Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Câu 19: Linh hứng là gì?

Câu 19: Linh hứng là gì?

Thánh Matthêu và Thiên Thần-tác phẩm của họa sĩ Caravaggio-1602
Từ “linh hứng” [hay linh ứng] bắt nguồn từ động từ inspirare trong tiếng Latin, có nghĩa : “thở vào.” “Linh hứng” trong tiếng Hy Lạp là từ theopneustos, dịch sát nghĩa là: “Thiên Chúa thở”; trong tiếng Do Thái từ này có thể được diễn tả bởi một trong hai từ: neshamah hoặc ruwach. 

Linh hứng được hiểu là việc Thiên Chúa trực tiếp tác động lên mỗi tác giả sách thánh, mà không làm mất đi ý chí tự do của họ, để họ viết ra điều Chúa muốn. Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đưa ra một định nghĩa xác đáng nhất khi ngài nói: “Linh hứng là tác động siêu nhiên của Thiên Chúa, theo đó Ngài gợi hứng, hướng dẫn, và trợ giúp các tác giả sách thánh để các Ngài suy nghĩ, diễn tả, viết ra một cách hoàn toàn chân thực tất cả và chỉ những điều Thiên Chúa muốn” (Providentissimus Deus, #20, 1893). 

Linh hứng không phải là việc đọc cho chép (Chúa Thánh Thần không hiện ra để phỏng vấn), cũng không phải là việc Thiên Chúa ưng thuận những bản viết tay do các tác giả nộp cho Ngài (Thiên Chúa không phải là người biên tập), cũng không phải chỉ là những gợi hứng về những vấn đề thiêng liêng hay luân lý. Không giống với sự vô ngộ (infallibility) là đặc sủng mang tính “tiêu cực” giúp ngăn ngừa những sai lầm trong việc giảng dạy, linh hứng là đặc sủng mang tính “tích cực” được ban cho tác giả sách thánh để các ngài viết ra chỉ những điều và theo cách thức Thiên Chúa muốn, trong khi vẫn tôn trọng sự tự do của họ. 

Vì đến trực tiếp từ Thiên Chúa, nên linh hứng không thể sai lầm hoặc khiếm khuyết, nhờ đó bảo toàn tính thống nhất và thánh thiêng của sứ điệp mặc khải. Tuy nhiên, các tác giả nhân loại của sách thánh, vẫn có tự do trong việc chuyển tải mặc khải bằng cách sử dụng vốn ngôn ngữ của mình. 

Chỉ có những bản văn được linh hứng mới được xếp vào Bộ Thánh Kinh, và được xem là chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa. Những sách không được đưa vào Bộ Thánh Kinh, chẳng hạn: Tin mừng của Maria Madalena, hay sách Khải huyền của Môsê, thì không được coi là sách được linh hứng. Một lỗi mà một số người hay mắc phải đó là kết luận rằng chỉ có bản văn được linh hứng mới chân thực. Vì đến từ Thiên Chúa, nên tất cả những bản văn được linh hứng là chân thực và không thể sai lầm. Tuy nhiên, những bản văn khác của con người vẫn có thể chân thực, mặc dù không được xem là bản văn được linh hứng. Một sổ điện thoại (phone book) là chân thực khi những số điện thoại và những tên ghi trong đó là chính xác. Một cuốn sách hóa học nói rằng nước được kết hợp từ hai nguyên tử Hidro và một nguyên tử Oxy, thì điều đó đúng. Tuy nhiên, những sách vừa nêu không phải là những bản văn được linh hứng. 

Không phải là tác giả, chủ đề hay năm xuất bản của một tài liệu xác định nào đó có thể làm cho những bản văn ấy có thể trở thành bản văn được linh hứng. Nếu Thánh Giuse, chồng của Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi của Đức Giêsu, viết một cái gì đó, và các nhà khảo cổ tìm thấy bản viết ấy vào ngày mai, thì bản viết ấy cũng không được gọi là bản văn được linh hứng, cho dẫu tác giả có là Thánh Giuse. Hoàng đế La Mã- Julius Caesar trong tác phẩm Gallic Wars của mình, được viết vào khoảng năm 58 TCN đã nói rằng: “Nước Pháp đã bị phân chia thành ba phần.” Câu nói này được xem là chân thật. Tuy nhiên, đó không phải là điều được linh hứng. 

Chỉ có Giáo Hội Công Giáo có thẩm quyền xác định sách nào được xem là sách được linh hứng. Thẩm quyền này được gọi là Quyền Giáo huấn (Magisterium) của Giáo Hội. Thánh Kinh không bao giờ nói sách nào là sách được linh hứng. Chữ “Thánh Kinh” thậm chí còn không có trong cuốn Thánh Kinh. Khi biên tập và in cuốn Thánh Kinh, các nhà biên tập và xuất bản thời nay in phần Mục Lục các sách thánh, trong khi đó một danh sách những tác giả sách thánh thì không có. Giáo Hội không tạo ra Thánh Kinh nhưng là người có thẩm quyền xác định sách nào là sách được linh hứng và thuộc về bộ Thánh Kinh. Giáo Hội cũng là người sắp xếp trật tự các sách trong Bộ Thánh Kinh, cũng như có thẩm quyền trong việc giải thích Thánh Kinh cách chân thực.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: John Trigilio Jr. & Kenneth Brighenti, The Catholism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Questions, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc.), 34-35.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét