TẤT NIÊN VÀ TÂN NIÊN
WGPSG -- Tất niên và tân niên là hai sự kiện quan trọng của một năm 365 ngày: những ngày cuối năm và những ngày đầu năm. Tuy nhiên, nếu như không có con người thì đó cũng chỉ là những sự kiện tất yếu của dòng chảy thời gian. Vì có con người nên mới có sự kiện tất niên và tân niên. Vậy thì, con người thường nghĩ gì, làm gì vào dịp tất niên và tân niên? Đâu là những ý nghĩa của hai sự kiện tất niên và tân niên mà người người, nhà nhà thường tổ chức hai sự kiện quan trọng này? Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta có hai góc nhìn: góc nhìn từ những người không tôn giáo và góc nhìn từ những người Kitô hữu chúng ta.
Trước tiên, những người không tôn giáo, người vô thần, lương dân thường làm gì vào dịp tất niên và tân niên? Đối với những người sống ở thành phố, tất niên là dịp để người ta tổ chức tiệc mừng, văn nghệ, để tổng kết, nhìn lại một năm đã qua. Các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, công ty trong khắp thành phố thường tổ chức sự kiện tất niên để tổng kết doanh thu, rồi phát thưởng cuối năm cho các nhân viên phục vụ. Vì vậy, người ta thường gặp gỡ nhau trong dịp tất niên, để giao lưu, tổng kết, ăn uống, hát hò, và trao cho nhau những món quà … Khi tổ chức sự kiện tất niên, người ta không biết trong một năm qua mình thành công hay thất bại, nhưng trước mắt là họ mong muốn có được niềm vui qua những ly rượu, ly bia, những cái bắt tay, những lời hỏi thăm, và những bài hát văn nghệ. Điều này cho thấy, đã là con người thì ai cũng cần có niềm vui, cần có những mối quan hệ giao tiếp. Tất niên là như thế và tân niên thì cũng tương tự như vậy. Những người thành phố thường trưng bày cây kiểng trong nhà, thường tổ chức những chuyến du lịch xa như Nha Trang, Đà Lạt hay Vũng Tàu nhân dịp năm mới. Não trạng của những người ngoại đạo thành thị thường ước mong sự may mắn, thành đạt, vạn sự như ý, sức khỏe, và hạnh phúc trong cuộc sống và trong công việc. Vì thế, người ta thường trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp với những điều ước muốn như thế.
Tiếp đến, đối với những người ngoại đạo, không tôn giáo ở các miền quê thì sao? Có lẽ, họ không tổ chức tất niên linh đình, hoành tráng như những người thành phố. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, họ cũng tranh thủ chuẩn bị bán lúa, để có tiền đi chợ tết. Họ cũng có những bữa cơm với những món ăn đạm bạc nhà quê, với những ly rượu đế, và những tiết mục hát Karaokê cây nhà lá vườn. Quả thật, nếu đã là con người cho dù có sống ở thành phố hay nông thôn, thì ai cũng có nhu cầu gặp gỡ, thư giãn, giải trí, để chia sẻ niềm vui, và tình thương. Những ngày tân niên, người ta thường đến nhà những người bà con, thân quen, để dùng một ly trà, bánh mứt, những ly rượu, ly bia, những bữa cơm với dưa cải, thịt kho tàu… và chúc nhau những lời tốt đẹp nhân dịp năm mới. Vì vậy, tân niên cũng là một ngày hội ngộ của niềm vui đối với những người không phải là Kitô hữu. Bầu khí những ngày cuối năm và đầu năm ở miền quê thật vui tươi với những tiếng nhạc xuân vang lên từ nhiều gia đình trong khắp thôn xóm.
Cuối cùng, những người Kitô hữu chúng ta thường làm gì vào dịp tất niên và tân niên? Nhiều giáo xứ thường tổ chức chương trình văn nghệ tất niên cho mọi người. Buổi văn nghệ này là dịp để bà con bổn đạo, các em thiếu nhi, giới trẻ gặp gỡ nhau và trao cho nhau niềm vui qua những tiết mục hát, múa, biểu diễn thời trang, những tràng pháo tay cổ vũ tinh thần. Điều này thật ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, bởi vì Chúa là niềm vui, Chúa là tình yêu. Vì vậy, người Kitô hữu chúng ta cần mang Chúa là niềm vui đến cho những người anh em chúng ta. Đặc biệt hơn nữa, những ngày cuối năm, nhiều giáo xứ tổ chức thánh lễ ở đất thánh, để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn của những người thân trong gia đình đã qua đời. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, và nuôi nấng chúng ta nên người. Vì vậy, trong thánh lễ này, người ta thường thắp những nén nhang, cắm những cành bông huệ, bông vạn thọ lên mộ những người thân của mình. Những nghĩa cử như thế là những nét đẹp Tin mừng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, thánh lễ cuối năm tại đất thánh, hay thánh lễ giao thừa ở nhiều xứ đạo, là dịp để chúng ta hướng về nhau và hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của sự sống, và hạnh phúc vĩnh cửu cho cuộc đời mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Hơn thế nữa, lòng hiếu thảo đối với Chúa và đối với ông bà cha mẹ của người Kitô hữu chúng ta còn thể hiện vào những ngày đầu năm. Ngày Mồng Một Tết, ngày hội ngộ của vui tươi của bà con giáo dân trong thánh lễ đầu năm mới. Chúng ta hái lộc đầu năm, với những câu Lời Chúa, mà nhiều người tin rằng đó những lời Chúa muốn nói với mình trong suốt năm mới này. Chúng ta mừng tuổi Chúa, mừng tuổi cha sở, và mừng tuổi nhau. Các em thiếu nhi mong được người lớn lì xì đầu năm mới. Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn ông bà cha mẹ nhân dịp năm mới. Ngày Mồng Ba Tết, thường được gọi là Thánh lễ cầu mùa, với ý nghĩa: chúng ta cầu xin Chúa ban cho công việc mua bán, học hành, kinh doanh, trồng trọt, mùa màng của chúng ta được phát triển tốt đẹp. Những ngày tân niên như thế thật sự đã đi sâu vào tâm thức và não trạng của những người Kitô hữu chúng ta. Thiết nghĩ, đó chính là những ý nghĩa thắm đượm chất men Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Tựu trung lại, tất niên và tân niên là những ngày vui tươi, yêu thương, và thật ý nghĩa đối với mọi người: người có đạo và cũng như những người không Công giáo. Ước mong sao, con người hôm nay sẽ có được nhiều niềm vui, nhiều mối quan hệ yêu thương tốt đẹp nhân dịp tất niên và tân niên. Ước mong sao, tất niên và tân niên không chỉ dừng lại ở những niềm vui bên ngoài như ăn uống, văn nghệ, mà còn hướng đến Thiên Chúa là niềm vui, là hạnh phúc lâu bền cho người Kitô hữu chúng ta, và cho tất cả mọi người.
Nguồn: tonggiaophansaigon.com
Chuyện “Tất Niên”
Tất niên như chuyện tất nhiên
Kẻ cười, người khóc, kẻ buồn, người vui
Cả năm vất vả nhiều rồi
Cuối năm vẫn thấy ngậm ngùi lo toan!
Kẻ cười, người khóc, kẻ buồn, người vui
Cả năm vất vả nhiều rồi
Cuối năm vẫn thấy ngậm ngùi lo toan!
Thời gian thấm thoắt, một năm nữa lại qua mau, chẳng còn bao ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Và người ta lại rục rịch lo việc tất niên. Vâng, chuyện tất niên là chuyện… tất nhiên!
TẤT NIÊN ĐỜI THƯỜNG
Tất niên là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Tất niên có thể là một bữa tiệc Tất niên, liên hoan cuối năm, để bước sang năm mới và là một phần trong nghi thức Tết diễn ra vào những ngày cuối năm âm lịch – đặc biệt là chiều tối ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ), hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên.
Tất niên là lúc mọi người quây quần bên nhau và cùng thưởng thức những món ăn ngon và cùng chào đón năm mới. Đêm giao thừa còn gọi là “đêm trừ tịch”là một phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam, nó mang nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Thế nhưng, càng ngày nét đẹp tất niên càng bị biến dạng!
Tất niên là kết thúc một năm. Phàm cái gì có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Các tổ chức, công ty, hội đoàn,… cũng luôn tổ chức buổi tất niên để báo cáo hoặc tường trình với cấp trên về mọi ưu khuyết điểm để “rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, phần báo cáo và rút kinh nghiệm thường “bị” coi là phần phụ, tiệc tùng và quà cáp mới là phần chính!
Phong hoa, phong tục, phong thư
Người ta thích nhất “phong bì” mà thôi
Người ta thích nhất “phong bì” mà thôi
Chuyện ăn nhậu ngày nay trở thành “truyền thống”, không biết có phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” hay không. Tiệc tùng đủ kiểu, ăn uống thì ít mà “dzô dzô” thì nhiều, người ta còn có kiểu nói “văn hoa” là “mẹ bồng con” – tức là “uống ly bia kèm ly rượu”.
Uống ở bàn mình chưa “đã”, ngồi chưa đầy 5 phút đã xách ly đi “giao lưu”, “chúc sức khỏe” hoặc “gây chiến” ở bàn khác, với đủ lý do để “dzô”. Ta lôi kéo người rồi người lại lôi kéo ta, không say không về, mà say rồi thì… hết về. Thấm hơi men rồi thì tâng bốc nhau lên tận mây xanh, và cũng không loại trừ “khẩu chiến” hoặc “ẩu đả”, thậm chí có thể xảy ra án mạng như chơi! Tết nhất mà, “dzô” cho nhiều, “vào” cho lắm, thế mới là Tết!
Rượu có thể là tốt nếu biết tự kiềm chế và liệu sức mình, nhưng rượu cũng là “độc dược” nếu lạm dụng nó. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, thấy quan tài rồi thì hối hận đã muộn. Uống hết nổi mà có “đệ tử Lưu Linh” vẫn cố bịt mũi, bặm môi, rồi khè như rắn hổ mang, và thế mới là… yêng hùng! Có chàng “cho chó ăn chè” xong lại “dzô” tiếp, rồi nói tiếng “Đan Mạch” như Tây nói chuyện.
Rượu vào, lời ra. Đó là… tất nhiên, và thế mới là… tất niên. Hết chuyện Đông sang chuyện Tây, hết chuyện nhà ra chuyện người. Lạ thay cái “văn hóa… nhậu”! Từ ngày ông Táo về Trời dâng sớ tâu Ngọc Hoàng về thế sự thì tiệc tất niên bắt đầu lên “cao trào”, người ta đua nhau làm tiệc tất niên.
Theo tục lệ, ngày 23 tháng Chạp hằng năm, thời điểm cuối năm, người ta cúng ông Táo – hoặc ông Công. Ông Táo là “thần bếp”, là “chuyên gia lửa củi”, nhưng ông lại được coi là vị thần. Không chỉ vậy, ông còn có trọng trách là báo cáo cho Ngọc Hoàng biết rõ mọi chuyện, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã xảy ra dưới trần gian trong năm qua.
Ông Táo phải chuẩn bị một tờ sớ, gọi là Sớ Táo Quân, ghi đủ các sự kiện trần gian, rồi đúng hẹn ông khăn gói về trời bằng cách cưỡi cá chép trực chỉ Thiên giới từ sáng sớm. Nếu ngày nay ông Táo về trời thì chắc hẳn ông không thèm đi máy bay mà phải đi phi thuyền con thoi cho… “oai”, để các tiên nữ và thiên nhân trên Thiên giới “lé mắt” chơi. Vậy mới “xứng mặt” Táo Quân!
TẤT NIÊN TÂM LINH
Đời sống người Công giáo cũng có “chuyện tất niên”. Không chỉ tất niên bình thường vào dịp cuối năm mà còn rất nhiều dạng “tất niên” khác để báo cáo, cả chung và riêng.
Xa nhất là “tất niên” cuộc đời, tức là khi chúng ta từ giã cõi đời để ra trước mặt Chúa và chịu phán xét. Đó là TẤT NIÊN CUỘC ĐỜI, là cuộc cánh chung của đời mình. Bài “sớ cuộc đời” không được viết ra nhưng tất cả đã được Chúa “thu âm” và “ghi hình” đầy đủ, không thiếu và không thừa một dấu chấm hoặc dấu phết nào, nghĩa là chúng ta không thể biện minh hoặc chối cãi: Mỗi lần chúng ta LÀM hoặc KHÔNG LÀM điều gì cho một trong những người bé nhỏ nhất là chúng ta đã làm hoặc không làm cho chính Chúa (x. Mt 25:31-46).
Gần hơn là việc xưng tội hằng tháng hoặc các dịp đặc biệt (lễ, tết, thêm sức, kết hôn, khấn dòng, chịu chức,…). Mỗi lần xưng tội là mỗi lần chúng ta chịu phán xét, người biện hộ duy nhất là “luật sư lương tâm”, nhưng thường thì vị luật sư lương tâm chân chính sẽ kết tội chúng ta, vì thế chúng ta mới “tâm phục, khẩu phục” mà chịu ăn năn sám hối. Đó là TẤT NIÊN GIAI ĐOẠN.
Gần nhất là mỗi đêm, trước khi đi ngủ, chúng ta tự đặt mình trước “thẩm phán công minh” là Thiên Chúa mà tự phán xét mình về những động thái, ngôn ngữ và cử chỉ của mình trong ngày. Đó là TẤT NIÊN THƯỜNG NHẬT. Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, Ngài chỉ chờ chúng ta thân thưa: “Xin xót thương con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), rồi van nài tiếp: “Xin thương dẫn con về, xin đừng hận con nữa” (Tv 84:5).
Cái gì TỐT thì luôn ĐẸP, nhưng cái gì ĐẸP thì chưa hẳn là TỐT. Thói quen tạo nên truyền thống, mà thói quen cũng có cái tốt đẹp và cái không tốt đẹp, tức là tục lệ hoặc hủ tục. Tuy nhiên, đôi khi cái truyền thống của dân tộc này là tốt với họ, mà lại có thể là xấu với dân tộc khác. Ví dụ: Tục lệ “vỗ béo” các cô gái ở Mauritania (Tây Phi), ai mập là đẹp và ai “có bụng” là hấp dẫn. Vì vậy, các cô gái trẻ áp dụng chế độ ăn uống tới 16.000 calo/ngày – gấp 4 lần tiêu chuẩn ăn uống của một người đàn ông lực lưỡng – để chuẩn bị hôn nhân. Càng béo càng đẹp, nghĩa là càng có cơ hội “lên xe hoa”. Với họ là tục lệ, là truyền thống, nhưng với các dân tộc khác lại là hủ tục. Một nghịch lý tất yếu!
Về truyền thống cũng nên lưu tâm: “Đừng dựa vào truyền thống mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (x. Mt 15:3) và “đừng vì kính mến Chúa mà chống đối kẻ khác” (Châm ngôn Pháp). Ai cũng nói mình khôn, nhưng ai khôn hay dại thì “hạ hồi phân giải”, hãy nghe Kinh thánh phân tích: “Kẻ ngu si không kìm được giận dữ, người khôn khéo biết nén nhục nuốt sầu” (Cn 12:16).
Cuối cùng, TẤT NIÊN CUỘC ĐỜI là quan trọng nhất. Lúc đó, “các tầng trời tuyên bố Chúa công minh, vì chính Người sẽ đứng ra xét xử” (Tv 50:6), “chiên” và “dê” được phân định rạch ròi, chỉ có “ai sống đời hoàn hảo mới được Chúa cho hưởng ơn cứu độ” (x. Tv 50:23), thậm chí “kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16).
Quả thật, TẤT NIÊN CUỘC ĐỜI thực sự “đáng sợ” và cực kỳ quan trọng đối với mọi người, không trừ ai! Chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13:33).
Lạy Thiên Chúa, khi dự tất niên đời thường, chúng con nghĩ đến buổi “tất niên cuộc đời” của chúng con. Xin giúp chúng con biết chuẩn bị chu đáo cho các buổi “tất niên” trong cuộc đời của chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét