô Phục sinh người ta mới có thể hiểu được phần nào dung mạo cánh chung của Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô hay Giáo hội hay Nước Thiên Chúa, điều mà Cha Teilhard de Chardin gọi là “Đức Kitô vũ trụ” hay “Đức Kitô Toàn thể”:
“…Nhưng, đối với ta, thì chỉ có một Thiên Chúa là Cha, do tự Ngài mà có mọi sự, và vì Ngài mà ta được có. Và chỉ có một Chúa, Đức Giêsu-Kitô, nhờ Ngài mà có mọi sự, và cũng nhờ Ngài mà ta (được có).” (1Cr 8,6).
II.1.c- GIÁO HỘI, THÂN MÌNH ĐỨC GIÊSU-KITÔ:
Như trên đây chúng tôi đã có lưu ý, nói theo ngôn ngữ của Tertullien, nhân tính hay xác thể của Đức Giêsu-Kitô là “hiện thân” của toàn thể thụ tạo có vật chất, vì thế, nơi Biến cố Thập giá và Phục sinh, khi nhân tính của Ngài hoàn toàn tương hợp với Ngôi Lời và được thần linh hóa, hay được siêu độ và sống được sự sống vĩnh hằng, thì có nghĩa là toàn thể Thụ tạo, trong Ngài, cũng được thần linh hóa, hay được siêu độ. Đó chính là lý do tại sao Giáo hội trước sau như một vẫn hằng khẳng định rằng Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung gian siêu độ duy nhất và phổ quát. Sự hài hòa giữa thần tính và nhân tính của Đức Giêsu-Kitô trên đỉnh Thập giá chính là biểu hiện và hiện thân của tình trạng “Thái hòa” của toàn thể Thụ Tạo trong tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, giữa các Ngài với Thụ tạo, và giữa các thụ tạo với nhau…
Thánh IRÉNÉE, trong chiều hướng nầy, cho rằng Đức Giêsu-Kitô thâu tóm lại nơi xác thể của Ngài mọi xác thể vốn sinh xuất từ AĐAM, mang dấu ấn sự chết, chia phân và rãi rác đó đây (x. Contre les Hérésies)…
“Chúng ta chẳng phải là có chỉ một Thiên Chúa, chỉ một Đức Kitô, chỉ một Thần Khí ân sủng đã được tuôn tràn trên chúng ta, và chỉ một ơn gọi trong Đức Kitô sao? Tại sao lại cắt xé ra những chi thể của Đức Kitô? ” (Clément de Rome, Épître aux Cor 46,6-7; bản Pháp ngữ của A. Jaubert, S.C. 107).
Vì thế, theo thiển ý, không nên đặt vấn đề “Ở ngoài Giáo hội có có ơn cứu độ hay không?” mà đúng hơn là “Thiên Chúa siêu độ lương dân như thế nào?”:
“Mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta, ngõ hầu nhờ sự kiên nhẫn và an ủi của Kinh Thánh, ta được có hy vọng. Nguyện xin Thiên Chúa, nguồn kiên nhẫn và an ủi, ban cho anh em được ý hợp tâm đồng với nhau rập theo Đức Kitô Giêsu, ngõ hầu anh em được cùng một lòng trí, một miệng lưỡi, mà tôn vinh Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu-Kitô.
Bởi đó, anh em hãy chấp nhận lẫn nhau, như Đức Kitô đã chấp nhận anh em, vì vinh quang Thiên Chúa.
Tôi muốn nói: Đức Kitô đã phục vụ giới cắt bì, để (chứng thực) lòng chân thành của Thiên Chúa, làm cho các lời hứa trên cha ông được nên kiến hiệu. Còn dân ngoại (đã được chấp nhận) vì lòng nhân nghĩa, để họ tôn vinh Thiên Chúa, như đã viết: …” (Rm 15,4-9).
Như vậy, trong chiều kích vĩ mô, khi nói Giáo hội là Thân Mình Đức Giêsu-Kitô không đơn giản chỉ có nghĩa “Đức Kitô vũ trụ” hay “Đức Kitô toàn thể”, vốn là những khái niệm khá hàm hồ, thiếu tính “ngôi vị”, thiếu tính “chủ thể”, như trong ngôn ngữ của Cha Teilhard de Chardin, mà đúng hơn đó chính là “Ngôi Lời trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta”:
“Và Lời đã thành xác phàm,
và đã lưu trú nơi chúng tôi,
và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài,
vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ân nghĩa và sự thật.” (Ga 1,14).
Khái niệm “thế gian” (= thế giới) trong dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13,37-38), trước tiên, cho chúng ta thấy thế gian (= thế giới) có tương quan liên đới tích cực với lịch sử siêu độ:
“Quả vậy, thế giới mà từ đó cội nguồn xác thể của nhân loại được hình thành (St 2,7; 3,19), vẫn chưa được thành tựu: con người còn phải hoàn thiện thế giới qua lao động của mình, bằng cách làm chủ được thế giới (1,28) và bằng cách ghi lên đó dấu ấn của mình.” (xem Colomban LESQUIVIT et Pierre GRELOT, hạn từ “Monde” trong Vocabulaire de Théologie Biblique, Nhiều tác giả, Nxb. Du Cerf, Paris 1991, trg. 786).
Trong Biến cố Thập giá và Phục sinh, Đức Giêsu-Kitô, khi đã “làm chủ được nhân tính” của Ngài và “ghi được dấu ấn của Ngài trên nhân tính” đó, một cách dứt điểm, Ngài đã ghi được dấu ấn thần linh của Ngài trên toàn thể Thụ tạo, và trở thành “Vua” của Vũ trụ (1Cr 15,24-28), là “Đầu” của Hội thánh (Ep 1,22; Cl 1,18)…
Cũng như nơi một thân thể nhân loại, “đầu” không tách riêng mà liên kết với toàn thể chi thể để thành một chủ thể, một ngôi vị, cũng vậy, trên chiều kích vĩ mô, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô cũng vậy.
Ở đây, lại một lần nữa cần lưu ý, quá trình phát triển nầy không hề là một quá trình mang tính tất yếu, tự động, máy móc, theo kiểu con người hay nói cách khác dựa trên nguyên lý nhân-quả: đối với Vị Thiên Chúa tuyệt đối tự do, toàn năng và chí ái, vốn có thể biến những cục đá thành con cái Abraham (Mt 3,9), thì mọi qui định từ bất cứ ai trong loài người chúng ta, đều chỉ mang tính tương đối mà thôi, bởi vì mọi sự đều có thể xãy ra, ngoài cả những dự đoán tài tình nhất của loài người chúng ta!
Thật vậy, quá trình phát triển từ Thụ tạo nguyên sơ để trở thành Trời mời, Đất mới và Người mới cũng vậy: sự “đóng góp” của Thụ tạo ở đây quả là khá khiêm tôn so với Công trình Tình yêu của Thiên Chúa-Ba Ngôi! Đó chính là Mầu nhiệm Tình yêu!
“Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa;
ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện,
ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện,
thì ta sẽ được giống như Ngài,
vì Ngài thế nào, ta sẽ được thấy như vậy…” (1Ga 3,2; xem thêm Cl 1,18; Ep 1,22; 5,23; St 1,26-27).
Đó chính là lúc Thân Mình Đức Giêsu-Kitô (= Giáo hội = Nước Thiên Chúa) “tỏ hiện” trong vinh quang rực rỡ của “Ngài”, như Trời mới, Đất mới và Người mới, điều mà ngôn ngữ phụng vụ của chúng ta thường gọi một cách mơ hồ, thiếu chính xác là “Ngày Quang lâm”, “Ngày Ngài lại đến”, “Ngày Ngài đến lần thứ hai”…!
Hay nói cách khác, theo ngôn ngữ kitô-học, cũng như nhân tính và thần tính của Đức Giêsu hợp nhất với nhau trên cơ sở ngôi vị, cũng vậy, toàn thể thụ tạo và Ngôi Lời, trên bình diện vĩ mô, cũng hợp nhất với nhau trên cơ sở “Ngôi vị cánh chung” (Personne eschatologique) (xem Gl 2,20)…
II.2- CHIỀU KÍCH VI MÔ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA: CON NGƯỜI NHƯ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA:
II.2.a- Để dễ hiểu và được cụ thể, chúng tôi sẽ suy tư vấn đề nầy khởi từ câu truyện của Người trộm lành và Đức Giêsu trên Thập giá:
“Một người trong các kẻ gian phi bị treo đó mắng nhiếc Ngài:’Phải chăng mày là Kitô? Hãy cứu lấy mình cùng chúng ta với!’. Nhưng, tên kia lên tiếng mắng bảo nó: ‘Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cùng cũng mắc đồng một án? Phần ta, thực là phải lẽ, ta chuốc lấy đáng tội đã làm; nhưng ông nầy, ông không hề làm điều gì trái!’. Và, hắn nói: ‘Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài!’. Và Ngài đã nói với hắn: ‘Quả thật, Ta bảo ngươi: Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta!’.” (Lc 23,39-43).
Bản dịch TOB bằng Pháp ngữ, Nxb. Du Cerf 2004, trang 2549, trong chú thích “f” diễn giải câu “khi Ngài đến trong Nước Ngài”:
“Littéralement ‘dans ta royauté’. Plusieurs témoins lisent: (pour entrer) dans ton Royaume. Mais il s’agit plutôt ici de la dignité royale dont Jésus apparaîtra revêtu à son retour (cf. 19,12; 24,26).”
Theo thiển ý, cách hiểu của bản Việt ngữ của Cha Nguyễn Thế Thuấn mà chúng tôi sử dụng ở đây hợp lý hơn.
Người ta sẽ hiểu được điều đó khi hiểu được tính chất mâu thuẫn khó hiểu giữa trạng từ chỉ thời gian “Hôm nay” và thì tương lai “sẽ” của động từ ở câu 43!
Khi nói câu nầy với “người trộm lành”, Đức Giêsu chưa “sinh thì” hay chưa chết, vì thế động từ ở thì tương lai (“…aujourd’hui, tu seras avec moi dans le paradis.”). Thì tương lai nầy không phải được qui chiếu về “Ngày trở lại của Đức Giêsu-Kitô” như TOB quan niệm, mà đúng hơn, qui chiếu về Chiến thắng vinh quang của Ngài ngay trên Thập giá, cuộc chiến thắng của sự sống theo Thẩn Khí trên sự sống theo xác thịt (Rm 8,1-11), cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết, cuộc chiến thắng của tình yêu vị tha trên những tính toán ích kỷ, hẹp hòi, v.v… Tóm lại, đó chính là chiến thắng của Tình Yêu, chiến thắng và là Vinh quang của chính Thiên Chúa!
Trong ngôn ngữ của Ga, Thập giá được hiểu như là “Giờ”, “Giờ Vinh quang” của Đức Giêsu-Kitô:
“Giờ đã đến, cho Con Người được tôn vinh!
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng, nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả!” (Ga 12,24).
“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến Giờ Ngài qua khỏi thế gian nầy để đến cùng Cha, - đã yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian – thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng.” (Ga 13,1; x. 2,4; 7,30; 8,20).
Và, “Giờ Vinh quang” đó cũng chính là “Giờ Siêu độ” bởi Tình Yêu dâng hiến đã đạt đến đỉnh tột cùng của sự tự hủy ra không: khi đã hiến dâng lên Cha tất cả những gì mình có và những gì mình là, và của lễ cuối cùng chính là Thần Khí của Cha (Ga 19,30), Đức Giêsu-Kitô đã nhận lại được, từ Cha, tất cả những gì mà Cha là và Cha có, trừ cương vị là Cha của Cha, và chính lúc đó, trên Thập giá, Thần Khí của Cha trở thành Thần Khí của Con. Đây mới chính là lúc trở thành hiện thực viên mãn điều mà Đức Giêsu đã khẳng định:
“Ta và Cha, chúng ta là một.” (Ga 10,30).
Và đó là “Sự sống vĩnh hằng”, là Thiên đàng:
“Sự sống vĩnh hằng tức là: chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu-Kitô.” (Ga 17,3).
Đó chính là những gì mà “Người trộm lành” đã tuyên xưng trong Lc 23,39-43.
Như vậy, “Hôm nay”, tức là ngay trong Ngày Thứ Sáu Tuần thánh đó, sau khi (“sẽ”) “đã sống” và “đã chết” cùng với và trong Đức Giêsu-Kitô, Người trộm lành cũng được “sống” với Ngài trong Thiên đàng!
Một vấn đề nan giải được đặt ra ở đây: đó là khi nói “Hôm nay”, mà người trộm lành và cả Đức Giêsu sẽ chết ngay sau đó, và theo giáo lý của Giáo hội dạy thì phải đến ngày Tận thế xác con người trần mới sống lại để chịu phán xét chung, còn cái xác của Đức Giêsu thì phải đến ngày thứ ba sau khi chết mới phục sinh! Liệu một ngôi vị, một chủ thể nhân loại có thể hiện hữu và hiện diện mà không cần xác thể? Sự hợp nhất giữa “xác” và “hồn” phải được hiểu như thế nào đây? Và liệu điều mà chúng ta thường hiểu về “xác” và “hồn” có nhất thiết là phải như vậy hay không? Và khi Thánh Phaolô nói: “sống theo xác thịt” và “sống theo Thần Khí” (Rm 8,1-11), điều đó có liên can gì đến xác thể của con người?
Hình như tình trạng hàm hồ nầy liên can đến tình trạng hàm hồ trong ngôn ngữ Thánh Kinh liên quan đến các khái niệm: sống và chết.
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, có ba khái niệm khác nhau về sự sống: a) sự sống xác thể [Bios] (Mc 12,44); b) sự sống thuộc linh [Psuchè] (Ga 10,11.15.17; 15,13); c) sự sống vĩnh hằng [Zoé] (Ga 12,25).
Ga không sử dụng khái niệm Bios, - bởi vì đối với Ga, sự sống không bao giờ thuần túy là vật chất, - mà chỉ sử dụng hai khái niệm Psuché và Zoé (55 lần).
“Ai yêu mạng sống mình (psuchè) thì làm mất nó, và ai ghét bỏ mạng sống mình (psuchè) trong thế gian nầy sẽ giữ được nó trong sự sống (zoè) vĩnh hằng” (Ga 12,25).
Vì thế, trong ngôn ngữ Thánh Kinh, chỉ có hai khái niệm sự chết: a) sự chết thể xác [tương ứng với sự sống theo nghĩa bios] (xem Lc 7,11-12; Ga 11,14); b) sự chết thuộc linh vì sống theo xác thịt, chứ không theo Thần Khí [tương ứng với sự sống theo kiểu psuchè] (Lc 15,24.32).
Sự sống vĩnh hằng (zoé) thì không ai và cái gì có thể động chạm tới được, kể cả sự chết (Mt 10,28)!
Có vẻ như sự chết thể xác, với quyền năng của Thiên Chúa, có thể thay đổi được để được sống lại, như trường hợp đứa con trai của bà góa thành Naim hay Lazarô.
Đối với sự sống thuộc linh (psuchè), có thể xãy ra trường hợp thể xác vẫn sống (bios) nhưng đã chết sự sống thuộc linh (psuchè):
“…vì nầy con ta đây: nó đã chết là lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được. […] vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được.” (Lc 15,24.32).
Và ngược lại, đã chết sự sống thể xác (bios), nhưng vẫn sống sự sống thuộc linh trong Thần Khí:
“…hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta!” (Lc 23,43).
Từ những phân tích trên đây, tạm thời chúng ta có thể rút ra được một số hệ luận nầy:
1- Quá trình từ sự chết thể xác qua sự phục sinh thể xác hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi;
2- Quá trình từ sự chết thuộc linh qua sự sống thuộc linh theo Thần Khí có thể tùy thuộc vào con người;
3- Con người có thể vẫn đang sống sự sống thể xác (bios), nhưng đã chết sự sống thuộc linh;
4- Con người có thể đã chết sự sống thể xác, nhưng vẫn đang sống sự sống thuộc linh theo Thần Khí hay sự sống vĩnh hằng.
Nếu vấn đề là như vậy, có lẽ cần phải quan niệm lại những khái niệm “chủ thể” (sujet) hay “ngôi vị” (personne humaine) nơi con người.
Khi Đức Giêsu nói với người trộm lành “hôm nay, ngươi (tu)… sẽ ở trên thiên đàng với Ta (Moi)”, cả “ngươi” (tu) và “Ta” (Moi) đều ở trong tình trạng xác thể đã chết! Liệu phải chăng điều đó có nghĩa là “chủ thể” hay “ngôi vị” nhân loại có thể hiện hữu mà không cần đến thể xác, như các Ngôi Vị thần linh? Phải chăng đó là ý nghĩa của câu nói của Đức Giêsu: “Quả vậy, thời phục sinh, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta như thiên thần ở trên trời.” (Mt 22,30; Mc 12,25)?
So với Mt và Mc, Lc ghi nhận thêm một số yếu tố mới:
“Và Đức Giêsu nói với họ: ‘Con cái đời nầy thì cưới vợ lấy chồng. Còn những ai đã được xét là đáng hưởng đời sau, cùng sự sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng! Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại…’.” (Lc 20,34-36).
Lc 20,34-36 có vẻ như cho chúng ta thấy, nói theo ngôn ngữ kitô-học, trên bình diện vi mô cũng vậy, cũng như nơi Đức Giêsu-Kitô nhân tính và thần tính hợp nhất với nhau trên cơ sở ngôi vị, cũng vậy, hữu thể nhân loại sống sự sống theo Thần Khí, cùng với Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể hợp nhất với nhau trên cơ sở “ngôi vị cánh chung” (personne eschatologique), đến nỗi có thể nói như Thánh Phaolô:
“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).
“…Vì không phải các ngươi nói, mà là Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi.” (Mt 10,20; x. Ga 15,26; Cv 4,8-31).
Chính lúc bấy giờ, con người mới thực sự là hình ảnh của Thiên Chúa, và giống như Thiên Chúa (St 1,26-27; 1Ga 3,2), hay nói cách khác là hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa Tình yêu.
II.2.b- Câu truyện cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Giakêu:
Lc 19,1-10 có lẽ cũng sẽ giúp cho chúng ta hiểu được phần nào điều gì khiến cho con người được siêu độ:
“…Đức Giêsu nói cùng Giakêu: ‘Hôm nay, ơn siêu độ đã đến cho nhà nầy, bởi chưng người nầy cũng là con cái của Abraham. Vì Con Người đã đến để tìm cứu sự đã hư đi’.” (Lc 19,9-10).
Trạng từ chỉ thời gian “Hôm nay” của Lc 19,10 và của Lc 23,43 là một: điều đó có nghĩa điều khiến cho con người được siêu độ hay được sống sự sống vĩnh hằng cốt yếu ở nơi việc con người tương quan với Đức Giêsu và qua Ngài với tha nhân như thế nào (đứng về phía Ngài hay là chống lại Ngài).
“… Giả như tôi được ơn tiên tri, và biết mọi sự nhiệm mầu, tòan cả trí tri; và giả như tôi được tất cả lòng tin, khiến chuyển được đồi núi, mà tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn là không! […].” (1Cr 13,1-3).
Vấn đề ở đây không phải là “ở trong” hay “ở ngoài” Đức Giêsu-Kitô (hay Giáo hội), mà là vấn đề Đức Giêsu-Kitô “là gì?” “là Ai?” đối với tôi! Thật vậy, cũng như tất cả mọi người (giáo cũng như lương) đều chỉ sống được nhờ không khí, nhưng ý thức được sự hiện hữu của không khí không phải ai cũng có được, cũng vậy, tất cả mọi thụ tạo đều chỉ có thể hiện hữu trong Thiên Chúa, nhưng việc ý thức được sự hiện hữu (existence) và sự hiện diện (présence) của Thiên Chúa không phải ai cũng có được, và có được như nhau! Người ta có thể hiện hữu bên nhau mà không hiện diện đối với nhau!
“…Vì chưng, trong Thiên Chúa, ta sống, ta cử động, ta có.” (Cv 17,28).
Chỉ có Tình yêu mới làm cho người ta hiện diện đối với nhau. Đó chính là điều đã diễn ra nơi cuộc gặp gỡ giữa Giakêu và Đức Giêsu. Và đó cũng chính là ơn siêu độ hay sự sống vĩnh hằng mà Giakêu “hôm nay” có được.
Tất cả điều đó có vẻ như chứng tỏ rằng xác thể của con người vốn “trung tính” trong vấn đề nầy! Vấn đề quan trọng ở đây có lẽ là sống theo Thần Khí Tình yêu hay không…Và khi sống theo Thần Khí tình yêu của Cha và của Con, con người mới thực sự là “hình ảnh” của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa…
II.2.c- Những hạt giống “không nẫy mầm”…:
Một đàng, Thánh Kinh, đặc biệt TƯ, cho chúng ta hiểu rằng Tinh yêu của Thiên Chúa vốn vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới (Mt 5,44.46; Lc 6,27.32.35; Ga 3,16; v.v…).
Is 55,10-11 còn cho chúng ta thấy tính hiệu quả tuyệt đối của Lời Thiên Chúa:
“…Vì cũng như mưa với tuyết từ trời sa xuống, tất không lùi lại về trời, nếu đã không thấm nhuận đất đai, nếu không làm cho đất sinh sản, nảy chồi, và cho người gieo có giống, cùng bánh cho người ta ăn. Cũng vậy, lời của Ta, một khi đã xuất tự miệng Ta, sẽ không về lại với Ta, hư luống, nếu không thực hiện điều Ta muốn, nếu không đạt được sự Ta sai làm.” (Is 55,10-11).
Thế nhưng, đàng khác, Thánh Kinh cũng lại cho chúng ta biết rằng có những hạt giống không nẫy mầm, những hạt giống bị chim trời ăn mất, những cỏ lùng phải bị đốt cháy hủy diệt, những nhánh cây phải tỉa bỏ đi, những con cá phải ném ra ngoài, v.v…!
Ngoài ra, tỉ lệ con số “những kẻ tin” so với con số những lương dân của mọi thời có vẻ như muốn chứng tỏ cho thấy Thiên Chúa không thành công lắm, nếu không muốn nói là “thất bại” đối với công trình của mình! Thêm vào đó, với những qui định khá khắt khe của các Giáo hội kitô để được cứu độ hay được vào Thiên đàng, con số những kẻ được cứu có lẽ khá ít ỏi so với những kẻ “không được cứu”!
Một Vị Thiên Chúa chí ái và Toàn năng, có thể biến những cục đá thành con cái của Abraham, chẳng lẽ lại phải thất bại như thế chăng?
Phải hiểu điều đó thế nào đây?
Một số đông các nhà thần học kitô-giáo thường tìm cách giải quyết vấn đề nầy dựa trên tự do của con ngưòi và tự do của Thiên Chúa, với ý đồ qui trách nhiệm cho con người!
Một số thần học gia nghiên cứu về các tôn giáo, với mong muốn giải quyết được vấn đề nầy, thì lại đặt vấn đề: “Có có ơn cứu độ nơi các tôn giáo ngoài kitô-giáo hay không?”, như kiểu liệu lương dân có được cứu độ hay không, hoặc Thiên Chúa có cứu độ họ hay không?
Giáo hội Công giáo, trước sau như một, vẫn khẳng định rằng: Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung gian Siêu độ duy nhất và phổ quát:
“Xin chư vị hết thảy cùng toàn dân Israel biết rằng: chính là nhân Danh Giêsu-Kitô người Nazareth, người các ông đã cho đóng đinh thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết, chính nhân Danh ấy mà người nầy được đứng trước mặt các ông an lành mạnh khỏe.[…].Và hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời nầy, không có một Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát.” (Cv 4,10-12).
Khi khẳng định Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung gian Siêu độ duy nhất và phổ quát, Giáo hội muốn chúng ta phải hiểu rằng Ngài là Đấng siêu độ toàn thề thụ tạo mọi nơi và mọi thời. Thế nhưng, điều đó diễn ra thế nào được khi mà Đức Giêsu chỉ sống và chết trong một khoảng không gian nhất định là nước Israel và một khoảng thời gian nhất định khoảng 36 năm trần thế?
Thế nên, điều mà Thánh kinh TƯ (Cv 4,10-12) và Giáo hội khẳng định chỉ có thể hiện thực trong những điều kiện sau đây:
Về phía Đức Giêsu-Kitô:
1- Ngài phải vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật và không hoàn toàn lệ thuộc phạm trù không-thời gian;
2- Để có thể không hoàn toàn lệ thuộc phạm trù không-thời gian, Đức Giêsu phải là Thiên Chúa;
3- Và Nhân tính của Đức Giêsu phải là hiện thân của toàn thể thụ tạo, đặc biệt là loài người;
4- Được siêu độ có nghĩa là được sống sự sống vĩnh hằng tình yêu của Thiên Chúa, hay nói cách khác được sát nhập vào trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi, v.v…
Về phía các Thụ tạo:
1- Phải được ban cho những điều kiện cần và đủ;
2- Phải có tự do để chọn lựa, v.v…
A- Đối với những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa và Đức Giêsu-Kitô, phần lớn chúng tôi đã cố gắng chứng tỏ trong những trang trên đây.
Vấn đề thứ hai liên quan đến thần tính của Đức Giêsu-Kitô, nói chung, đã được đề cập khá nhiều trong các tác phẩm thần học. Ở đây, chúng tôi chi muốn lưu ý điều nầy: Đức Giêsu đã là Thiên Chúa thật ngay từ trong lòng mẹ. Thật vậy, Đấng mà Mẹ Maria sinh ra bé bỏng trong hang bò lừa đó vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Những hạn từ “hôm nay” mà Ngài sử dụng chứng tỏ cho thấy Ngài phải đích thị là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vì thế, ngay khi Ngài còn sống cuộc sống xác thể, gặp được Ngài là đã gặp được chính Thiên Chúa.
Tuy nhiên, có vẻ như đặc tính không hoàn toàn lệ thuộc phạm trù không-thời gian, Đức Giêsu chỉ sở đắc được cách trọn vẹn trong “Giờ vinh quang” trên Thập giá, đặc biệt trong Biến cố Phục sinh.
“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha! Như Cha đã ban cho Ngài quyền trên mọi xác phàm, ngõ hầu toàn thể những gì Cha đã ban cho Ngài, thì được Ngài ban cho sự sống vĩnh hằng. Sự sống vĩnh hằng tức là: chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu-Kitô. Con đã tôn vinh Cha dưới đất, và đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm. Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha, trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17,1-5).
Ở nơi Ga 17,1-5, có hai ý tưởng độc đáo và khó hiểu:
(a) Bản Việt ngữ không được rõ ràng lắm, vì thế chúng tôi mạo muội sử dụng bản Pháp ngữ của TOB: “…Père, l’heure est venue, glorifie ton Fils, afin que ton Fils te glorifie et que, selon le pouvoir sur toute chair que tu lui a donné, il donne la vie éternelle à tous ceux que tu lui a đonné…” (Jn 17,1-2).
Vấn đề đặt ra ở đây, đó là trong câu văn, Đức Giêsu khôn
g sử dụng ngôi thứ nhất (je, me, moi…) để thưa với Cha, mà lại sử dụng ngôi thứ ba (lui, il)! Tại sao vậy? Ở đây, phải chăng có hai “ngôi vị” khác nhau? Theo thiển ý, theo văn mạch, khi sử dụng như vậy, có lẽ Đức Giêsu muốn ám chỉ có một sự khác biệt giữa hai tình trạng: Con nhập thể và Con trước khi tạo dựng thế gian (Ga 17,5)… Như vậy, “quyền trên mọi xác phàm” và “sự sống vĩnh hằng mà Cha hứa ban cho những kẻ mà Cha đã ban cho Con” đã được Cha ban cho Con cả “trước khi có thế gian”. Ở đây, không có vấn đề hai ngôi vị khác nhau, mà là vấn đề “tự hủy” (kénose) của Con khi nhập thể. Và Thập giá chính là “Giờ” Con trở về lại với tình trạng nguyên thủy của Ngài, cách mới mẻ, tức là trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.
(b) “…Con đã tôn vinh Cha dưới đất và đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm.” (Ga 17,4; x. Ga 19,30): Thời gian vẫn chưa đến hồi viên mãn, công trình siêu độ có vẻ như vẫn còn dỡ dang đó, làm sao Đức Giêsu lại có thể nói “Con đã chu toàn công việc mà Cha giao phó”?
Theo thiển ý, trước tiên, “Giờ Thập giá” chính là giờ chiến thắng của Tình yêu, Tình yêu dâng hiến, chiến thắng một cách tuyệt đối, một lần thay cho tất cả; “Giờ” mà vĩnh hằng và thời gian hòa nhập vào nhau cách kỳ diệu; “Giờ” mà nơi Đức Giêsu-Kitô hội tụ quá khứ, hiện tại và tương lai; hay nói cách khác đó là “Giờ” mà Đức Giêsu-Kitô siêu việt phạm trù không-thời gian…
Đó là “Giờ” mà Đức Giêsu-Kitô, - nơi nhân tính của Mình, vốn là hiện thân của toàn thể Thụ tạo, đặc biệt là toàn thể nhân loại, mọi nơi và mọi thời, và mà Ngài đã nhận là của Mình (appropriation), qua Tình yếu dâng hiến của Mình đối với Cha và toàn thể Thụ tạo, - đã đánh bại và chiến thắng khải hoàn cách tuyệt đối, một lần thay cho tất cả, trên tội lỗi, satan, ma quỉ, sự chết, quyền lực thiên phủ, địa phủ, âm phủ, v.v… (Ga 12,32).
Chính nơi giây phút khi mà trên Thập giá Đức Giêsu dâng hiến tất cả những gì Ngài có và những gì Ngài là cho Cha của Ngài và “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, đó chính là khoảnh khắc của chiến thắng, của vinh quang của Tình yêu, tức là của chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,16; 15,13). Hay nói theo ngôn ngữ kitô-học, đó chính là “giờ” mà nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hiệp nhất cách hoàn hảo nhất với thần tính của Ngài. Còn nói theo ngôn ngữ Đông phương, đó là “giờ” mà thực tại tam tài “Thiên-Địa-Nhân” được hòa hợp cách trọn vẹn. Đó là “giờ” mà con người, trong nhân tính của Đức Giêsu-Kitô, giao hòa lại với Thiên Chúa nơi thần tính của Đức Giêsu-Kitô, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ, và với chính cả bản thân mình (con người tìm lại được căn tính của mình: son identité): những tương quan nguyên thủy của “vườn địa đàng”…
Đó là khoảnh khắc của “THÁI HÒA” (Grande Harmonie)
Và hiệu quả từ Chiến Thắng nầy của Đức Giêsu-Kitô là một Ân huệ phổ quát vĩnh viễn và nhưng không…
Phổ quát, bởi vì hiệu quả đó tác động lên toàn thể Lịch sử của Thụ tạo, mọi nơi và mọi thời (quá khứ, hiện tại và tương lai):
Trong tương quan với Quá khứ, điều nầy được diễn tả qua việc Đức Giêsu-Kitô xuống “Ngục Tổ tông”:
“Bởi chưng, Đức Kitô đã chết một lần vì tội lỗi, Đấng công chính vì những kẻ bất nhân, để đem ta đến cùng Thiên Chúa. Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh bởi Thần Khí. Trong Thần Khí nầy, Ngài đã đi loan báo Tin Mừng cho các thần khí đang trong ngục tù, cho những kẻ phản loạn xưa kia…” (1Pr 3,18-20).
Trong tương quan với Hiện tại, điều nầy được diễn tả qua những trạng từ “Hôm nay” và Danh xưng “Emmanuel” của Thánh Kinh.
Trong tương quan với Tương lai, điều nầy được diễn tả bởi 1Cr 15,24-28.
Vĩnh viễn, bởi vì hành vi siêu độ của Đức Giêsu-Kitô diễn ra một lần là đủ, không cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần, và có giá trị tuyệt đối, vĩnh viễn (Dt 10,11-14)…
Nhưng không, bởi vì Ân huệ nầy được ban cho tất cả mọi Thụ tạo không kèm theo bất cứ điều kiện nào ngoài Tình yêu (Rm 6,23; Lc 18,9-14)…
B- Về phía các Thụ tạo:
Một số chi tiết cũng đã được đề cập đến trên dây. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn lưu ý một số điểm quan trọng nầy:
Trước tiên, có thể nói rằng trong những biến cố Sáng tạo, Mặc khải, Nhập thể và Siêu độ, vĩnh hằng đã đi vào thời gian, hay nói theo ngôn ngữ tam tài của Đông phương, Thiên-Địa-Nhân hòa. Điều nầy có nghĩa cấu trúc hữu thể của các Thụ tạo là cấu trúc “Thiên-Địa-Nhân hòa” (structure cosmothéandrique).
Cách chung, tất cả mọi thụ tạo, theo Thánh ý của Thiên Chúa, đều đã “được định hướng” để tiến về cùng đích tối hậu của mình (Rm 16,26; xem DV, số 1). Để đạt mục đích nầy, Thiên Chúa đã trang bị cho các thụ tạo, đặc biệt loài người, vốn là người quản lý công trình nầy, những điều kiện cần và đủ: a) cấu trúc hữu thể học “Thiên-Địa-Nhân hòa” (St 1,26-27; 2,7); b) luơng tâm, lương tri để biết và muốn điều tốt, điều thiện (1Cr 4,4; Dt 10,16); c) trí khôn để biết điều tốt, điều xấu (St 3,4-5.7); d) tự do để tự mình quyết định chọn lựa điều tốt hay điều xấu (2Cr 3,17; 1Cr 10,29); đ) ân sủng (2Cr 12,9); v.v…
Và, cách đặc biệt, sau Biến cố Thập giá và Phục sinh của Đức Giêsu-Kitô, cùng với nhân tính của Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài, toàn thể Thụ tạo mọi nơi, mọi thời (quá khứ, hiện tại và tương lai) đã được siêu độ để trở thành (devenir)Trời mới và Đất mới, và đặc biệt loài người đã được phục hồi tư cách-con của Thiên Chúa, và được sống trong tình trạng mà tất cả mọi kẻ thù đã bị đánh bại, kể cả sự chết, dù có ý thức hay không.
Khi nói “trở thành” (devenir) có nghĩa là ơn siêu độ vốn như một hạt giống cần phải kinh qua quá trình phát triển của nó, như chúng tôi đã phân tích trên đây.
Ngoài ra, yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa các Thụ tạo có lẽ là có ý thức nhiều hay ít về sự hiện hữu và hiện diện của ơn siêu độ nầy của Thiên Chúa-Ba Ngôi, chứ không phải ở trong hay ở ngoài Thiên Chúa hay Giáo hội, như trường hợp không ai sống được mà không nhờ không khí, nhưng không phải ai cũng ý thức được về sự hiện hữu và hiện diện của không khí! Vì thế, trách nhiệm chính của Giáo hội, theo gương Đức Giêsu, là rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa:
“Vì nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì đó không phải là lý để mà vinh vang, vì đó là sự khẩn thiết giáng xuống trên tôi. Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
Và mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để mọi người cùng sống Sự sống tình yêu vĩnh hằng, tức là sống mà biết mình sống cho Ai và vì Ai:
“Thế mà sự sống vĩnh hằng đó là họ nhận biết Cha, duy nhất là Thiên Chúa thật, và Đấng mà Cha đã sai, Đức Giêsu-Kitô.” (Ga 17,3).
Sứ mạng chính của Giáo hội, vì thế, trước tiên, có lẽ là loan báo Tin Mừng, là chứng tá, là công cụ của ơn siêu độ của Thiên Chúa, hơn là người mang lại ơn siêu độ đó (xem Mt 5,43-48). Giáo hội chỉ hoàn thành được sứ mạng của mình trong chừng mực mà Giáo hội “là” Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô. Thân phận của Giáo hội trong tương quan với Lương dân có lẽ không khác mấy thân phận của dân Israel vốn được Thiên Chúa lựa chọn trong tương quan với Dân ngoại trước đây!
Thứ đến, cũng như việc dân Israel “được tuyển chọn” giữa muôn dân, không hẳn là một “đặc ân” (privilège) để mà độc quyền hưởng thụ, đòi hỏi, hạch sách và tự hào, cho bằng đó là một điều kiện để yêu và để phục vụ nhiều hơn, cũng vậy, “Giáo hội” nếu có được chọn lựa để làm công cụ, làm chứng tá của Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, thì đó cũng không phải là một “đặc ân” để mà độc quyền hưởng thụ, đòi hỏi, hạch sách và tự hào, mà đúng hơn đó là những điều kiện để có thể yêu thương và phục vụ nhiều hơn…
Về những vấn đề nầy, Thư gửi Tin hữu Roma có những suy tư rất độc đáo, đáng để chúng ta suy gẫm:
“Hỡi anh em, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm nầy, để anh em đừng tự phụ mình là khôn: Israel đã ra chai đá phần nào, cho đến khi toàn thể dân ngoại đã gia nhập, và như thế tất cả Israel cũng sẽ được cứu, như đã viết:
Từ Sion, vì Cứu tinh sẽ đến,
Người sẽ khử trừ tội ác khỏi Giacóp.
Và này là Giao ước của Ta với chúng:
Ta sẽ tẩy xóa các tội lỗi chúng làm.
Xét theo Tin Mừng, họ là thù nghịch, vì cớ anh em; nhưng theo sự lựa chọn, họ là chí ái, vì cớ cha ông. Vì ơn đã ban, lời đã gọi, Thiên Chúa không hề hối tiếc.
Vì cũng như anh em, xưa kia bất tuân đối với Thiên Chúa, mà nay đã được thương xót, nhân vì họ bất tuân, thì họ cũng thế, nay bất tuân, bởi anh em được thương xót, ngõ hầu rồi đây họ cũng sẽ được thương xót. Vì chưng, Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Ngài dũ lòng thương hết mọi người.
Ôi! thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa!
Những phán quyết của Ngài vô phương dò thấu, đường lối của Ngài không kế dõi theo!” (Rm 11,25-33).
Nếu, theo như lời của Thánh Phaolô, “chính Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Ngài dũ lòng thương hết mọi người”, thì, một đàng, có nghĩa tất cả đều nằm trong kế đồ mầu nhiệm của Thiên Chúa cả; đàng khác, vấn đề trách nhiệm của con người và, vì thế, cả vấn đề phán xét về con người cũng cần phải được xem xét lại…
Thật vậy, trước tiên, liên quan đến vấn đề trách nhiệm, liệu con người có thể có được một tình trạng tự do tuyệt đối hay không, để mà phạm một tội trọng “đáng sa hỏa ngục” theo quan điểm của các nhà thần học luân lý, khi mà con người vốn bị điều kiện hóa bởi cơ man nào là những yếu tố khách quan bên ngoài (hoàn cảnh gia đình, tổ tiên, ông bà cha mẹ, bạn bè, giáo hội, xã hội, v.v…)? Có lẽ chính vì thế mà Đức Giêsu đã tha thứ, và dạy ta phải tha thứ và yêu thương ngay cả những kẻ thù của mình:
“Bấy giờ, Đức Giêsu nói: ‘Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’.” (Lc 23,34; x. Mt 5,44; Cv 3,17).
Nếu tội “giết Thiên Chúa” là tội nặng nhất trong những tội con người có thể phạm mà còn được chính Thiên Chúa thứ tha một cách nhưng không, liệu còn có tội nào nặng hơn nữa chăng?
Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng những khái niệm liên quan đến những “hình phạt” những “khổ đau” trong ngôn ngữ Thánh Kinh, có lẽ không nên hiểu chỉ đến từ Thiên Chúa mà chủ yếu đến từ chính bản thân của mỗi thụ tạo, khi nhận ra được Tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi và vô cùng của chính Thiên Chúa đối với mình (xem Mt 20,20,1-16; Lc 12,47-48)…
Trên cơ sở những phân tích trên đây, trước tiên, chúng tôi nghĩ rằng điều mà Đức Giêsu rao giảng và muốn xây dựng chính là NƯỚC THIÊN CHÚA hay NƯỚC TRỜI mà nội hàm của nó bao gồm toàn thể Thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau; thứ đến, khái niệm “Giáo hội” mà chúng ta vẫn thường quan niệm như hiện nay, một đàng, không tương ứng được với khái niệm “Nước Thiên Chúa” mà Đức Giêsu-Kitô nhằm muốn ám chỉ và rao giảng, đàng khác, có vẻ như ngày càng có nguy cơ trở thành điều mà Dân “được chọn” Israel đã từng là trong quá khứ (xem Mt 21,33-43; Lc 9,49-50.51-56); sau cùng, Giáo hội chỉ là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô khi Giáo hội là Nước Thiên Chúa, và Giáo hội chỉ là Nước Thiên Chúa khi Giáo hội là Phản ảnh trung thành của Tình yêu Thiên Chúa-Ba Ngôi (xem Lc 6,27-36 ss)…
Vì thế, theo thiển ý, hình ảnh thích hợp hơn cả để diễn tả mối tương quan giữa các Thụ tạo (cá nhân, tập thể, các tôn giáo, các giáo hội) với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau đó là “các vòng tròn đồng tâm” mà trong đó trung tâm điểm chính là Thiên Chúa-Ba Ngôi, và khoảng cách giữa các “vòng tròn” với tâm điểm và với nhau phản ảnh cho thấy mối tương quan của chúng với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau, qua trung gian Đức Giêsu-Kitô…
Tác giả: Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG (Giáo Phận Phan Thiết)
Nguồn: giaolyductin.org
Nguồn: giaolyductin.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét