"MẮT TÔI ĐÃ NHÌN THẤY ƠN CỨU ĐỘ".
BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4
"Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người".
Trích sách Tiên tri Malakhi.
Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!" Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: "Này đây Người đến". Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Đó là lời Chúa toàn năng phán.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Đáp: Vua hiển vinh là ai vậy? (c. 8a)
Xướng: 1)Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua. - Đáp.
2) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh. - Đáp.
3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua. - Đáp.
4) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Đế hiển vinh. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18
"Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 2,32
Alleluia, alleluia! - Ánh sang đã chiếu soi muôn dân, và là vinh quang của Israel dân Chúa. - Alleluia.
BÀI TIN MỪNG: Lc 2, 22-32 hoặc 22-40
"Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Đó là lời Chúa.
______________________________
I/. GIỚI THIỆU CÁC BÀI ĐỌC:
Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ để gặp gỡ dân Ngài.
TRONG BÀI ĐỌC I Trích sách Tiên tri Malakhi, tiên-tri được coi như cuối cùng của Cựu Ước, Malakhi, nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa thân hành hiện đến thăm viếng dân Người để thanh tẩy họ khỏi mọi tội lỗi; một sứ giả sẽ đi trước chuẩn bị đường cho Ngài.
TRONG BÀI ĐỌC II Trích thư gửi tín hữu Do-thái, tác giả Thư Do-thái mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Ngài sẽ mặc lấy xác phàm của con người để ở với con người, để con người có thể trông thấy Ngài bằng xương thịt. Ngài sẽ trải qua tất cả những đau khổ của kiếp người để cảm thông, để trợ giúp, và để xóa sạch tất cả tội lỗi của con người.
TRONG BÀI TIN MỪNG theo thánh Luca, cụ già Simeon là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha mẹ mang Ngài đến để gặp gỡ dân Người. Simeon sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã được nhìn thấy ơn cứu độ bằng xương thịt như lời các tiên tri loan báo.
(theo Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP)
______________________________
II/. BỐI CẢNH BÀI TIN MỪNG (Lc 2, 22-40)
(Theo Wikipedia)
LỄ ĐỨC MARIA DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH hay còn gọi là LỄ NẾN, LỄ THANH TẨY là một lễ kính nhớ việc Đức Maria được thanh tẩy theo luật Môsê, 40 ngày sau khi sinh Đức Giêsu.
Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thanh tẩy Đức Trinh Nữ đã được Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8).
Theo luật Môsê, phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái.
Lễ này được du nhập vào Đế quốc Đông Phương dưới triều vua Justinianô (527-565). Đối với Hội thánh Tây phương, lễ này được nhắc đến trong sách bí tích của Giáo hoàng Gelasianô vào thế kỷ 7.
Kể từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội Giêrusalem đã mừng kính lễ này. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một số lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Rôma lại thường kể lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ
Trong thông điệp về lòng tôn sùng Maria, Giáo hoàng Phaolô VI viết: "Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ "dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song
(Theo Wikipedia)
Lễ Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh, đưa chúng ta trở lại Chương 2 Phúc âm Luca.
Thánh sử Luca được mệnh danh là THÁNH SỬ CỦA MÙA VỌNG và MÙA GIÁNG SINH, vì trong phúc âm Luca, ông đã ghi lại hầu hết các biến cố thời thơ ấu của Chúa Giêsu từ lúc Đức Maria được truỳền tin và sinh hạ Hài nhi Giêsu, sau đó được thanh tẩy.
Câu chủ lực trong Bài Tin mừng hôm nay là câu nói của cụ già Simêon khi được tận mắt chiêm ngưỡng Hài nhi Giêsu.
Ông Simêon nói: “MẮT TÔI ĐÃ NHÌN THẤY ƠN CỨU ĐỘ".
Nhưng cụ già Simêon làm sao thấy được ơn cứu độ, nếu Hài Nhi Giêsu không là ÁNH SÁNG THẾ GIAN, như thánh sử Gioan đã viết:
“ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 4, 5, 9).
Cũng như khi ta nhìn thấy ngôi nhà, nhìn thấy cây cối, vạn vật, không phải ta đã thấy nó, mà là vì ta nhìn thấy ánh sáng của nó đến mắt ta.
Nếu đặt những vật ấy vào trong một phòng kín, không cho ánh sáng lọt vào, ta sẽ không thấy được chúng.
Như vậy ta thấy được chúng là do chúng ta phát ra ánh sáng, nói đúng ra chúng đã phản chiếu ánh sáng của mặt trời đến mắt ta.
Như vậy khi cụ già nhìn thấy ơn cứu độ khi ẵm Hài nhi Giêsu trên tay là vì Hài nhi Giêsu là Ánh sáng thế gian.
Ngoài cụ già Simêon, còn có bà tiên tri Anna nữa, cũng có diễm phúc được nhìn thấy ơn cứu độ này.
Cả hai cụ cùng vào Đền thờ đúng lúc ông Giuse, Mẹ Maria đưa Hài nhi Giêsu vào Đền thánh.
Dĩ nhiên 2 người không hề được báo trước biến cố này và cũng không hề biết trước Thánh Giuse, Đức Maria và Hài Nhi Giêsu.
Nhưng sự trùng hợp đã xảy ra, Luca giải thích: vì có sự hướng dẫn và thúc đẩy của CHÚA THÁNH THẦN.
Như vậy Chúa Thánh Thần đã có mặt ngay buổi đầu tiên của Công trình cúu chuộc và Ngài còn hiện diện và sống trong Giáo hội cho đến sự mọi sự kết thúc.
Lẽ này còn được gọi là LỄ THANH TẨY.
Thanh tẩy Đức Maria sau khi sinh Hài nhi Giêsu. Như trong Bài đọc I đã viết: “Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa”.
Đức Maria đã dâng lễ tế cho Thiên Chúa, một Lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa nhất, đó là Hài nhi Giêsu, Con một Thiên Chúa.
Đó là bối cảnh Bài Tin mừng hôm nay.
Chúng ta bắt đầu bước vào Bài Tin mừng.
______________________________
III/. BÀI CHIA SẺ (Lc 2, 22-40)
“KHI MÃN THỜI HẠN THANH TẨY THEO LUẬT MÔSÊ, ÔNG BÀ ĐEM CHÚA GIÊSU LÊN THÀNH GIÊRUSALEM, ĐỂ DÂNG CHO CHÚA, NHƯ ĐÃ VIẾT TRONG LỀ LUẬT CHÚA RẰNG: "MỌI CON TRAI ĐẦU LÒNG SẼ ĐƯỢC GỌI LÀ CỦA THÁNH, DÂNG CHO THIÊN CHÚA", VÀ VIỆC DÂNG LỄ VẬT NHƯ ĐÃ NÓI TRONG LỀ LUẬT CHÚA LÀ "MỘT CẶP CHIM GÁY, HOẶC HAI BỒ CÂU CON".
THANH TẨY THEO LUẬT MÔSÊ
Theo lý thuyết mà nói, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nên không cần tuân theo những quy định do con người lập ra.
Nhưng Thánh Gia chính là mẫu gương tuyệt vời cho các Kitô hữu, luôn lấy Luật Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình, và ta sống ở đời này là để chu toàn tất cả mọi luật Chúa, yêu mến Luật Chúa, sống và hành xử theo luật Chúa. Đó mới là động lực giúp ta tiến tới trên đàng nhân đức.
MỘT CẶP CHIM GÁY, HOẶC HAI BỒ CÂU CON
Theo Luật, Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, Mẹ Maria cần làm lễ thanh tẩy. Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội.
Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ. Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này, dù ngày nay đối với ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận.
Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem. Họ đã vượt một quãng đường dài (khoảng 150km), với đứa con mới hơn tháng tuổi. Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh. Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo.
Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng. Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (1 Sm 1, 22).
Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào. Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
VÀ LÚC ĐÓ TẠI GIÊRUSALEM CÓ MỘT NGƯỜI TÊN LÀ SIMÊON, LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH VÀ CÓ LÒNG KÍNH SỢ, ĐANG MONG ĐỢI NIỀM AN ỦI ISRAEL, CÓ THÁNH THẦN Ở TRONG ÔNG. ÔNG ĐƯỢC THÁNH THẦN MÁCH BẢO LÀ SẼ KHÔNG THẤY GIỜ CHẾT ĐẾN, TRƯỚC KHI THẤY ĐẤNG KITÔ CỦA CHÚA. ĐƯỢC THÁNH THẦN THÚC GIỤC, ÔNG VÀO ĐỀN THỜ. KHI CHA MẸ BỒNG TRẺ GIÊSU ĐẾN ĐỂ THI HÀNH CHO NGƯỜI CÁC NGHI THỨC THEO LUẬT DẠY, THÌ ÔNG ẴM LẤY NGƯỜI TRÊN CÁNH TAY MÌNH, VÀ CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA RẰNG:”
CÓ MỘT NGƯỜI TÊN LÀ SIMÊON
Cụ Simêon mà Luca giới thiệu đến ở ngay phần đầu với chỉ vài từ mô tả vắn gọn: “LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH VÀ CÓ LÒNG KÍNH SỢ, ĐANG MONG ĐỢI NIỀM AN ỦI ISRAEL”.
Ta không biết lý lịch của cụ ra sao, nhưng chỉ với cụm từ : “LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH”, cũng đủ cho thấy cụ luôn sống trong niềm tin, vì người công chính là người sống bởi đức tin.
“ÔNG ĐƯỢC THÁNH THẦN MÁCH BẢO LÀ SẼ KHÔNG THẤY GIỜ CHẾT ĐẾN”.
Đó là phần thưởng mà Chúa muốn dành cho người công chính. Chúa Thánh Thần luôn sống trong cụ và thúc đẩy cụ theo Thánh ý Ngài.
“ĐƯỢC THÁNH THẦN THÚC GIỤC, ÔNG VÀO ĐỀN THỜ”.
Thánh Thần thúc giục, có nghĩa Chúa Thánh Thần muốn đẩy cụ Simêon vào Đền thờ đúng lúc Giuse và Mẹ Maria cũng đem Hài nhi Giêsu vào Đền thờ. Như vậy cuộc gặp gỡ này là do Chúa Thánh Thần sắp đặt và đạo diễn, nhưng với một điều kiện cụ Simêon không cưỡng lại sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Kitô hữu chúng ta cũng thế, cũng luôn được Thánh Thần thúc giục trong tâm trí mỗi khi Ngài muốn ta làm điều gì đó, ta hãy học nơi cụ Simêon là sẵn sàng tuân theo sự mách bảo của Thánh Thần, đừng ngần ngại hay do dự, đừng thối lui hay chạy trốn. Có vậy ta mới thực thi Thánh ý Chúa.
“"LẠY CHÚA, BÂY GIỜ CHÚA ĐỂ CHO TÔI TỚ CHÚA ĐI BÌNH AN, THEO NHƯ LỜI CHÚA. VÌ CHÍNH MẮT CON ĐÃ THẤY ƠN CỨU ĐỘ MÀ CHÚA ĐÃ SẮM SẴN TRƯỚC MẶT MUÔN DÂN, LÀ ÁNH SÁNG ĐÃ CHIẾU SOI CÁC LƯƠNG DÂN, VÀ VINH QUANG CủA ISRAEL DÂN CHÚA".
BÀI CA NUNC DIMITTIS
“Cụ ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cụ Simêon đã chúc tụng Thiên Chúa vì không những Ngài đã cho cụ được nhìn thấy Đấng Kitô của Ngài mà cụ còn được ẵm trên tay nữa. Lời chúc tụng của cụ mà ta gọi là Bài ca Nunc dimittis.
Hài Nhi bé nhỏ này là ÁNH SÁNG CHO MUÔN DÂN, LÀ VINH QUANG CHO DÂN ÍTRAEN CỦA ĐỨC CHÚA
Sau cả một đời chờ đợi, cụ già Simêon sung sướng thỏa mãn đến nỗi sẵn sàng chết cũng được, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu thế và biết rằng thời đại cứu thế đã khai mở.
Bài ca Nunc dimittis này được Giáo Hội chọn đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày.
Ước gì ta sống làm sao để tối đến, trước lúc lên giường ngủ, tâm hồn ta luôn cảm thấy an bình thanh thản, đến nỗi có thể giã từ cõi thế mà ra đi ngay trong đêm nay cũng được.
“CHA MẸ NGƯỜI ĐỀU KINH NGẠC VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐÃ NÓI VỀ NGƯỜI.
Thánh Giuse và Đức Maria kinh ngạc về những điều ông Simêon nói về Hài Nhi.
Tại sao lại kinh ngạc?
Vì Hài Nhi Giêsu là một bí mật của Thiên Chúa dưới mắt người trần gian. Chỉ mình Mẹ và Thánh Giuse mới được Sứ thần cho biết thôi.
Nhưng tại Đền thờ hôm nay lại có người biết rõ về vai trò và sứ mệnh của Hài Nhi như vậy, làm sao hai ông bà không kinh ngạc.
LỜI TIÊN TRI VỀ HÀI NHI GIÊSU VÀ MẸ MARIA
SIMÊON CHÚC LÀNH CHO HAI ÔNG BÀ, VÀ NÓI VỚI MARIA MẸ NGƯỜI RẰNG: "ĐÂY TRẺ NÀY ĐƯỢC ĐẶT LÊN, KHIẾN CHO NHIỀU NGƯỜI TRONG ISRAEL PHẢI SỤP ĐỔ HAY ĐƯỢC ĐỨNG DẬY, VÀ CŨNG ĐỂ LÀM MỤC TIÊU CHO NGƯỜI TA CHỐNG ĐỐI.
VỀ PHẦN BÀ, MỘT LƯỠI GƯƠM SẼ ĐÂM THẤU TÂM HỒN BÀ, ĐỂ TÂM TƯ NHIỀU TÂM HỒN ĐƯỢC BIỂU LỘ".
Ông già Simêon đã nói tiên tri về Hài nhi Giêsu:
Đức Giêsu là một "dấu hiệu”, một "dấu hiệu bị chống đối" và phải bị loại trừ, một "dấu hiệu mà người ta có thể phủ nhận". Thiên Chúa không muốn áp đặt. Người đã trao ban tự do. Người chấp nhận " dấu chỉ tình yêu của Người có thể bị người đời chối bỏ!
VỀ PHẦN BÀ, MỘT LƯỠI GƯƠM SẼ ĐÂM THẤU TÂM HỒN BÀ, ĐỂ TÂM TƯ NHIỀU TÂM HỒN ĐƯỢC BIỂU LỘ.
Còn Mẹ Maria, từ sau khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng, Mẹ đã bắt đầu bước vào con đường đau khổ cùng với Con Mẹ. Mẹ luôn đồng hành với Con qua từng biến cố và đỉnh điểm đó là cuộc Khổ Nạn của Con. Mẹ đứng dưới cây thập giá như bị một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn.
Mẹ đã trải qua những biến cố xảy đến cho Con Mẹ, nhưng Mẹ đã không có bất kỳ phản ứng nào, nhưng luôn để tâm suy niệm trong lòng, như lời ông Simêon đã nói: “Để tâm tư nhiều, tâm hồn được biểu lộ”
Như vậy lời tiên tri của cụ Simêon sẽ được nghiệm đúng trong cuộc đời của Mẹ.
CỤ SIMÊON – THÁNH GIUSE
THÁNH GIUSE không hề được cụ Simêon nhắc đến. Kinh thánh không hề nhắc đến Giuse và cả cụ Simêon cũng vậy. Ông chỉ là một bóng mờ, mờ đến nỗi cụ Simêon không chú ý đến, coi như không có.
Giuse chỉ là một bóng mờ trong Mầu nhiệm Giáng sinh. Một bóng mờ tưởng chừng như thừa thãi. Nhưng đó lại là bóng mờ VÔ CÙNG CẦN THIẾT.
Giuse luôn ẩn sau Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu để ra tay lúc cần thiết, đó là sự nương tựa vững chắc nhất cho Mẹ Con Maria. Cả Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa luôn trông cậy vào Giuse.
Giuse sẽ đóng vai trò là Cha nuôi Chúa Giêsu để Con Thiên Chúa bước vào thế gian với tư cách là một con người đầy đủ và trọn vẹn.
“KHI ẤY, CÓ BÀ TIÊN TRI ANNA, CON ÔNG PHANUEL, THUỘC CHI HỌ ASÊ, ĐÃ CAO NIÊN. MÃN THỜI TRINH NỮ, BÀ ĐÃ SỐNG VỚI CHỒNG ĐƯỢC BẢY NĂM. RỒI THỦ TIẾT CHO ĐẾN NAY ĐÃ TÁM MƯƠI TƯ TUỔI.
BÀ KHÔNG RỜI KHỎI ĐỀN THỜ, ĐÊM NGÀY ĂN CHAY CẦU NGUYỆN PHỤNG SỰ CHÚA. CHÍNH GIỜ ẤY, BÀ CŨNG ĐẾN, BÀ LIỀN CHÚC TỤNG CHÚA, VÀ NÓI VỀ TRẼ GIÊSU CHO TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐANG TRÔNG CHỜ ƠN CỨU CHUỘC ISRAEL.
CÓ BÀ TIÊN TRI ANNA, CON ÔNG PHANUEL, THUỘC CHI HỌ ASÊ
Như vậy trong sự kiện dâng Hài nhi Giêsu trong Đền thờ, ngoài ông già Simêon diễm phúc được gặp Hài Nhi Giêsu, còn có thêm một người nữa, đó là nữ tiên tri Anna. Luca cho biết bà là con ông Phanuel, thuộc chi tộc A-se.
(Theo Wikipedia)
Nước Israel có 12 chi tộc, trong đó 03 chi tộc lớn ở phía Tây Giocđan là: Giuđa, Ephraim, Manassê, các chi tộc còn lại là: Benyamin, Simêon, Zabulôn, Issakhar, A-sher, Neptali, Đan (Chi tộc Lêvi không xét đến, vì Chi tộc Lêvi được dành riêng để lo việc tế tự. Các chi tộc khác có bổn phận chu cấp cho chi tộc này).
Như vậy Chi tộc A-se (Asher) chỉ là một chi tộc nhỏ.
Bà Anna, Một con người bé nhỏ, ở trong một chi tộc cũng bé nhỏ lại được diễm phúc thấy Hài Nhi Giêsu. Sau này Chúa Giêsu nói, Thiên Chúa chỉ thích mạc khải cho người bé mọn thôi.
(Theo Wikipedia)
TIÊN TRI ANNA:
Kinh thánh không cho ta biết nhiều về bà Anna, Luca cũng không xác định bà có được Thiên Chúa sai đi hay giao sứ mệnh nào không, nhưng việc bà ở trong Đền thờ nói về Thiên Chúa cho mọi người mà Luca đã gọi bà là NỮ TIÊN TRI.
“ĐÃ CAO NIÊN. MÃN THỜI TRINH NỮ, BÀ ĐÃ SỐNG VỚI CHỒNG ĐƯỢC BẢY NĂM. RỒI THỦ TIẾT CHO ĐếN NAY ĐÃ TÁM MƯƠI TƯ TUỔI. BÀ KHÔNG RỜI KHỎI ĐỀN THỜ, ĐÊM NGÀY ĂN CHAY CẦU NGUYỆN PHỤNG SỰ CHÚA”
Qua vài lời giới thiệu về bà, Luca cho thấy vài nét về con người này.
1/. BÀ ANNA LÀ MỘT GÓA PHỤ:
Theo ngôn ngữ Kinh thánh, góa phụ cũng đồng nghĩa với cái nghèo, vì bà đã mất đi tất cả những gì đảm bảo cho mình một chỗ đứng trong xã hội, mất luôn cả người chồng, mà chỉ người chồng mới có quyền pháp lý. Là một góa phụ, có nghĩa bà đã mất đi người thân yêu nhất của mình, để từ đó rơi vào cảnh cô đơn, không có chỗ cậy dựa.
Nhưng khi người ta cô đơn, không còn gì để bám víu, khi không còn gì để nương tựa, người ta sẽ tìm đến nơi nương tựa đích thực là Thiên Chúa. Ngài là nơi nương tựa vững chắc nhất cho con người.
Chỉ khi nào con người bị tước đoạt tất cả để không còn gì nữa, thì mắt người ta mới mở ra và nhận thấy Thiên Chúa một cách rõ ràng nhất, mà trước đây nó đã bị che khuất bởi biết bao danh lợi thú, bởi các chỗ cậy dựa.
2/. BÀ ĐÃ GIÀ (84 TUỔI):
Đã già nhưng không hề ngừng hy vọng. Tuổi già cướp mất màu tươi thắm, thanh xuân và vẻ cường tráng của thân thể, nhưng còn tệ hại hơn, là năm tháng có thể giết chết sự sống trong tâm hồn, đến nỗi bao hy vọng từng ôm ấp cũng chết lịm và chúng ta trở nên ảm đạm, ê chề, an phận thủ thường, không còn thiết tha điều gì nữa.
Nhưng tuổi già lại là một lợi thế.
Khi đã về già, có nghĩa ta đã kinh qua tất cả ngõ ngách cuộc đời, ta đã đi qua tất cả các sự kiện, và đã thẩm định được tất cả cái giả tạo và cái chân thực, lúc đó ta mới nhìn cuộc đời rõ nhất, ta nhìn thấy nó đúng như nó có, và ta cũng nhìn về Thiên Chúa rõ hơn bao giờ hết.
Và bây giờ là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và thế gian sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì như sách Khôn Ngoan viết: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch” (Kn 4,9)
3/. BÀ KHÔNG HỀ NGƯNG NGHỈ TRONG VIỆC THỜ PHƯỢNG.
Cuộc đời của bà đã gắn liền với Đền thờ, Luca viết: “Bà không rời bỏ Đền Thờ”.
Thánh vịnh 83 nói: “một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.” Như vậy Bà Anna thật là người có phúc vì luôn được ở trong Nhà Chúa mà ca tụng Ngài.
4/. BÀ HẰNG CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG.
Như vậy, qua vài lời ngắn ngủi, Luca muốn nói với chúng ta rằng: Tại sao khi Thánh Giuse và Mẹ Maria dâng Hài Nhi trong Đền Thờ, các Tư tế, Lê vi, Kinh sư,... không nhận ra Ngài. Đó chỉ vì lòng họ không ở trong tâm trạng chờ mong Đấng Cứu Thế. Cuộc sống của họ quá đầy đủ, Đền thờ đã cho họ một cuộc sống đầy bổng lộc, vậy Đấng Cứu Thế có hay không họ không cần quan tâm.
CHÍNH GIỜ ẤY, BÀ CŨNG ĐẾN, BÀ LIỀN CHÚC TỤNG CHÚA, VÀ NÓI VỀ TRẺ GIÊSU CHO TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐANG TRÔNG CHỜ ƠN CỨU CHUỘC ISRAEL.
Chắc hẳn Bà Anna cũng được Chúa Thánh thần thúc đẩy như cụ Simêon để vào Đền thờ đúng Hài Nhi Giêsu được đưa vào Đền thờ.
NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐÍCH THỰC
“Bà liền chúc tụng Chúa và nói về trẻ Giê-su cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en.”
“Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”.
Đó là khuôn vàng thước ngọc cho việc truyền giáo trong Giáo Hội. Bà An-na trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế.
Ta không thể tìm gặp Chúa trong sự ồn ào náo động của những lo toan vật chất hay những đam mê trần tục, mà chỉ trong kinh nguyện hằng ngày, trong cuộc sống bình dị đơn sơ, để trong việc chu toàn những công việc bổn phận tầm thường hằng ngày, như hạt giống lớn dần, như nắm men từ từ làm dậy cả khối bột. Từ đó ta mới có thể nói về Hài Nhi một cách thuyết phục bằng chứng từ của cuộc sống.
“KHI HAI ÔNG BÀ HOÀN TẤT MỌI ĐIỀU THEO LUẬTT CHÚA, THÌ TRỞ LẠI XỨ GALILÊA, VỀ THÀNH MÌNH LÀ NADARÉT. VÀ CON TRẺ LỚN LÊN, THÊM MẠNH MẼ, ĐẦY KHÔN NGOAN, VÀ ƠN NGHĨA THIÊN CHÚA Ở CÙNG NGƯỜI.
Thánh Giuse trở về với công việc của người thợ mộc để kiếm tiền nuôi sống gia đình, chứ không xin Thiên Chúa làm phép lạ để có tiền cho Chúa Giêsu ăn học. Mẹ Maria trở về với công việc nội trợ để chăm sóc cho Thánh Giuse và Chúa Giêsu trong suốt 30 năm Ngài sống trên dương thế.
CÒN HÀI NHI NGÀY CÀNG LỚN LÊN, THÊM VỮNG MẠNH, ĐẦY KHÔN NGOAN, VÀ HẰNG ĐƯỢC ÂN NGHĨA CÙNG THIÊN CHÚA
Câu cuối của đoạn Tin mừng, Luca cho ta biết nét tổng quát về quãng thời gian Đức Giêsu ở làng quê Nazareth: “Còn Hài Nhi Giêsu ngày càng lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
Như vậy, với sự dưỡng dục của Đức Maria và Thánh Giuse; qua học tập và lao động, Đức Giêsu đã từ từ lớn lên, trưởng thành một cách quân bình. Để rồi, nhân loại được thừa hưởng một Đức Giêsu có khả năng sống và chết cho người khác.
Cả ba thành phần của Gia Đình Thánh đều sống âm thầm thực hiện ý Thiên Chúa.
TÂM TÌNH MỪNG LỄ:
Hôm nay, mừng lễ Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh là dịp nhắc nhở cho các Kitô hữu chúng ta: luôn lấy Luật của Chúa làm kim chỉ nam cho mình, thực hiện trọn vẹn Luật Chúa trong cuọc đời.
Và mỗi người hãy sống đúng vai trò và sứ mệnh Chúa đã uỷ thách cho ta trong đời sống gia đình, để gia đình của ta luôn là muối men trong xã hội hôm nay, để vực dậy một xã hội đang trên đà tha hoá, xuống dốc.
Gương sáng của gia đình ta sẽ vực dậy tâm tình đạo đức cho cả một dân tộc mà sự dối trá, lừa lọc và thủ đoạn đã lên đến đỉnh điểm.
Ta sẽ vực dậy thế nào đây?
Hãy bắt chước bà tiên tri Anna nói về Chúa cho mọi người chung quanh nghe, và hãy sống làm sao để đời sống của ta phải trở nên mẫu mực lay chuyển lòng người.
Nhưng trước hết ta phải thay đổi cái nhìn, thay đổi suy nghĩ và lối sống của mình. Vì trước khi muốn cho thế giới, muốn cho đất nước, xã hội thay đổi thì từ mỗi người PHẢI CÓ SỰ THAY ĐỔI TRƯỚC.
Nếu không làm được điều này thì đừng ngồi đó than trách, đừng có nằm mơ giữa ban ngày, xã hội sẽ không thay đổi khi chính ta chưa có sự thay đổi.
Amen.
___________________________
Giuse Nguyễn Viết Tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét