Trang

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Môsê khẩn cầu cho dân

Môsê khẩn cầu cho dân
Vũ Văn An

 

Chúa phán với ông Mô-sê: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn."

Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa:

"Lạy Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời."

Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe (Xuất Hành 32: 9-14)


Rồi Mô-sê trở lại với Chúa và thưa: 
"Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xuất Hành 32: 31-32).

… Môsê thưa với Chúa:

"Xin Ngài coi, chính Ngài đã phán với con: ‘Hãy đưa dân ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con. Tuy nhiên chính Ngài đã phán: Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi đã được nghĩa với Ta. Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài. Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài."

Chúa phán: "Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi." Ông Mô-sê thưa với Người:

"Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây. Nhưng làm thế nào biết được là con và dân của Ngài được nghĩa với Ngài? Há chẳng phải vì có Ngài đi với chúng con sao? Như thế, con và dân của Ngài mới khác với mọi dân trên mặt đất." 

Chúa phán với ông Mô-sê: "Ngay cả điều ngươi vừa nói đó, Ta cũng sẽ làm, vì ngươi đã được nghĩa với Ta, và Ta biết đích danh ngươi." (Xuất Hành 33: 12-17)

Trên đây là ba lời cầu nguyện ta gọi là lời cầu nguyện cầu bầu cho dân Do Thái của Mô-sê. Ba lời cầu nguyện này được gom lại một chỗ để một đàng nói lên đặc tính của lối cầu nguyện này, một đàng để nói lên chính con người của nhà cầu bầu Môsê.

Tuy nhiên, muốn hiểu hai điều trên thiết tưởng nên đặt ba lời cầu nguyện ấy trong ngữ cảnh lịch sử của chúng. Dân Do Thái vừa được chứng kiến khung cảnh hết sức tôn nghiêm trang trọng của việc Thiên Chúa trao ban Thập Điều và các luật lệ từ đó phát sinh ra. Sách Xuất Hành từ chương 19 tới chương 31 đã thuật lại tỉ mỉ nội dung các việc này, mà nay ta thường gọi là Giao Uớc Sinai, đỉnh cao của Cựu Ước.

Cha Nguyễn Thế Thuấn nhận định rằng phần này hầu như thuộc trọn truyền thống tư tế. Trong đó các câu từ 20:22-23:33 trực tiếp nói đến nội dung bộ luật Giao Ước Sinai. Giao Ước này cũng giống Giao Ước đã ngỏ với Áp-ra-ham: nó đánh dấu việc dân được chọn và những lời hứa cho dân. Nhưng giao ước với Áp-ra-ham chỉ được ký kết với một cá nhân, dù đạt đến cả giòng dõi ông, và chỉ gồm một điều khoản, tức việc cắt bì. Giao Ước Sinai, trái lại, liên quan đến cả một dân tộc, với một Bộ Luật: thập điều và bộ luật giao ước. Với tất cả những triển khai sau này, bộ luật đó trở thành Hiến Chương của Do Thái giáo, được Sách Huấn Ca (24:9-27) đồng hóa với sự khôn ngoan; còn sách Đệ Nhị Luật (31:26) thì coi như một “chứng cáo tội dân” bởi vì sự vi phạm sẽ làm cho lời hứa ra vô hiệu và kéo đến sự chúc dữ của Thiên Chúa. Nó sẽ là giáo huấn và sự kềm giữ, dọn các tâm hồn đón Chúa Kitô đến, Đấng sẽ ký kết một giao ước mới. Tuy cha Nguyễn Thế Thuấn cho rằng Thánh Phaolô sẽ giải thích vai trò nhất thời này của Lề Luật (Gl 3; Rm 7), nhưng ngày nay, Giáo Hội đã có cái nhìn tích cực hơn về Giao Ước Sinai, bằng cách nhấn mạnh nhiều hơn đến tính liên tục giữa hai Giao Ước cũ và mới.

Nhận định về địa điểm Núi Sinai, Cha Nguyễn Thế Thuấn cho rằng thật khó mà xác định được việc này. Từ thế kỷ thứ IV, truyền thống Kitô giáo đặt nó ở phía nam bán đảo Sinai, tức Núi Djebel Mousa (cao 2, 215 mét). Nhưng ngày nay, ý kiến khá phổ biến lại căn cứ vào các đặc điểm núi lửa được mô tả trong việc thần hiện (19:16) và lộ trình của Dân Số 33 để đặt Sinai tại Ảrập.Tại đây, các núi lửa vào thời lịch sử vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, các lý chứng cũng không có gì là quyết định và một số văn bản khác lại gợi ý ở gần vùng Ai Cập hơn và ở gần Pa-lét-tin. Một thuyết khác lại đặt Sinai ở gần Cades, dựa trên các bản văn đặt Seir, Eđom và núi Pharan liên quan với việc Thiên Chúa hiện ra (Thủ Lãnh 5: 4; Đệ Nhị Luật 33: 2; Habacúc 3:3). Nhưng Cades không bao giờ được gắn liền với sa mạc Sinai và có vài văn bản ghi rõ sa mạc Sinai xa Cades (Ds 11-13, 33; Đnl 1:2-19). Việc đặt ở phía nam bán đảo có lẽ là đúng hơn cả.

Dù sao, Xuất Hành không nhắm nói đến địa dư cho bằng đến cuộc giải phóng vĩ đại của Dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập và việc lần đầu họ được kể là người dân tự do của một nước có luật lệ đàng hoàng và luật lệ ấy không do ai khác mà là chính Thiên Chúa Tối Cao ban hành. Như trên đã nói, quan trọng nhất trong bộ luật này là “Thập Điều”. Cha Nguyễn Thế Thuấn cho rằng: trong tình trạng hiện tại, Thập Điều không ăn khớp với trình thuật ở 19:24-25 và 20: 18-21. Thập Điều hay “mười lời” được giữ lại dưới hai hình thức: bản ở đây thuộc hiệu đính truyền thống Êlôhít, còn Đnl 5:6-21 thuộc hiệu đính Đệ Nhị Luật, có khác nhau đôi chút. Hình thức tiên khởi, có thể lên đến thời Môsê, là một chuỗi mười công thức ngắn (coi các giới điều 5, 6, 7 và 8), có nhịp điệu dễ thuộc lòng. Rồi Thập Điều được truyền miệng trong các nhóm dân đã kinh nghiệm về Sinai và biết các điều đó chứa đựng “lời” Thiên Chúa đã phán tại Sinai. Toàn bộ Thập Điều và các điều được khai triển được đưa vào trình thuật về thần hiện. Và truyền thống Êlôhít lại tiếp tục ở Xuất Hành 24:3, nhẩy qua Luật Giao Ước. Thập Điều bao quát toàn bộ môi trường đời sống tôn giáo và luân lý. Nó là trung tâm của Luật Môsê và vẫn giữ được giá trị trong Luật mới: Chúa Kitô nhắc lại các giới luật và Người thêm vào, như là dấu kiện toàn, các lời khuyên Tin Mừng (xem Mc 10:7-21). Cuộc bút chiến của Thánh Phaolô chống lại Lề luật trong thư Rôma và Galát không đụng đến các bổn phận cốt yếu này đối với Thiên Chúa và đối với người đồng loại (xem Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh, các trang 158, 160).

Chỉ có điều giới luật ấy chưa ‘ráo mực’ thì đã bị dân Do Thái, từ ‘quan quyền’ cho đến thứ dân, đồng loạt vi phạm trắng trợn. Nói rằng trắng trợn quả không ngoa. Thực vậy, không những tất cả đều vừa mới được Môsê thông báo đầy đủ nội dung Giao Ước và bộ luật giao ước ấy (19:7-8, 19:25, 24:3-4), mà họ còn được “nghe thấy” Thiên Chúa nói với Môsê (19:9), được chứng kiến cảnh uy nghi đến khiếp sợ hãi hùng (20:18) của biến cố Giao Ước (20:18), ngoài ra “A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và 70 người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en còn được hân hạnh cùng Môsê “đi lên” gặp gỡ Thiên Chúa trong lễ ký kết Giao Ước, được “nhìn thấy Thiên Chúa của Ít-ra-en… Người không ra tay hại những bậc vị vọng của Ít-ra-en; họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống” (24:9-11). Ấy thế mà chỉ cần mấy tuần lễ sau, vì không thấy Môsê xuất hiện, họ đã thuyết phục được A-ha-ron, thầy cả thượng phẩm tiên khởi của Giao Ước, đúc cho họ một con bò vàng làm “vị thần để dẫn đầu chúng tôi” (32:1).

Về con bò vàng này, Cha Nguyễn Thế Thuấn nhận định rằng: “bò” vàng, thực ra là một con bò tơ, một trong những biểu tượng Thiên Chúa của phương Đông thời cổ. Một nhóm cạnh tranh với nhóm Môsê, hay một nhóm ly khai với nhóm Môsê, đã có hay đã muốn có một hình tượng bò tơ làm biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa thay cho Khám Giao Ước. Nhưng luôn luôn vẫn là Gia-vê (câu 5: A-ha-ron thấy vậy, bèn dựng một bàn thờ trước tượng con bò, rồi ho to: Mai có lễ kính Giavê!).

Cha Richard J. Clifforf S.J cho rằng căn cứ vào nội dung câu 4 (Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi, đã đưa ngươi lên từ Ai Cập), thì rõ ràng dân Do Thái đã vi phạm Thập Điều thứ nhất (20: 2-7) vì mặc dù từ Elohim có thể có nghĩa số ít chỉ về Thiên Chúa, nhưng vì động từ ‘đưa’ ở số nhiều, nên rõ ràng dân Do Thái có ý chỉ về các thần minh, quả đã vi phạm thập điều qui định Thiên Chúa là Chuá (thần) duy nhất, ngoài Người ra không có một chúa (thần) nào khác. Tuy nhiên, Cha cũng cho hay: trong nghệ thuật tranh ảnh của vùng Cận Đông xưa, con bò là biểu tượng rất nổi bật của các thần minh (như Bull El trong các bản văn Ugaritic) mà cũng tượng trưng cho chiếc ngai trên đó các thần minh ngự trị. Theo cái nhìn của người bình dân Do Thái, con bò tượng trưng cho Giavê, do đó, một bàn thờ đã được dựng lên trước con bò vàng này.

Nếu chỉ hiểu như thế là quá coi thường cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và nhất là cơn thịnh nộ của Môsê. Cả Môsê lẫn Thiên Chúa coi đây là một vi phạm nghiêm trọng đến độ “Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng” (32:10). Chúa chỉ đe thôi, và vì lời cầu bầu của Mô-sê, Người đã nguôi cơn thịnh nộ. Nhưng cơn thịnh nộ của chính Môsê thì không những không nguôi mà còn mỗi lúc mỗi ứ đầy thêm, khiến ông ra lệnh cho các thầy Lêvi: “ ‘mỗi người hãy đeo gươm vào. Hãy đi đi lại lại trong khắp trại, từ cửa này sang cửa nọ mà giết, kẻ thì giết anh em, người thì giết bạn hữu, kẻ thì giết người thân cận của mình’. Con cái ông Lê-vi đã làm theo lời ông Môsê; trong ngày ấy, có ba ngàn người trong dân đã ngã gục” (32:27-28). (về số người bị giết, Cha Nguyễn Thế Thuấn cho hay: bản Phổ Thông ghi là 23 ngàn người, rất có thể lấy con số ở 1Cor 10:8 và Dân Số 25:1-9).

Nói cho ngay, thập điều thứ nhất không phải chỉ qui định độc thần, mà còn qui định không được tạc hình tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mật đất, để mà thờ” (20:4). Như thế, dù hiểu theo nghĩa nào, dân Do Thái, như một toàn thể, ngoại trừ Môsê, cũng đã xúc phạm đến Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã đem họ từ nô lệ qua tự do, mới đây thôi, và đã làm không biết bao nhiêu dấu lạ điềm thiêng để họ tin Người và sứ giả thân tín của Người là Môsê. Cha Clifford cũng nghĩ như thế, nên ngài đặt tên cho các chương 32-34 là “Apostasy and Renewal of the Covenant” (Việc bỏ đạo và tái lập Giao Ước).

Hai tình yêu

Điều ta cần lưu ý hơn chính là hai thái độ gần như trái ngược mà thực ra không trái ngược nhau chút nào của Môsê: mới khẩn cầu cho dân xong, đã ra tay tàn sát dân không tiếc tay, cách nhau chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ (là thời gian đi bộ từ Đỉnh Sinai xuống tu viện Catherine hiện nay mà nhiều người vẫn coi là nơi Dân Do Thái đóng trại).

Khởi sự là cầu bầu. Cha Nguyễn Thế Thuấn cho rằng: Môsê vốn là một người bầu cử lớn lao khi còn ở Ai Cập lúc có những tai ương khủng khiếp (Xh 5:22-23; 8: 4; 9:28; 10:7); rồi trong trường hợp Miriam bị cùi (Ds 12:13); và nhất là cho toàn dân ở sa mạc (Xh 32: 11-14, 30-32; Ds 11:2; 14:13-19; 16:22; Đnl 9:25-29). Vai trò này còn được nhắc đến trong Giêrêmia 15:1, Thánh Vịnh 99:6; 106: 23; Hc 45:3. Vai trò cầu bầu ấy cũng báo trước vai trò bầu cử của Chúa Kitô.

Môsê thương Dân mà Chúa đã trao cho ông lãnh đạo, bằng một tình yêu mà sau này được Thánh Phaolô mô phỏng từng nét (Rm 9: 3). Nghĩa là bất kể Dân ấy tội lỗi, xấu xa đến đâu, bất kể số phận Dân ấy có ra sao, ông vẫn một lòng gắn bó với họ, số phận họ trở thành số phận ông. Cho nên mặc dù ông hiểu rõ tầm mức nặng nề trong xúc phạm của họ, mặc dù ông biết họ từng nổi lên chống lại ông, gây cho ông thật nhiều ưu phiền, lo nghĩ, căng thẳng, mặc dù ông biết tru diệt Dân này quả là một nhẹ gánh đối với ông nhất là ông đã được Chúa đoan hứa sẽ biến gia đình ông thành một dân tộc mới, nhưng ông vẫn một lòng đứng về phía Dân bội bạc ấy mà cầu bầu cho họ ngay trong lúc cơn giận của Gia-vê còn đang bừng bừng. 


Lời cầu bầu ấy không những mang dáng dấp ‘xin’ mà còn ‘xỏ’ là đàng khác. Ông áp dụng mọi chiến thuật chiến lược ông nghĩ ra được để thuyết phục Thiên Chúa hay nói như bản dịch tiếng Việt của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: ‘để nét mặt Người dịu lại’, kể cả việc dùng người Ai Cập để nói khích Người. Thậm chí, còn mặc nhiên xếp Người vào hàng bất nhất: cứu đó để diệt đó, hứa đó rồi quên đó. Theo bản dịch nổi tiếng của Anh tức bản Vua James, ông còn dám cả gan mà nói với Gia-vê “Turn from thy fierce wrath and repent of this evil against thy people” (v.12) (Hãy từ bỏ cơn giận dữ dội của Ngài đi và hãy hối lỗi về tội ác chống lại dân của Ngài này). Các bản dịch Công Giáo không đặt những lời ‘hỗn xược’ như thế vào miệng Môsê, nhưng bản Jerusalem cũng đã viết như thế này: “Leave your burning wrath; relent and do not bring this disaster on your people” (Hãy bỏ cơn giận bừng bừng của Ngài đi; hãy nguôi giận đi và đừng giáng tai họa này trên dân Ngài). Phần lớn các nhà chú giải nói tiếng Anh ngày nay thích dùng động từ nguôi giận (relent) thay vì hối lỗi (repent). Dù sao, giọng cầu bầu của Môsê, xét thuần theo quan điểm phàm tục, vẫn có âm hưởng ‘xỏ’, khích, ra lệnh, không hoàn toàn chỉ có ‘xin’. May cho ông, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm trí con người, nên Người thấy rõ động lực thúc đẩy ông dám ‘cả gan’ như thế: ông quên cả lời Chúa hứa riêng cho bản thân ông mà đến sự an nguy của ông cũng như chính bản thân ông, ông cũng gác qua một bên (ông xin Chúa, nếu cần, hãy xóa tên ông khỏi sổ, xem 32:32), chỉ vì thương dân mà Chúa đã trao cho ông lãnh đạo. Thiên Chúa là tình yêu, tất nhiên Người phải ‘tâm đắc’ với con người này. Vả lại, như sẽ nhắc tới, Người rất biết ông rất yêu Người. Thế là Người nguôi giận và không tru diệt Dân Do Thái nữa.

Tình yêu của Môsê đối với Gia-vê cũng quan trọng đối với ông như tình yêu của ông đối với Dân, tất nhiên còn quan trọng hơn thế. Ông đã thấy Người cao cả, dũng mãnh như thế nào, ông đã thấy Người thánh thiện uy nghiêm đáng kính sợ dường bao, và nhất là Người yêu thương ông và dân ông biết đến chừng nào. Cho nên ông không thể làm ngơ sự xỉ nhục mà Dân đã tỏ ra với Gia-vê. Như trên đã nói, một tiếng đồng hồ sau khi chắc mẩm Thiên Chúa sẽ không làm gì để trừng phạt Dân, và sau khi tai nghe mắt thấy tội ác vô cùng nhơ nhuốc của dân, nhơ nhuốc đến độ “trở thành trò cười cho địch thủ” (câu 32:25), chính ông đã ra tay trừng phạt họ một cách không tiếc tay, có thể nói là sát phạt, là tàn sát, sau khi đã nổi cơn lôi đình dữ dội đến nỗi quên khuấy cả thực tại và đập bể cả hai tấm bia Thập Giới chứa đựng chính chữ viết của Thiên Chúa. Nhưng trừng phạt gì thì trừng phạt, ông vẫn tiếp tục yêu thương Dân, vẫn tiếp tục đóng vai người bầu cử cho họ.

Phản ánh trái tim của Chúa

Và ngày hôm sau, ông từ tốn nói với Dân: "Anh em đã phạm một tội lớn, nhưng giờ đây tôi sắp lên gặp Thiên Chúa; may ra tôi sẽ xin được Người xá tội cho anh em" (câu 32:32). Và lời cầu xin sau đó quả là một lời cầu bầu thật đẹp và thật cảm động. 

Trước nhất, ông thẳng thắn nhìn nhận tội lỗi gớm ghiếc của Dân: “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng!” Không một biện bạch. Tội là tội. Dĩ nhiên có thể có cám dỗ, và đã là cám dỗ thì có cám dỗ mạnh, cám dỗ yếu, đem lại giảm khinh nhiều hay giảm khinh ít, tùy theo hoàn cảnh phạm tội. Nhưng tội vẫn là tội. Về điểm này, White nhận xét: ung thư, dù có lý do giải thích, vẫn là ung thư, vẫn cứ giết người như thường. Tội lỗi cũng thế. Tội luôn luôn gớm ghiếc. Ta có thể xin khoan hồng, xin thương xót nhưng không phải trên cơ sở giảm khinh. Chúa biết rõ những trường hợp giảm khinh, nhưng bản chất gớm ghiếc của tội thì không thay đổi. Nên Môsê không hề biện giải, biện lý, biện minh, bào chữa.

Có điều ông không chỉ trích, không kết án. Ông chỉ trình bày sự kiện. Người cầu bầu xứng danh nào cũng thế: không kết án, nhưng cũng không nhắm mắt. Điều cần là làm sao tránh cho Dân khỏi trận hỏa hào. Ông biết rõ: Thiên Chúa thấy hết mọi sự và Người có quyền làm bất cứ điều gì Người muốn. Bởi thế, ông chỉ còn biết năn nỉ, khẩn khoản xin Chúa: “Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ!”.

Nhưng, những lời sau đây mới quả là lời cầu bầu của người bầu cử thực sự: “Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết”. Theo Cha Nguyễn Thế Thuấn, ông có ý nói tới sách ghi chép công việc người ta làm và vạch ra số mạng của họ mà Thánh Vịnh 69 gọi là sách sự sống (câu 29). Nghĩa là loại trừ ông khỏi thế giới nhân sinh, hay thế giới bằng hữu của Người vì Người vốn được xưng tụng là Chúa người sống. Môsê muốn sống chết với Dân của ông. Ông không muốn khởi sự một dân tộc mới. Ông không giải thích cảm nghĩ của mình. Nhưng ngày tận cùng của Israel cũng là ngày tận cùng của mọi sự đối với Môsê.

Lời cầu bầu của ông không có tính cường điệu như loại bi lạc kịch. Trên đường lên núi, hẳn ông có dịp suy nghĩ tới lời đề nghị trước đây của Chúa muốn biến ông thành khởi thủy của một dân tộc khác, và ông đã đi đến một thái độ dứt khóat. Chúa muốn làm chi thì làm. Nhưng số phận ông đã được gắn chặt với Dân mà ông đã lãnh đạo ra khỏi Ai Cập. Họ có thể tồi bại. Họ có thể tội lỗi đầy mình. Nhưng họ đã trở thành dân của Môsê cũng như đã trở thành dân của Chúa. Ông sẽ sống để lãnh đạo họ hay cùng chết với họ tại sa mạc hoang vu.

Sẽ tốt biết bao nếu càng ngày càng có nhiều Kitô hữu biết nhìn giáo hội của họ như Môsê. Dù không phải để chỉ trích, tất cả chúng ta nhiều khi phải thú nhận với Chúa và với chính bản thân mình rằng vì cuộc sống ham ố và vật chất nhãn tiền, ta không đáng được Chúa công minh thương xót. Mọi sự tùy thuộc thế đứng chúng ta chọn lựa. Giáo hội là “họ” hay Giáo hội là “ta”? Ta có quan tâm đủ để đâu lưng với họ nếu Chúa muốn giáng hình phạt? Ta có yêu thương họ bất chấp mọi điều ta nhìn thấy? Liệu họ có còn là dân Chúa và dân ta không?

Trên kia đã nhắc đến Thánh Phaolô. Trong thư gửi tín hữu Rôma, ngài viết: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng” (9:3). Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch câu này hơi khác: “Tôi đã ước nguyện xin làm hiến vật tách khỏi Đức Kitô vì anh em đồng chủng của tôi về phần xác”. Nhưng ngài đã chú giải rằng: Hiến vật (Hilạp: anathema) chỉ của dâng hiến cho Thiên Chúa, hoặc làm tế lễ, hoặc để bị hủy đi theo nghĩa Hipri : “kherem” vật để hủy đi tạ tội. Tóm lại cũng có nghĩa là bị loại bỏ, loại ra ngoài. Đó quả là chủ trương của truyền thống bầu cử chân chính. Không hề hàm nghĩa: con người mưu toan thách thức Thiên Chúa, cho bằng phản ánh chính trái tim của Người. Đấng đã chết vì tội lỗi nhân loại càng làm chân lý kia rõ nghĩa đối với chúng ta.

Nếu được nói lên cách thành thực, hẳn đó là lời cầu xin làm Thiên Chúa ưng ý. Ấy thế nhưng đó không bao giờ là lời cầu xin được Người đáp ứng. Câu trả lời của Người với Môsê chứng tỏ điều ấy: “Ai phạm tội chống lại Ta, Ta sẽ loại nó ra khỏi sách của Ta” (32:33).

Tuy nhiên, vấn đề chưa chấm dứt ở đây. Việc được sống ngay trước nhan Thiên Chúa cần phải được giải quyết cho Israel. Họ còn phải tiến về Canaan. Trước đó, Chúa có phán: “Nhưng Ta sẽ không đi với các ngươi, kẻo giữa đường Ta sẽ tiêu hủy các ngươi, vì các ngươi vốn là dân cứng cổ” (Xh 33:3). Họ được lệnh phải gỡ bỏ mọi đồ trang sức để tỏ lòng ăn năn. Còn Môsê thì dựng một chiếc lều bên ngoài lối cổng chính của khu tạm cư (chưa phải là Nha Tạm). Ông gọi nó là Lều Hiện Diện (hội ngộ). Một nghi thức long trọng đã được triển khai. Dân đứng tại chỗ, còn Môsê thì ra ngoài tiến về hướng Lều. Cột Mây xà xuống trên Lều khi Môsê bước vào. Chúa không còn ở giữa Dân của Người nữa. Khi thấy cột mây xà xuống, toàn dân Israel úp mặt xuống đất.

Đối với Mosê, đấy quả là một đặc ân và vinh quang lớn lao. “Thiên Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (33:11). Ấy thế nhưng ông đâu có hài lòng. Đối với đa số chúng ta, được như thế là quá đủ rồi. Được thân mật cận kề bên Thiên Chúa như Môsê còn muốn gì nữa, việc người khác không được hưởng như thế, đâu có ăn uống gì tới mình. Nhưng đó lại là điều hết sức quan trọng đối với Môsê. Ông không những xin Chúa thương xót Dân, mà còn muốn xin Người hiện diện với Dân nữa, như đã hiện diện thân mật với ông. Do đó, ông thưa với Chúa: “Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài... Nhưng làm thế nào biết được là con và dân của Ngài được nghĩa với Ngài? Há chẳng phải vì có Ngài đi với chúng con sao? Như thế, con và dân của Ngài mới khác với mọi dân trên mặt đất." (33:13, 16).

Ước chi ngày nay, chúng ta cũng khẩn cầu như thế cho Giáo Hội. Xem ra, nhiều lúc như Chúa không còn hiện diện trong Giáo Hội. Vì ta đã đi tôn thờ nhiều loại bò vàng tân thời của giầu sang, danh vọng, tiếng thơm, bằng cấp, địa vị hay quyền lực chính trị. Thành công của ta dường như không được coi là sản phẩm của Chúa Thánh Thần nữa mà duy nhất do công khó, do tài kỹ thuật của mình. Thế giới dễ hiểu được việc ta đã thành công ra sao. Ta có máy móc và biết sử dụng chúng. Chả cần phải lấy yếu tố siêu nhiên để giải thích các thành tựu ấy. Có ai còn cần tới Chúa nữa đâu? Người Đấng tượng trưng, là bảng hiệu (logo) của ta. Hình của Người được treo danh dự trong phòng họp hội đồng quản trị. Nhưng Người chỉ là chủ tịch đã về hưu; và không như dân Do Thái, ta không thấy nhớ tiếc gì Người.

Chúa đã đáp ứng lời cầu xin của Môsê. Người đáp ứng vì chính Người đã dạy Môsê cầu xin như thế. Chúa đáp ứng lời cầu xin mà Người hằng muốn nghe từ lâu. Người tiếp tục hiện diện với Dân và cùng đi với họ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét