Trang

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Giải thích tín điều

Giải thích tín điều

Ảnh từ Internet
Văn Kiện Của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế :

Văn kiện này đã do một tiểu ban của Ủy Ban Thần học Quốc tế (=UBTHQT) soạn thảo, dưới quyền hướng dẫn của Đức Cha Walter Kasper, lúc đó còn là giáo sư đại học Tubingen và nay là giám mục giáo phận Rottenburg-Stuttgart. Tiểu ban gồm các thành viên giáo sư sau đây: Ambaum, Colombo, Corbon, Gnilka, Léonard, Nagy, de Noronha Galvão, Peter, Schonborn và Wilfred. Là đề tài bàn thảo của khoá họp khoáng đại trong các ngày từ 3 đến 8 tháng 10, 1988, văn kiện đã được chấp nhận in forma specifica (theo đúng thể thức ấn định) trong khoá họp khoáng đại tháng 10, 1989. Đúng theo điều lệ của UBTHQT, văn kiện đã được công bố với sự phê chuẩn của Đức Hồng Y Giuse Ratzinger, là chủ tịch của Ủy Ban. Nguyên bản bằng tiếng Đức. 

Tóm Lược: 

Văn kiện chia làm ba phần: 

A. Vấn đề đặt ra: tầm quan trọng của lịch sử, nghĩa là của truyền thống trong việc thấu hiểu tín điều; việc cần phải cởi bỏ những hình thức giản lược của một vài khuynh hướng chú giải ngày nay để hướng tới một khoa chú giải siêu hình; những khó khăn trong việc truyền đạt các tín điều cho những người thuộc các nền văn hóa khác (Phi châu, Á châu). 

B. Nền tảng thần học (tức là cách thức lịch sử làm chứng cho mạc khải): tiến trình liên tục của truyền thống trong lịch sử các tín điều; các tuyên ngôn của Huấn quyền kể từ công đồng chung Trentô cho đến công đồng chung Vatican II và việc giải thích các lập trường giáo lý thời trước giữa bối cảnh của các diễn tiến mới trong thời nay; truyền thống mang lại cho ngôn ngữ loài người một ý nghĩa sâu sắc hơn khi dùng ngôn ngữ này để diễn đạt đức tin. 

C. Tiêu chuẩn cho việc giải thích: tính chất nhất thống của Kinh Thánh, truyền thống và cộng đồng hiệp thông trong giáo hội; việc cần phải có một cách giải thích thức thời và các nguyên tắc hướng dẫn cho một lối giải thích như thế. 

A. Vấn Đề Đặt Ra 

I. Vấn Đề Đặt Ra Trong Lãnh Vực Triết Học 

1. Vấn Đề Căn Bản Trong Việc Giải Thích 

Vấn đề giải thích là một trong những vấn đề đầu tiên đặt ra cho con người. Bởi vì, đã là người, ai ai cũng đều muốn tìm hiểu về thế giới và về chính con người của mình. Và khi phải đối diện với vấn đề sự thật của thực tại, không ai có thể bắt đầu từ số không. Chính qua cách giải thích nhờ hệ thống ký hiệu của một nền văn hóa nào đó mà chúng ta tiếp nhận được một cách cụ thể, chân lý cần tìm hiểu. Hệ thống ký hiệu này tỏ hiện đặc biệt nhất là qua ngôn ngữ. Như thế, sự lĩnh hội của con người có quan hệ với lịch sử của cộng đồng mình sống. Do đó, để có thể giải thích thì cần phải thâu nhận và am tường những chứng cử do truyền thống để lại. 

Mối liên đới giữa giải thích và truyền thống cho thấy rõ ràng là cần phải vượt ra cho khỏi thái độ duy thực ngây thơ. Khi nhận thức, không bao giờ chúng ta gặp một thực tại thuần túy trừu tượng cả, nhưng ngược lại, bao giờ chúng ta cũng chỉ hiểu được một thực tại sinh động giữa bối cảnh văn hóa cụ thể của con người, trong cách thức nó được giải thích theo dòng truyền thống và với ý nghĩa hiện tại của nó. 

Thế thì, vấn đề căn bản trong việc giải thích có thể tóm lược như thế này: làm thế nào để trong khi chú giải, chúng ta có thể thật sự quan tâm tới vòng giao thoa (cercle herméneutique) giữa chủ thể và khách thể mà không bị rơi vào trong thái độ duy tương đối chỉ biết chăm chăm chú chú giải thích các giải thích, để rồi những giải thích mới nhất đến lượt chúng, cũng vẫn không ngớt cần tới những giải thích mới khác? Không thể tìm thấy được và tất nhiên không phải là ở ngoài mà là ở chính trong tiến trình lịch sử của việc giải thích một chân lý tuyệt đối hay sao? Vậy là có thể nuôi kỳ vọng đạt tới chân lý tuyệt đối được? Có phải là có những chân lý phải được chấp nhận hoặc là phải bị chối bỏ trong mọi nền văn hóa và trong mọi hoàn cảnh lịch sử hay không? 

2. Hai Lý Do Nói Lên Tính Chất Thời Sự Của Vấn Đề Giải Thích 

Ngày nay, vấn đề giải thích được đặt ra một cách bén nhạy hơn. Vì những đổ vỡ văn hóa, hố chia cách giữa các chứng tích của truyền thống và hoàn cảnh văn hóa hiện tại của chúng ta, đã trở thành sâu rộng hơn. Cách riêng, trong thế giới Tây phương, sự kiện ấy đã đưa tới việc thay đổi thái độ đối với chân lý, đối với các giá trị và những quan niệm truyền thống, cũng như đưa tới việc đơn phương lượng định lại giá trị của hiện tại đối với những gì thuộc quá khứ, và từ đó còn đi tới quan niệm một chiều đề cao cái mới, coi đó là tiêu chuẩn của suy tư và hành động. Trong triết học hiện đại, chính nhờ Marx, Nietzsche và Freud mà khoa chú giải theo lối đa nghi đã chiếm được ưu thế: lối chú giải này coi truyền thống không còn như là yếu tố trung gian giữa thực tại nguyên thủy và hiện tại, rồi hơn nữa, lại còn cảm thấy đó là một hình thức tha hóa và áp bức. Nhưng nếu vứt bỏ ký ức sáng tạo của truyền thống đi, thì con người sẽ liều lĩnh lao mình tới chỗ hư vô. Cuộc khủng hoảng hiện nay trong lãnh vực truyền thống – một cuộc khủng hoảng toàn diện bao trùm cả thế giới – đã trở thành một trong những thách đố cội rễ nhất về mặt thiêng liêng trong thời đại chúng ta. 

Cộng với cuộc khủng hoảng truyền thống, ngày nay còn có hiện tượng gặp gỡ trong khắp thế giới giữa các nền văn hóa và giữa những truyền thống khác biệt nhau của chúng. Vì thế, vấn đề giải thích không phải chỉ được đặt ra như là yếu tố làm trung gian giữa quá khứ và hiện tại mà thôi, nhưng còn như là phận vụ phải tìm cho ra cách thế khả dĩ tạo nên mối trung gian giữa các truyền thống văn hóa khác nhau nữa. Hiện nay, một lối chú giải siêu văn hóa như thế đã trở thành một điều kiện cho sự sống còn trong hòa bình và tự do của nhân loại. 

3. Các Loại Chú Giải Khác Nhau 

Có thể tìm thấy nhiều loại chú giải khác nhau. 

Loại chú giải theo khuynh hướng duy thực nghiệm đưa tính chất khách thể lên hàng đầu. Lối chú giải này đã đóng góp nhiều cho việc nhận thức thực tại được tốt đẹp hơn; tuy nhiên, vì chỉ một chiều coi nhận thức của con người thuần túy như là một chức năng kết tinh từ những yếu tố tự nhiên, tức là những yếu tố sinh học, tâm lý, lịch sử và kinh tế xã hội, cho nên lối chú giải này đánh mất đi ý nghĩa của tính chất chủ thể con người trong tiến trình của hiểu biết. 

Loại chú giải theo khuynh hướng coi con người là trung tâm (anthropocentrique) thì bổ khuyết cho thiếu sót vừa đề cập trên đây. Tuy nhiên, đối với lối chú giải này, tính chất chủ thể chính là yếu tố đơn phương quyết định trong tất cả; thế nên, cách thức chú giải này biến việc nhận thức thực tại thành việc tìm hiểu ý nghĩa của thực tại đó đối với cảm nhận chủ quan của con người; và lúc đó, vấn đề tìm hiểu chân lý của thực tại trở thành vấn đề tìm hiểu ý nghĩa của thực tại đối với con người. 

Loại chú giải gọi là văn hóa thì nhận thức thực tại qua trung gian các thành tựu văn hóa có tính cách khách quan của nó, nằm ở nơi các thể chế của loài người, ở trong phong tục, tập quán, và đặc biệt là ở trong ngôn ngữ, bởi lẽ việc hiểu biết chính mình và thế giới cách chủ quan là nét bẩm sinh của mọi nền văn hóa cũng như của mọi hệ thống giá trị trong các nền văn hóa. Không ai phủ nhận giá trị của lối chú giải này; chỉ có điều là nó chưa giải quyết xong vấn đề liên quan đến các giá trị siêu văn hóa cũng như đến chân lý về tính chất đặc thù con người (humanum), là những gì liên kết mọi người lại với nhau bất chấp mọi dị biệt văn hóa. 

Khác với các hình thức có tính cách nhiều ít giản lược nêu trên đây, lối chú giải theo phương thức siêu hình đặt ngay vấn đề về chính chân lý của thực tại. Lối chú giải này đi từ nhận định cho rằng chân lý tỏ hiện ngay trong và qua trí thông minh con người, đến độ chính chân lý của thực tại chói ngời lên trong ánh sáng của trí thông minh con người. Và bởi thực tại thì luôn luôn to lớn và sâu thẳm hơn tất cả mọi cách diễn dịch và mọi ý niệm chúng ta có về nó tùy vào những điều kiện lịch sử và văn hóa nhất định, cho nên nhất thiết phải cần đến một lối giải thích có tính cách phê bình, không ngừng được đổi mới và đào sâu, để ứng dụng cho các truyền thống văn hóa liên hệ. 

Vì thế, nhiệm vụ chính của chúng ta có thể được mô tả như sau: qua các dịp gặp gỡ và các lần thảo luận với giới chú giải hiện đại cũng như với giới đại diện các khoa học nhân văn tân tiến, chúng ta phải cố thực hiện cho được một cuộc canh tân đầy sáng tạo trong lãnh vực siêu hình học cũng như trong cách thức siêu hình học đặt vấn đề về chân lý của thực tại. Vấn đề căn bản được đặt ra ở đây là vấn đề của mối tương quan giữa chân lý và lịch sử. 

4. Vấn Đề Căn Bản: Chân Lý Trong Lịch Sử 

Khi đề cập tới các mối tương quan giữa chân lý và lịch sử, thì theo nguyên tắc mà nói, dĩ nhiên con người không làm sao hiểu biết được nếu không có một số điều kiện tiên quyết; hơn thế nữa, mọi hoạt động tri thức của con người và mọi thứ ngôn ngữ đều phải chịu những giới hạn cố hữu của cơ cấu tiền nhận thức (structure de précompréhension) và của những thiên kiến cấu trúc (préjugés structurels). Tuy nhiên, trong tất cả những gì con người hiểu biết, nói năng và hành động, và cũng là những gì chịu những điều kiện của lịch sử, đôi lúc vẫn nhận ra được tiên triệu của một cái gì đó mang sắc thái tối hậu, vượt ra ngoài mọi thứ điều kiện và có tính cách tuyệt đối. Trong mọi nổ lực dò hỏi và tìm kiếm chân lý, có một điều chúng ta coi là tiên quyết, đó là: chân lý cũng như một số các chân lý căn bản (như nguyên tắc mâu thuẫn chẳng hạn) hằng tồn tại luôn mãi. Và như thế, ánh sáng của chân lý luôn luôn đi trước chúng ta; nói cách khác, khi trí tuệ chúng ta khảo sát thực tại, thì chân lý tỏ hiện ra trong nó một cách hiển nhiên và khách quan. Theo Stoà (trường phái khắc kỷ) thời cổ, thì loại khẳng định căn bản có tính cách định đề như thế, và những yếu tố tiên quyết nói trên, được gọi bằng danh từ dogma (quan điểm – giáo điều). Trong mức độ đó và theo một ý nghĩa hãy còn rất tổng quát, có thể nói rằng tự bản chất, con người được cấu tạo theo “mô dạng giáo điều”. 

Và bởi vì lối lĩnh hội, cách suy tư và ý muốn của chúng ta thì luôn luôn hạn định một cách tập thể bởi các nền văn hóa liên hệ, và nhất là bởi ngôn ngữ, thế nên, “cơ cấu giáo điều” bẩm sinh này của con người liên can tới không những từng cá nhân riêng rẽ mà thôi, nhưng còn cả đến cộng động xã hội nhân loại nữa. Về lâu về dài, không một cộng đồng xã hội nào có thể sống còn nếu không có những xác tín và những giá trị căn bản chung để xác định tính chất cũng như để làm nền tảng cho văn hóa của mình. Ngoài ra, tình đoàn kết, mối cảm thông lẫn nhau và sự chung sống hòa bình cũng như thái độ nhìn nhận nhau có chung cùng một phẩm giá con người, còn nói lên điều tiên quyết tất yếu này là bất chấp những dị biệt sâu đậm giữa các nền văn hóa, vẫn có một số giá trị nhân bản chung, và do đó, một chân lý chung cho tất cả mọi người. Ngày nay, xác tín này tỏ hiện rõ, đặc biệt là qua việc thừa nhận các quyền phổ quát và không thể tước đoạt được của mỗi con người. 

Những chân lý mang tính chất phổ quát đối với không gian và thời gian như thế, và vì vậy mà có giá trị mãi mãi, thì chỉ được đánh giá đúng mức trong những hoàn cảnh hay là trong những dịp thảo luận đặc biệt có tính cách lịch sử mà thôi, và trước tiên là qua cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa một bên là bối cảnh của một hoàn cảnh hạn định trong đó con người tìm hiểu và khám phá, và bên kia là thực tại của một giá trị tuyệt đối dính liền với chính chân lý mà con người hiểu biết. Đã là chân lý thì tự bản chất phải là duy nhất, và do đó có tính cách phổ quát. Thế nên, khi một điều đã được nhìn nhận là chân lý, thì cũng phải được coi là mãi mãi có giá trị và chân thật. 

Qua việc rao giảng Phúc âm duy nhất được mạc khải ra trong thời gian, nhưng lại dành cho mọi người và mọi thời, giáo hội có khả năng tiếp xúc với phần chủ chốt ấy của trí tuệ con người, là tri năng đặt trong giới hạn của một thời gian lịch sử nhất định, nhưng đồng thời cũng mở rộng ra cho tính chất phổ quát không biên giới. Giáo hội có khả năng thanh luyện và dẫn đưa trí tuệ con người đạt đến mức hoàn bị sâu sắc nhất của nó. 

II. Những Vấn Đề Thần Học Hiện Thời 

1. Vấn Đề Đặc Biệt Của Công Tác Phúc Âm Hóa Và Tái Phúc Âm Hóa 

Thần học công giáo đi từ xác tín của niềm tin tuyên xưng rằng Paradosis Truyền thống sống động: từ được dùng trong nguyên bản bằng tiếng Đức của giáo hội cũng như các tín điều mà giáo hội truyền thụ, đều là những lời khẳng định chính thức về chân lý đã được chính Thiên Chúa mạc khải trong Cựu và Tân Ước. Giáo hội cũng khẳng định rằng chân lý mạc khải, được truyền thụ qua Paradosis của giáo hội, thì có giá trị phổ quát và không thể biến đổi trong bản chất. 

Đối với các tín điều, niềm xác tín ấy đã bị đặt lại vấn đề trong thời Cải cách hồi thế kỷ XVI. Rồi dưới một hình thức gay cấn hơn và trong những hoàn cảnh khác hẳn, niềm xác tín đó đã rơi vào một tình trạng khủng hoảng toàn diện do ý thức hệ ánh sáng (les Lumières) và yêu sách đòi tự do của thời mới gây ra. Trong thời hiện đại, tư tưởng tín lý vẫn thường bị chỉ trích là duy giáo điều mà không cần thủ tục xét xử lôi thôi gì cả, và do đó bị bác bỏ. Khác với những gì đã xảy ra trong các thế kỷ trước cho văn hóa Tây phương được đánh dấu sâu rộng bởi đức tin kytô, trong văn hóa tục hóa hiện nay của chúng ta, ngôn ngữ tín lý cổ truyền trong giáo hội xem ra không còn có thể hiểu dễ dàng ngay được, nếu không nói là có nguy cơ gây hiểu lầm cho cả chính người kytô. Thậm chí một số người còn coi ngôn ngữ đó như là một chướng ngại cho việc truyền thụ đức tin một cách sống động. 

Vấn đề càng trở nên trầm trọng, khi giáo hội tìm cách để đi sâu vào trong các nền văn hóa châu Phi và châu Á với các tín điều của mình: những tín điều mà xét về mặt thuần túy lịch sử, thì đã được đúc kết nên trong môi trường văn hóa Hy La và Tây phương. Công trình hội nhập này đòi hỏi nhiều hơn là việc làm đơn giản của cố gắng chuyển dịch các tín điều; để đạt được thành công trong công trình hội nhập văn hóa, thì ý nghĩa nguyên thủy của tín điều phải được thấu hiểu lại trong bối cảnh của một nền văn hóa khác. Vì thế, ngày nay, vấn đề giải thích các tín điều đã trở thành một vấn đề chung của công tác phúc âm hóa, và đặc biệt là của công tác tái phúc âm hóa. 

2. Những Giải Đáp Không Đầy Đủ Của Thần Học Chú Giải 

Ngay từ đầu thế kỷ này, khoa thần học duy tân (moderniste) đã muốn đặt vấn đề chú giải cho chính mình. Nhưng các cố gắng giải đáp khoa thần học này đưa ra không mang lại được câu trả lời thỏa đáng; như thế vì nhiều lý do khác nhau, nhưng hơn cả là vì lối hiểu thiếu sót về mạc khải cũng như vì quan niệm duy thực dụng đối với các tín điều. 

Thần học hiện đại có khuynh hướng chú giải thì tìm cách bắc một nhịp cầu giữa truyền thống tín lý và tư tưởng hiện đại, bằng cách nêu lên câu hỏi về ý nghĩa và tầm quan trọng của các tín điều đối với con người ngày nay. Nhưng nếu làm thế, thì từng công thức tín lý sẽ bị tách rời ra khỏi mối liên kết mật thiết của nó đối với Paradosis, và sẽ đứng riêng rẽ bên lề đức tin sống động của giáo hội. Làm như thế là biến tín điều thành những bản thể; ngoài ra, vì coi ý nghĩa thực tiễn, hiện sinh hoặc là xã hội của tín điều là chính yếu, cho nên người ta không còn lưu ý gì tới chính chân lý của tín điều nữa. 

Đó cũng là vấn nạn gặp phải khi chỉ coi tín điều thuần túy như là một điều quy ước, nghĩa là như thể chỉ có phận vụ đáp ứng quy luật của ngôn ngữ nhà đạo, cần cho mối hiệp nhất, nhưng tự căn bản chỉ là tạm thời và có thể thay đổi. Nếu thế thì tín điều bị tước mất đi phận vụ làm trung gian cần thiết để dẫn tới chân lý mạc khải. 

3. Tính Chất Hợp Pháp Và Giới Hạn Của Những Cách Thức Giải Quyết Mới Trong Quan Hệ Với Lý Thuyết Và Thực Hành 

Đối với thần học giải phóng, vấn đề chú giải tín điều được đặt ra trên căn bản của nghèo khổ, của tình trạng áp bức xã hội và chính trị đang hoành hành tại nhiều vùng thuộc thế giới thứ ba; và lúc đó, vấn đề chú giải trở thành vấn đề quan hệ giữa lý thuyết và thực hành. Vì vậy, một khía cạnh quan trọng trong ý niệm kinh thánh về chân lý thường được nhấn mạnh, tức là phải “thực thi chân lý” (Ga 3, 21). Dĩ nhiên là có một loại thần học giải phóng phù hợp với Phúc âm, được trọn quyền sống ở trong giáo hội; loại thần học này đi từ việc dành ưu tiên cho sứ mệnh truyền giảng phúc âm của giáo hội, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tới những điều kiện tiên quyết và những hậu quả xã hội gắn liền với sứ mệnh ấy. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Promozione umana e salvezza cristiana [1976], hoặc: Documenta/Documenti [1969-1985], Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1988,161-203. 

Ngược lại, trong thần học giải phóng có khuynh hướng cấp tiến, công tác giải phóng về mặt kinh tế, xã hội và chính trị trở thành yếu tố quyết định cho tất cả; còn mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành thì được hiểu theo nghĩa của ý thức hệ duy vật Mác-xít. Trong cách thức đó, sứ điệp về ơn thánh và về cứu cánh của sự sống cũng như của thế giới sẽ tan biến đi mất. Đức tin và các công thức tín lý về dức tin sẽ không còn được nhận thức theo nội dung đặc thù của chúng là nói lên chân lý nữa, nhưng sẽ được nhận định nhân danh thực trrạng kinh tế là yếu tố độc nhất đáng kể theo kiểu nhìn này. Công thức tín lý chỉ còn được trao cho phận vụ duy nhất là làm động cơ trong tiến trình giải phóng chính trị cách mạng. 

Hiện nay, còn có nhiều loại chú giải khác nữa; và dù có nhiều nét dị biệt, các loại chú giải này đều gặp nhau ở điểm sau đây: di chuyển tâm điểm đúng của chú giải trong tương quan với chân lý của hữu thể – hay nói cách khác trong tương quan với mạc khải như là nguồn phát sinh ý nghĩa – đến một yếu tố cấu tạo khác tuy tự bản chất thì chính đáng nhưng chỉ là cá biệt, thiếu hẳn tính chất phổ quát, và đặt yếu tố này làm trọng tâm cũng như làm tiêu chuẩn cho toàn bộ. Đó là trường hợp của thần học giải phóng phụ nữ theo khuynh hướng cấp tiến. Đối với phái thần học này, các dữ kiện mạc khải không còn phải là nền tảng và quy tắc cho các nổ lực nhằm nâng cao phẩm giá phụ nữ nữa: đó là điểm quan trọng và chính đáng cần nêu rõ. Ngược lại, một ý niệm giải phóng nào đó đã trở thành chìa khóa chú giải duy nhất và chung quyết trong việc giải thích Kinh thánh cũng như truyền thống. 

Như thế, việc giải thích các tín điều đặt chúng ta đứng trước những vấn đề căn bản của thần học. Xét cho cùng, vấn đề nằm ở đằng sau tất cả vẫn là vấn đề thấu hiểu chân lý và thực tại theo thần học. Ngay cả về mặt thần học, vấn đề đó cũng đổ dồn vào trong vấn đề các mối quan hệ giữa một bên là một chân lý phổ quát và mãi mãi có giá trị, và bên kia là tính chất lịch sử (tùy thuộc vào thời gian) của các tín điều. 

Cụ thể mà nói, vấn đề là ở chỗ này: làm sao ngày nay giáo hội có thể dùng quyền lực có tính cách cưỡng bách mà truyền thụ giáo lý đức tin của mình để rồi nhờ đó, từ ký ức của truyền thống, bừng lên niềm hy vọng cho hiện tại cũng như cho tương lai. Trước những hoàn cảnh văn hóa xã hội dị biệt trong đó giáo hội đang sinh sống, cũng còn một vấn đề khác nữa được đặt ra liên quan tới tính chất vừa duy nhất vừa đa dạng của cách thức tín lý trình bày chân lý và thực tại của mạc khải. 

B. Những Nền Tảng Thần Học 

I. Nền Tảng Kinh Thánh 

1. Truyền Thống Và Việc Giải Thích Kinh Thánh 

Được chứng thực trong Kinh thánh, mạc khải đã thành tựu qua ngôn từ và sự kiện nói lên lịch sử những mối liên hệ của Thiên Chúa với con người. Cựu ước là tiến trình của một cách thức giải thích lại và nghiệm đọc lại không ngừng đổi mới, và Cựu ước chỉ tìm ra được lời giải thích cả tối hậu lẫn chung quyết ở trong một mình Đức Giêsu Kytô mà thôi. Bởi vì, mạc khải mà Cựu ước chuẩn bị, đã chỉ được thực hiện một cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kytô khi thời viên mãn đến (Dt 1, 1-3 đem so sánh với Gl 4, 4; Ep 1, 10; Mc 1, 15). Trong tư cách là Lời của Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu là người giải thích (phiên dịch) của Thiên Chúa Cha (Ga 1, 14-18), là Chân lý hiện thân (Ga 14, 6). Trong con người và trong cuộc sống của Ngài, qua những gì Ngài nói và các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt là qua sự việc Ngài chịu chết, sống lại và được tôn vinh, cũng như qua việc Ngài ban tặng Thánh Thần chân lý (Ga 14, 17), Đức Giêsu luôn được tràn đầy ân sủng và chân lý (Ga 1, 14; xem Dei Verbum: DV số 4). 

Chân lý được mạc khải một lần cho mãi mãi, không thể được nhận biết và tiếp thụ nếu không phải là trong đức tin do Thánh Linh ban cho. Theo ý nghĩa rút từ Kinh Thánh, đức tin ấy là niềm tín thác cá nhân con người đặt ở nơi Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải mình ra (DV 5). Niềm tin này bao hàm thái độ gắn bó đối với ngôn từ và sự kiện trong mạc khải, cũng như bao hàm cả việc tuyên xưng chúng, và đặc biệt là lòng gắn bó đối với Đức Kytô cũng như đối với đời sống mới Ngài ban tặng. Bởi thế, đức tin ấy vừa là hành động qua đó con người tin (fides qua), vừa là nội dung những gì con người tin nhận (fides quae creditur). Nó là “bảo chứng cho những điều ta hy vọng và là bằng chứng của những thực tại ta không xem thấy” (Dt 11, 1). 

Được các tông đồ lưu truyền một lần cho mãi mãi, đức tin được cẩn thận gìn giữ ở trong giáo hội như là depositum fidei (kho tàng đức tin: 1Tm 6, 20; 2Tm 1, 14). Thật vậy, giáo hội là thân mình Đức Kytô được linh động bởi Thánh Linh, và đã nhận được lời Đức Giêsu Kytô hứa sẽ mãi mãi được Thánh Linh hướng dẫn để đạt tới chân lý toàn vẹn (Ga 16, 13). “Phúc âm của chân lý” (xem Ep 1, 13) đã được trao phó cho giáo hội theo tư cách là dân Chúa đang trên đường lữ hành. Bằng cuộc sống của mình, bằng việc tuyên xưng đức tin và qua việc cử hành phụng vụ, giáo hội phải làm chứng cho đức tin trước mặt thế giới. Có thể gọi giáo hội là “trụ cột và là nền móng của chân lý” (1Tm 3, 15). Dĩ nhiên, bây giờ chúng ta chỉ hiểu biết chân lý như thấy trong gương soi và chỉ được một phần; chỉ lúc đến thời thành tựu cánh chung, chúng ta mới sẽ thấy Thiên Chúa diện đối diện (giáp mặt), tức là Ngài sao thì chúng ta thấy vậy (1Cr 13, 12; 1Ga 3, 2). Như thế, sự hiểu biết chân lý của chúng ta đang ở trong thế căng thẳng giữa cái “đã” và cái “sẽ”. 

2. Những Viễn Ảnh Chú Giải Trong Kinh Thánh 

Cách thức cần phải theo lúc giải thích sứ điệp kinh thánh, bắt nguồn từ chính bản chất của sứ điệp. Bởi vì, chân lý mạc khải được Kinh Thánh truyền dạy, là chân lý của Thiên Chúa, Đấng hằng tỏ ra trung tín suốt trong tiến trình của lịch sử (emeth): xét cho cùng, đó là sự việc Thiên Chúa Cha thông truyền chính mình trong Đức Giêsu Kytô để nhắm tới một hoạt động thường xuyên trong Thánh Linh. Lời nói, việc làm và toàn bộ cuộc sống của giáo hội làm chứng cho điều ấy. Vì thế, đối với một kytô hữu, Đức Giêsu Kytô là Lời duy nhất, hiện diện trong vô số lời nói khác nhau; tất cả những gì Cựu cũng như Tân Ước khẳng định, đều phải được hiểu theo mối quan hệ với Ngài và như là quy hướng về Ngài. Đó là lý do cho thấy tại sao chúng kết thành một tổng thể duy nhất. Do đó, cần phải giải thích Cựu ước trong ánh sáng của sự kiện nó đã thành tựu viên mãn ở trong Tân ước, và đồng thời Tân ước cũng phải được hiểu trong ánh sáng của các lời tiên hứa trong Cựu ước. 

Cựu cũng như Tân ước phải được cắt nghĩa và hiện diện hóa nhờ Thánh Linh hằng có mặt ở trong giáo hội. Với ơn nhận được “theo mức độ đức tin”, do Thiên Chúa ban tặng, mọi người đều phải hợp tác vào trong công trình xây dựng thân mình Đức Kytô, là giáo hội (Rm 12, 4-8; 1Cr 12, 4tt). Chính vì thế mà ngay Thư thứ hai của thánh Phêrô (1, 20) cũng đã lên tiếng đề cao cảnh giác chống lại nguy cơ của việc giải thích Kinh Thánh một cách tự ý. 

Chân lý mạc khải hằng mong muốn ghi dấu đặc thù của mình trên cuộc sống của những người tiếp nhận nó. Theo thánh Phaolô, tuyên xưng cuộc sống trong Đức Kytô và trong Thánh Linh tức là chấp nhận đòi hỏi phải tiến bước ngay tức khắc vào trong cuộc sống mới. Điều quan trọng là ở lại trong chân lý, và không những chỉ thu nhận nó ngày càng sâu rộng hơn bằng trí tuệ mà thôi, nhưng còn cần phải đưa nó thấm nhuần sâu xa vào trong cuộc sống nữa, tức là cần phải “thực thi nó” (Ga 3, 21). Nhờ thế, chân lý tỏ hiện như là điều tuyệt đối chắc chắn, và như là nền tảng chống đỡ đời sống con người. Hơn tất cả những gì khác, phụng vụ cũng như kinh nguyện là môi trường chú giải quan trọng đối với việc thấu hiểu chân lý và đối với vai trò trung gian của chân lý. 

3. Các Công Thức Tuyên Xưng Đức Tin Trong Kinh Thánh 

Những gì chúng ta đã đề cập cho tới bây giờ, không phải là không có giá trị lớn đối với các công thức tuyên xưng đức tin (homologies) đọc thấy ngay ở những phần kỳ cựu nhất của Tân ước. Các công thức này nói lên lòng tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kytô (Mt 16, 16 và các đoạn song song), là Kyrios (Chúa: Rm 10, 9; 1Cr 12, 3; Pl 2, 11) và là Con Thiên Chúa (Mt 14, 33; 16, 16; Ga 1, 34. 49; 1Ga 4, 15; 5, 5, v.v.). Chúng chứng giám cho lòng tin vào sự việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại (1Cr 15, 3-5; 1Tx 4, 14; Rm 8, 34; 14, 9; v.v.); chúng công bố sứ mệnh của Ngài và sự việc Ngài sinh ra (Gl 4, 4), việc hiến tế đời Ngài (Rm 4, 25; 8, 32; Gl 2, 20, v.v.) cũng như việc Ngài sẽ trở lại trong vinh quang (1Tx 1, 1; Pl 3, 20 và các câu tiếp theo sau). Thiên tính của Đức Giêsu, cuộc Ngài nhập thể và việc Ngài được tôn vinh, đều đươc ca mừng qua các thánh thi (Pl 2, 6-11; Cl 1, 15-20; 1Tm 3, 16; Ga 1, 1-18). Tất cả những điều đó đưa tới kết luận này: lòng tin của các cộng đoàn trong thời Tân ước thành hình không dựa trên việc làm chứng chỉ có tính cách riêng tư của một vài cá nhân, nhưng là dựa trên việc tuyên xưng đức tin chung của tất cả, và có tính cách vừa công khai lẫn bắt buộc. 

Chúng ta gặp thấy việc tuyên xưng đức tin như thế ở trong Tân ước, nhưng không phải là theo một hình thức độc điệu nhàm chán. Trái lại, chân lý duy nhất được diễn tả một cách rất phong phú, qua nhiều công thức đa dạng. Hơn thế nữa, trong Tân ước, còn có những công thức cho thấy rõ mức tiến bộ trong việc hiểu biết chân lý: thật vậy, những chân lý được Tân ước chứng giám thì có thể bổ túc và giúp đào sâu lẫn cho nhau, chứ không bao giờ tương phản nhau. Bởi vì mãi mãi đó vẫn là mầu nhiệm cứu độ duy nhất của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kytô, biểu hiện ra dưới nhiều hình thức và khía cạnh khác nhau. 

II. Tuyên Ngôn Và Lề Lối Hành Động Của Huấn Quyền Giáo Hội 

1. Các Tuyên Ngôn Huấn Quyền Đưa Ra Liên Quan Đến Việc Giải Thích Tín Điều 

Đoạn đường lịch sử kể từ công đồng chung Ni-xêa I (325) cho đến các công đồng chung Conxtantinốp I (381), Ê-phê-xô (431), Canxêđô (451), Conxtantinốp II (553) và các công đồng kế tiếp trong giáo hội thời xưa, cho thấy rằng lịch sử các tín điều là tiến trình của việc giải thích truyền thống một cách liên tục và sống động. Công đồng chung Ni-xêa II đã tổng kết giáo lý sáng ngời của các giáo phụ lại: theo giáo lý này thì Phúc âm đã được truyền thụ qua Paradosis của giáo hội công giáo hằng có Thánh Linh hướng dẫn (Denz.-Schonm. 600, 602tt, 609). 

Công đồng chung Trentô (1545-1563) đã bảo vệ giáo lý ấy: công đồng đề cao cảnh giác các tín hữu chống lại một lối giải thích Kinh Thánh sai lệch và có tính cách riêng tư, rồi lưu ý thêm rằng việc xác định ý nghĩa chính thức của Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh là thuộc thẩm quyền của giáo hội (DS 1501, 1507). Công đồng chung Vatican I (1869-1870) đã khẳng định lại giáo lý của công đồng Trentô (DS 3007). Và còn đi xa hơn, công đồng cũng đã thừa nhận là có thể khai triển các tín điều, miễn là điều đó tiến hành trong cùng một đường hướng và theo cùng một ý nghĩa (eodem sensu eademque sententia). Trong cách thức đó, công đồng dạy rằng đối với các tín điều, cần phải giữ nguyên ý nghĩa đã được giáo hội minh định một lần cho tất cả. Vì lý do ấy, công đồng lên án tất cả những ai đi xa ra khỏi ý nghĩa đó, viện cớ và nhân danh một loại hiểu biết nào đó cao siêu hơn, hoặc lấy lý là các khoa học đã phát triển, hoặc để mong giải thích công thức trình bày tín lý cho sâu sắc hơn, hay là để tôn trọng một bước tiến khoa học nào đó (DS 3020, 3043). Tính chất không thể đảo ngược và không thể thay đổi ấy tiềm ẩn ở trong đặc ân bất khả ngộ của giáo hội luôn được Thánh Linh hướng dẫn, đặc biệt là ở nơi đặc ân không sai lầm của Đức Giáo Hoàng trong lãnh vực đức tin và phong hóa (DS 3074). Đặc ân này đặt nền tảng trên sự kiện sau đây: trong Thánh Linh, giáo hội thông phần vào tính chất chân thật của Thiên Chúa là Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối được (qui nec falli nec fallere potest: DS 3008). 

Huấn quyền giáo hội đã bảo vệ giáo lý đó chống lại lối hiểu các tín điều trong một cách thức thuần túy biểu tượng và thực dụng, theo chủ trương của các người thuộc phái duy tân (modernisme: DS 3401-3408, 3420-3466, 3483). Trong thông điệp Humani generis, Đức Piô XII đã một lần nữa lên tiếng cảnh cáo chống lại một loại học thuyết tương đối trong lãnh vực tín lý chủ trương bỏ rơi cách thức lấy từ ngữ hằng biến đổi theo giòng lịch sử mà diễn dịch nội dung đức tin, tức là cách thức thông dụng trong giáo hội (DS 3881-3883). Tương tự như thế, trong thông điệp Mysterium fidei (Mầu nhiệm đức tin [1965]) Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến việc cần phải giữ y nguyên các diễn ngữ (expressions) chính xác đã được truyền thống quy định trong các tín điều. 

2. Giáo Lý Công Đồng Chung Vatican II 

Công đồng chung Vatican II đã trình bày giáo lý cổ truyền của giáo hội theo một bối cảnh rộng rãi hơn, và như thế công đồng cũng đã đề cao giá trị chiều kích lịch sử của các tín điều. Công đồng dạy rằng: xét về mặt toàn bộ, dân Chúa thông dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kytô (Lumen gentium: LG 12), và nhờ Thánh Linh phù trợ, việc thấu hiểu truyền thống tông đồ luôn tiến triển trong giáo hội (DV 8). Trong khuôn khổ sứ mạng và trách nhiệm chung của tất cả, công đồng đã mạnh mẽ khẳng định giáo lý về huấn quyền chính thức của riêng các giám mục (DV 8. 10), cũng như về đặc ân bất khả ngộ của giáo hội (LG 25). Nhưng công đồng lại coi các giám mục trước hết như là những người công bố Phúc âm, và đặt tác vụ làm thầy (docteur) của các ngài phụ thuộc vào sứ mệnh phục vụ công cuộc phúc âm hóa (LG 25; xem Sắc lệnh Christus Dominus, các số 12-15). Việc đề cao tính chất mục vụ của huấn quyền như thế đã kéo chú ý đến tính cách khác biệt ở giữa một bên là kho tàng bất di dịch của đức tin, tức là các chân lý đức tin, và bên kia là cách thức diễn dịch chúng. Điều đó có nghĩa là dù luôn luôn giữ nguyên cùng một ý nghĩa và cùng một nội dung, giáo huấn của giáo hội cần phải được truyền thụ cho con người một cách sống động cũng như xứng hợp với nhu cầu thời đại họ (Gaudium et spes: GS 62; xem Gioan XXIII, Diễn văn khai mạc công đồng chung Vatican II, 11 tháng 10, 1962, trong AAS 54 [1962], 792). 

Tuyên ngôn Mysterium Ecclesiae (Mầu nhiệm giáo hội, 1973) đã dựa vào sự phân biệt đó, đồng thời cũng đã giải thích cho rõ và đào sâu hơn nhằm chống lại lối giải thích sai lạc của chủ thuyết tương đối trong lãnh vực tín lý. Dĩ nhiên là các tín điều mang tính cách lịch sử, nghĩa là ý nghĩa của chúng “một phần nào đó tùy thuộc vào lối diễn dịch đặc thù của một ngôn ngữ được dùng trong một thời đại và trong những hoàn cảnh nhất định”. Những minh định (tín lý: définitions) có sau thì giữ nguyên và xác nhận, nhưng đồng thời cũng giải thích các minh định đi trước, và thông thường thì khi phải đối diện với những vấn đề mới cũng như với những sai lầm, các minh định mới làm cho những minh định trong quá khứ sống hẳn dậy và có sức mang lại hoa trái tốt lành trong giáo hội. Điều này không có nghĩa là làm cho đặc ân bất khả ngộ trở thành một thứ chủ trương bất động tận gốc rễ đối với chân lý. Các công thức tín lý không minh định chân lý trong một cách thức không xác định, có thể thay đổi hoặc phỏng chừng; càng không có chuyện các công thức đó biến đổi hay là bóp méo chân lý đi. Cần phải gìn giữ chân lý theo một dạng thức xác định hẳn hoi. Và chính ở điểm này, ý nghĩa lịch sử của các công thức tín lý mới tỏ rõ vai trò trọng yếu của mình (số 5). Mới đây, qua tông thư Ecclesia Dei (Giáo hội của Chúa, 1988), Đức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ khẳng định lại ý nghĩa đó của một truyền thống sống động. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa công thức và nội dung các tín điều còn cần phải được làm cho sáng tỏ hơn (liên quan đến vấn đề này, xem phần III, đoạn 3 dưới đây). 

3. Các Định Mức Thần Học (Qualifications Ou Notes Théologiques) 

Vì truyền thống là một thực tại thật sự sống động, nên chúng ta gặp thấy rất nhiều tuyên ngôn của huấn quyền với tầm quan trọng lớn nhỏ cũng như với mức độ bắt buộc nhiều ít khác nhau. Để có thể đánh giá cho đúng mức và để giải thích các tuyên ngôn ấy, thần học đã nghĩ ra học thuyết các định mức thần học; một phần của học thuyết này cũng đã được huấn quyền giáo hội xử dụng. Nhưng rất tiếc là trong những thời gian gần đây, học thuyết đã bị rơi vào quên lãng. Dù sao học thuyết các định mức thần học vẫn còn hữu ích cho việc giải thích tín điều và cần phải được cải tân cùng khai triển thêm nữa. 

Theo giáo lý của giáo hội, “cần phải tin với lòng tin đối với Chúa (de fide divina) và với đức tin công giáo (de fide catholica), tất cả những gì được chứa đựng trong Lời viết của Chúa hoặc trong Lời Chúa tương truyền qua truyền thống, và được giáo hội hoặc dùng quyền phán quyết long trọng hoặc dùng huấn quyền thông thường và phổ quát mà đề ra để phải được tin nhận như là do Thiên Chúa mạc khải” (DS 3011). Như thế là những chân lý đức tin (theo nghĩa hẹp) cũng như những chân lý liên quan đến đời sống luân lý được mạc khải chứng giám đều thuộc về toàn bộ credendum (những gì cần phải tin) này (DS 1051, 3074: fides et mores; LG 25: fides credenda et moribus applicanda). 

Khi các chân lý tự nhiên và những học thuyết luân lý tự nhiên hàm chứa một mối liên hệ tất yếu và nội tại với các chân lý đức tin, thì chúng có thể gián tiếp thuộc về giáo lý có tính cách bắt buộc của giáo hội (LG 25: tantum patet quantum patet divinae revelationis depositum, sancte custodiendum et fideliter exponendum). Tuy nhiên, công đồng chung Vatican II vẫn phân biệt rõ giữa giáo lý đức tin và các nguyên tắc luân lý tự nhiên, bằng cách dùng từ ngữ “loan báo” và “lấy quyền mà dạy dỗ” khi đề cập tới giáo lý đức tin; còn khi nói đến các nguyên tắc luân lý thì chỉ dùng các cách nói như “lấy quyền mà giải thích” và “xác nhận” (Dignitatis humanae: DH 14). 

Vì giáo huấn của huấn quyền là một tổng thể sống động, cho nên thái độ chấp nhận của các tín hữu không thể nào chỉ giới hạn ở nơi những chân lý được rõ ràng minh định mà thôi. Các khẳng định khác của huấn quyền dù không phải là những minh định chung quyết, nhưng là do Đức Giáo Hoàng, hoặc thánh bộ giáo lý đức tin hay là các giám mục đề ra, thì cũng phải được đón nhận với những mức độ khác nhau của lòng tùng phục đạo đức (religiosum obsequium). Những khẳng định như thế là thuộc thẩm quyền của huấn quyền chính thức nếu trong đó ý hướng muốn dùng huấn quyền mà dạy dỗ được nêu rõ; ý hướng này tỏ rõ “đặc biệt qua bản chất của văn kiện, qua nhịp độ đề cập đến cùng một diểm giáo lý và qua cách thức dùng ngôn từ trong lối diễn tả” (LG 25; xem DS 3044 và số tiếp). Ý nghĩa chính xác của lời công đồng Vatican II tuyên bố trên đây còn cần được giải thích một cách sâu rộng hơn nữa về mặt thần học. Để tránh cho uy tín huấn quyền khỏi bị sứt mẻ một cách vô ích, sở nguyện đầu tiên là mong thấy chính huấn quyền của giáo hội chỉ rõ từng lần thể thức và mức độ cưỡng chế (bắt buộc) của các tuyên ngôn huấn quyền đưa ra. 

4. Lề Lối Hành Động Của Huấn Quyền 

Lề lối hành động của huấn quyền trong giáo hội phải hướng đến chỗ hòa nhịp với tính chất mục vụ của nó. Chính thức làm chứng cho chân lý về Đức Giêsu Kytô là phận vụ của lề lối hành động huấn quyến: phận vụ này nằm trong sứ mạng rộng lớn hơn của công tác cura animarum (lo cho các linh hồn). Đúng với bản chất mục vụ của nó, sứ mạng này phải dùng khôn ngoan và nhận định mà đương đầu với các vấn đề mới trong lãnh vực xã hội, chính trị và giáo hội. 

Những thế kỷ gần đây, trước những tiến triển mới, từ phía huấn quyền giáo hội đã thấy có những trường hợp đưa ra lời giải thích liên quan tới một số lập trường vẫn giữ trước đây, đặc biệt là khi một dữ kiện phức tạp đã được phân tích và làm sáng tỏ đầy đủ. Thí dụ: thái độ đối với các vấn đề xã hội có quan hệ với những khám phá mới trong các ngành khoa học thiên nhiên hiện đại; thái độ đối với quyền con người và đặc biệt đối với quyền tự do tôn giáo; thái độ đối với phương pháp phê bình sử học; thái độ đối với phong trào đại kết, đối với lòng tôn trọng các giáo hội Đông phương cũng như đối nhiều yêu cầu cơ bản của các nhà Cải cách, v.v. 

Bởi phải sống ở giữa một xã hội mang tính chất đa dạng và trong một cộng đồng giáo hội có những nét dị biệt sâu đậm hơn, nên càng ngày huấn quyền càng cần phải dùng tới luận chứng nhiều hơn mà thực thi sứ mạng của mình. Trong hoàn cảnh như thế, gia tài đức tin chỉ có thể được truyền thụ khi nào huấn quyền cùng các người có trọng trách trong lãnh vực mục vụ và thần học sẵn sàng cùng nhau làm công tác luận chứng (để trình bày lý lẽ của các chân lý đức tin). Nếu để ý tới những nghiên cứu khoa học và kỹ thuật tiến hành trong thời gian gần đây, thì thiết tưởng việc tránh xác định thái độ một cách quá hấp tấp là việc làm thích đáng trong lúc này; và ngược lại, nên hậu đãi những quyết định đa dạng và có tính cách mở đường dẫn lối, đặc biệt là để nhằm tới những quyết định chung quyết của huấn quyền về sau. 

III. Suy Tư Căn Bản Theo Thần Học Có Hệ Thống 

1. Tín Điều ỞTrong Paradosis Của Giáo Hội 

Điểm chủ yếu trong việc công bố đức tin kytô là ở chỗ tuyên xưng ra rằng từ trước và trong một cách thức phân tán, Đức Logos (Ngôi Lời) hằng chiếu sáng rực rỡ trong mọi thực tại, và cuộc giáng thế của Ngài đã được tiên hứa một cách cụ thể trong Cựu ước; chính Đức Logos ấy đã xuất hiện dưới một bộ mặt lịch sử cụ thể, trong Đức Giêsu Kytô (Ga 1, 3tt. 14) với tất cả sự sung mãn của mình. Vào thời viên mãn (Gl 4, 4), sự sung mãn của Thiên Chúa đến cư ngụ trong Đức Giêsu Kytô theo hình thức thể lý (Cl 2, 9). Trong Ngài tiềm ẩn tất cả mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu (Cl 2, 3). Chính Ngài là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6). 

Do dó, sự hiện diện của vĩnh cửu dưới một bộ mặt cụ thể ở trong lịch sử là điều thuộc cấu trúc căn bản của mầu nhiệm cứu độ kytô. Trong mầu nhiệm này, khả năng triển khai vô định của con người đã được Thiên Chúa xác định một cách cụ thể. Việc xác định cụ thể và không chút mập mờ này cũng phải là yếu tố quyết định trong việc tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kytô. Vì thế, có thể nói là tự trong chính bản chất của nó, kytô giáo là tín lý. 

Chân lý của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kytô, đã không đi vào được trong lịch sử một cách trọn vẹn và chung quyết, nếu trong Thánh Linh là Đấng hằng nhắc nhở cho chúng ta về Đức Giêsu Kytô và dẫn đưa chúng ta đạt tới sự thật toàn vẹn (Ga 14, 26; 16, 3), chân lý ấy đã không được cộng đồng các tín hữu đón nhận và tuyên xưng một cách công khai. Trong Đức Maria và trong lời thưa “Xin vâng” vô điều kiện mà Người đã thay mặt loài người để thưa lên với ý định cứu độ của Thiên Chúa, giáo hội nhận ra mẫu gốc lời “Xin Vâng” mình thưa lên trong đức tin. Trong Thánh Linh, giáo hội là thân mình Đức Kytô: trong đó và qua đó sự khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa được loan báo cho tất cả mọi người (Ep 3, 19tt; xem Rm 16, 25tt; Cl 1, 26tt). Trong truyền thống, sự kiện Thiên Chúa Cha thông truyền chính mình qua Đức Logos và trong Thánh Linh, vẫn luôn hiện diện giữa lòng giáo hội dưới nhiều hình thái khác nhau: trong ngôn từ và trong hành động, trong phụng vụ và trong kinh nguyện cũng như suốt trong cả đời sống của giáo hội (DV 8). Các minh định tín lý chỉ là một yếu tố nằm trong toàn bộ bao quát hơn nhiều của truyền thống ấy. Như thế, chính nhờ giáo hội, được Thánh Linh nâng đỡ và ban sinh khí, làm chứng, chúng ta mới “chiếm hữu” được thực tại và chân lý về Đức Kytô. Không có giáo hội, chúng ta không “có” được Đức Kytô, Phúc âm và Kinh Thánh. Một thứ kytô giáo phi tín lý cắt đứt ra khỏi sự trung gian của giáo hội thì chỉ là một thứ đồ giả với vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi. 

Paradosis của giáo hội thâu nhận tính chất rộng mở và phổ quát, những hình ảnh cũng như ý niệm của ngôn ngữ loài người làm của mình, đồng thời thanh luyện và biến cải chúng nhằm mang lại cho chúng ý nghĩa chung quyết của chúng. Để đáp ứng tương xứng cho thực tại của cuộc sáng tạo mới, tất cần phải có một ngôn ngữ mới, qua đó mọi dân tộc mới hiểu nhau và trong đó tình trạng hiệp nhất của nhân loại mới trong thời cánh chung mới được sửa soạn. Điều này có thể thực hiện được bởi vì Paradosis hiện đang hội nhập vào trong các biểu tượng và các ngôn ngữ của mọi dân tộc, đang thanh luyện và biến cải những tiềm năng phong phú của chúng ngõ hầu thu ghép chúng vào trong nhiệm cục cứu độ duy nhất (Ep 3, 9). Trong tiến trình lịch sử này, giáo hội không thêm thắt một điều gì mới (non nova) vào trong Phúc âm cả, nhưng chỉ loan báo tính chất mới mẻ của Đức Kytô trong một cách thức luôn luôn mới mẻ (noviter). Và từ kho tàng của mình, giáo hội hằng rút ra những yếu tố tuy mới, nhưng vẫn luôn luôn hòa hợp với những điều cũ (DH 1). 

Và cuối cùng rồi, sự liên tục trong nội bộ tiến trình ấy của Paradosis sống động đặt nền tảng ở nơi sự kiện này là giáo hội nắm giữ một niềm tin vượt lên trên không gian và thời gian. Vì lý do ấy, trong mọi thời đại, giáo hội có bổn phận phải giữ cho lịch sử đức tin mình luôn hiện diện trong memoria (ký ức) đầy sinh khí Thánh Linh của mình, và phải làm cho ký ức ấy sinh động và phong phú lên một cách tiên tri, cho hiện tại cũng như cho hậu thế. 

2. Giáo Lý Giáo Hội (Tín Điều Theo Nghĩa Rộng) 

Trong toàn bộ những gì làm nên Paradosis của giáo hội, tín điều theo nghĩa rộng là việc giáo hội làm chứng trong lãnh vực giáo lý và có tính cách bắt buộc, về chân lý cứu độ của Thiên Chúa được tiên hứa trong Cựu ước và được Đức Giêsu Kytô mạc khải một cách chung quyết và viên mãn; nhờ Thánh Linh, chân lý ấy luôn hiện diện ở trong giáo hội. Điều không còn có thể nghi ngờ được nữa là từ thời khai nguyên Tân ước, yếu tố cấu tạo ấy của giáo lý đã có mặt ở trong lời rao giảng đức tin. Chính Đức Giêsu đã tự giới thiệu như là một người thầy (Rabbi). Vả người ta cũng đã xưng hô với Ngài như vậy. Chính Ngài cũng đã dạy dỗ và phái gửi môn đồ của mình đi giảng dạy (Mt 28, 20). Trong các cọng đoàn đầu tiên, đã thực sự có những thầy tiến sĩ (Rm 12, 7; 1Cr 12, 28; Ep 4, 11). Nên lưu ý là hình như đã có một lối giảng dạy đặc biệt đi kèm theo Paradosis liên quan đến phép thanh tẩy (Rm 6, 17). Tầm quan trọng ấy của giáo lý còn nổi bật rõ ràng hơn trong những bản viết của tông đồ xuất hiện chậm hơn về sau (1Tm 1, 10; 2Tm 4, 2tt; Tt 1, 9, v.v.). 

Việc lấy trách vụ giáo huấn mà trình bày mạc khải là một cách thức làm chứng cho Lời Chúa trong và qua lời con người. Việc làm đó chia xẻ tính chất chung quyết và cánh chung của chân lý xuất hiện trong Đức Giêsu Kytô, nhưng đồng thời cũng mang lấy tính chất lịch sử và tính cách giới hạn của mọi thứ ngôn ngữ loài người. Chỉ với đức tin, giáo lý của giáo hội mới được thấu hiểu và giải thích đúng đắn được. Vì thế, phải nhận rằng: 

– Cần phải giải thích các tín điều như một verbum rememorativum , nghĩa là cần phải hiểu chúng như một lời tưởng niệm, như một nổ lực giải thích để nhắc nhở lại các magnalia Dei (các việc vĩ đại Chúa làm) mà các chứng cử trong mạc khải loan báo. Do đó, cần phải đi từ Kinh Thánh và truyền thống để thấu hiểu chúng, cũng như phải nhờ Kinh Thánh và truyền thống để cắt nghĩa chúng. Cần phải giải thích chúng theo toàn bộ Kinh Thánh Tân và Cựu ước, dựa theo phương thức tương suy toàn bộ đức tin (analogie de la foi: xem DV 12). 

– Cần phải hiểu các tín điều như là một verbum demonstrativum (lời trình diễn). Các tín điều không phải chỉ nói lên các công trình cứu độ trong quá khứ mà thôi, nhưng còn muốn biểu dương sự kiện ơn cứu độ đang mang lại hiệu quả ngay tại đây và trong giây phút này. Chúng muốn trở thành ánh sáng và sự sống. Vì vậy, cần phải giải thích chúng như là chân lý cứu độ, và cần phải truyền đạt chúng trong một cách thức sống động, hấp dẫn và đầy kích lực đối với người của từng thời đại. 

– Cần phải giải thích các tín điều như là một verbum prognosticum (lời tiên lượng). Như là chứng từ của chân lý và của thực tại ơn cứu độ cánh chung, các tín điều là những lời khẳng định có tính cách báo trước những gì sẽ xảy ra trong thời cánh chung. Chúng phải dấy hy vọng lên, và do đó phải được cắt nghĩa tùy theo cứu cánh tối hậu, tùy theo sự thành tựu cần đạt tới của con người và của thế giới (DS 3016), cũng như phải được hiểu như là lời tán tụng. 

3. Tín Điều Theo Nghĩa Hẹp 

Giáo huấn của huấn quyền về chân lý mạc khải có thể được đề ra dưới nhiều hình thức cũng như với nhiều mức độ minh thị và cưỡng chế khác nhau (LG 25). Theo nghĩa hẹp (tức là nghĩa chỉ mới được xác định lối đầu thời đại mới thôi), tín điều là một điểm giáo lý qua đó giáo hội đề ra một chân lý mạc khải một cách chung quyết và với ý hướng buộc toàn thể giáo dân kytô tin nhận, đến độ việc phủ nhận chân lý ấy sẽ bị coi như là lạc giáo và sẽ bị lên án với vạ tuyệt thông. Tín điều theo nghĩa hẹp gồm hai thành tố: thứ nhất là thành tố giáo lý, và thứ đến là thành tố kỷ luật. Những khẳng định giáo lý tương tự thuộc thần luật thì có căn bản không chối cãi được ngay trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong quyền cầm buộc và tháo gỡ mà Đức Giêsu đã trao ban cho giáo hội, là quyền có hiệu lực luật pháp ngay cả ở trên trời, nghĩa là ngay cả trước mặt Thiên Chúa (Mt 16, 19; 18, 18). Ngay cả đến vạ tuyệt thông cũng có nền tảng ở chính trong Tân ước (1Cr 16, 22; Gl 1, 8tt; xem 1Cr 5, 2-5; 2Ga 10, v.v.). 

Việc nhấn mạnh vừa về mặt giáo lý vừa về mặt pháp lý trên chỉ một mệnh đề như thế, là điều tương xứng với tính chất cụ thể và dứt khoát của đức tin kytô. Nhưng đồng thời việc nhấn mạnh như thế cũng kéo theo nguy cơ rơi vào thái độ duy thực nghiệm và duy tối thiểu trong lãnh vực tín lý. Để tránh hai mối nguy ấy, thì cần phải tiến hành một cuộc hội nhập song đôi: 

– Hội nhập tất cả các tín điều vào trong toàn bộ giáo lý và cuộc sống của giáo hội. Bởi vì “qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự của mình, giáo hội bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả những gì làm nên bản chất của mình cũng như tất cả những gì mình tin” (DV 8). Do đó, cần phải giải thích các tín điều theo bối cảnh chung của cuộc sống và giáo lý giáo hội. 

– Hội nhập từng tín điều một vào trong toàn bộ tất cả các tín điều. Các tín điều chỉ có thể hiểu được qua mối liên kết nội tại của chúng (nexus mysteriorum: DS 3016) và trong cơ cấu toàn diện của chúng mà thôi. Trong vấn đề này, cần phải lưu ý đặc biệt tới thứ tự, tức là tới “giai trật các chân lý” trong giáo lý công giáo. Giai trật này dựa trên những cách thức khác nhau của mối liện hệ mà mỗi tín điều có đối với căn bản kytô học của đức tin kytô (Unitatis redintegratio: UR 11). Đã hẳn là mọi chân lý mạc khải đều phải được tin nhận với lòng tin thần khải; tuy nhiên, ý nghĩa và tầm trọng yếu của chúng thì khác biệt nhau tùy theo mối liên hệ của chúng đối với mầu nhiệm Đức Kytô. 

4. Ý Nghĩa Đối Thần Của Các Tín Điều 

Xét cho cùng, nói tới mạc khải tức là nói tới sự việc Thiên Chúa Cha vén mở và thông truyền chính mình qua Ngôi Con và trong Thánh Linh, để cho chúng ta được tiến vào trong sự thông hiệp với Ngài (DV 2). Vì thế, Thiên Chúa là đối tượng duy nhất của đức tin và của thần học: đối tượng bao hàm tất cả (Thánh Tôma tiến sĩ). Do đó, đúng là “actus credentis non terminatur ad enuntiabile, sed ad rem” (hành động tin không chấm dứt ở nơi lời phát biểu, nhưng là ở nơi sự việc: Tổng luận thần học, cuốn II phần II, chương 1, đoạn 2, số 2). Phù hợp với nhận định trên đây, truyền thống thần học thời Trung cổ đã xác định như thế này về tín khoản (article de foi) : “articulum fidei est perceptio divinae veritatis tendens in ipsam” (tín khoản là việc nhận thức chân lý của Thiên Chúa hướng tới chính chân lý ấy: được trưng dẫn nơi phần luận chứng Sed contra trong bộ Tổng luận thần học, cuốn II phần II, chương 1, đoạn 6). Điều đó muốn nói rằng tín khoản là việc thực sự nhận thức chân lý của Thiên Chúa một cách đích thực: đó là thể thức giáo lý làm trung gian để chứng giám cho chân lý mình chứa đựng. Chính vì chân thật, cho nên vượt hẳn chính mình, tín khoản dẫn đưa đến tận mầu nhiệm chân lý của Thiên Chúa. Vì vậy, cũng như mọi loại giải thích khác, việc giải thích tín điều là một tiến trình đưa dẫn từ lời diễn dịch bên ngoài đi vào tận trong ý nghĩa chính yếu của lời ấy, và cuối cùng là đưa đến tận Lời duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bởi thế, việc giải thích tín điều không đi từ một ngôn từ hoặc một công thức riêng rẽ để đạt tới những cách nói khác đi, mà là đi từ những lời lẽ, những hình ảnh và những ý niệm để đạt tới chân lý của sự việc mà chúng diễn dịch. Kết quả là mỗi bước hiểu biết về đức tin là một bước tiên nghiệm về tình trạng diện kiến Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu. Từ ý nghĩa đối thần như thế của các tín điều, có thể rút ra những nhận định sau đây: 

– Cũng như tất cả mọi lời diễn dịch con người dùng để bàn về Thiên Chúa, các tín điều cần phải được hiểu trong cách thức loại suy (tương tự), nghĩa là các tạo vật có phần giống Thiên Chúa, nhưng luôn luôn lại có phần khác biệt lớn hơn (DS 806). Loại suy là hàng rào cùng một lúc chận đứng cách nhận thức đức tin và các tín điều theo lối khách thể hóa và duy thực ngây thơ, cũng như loại thần học phủ định quá khích chỉ coi các tín điều thuần túy như là những “mật mã” ám chỉ một tính chất siêu việt mà xét cho cùng rồi cũng không sao hiểu thấu nổi và do đó không biết gì tới tính chất lịch sử và cụ thể của mầu nhiệm cứu độ kytô. 

– Không nên lẫn lộn tính chất loại suy của các tín điều với quan niệm thuần túy biểu tượng coi tín điều như là cách thức khách thể hóa trong thời sau, một kinh nghiệm tôn giáo sống qua trong thời nguyên thủy, hoặc là một lề lối hành động xã hội hay tôn giáo nào đó. Nhưng trái lại, cần phải hiểu các tín điều như là một dạng thức giáo lý có tính cách bắt buộc thích đáng với chân lý cứu độ của Thiên Chúa, được đề ra cho chúng ta. Chúng là dạng thức giáo lý có nội dung chứa đựng Lời và chân lý của chính Thiên Chúa; vì thế, cách thức thần học là cách thức trước tiên cần phải dùng tới để giải thích tín điều. 

– Theo giáo thuyết của các giáo phụ, việc giải thích tín điều theo cách thức thần học không chỉ là một diễn tiến thuần túy tri thức. Sâu xa hơn nhiều, đó là một biến cố linh thiêng, tức là được nâng đỡ bởi Thần chân lý, và không thể có được nếu trước đó không chịu thanh luyện “cặp mắt của con tim”. Việc giải thích tín điều cũng đòi phải có ánh sáng đức tin Thiên Chúa ban cho, cũng như việc thông dự vào các sự thánh của Chúa và kinh nghiệm thiêng liêng về thực tại mà chúng ta tin nhận. Đó là công trình Thánh Linh làm nên trong chúng ta. Chính vì được hiểu theo ý nghĩa sâu sắc hơn như thế, nên việc giải thích tín điều phải là một vấn đề bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, và dính liền một cách không thể chia lìa được với cuộc sống thông hiệp cùng Đức Giêsu Kytô trong giáo hội. 

C. Những Tiêu Chuẩn Giải Thích 

I. Tín Điều Với Kinh Thánh 

1. Ý Nghĩa Căn Bản Của Kinh Thánh 

Các văn bản của Cựu cũng như Tân ước đều được viết ra do tác động của Thánh Linh, nhằm mang lại “lợi ích cho việc giảng dạy, biện bác, tu chỉnh và giáo huấn đức công chính” (2Tm 3, 16). Các văn bản này được thu thập lại ở trong quy điển. Dùng huấn quyền, giáo hội đã công nhận chứng từ về đức tin các tông đồ lưu truyền lại ở trong quy điển ấy, coi đó là lối diễn tả đức tin của giáo hội nguyên thủy một cách chính thức cũng như chắc chắn, và giáo hội vẫn không ngừng công nhận như vậy (DS 1502-1504; 3006; 3029). “Giáo hội hằng tỏ lòng tôn kính đối với Kinh Thánh giống hệt như là đối với chính Thân mình của Chúa, bằng cách không ngừng, đặc biệt là qua phụng vụ, lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa để tự nuôi sống và để trao ban cho các tín hữu” (DV 21). Vì thế, toàn bộ lời rao giảng trong giáo hội cần “phải được nuôi dưỡng và điều chỉnh bởi Kinh Thánh” (DV 21). Việc học hỏi Kinh Thánh cùng một lúc phải là linh hồn của thần học cũng như của mọi lời rao giảng (DV 24; Optatam totius : OT 16). Chứng từ của Kinh Thánh vì thế cũng phải là khởi điểm và là nền tảng cho việc thấu hiểu các tín điều. 

2. Cuộc Khủng Hoảng Và Những Thành Quả Tích Cực Của Khoa Chú Giải Hiện Đại 

Cuộc xung đột giữa khoa chú giải và môn tín lý là một hiện tượng của thời hiện đại. Tiếp theo sau “thế kỷ Ánh Sáng” (tk 18), các cách thức dùng tới trong phương pháp phê bình lich sử học đã được khai triển cũng để nhằm mục đích cổ vũ việc thoát ra khỏi quyền hạn của khoa tín lý và của giáo quyền. Phương pháp phê bình này càng ngày càng trở thành quá khích hơn. Rồi chẳng bao lâu sau, vấn đề không chỉ còn quay quanh cuộc xung đột giữa Kinh Thánh với tín điều mà thôi: người ta bắt đầu đem chính văn bản của Kinh Thánh ra để mổ xẻ phê bình với mục tiêu nêu lên ngay trong Kinh Thánh những chỗ gọi là “được tín lý sơn phết lại”. Các phương pháp phê bình theo cách thức chính trị xã hội và tâm lý đã tiến hành trong chiều hướng đó, và đã khảo sát văn bản Kinh Thánh hầu tìm cho ra những mối kình địch trong lãnh vực chính trị xã hội, hay là những dữ kiện dồn nén tâm thần. Mẫu số chung của các khuynh hướng khác nhau trong phương pháp phê bình này nằm ở chỗ chúng đều nghi ngờ tín điều của giáo hội và cả chính Kinh Thánh nữa, cho rằng tín điều và Kinh Thánh che dấu đi thực tại nguyên thủy mà chỉ có cách phân tích theo phương thức phê bình mới tìm ra được. 

Đã hẳn, không được coi thường mối quan tâm của thời đại Ánh Sáng đối với thực nghiệm và thành quả của phương pháp phê bình dùng để khảo cứu truyền thống. Phương pháp phê bình Kinh Thánh theo cách thức sử học đã thành công trong việc nêu cho thấy rõ rằng chính Kinh Thánh cũng mang tính chất giáo hội, vì đã đâm rễ sâu ở trong Paradosis của giáo hội sơ khởi, và việc xác định biên giới quy điển cho Kinh Thánh nói lên một tiến trình thẩm định trong giáo hội. Và như thế, việc chú giải Kinh Thánh lại dẫn chúng ta về với tín điều và truyền thống. 

Tuy nhiên, phương pháp phê bình lịch sử học đã không đi tới chỗ kết luận rằng Đức Giêsu Kytô là tuyệt đối “phi tín lý” (phi giáo điều: không tùy thuộc vào một điều kiện tiên quyết nào). Ngay cả đối với phương pháp phê bình theo cách sử học gay gắt nhất, thì cũng vẫn còn một phần lịch sử nòng cốt về thực tại cuộc sống Đức Kytô nơi dương thế, và là phần nòng cốt rất có ý nghĩa vì những lý lẽ không thể chối cãi được của nó. Thuộc về phần nòng cốt này gồm những gì tỏ lộ qua lời nói và việc làm của Đức Giêsu, tức là lời Ngài khẳng định về sứ mạng, về thân thế cũng như về mối quan hệ của Ngài với Thiên Chúa là “Abba” (Cha) của Ngài. Niềm tự hào ấy ngầm chứa cả dòng tiến hóa từng hiện diện ngay trong Tân ước cũng như vẫn tiếp diễn về sau trong lãnh vực tín lý, và làm nên phần nòng cốt của tất cả các minh định tín lý. Bởi vậy, hình thức sơ khởi của tín điều kytô xuất hiện với việc tuyên xưng nằm ở chính tâm điểm của Tân ước, tin nhận rằng Đức Giêsu Kytô là Con Thiên Chúa (Mt 16, 16). 

3. Giáo Lý Của Công Đồng Chung Vatican II Về Việc Giải Thích Kinh Thánh 

Công đồng chung Vatican II đã lấy lại những ưu tư chính đáng do phương pháp phê bình liểch sử học của thời hiện đại nêu lên. Công đồng nhấn mạnh rằng giải thích Kinh Thánh là “cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn bày tỏ qua lời lẽ của họ”. Để tìm ra cho được điều đó, thì cần am tường về hoàn cảnh lịch sử cũng như những cách suy nghĩ, diễn tả và trình thuật của các thời đại liên hệ. Lối giải thích theo phương pháp phê bình và sử học phải được thu nhận vào trong cách thức chú giải của thần học và của giáo hội, như là một đóng góp có giá tri. “Bởi vì Kinh Thánh cần phải được nghiệm đọc và giải thích với sự trợ giúp của Thánh Linh là Đấng đã linh ứng để Kinh Thánh được viết ra, […] cho nên cũng cần phải lưu ý không kém đến nội dung và tính chất nhất thống của toàn bộ Kinh Thánh” (DV 12). 

Việc giải thích Kinh Thánh theo thần học phải xuất phát từ Đức Giêsu Kytô là tâm điểm của Kinh Thánh. Ngài là nhà chú giải độc nhất (exegésato) của Thiên Chúa Cha (Ga 1, 18). Ngay từ đầu, Ngài đã thông chia sứ mạng giải thích ấy cho các môn đồ bằng cách đưa họ vào trong lối sống của mình; Ngài trao phó cho họ sứ điệp của mình, và trang bị họ với quyền năng của chính mình cũng như với Thánh Linh của mình là Đấng sẽ đưa họ đạt tới chân lý trọn vẹn (Ga 16, 13). Với sức mạnh của Thánh Linh, các tông đồ và môn đồ các ngài đã tường thuật và truyền lưu lại chứng kiện về Đức Giêsu. Vì thế, việc giải thích chứng kiện về Đức Giêsu dính liền một cách không thể tách rời được với hoạt động của Thánh Linh Ngài trong tiến trình liên tục làm chứng về Ngài (kế nhiệm tông truyền), và với cảm thức đức tin của dân Chúa. 

Như thế, nói đến tín điều trong giáo hội tức là nói đến việc giải thích Kinh Thánh cho đúng đắn. Trong công tác giải thích Kinh Thánh theo cách thức tín lý và có tính cách bắt buộc, huấn quyền không vượt lên trên Lời của Chúa, mà chỉ nhằm phục vụ Lời Ngài (xem DV 10). Huấn quyền không phê phán Lời Chúa, nhưng thẩm định tính chất chính xác trong việc giải thích Lời ấy. Một thời đại không có quyền đi thụt lùi lại đằng trước những gì đã được Thánh Linh quy định trong tín điều như là chìa khóa để tìm hiểu Kinh Thánh. Tuy nhiên, điều đó không phủ nhận sự kiện có thể gặp thấy những quan điểm mới cũng như những cách thức trình bày mới xuất hiện trong một thời đại về sau. Sau cùng, điều giáo hội minh định trong lãnh vực đức tin thì không ngừng được đào sâu nhờ công tác chuẩn bị của các nhà chú giải cũng như nhờ việc chăm chú sưu tầm những gì Kinh Thánh muốn diễn tả (DV 12). 

4. Đức Kitô Là Trung Tâm Của Kinh Thánh: Đó Chính Là Tiêu Chuẩn 

Bất chấp tất cả những gì học hỏi được trong thời đại mới và những biến đổi tận gốc rễ trong lãnh vực thiêng liêng xảy ra tiếp theo sau “thời kỳ Ánh Sáng”, sự kiện sau đây vẫn mãi tồn tại bất di dịch: Đức Kytô là mạc khải chung quyết của Thiên Chúa, và không còn cần phải trông đợi những thời mới nào nữa, tức là một thời đại cứu độ mới nào có sức trổi vượt hơn thời đại Đức Kytô, cũng như không còn cần phải trông chờ một Phúc âm nào khác nữa. Thời gian trải dài từ đây cho tới lúc Đức Kytô trở lại vẫn khắng khít dính liền một cách cơ bản với biến cố lịch sử “một lần cho tất cả” (ephápax) về Đức Giêsu Kytô, cũng như với truyền thống của Kinh Thánh và của Paradosis trong giáo hội, là những yếu tố làm chứng về Ngài. Cho dù đang ẩn dấu, quyền chủ tể của Đức Giêsu Kytô vẫn là mực thước và là phán quyết để ngay từ bây giờ, cứ theo đó mà phán định đâu là chân lý và đâu là dối trá. Và cũng cần phải dựa vào Đức Giêsu Kytô thì mới phân định được giữa những gì trong các phương pháp mới của kỹ thuật giải thích Kinh Thánh, có thể giới thiệu Đức Kytô chân chính, với những gì không nhận ra được Ngài, hoặc tệ hơn, xuyên tạc sự thật về Ngài. 

Có nhiều viễn ảnh được phương pháp phê bình và sử học, hoặc các phương pháp khác gần đây hơn (lịch sử đối chiếu các tôn giáo, thuyết cấu trúc, ký hiệu học, lịch sử xã hội, tâm lý chiều sâu) mở ra cho tương lai, có thể đóng góp để làm cho diện mạo Đức Kytô nổi bật hơn lên trước mắt của người thời đại chúng ta. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này chỉ mang lại được thành quả tốt khi chúng được xử dụng với thái độ tòng phục đức tin và không chủ trương tự trị. Cộng đồng hiệp thông trong giáo hội là môi trường giúp cho việc giải thích tránh được khỏi mối nguy bị các trào lưu riêng của thời này hay thời nọ khuynh đảo đi. 

II. Tín Điều Trong Truyền Thống Và Trong Cộng Đồng Thông Hiệp Giáo Hội 

1. Mối Liên Kết Không Thể Cắt Đứt Được Giữa Kinh Thánh, Truyền Thống Và Cộng Đồng Thông Hiệp Giáo Hội 

Được Đức Giêsu Kytô mạc khải một lần cho mãi mãi, với tất cả sung mãn, và là mức thành tựu mỹ mãn của các lời tiên hứa trong Cựu ước, Phúc âm duy nhất muôn đời vẫn là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và của mọi giáo huấn luân lý (DS 15011). Nhờ Thánh Linh trợ giúp, các tông đồ và môn đồ của các ngài đã dùng lời giảng, gương sáng và những thể chế các ngài lập nên mà lưu truyền Phúc âm ấy; nhờ chính Thánh Linh linh ứng, các ngài cũng đã ký thác nó cho các văn bản (DV 7). Và như thế, Kinh Thánh và truyền thống cùng nhau làm thành một kho tàng duy nhất của đức tin (depositum fidei): kho tàng ấy, giáo hội có bổn phải lo gìn giữ cho trung thành (1Tm 6, 20; 2Tm 1, 14). Vậy, không phải Phúc âm được giao phó cho giáo hội như một mớ chữ không hồn, chỉ viết lên trên giấy da; trái lại, nó đã được chính Thánh Linh viết vào tận trong con tim của các tín hữu (2Cr 3, 3). Như thế, nhờ Thánh Linh, Phúc âm hằng thường xuyên hiện diện giữa cộng đồng giáo hội, trong giáo lý cũng như trong cuộc sống và nhất là trong phụng vụ của giáo hội (DV 8). 

Bởi thế, Kinh Thánh, truyền thống và cộng đồng thông hiệp giáo hội không phải là những thực tại đứng riêng biệt nhau; trái lại, chúng làm thành một toàn bộ duy nhất (DV 9tt; xem các phần B, I, 1; C, I, 2 trên đây) mà nền tảng sâu xa nhất phải được tìm thấy ở nơi việc Thiên Chúa Cha cùng một lúc phái gửi Ngôi Lời và Thánh Linh của mình tới để mang chúng đến cho chúng ta. Thánh Linh thực hiện những công trình cứu độ trọng đại: Ngài kêu gọi các tiên tri và linh ứng cho họ để họ loan báo và giải thích về các công trình đó; Ngài gầy dựng nên một dân tộc để họ lấy đức tin mà tuyên xưng chúng và để họ làm chứng về chúng. Đến thời viên mãn, Ngài tiến hành công cuộc nhập thể của Ngôi Lời hằng hữu trong Thiên Chúa (Mt 1, 20; Lc 1, 35); dùng bí tích thanh tẩy, Ngài xây dựng giáo hội là thân mình Đức Kytô (1Cr 12, 13), Ngài không ngừng nhắc cho giáo hội nhớ lại lời nói, việc làm và con người của Đức Kytô, và dẫn đưa giáo hội đi vào trong chân lý toàn vẹn (Ga 14, 26; 15, 26; 16, 13tt). 

Nhờ tác động của Thánh Linh, lời nói bên ngoài trở thành “tinh thần và sự sống” bên trong các tín hữu. Chính Thiên Chúa ban ơn xức dấu mà dạy dỗ (1Ga 2, 20. 27; Ga 6, 45). Thánh Linh thức tỉnh và nuôi dưỡng sensus fidelium (cảm thức của các tín hữu), tức là sự cảm nhận từ bên trong qua đó, dưới sự chỉ đạo của huấn quyền, dân Chúa nhận ra ở nơi lời giảng dạy không phải chỉ là lời người trần, nhưng là chính lời của Thiên Chúa, và gìn giữ lấy với một lòng trung thành không hề mai một (LG 12; xem LG 35). 

2. Truyền Thống Duy Nhất Và Nhiều Truyền Thống Khác Nhau 

Xét cho cùng, truyền thống (Paradosis) không là gì khác hơn việc Thiên Chúa Cha tự thông truyền chính mình qua Đức Giêsu Kytô, trong Thánh Linh, để hiện diện ở giữa cộng đồng giáo hội dưới những hình thức luôn luôn mới mẽ. Ngay từ đầu, truyền thống sống động ấy ở trong giáo hội đã mang rất nhiều hình thức khác nhau nơi các truyền thống riêng ở nhiều nơi (traditiones). Kho tàng phong phú khôn lường của nó tỏ lộ qua nhiều hình thức giáo lý, qua các bài thánh ca, các biểu tượng và các nghi thức, cũng như qua các hình thức kỷ luật và các thể chế khác nhau. Truyền thống cũng cho thấy khả năng dồi dào của mình khi “hội nhập” vào trong các giáo hội địa phương khác biệt nhau, tùy theo hoàn cảnh văn hóa của từng nơi. Những truyền thống đa dạng đó chỉ thực sự chính thống, nếu chúng trung thành làm chứng cho truyền thống tông đồ duy nhất và lo chu đáo lưu chuyển truyền thống duy nhất này. 

Vì thế, việc nhận định thần loại (1Cr 12, 10; 1Tx 5, 21; 1Ga 4, 1) là một phần thuộc hoạt động của Thánh Linh đưa dẫn vào “trong chân lý toàn vẹn”. Đó là vấn đề phân biệt truyền thống đón nhận từ Chúa Kytô (1Cr 11, 23) với những truyền thống loài người (Mc 7, 8; Cl 2, 8). Vì được Thánh Linh không ngừng trợ giúp để gìn giữ cho nguyên tuyền, nên truyền thống tông đồ trong giáo hội không bao giờ có thể bị suy suyển về căn bản được. Mà vì trong giáo hội, dù là thánh thiện thì cũng gồm những con người tội lỗi, thường xảy ra là có những truyền thống loài người len lỏi vào làm truyền thồng tông đồ suy giảm đi, hoặc thổi phồng một vài khía cạnh trong truyền thống ấy lên quá mức đến độ làm cho phần nòng cốt bị lu mờ đi, cho nên giáo hội luôn luôn cảm thấy nhu cầu cần phải thanh luyện, sám hối và canh tân đối với các truyền thống ở giữa lòng cuộc sống mình (LG 8). Các tiêu chuẩn để “nhận định thần loại” như thế phải được rút ra từ chính bản chất của truyền thống: 

– Bởi vì chỉ có một Thánh Linh duy nhất hoạt dộng suốt trong cả tiến trình lịch sử cứu độ, trong Kinh Thánh, trong truyền thống cũng như trong toàn bộ cuộc sống của giáo hội qua các thời đại, thế nên tiêu chuẩn căn bản để nhận định là tính chất liên đồng (cohérence) nội tại của truyền thống. Tính chất liên đồng này được đảm bảo nhờ sự kiện Đức Giêsu Kytô là tâm điểm của truyền thống. Vậy Đức Giêsu Kytô chính là điểm nhất thống cho truyền thống và cho các hình thức khác nhau của truyền thống; Ngài là tiêu chuẩn của việc phân định và giải thích. Đúng thế, cần phải dựa theo tâm điểm ấy mà khảo sát và giải thích Kinh Thánh và truyền thống cũng như các truyền thống riêng khác trong mối tương hợp và liên hệ của chúng. 

– Bởi vì đức tin đã được lưu truyền cho chúng ta một lần cho tất cả (Gđ 3), nên giáo hội mãi mãi gắn bó chặt chẽ với gia tài các tông đồ để lại. Do đó, tính chất tông truyền là một tiêu chuẩn chủ yếu. Giáo hội cần phải không ngừng canh tân chính mình qua việc hồi tưởng lại nguồn gốc của mình một cách sống động, và phải giải thích các tín điều trong ánh sáng nguồn gốc ấy. 

– Đức tin tông truyền duy nhất ban cho toàn thể giáo hội, bắt đầu thực sự thành hình ở giữa các truyền thống khác nhau trong các giáo hội địa phương. Vì thế, còn có một tiêu chuẩn chủ yếu khác nữa, đó là tính chất công giáo, tức là mối tâm đầu ý hợp trong nội bộ cộng đồng thông hiệp của giáo hội. Mối đồng tâm nhất trí như thế về một điểm giáo lý đức tin không ai nghi ngờ trong một thời gian lâu dài, là dấu chứng cho nói lên chất tông truyền của điểm giáo lý ấy. 

– Mối quan hệ mật thiết giữa truyền thống và communio (cộng đồng hiệp thông) trong giáo hội tỏ rõ và trở thành hiện thực đặc biệt hơn cả qua việc cử hành phụng vụ. Vì thế, lex orandi (nguyện luật) cùng lúc cũng là lex credendi (tín luật: DS 246). Phụng vụ là môi trường thần học sống động và tổng hợp để diễn dịch đức tin. Như thế không những bởi một lý do hời hợt vì rằng các công thức dùng trong giáo lý và trong phụng vụ tương ứng với nhau, nhưng còn hơn thế nữa: bởi vì phụng vụ làm cho “mầu nhiệm đức tin” thực sự hiện diện. Việc chịu lấy Thánh Thể Đức Kytô có tác dụng xây dựng nhiệm thể của Chúa là cộng đồng giáo hội, và làm cho nhiệm thể ấy tăng triển lên (1Cr 10, 17). 

3. Việc Giải Thích Tín Điều Trong Nội Bộ Cộng Đồng Hiệp Thông Của Giáo Hội 

Giáo hội là bí tích của Paradosis, nghĩa là giáo hội vừa là nơi chốn, vừa là dấu chỉ và là khí cụ của Paradosis. Giáo hội loan báo Phúc âm về các công trình cứu độ của Thiên Chúa (martyria) , truyền thụ đức tin sống động cho những ai chịu phép thanh tẩy tự tay mình (Rm 6, 17), tuyên xưng đức tin mình ra trong khi bẻ bánh và trong kinh nguyện (leiturgia: Cv 2, 42), và phục vụ Đức Giêsu Kytô trong những người nghèo khó, những người bị bách hại, bị cầm tù, cũng như trong những người bệnh tật và hấp hối (diakonia, Mt 25). Các tín điều là cách thức diễn dịch ra trong lãnh vực giáo lý, chính cùng một truyền thống đức tin ấy. Vì lý do đó, không thể tách rời tín điều ra khỏi bối cảnh cuộc sống giáo hội để rồi chỉ giải thích chúng như là những công thức thuần túy ý niệm được. Và nói cho đúng hơn thì ý nghĩa các tín điều và việc giải thích chúng mang tính cách cứu chuộc học (sotériologie): chúng có phận vụ gìn giữ cộng đồng giáo hội cho khỏi sai lầm, chữa lành các vết thương trong công đồng và phục vụ tiến trình tăng trưởng trong đức tin sống động. 

Tác vụ đối với Paradosis và đối với việc giải thích nó đã được ủy thác cho giáo hội trong tư cách là đoàn thể. Giữa lòng giáo hội, các giám mục là những vị đã được cắt đặt theo kế nhiệm tông truyền (LG 19), có nhiệm vụ giải thích truyền thống đức tin một cách chính thức (DV 10). Hiệp thông với giám mục Roma là vị đã được giao phó cho một cách đặc biệt tác vụ lo cho hiệp nhất, các giám mục trong tư cách là đoàn thể, có quyền minh định tín điều và giải thích chúng một cách chính thức. Việc minh định và giải thích này có thể được thực hiện hoặc bởi toàn thể các giám mục cùng với Đức Giáo Hoàng, hoặc là bởi một mình Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh của giám mục đoàn (LG 25). 

Trong giáo hội, việc giải thích các tín điều cũng thuộc trách vụ của các “chứng nhân” và của các bậc thầy giảng dạy (docteurs) hiệp thông với các giám mục. Chứng từ đồng tâm của các giáo phụ (unanimis consensus Patrum: DS 1507; 3007), chứng cử của các vị chịu tử đạo vì đức tin, cũng như của các vị đã được giáo hội tôn phong hiển thánh, và cách riêng là chứng từ của các tiến sĩ giáo hội, mang một ý nghĩa rất đặc biệt. 

4. Để Phục Vụ “Consensus Fidelium” (mối đồng cảm thức nơi các tín hữu) 

Còn có một tiêu chuẩn chủ yếu khác cho việc nhận định thần loại, đó là công trình xây dựng hiệp nhất trong nhiệm thể Đức Kytô (1Cr 12, 4-11). Điều này cho thấy tại sao hoạt động của Thánh Linh trong giáo hội cũng có thể nhận ra qua việc “đón nhận lẫn nhau”. Kinh Thánh cũng như truyền thống vén mở cho thấy ý nghĩa của mình trước tiên là qua sự kiện chúng được thành tựu và trở thành thực sự hiện diện ở trong phụng vụ. Cộng đồng giáo hội đón nhận chúng khi cử hành chúng trong nội cuộc “mầu nhiệm đức tin”. Việc giải thích tín điều là một hình thức trong tác vụ của consensus fidelium, trong đó dân Chúa, “từ các giám mục cho đến người giáo dân cuối cùng” (thánh Âugutinô) đều nói lên mối đồng cảm thức chung của mình trong lãnh vực đức tin và phong hóa (LG 12). Các tín điều và việc giải thích chúng có phận vụ củng cố mối consensus ấy của các tín hữu qua việc tuyên xưng “những gì chúng ta đã nghe thấy tự ban đầu” (1Ga 2, 7.24). 

III. Tín Điều Và Phương Thức Giải Thích Cho Thức Thời 
1. Cần Có Một Phương Thức Giải Thích Thức Thời 

Truyền thống sống động của dân Chúa đang trên đường lữ hành ở giữa lịch sử, sẽ không dừng lại nơi một điểm nhất định nào đó của lịch sử: truyền thống ấy đã đạt tới giờ phút hiện tại mà nó sẽ vượt qua để tiếp tục tiến mãi vào trong tương lai. Vì thế, việc minh định một tín điều không chỉ là điểm kết của một công trình khai triển hiểu biết, nhưng luôn luôn còn là một khởi điểm mới. Nếu một chân lý đức tin đã trở thành tín điều, thì điều ấy có nghĩa là chân lý ấy được muôn đời kết ghép vào trong Paradosis hằng không ngừng tiến tới. Bởi vậy, tiếp theo sau việc minh định là thái độ tiếp nhận – tức là việc cộng đồng giáo hội tin nhận tín điều ấy làm thành phần sinh động của cuộc sống mình, – và cũng tiếp theo sau việc minh định còn có bước nhận thức sâu hơn về chân lý mà tín điều làm chứng. Và bởi vì không thể nào là tàn tích của những thời dĩ vãng xa xưa, nên nhất dịnh tín điều sẽ mang lại hoa trái cho đời sống giáo hội. Vì thế, nếu chỉ để ý tới khía cạnh tiêu cực hoặc có tính cách hạn chế can ngăn của tín điều mà thôi, thì thật là thiếu sót; ngược lại, cần phải hiểu tín điều theo ý nghĩa tích cực của nó, tức là hiểu rằng nó mở rộng lối đưa dẫn tới chân lý. 

Khi giải thích tín điều như thế cho hiện tại thì cần phải lưu ý tới hai nguyên tắc mà thoạt tiên xem ra tương phản, đó là: giá trị vĩnh viễn của chân lý và tính chất thức thời của nó. Điều ấy muốn nói rằng không được chối bỏ hoặc phản bội truyền thống, nhưng đồng thời cũng không được giả bộ trung thành để chỉ truyền thụ một thứ truyền thống cổ hủ cứng nhắc. Cần phải làm sao để từ ký ức của truyền thống, hy vọng bừng lên cho hiện tại cũng như cho tương lai. Sau cùng, sở dĩ một minh định có ý nghĩa thực sự đối với hiện tại là chỉ vì nó chân thật và chỉ vì tính chất chân thật của nó mà thôi. Vì thế, giá trị vĩnh viễn của chân lý và tính chất thức thời của nó tương can mật thiết với nhau. Chỉ có chân lý mới mang lại được tự do (xem Ga 8, 32). 

2. Các Nguyên Tắc Chỉ Đạo Cho Phương Thức Giải Thích Thức Thời 

Bởi vì thể hiện cả một phần lịch sử vẫn tiếp diễn của truyền thống và các tín điều, phương thức giải thích tín điều cho thức thời cần phải được hướng dẫn và xác định bởi những nguyên tắc chỉ đạo của chính lịch sử ấy. 

Điều đó trước hết muốn nói rằng một cách giải thích thức thời như thế không phải là một lối tiến hành thuần túy tri thức, hoặc chỉ có tính cách hiện sinh hay là xã hội; cũng không phải chỉ nhằm tới việc định nghĩa cho rõ hơn những ý niệm riêng rẽ, hoặc để soạn lại hay sáng tác ra những công thức khác. Nhưng đó là cách giải thích được linh ứng, nâng đỡ và dẫn dắt bởi tác động của Thánh Linh hiện diện trong giáo hội và trong tâm lòng mọi kytô hữu. Nó tiến hành trong ánh sáng đức tin; nó nhận được đà thúc đẩy từ các đoàn sủng và từ cuộc sống chứng tá của các thánh mà Thánh Linh Thiên Chúa ban cho giáo hội trong mỗi thời đại. Cũng thế, sinh hoạt chứng tá có tính cách ngôn sứ của các phong trào thiêng liêng và sự khôn ngoan nội tâm xuất phát từ kinh nghiệm thiêng liêng của các giáo dân tràn đầy Thánh Linh Thiên Chúa (xem DV 8) cũng phải được đặt vào trong chính bối cảnh ấy. 

Hệt như toàn bộ Paradosis trong giáo hội, phương thức giải thích thức thời các tín điều cũng tiến hành trong và qua toàn bộ cuộc sống giáo hội: tức là qua lời thuyết giảng và qua việc dạy giáo lý, trong việc cử hành phụng vụ và trong đời cầu nguyện, qua công tác phục vụ, cũng như trong cuộc sống chứng tá hằng ngày của người kytô, và cả trong lãnh vực pháp lý kỷ luật của giáo hội nữa. Sinh hoạt chứng tá có tính cách ngôn sứ của các kytô hữu hay của các nhóm sẽ dựa theo thực tại thông hiệp và mức hiệp thông của mình với toàn thể cuộc sống giáo hội mà nhận ra mức quan yếu trong vai trò của mình; nói cách khác, sinh hoạt làm chứng theo tính cách ngôn sứ đó có được cuộc sống giáo hội đón nhận và chấp nhận đưa vào trong tiến trình thường là lâu dài, và đôi lúc cũng đầy đau thương hay không ? 

Đức tin và việc thấu hiểu đức tin một cách sống động cũng là những hành động con người thực sự, dùng tới tất cả năng lực của con người: trí thông minh, ý chí và khả năng giác cảm của con người (xem Mc 12, 30, và các đoạn song song). Đức tin có phận vụ phải cung ứng (apo-logia) cho mọi người lý do tại sao (logos) lại hy vọng (xem 1P 3, 15). Vì thế công tác thần học, việc nghiên cứu sử học về các tài liệu gốc, phần đóng góp của các khoa học nhân văn, khoa chú giải và môn ngữ học cũng như triết học giữ một tầm quan trọng lớn lao trong công trình giải thích các tín điều cho thức thời. Tất cả các bộ môn ấy có thể có tác dụng kích động nổ lực làm chứng trong giáo hội, cũng như có thể tiến hành công tác chuẩn bị hữu ích cho việc giới thiệu công trình làm chứng đó cho thích ứng với các đòi hỏi của lý trí. Nhưng trong công tác phục vụ này, dĩ nhiên là các bộ môn này phải rút ra căn bản và tiêu chuẩn từ trong lời thuyết giảng, từ trong giáo huấn và cuộc sống của giáo hội. 

3. Giá Trị Vĩnh Viễn Của Các Công Thức Tín Lý 

Vấn đề giải thích các tín điều cho thức thời tích tụ cả ở trong vấn đề giá trị trường cửu của các công thức tín điều (xem Ủy Ban Thần học Quốc tế: UBTHQT, Đức tin duy nhất và thần học đa dạng [1972] trong Documenta , tr. 36). Tất nhiên là cần phải phân biệt nội dung luôn luôn có giá trị của các tín điều, với hình thức diễn dịch nội dung ấy. Mầu nhiệm Đức Kytô vượt hẳn lên trên khả năng diễn đạt của mọi thời đại lịch sử, và vì thế thoát hẳn ra ngoài tầm tay của bất cứ hình thức hệ thống hóa độc chiếm nào (xem Ep 3, 8-10; UBTHQT, văn kiện trưng dẫn trên đây, tr. 32). Trong cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau cũng như với các dấu chỉ thời đại tiếp nối nhau diễn ra, Thánh Linh không ngừng làm cho mầu nhiệm Đức Kytô hiện diện trong sắc thái mới mẻ của nó. 

Tuy nhiên, không thể nào phân tách nội dung và hình thức diễn dịch một cách rõ ràng được. Hệ thống biểu tượng của ngôn ngữ không phải chỉ là một lớp trát bên ngoài, nhưng trong một cách thức nào đó còn thể hiện thực sự chân lý nó muốn diễn tả nữa. Vì Lời vĩnh cửu đã nhập thể, nên nhận xét trên đây về ngôn ngữ thể hiện chân lý ứng nghiệm một cách hết sức chính xác trong việc giáo hội tuyên xưng đức tin. Việc tuyên xưng đức tin thường mặc một hình thức cụ thể và theo khuôn mẫu công thức, được coi như là lối trình bày có tính cách vừa thực sự vừa biểu tượng, dùng để diễn tả nội dung đức tin: hình thức ấy chứa đựng và hiện diện hóa điều nó muốn biểu thị. Vì thế, không thể lẫn lộn thay đổi tùy thích những hình ảnh và những ý niệm nó dùng được. 

Nếu nghiên cứu kỹ lịch sử các tín điều thì sẽ thấy rõ rằng trong các tín điều, giáo hội không phải chỉ có việc đơn thuần lấy lại những ý niệm đã đề ra trước đó, cho bằng chọn các ý niệm sẵn có, thường là lấy từ ngôn ngữ bậc kiến thức trong môi trường mình sống, mà đặt vào trong một tiến trình thanh luyện và biến cải, cũng có thể gọi là tiến trình tái biến chế, ngõ hầu tạo nên một ngôn ngữ thích ứng với sứ điệp riêng của mình. Thử nhớ lại đây một vài trường hợp dẫn dụ, chẳng hạn như: sự phân biệt giữa bản thể, bản chất (substance , hay là: bản tính, nature) và thực thể, cá thể, (hypostase , ngôi vị), cũng như việc tạo nên ý niệm về ngôi vị (personne) không có ở trong triết học Hy lạp, nhưng là thành quả của công trình suy nghiệm về mầu nhiệm cứu độ và về ngôn ngữ Kinh Thánh dùng. 

Như thế, ngôn ngữ tín lý trong giáo hội được thành hình một phần là nhờ có tranh luận với một số các triết thuyết, nhưng hoàn toàn không bị ràng buộc với một triết thuyết nhất định nào. Trong cách dùng ngôn từ mà diễn dịch đức tin, giáo hội đã sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của mình để diễn tả những thực tại mà trước đó đã không được nhận biết và cũng không được thấu hiểu, nhưng bây giờ chính nhờ ngôn ngữ đó mà thuộc về nội dung của Paradosis trong giáo hội, và cũng bởi thế mà trở thành gia sản lịch sử của nhân loại. 

Là cộng đồng đức tin, giáo hội cũng là cộng đồng bởi lời tuyên xưng nói lên lòng tin. Vì thế, cho dù có xét những lời căn bản dùng để diễn tả đức tin theo đà biến hóa của ngôn ngữ hay là chỉ đặt chúng vào trong một thời đại nhất định, thì sự thống nhất trong những lời ấy cũng là một trong những thành phần cấu tạo nên mối hiệp nhất trong giáo hội. Những lời căn bản ấy của đức tin mang tính chất không thể xét lại được, ngay cả với lý do là để làm cho thực tại chúng diễn tả khỏi bị quên lãng đi. Ngược lại, cần phải ra sức am tường chúng ngày càng sâu rộng hơn, và tiến xa hơn mãi trong nổ lực giải thích chúng, nhờ cả một loạt hình thức rao truyền Phúc âm đủ mọi sắc thái khác nhau. Cách riêng, việc đưa Kytô giáo hội nhập vào trong các nền văn hóa khác nhau có thể đem lại một cơ hội hứa hẹn hoặc tạo thêm một nghĩa vụ mới cho những cố gắng nói trên. Chân lý mạc khải không bao giờ thay đổi, “không những trong bản chất mà thôi, nhưng còn cả trong các công thức ngôn ngữ căn bản dứt khoát dùng để diễn tả nó nữa” (UBTHQT, văn kiện “Đức tin duy nhất…” trích dẫn trên đây, tr. 37). 

4. Những Tiêu Chuẩn Cho Cách Giải Thích Thức Thời 

Những tiêu chuẩn trình bày trong các phần trên đây, dĩ nhiên là cũng có giá trị đối với tiến trình của Paradosis vẫn đang tiếp diễn trong thời đại chúng ta. Việc chủ yếu là phải bảo toàn cho trọn vẹn “trục kytô học”, làm sao để Đức Giêsu Kytô vẫn luôn là khởi điểm, tâm điểm và là mẫu mực của mọi cách thức giải thích. Để đảm bảo được điều ấy, thì tiêu chuẩn về nguồn gốc, tức là về tính chất tông truyền cũng như tiêu chuẩn về tính chất cộng đồng thông hiệp (koinonia) , tức là đặc tính công giáo, phải đứng hàng đầu (xem phần C, II, 2 trên đây). 

Ngoài hai tiêu chuẩn đã được đề cập tới trên đây, còn có “tiêu chuẩn nhân chủng học”, hiện đang giữ một vai trò quan trọng trong phương pháp giải thích ngày nay. Dĩ nhiên, nói thế không có nghĩa là chính con người hay là một số nhu cầu và quyền lợi của con người, hoặc ngay cả những xu hướng theo thời trang cũng có thể làm mẫu mực cho đức tin và cho việc giải thích các tín điều được. Bởi vì điều đó đã bị loại hẳn ra ngoài cuộc bởi chính sự kiện này: đối với ngay chính mình, con người cũng còn là một câu hỏi chưa có giải đáp, và chỉ Thiên Chúa mới là lời giải đáp trọn vẹn cho câu hỏi ấy (Gaudium et spes, GS 21). Chỉ trong Đức Giêsu Kytô thì mầu nhiệm về con người mới được sáng tỏ: trong Ngài là Con Người mới, Thiên Chúa đã mạc khải con người ra cho chính con người một cách sung mãn, đã vén mở cho con người nhận ra ơn gọi cao cả tuyệt vời nhất của mình (GS 22). Thế thì con người không phải là mẫu mực, nhưng là điểm quy chiếu cho việc giải thích đức tin và các tín điều. Con người cũng là con đường giáo hội đi trong khi giải thích tín điều mình đề ra (xem Gioan Phaolô II, Redemptor hominis: Đấng cứu độ con người, số 14). 

Ngay công đồng chung Vatican I cũng đã dạy rằng thấu hiểu các mầu nhiệm đức tin cho sâu sắc hơn là điều có thể làm được, nếu biết tìm hiểu chúng theo cách loại suy, tức là dựa theo tính cách tương tự với các kiến thức tự nhiên, và nếu biết nhìn chúng trong mối quan hệ với cứu cánh tối hậu của con người (DS 3016). Công đồng chung Vatican II đề cập đến “những dấu chỉ thời đại” như là những sự kiện một đàng cần dựa theo đức tin mà giải thích, nhưng đàng khác cũng có thể dấy lên một tầm hiểu biết sâu rộng hơn về đức tin đã được truyền lưu lại (GS 3tt, 10tt, 40, 42tt, 44, 62, v.v.). Qua cách thức ấy, giáo hội mong làm cho mầu nhiệm về con người được sáng tỏ trong ánh sáng của Đức Kytô, và cọng tác vào công cuộc tìm kiếm câu giải đáp cho các vấn đề bức thiết nhất của thời đại chúng ta (GS 10). 

5. Bảy Tiêu Chuẩn Do J.H. Newman Đưa Ra. 

(Đức Hồng y) J. H. Newman đã soạn ra một bộ tiêu chuẩn học bàn về tiến trình phát triển các tín điều; tập này dọn đường cũng như bổ túc cho những gì được trình bày trên đây. Có thể áp dụng bộ tiêu chuẩn học này theo tỷ lệ thích đáng, vào trong việc giải thích các tín điều một cách sâu sắc hơn hầu làm cho tính chất thức thời của chúng nổi bật lên. Newman đề ra bảy nguyên tắc, tức là các tiêu chuẩn sau đây: 

a). Việc bảo toàn kiểu mẫu (type), tức là hình thức căn bản, các tỷ lệ và các mối quan hệ giữa các thành phần với toàn bộ. Nếu cơ cấu toàn bộ còn nguyên, thì kiểu mẫu cũng được giữ vững, cho dù một vài ý niệm riêng rẽ có thay đổi đi. Trái lại, cơ cấu toàn bộ ấy có thể trở thành hư hỏng ngay cả khi các ý niệm vẫn còn y nguyên, nếu các ý niệm bị đem ghép vào trong một toàn cục hay một hệ thống yếu tố phối hợp khác hẳn. 

b). Tính chất liên tục giữa các nguyên tắc: bất cứ chủ thuyết nào trong các hệ thống giáo thuyết khác nhau cũng đều cố gắng làm sao để trình bày các nguyên tắc lại cho sâu sắc hơn, cho dù thường là rất lâu về sau, các nguyên tắc mới được biết tới. Cùng một điểm giáo lý, nếu bị tách rời ra khỏi nguyên tắc xây dựng nên nó, thì có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, và dẫn tới nhiều kết luận đối nghịch nhau. Vì thế, tính chất liên tục giữa các nguyên tắc là một tiêu chuẩn để phân biệt một bước phát triển đúng đắn và hợp thức, với một đà tiến hóa sai lệch. 

c). Khả năng thu nhận: một ý tưởng đầy nhựa sống thì biểu dương sức lực của mình qua khả năng thâm nhập vào trong thực tại, qua khả năng thu nhận các ý tưởng khác cũng như qua khả năng vận động suy tư và triển dương mình ra mà không mất đi tính chất thống nhất nội tại của mình. Khả năng hội nhập như thế là một tiêu chuẩn giúp nhận ra đà phát triển hợp thức. 

d). Kết luận hợp lý (logic): đà phát triển các tín điều là một tiến trình cốt tử quá bao quát rộng rãi đến độ không thể chỉ được coi như là một câu giải thích hợp lý và như là một lời suy diễn rút ra từ một số tiền đề nhất định nào đó. Tuy nhiên, những kết luận của đà phát triển ấy phải ăn khớp mạch lạc một cách hợp lý với các dữ liệu ban đầu. Và ngược lại, có thể dựa vào những kết quả nó mang lại mà thẩm định một bước phát triển, và cứ dựa vào hoa trái của nó để biết nó có hợp thức hay không. 

e). Viễn ảnh tương lai: dù rất lâu về sau mới trở thành hiện thực và đạt tới kết cục, nhiều khuynh hướng nghiên cứu đáng chú ý, cũng sớm cho thấy đó như là những hiện tượng rời rạc và mù mờ. Các viễn ảnh tương lai là những dấu chỉ về mối nhất trí giữa đà tiến triển hậu lai với ý tưởng nguyên thủy. 

f). Ảnh hưởng bảo tồn quá khứ: một khuynh hướng phát triển biến thành hư hỏng khi nó có những chủ trương mâu thuẫn với giáo lý nguyên thủy hay là với những bước tiến triển trước đó. Một công trình phát triển chân chính thì duy trì và bảo toàn những bước tiến triển cũng như những cách thức trình bày có trước nó. 

g). Hiệu lực lâu bền: hư hỏng dẫn tới tan rã. Những gì hư hỏng thì không thể tồn tại lâu dài được. Ngược lại, sức sống lâu bền là tiêu chuẩn để nhận ra một đường hướng phát triển có trung thành hay không. 

6. Vai Trò Trọng Yếu Của Huấn Quyền Trong Phương Thức Giải Thích Thức Thời 

Các tiêu chuẩn nêu ra trên đây sẽ không hoàn toàn đầy đủ nếu bỏ quên không nói đến vai trò của huấn quyền trong giáo hội, là thẩm quyền đã được trao phó cho trọng trách giải thích Lời Chúa một cách chính thức: Lời viết cũng như Lời tương truyền lại qua truyền thống; và huấn quyền thi hành nhiệm vụ ấy nhân danh Đức Giêsu Kytô cũng như với sự trợ giúp của Thánh Linh (DV 10). Sứ mạng của huấn quyền không chỉ giới hạn ở nơi việc phê chuẩn và thẩm định chung kết tiến trình giải thích trong giáo hội như thể là một vị “chưởng khế” tối cao. Huấn quyền còn có bổn phận phải cổ xúy, tháp tùng và dẫn lối cho tiến trình ấy; rồi một khi nó đạt được tới kết cục xác thực thì dùng thể thức hữu hiệu hóa một cách chính thức mà xác nhận uy thế khách quan và có tính cách bắt buộc phổ quát của nó. Với cách ấy, huấn quyền sẽ mang lại đường hướng và niềm vững tâm cho tín hữu đang phải đương đầu với tình trạng rối reng có đủ thứ quan điểm cũng như với cuộc cãi cọ muôn thuở trong thần học. Huấn quyền có thể tiến hành điều đó bằng nhiều cách thức khác nhau và theo nhiều mức độ bắt buộc khác nhau: từ lời thuyết giảng hằng ngày, từ việc huấn dụ hay là khích lệ cho tới những tuyên ngôn về giáo lý có tính cách chính thức hoặc là có cả tính cách bất khả ngộ nữa. 

“Trước những lối trình bày giáo lý mập mờ đến mức độ trầm trọng, và có thể nói là xung khắc với đức tin của giáo hội nữa, giáo hội có khả năng để phát hiện điều lầm lạc, và có bổn phận loại bỏ nó ra, cả đến bằng cách dùng tới phương thế chính thức loại trừ vì lạc giáo, coi đó như là phương dược cuối cùng phải áp dụng hầu bảo toàn đức tin của dân Chúa” (UBTHQT, Đức tin duy nhất…, op. cit., tr. 34). “Nếu không còn đủ khả năng để nói mình là cái gì, và cái gì không phải là mình, cũng như để minh định biên giới mình đi tới đâu, thì lúc đó Kytô giáo không còn gì để nói nữa cả” (Bình luận về các đề nghị của UBTHQT đưa ra năm 1972, đăng trong Die Einheit des Glaubens und der theologische Pluralismus, Einsiedeln, 1973, tr. 48). Ngay cả cho tới ngày nay, phận vụ trừng phạt với vạ tuyệt thông có từ thời các tông đồ vẫn còn là một trong các quyền thuộc thẩm quyền giáo huấn trong giáo hội (xem ibid., tr. 50). 

Mọi nỗ lực giải thích tín điều đều phải nhằm tới tiêu đích duy nhất này là: làm sao để từ văn tự của các tín điều, “tinh thần và sự sống” phát sinh ra ở giữa lòng giáo hội và trong lòng mọi tín hữu. Từ ký ức của truyền thống trong giáo hội, niềm hy vọng phải bừng lên ở giữa lòng thời nay không ngừng đổi mới; và ở giữa các dị biệt muôn hình thái của những hoàn cảnh sống con người, của những bối cảnh văn hóa, kinh tế và chính trị, cũng như ở giữa muôn vàn chủng tộc khác nhau, tính chất duy nhất và công giáo phổ quát của đức tin phải được củng cố và cổ xúy như là dấu chỉ và khí cụ xây dựng hiệp nhất và hòa bình trong thế giới đa tạp. Điều chính yếu duy nhất là làm sao để con người có được sự sống đời đời “nhờ nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất và Con của Ngài là Đức Giêsu Kytô” (xem Ga 17, 3)
Nguyễn Thế Minh phiên dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét