Câu hỏi 51. Ai được, ai không được lên thiên đàng?
Không ai sở hữu thiên đàng và cũng không ai tự mình lên thiên đàng. Thiên đàng là một quà tặng hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa yêu thương trao tặng cho con người. Chính cá nhân mỗi người, trong sự tự do và ý thức, có thể đón nhận hay từ khước món quà này. Trong khi không ai xứng đáng được lên thiên đàng, thì nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, mọi người đều có thể và có cơ hội lên thiên đàng.
Theo ngôn ngữ thần học, vì tội của Adam và Eva (tội nguyên tổ), bản tính con người đã bị tổn thương và sa ngã. Con người cần ân sủng Thiên Chúa thánh hoá. Ân sủng này là sự trợ giúp siêu nhiên thần linh, thánh hoá và cứu chuộc con người nhờ công nghiệp và hy tế thập giá nơi cái chết của Đức Ki-tô. Chỉ có bí tích Rửa Tội mới trao ban ân sủng đặc biệt này; không có ân sủng này, linh hồn không thể lên thiên đàng. Đức Giêsu chết cho hết thảy mọi người (thánh Augustine gọi túc sủng), nhưng ân sủng này chỉ phát sinh hiệu quả cho những ai tự do đón nhận và hợp tác (hiệu sủng). Đức Giê-su cứu chuộc bản tính con người bằng cách làm cho ơn cứu độ trở nên khả thi, nhưng ơn cứu độ chỉ diễn ra vào thời điểm khi một người được lên thiên đàng. Đó là lý do tại sao người Kitô hữu không gọi bất cứ ai còn sống nào là “được cứu độ”, vì chỉ các thánh ở trên thiên đàng mới thực sự được cứu độ (nghĩa là, họ được ở trên thiên đàng và sẽ ở đó mãi mãi). Các Kitô hữu nói họ được “cứu chuộc” vì tất cả mọi người đã được cứu chuộc nhờ hy tế thập giá của Đức Kitô.
Thử hình dung theo cách này. Ném sợi dây cứu hộ cho một người sắp chết đuối là cứu chuộc. Bây giờ anh ta có thể được cứu. Nếu không có sợi dây, anh ta sẽ chết chìm. Cứu độ là đưa anh ta ra khỏi mặt nước và đem lên trên thuyền. Chỉ những ai ở trên thiên đàng mới được cứu độ, còn chúng ta ở trên dương thế, dù đã được cứu chuộc, chúng ta vẫn phải chờ đợi ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô vào ngày chúng ta qua đời.
Nếu phép rửa là cần thiết và Đức Kitô là con đường duy nhất để đạt đến ơn cứu độ, thì phải chăng chỉ các Kitô hữu mới được lên Thiên đàng? Không. Bất cứ ai không vì lỗi của họ, không khước từ Đức Kitô và Giáo Hội của Người một cách ý thức và có chủ ý, thì không có lỗi, vì Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta vì những điều chúng ta không chịu trách nhiệm. Ngoài phép rửa bằng nước, còn có phép rửa bằng máu và bằng ước muốn. Nếu không vì lỗi của họ mà một người không nhận biết và tin vào Đức Kitô như là con đường cứu độ duy nhất, hay nhận biết và tin rằng Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội để hoàn thành sứ mạng cứu độ các linh hồn, thì việc không nhận ra chân lý đó không tước đi phần thưởng thiên đàng của họ. Họ sẽ được phán xét dựa trên đời sống luân lý mà họ đã sống trong cuộc đời dương thế. Khi theo một niềm tin nào đó, họ sẽ bị phán xét theo điều họ đã làm hay đã không làm dựa trên niềm tin đó.
Giáo Hội Công Giáo kết án và tuyệt thông những ai nói rằng chỉ những thành viên chính thức của Giáo Hội (được rửa tội và ghi danh trong một giáo xứ) mới được ơn cứu độ. Cách hiểu đúng về châm ngôn extra ecclesia nulla salus (ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ) được giải thích ở câu hỏi 243. Vì Giáo Hội tin vào ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa – nghĩa là Thiên Chúa ban ơn cứu độ (túc sủng) cho tất cả mọi người mặc dầu ơn cứu độ chỉ trở nên hữu hiệu cho những ai đón nhận và hợp tác với ân sủng đó – Giáo Hội cũng dạy rằng nhiều người không Công Giáo hoặc không phải là Kitô giáo vẫn sẽ được cứu độ một cách mặc nhiên. Họ được coi là những Kitô hữu vô danh (“anonymous” Catholic Christians). Những người Do thái kính sợ Thiên Chúa, người Hồi giáo, Hindu, Lão giáo, Phật giáo và những người thuộc mọi tín ngưỡng không nhận biết rằng Đức Kitô và Giáo Hội của Người là cần thiết cho ơn cứu độ, và do đó, không cố ý từ chối Đức Kitô và Giáo Hội của Người, thì không bị phạt vì điều họ không biết. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo không dạy rằng những người Tin Lành, Do Thái, Hồi Giáo và các tín hữu không Công Giáo khác phải sa hoả ngục đơn giản chỉ vì họ không phải là Công Giáo. Nguyên nhân khiến ai đó không phải là Công Giáo mới quan trọng. Hầu hết mọi người không phải là Công Giáo vì họ không được sinh ra trong Công Giáo hay bởi vì không ai dạy họ. Hầu hết những người chọn không theo đạo Công Giáo, quyết định của họ dựa trên điều họ nghĩ, phỏng đoán hay được nói cho biết điều đạo Công Giáo dạy và làm. Giáo lý và kỷ luật chân thật không được giải thích thỏa đáng cho họ. Một vài người quyết định dựa trên cảm xúc và kinh nghiệm. Vì thế, gương xấu của các tín hữu Công Giáo từ giáo sĩ đến giáo dân – hoặc là láng giềng, bà con, bạn học, hay đồng nghiệp, tất tả là những hình ảnh méo mó về Giáo Hội Công Giáo (như những kết án người Công Giáo thờ Đức Maria, hay mại thánh, mua các linh hồn ra khỏi luyện ngục) – tất cả tô vẽ cho nhận thức sai lầm này.
Điều người ta từ chối là điều họ hiểu, nhưng ơn cứu độ của chúng ta phụ thuộc niềm tin chân thực và đúng đắn. Nếu nhận thức của chúng ta không rõ ràng, hoặc sai lệch, méo mó hay thậm chí mù quáng, thì đó không phải là lỗi của chúng ta. Chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho điều nằm ngoài tầm kiềm soát của mình. Thế nên, ai cũng có khả năng và tiềm năng lên thiêng đàng, miễn là họ chân thành tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa; và rõ ràng là, một phần trong ý muốn của Thiên Chúa là sai Con của Người, Đức Giêsu Kitô, và ý muốn của Đức Giêsu Kitô là thiết lập Giáo Hội và bảy bí tích do Giáo Hội cử hành.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 73-75.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét