Hướng về Giáo Hội thế kỷ 21
Bernard Haering, CSsR.
Bài viết của Bernard Haering đăng trong Tạp chí mục vụ The Furrow, A Pastoral Monthly, Dublin 1990, trang 139-146, với tựa đề: A Vision of the Church for the 21st Century. Cha Haring là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đã từng làm giáo sư thần học luân lý lâu năm tại Đại học Alphonsianum, Roma. Ngài là tác giả bộ sách Lề Luật Đức Kytô (La Loi du Christ/The law of Christ), và nhiều tác phẩm khác mở hướng tiên phong trong lãnh vực thần học luân lý.
Thái Độ Tin Tưởng
Thưa bạn đọc,
Xin đừng tưởng rằng đứng ở chặng cuối một đời ngổn ngang đủ thứ kinh nghiệm, tôi vẫn còn giữ cái thói lạc quan ngây thơ. Không, tôi không sợ nhìn thẳng vào những góc cạnh khó coi nhất của giáo hội. Thí dụ: tôi nhận thấy rằng chúng ta đang tiến dần tới đỉnh cao của thái độ “cha chú tập thể bệnh hoạn” đã kéo dài hàng thế kỷ nay. Ít nhiều ai trong chúng ta cũng đều mắc bệnh này, nhưng nặng nhất là hàng giáo sĩ cấp trung và cấp cao là những người hãy còn đặt cả “lòng tin” vào nơi những chức cao tước quý cùng những hư danh khoe trương đắc thắng trái ngược hẳn với tinh thần Lời Chúa; là những người hãy còn giữ đầu óc trọng nam khinh nữ trong giáo hội, mới chỉ nghĩ tới việc thiếu nữ giúp lễ là đã phát hoảng lên; là những người đùng đùng phẫn uất khi nghe nói tới thần học nữ quyền, nghĩa là phản ứng giống hệt như là đối với thần học giải phóng; họ thù ghét hình thức đa dạng trong triết học và thần học cũng như trong thể chế của giáo hội, coi đó như là một mối đe dọa lớn đối với thái độ cha chú và nhu cầu yên thân bệnh hoạn của họ.
Cứ yên tâm đi: tôi đâu có mù để không thấy được vấn đề nêu trên đây, và cả thái độ chỉ một mực “nghĩ đến quyền thế” nữa: thái độ tham quyền cố vị còn sót lại từ những thời sóng gió xưa kia, khi mà các giáo hoàng, giám mục và cả đến những đan viện cũng sống trong nhung lụa đặc ân đặc quyền, rồi cấu kết với “quyền bính thế tục trần gian” mà cạnh tranh đối địch nhau.
Dù vậy, viễn ảnh đầy hy vọng của tôi dựa trên những nền tảng vững bền hơn và thuộc một lãnh vực khác, lãnh vực thiêng liêng. Tôi tin vào Phúc âm của Đức Kytô. Tôi đặt tin tưởng ở nơi lời Ngài hứa, và ở nơi sức mạnh vừa giải thoát vừa chữa lành của Thánh Linh. Niềm hy vọng của tôi lại còn được củng cố nhờ kinh nghiệm công đồng chung Vatican II, nhờ kinh nghiệm rút ra từ nhiều cuộc hội họp đại kết Kytô mà tôi có dịp tham dự, và nhờ tình bạn tôi có được với nhiều vị giám mục, linh mục, tu sĩ rất đáng phục, cũng như nhờ thấy được nhiều hình thức ơn gọi mới ở giữa giới giáo dân thuộc mọi giáo hội khác nhau. Tuy nhiên, nếu tôi mạnh dạn đề ra sau đây một viễn ảnh đầy hứa hẹn về giáo hội trong thế kỷ 21, thì hơn hết là để tuyên xưng ra niềm tin cũng như niềm tín thác của tôi đối với lời Thiên Chúa hứa.
Một Giáo Hội Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể
Tôi tha thiết tin vào lời di chúc của Đức Giêsu Kytô trối lại cho chúng ta bí tích Thánh Thể làm dấu chỉ lớn lao nhất của tình thương và lòng trung thành muôn đời tồn tại của Ngài, và làm món quà gửi đến tất cả mọi tín hữu (“Mời tất cả anh chị em cầm lấy mà ăn”). Vì thế tôi mới dám hy vọng và phải hy vọng rằng trong một tương lai không còn xa, tất cả mọi cộng đoàn tín hữu kytô, cách riêng là tín hữu công giáo, sẽ có đủ thừa tác viên Thánh Thể để tất cả mọi tín hữu bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể tham dự nghi lễ Thánh Thể tưởng niệm Chúa. Và những truyền thống loài người dù quý giá đến mấy đi nữa trong quá khứ, cũng không còn ngăn cản được việc thực thi lời di chúc và cũng là mệnh lệnh long trọng của Chúa: “Mời tất cả anh chị em ăn và uống…”.
Một khi thấy giới thẩm quyền trong giáo hội tỏ lòng trung thành đối với di chúc và mệnh lệnh của Chúa mà triệt hạ đi các hàng rào giả tạo còn cản ngăn không để các tín hữu được dễ dàng chia xẻ Mình Máu Thánh Chúa, thì khắp nơi họ sẽ ra sức vượt thắng thái độ thờ ơ và nông cạn đối với việc năng tham dự mầu nhiệm Thánh Thể. Đồng thời, người ta sẽ hiểu sâu xa hơn và chấp nhận dễ dàng hơn tình trạng sống độc thân để phục vụ Nước Chúa: độc thân được lựa chọn một cách tự do bởi tin vào sức mạnh của Thánh Linh; độc thân không bắt buộc do luật hoặc như là điều kiện tuyệt đối đối với thừa tác viên Thánh Thể, nhưng như là một đoàn sủng cần nài xin để Chúa ban cho và được đón nhận với lòng biết ơn, coi đó là hồng ân ban cho nhưng không, có sức làm cho người ta nên tự do để mang yêu thương đến với những ai không được yêu thương, đến với những ai nghèo khó, bị chà đạp, cũng như đến với những kẻ bị hạng người kiêu căng tự coi là công chính khinh chê.
Dành cho mọi người và được mọi người hiểu như là di chúc long trọng và như là mệnh lệnh đầy ân sủng của Chúa, Thánh Thể sẽ là nhân tố quyết định trong quan niệm mới về tu đức học và thần học luân lý. “Niềm hồi tưởng với lòng tri ân”, tinh thần chia xẻ với lòng cảm tạ, chia xẻ của cải vật chất cũng như ân huệ thiêng liêng: đó là những gì sẽ trở thành tiêu chuẩn và động cơ chính của đời sống kytô.
“Mầu Nhiệm Đức Tin”
Các chủ chăn của giáo hội, hay nói cho đúng hơn: các mục tử hiền lành trong giáo hội, sẽ không còn nhấn mạnh nhiều đến việc vâng phục huấn quyền, nhưng sẽ chú tâm nhiều hơn đến việc học biết “Thầy Chí Thánh” qua “mầu nhiệm đức tin” mà chúng ta cử hành. Không có một truyền thống loài người nào còn có thể che khuất ý nghĩa sâu sắc và vẻ cao đẹp đầy sức thu hút của đức tin được nữa. Trước hết, chúng ta tin vào “mầu nhiệm đức tin” là một thực tại khôn tả từ trong bản chất sâu thẳm của nó. Giáo hội, tức là tất cả mọi giáo đoàn trung thành với di chúc và lệnh truyền của Thầy Chí Thánh dạy rằng “Tất cả hãy nên một!”: giáo hội ấy sẽ cố tránh bắt buộc các tín hữu phải chấp nhận “cả một hệ thống” ý niệm và công thức cổ truyền được tạo nên trong khuôn khổ tư tưởng Âu châu ngày trước.
Tầm quan trọng hàng đầu sẽ được dành cho việc chúng ta thờ phụng “mầu nhiệm đức tin”, việc thờ phụng Một Chúa Ba Ngôi là Đấng muôn đời vô cùng vĩ đại hơn tất cả mọi ý niệm và công thức do loài người tạo ra. Kinh nghiệm sống đức tin, chứng nhân và biểu tượng sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn mọi thứ “ý niệm” chính xác tinh vi.
Cử Hành Và Công Bố Tin Mừng Với Niềm Hoan Hỷ
Vì biết rằng trước hết, mình là một cộng đoàn Tạ ơn, tức là quy tụ quanh mầu nhiệm Thánh Thể, và thành hình nhờ việc cử hành cùng công bố “mầu nhiệm đức tin”, nên giáo hội sẽ không còn thấy cần phải buộc các tín hữu tuân giữ gánh nặng cồng kềnh của hàng trăm quy luật luân lý liên quan tới những vấn đề mà có khi chính giáo hội cũng không được Thiên Chúa đảm bảo cho biết đó là chắc chắn, và không có những lý chứng minh xác đủ sức thuyết phục.
Nếu tâm trí được đào tạo cho thấm nhuần lòng tạ ơn trong nhiệm tích Thánh Thể, lòng kính sợ bắt nguồn từ việc thờ phụng mầu nhiệm đức tin, cũng như tinh thần tán tụng và hân hoan, thì tín hữu sẽ sống một cuộc sống kytô tốt đẹp và vui tươi hơn nhiều. Tín hữu sống như thế sẽ tỏ ra xác tín hơn và có sức thuyết phục để làm chứng cho Phúc âm một cách đắc lực hơn những đạo hữu thường xuyên bị đặt trong tình trạng rối loạn thần kinh tập thể do mặc cảm cha chú gây ra.
Giáo dục luân lý, huấn dụ luân lý và thần học luân lý sẽ chịu ảnh hưởng sâu đậm hơn của Phúc âm và của niềm vui cũng như của lòng tin mãnh liệt vào sức giải phóng nơi ân sủng Thánh Linh.
Người ta sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến việc củng cố tinh thần hân hoan, tán tụng cũng như phụng thờ, và sẽ có một cảm thức về mầu nhiệm sâu đậm hơn là lối nhận thức bồi hồi do bất cứ hệ thống công thức tinh vi thủ cựu nào đề ra. Thánh Linh của thờ Hiện Xuống sẽ làm chủ tình hình và nói qua mọi ngôn ngữ với mọi văn hóa. Thánh Linh sẽ nói qua các cộng đoàn Thánh Thể, và các tín hữu thông dự vào mầu nhiệm Thánh Thể sẽ dùng tất cả khả năng con người mình mà đạt đến chỗ biết xử dụng trí tuệ và ý chí của mình một cách tốt đẹp hơn. Và rồi người ta sẽ chú tâm nhiều hơn để lo cho có được tâm hồn trong sạch.
Cộng Đoàn Cơ Bản Và Giáo Hội Địa Phương
Một khi đã lướt thắng được thái độ cha chú để cung ứng đầy đủ trở lại những thừa tác viên Thánh Thể xứng đáng cho tất cả mọi cộng đoàn, cũng như một khi đã biết trung thành áp dụng nguyên tắc phân quyền và hợp tác trong tinh thần đồng trách nhiệm, thì giáo hội sẽ mở rộng đường tự do cho đà thúc giục muôn hình thái của Thánh Linh. Mọi người sẽ thấy rõ bộ mặt bệnh hoạn và phản Phúc âm của thái độ thèm quyền thế, thích chế ngự, háo danh tước. Lúc bấy giờ, một bầu khí tin tưởng lẫn nhau sẽ triển nở rộng rãi trong mọi cấp, từ người kế vị thánh Phêrrô cho tới những người “bé mọn” ở hàng rốt nhất trong dân Chúa. Và rồi sẽ có một thời đại chói ngời khiêm hạ và đơn sơ. Các cộng đoàn lớn bé đều sẽ có những chủ chăn mình tin cậy và đúng như lòng mình mong ước.
Người kế vị thánh Phêrô sẽ sẵn sàng nhường đặc quyền bổ nhiệm tất cả các giám mục trên thế giới: một đặc quyền phải nói là tương đối mới, nghĩa là mới có cách đây không lâu lắm. Thử hỏi: tại sao các giám mục Trung hoa lại phải được “đặt lên” từ Roma và do Roma? Tại sao giám mục Roma (đã được Thầy Chí Thánh chỉ định để chủ trì nổ lực thống nhất trong giáo hội) lại chỉ được bầu lên do các hồng y đã được các giáo hoàng tiên nhiệm “đặt lên”? “Rượu mới trong bầu da mới”: hãy để Thánh Linh hoạt động trong tất cả, qua tất cả, vì lợi ích của tất cả.
Cởi bỏ xong thái độ cha chú bệnh hoạn như hãy còn phảng phất nơi “Dinh tòa thẩm tra (Inquisition) tại Roma”, thì giáo hội hoàn vũ và các giáo hội địa phương sẽ có cơ hội cùng nhau làm chứng mỗi nơi một kiểu, cho Nước Thiên Chúa là Đấng đã đến để giải thoát và chữa lành.
Khi giáo hội địa phương và các cộng đoàn cơ bản đã ý thức rõ về bản chất của mình là những cộng đoàn Thánh Thể trong niềm tin cậy mến, thì giáo hội tận trong mọi chiều kích sâu rộng, sẽ dẹp bỏ được hết mọi thái độ huênh hoang đắc thắng và tự hào là công chính còn sót lại từ những đời trước; lúc bấy giờ chúng ta mới có đủ điều kiện để đương đầu với những gì là đen tối và lầm lẫn đã vấp phạm trong quá khứ. Và ngay cả trên bình diện cơ cấu nữa, việc thú nhận những lỗi lầm quá khứ cũng như hiện tại, sẽ làm cho chúng ta được tự do để hối cải, trở lại, đổi mới và sáng tạo với những chiều kích hoàn toàn mới mẽ.
Những bức tường ngăn cách giữa các giáo hội khác nhau, giữa các nền văn hóa khác nhau, và sau cùng là giữa nam với nữ sẽ sụp đổ. Sứ điệp của thánh Phaolô sẽ được hiểu tường tận hơn, nghĩa là “trước mặt Thiên Chúa” sẽ không còn có khác biệt gì giữa nam và nữ. Mọi hình thức kỳ thị phụ nữ sẽ bi xóa bỏ. Và điều đó sẽ góp phần rất hữu hiệu để đẩy mạnh thái độ chấp nhận người khác với tất cả những cá biệt của họ. Những dị biệt sẽ không còn là cớ để chia rẽ nữa, trái lại đó là những nhân to giúp bổ túc cho nhau.
Tình Âu Yếm Hiền Mẫu Của Thiên Chúa
Khi toàn thể giáo hội đã thấm nhuần tinh thần vui mừng Tạ ơn và bước vào một đướng hướng thần học, một lề lối giáo dục và mục vụ xứng hợp, thì mọi người sẽ biết đem hết lòng tri ân mà nhìn vào tình trìu mến hiền mẫu của Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kytô. Nữ giới sẽ được lắng nghe không kém gì nam giới. Và như thế, sự việc Thiên Chúa tạo dựng nam cũng như nữ đều giống hình ảnh Ngài, sẽ được hiểu rõ hơn, và điều ấy sẽ làm cho chúng ta cảm nhận sâu xa hơn tình Chúa trìu mến, âu yếm, xót thương và tha thứ như một người mẹ.
Vì nhận rõ tình xót thương và tha thứ dịu hiền ấy, nên giáo hội sẽ biết quan tâm và xích lại gần những người bị chà đạp, những người nghèo khó và những người bị xô đẩy ra ngoài lề xã hội. Tội tự hào cho mình là công chính sẽ bị vạch mặt mau chóng dễ dàng hơn. Thái độ khắc nghiệt trong lãnh vực luân lý và mục vụ sẽ bị loại bỏ, và chắc chắn là điều này sẽ không làm cho nền luân lý chân chính của Kytô giáo bị thiệt thòi đi. Sẽ không còn chuyện nhìn Thiên Chúa qua hình ảnh nhem nhuốc bạo lực và hận thù khủng khiếp do loài người bày vẽ ra.
Giáo hội sẽ hết lòng kính thờ Đức Kytô, là người tôi tá bất bạo động của Thiên Chúa, người lãnh đạo và là mẫu gương của bất bạo động, có sức giải thoát và chữa lành. Giáo hội sẽ không còn ban phép lành cho quân đội và những kho vũ khí có sức tàn sát đại quy mô, sẽ không còn biện minh cho bất cứ hình thức hăm dọa tàn sát lẫn nhau nào. Dấn thân trọn vẹn cho việc xây dựng hòa bình, công bằng và đem tinh thần trách nhiệm mà bảo vệ vũ trụ đã được trao phó cho loài người trông coi, hết mọi kytô hữu sẽ hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm cứu độ thế giới này và trời đất mới ngày sau.
Tất cả những gì nêu ra trên đây sẽ thành tựu tốt đẹp hơn nếu cùng với nam giới, nữ giới có cơ hội tham dự vào trách nhiệm quyết định các việc trong các giáo hội cũng như trong xã hội. Nữ giới cũng sẽ phải giữ vai trò của mình ở trong việc cử hành Thánh Thể. Khi mầu nhiệm cứu độ được hiểu trong ánh sáng kinh nghiệm đức tin về Thánh Thể, thì lúc đó những đòi hỏi luân lý về giới tính cũng sẽ được hiểu rõ hơn với thái độ lành mạnh, không một chút nghiêm ngặt vô bổ. Cũng thế, công trình hội nhập văn hóa sẽ không còn gây nghi ngờ, sợ sệt, nhưng sẽ đem lại tin tưởng vì biết đó là công trình tiến hành nhờ vào Thánh Linh là Đấng hoạt động trong và qua các cộng đoàn Thánh Thể hằng sốt sắng chia xẻ đức tin và kinh nghiệm.
Với một mức hiểu biết sâu rộng hơn đối với giáo lý về “hy tế Thánh Thể” và không còn bị gò ép trong những nghi thức tỷ mỷ, cũng như không còn nhìn Thiên Chúa như là Đấng nắm giữ một thứ công lý “đòi trả thù” và với hình ảnh một đấng nam nhi hùng hổ, thì các tín hữu sẽ được mạnh mẽ động viên để vứt bỏ tất cả những gì cản trở không cho tôn thờ Thiên Chúa hiền mẫu và lấy lòng đạo đức mà kính trọng đúng mức phẩm giá của mỗi con người.
Dân Thánh Thể của Chúa sẽ học được các điều răn căn bản về thương xót, tha thứ, bất bạo động: “Hãy có lòng xót thương như Cha các con ở trên trời” (Lc 6, 36); họ học được như thế không phải là qua những quy luật trừu tượng, nhưng bằng cách thường xuyên chiêm ngắm Đấng Cứu Thế, Chiên Con bất bạo động của Thiên Chúa, Đấng chữa lành đầy lòng xót thương. Và như thế, người kytô sẽ trở thành những người tiên phong trong công cuộc xây dựng hòa bình ở khắp nơi trên thế giời và trong mọi tầng lớp trong nhân loại. Đó là hoa trái của việc phụng thờ tình trìu mến hiền mẫu của Thiên Chúa tỏ hiện trong Đức Giêsu Kytô.
Nhân Đức Trong Kinh Thánh Dưới Ánh Sáng Kinh Nghiệm Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể
Giáo huấn luân lý dựa trên mười điều răn và trên bốn nhân đức căn bản (tứ trụ) rút ra từ học thuyết Sto (thuyết khắc kỷ) thì không quan hệ gì mấy với kinh nghiệm sống Thánh Thể trong đức tin cũng như với lịch sử cứu độ. Khi các quyền căn bản để thông dự vào Thánh Thể được vãn hồi cho mọi tín hữu thuộc mọi nền văn hóa, và không còn thấy bóng của một hình thức kỳ thị nào nữa cả, thì lúc ấy mọi người kytô sẽ tìm thấy một đường lối mới để đạt tới các nhân đức căn bản mà Kinh Thánh đề ra: những nhân đức mang tính chất cánh chung. Chúng ta sẽ mở rộng ký ức tri ân Thánh Thể ra mà hồi tưởng tất cả mọi kỳ công Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong quá khứ. Và điều đó sẽ ghi sâu vào trong tâm khảm và đặc biệt là vào trong các động lực hướng dẫn mọi hành vi cuộc sống mọi người chúng ta.
Nhờ tin rằng Đức Kytô hiện diện và không ngừng đến lại với mình, nên các tín hữu Thánh Thể có được những nhân đức chủ yếu cho cuộc sống hiện tại, đó là: thái độ tỉnh thức, cảnh giác, sẵn sàng và nhận định. Như thế, họ sẽ coi trọng các dấu chỉ thời đại. Lương tâm cá nhân cũng như ý thức cộng đoàn sẽ trở nên sáng tạo hơn trong cách thức nhận định và ứng đáp, và sẽ được mạnh mẽ động viên hầu nhanh nhẹn đón nhận ơn Chúa cứu độ hiện diện ở trong cuộc sống từng giây phút. Kinh nghiệm sống Thánh Thể trong đức tin được mở rộng ra cho mọi chiều hướng lịch sử: cho quá khứ nhờ việc tưởng nhớ lại mà tri ân; cho hiện tại nhờ thức tỉnh mà nhận ra ơn Chúa ban trong giây phút đang sống, và cho tương lai nhờ các tiềm năng cứu độ phong phú dành cho đời này cũng như đời sau.
Các cộng đoàn Thánh Thể trong giáo hội là dân Chúa đang tiến bước ở giữa trần gian, mở rộng trước mọi thách đố của lịch sử, và sẵn sàng ứng đáp với mọi đổi thay cùng thích nghi cần thiết với những cơ hội tốt cũng như những đòi hỏi mới. Các lời Chúa hứa về đời sống vĩnh cửu mai ngày trong Nước Ngài cũng là động cơ thúc đẩy các tín hữu thi hành trách nhiệm đầy hy vọng đối với các thế hệ tương lai. Đới sống đượm nhuần tâm tình tri ân học được từ Thánh Thể chắc chắn sẽ làm phát sinh nên thái độ vui tươi chia xẻ mọi ân huệ nhận được, từ những đoàn sủng thiêng liêng cho đến những của cải vật chất. Và như thế, giáo huấn xã hội của giáo hội không còn phải là những gì dật dờ lơ lửng trên mây, nhưng thực sự được đâm rễ vào giữa cuộc sống thực tế nhờ kinh nghiệm sống Thánh Thể trong đức tin qua việc chịu Mình Máu của cùng một Đấng Cứu Thế.
Vì cùng một lý do đó, tôi dự đoán rằng các tín hữu sẽ khám phá ra lại tám mối phúc thật cũng như những giới răn tiêu đích (bài giảng trên núi: Mt 5) trong một cách thức mới mẽ chưa từng thấy. Luân lý kytô sẽ không còn bị bóp méo để phải ở trong tình trạng cằn cỗi cứng nhắc không chút linh động, chỉ bo bo lo sợ lỗi phạm đến những cấm đoán tiêu cực.
Tôi chắc chắn rằng với động lực sống Thánh Thể như thế, những điều ngăn cấm có căn bản thực sự sẽ được tuân giữ mau mắn hơn và với một ý thức trách nhiệm rõ ràng hơn; nhờ thế các điều ngăn cấm đó sẽ biến thành nhân tố tích cực có sức giải phóng và củng cố niềm hy vọng cho cuộc sống con người.
Trong đường hướng đó, với tư thế là người dạy dỗ dưới sự hướng dẫn của Vị Thầy độc nhất là Đức Giêsu Kytô, giáo hội sẽ trung thành hơn với chân lý căn bản và với Tin Mừng: “Anh chị em không còn bị đặt ở dưới lề luật nữa, nhưng là được bao bọc bởi ơn thánh của Thiên Chúa” (Rm 6, 14). Qua nỗ lực canh tân toàn bộ lề lối hành động và cơ cấu tổ chức, giáo hội sẽ cùng đồng thanh với vị tông đồ lương dân mà làm chứng rằng: “Tuy đang sống trong thân xác, nhưng tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã thương yêu tôi và còn hiến thân cho tôi nữa. Tôi không chối bỏ ơn của Thiên Chúa, vì nếu có thể nhờ Lề luật mà nên công chính, thì Đức Kytô đã chịu chết một cách uổng công hay sao?” (Gl 2, 20-21). Sống trong Đức Giêsu Kytô để hân hoan phục vụ Thiên Chúa, chúng ta có thể hưởng được niềm vui sâu xa. Giáo hội của thế kỷ 21 sẽ hơn bao giờ hết, thấu hiểu ý nghĩa sâu đậm của lời thánh Phaolô nói là: “Điều Đức Kytô đã làm cho chúng ta là chính Ngài đã giải phóng chúng ta” (Gl 5, 1).
Giáo Dục Luân Lý Theo Hình Thức Khuyến Thiện
Tiêu đích của công tác giáo dục trong giáo hội là giúp cho tín hữu nên thực sự trưởng thành nhờ biết sống theo Thánh Linh hướng dẫn và sống thân mật với Đức Kytô. Điều đó chỉ đạt được nếu giới lãnh đạo trong giáo hội biết tin tưởng để cho tín hữu lớn lên đến mức trưởng thành của những người sống thật mầu nhiệm Thánh Thể: có óc sáng tạo, sống theo lương tâm chân thành và hiểu biết đầy đủ, cũng như “theo lề luật của ơn thánh” mà đi trong hướng chỉ đạo của các mối phúc thật và của các giới răn căn bản, được đào luyện theo các nhân đức trong Kinh Thánh, tức là lòng tri ân, thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, cũng như tinh thần nhận định sáng suốt và trách nhiệm. Và chỉ khi nào được như thế thì giáo hội mới thực sự mang lại cho cộng đồng nhân loại món quà to tát nhất: đó là những công dân có tinh thần trách nhiệm.
Do đó, theo ý tôi, trong thơi đại Thánh Thể sắp tới, giới lãnh đạo trong giáo hội sẽ không còn coi việc buộc giữ các quy luật cấm đoán (có khi không mấy rõ ràng và với những lý lẽ không mấy vững chắc) không kể xiết và không bao giờ chịu chấp nhận trường hợp ngoại lệ, như là nhiệm vụ chính của mình nữa. Dưới sự hướng dẫn của Vị Thầy và Chúa độc nhất, giáo hội sẽ tận dụng mọi khả năng chuyên môn và sự khôn ngoan sẵn có của toàn thể cộng đoàn mình mà giúp tất cả mọi tín hữu đạt đến mức trưởng thành đầy đủ và tầm phân định chính xác rõ ràng. Điểm nhấn mạnh không còn nằm ở chỗ cảnh cáo đề phòng chống lại sai lạc, nhưng là ở chỗ lấy sức mạnh của Thánh Linh mà khuyến khích, cổ xúy: điều đó gọi là paraklesis. Từ ngữ Kinh thánh này thướng được dùng trong các thư của thánh Phaolô, làm chúng ta chú ý tới từ Parakletos, có nghĩa là Đấng ủi an, chuyền năng lực và biện hộ cho: Ngài là Đấng giúp “tưởng nhớ lại” và thấu hiểu những gì Đức Giêsu đã dùng gương sáng và lời nói mà dạy cho chúng ta (Ga 14, 16.26; 15, 26; 16, 7). Vì được Đấng Parakletos đảm bảo là sẽ “biện hộ cho bên cạnh Thiên Chúa Cha” (1Ga 2, 1), nên không bao giờ chúng ta sẽ mất tinh thần. Trong thư gửi giáo đoàn Philiphê, thánh Phaolô mô tả ân sủng paraklesis thật tài tình như thế này: “Vậy nếu đời sống trong Đức Kytô mang lại một niềm an ủi nào, một thái độ khích lệ nào của lòng mến, một mối thông hiệp nào do bởi Thánh Linh, một đức từ tâm hay xót thương nào, thì … với lòng yêu mến anh em có đối với nhau… và với mối đồng quyết tâm xây dựng hợp nhất…, anh em hãy dùng tất cả những điều ấy mà làm cho nỗi vui mừng của tôi nên trọn” (2, 1).
Trong phụng vụ Thánh Thể đổi mới, theo truyền thống các giáo hội Đông phương, lời kinh epiklesis được nêu lên một lần nữa – tức là lời khẩn cầu Thánh Linh mang quyền năng Ngài đến hầu biến các lễ vật nên Mình và Máu Đức Kytô cho chúng ta, cũng như biến mọi người tham dự thành của lễ dâng hiến làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha – là chìa khóa để thấu hiểu ý nghĩa của paraklesis tức là, ơn khuyến thiện. Qua kinh khẩn nguyện Thánh Linh (epiklesis) và ơn khuyến thiện (paraklesis), Thánh Linh làm cho chúng ta có đủ điều kiện để tin nhận rằng Đức Kytô xưa kia đã tự hiến mình làm lễ tế trên thập giá đang thực sự hiện diện trước mặt chúng ta trên, cũng như có đủ điều kiện mà tận hiến trọn vẹn con người chúng ta cho Thiên Chúa và dấn thân phục vụ anh chị em đồng loại.
Nhờ được đào luyện theo một đướng hướng thần học luân lý đặt nền móng trong Đức Kytô và trong Thánh Linh, chúng ta sẽ hiểu rõ rằng sống trong Đức Kytô là sống trong tự do để “được Thánh Linh hướng dẫn” (Gl 5, 16-18) và để có thể mang lại “hoa trái của Thánh Linh, tức là: yêu thương, hân hoan, an bình, bất bạo động, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ” (Gl 5, 22).
Vì thế, chúng ta hãy dồn mọi nỗ lực, mọi ước vọng cũng như mọi hoài bão của chúng ta vào trong công tác xây dựng những cộng đoàn Thánh Thể nhỏ thật đúng với danh nghĩa của chúng, cũng như một nền tu đức tương xứng, dựa theo Thiên Chúa Ba Ngôi, (một nền tu đức nằm ở tâm điểm của lễ Thánh Thể), để nhờ đó giáo hội vượt qua được cuộc khủng hoảng đi kèm với thái độ bệnh hoạn về mặt luân lý, hầu có đủ sức mà phát động lên khắp nơi một bầu khí tin tưởng và khuyến khích lẫn nhau. Đó sẽ là mức thành tựu viên mãn của những hoài bão mà công đồng chung Vatican II đã có công gầy dựng nên. Lúc đó, vai trò của người kế vị thánh Phêrô sẽ có sức thu hút hơn, dễ được chấp nhận hơn, vì được coi như là người “chủ tọa” cuộc mừng tình yêu cứu độ: cuộc mừng trong khắp thế giới, và như là người phục vụ cùng làm chứng cho lòng tin vào Đấng Parakletos: Đấng ban năng lực, an ủi cũng như biện hộ cho việc xây dựng tin tưởng và hiệp nhất.
Tôi dám liều lĩnh cả quyết rằng trong thế kỷ 21, khắp nơi trong thế giới kytô, tín khoản tuyên xưng “Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần, là Đấng ban sự sống” sẽ được thấu hiểu thâm thúy hơn giữa các cọng đoàn đã được đổi mới nhờ được tập hợp chung quanh mầu nhiệm Thánh Thể Tạ ơn.
Hoàng Văn Lục, S.J. phỏng dịch.
https://sjjs.edu.vn/huong-ve-giao-hoi-the-ky-21/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét