Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Câu 14: Những cuốn sách bị “thất lạc” hay bị “mất tích” của Kinh Thánh là những sách nào?

Câu 14: Những cuốn sách bị “thất lạc” hay bị “mất tích” của Kinh Thánh là những sách nào?

Ảnh từ Internet
Những cuốn sách bị coi là “thất lạc,” “bị mất,” hay “bị cấm” của bộ Kinh Thánh có rất nhiều nhưng những cuốn sách ấy không bao giờ được bất cứ một nhóm Do Thái giáo hay nhóm Kitô giáo nào xem là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng. Chỉ có những sách được xem là được Thiên Chúa linh hứng mới có sự đảm bảo không thể sai lầm. Hầu hết những bản văn “thất lạc” được viết vào khoảng 200 đến 300 năm sau khi các tông đồ đã chết và được chôn cất khá lâu, và nguồn gốc tác giả cũng như tính chân thực của các bản văn bị tranh cãi cách gay gắt.
Truyền thống Tin Lành gọi những cuốn sách này trong Cựu Ước làPseudepigrapha, từ ngữ Hy Lạp này có nghĩa là những văn tự “sai lầm,” trái lại những văn tự mà Tin Lành dán nhãn là Apocrypha, thì có nghĩa là những bản văn “huyền bí” [vẫn mang những giá trị thiêng liêng nhưng không được công nhận là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng]. Công giáo gọi những cuốn sách bị thất lạc này là deuterocanonical, nghĩa là đệ nhị quy điển.
Một vài ví dụ về Pseudepigrapha (Tin Lành)/ Apocrypha (Công giáo) là những cuốn sách về Ađam và Eva, sách Khải huyền của Môsê, sách Enoch, Khải huyền của Ađam, Khải huyền của Abraham, Tử đạo của Isaia, Các Giao ước của Mười Hai Chi tộc và những sách về Lễ Toàn Xá.
Những sách mà Tin Lành gọi là Apocrypha (sách “huyền bí”) của Cựu Ước, thì Công giáo và Chính Thống giáo Đông Phương gọi là đệ nhị quy điển (deuterocanonical), gồm: Baruc, Maccabê 1 và 2, Tôbia, Giuđitha, Huấn ca, và Khôn ngoan. Bảy cuốn sách này, cộng với vài chương trong Đaniel và Esther luôn luôn có trong Kinh Thánh Cựu Ước của Công giáo và thường được thấy trong Kinh Thánh Tin Lành như là Apocrypha- những sách “huyền bí.”
Trong Tân Ước, cả truyền thống Công giáo lẫn Tin Lành chỉ sử dụng thuật ngữ Apocrypha cho những sách bị loại ra, vốn là những sách không bao giờ được coi là được Thiên Chúa linh hứng, như Tin mừng theo Tôma, Tin mừng theo Philippê, Tin mừng theo Giacôbê, Tin mừng theo Nicôđêmô, Tin mừng theo Phêrô, Cái chết của Philato, Tông đồ Công vụ của Anrê, Tông đồ Công vụ của Barnaba, Cái chết của Đức Maria, Lịch sử về Giuse Thợ Mộc, Khải huyền của Phêrô, Khải huyền của Phaolô, và Tin mừng theo Maria Madalena được biết đến qua nhóm Ngộ giáo[1]. Những bản văn này không bao giờ được tính trong bất cứ Kinh Thánh nào. Thay vì phân loại chúng như là những cuốn sách thất lạc, mất tích hay thậm chí bị cấm, hầu hết các Kitô hữu đơn thuần xem những cuốn sách ấy là Apocrypha (Ngụy thư)[2].
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 23-24.
[1] Ngộ giáo (Gnosticism) có nhiều chủ trương, trong đó có quan niệm cho rằng con người được cứu độ nhờ tri thức (gnosis) đặc biệt chứ không nhờ Đức Kitô.Thuyết này có nguồn gốc trước Kitô giáo, nhưng cũng len lỏi vào trong Kitô giáo ngay từ thời kỳ đầu. Các Giáo phụ đã phải chống lại thuyết này để bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin Kitô giáo- ND. Xem thêm tại http://www.newadvent.org/cathen/06592a.htm
[2] Để dễ phân biệt, chúng tôi xin tóm tắt như sau:
– Cựu Ước:
+ Tin Lành dùng Pseudepigrapha theo nghĩa Ngụy thư; Apocrypha cho những sách “huyền bí.”
+ Công giáo dùng chữ Apocrypha theo nghĩa Đệ nhị Thư quy (deuterocanonical).
– Tân Ước: Cả Tin Lành và Công giáo đều dùng thuật ngữ Apocrypha theo nghĩa Ngụy thư- ND.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét