[Cẩm nang hỏi đáp Triết học] Triết học và những ngành khoa học khác
Các triết gia thuộc các lĩnh vực khác của triết học có hợp tác và hòa hợp với nhau không?
Sau chủ nghĩa hậu hiện đại, nhiều phân ngành triết học có sự phân tách bên trong chính chúng, [nhất là] khi triết học lục địa (Pháp và Đức) quan tâm, giới thiệu các trào lưu triết học mới như triết học hiện sinh, triết học hiện tượng (hiện tượng luận), và phương pháp giải cấu trúc (deconstruction). Các triết gia hàn lâm (acedemic philosophers) trở nên thành trì trong chính những cuộc chiến trong văn hóa của mình. Những triết gia duy nghiệm và những triết gia theo những ngành chính vừa bảo vệ phương pháp truyền thống của họ vừa thiết lập những quy tắc tiếp cận phản đối lại những xu hướng vốn quá tập trung vào sự hiện hữu của con người, kinh nghiệm của con người, và chủ trương phê bình văn hóa.
Câu 10: Triết học có dẫn đến những ngành khoa học khác không?
Không, mãi cho đến cuối thế kỷ 17, khoa học vật lý được gọi là “Triết Học Tự Nhiên”; mãi cho đến thế kỷ 19, chưa có ngành khoa học xã hội, và công việc của ngành này được thực hiện trong triết học.
Câu 11: Đâu là sự khác biệt giữa thực hành triết học và chủ đề triết học?
Bên cạnh việc là một hoạt động, triết học còn là một lĩnh vực nghiên cứu giống như tâm lý học, lịch sử, sinh học hay văn chương. Khi triết học được nghiên cứu như là một môn học, thì phạm vi triết sử được các triết gia trong quá khứ viết nhiều hơn cả. Từ đầu thế kỷ 21, triết học chủ yếu là một nguyên lý học thuật vốn được phân nhánh thành những chuyên ngành và những ngành phụ thuộc khác. Nhưng việc thực hành, hoạt động của các triết gia thuộc về hàn lâm bao gồm việc giảng dạy trong đại học và viết những bài viết nghiên cứu. Đó là những đóng góp và bổ sung cho lĩnh vực triết học như là một thân thể của tri thức vốn có thể được nghiên cứu.
Câu 12: Triết học liên quan đến những lĩnh vực khác như thế nào?
Ngày nay, triết học là một môn học của khoa học nhân văn trong chương trình giảng dạy của đại học. Mục đích nguyên thủy của nó là để nghiên cứu và phát triển những tập quán có tính hệ thống của tư tưởng vốn làm cho sinh viên có khả năng nhận diện và đánh giá những chọn lựa trong cuộc sống của chính họ, và hiểu biết xã hội mà họ đang sống. Bởi vì có quá nhiều triết lý tập trung vào các lý tưởng, niềm tin, và giá trị nên thật khá dễ dàng để liên hệ đến văn chương và những tác phẩm trong sự phê bình và phân tích văn hóa đương đại trong những lĩnh vực khác. Đến cuối thế kỷ 20, các triết gia bắt đầu áp dụng tác phẩm của triết học vào những lĩnh vực khác, ví dụ như trong đạo đức y học và đạo đức kinh doanh. Tính thực tế của triết học cũng gia tăng khi những triết gia nhấn mạnh thuyết nữ quyền, những vấn đề môi sinh, và những vấn đề về công bằng xã hội vào trong chương trình giảng dạy của họ.
Câu 13: Liệu rằng nghiên cứu của một số ngành khoa học có bắt nguồn từ triết học không?
Có. Mãi đến cuối thế kỳ 17, các ngành khoa học vật lý vẫn được gọi là “Triết Học Tự Nhiên,” và mãi đến thế kỷ 19 vẫn chưa có ngành khoa học xã hội. Công trình của khoa học xã hội được thực hiện dưới danh nghĩa của triết học. Nhiều ngành khoa học có nguồn gốc trong những tranh luận triết học. Khoa học Tây Phương bắt đầu với thời kỳ Tiền Socrates vào thế kỷ thứ VII TCN. Các triết gia Tiền Socrates là những người Tây Phương đầu tiên được lịch sử ghi nhận đã suy nghĩ về thế giới bằng việc sử dụng lý trí thay cho thần thoại [nghĩa là, họ cố gắng giải thích thế giới từ quan điểm của lý lẽ chứ không dựa trên các thần thần thoại nữa]. Rất lâu sau, khoa học Tây Phương mới có được sự phát triển lớn mạnh từ thời Isaac Newton (1643–1727). Ông đã thực hiện điều mà trước đó được gọi là “triết học tự nhiên” và khẳng định nó cho đến ngày nay được gọi là “vật lý học.”
Hóa học cũng có khởi đầu ngang qua câu hỏi triết học của người cùng thời với Newton là Robert Boyle (1627-1691). Đầu thế kỷ XX, triết gia William James (1842–1910) đã sáng lập ra ngành tâm lý học. Và giữa thế kỷ XX, Noam Chomsky (1928–) đã kết hợp giữa triết học và ngôn ngữ học để hình thành nên một ngành khoa học mới là khoa học nhận thức.
Nguồn gốc các ngành khoa học xã hội cũng tương tự như vậy: những lý tưởng về chính quyền và các hình thái về chính quyền – những chủ đề mà ngày nay thuộc về khoa học chính trị – được đưa ra đầu tiên bởi các triết gia như Plato (428–348 TCN), Aristotle (384–322 TCN), Thomas Aquinas (1225–1274), Thomas Hobbes (1588–1679), John Locke (1632–1704), và John Stuart Mill (1806–1873). Karl Marx (1818–1883) là người được cho là đã đặt nền móng cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra ông đã sửa đổi những tư tưởng của triết gia Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770–1831).
Sử gia hệ thống đầu tiên là một triết gia, Giovanni Battista (Giambattista) Vico (cũng gọi là Vigo; 1668–1744). Và như là một nhà xã hội học đầu tiên, đó là triết gia theo trường phái thực chứng Auguste Comte (tên đầy đủ, Isidore Marie Auguste François Xavier Comte; 1798–1857). Và triết gia Immanuel Kant (1724–1804) cũng thường được xem như người sáng lập ra ngành nhân chủng học.
Trong thế kỷ 20, những trào lưu xã hội đã nhận được nhiều gợi hứng giá trị từ tác phẩm của các triết gia: chẳng hạn, phong trào nữ quyền bắt nguồn từ Simone de Beauvoir (1908–1986), phong trào đòi quyền công dân bắt nguồn từ W.E.B. Du Bois (1868–1963), phong trào bảo vệ động vật bắt nguồn từ Peter Singer (1946–), và phong trào bảo vệ môi trường bắt nguồn từ Arne Naess (1912–2009) là người đã đưa ra thuật ngữ “sinh thái học sâu sắc” (deep ecology).
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy PhilosOphy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 5-7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét