Mười quan niệm về Giáo hội và vấn nạn ơn cứu độ ngoài Ki-tô giáo
Môn học: Giáo Hội Học
Giáo sư: Trần Quốc Anh S.J.
Học Viên: Nguyễn Đức Thắng S.J.
Giáo sư: Trần Quốc Anh S.J.
Học Viên: Nguyễn Đức Thắng S.J.
Bài viết này trả lời một số câu hỏi liên quan đến Giáo Hội Học. Thứ nhất, truyền thống Giáo Hội cho thấy có nhiều quan niệm khác nhau về Giáo Hội. Mỗi quan điểm đóng góp một cái nhìn giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo Hội trong dòng lịch sử cứu độ. Thứ hai, tác giả cố gắng giải thích châm ngôn “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” trong bối cảnh hiện đại, đặc biệt dưới cái nhìn Giáo Hội Học của Vatican II. Cuối cùng, tác giả đọc tông huấn Ecclesia in Asia liên quan đến Giáo Hội Á Châu trong cái nhìn phản tỉnh về Giáo Hội Việt Nam để tìm ra những giải pháp cụ thể cho ba trong số những vấn nạn hiện tại của Giáo Hội Việt Nam.
Câu 1: Giải thích 10 quan niệm về Giáo Hội? 10 quan niệm này có liên hệ với nhau thế nào? Và Chúng giúp chúng ta hiểu về Giáo Hội ngày nay ra sao?
Dựa vào Tân Ước và truyền thống, chúng ta có thể thấy có nhiều danh xưng và quan niệm về Giáo Hội khác nhau. Trong phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu một số ý niệm nền tảng về Giáo Hội:
Giáo Hội như là một xã hội – Church as a Society (societas): Đây là khái niệm được thánh Bellarminô nhấn mạnh và công đồng Trent khẳng định nhằm chống lại nguy cơ giản lược hóa quan niệm về “Giáo Hội chỉ thuần túy vô hình” của các phong trào cải cách thế kỷ 15. Thật vậy, nhằm đả phá tính phẩm trật trong Giáo Hội, các giáo phái Tin lành, phái Jansenist, và Gallicanist cho rằng Đức Giêsu không thiết lập một Giáo Hội hữu hình. Tất cả phẩm trật Giáo Hội đều do con người đặt ra để thống trị lẫn nhau. Thánh Robertô Bellaninô nói rằng: “ Giáo Hội là một xã hội gồm nhiều người liên kết với nhau qua việc tuyên xưng cùng một đức tin Kitô giáo, và qua việc tham dự các Bí tích, dưới quyền tài thẩm của những chủ chăn hợp pháp, nhất là Đức Giáo Hoàng.[1]” Hơn nữa khi tuyên bố như thế, thánh Bellarminô không loại bỏ chiều kích bề trong và thiêng liêng của Giáo Hội. Nhưng Ngài đưa nó về thế cân bằng: Giáo Hội vừa có tính hữu hình như một xã hội phẩm trật, đồng thời Giáo Hội cũng mang tính tính vô hình là ơn của Thánh Thần, đức tin, cậy, mến… Thật ra ngay thế kỷ thứ tư, thánh Augustinô đã quan niệm về Giáo Hội vừa mang tính hữu hình và vô hình này.[2]
Công đồng Vatican II tiếp tục lặp lại quan điểm này của thánh Augustinô và Bellarminô khi định nghĩa: “Giáo Hội là một cộng đồng tổ chức theo phẩm trật, như một cơ cấu hữu hình”(LG 8). Đồng thời Giáo Hội cũng mang những yếu tố siêu nhiên, vô hình vượt ngoài phẩm trật, cơ cấu như một tổ chức xã hội thông thường. Đó là những khía cạnh khác nhau của Giáo Hội mà chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu dưới đây.
Giáo Hội như Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô – Church as Mystical Body of Christ:ý niệm này được thánh Phaolô diễn tả trong thư Êphêsô (5, 29). Qua Bí tích rửa tội, mọi người trở nên con cái của Thiên Chúa, được tháp nhập vào thân thể Giáo Hội mà Đức Kitô là Đầu. Qua Bí tích Thánh Thể, mọi người được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và được hiệp thông với nhau làm thành thân thể mầu nhiệm của Ngài.
Tuy nhiên, trong lịch sử Giáo Hội, người ta thường nhấn mạnh thái quá một khía cạnh nào đó của Giáo Hội mà quên đi như những tính chất khác. Vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có những nhóm người nhấn mạnh thái quá đến tính phẩm trật, cơ cấu của Giáo Hội mà coi nhẹ tính chất vô hình, mầu nhiệm. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã ra tông thư Satis Cognitum (1896) và Đức Giáo Hoàng Pius XII đã viết tông thư Mystici corporis (1942) để làm rõ hơn tính vô hình và thiêng liêng của Giáo Hội khi khẳng định mạnh mẽ Giáo Hội như là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.[3] Sau đó, Hiến chế Lumen Gentium của Vatican II cũng lặp lại xác tín về bản chất này của Giáo Hội. (LG 7)
Giáo Hội như Bí Tích – Church as Sacrament (sacramentum): Quan điểm này được tìm thấy trong Lumen Gentium khi công đồng muốn cho diễn tả: “Trong Đức Kitô, Giáo Hội là một Bí tích , là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (LG 1). Giáo lý Giáo Hội Công Giáo (GLGHCG) nói “Giáo Hội là một Bí tích, nghĩa là một dấu chỉ, một công cụ của sự sống của chính Thiên Chúa” (số 932) và Giáo Hội là “Bí tích biểu hiện sứ mạng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần” (số 738). Như một Bí tích loại suy, Giáo Hội vừa mang tính nhân loại vừa chứa đựng yếu tố thần linh trong việc hướng đến công trình cứu chuộc. Chính Đức Kitô đã quy tụ mọi người lại và thiết lập Giáo Hội cơ cấu. Đồng thời, Ngài cũng “đổ tràn Thần Khí của Ngài trên Giáo Hội, và trao ban cho Giáo Hội những phương thế thích hợp cho sự hiệp nhất của một cộng đoàn hữu hình” (LG 9). Qua những cử chỉ phụng vụ và sinh hoạt hữu hình của đời sống Giáo Hội, Thiên Chúa tuôn đổ những ơn huệ vô hình cho con người.
Giáo Hội như sự hiệp thông – Church as Communion (communio): Qua Giáo Hội, người tín hữu được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và được hiệp thông với nhau. Do đó Lumen Gentium xác tín rằng “Giáo Hội là dấu chỉ và là công cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người” (LG 1). Nhờ Thánh Thần, các tín hữu rải rác khắp nơi được hiệp thông với nhau (LG 13). Trong đức tin và lòng mến vào Đức Kitô, sự hiệp thông này còn được diễn tả khi Hội Thánh tại thế được kết hợp và hiệp thông với những người đã đi trước. Sự hiệp thông này làm nên một Hội Thánh Duy Nhất bao gồm những thành phần đang còn lữ hành dưới thế, và những thành phần đã hoàn tất cuộc hành trình dương thế, đang trong vinh quang trên trời hay còn đang được thanh luyện.
Sự hiệp thông này cũng được diễn tả cụ thể trong phẩm trật của Giáo Hội khi các linh mục hiệp thông với Giám mục của mình, các giám mục địa phương hiệp thông với giám mục Roma. Ngoài ra, tính chất hiệp thông của Giáo Hội còn được diễn tả trong sự hiệp thông có tính đại kết của Giáo Hội công giáo với các Giáo Hội Kitô khác.
Giáo Hội như là người phục vụ – Church as Servant (ministerium): Quan niệm Giáo Hội như là người phục vụ được tìm thấy trong Hiến chế Gaudium et Spes. Giáo Hội hiện hữu không chỉ vì mục đích thiêng liêng nhưng Giáo Hội còn hiện diện và dấn thân vào việc phục vụ và thăng tiến thế giới này. Như thế, Giáo Hội có nhiệm vụ làm cho gia đình nhân loại này ngày càng hòa bình và thăng tiến hơn bằng cách cộng tác, phụng vụ làm thăng tiến phẩm giá con người. Sở dĩ như vậy, vì Giáo Hội phải theo gương mẫu Đức Giêsu – Đấng đến để phục vụ là cho con người được sống và sống dồi dào. Hiến chế Gaudium Et Spes cho thấy Giáo Hội phải trở nên một cộng đoàn phục vụ (số 3) và Giáo Hội không chỉ hiện hữu cùng với thế giới nhưng hiện hữu trong thế giới, và Giáo Hội không phải là người thống trị thế giới nhưng là người phục vụ thế giới này.
Nhiệm vụ cơ bản và chính yếu của Giáo Hội là đưa nhân loại vào trong sự cộng tác với Thiên Chúa, được diễn ta bằng việc chăm sóc người khác, đặc biệt là những người bị áp bức, bị gạt ra bên lề xã hội. Một lần nữa, Đức Giêsu chính là gương mẫu cho Giáo Hội về điều này khi Ngài đến để phục vụ mọi người và phục vụ đến hy sinh cả tính mạng. Như thế, Giáo Hội chỉ có thể là một Giáo Hội phục vụ. Sự phục vụ này không đến từ ham vọng hay ước muốn trần thế những đến từ mong muốn làm chứng cho sự thật, qua sự tác động của Thánh Thần (GS 3). Sứ mạng của Giáo Hội là cứu chữa hơn là kết án, là phục vụ hơn là được phục vụ. Làm được như thế, nước Thiên Chúa và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người đã hiện diện ngay ở trần gian này, trong lòng của Giáo Hội.
Giáo Hội Duy Nhất (Unity): Theo GLGHCG số 813, Giáo Hội duy nhất do bởi nguồn mạch của mình là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Hội Thánh Duy nhất vì Đấng Sáng Lập của mình – Chúa Con đã xuống thế, cứu độ và giao hòa mọi người với Thiên Chúa và với nhau, hiệp nhất mọi người trong một dân tộc và một thân thể. Và Hội Thánh Duy nhất vì linh hồn của mình: Chúa Thánh Thần – Đấng hằng ngự trong lòng các tín hữu, làm cho mọi người đựợc hiệp nhất với nhau và kết hợp tất cả trong Đức Kitô – Đấng là nguyên lý của sự hiệp nhất. Như thế, tự bản chất Giáo Hội là Duy nhất, như chỉ có một Đức Kitô đấng Là Đầu của thân thể duy nhất là Hội Thánh.
Tuy nhiên, Giáo Hội Duy nhất ấy cũng cho thấy tính đa dạng của mình, khi các tín hữu thuộc mọi dân tộc, mọi văn hóa được quy tụ làm nên Giáo Hội Duy nhất – Dân Thiên Chúa. Đúng như Thánh Phaolô ví von, mỗi người là một bộ phận trong thân thể với chức năng và ân sủng khác nhau làm thành một thân thể duy nhất là Giáo Hội. Hơn nữa, theo GLGHCG 815, tính duy nhất của Giáo Hội được duy trì nhờ những mối dây sau: (1) Nhờ việc tuyên xưng một đức tin duy nhất đã tiếp nhận từ các tông đồ; (2) Nhờ sự cử hành chung vuiệng phụng tự thần linh, nhất là các Bí tích; (3) Nhờ sự kế nhiệm tông truyền qua Bí tích Truyền Chức Thánh, điều này duy trì sự hiệp nhất huynh đệ của gia đình Thiên Chúa.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng ngay trong Giáo Hội Duy nhất này, từ buổi sơ khai đã có những rạn nứt dẫn đến lạc giáo, ly giáo. Tất cả những điều này làm tổn thương đến tính Duy nhất của Thân thể Đức Kitô. Nhằm hòa giải và tái thiết lại sự hiệp nhất ban đầu này, Công đồng Vatican II đã kêu gọi Giáo Hội: cần canh tân thường xuyên, hối cải tận đáy lòng đề sống phù hợp với Tin mừng,hiểu biết nhau trong tình huynh đệ, đào tạo tinh thần đại kết, đối thoại giữa các nhà thần học và gặp gỡ các tín hữu của các Giáo Hội khác nhau, hợp tác giữa các tín hữu để phục vụ con người. (GLGHCG số 821).
Giáo Hội Thánh Thiện (Holiness): Trước hết, Giáo Hội Thánh Thiện là do chính Thiên Chúa chí thánh là Đấng sáng lập Giáo Hội, như xưa Thiên Chúa đã chọn và thánh hóa dân Israel để làm cho họ trở nên dân Thánh, thì Giáo Hội trong Tân ước cũng được Thiên Chúa làm cho nên thánh. Hiến chế Lumen Gentium xác tín rằng Giáo Hội thánh thiện do chính Đức Kitô đã hiến mình để thánh hóa Giáo Hội (LG 39), cũng như nhờ được kết hợp với Đức Kitô như thân thể của Ngài, Giáo Hội được trở nên thánh thiện và có khả năng thánh hóa: “Tất cả công việc của Giáo Hội đều hướng về mục đích là thánh hóa con người trong Đức Kitô và tôn vinh Thiên Chúa.”[4] Ngoài ra, Chính Chúa Thánh Thần Đấng hằng họat động trong lòng Giáo Hội, không ngừng thánh hóa Giáo Hội và làm cho Giáo Hội được sống thánh.
Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy trong Giáo Hội vẫn có những phần tử tội lỗi. Công đồng Vatican II minh định cho ta biết rằng Giáo Hội là thánh thực sự, nhưng sự thánh thiện ấy còn bất toàn trong Giáo Hội lữ hành (LG48). Và vì mang trong mình những phần tử tội lỗi như thế, Giáo Hội dù thánh thiện, nhưng vẫn không ngừng được thanh tẩy, sám hối và canh tân (LG 8).
Giáo Hội Công Giáo (Catholicity): Trước hết, từ “Công Giáo” ở đây được hiểu theo hai nghĩa “phổ quát”, vừa theo tính toàn vẹn và vừa theo tính toàn bộ. Giáo Hội công Giáo bao gồm tất cả những người được hòa giải trong Chúa Kitô và được hiệp nhất trong Thánh Thần.
Gọi là Công Giáo vì Giáo Hội loan báo toàn bộ đức tin mà Giáo Hội mang trong mình. Và vì trong Giáo Hội có Đức Kitô hiện diện, Giáo Hội được trở nên sung mãn nhờ kết hợp với Người. Do đó, Giáo Hội nhận được từ Đức Kitô đầy đủ phương tiện cho ơn cứu độ.
Xét về tính phổ quát địa lý và thời gian, Giáo Hội là Công Giáo vì được Đức Kitô sai đến với tất cả mọi dân tộc, Giáo Hội ngỏ lời với mọi người, kêu gọi mọi người tới sự hiệp nhất mang tính Công Giáo của dân Thiên Chúa; và Giáo Hội cũng bao trùm mọi thời đại, vì Giáo Hội tự bản chất là Truyền giáo.
Hơn nữa, Công Giáo ở đây không nhất thiết mang ý nghĩa về một tổ chức phổ quát nhưng đúng hơn nhắm đến mối tương quan và hiệp thông. Nhờ sự hiệp thông, các Giáo Hội địa phương cũng có đặc tính Công Giáo cách đầy đủ khi kết hợp và hiệp thông với Giáo Hội Rôma. Như thế, Giáo Hội phổ quát không có nghĩa là một sự tổng hợp, một liên hiệp các Giáo Hội địa phương. Do vậy, sự đa dạng, sắc thái riêng trong phụng vụ, văn hóa của Giáo Hội địa phương không làm phân chia đặc tính công giáo này của Giáo Hội. (GLGHCG 834-35)
Giáo Hội Tông Truyền (Apostolicity): Chúng ta gọi Giáo Hội có đặc tính Tông Truyền vì được đặt trên nền móng các tông đồ theo 3 nghĩa: (1) Giáo Hội đã và đang xây dựng trên nền móng các Tông đồ, là những chứng nhân đã được Chúa Giêsu chọn, gọi và sai đi; (2) Nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, Giáo Hội luôn gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, di sản thiêng liêng mà các Tông đồ truyền lại; (3) Giáo Hội tiếp tục được giảng dạy và hướng dẫn bởi các tông đồ qua những vị kế nhiệm trong nhiệm vụ mục tử, là Giáo Hoàng, các Giám Mục. (GLGHCG 857).
Giám Mục đoàn (Collegiality): Như đã đề cập ở trên, tính Tông truyền của Giáo Hội được phần nào qua việc có các vị được chọn kế nhiệm các tông đồ. Tuy nhiên, việc kế nhiệm tông đồ này không phải là một một cách thức cá nhân nhưng mang tính tập thể, nghĩa là không phải mỗi giám mục kế vị một tông đồ, nhưng là giám mục đoàn kế vị tông đồ đoàn.
Giám mục đoàn là cách thế diễn tả bản chất hiệp thông của Giáo Hội khi các Giáo Hội địa phương hiệp thông với Giáo Hội phổ quát, các giám mục của các địa phận hiệp thông với nhau và với Giám Mục Roma là Đức Giáo Hoàng.[5] Theo Công Đồng Vatican II, Sự hiệp thông này diễn tả sự hiệp nhất trong bình an, bác ái của các giám mục khắp nơi, qua việc triệu tập các công đồng, qua việc tấn phong các giám mục mới. (LG 22) Hơn nữa, công đồng còn dạy rằng việc có nhiều thành viên trong giám mục đoàn diễn tả tính đa dạng và sự phổ quát của Dân Thiên Chúa. (LG 22)
Tóm lại, những cách diễn tả trên đây về Giáo Hội cho chúng ta thấy những đặc tính và bản chất của Giáo Hội rõ ràng hơn. Qua đó, chúng ta thấy rằng những cách diễn tả khác nhau này về Giáo Hội không mâu thuẫn hay bóp méo đi hình ảnh Giáo Hội nhưng bổ sung cho nhau và giúp chúng ta có một cái hiểu “trọn vẹn” hơn về bản chất và đặc tính của Giáo Hội. Bởi lẽ, một đàng Giáo Hội vừa là công trình của Thiên Chúa nhưng đàng khác Giáo Hội cũng là công trình mang tính nhân loại. Do đó, Giáo Hội vừa có tính hữu hình thể hiện qua cơ cấu, phẩm trật nhưng đồng thời cũng mang đầy những nét thiêng liêng, vô hình như là Bí tích. Giáo Hội vừa là hoa trái của sự cứu độ và đồng thời cũng chính là những phương tiện đưa tới ơn cứu độ. Hiểu như thế, chúng ta sẽ không nhấn mạnh thái quá, hay lược bỏ một đặc tính nào của Giáo Hội, nhưng cố gắng kết hợp các đặc tính để thấy được sự bổ sung và sự trọn vẹn của Giáo Hội. Và hơn nữa, chúng ta cũng ý thức rằng Giáo Hội không chỉ là công trình của con người nhưng là công trình của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta chỉ hiểu được trọn vẹn Giáo Hội trong ánh sáng của Mầu nhiệm Đức Kitô hay trong ánh sáng của Giáo Hội trong Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Câu 2: Trong quá khứ, Câu nói ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ “extra ecclesiam nulla sallus” đã tạo ra một cái nhìn tiêu cực của Giáo Hội về tôn giáo khác. Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta phải giải thích câu nói này sao cho tích cực hơn? Điều gì sẽ xảy ra cho sứ mạng tin mừng hóa nếu ơn sủng của Chúa có thể hoạt động bên ngoài Giáo Hội hữu hình?
“Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” là câu nói đã gây ra nhiều tranh cãi trong chính các thành viên của Giáo Hội công giáo lẫn những người không thuộc công giáo. Phải chăng Giáo Hội công giáo kiêu ngạo về mình và quá tiêu cực khi nhìn về các tôn giáo khác? Trong phần dưới đây chúng ta cùng thử tìm hiểu lại ý nghĩa đích thực của câu nói này trong bối cảnh, thời điểm mà nó được nói ra qua dòng lịch sử Giáo Hội để khám khá ra ý nghĩa đích thực của câu khẳng định trên. Đồng thời chúng ta thử tìm hiểu quan niệm về ơn cứu độ của Giáo Hội thế nào khi con người đang sống trong xã hội đa văn hóa và tôn giáo ngày hôm nay.
Thật vậy, chúng ta có thể bắt gặp câu nói “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” trong nhiều bản văn của các giáo phụ hay trong một số tài liệu của Giáo Hội. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cần lưu ý ở đây là cần đặt câu nói này trong bối cảnh của nó để hiểu chính xác ý nghĩa mà các giáo phụ và Giáo Hội thời đó muốn diễn đạt.
Trước hết, thời các các Giáo phụ, câu nói này thường được nhắc đến trong bối cảnh để chống lại các khuynh hướng dị giáo, lạc giáo muốn tách mình ra khỏi Giáo Hội. Trong thời đó, mọi người đều có thể nhân danh Đức Kitô để rửa tội cho người khác. Với bối cảnh như thế, thánh Cypria thành Cathage và một vài giáo phụ khác đã xác tín: “extra ecclesian null salus”. Thế nên, ý nghĩa ban đầu của câu nói “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” chỉ có ý muốn nói những người ngoài Kitô Giáo rửa tội cho người khác không thành (như ám chỉ đến những người lạc giáo rửa tội cho những người khác).[6]
Sang thời Trung cổ đến trước Vatican II, chúng ta có thể thấy vài tài liệu của các giáo hoàng đề cập tới việc: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, chẳng hạn như trong bản tuyên xưng đức tin của Đức Innocent III năm vào 1208 buộc những người lạc giáo Waldensians muốn trở lại công giáo phải tuyên xưng; bản văn của công đồng lateran IV năm 1215 nhằm chống lại những người Albigensians. Bối cảnh của những lần tuyên bố này cho thấy thật ra các giáo hoàng chỉ muốn bảo vệ tính hiệp nhất của Giáo Hội trước những những giáo thuyết sai lạc đang làm lung lạc Giáo Hội. Tương tự như vậy, sắc lệnh Unam Sanctam của Đức Boniface VIII (1302), đoản sắc Singulari quadam của đức Pius IX (1863)…cũng đề cập tới cụm từ “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”.[7] Ở đây các Giáo hoàng chỉ muốn nói đến bản chất của Giáo Hội và quyền tối thượng của Giáo Hoàng hơn là kết án những người không theo đạo công giáo.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cũng có những thời gian Giáo Hội đã hiểu cụm từ “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” trên thuần túy theo nghĩa đen của nó. Với lối hiểu này, chắc chắn Giáo Hội đã gặp không ít những chống đối hoặc bất bình từ nhiều phía khác nhau. Nhưng trong một lối nhìn tích cực, trước hết chúng ta nhận ra rằng chính những khiếm khuyết này cho thấy sự phát triển và nhận thức về đức tin của Giáo Hội là cả một tiến trình.
Thật vậy, đến Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đã làm rõ nghĩa câu nói “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” này và tránh gây ra những hiểu lầm trong việc đối thoại với các tôn giáo khác. Trong Hiến chế Lumen Gentium, Công Đồng vẫn minh định rằng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Chính Người là Đấng thiết lập Giáo Hội và hiện diện giữa chúng ta trong thân mình Người là Giáo Hội (LG 14). Sự cần thiết của Giáo Hội đối với việc cứu độ được hiểu theo hai nghĩa: (1) sự cần thiết phải gia nhập Giáo Hội đối với những ai tin vào Đức Kitô qua Bí tích Thanh tẩy; (2) sự cần thiết của Giáo Hội cho công cuộc cứu độ; nghĩa là Giáo Hội là một sự hỗ trợ tổng quát ơn cứu độ.
Chính vì thế, Công đồng khẳng định trước nhất: “những ai biết Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô như một điều kiện thiết yếu, mà vẫn từ chối không gia nhập hay không trung thành sống trong Giáo Hội, thì sẽ không được ơn cứu độ.” (LG 14)
Hơn nữa ngay cả những người dù đã gia nhập Giáo Hội nhưng không sống theo tinh thần của Giáo Hội, Công đồng gọi những người này chỉ sống trong Giáo Hội theo nghĩa “thể xác” thôi, thì cũng không được ơn cứu độ. Trong khi đó, những người còn là dự tòng, nhờ ơn Thánh Thần thúc đẩy, có ý định rõ ràng xin vào Giáo Hội thì chính ước muốn ấy đã giúp họ kết hiệp với Giáo Hội. Điều này thật ra không mới vì trong truyền thống Giáo Hội, Giáo Hội xác tín rằng có những người rửa tội bằng “ước muốn” và “bằng máu”. Như thế, Công đồng nhấn mạnh tới chính thái độ sống và ước muốn bên trong của con người hơn là việc làm hình thức bề ngoài trong mối tương quan với Giáo Hội.
Ngoài ra, với những người đã được rửa tội, mang danh xưng là Kitô hữu nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn hoặc không duy trì sự hiệp nhất với Giáo Hoàng, Giáo Hội vẫn ý thức mình có liên kết với họ vì nhiều lý do. Do đó, họ cũng hiệp thông một cách nào đó với Giáo Hội Công giáo.
Hơn nữa, Công Đồng cũng làm rõ rằng ngay với cả “những người không vì lỗi của mình mà chưa đón nhận Tin mừng của Đức Kitô và Giáo Hội của Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếmThiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu hiện qua lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu” (LG 16). Như thế, Công đồng Vatican II cho thấy Giáo Hội không hoàn toàn phủ nhận ơn cứu độ ngoài Kitô giáo, nhưng Giáo Hội luôn tin tưởng và xác tín vào sự hoạt động của Thánh Thần, nghĩa là Giáo Hội tôn trọng tự do lương tâm của mỗi người. Tuy nhiên, ngay trong tiếng lương tâm ấy, Giáo Hội cũng cảnh giác rằng vì “con người luôn bị chi phối bởi những ảnh hưởng tiêu cực và bị cám dỗ bởi tội lỗi, nên thích làm theo ý riêng và khước từ những đạo lý đưa ra một cách có thẩm quyền.” (GLGHCG số 1783)
Nói tóm lại, Công đồng Vatican II nhìn nhận rằng có những giá trị đích thực của những tôn giáo khác. Nhưng khi nói như thế, điều này không có nghĩa là “cào bằng tôn giáo”,nghĩa là coi mọi tôn giáo có giá trị ngang nhau. Thật vậy, Công Đồng vẫn xác tín rằng Giáo Hội là cần thiết và là phương tiện chính yếu cho ơn cứu độ của con người. Đàng khác, Giáo Hội cũng nhìn nhận rằng Thánh Thần có thể tác động và làm việc trên mỗi con người và mỗi tôn giáo cách khác nhau. Hiểu như thế, Giáo Hội tiếp tục mời gọi Giáo Hội sống bản chất truyền giáo của mình, hầu chu toàn thánh ý của Thiên Chúa “muốn cho mọi người đều được hưởng ơn cứu độ”. Đồng thời, trong tinh thần đối thoại, Giáo Hội cũng chân nhận, tôn trọng những giá trị tốt đẹp nơi các tôn giáo khác khi chúng hướng con người đến Chân Thiện Mỹ.
Câu 3: xác định những vấn đề chính mà tông huấn Ecclesia in Asia đã đề cập liên quan đến Giáo Hội Á Châu? Thảo luận và đào sâu ít nhất 3 vấn nạn – làm sao Giáo Hội Việt Nam có thể giải đáp những điều này?
Tông huấn Ecclesia in Asia -Giáo Hội tại Á Châu là tài liệu hậu Thượng Hội Ðồng mà Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố vào ngày 6/11/1999 tại Ấn Độ. Qua tài liệu này, Ðức Thánh Cha cho thấy bối cảnh lịch sử Kitô Giáo của Á Châu, cũng như ân sủng đặc biệt mà Á Châu đã được lãnh nhận cách đặc biệt là Chính Đức Kitô. Đồng thời Ngài cũng cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn hằng hoạt động nơi lục địa này ngay từ khởi đầu. Vì thế Á Châu là một chân trời mới đầy hứa hẹn cho một “mùa gặt các linh hồn trong sứ vụ của Giáo Hội hướng về Ngàn Năm Thứ Ba. Cũng trong tông huấn này, Đức Thánh Cha đã vạch ra những thách đố mà Giáo Hội tại Á Châu đang phải đối diện. Trong giới hạn của phần này, trước hết chúng ta cùng lược lại những thách đố mà Tông Huấn đã đề ra. Sau đó chúng ta cùng thử phân tích và trả lời một số thách đố trong Hội Việt Nam.
Ngay phần đầu, Tông huấn đã đặt ra cho Giáo Hội Châu Á một câu hỏi: tại sao Ðấng Cứu thế sinh ra tại Á Châu mà cho tới nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết đến Người? câu hỏi này được trả lời phần nào khi Tông huấn vạch ra cho chúng ta thấy những nét đặc biệt của Châu Á: (1) Châu Á là nơi đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo và truyền thống cổ xưa; (2) Đây cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo. (Số 6). Sống trong bầu khí như thế, người Châu Á (1) yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sự đơn sơ, hài hòa, quên mình, bất bạo động, chăm chỉ làm việc, kỷ luật, sống mộc mạc, khao khát hiểu biết và tìm kiếm triết lý; (2) quý trọng những giá trị như tôn trọng sự sống, lòng trắc ẩn đối với mọi sinh vật, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, và một ý thức cộng đồng cao độ; (3) tinh thần gia đình, làng xã được đề cao; (4) tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hòa bình, khát vọng sâu xa đối với những giá trị thiêng liêng.(Số 6)
Chính với bối cảnh và những đặc tính của người Châu Á như trên, Tông Huấn đặt ra cho chúng ta vấn nạn: làm sao để đối thoại với con người trong sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo như thế? Làm sao để có thể rao truyền xác niềm xác tín của mình cho người Châu Á rằng: Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, Ðấng Cứu Thế độc nhất và duy nhất cho mọi dân tộc (số 2)? Làm sao để đối thoại, để truyền giáo về một Đức Kitô đã chết và đã cứu con người giữa bao vị sáng lập các tôn giáo lớn?
Hơn nữa, việc đối thoại và truyền giáo trong bối cảnh này, chắc hẳn sẽ gặp phải rất nhiều các khó khăn về phương diện triết học, văn hóa và thần học, nhất là nhìn từ những niềm tin của các tôn giáo lớn tại Á Châu, vốn đã ăn chặt vào trong đời sống của người Châu Á (Số 9). Điều này đặt ra cho chúng ta một câu hỏi khác, thách đố hơn là làm sao để trình bày cho người Châu Á một Đức Kitô hoàn toàn quen thuộc và mang dung mạo Châu Á?
Ngoài ra, ngày từ Công đồng Vatican II đã cho chúng ta xác tín rằng: Giáo Hội không thể tách mình ra khỏi thế giới con người hôm nay như Hiến chế Gaudium et Spes đã cho thấy. Trong tinh thần đó, Tông Huấn Eccelesia in Asia Số 34 cũng đặt ra cho Giáo Hội tại Á Châu: Giáo Hội có thể làm gì trong bối cảnh văn hóa của mình cho đám đông nghèo khổ để thăng tiến nhân phẩm, tôn trọng sự sống, quyền lợi và an sinh xã hội, cách đặc biệt vấn đề quyền lợi của phụ nữ và trẻ em?
Cũng vậy, Giáo Hội Châu Á có thể làm gì cho những người tị nạn, người di cư trước những biến động của kinh tế xã hội. Làm sao Giáo Hội có thể đồng hành và trợ giúp những anh chị em này khi họ sống trong môi trường bị tách biệt về ngôn ngữ, văn hóa? Cũng trong số 34 này, Tông Huấn cũng cho thấy thực trạng đau thương của sự kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, văn hóa giới tính dẫn đến những bạo hành khác nhau. Đó chẳng phải là những thách đố lẫn mời gọi thúc bách Giáo Hội Á Châu phải làm điều gì đó sao?
Một thách đố khác mà Tông Huấn Ecclesia in Asia cũng đặt cho chúng ta phài suy nghĩ: đó là trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa như ngày hôm nay, Giáo Hội Á Châu có thể đóng góp gì trong việc giáo dục, kiến tạo hòa bình, giải quyết những vấn nạn về đời sống trong bối cảnh toàn cầu hóa và làm sao giúp bảo vệ môi trường sống đang bị hủy hoại nghiêm trọng?
Trong chương cuối của Tông Huấn này, Giáo Hội cũng đưa ra một thách đố khác liên hệ tới chính từng thành phần Kitô hữu, từ chủ chăn, tu sĩ, giáo dân…Đó là làm sao để trở canh tân chính mình? Làm sao để thành những chứng nhân tin mừng cho những người Châu Á chưa nhận biết Chúa?
Tóm lại, trên đây là một vài vấn nạn và thách đố mà Tông Huấn Ecclesia in Asia đã đưa ra. Trong phần tiếp theo này, chúng ta cùng thảo luận một vài thách đố liên hệ tới Giáo Hội Việt Nam.
Thách đố đầu tiên mà người viết ưu tư đó là việc Canh tân đời sống giáo sĩ, tu sĩ.
Nếu xét về mặt xã hội và văn hóa, chúng ta thấy đời sống của người Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng và tinh thần của Tam Giáo rất nhiêu. Vì thế, đối với người dân Việt, chúng ta thấy có những nét văn hóa rất được chú trọng, chẳng hạn: “Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ” hay “tôn sư trọng đạo”. Do đó, giới nhà tu cách chung rất được mọi người trọng vọng, yêu mến, và thậm chí được coi là “mẫu mực” cho mọi người. Chính trong văn hóa này mà đời sống chứng ta của người giáo sĩ, tu sĩ tại Việt Nam có giá trị cách đặc biệt.
Trong khi đó, nếu quan sát thực trạng Giáo Hội Việt Nam, chúng ta cũng không ít lần nhận được những phàn nàn hay thấy được những phê bình từ những người trong Giáo Hội lẫn ngoài Giáo Hội nói về thực trạng quan liêu, độc đoán nơi hàng giáo sĩ. Sự thiếu cộng tác giữa các “vị” với nhau và với người khác cũng là điều thường bị người ta đặt vấn đề. Phải chăng Giáo Hội Việt Nam vẫn còn mang nặng tính cơ chế và quyền bính “hình tháp. Công đồng Vatican II đã cảnh tỉnh và đã có một mô hình mới thay thế cho cơ chế “hình tháp” này bằng hình thức vòng tròn đồng tâm quy Kitô (Đức Kitô là trung tâm của mọi người và mọi người là anh em với nhau). Như thế, nếu nhìn ở góc độ này phải chăng Giáo Hội Việt Nam chưa thích ứng được với những gì Công Đồng Vatinô II để ra? Điều này đặt ra cho chúng ta phải làm thế nào?
Dựa trên Tông Huấn Ecclesia in Asia, tôi thiết nghĩ rằng Giáo sĩ tu sĩ Việt Nam cần có một sự canh tân nào đó để thoát ra khỏi não trạng quan liêu độc đoán trong việc phục vụ và quản trị. Nghĩa là phải canh tân về mặt nhân bản, thiêng liêng và mục vụ; phải là người không chỉ lo về việc bác ái hoặc những người quản trị cơ chế, nhưng những con người mà tâm trí hướng về những gì thâm sâu của Thần Khí; Đồng thời phải là những con người có đời sống cầu nguyện, sự nhiệt thành phục vụ và cách sống gương mẫu; cũng như các chủ chăn phải là người làm việc trong một tinh thần hiệp thông và cộng tác với các Giám mục và mọi tín hữu (Số 43). Ngoài ra, tôi cũng thiết nghĩ rằng cần có sự thúc đẩy trao dồi tri thức về Giáo Hội lẫn xã hội cho giới Giáo sĩ và tu sĩ nhiều hơn nữa, đặc biệt là những người trẻ. Bởi lẽ bối cảnh phát triển không ngừng và tục hóa của xã hội ngày nay đặt ra cho con người nhiều thách đố hơn bao giờ hết. Nếu người Giáo sĩ, tu sĩ không có đủ nhạy bén nắm bắt, suy tư và cầu nguyện về các vấn đề của thời đại, e rằng cả đời sống cá nhân lẫn đời sống mục vụ của họ có thể sẽ gặp khó khăn trước vấn nạn thời đại.
Thách đố thứ hai mà người viết ưu tư cho Giáo Hội Việt Nam là việc Canh tân đời sống giáo dân: Nếu so sánh với dân số đất nước, chúng ta thấy rằng tỉ lệ người Công giáo của Việt Nam chiếm tỉ lệt rất nhỏ. Hơn nữa, trong số nhiều người Việt Nam vẫn xưng mình là có đạo nhưng có lẽ chưa thể hiện rõ đời sống đạo của mình. Việc tham dự các cử hành phụng vụ nhiều khi chỉ là thói quen hơn là một sự xác tín cá nhân. Điều này có thể thấy ngang qua hiện trạng nhiều sinh viên, công nhân khi ở quê sống đạo sốt sắng, nhưng chỉ một thời gian ngắn lên các thành phố lớn sinh sống thì trở nên khô khan hay không giữ đạo.
Trước đây trong bối cảnh xã hội của Việt Nam, đời sống con người chịu ảnh hưởng rất mạnh từ cơ chế làng xã. Người Công giáo ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ cơ chế này. Do đó, việc giữ đạo và sống đạo dường như được hộ trợ rất nhiều từ cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, ngày nay xã hội mở cửa hơn, người dân tập trung về các thành thị, các khu công nghiệp để làm ăn sinh sống. Cơ chế và sự bảo hộ của làng xã dường như bị phá vỡ. Như thế, nếu mỗi người giáo dân khi rời bỏ làng xã công giáo của mình để đi một nơi khác làm ăn sinh sống, họ có thể đối diện với những thách đố về đời sống đức tin nếu không có một xác tín tôn giáo cá vị, hay không tìm được sự hỗ trợ đức tin của cộng đồng nơi họ đến làm ăn sinh sống. Điều này đỏi hỏi trước hết người giáo dân phải chủ động tìm đến với cộng đoàn mới nơi họ đến làm việc để sinh hoạt các hoạt động Giáo Hội. Đàng khác, chính các vị mục tử ở đây phải tạo điều kiện, khuyến khích những người nhập cư này.
Tuy nhiên, thực tế cho chúng ta thấy rằng từ trước tới nay, giáo dân Việt Nam thường đóng một vai trò thụ động trong các hoạt động tôn giáo ngay cả trong giáo xứ, giáo phận địa phương của minh. Có lẽ một phần do họ không được huấn luyện để đảm trách những vai trò trong Giáo Hội địa phương của mình. Nhưng đàng khác đó cũng có thể là do Giáo Hội Việt Nam còn nặng tính phẩm trật và thiếu tính hiệp thông. Trong bối cảnh xã hội mới, phải chăng Giáo Hội Việt Nam cần quan tâm, phải có những chương trình như thế nào để giúp đỡ những anh chị em giáo dân này dù họ sinh sống ngay tại giáo xứ làng xã hay tại nơi họ di cư đến sống và làm việc? làm sao để anh chị em giáo dân của chúng ta vừa có một chiều sâu thiêng liêng cá vị, vừa được nâng đỡ và khuyến khích trong đời sống đạo, vừa tình nguyện và chủ động tham gia các hoạt động của Giáo Hội nơi họ sống? Nếu làm được tất cả những điều này, tôi thiết nghĩ Giáo Hội ở Việt Nam sẽ được phát triển rất nhiều vể cả chất lượng lẫn số lượng. Bởi lẽ chính những anh chị em giáo dân này sẽ là những nhân chứng của Chúa Kitô cách sống động và hữu hiệu nhất trong môi trường sống và làm việc của họ.
Thách đố thứ 3 mà người viết muốn thảo luận chính là việc Thăng tiến và con người trong xã hội Việt Nam hôm nay: Không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nhiểu nơi khác, hiện tượng toàn cầu hóa, mở cửa về kinh tế, xã hội đã kéo theo vô số những thách đố về luân lý và quyền con người. Nhiều khu công nghiệp mọc lên và kinh tế tập trung ở các thành phố lớn đã kéo theo hiện trạng nhiều người phải bỏ quê, làng xã đến các thành phố lớn làm việc và sinh sống. Cấu trúc xã hội bị thay đổi, khoảng cách giàu nghèo bị gia tăng, nhân phẩm và quyền lợi quyền bình bẳng của con người bi xâm phạm. Hơn thế nữa, trong một bối cảnh mà quyền con người ít được quan tâm như ở Việt Nam, thì những vấn đề liên quan tới nhân phẩm, công bình, trong sạch và ngay thẳng lại càng là vấn đề cấp bách và nghiêm trọng. Chúng ta có thể thấy rõ thực trạng này nếu chúng ta có dịp quan sát: trong các bệnh viện thường quá tải người và dịch vụ thường thấp kém; các nhà nuôi các em mổ côi, các nhà dưỡng lão, hay thậm chí ngay cả các khu nhà trọ công nhân…Chúng ta đều có thể tìm thấy những hình thức bất bình đẳng, thiếu tôn trọng về quyền con người và nhân phẩm. Trước những thực trạng như thế, Giáo Hội Việt Nam có thể làm gì? Thật ra đã có nhiều dòng tu, nhiều giáo sĩ đã ưu tư về vấn đề này. Họ đã thành lập hay cộng tác với nhà nươc để mở ra những trung tâm cho những người già, người bệnh nan y như HIV, Lao, phong cùi…Cũng có nhiều người đã dấn thân vào việc xã hội, công tác giúp đỡ những anh chị em di dân, công nhân trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, những điều này vẫn đang là điều cần bận tâm và lưu ý hơn để có thể giúp những con người này có được những quyền lợi căn bản làm người thật sự.
[1] Felipe Gómez, Giáo Hội Học – Thần học tín lý 3, Antôn & Đuốc Sáng, 2006, tr. 260.
[2] Richard McBien, The Church, HaperCollin Ebooks, tr. 68.
[3] Xem Miguel M. Grarijo-Guembe, Communion of the Saints – foundation, nature, and structure of the Church, The Liturgical Press, 1994, tr. 85.
[4] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Sacrosanctum Concilium, 10
[5] Xem Richard McBien, The Church, HaperCollin Ebooks, tr. 315
[6] Xem Miguel M. Grarijo-Guembe, Communion of the Saints – foundation, nature, and structure of the Church, The Liturgical Press, 1994, tr 120-121.
[7] Xem Francis A. Sullivan, Salvation Outside The Church? Tracing The History Of The Catholic Response, Paulist Press, 1992, tr.5-7
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét