Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ chiều Thứ Bảy có phải là Thánh lễ Chúa nhật kế tiếp không?
Nguyễn Trọng Đa
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Xin cha vui lòng làm sáng tỏ liệu một Thánh lễ cử hành vào chiều tối Thứ Bảy (tức sau 18 giờ chiều) trong Mùa Thường Niên có phải là Thánh lễ ngày Chúa Nhật không, hoặc liệu có sự tùy chọn cử hành Thánh lễ của ngày thứ bảy hay lễ ngoại lịch kính Đức Trinh Nữ Maria không? - R. H., Jos, Nigeria.
Đáp: Trên thực tế, câu trả lời tốt nhất mà tôi có thể đưa ra là, tất cả tùy thuộc vào nơi bạn đang ở.
Về vấn đề này, Bộ Giáo Luật nói như sau:
"Ðiều 1247: Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.
“Ðiều 1248: §1. Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công Giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Có hai câu hỏi khác nhau, mặc dù chúng có liên quan với nhau. Một câu hỏi về công thức Thánh lễ được sử dụng vào chiều tối thứ bảy, và câu hỏi thứ hai về thời gian khi Thánh lễ bao trùm luật giữ dự lễ ngày Chúa Nhật.
Đối với câu hỏi thứ nhất, theo Điều 1248.1 của Bộ Giáo luật, bất kỳ Thánh Lễ Công Giáo nào được cử hành vào tối thứ bảy sẽ chu toàn việc buộc dự lễ Chúa Nhật cho tín hữu tham dự lễ ấy, cho dù đó không phải là phụng vụ Chúa Nhật thật sự.
Do đó, nếu một người tham dự Thánh lễ vào chiều Thứ Bảy theo hình thức ngoại thường hoặc phụng vụ Công Giáo Đông phương, việc này chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật, mặc dù Thánh lễ được cử hành theo một lịch phụng vụ khác.
Ngoài ra, nếu một người tham dự lễ cưới hay lễ an táng vào chiều tối thứ bảy, người ấy không buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật nữa. Nếu Thánh lễ trùng với Thánh lễ thường lệ của giáo xứ, thì thường có phụng vụ Chúa Nhật đi tiếp theo. Nếu Thánh lễ không trùng với một buổi cử hành của giáo xứ, điều đáng khuyến nghị nhất theo quan điểm thiêng liêng là nên kết hợp các yếu tố của Thánh Lễ Chúa Nhật, chẳng hạn ba bài đọc và kinh Tin Kính.
Tương tự như vậy, các thành viên của một cộng đoàn tu sĩ, vốn thường cử hành Thánh Lễ ngày thường vào chiều tối, sẽ không buộc phải cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật hai lần, và có thể cử hành Thánh Lễ ngày thường hoặc Thánh Lễ ngoại lịch kính Đức Trinh Nữ Maria. Theo Giáo luật, bất cứ ai tham dự Thánh Lễ này sẽ hoàn thành luật buộc dự lễ ngày Chúa Nhật, mặc dù hầu hết mọi người sẽ không biết sự việc này và sẽ tham dự Thánh Lễ vào Chúa Nhật.
Điều này là bởi vì luật phụng vụ phổ quát không bắt buộc phải cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật vào tối Thứ Bảy, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, đó là điều đúng để làm.
Tuy nhiên, có một số Hội đồng Giám mục đã đặt quy định về vấn đề này, để tránh xung đột và đảm bảo rằng đa số tín hữu được hưởng lợi từ kho báu đầy đủ của phụng vụ Chúa Nhật.
Đây thường là các quốc gia, nơi mà một quy tắc chung cho toàn quốc được coi là cần thiết, bởi vì họ có rất nhiều tu viện, đan viện, đền thánh và các nhà nguyện khác, với các Thánh Lễ thường xuyên với nhiều loại thực hành khác nhau.
Còn ở các quốc gia không có luật toàn quốc, mỗi Giám mục có thể quyết định điều gì là tốt nhất, và có thể quy định các luật ràng buộc cho giáo phận của ngài. Giám mục cũng có thể miễn chước trong các trường hợp cụ thể khỏi giữ luật chung.
Thí dụ, ở Ý, Hội Đồng Giám mục đã ra sắc lệnh rằng tất cả các Thánh Lễ chiều tối thứ Bảy phải là Thánh Lễ Chúa Nhật. Trong các quy định, Hội đồng Giám mục nói rằng nếu cần thiết làm lễ cưới hay lễ an táng, các lễ này phải bắt đầu trước 15 giờ chiều thứ bảy.
Nếu việc cử hành Thánh lễ sớm là không thể thực hiện được, các quy chế phụng vụ tổng quát cho các Thánh lễ nghi thức được tổ chức vào chiều tối thứ bảy sẽ được áp dụng. Khả năng cử hành các Thánh lễ nghi thức này sẽ tùy thuộc vào mùa phụng vụ, và trong mọi trường hợp, các yếu tố riêng của Thánh lễ Chúa Nhật (ba bài đọc, Kinh Tin Kính) cần được đưa vào.
Đó là bởi vì tại Ý thời điểm cho một Thánh lễ bắt đầu để chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật thường là sau 16 giờ chiều. Các chuyên viên giáo luật không đồng ý với nhau về điểm này, và một số vị lập luận rằng bất kỳ Thánh Lễ nào sau buổi trưa sẽ là đủ rồi.
Tuy nhiên, tất cả các vị đều đồng ý rằng các Giám mục có thẩm quyền để quy định sự tùy chọn một cách hợp pháp.
Ở Tây Ban Nha các quy chế là chặt chẽ hơn. Tất cả các Thánh Lễ sau buổi trưa Thứ Bảy phải là Thánh Lễ Chúa Nhật, mặc dù cho phép các Thánh lễ nghi thức theo các quy tắc chung.
Thật vậy, để thực hiện theo quy chế này, nhiều cộng đoàn tu sĩ, vốn cử hành Thánh lễ ngày thường vào buổi chiều, phải xin ngoại lệ là cử hành thánh lễ thứ bảy vào ban sáng.
Nơi đâu không có luật minh nhiên, tôi nghĩ rằng như là một nguyên tắc mục vụ tổng quát, tất cả các Thánh lễ công cộng, được cử hành sau 16 giờ chiều, phải là Thánh lễ Chúa Nhật.
Có thể có các ngoại lệ chính xác, chẳng hạn như các Thánh lễ ngày thường trong các cộng đoàn tu sĩ thường không mở cửa cho các tín hữu nói chung, hoặc một linh mục cử hành Thánh lễ một mình hoặc với một người giúp lễ, vì một lý do chính đáng như du lịch hoặc ốm đau chẳng hạn.
Trong các trường hợp như thế, Thánh Lễ ngày thường có thể được cử hành. (Zenit.org 7-2-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét