Trang

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

NGHỆ THUẬT CÔNG BỐ LỜI CHÚA

NGHỆ THUẬT CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lời giới thiệu

Công bố Lời Chúa là công việc đích thực của buổi cử hành phụng vụ, do đó, nó là một tác vụ của Hội Thánh. Thật vậy, người giáo dân không chỉ được nuôi dưỡng và soi dẫn bởi Lời Chúa, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng họ còn được đặt dưới sự hiện diện của chính Chúa Kitô, Người là Lời, Ngôi Lời đã làm người, nghĩa là Lời là Người và Người là Lời.

Để thực hiện thừa tác vụ đọc sách đòi hỏi người công bố cần phải chuẩn bị cách cẩn thận vừa tâm hồn, vừa nghệ thuật. Không thể ngẫu nhiên hoặc “đột xuất” chỉ định thừa tác viên Lời Chúa, nhưng phải tuyển chọn người “ xứng hợp” để phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh; hoặc không thể tuỳ hứng đọc Lời Chúa vì mỗi bài đọc có đặc tính riêng, thể loại riêng, tình huống và sứ điệp riêng…

“Trong khi cử hành phụng vụ, việc công bố Lời Chúa không thể thực hiện duy theo một cách thế và việc công bố này không luôn tác động người nghe để có cùng một hiệu quả; nhưng chính Chúa Kitô là Đấng luôn hiện diện trong Lời được công bố. Chính Người hoàn tất mầu nhiệm cứu độ, thánh hoá con người và dâng hiến cho Chúa Cha hy lễ hoàn hảo.

Hơn nữa, ơn cứu độ chỉ đạt được ý nghĩa đầy đủ của nó trong hành động phụng vụ, vì chính khi cử hành, Lời Chúa không ngừng tác động và tuôn tràn trên người nghe: như vậy, cử hành phụng vụ tự nó là đã hành vi công bố liên tục, đầy đủ và hiệu quả của Lời Chúa. Do đó, Lời Chúa được công bố không ngừng trong phụng vụ luôn là lời sống động, hiệu quả nhờ bời quyền năng của Chúa Thánh Thần, và thể hiện tình yêu mạnh liệt của Chúa Cha. Lời này luôn là nguồn suối vô tận và linh nghiệm đối với con người”
[1]

Tập sách này đề nghị một phương cách thực hành thừa tác vụ Lời Chúa trong phụng vụ, kỷ thuật công bố Lời Chúa trong phụng vụ, dựa trên bề dầy của kinh nghiệm. Tuy nhiên, nó chỉ là những gợi ý thực hành cho những ai đang thực hành chức năng thừa tác viên Lời Chúa. Mỗi người có thể tìm gặp ở đây sự giúp đỡ cũng như sự nâng đỡ quý giá, để có thể làm phát triển và xây dựng Hội Thánh trong khi lắng nghe Lời Chúa trước và sau khi công bố và giúp cho cộng đoàn đón nhận được sự hiện diện của Chúa qua Lời được công bố.

“ Trong khi lắng nghe Lời Chúa, Hội Thánh được tự kiến tạo và phát triển: các kỳ công mà Thiên Chúa hoàn tất cách tuyệt vời trong lịch sử cứu độ được tái hiện diện, trong sự chân thực của mầu nhiệm, qua các dấu chỉ của buổi cử hành phụng vụ, với mục đích để Lời của Người tiếp tục vận hành và con người ca tụng vinh quang Người, danh Người được chúc tụng nơi mọi dân tộc.

Mỗi lần Hội Thánh loan báo và công bố Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ, mà cộng đoàn này được quy tụ bởi Chúa Thánh Thần trong buổi cử hành, là mỗi lần Hội Thánh nhận biết mình chính là Dân của Giao Ước, được tuyển chọn trong lịch sử, đạt tới sự hoàn hảo trong ngày sau hết. Nhờ bởi bí tích Rửa Tội và Thêm Sức trong Chúa Thánh Thần, trở thành sứ giả của Lời Chúa nhờ việc đón nhận hồng ân lắng nghe Lời Chúa, thì giờ đây, người Kitô hữu phải loan truyền trong Hội Thánh và trong thế giới, hay ít là họ phải làm chứng bằng chính đời sống của họ”.
[2]

Người viết xin trích và đăng nhiều kỳ trên trang Web địa phận Cần Thơ, nhằm giúp độc giả đọc cách dễ dàng, dễ nhớ và dễ thực hành.
Thân ái, 
Lm. Gs Lê Ngọc Ngà 

[1] Quy Chế Tổng Quát Sách Bài Đọc Roma 2002 (QCTQ), số 9.
[2] Ibidem. Số 7.
 
1.      “ Ta sẽ mở miệng cho ngươi” 

Linh mục chủ tế vừa hoàn tất lời Tổng Nguyện. Cộng đoàn phụng vụ thưa: Amen, và mọi người ngồi xuống, trừ một người rời khỏi ghế và chậm rãi đi về hướng giảng đài để đọc bài đọc thứ I (BĐ1). Mọi người đều biết anh: anh “hai lúa” của họ đạo mình. Tiếng anh hơi đục, nặng – giọng của người bắc di cư ! anh bình tĩnh, bước lên bục đọc sách và mở miệng “Bài trích sách…”, những gì anh đọc đều rõ ràng.

Người đàn ông này không phải là Ê-dê-ki-en: anh là người giáo dân tốt, cha của một gia đình. Tuy nhiên, khi anh đi lên giảng đài để đọc sách, có cái gì đó đến với anh như đã từng đến với ngôn sứ thời xưa:

“ Nhưng khi nào Ta phán với ngươi, Ta sẽ mở miệng cho ngươi và ngươi sẽ nói với chúng: Ðức Chúa là Chúa Thượng phán thế này…” (Ed 3, 27).

Bất cứ người đọc sách nào (nam hay nữ), bất kể bài đọc nào được chọn, thì người đọc được đặt trong tình huống này: Chúa nói với người ấy, Chúa mở miệng người ấy, Chúa trao cho người ấy sứ mệnh nói với con người (cộng đoàn) trong chất giọng của người ấy (Bắc, Trung, Nam…).

“Khi nào Ta phán với ngươi…”, như vậy, trước khi là người đọc sách, anh đã là người nghe Chúa nói với anh. Người đọc phải là một người được tuyển chọn, vì khi đọc, chính là lúc người ấy nói nhân danh Chúa. Có thể người đọc sẽ rất lo lắng vào thời điểm đang công bố Lời Chúa, Lời Chúa được thốt ra từ chính miệng của mình! Nhưng, từ rất nhiều ngày trước, anh đã được chỉ định để đọc sách, anh đã chuẩn bị, dò bài đọc trước, suy gẫm bài đọc. Các Lời bài đọc đã hiện diện trong anh.

“Ta sẽ mở miệng cho ngươi…”. Người đọc sách này là ai bất kỳ! Không ai có thể nghe được tiếng Chúa, và cũng không ai thấy Người (x. Ga 1,8), nhưng, chính Người đang nói với chúng ta, Người mở miệng một người trong chúng ta.

“ ngươi sẽ nói với chúng…” người đọc sách không nói về chính mình. Chúng ta nghe chính âm giọng của họ, nhưng đó Lời của Thiên Chúa. Người đọc không lựa chọn từ ngữ, hình ảnh hay văn phong. Họ phục vụ Chúa, Đấng muốn nói với Dân Người qua việc mượn chất giọng của con người.

“Đức Chúa phán…” Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Phụng Vụ số 7 xác định về sự hiện diện của Chúa Kitô giữa cộng đoàn phunng vụ qua nhiều cách thế:

“ Người hiện diện trong Lời của Ngài, bởi vì chính Ngài nói khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh”.
 
2. Từ Lời đến quyển sách

“ Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1, 1-2).

Như vậy, đã từ lâu Thiên Chúa nói. Người không bao giờ ngưng nói. Từ những ngày đầu của công trình sáng tạo “Chúa phán: hãy có ánh sáng! và có ánh sáng”. Đến thời sau hết, Người nói với chúng ta qua “Thánh Tử”, Lời của Người, “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14).

Để không một lời nào của Người phán ra bị mất đi, Chúa đã mượn tay các thợ khắc, các kinh sư, các văn sĩ để đánh dấu một nơi chốn, ghi lại một quyển sách, để con người thuộc mọi thời đại, mọi nơi có thể tưởng niệm và thực hiện Lời của Người.
 
3. Từ quyển sách đến Lời 

Nhưng đây là một quyển sách! Oh, chắc hẳn, nói được tôn trọng hơn mọi sách khác! Đây chính là “Sách”: một quyển sách mà chúng ta tôn kính, xông hương, thắp sáng…nhưng đây cũng chỉ là một quyển sách và một quyển sách thì không phải là lời. Lời được chứa đựng trong sách, nhưng là “lời câm”. Cần phải cho “lời câm” này một chất giọng.

“Ta sẽ mở miệng ngươi…” và đây chính là tính năng tuyệt vời đã được trao phó cho người đọc sách: Chúa đã phán; Lời của Người được ghi lại. Cần phải làm cho Thánh Kinh trở thành Lời. Chúng ta hiểu rõ điều này. Nó không đơn giản là mở quyển sách, vạch một trang và đọc lớn tiếng. Nhưng cần phải cho những chữ được đọc “nói” với tất cả người nghe. Người đọc sách cần phải đọc sao cho người nghe có thể tự nhủ rằng: “Nhờ bởi giọng đọc mà tôi nghe Chúa đang nói với tôi ngày hôm nay.”

Bổn mạng của thừa tác viên đọc sách không phải là thánh Giê-rô-mi-nô (người dịch Kinh Thánh sang Latinh), cũng không phải là thánh Gioan Kim Khẩu (người giảng thuyết lừng danh), nhưng bổn mạng của thừa tác viên đọc sách chính là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nghe Ngài đọc:

“(14) Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

 (16) Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

(18) Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
(19) công bố một năm hồng ân của Chúa.

(20) Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". (22) Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” (Lc 4, 14-21)

Cho phép Thánh Kinh trở thành Lời cho ngày hôm nay, đó chính là chức năng của thừa tác viên đọc sách. Chức năng này chính Chúa Giêsu đã thi hành.

“ Các bài đọc lấy từ Thánh Kinh, cùng với các bài hát xen giữa, tạo nên phần chính của phụng vụ Lời Chúa; còn bài diễn giảng, kinh Tin Kính và lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, khai triển và kết thúc phần này. Qua các bài đọc, được bài diễn giảng giải thích, Thiên Chúa nói với dân Ngài. Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng; chính Ðức Ki-tô dùng lời của mình mà hiện diện giữa các tín hữu. Nhờ thinh lặng và các bài hát, dân chúng làm cho Lời Chúa thành của mình; nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ gắn bó với Lời Chúa; và khi được Lời Chúa nuôi dưỡng, nhờ lời nguyện cho mọi người, họ cầu xin cho các nhu cầu của Hội Thánh và cho cả thế giới được cứu độ.”
[1]

4. Lời trở thành xác phàm 

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)

Vào ngày Truyền Tin, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Lời của Người, đã trở thành xác phàm, đã thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria. Biến cố Lời thần thiêng thụ thai, giờ đây đã đi vào lịch sử cứu độ. Và kể từ biến cố phục sinh, Chúa Kitô không còn bị giới hạn trong con người Giêsu nữa. Qua bí tích Rửa Tội, người tín hữu trở thành chi thể trong Thân Thể. Nhờ bí tích Thánh Thể, họ “trở thành cái mà họ lãnh nhận”, nói như thánh Augustinô, nghĩa là người tín hữu trở thành Thân Thể của Chúa Kitô.

Sự kết hợp cũng xảy ra nhờ Lời Chúa. Chúa Phục Sinh không chỉ hiện diện bên cạnh người môn đệ, nhưng trong họ. Người trao nộp chính mình cho họ để họ trở thành Thân Thể Người. Người trao ban cho họ Lời của Người để chính họ cũng trở thành Lời của Người, để sau cùng họ cũng trao ban chính thân xác mình cho Lời của Người.

Qua giọng đọc, thừa tác viên đọc sách trao ban thân xác mình cho bản văn Thánh Kinh để nó trở thành Lời của Chúa. Trong khi nghe Lời được công bố, mỗi thành viên của cộng đoàn và toàn thể cộng đoàn đón nhận điều mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới cũng như đón nhận sứ mạng trở thành “tiếng” sẽ nói cho thế giới.

Người tín hữu đã được thanh tẩy trong Chúa Kitô “Vua, tư tế và ngôn sứ”. Phụng vụ Lời Chúa là thời điểm nổi bật để thực hiện sứ mệnh của Chúa Kitô ngôn sứ, Đấng đã làm cho các Kitô hữu thành “thân thể ngôn sứ” của Người trong thế giới ngày nay.

[1] QCTQ, số 55.
 
5. Lời Giao Ước

Biến cố Sinai là kiểu mẫu và nền tảng cho tất cả mọi buổi tụ họp để cử hành phụng vụ. Chúa Giêsu ở nhà Tiệc Ly đã lập lại các lời của Môi-sen: “ Đây là máu của Giao Ước”, và Người thêm từ “Mới”. Vậy, chỉ có một Giao Ước ở chân núi Sinai nhờ việc Môi-sen công bố Mười Điều Răn và toàn dân hưởng ứng. Cũng vậy, mỗi khi cử hành thánh lễ, chỉ có một “Giao Ước Mới” được thực hiện tiếp theo việc công bố Lời Chúa được gọi là phần Phụng vụ Lời Chúa; việc công bố này được cộng đoàn dân Chúa hưởng ứng qua việc cầu nguyện, hát thánh vịnh và tuyên xưng đức tin.

“ 3 Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Ðức Chúa gọi ông và phán: "Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này: 4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. 6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Ðó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en." 7 Ông Mô-sê về triệu tập các kỳ mục trong dân, trình bày cho họ biết tất cả những lời Ðức Chúa đã truyền cho ông. 8 Toàn dân nhất trí đáp lại: "Mọi điều Ðức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo." Ông Mô-sê thưa lại với Ðức Chúa những lời dân nói.” (Xh 19, 3-8).
 
Đây là lý do tại sao phần phụng vụ Lời Chúa không thể đọc một bản văn nào khác kể cả bản văn của các thánh, hay của Đức Giáo Hoàng hoặc một bản văn đời nào khác, mà duy chỉ đọc bản văn Thánh Kinh. Vì đây chính là Giao Ước với Chúa mà chúng ta cử hành. Và trong thời điểm này, chỉ có Lời Chúa mà chúng ta nghe như một điều lệ và nó đề nghị với chúng ta hưởng ứng: “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ Giao Ước của Ta…Toàn dân đáp lại: Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo”.
 
6. Hai bàn tiệc

Dựa vào lời dạy của các thánh Giáo Phụ và chú giải chương 6 của Tin Mừng Gioan, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002, số 28 dạy rằng:

“Thánh Lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẻ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng tự duy nhất. Quả thật trong Thánh Lễ có dọn sẵn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, để các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng.”

Như vậy, Công Đồng đã khẳng định lại xác tín này trong số 21 của Hiến Chế Dei Verbum như sau:

“Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu.”

Vậy thì ai là người đọc sách, nếu không phải là một trong những người đang hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ dự phần vào bữa tiệc mà chính Chúa đã dọn sẵn trên bàn tiệc của Người? Chúa trao tặng Lời của Người trước khi trao nộp Thân Thể Người. Người cần các Kitô hữu để phân chia cho từng người, để bẻ bánh của Lời và phân phát cho họ, giống như Người sẽ bẻ ra và chia bánh được thánh hiến là chính Thân Thể Người.
 
7. Người phục vụ Lời Chúa

Người đọc sách hiểu tất cả ý nghĩa và vài trò của người công bố Lời Chúa khi rời chỗ ngồi để tiến lên giảng đài?

Có một việc mà người đọc sách cần làm đó là ý thức sự mỏng dòn, thậm chỉ sự bất xứng của mình, như lời cáo mình trong lúc sám hối đầu lễ. Khi mượn lại lời của viên sĩ quan trong Tin Mừng: “Con chằng đáng”, nhưng lại nhận lời để phục vụ, để công bố Lời Chúa. Người đọc sách, chấp nhận lời đề nghị bước lên đọc sách, là thực hiện một trong những luật quan trọng của Tin Mừng và của đời sống trong Hội Thánh: Phục vụ. Việc phục vụ cộng đoàn này quan trọng hơn cảm giác, tâm trạng mình có về chính mình. Nếu khi ta chấp nhận phục vụ, một chức năng, một thừa tác viên trong Hội Thánh, đó không phải vì ta xứng đáng, nhưng vì chính trong Hội Thánh ta được kêu gọi.

Nói cách vắn tắt, phục vụ Lời Chúa là một ơn gọi. Những gì mà họ công bố vượt lên trên bản thân họ, vượt trên sự bất xứng cá nhân. Tuy nhiên, bản thân họ cần có khả năng để phục vụ Lời Chúa cách tốt đẹp và hiệu quả.

Người “đọc sách” là một thừa tác viên chính thức mà Hội Thánh có thể gọi bất kỳ một người Kitô hữu nào đó trong vài trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, vào ngày Chúa nhật, một tín hữu nào đó trong họ đạo được gọi để đọc sách trong thánh lễ. Với trường hợp này, chắc không cần thiết sử dụng nghi thức phụng vụ thiết lập “người đọc sách” cách chính thức, tuy nhiên họ vẫn thủ đắc và được xem như “thừa tác viên đích thực” cho nhiệm vụ này.

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 97 viết: “ Các tín hữu sẽ không từ chối phục vụ dân Chúa cách vui tươi, mỗi khi được yêu cầu thi hành một thừa tác vụ đặc biệt nào trong thánh lễ”.

“Khi nào Ta phán với ngươi, Ta sẽ mở miệng cho ngươi và ngươi sẽ nói với chúng: Ðức Chúa là Chúa Thượng phán thế này…” (Ed 3,27).

Đọc sách, công bố Lời Chúa, chính là sự phục vụ và sứ vụ này đòi buộc cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

8. Canh tân việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ

Đây chính là tựa đề của tông thư của Đức Gioan Phaolô II viết vào năm 1988 vào dịch kỷ niệm 25 năm công bố Hiến Chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II
[1].

Ngài viết: “ Hiến Chế Phụng Vụ Thánh đã muốn “tu chỉnh việc đọc Thánh Kinh cho dồi dào hơn, thay đổi và thích hợp hơn”. Lý do sâu xa của việc canh tân được giải thích trong Hiến Chế: “để xuất hiện rõ ràng sự liên hệ mất thiết của nghi thức và lời trong phụng vụ”, và trong Hiến Chế Mạc Khải: “ Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”. Sự phát triển đời sống phụng vụ và, tiếp đến, là sự tiến bộ của đời sống Kitô hữu chỉ có thể thực hiện, trước tiên, khi các linh mục là người biết “thưởng thức hương vị và là gương sống động của Lời Chúa”. Ngày nay, Lời Chúa được các cộng đoàn Kitô hữu biết đến nhưng, một sự canh tân thật sự phụng vụ Lời Chúa vẫn luôn được đặt ra và với những đòi hỏi khác nhau: Trung thành với nghĩa sát thực của Thánh Kinh luôn đòi hỏi phải biết giữ nó ở hiện tại, đặc biệt khi là chuyển ngữ; cần lưu ý cách thức công bố Lời Chúa để sao cho Lời được đón nhận như chính nó, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhầm giúp chuyển tải trung thực lời được công bố; tâm trạng của thừa tác viên Lời Chúa qua thực hiện chức năng xứng hợp trong bầu khí phụng vụ; việc chuẩn bị kỹ lưỡng bài giảng qua việc học hỏi, suy niệm, quan tâm của các tín hữu về việc tham dự bàn tiệc Lời Chúa, cảm nếm qua việc cầu nguyện với thánh vịnh, ước ao nhận ra Đấng Kitô trong Lời Chúa cũng như việc bẻ bánh – như trong hai môn đệ trên đường Emmau.”


[1] Le Renouveau de la Liturgie, Ed. Du Cerf, coll. “Documents de Eglises”, 1989.
 
9. Thừa tác vụ đọc sách được thiết lập theo Giáo Luật và Phụng Vụ Người đọc sách còn được gọi là thừa tác viên Lời Chúa. 

Người đọc sách được Hội Thánh tuyển chọn chính thức qua một nghi thức phụng vụ, nên còn được gọi là thầy đọc sách (dành cho các Chủng Sinh hoặc các nam Tu Sĩ đang huấn luyện để tiến tới chức linh mục) hay thừa tác viên đọc sách.
[1] Theo luật qui định, nghi thức trao ban tác vụ đọc sách này chỉ dành cho người tín hữu nam giới có đủ tuổi và điều kiện qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định[2]. Luật còn quy định: mọi ứng viên trước khi lãnh nhận chức thánh phó tế phải lãnh tác vụ đọc sách và giúp lễ, và thi hành các tác vụ này trong một thời gian tương xứng[3].

10. Nhiệm vụ của thầy đọc sách 

Khi cử hành thánh lễ:
- nếu không có thầy phó tế, thầy đọc sách có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút trước vị tư tế. Khi tới bàn thờ, thầy đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ. Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh.

- nếu không hát ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ, và giáo dân không đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ, thì thầy đọc sách đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ vào lúc thích hợp.

- thầy đọc sách sẽ công bố Lời Chúa trong thánh lễ và các cử hành phụng vụ trừ bài Tin Mừng. Thầy đọc các bài đọc trước bài Tin Mừng trên giảng đài. Khi không có ca viên, thầy cũng có thể đọc thánh vịnh và đáp ca sau bài đọc thứ nhất.
- nếu không có phó tế, thầy đọc sách xướng các ý nguyện trong lời nguyện chung (lời nguyện tín hữu).
[4]
 
11. Nghi thức trao ban tác vụ đọc sách trong thánh lễ[5]

Nghi thức trao ban tác vụ được cử hành sau bài giảng, do giám mục hay linh mục được uỷ nhiệm chủ sự.

Khi vị chủ sự đã ngồi nơi ghé chủ toạ xong, phó tế hay linh mục phụ trách giới thiệu các ứng viên sắp lãnh nhận tác vụ đọc sách với vị chủ sự.       

Người giới thiệu : Xin mời các thầy sắp lãnh nhận tác vụ đọc sách tiến lên.
Thầy      .............................................
Khi nghe, xướng tên mình, ứng viên đáp: Có mặt. Rồi tiến đến trước vị chủ sự và cúi chào Ngài ; kế đó trở về vị trí đã được sắp xếp trước trong cung thánh.      
   
Khi đã giới, thiệu các ứng viên xong, chủ sự đọc lời nguyện sau :       

Chủ sự đứng, chắp tay mời gọi :    
 
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa Cha đoái thương chúc phúc cho các tôi tớ Chúa đây, là những người được tuyển chọn lãnh nhận tác vụ đọc sách, để khi thành tâm chu toàn nhiệm vụ đã được giao phó và rao giảng Đức Ki tô, họ tôn vinh Chúa Cha ngự trên trời.

Mọi người thinh lặng giây lát          
Chủ sự dang tay đọc lời nguyện    
  
Lạy Chúa là nguồn mọi ánh sáng và nhân hậu, Chúa đã sai Con Một Chúa là Ngôi Lời ban sự sống để mặc khải tình yêu Chúa cho mọi người, xin Chúa đoái thương ban phúc + cho (các) anh em chúng con đây, là (những) người được tuyển chọn để lãnh nhận tác vụ đọc sách. Xin ban cho họ khi luôn luôn suy niệm lời Chúa, được thông hiểu và trung thành rao giảng Lời Chúa cho anh em.

Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.      
Mọi người: Amen

Kế đó giúp lễ đem cuốn Sách Thánh cho chủ tế, rồi (các) ứng viên tiến đến chào và quỳ trước chủ tế để nhận Sách Thánh.        

Chủ sự (vừa đọc vừa trao Sách Thánh cho ứng viên) :  
 
Con hãy lãnh nhận Sách Thánh và trung thành truyền lại Lời Chúa cho người khác, để Lời Chúa được thêm vững mạnh trong lòng mọi người.  
Ứng viên dáp : Amen 

12. Người giáo dân đọc Sách Thánh

Khi thầy đọc sách không có mặt trong thánh lễ hay các cử hành phụng vụ khác, giáo dân khác có thể được chọn để đọc các bài Thánh Kinh. Phải chọn người có khả năng để chu toàn nhiệm vụ này và được chuẩn bị cẩn thận, để khi cộng đoàn nghe Lời Chúa thì trong lòng nhận được tác động êm dịu và sống động của Thánh Kinh.
[6]

Người giáo dân được chỉ định tạm thời đảm nhận việc đọc sách trong phụng vụ”[7] có thể là người nam hay người nữ.[8] Khi được cử vào công tác đặc biệt, dù thường xuyên hay tạm thời, người đọc sách có bổn phận thủ đắc sự huấn luyện thích hợp để có thể chu toàn nhiệm vụ của mình cách ý thức, tận tâm và cần mẫn”[9].

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 29 dạy: “Cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn lễ và các ca viên cũng là những người đang thực hiện một thừa tác vụ Phụng vụ đích thực. Vì thế, họ phải thi hành phận vụ với lòng đạo đức chân thành và nghiêm túc, đây là thái độ xứng hợp với một tác vụ cao trọng và cũng là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ ».

Giáo luật điều 759 quy định: “Do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mọi giáo dân làm chứng nhân loan báo Tin Mừng bằng lời nói và đời sống Kitô hữu gương mẫu. Họ cũng có thể được mời gọi cộng tác với Giám Mục và Linh Mục trong việc thi hành tác vụ Lời Chúa.”

Vì thế, trong mục vụ cần phải lưu ý: 

(1) Phẩm chất của người được chọn để đọc sách trong phụng vụ. Dĩ nhiên, Hội Thánh là Mẹ sẽ coi sóc và thương yêu mọi con cái mình, nhưng cũng không phải vì thế mà dễ dãi với những phần tử không thích hợp với phận vụ này.

(2) Người được chọn để đọc Lời Chúa trong phụng vụ phải là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Tuy nhiên, trong trường hợp các em học sinh giáo lý, dù chỉ được Rửa Tội cũng có thể đọc sách trong thánh lễ dành cho giới của mình.

(3) Người chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội, dù đang trong thời gian dự tòng, cũng không thể thi hành chức năng này. Điều này cũng được hiểu trong trường hợp khi cử hành bí tích Rửa Tội cho người lớn hoặc trong lúc cử hành hôn phối khác đạo, thì người dự tòng sắp chịu phép rửa và người ngoài Kitô giáo không thể công bố Lời Chúa trong nghi thức phụng vụ mà họ đang tham dự.

13. Đặc tính của thừa tác viên Lời Chúa.

Trước hết và trên hết, người đọc sách phải là người yêu mến Thánh kinh. Vì Thiên Chúa chính là tác giả đích thực của Sách Thánh và Ngài đã soi sáng cho con người viết điều Ngài muốn, và chỉ những điều Ngài muốn
[10]

Thánh kinh chứa đựng là những lời của Thiên Chúa, Lời Hằng Sống. Lời này phù hợp với mọi người, mọi tầng lớp xã hội, mọi thế hệ và mọi môi trường. Sự sống mà Sách Thánh trao ban cho chúng ta là sự sống thần linh đến từ Thiên Chúa.

Công Đồng Vatican II xác tín Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng Bánh sự sống nơi bàn tiệc Lời Chúa và nơi bàn tiệc Thánh Thể. Khi đón nhận Lời Chúa và các Bí Tích, con người lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa, sự sống đó làm triển nở đời sống con người tự nhiên và siêu nhiên
[11]. Thật vậy, nội dung của Thánh kinh vừa là lương thực dưỡng nuôi đời sống con người, vừa là tác nhân biến đổi các thực tại trần gian nên giá trị mới trong chương trình của Thiên Chúa.

Do đó, khi được chọn trong vai trò thừa tác viên Lời Chúa, người đọc sách cần phải tỏ lòng tôn kính được biểu lộ: bên trong và bên ngoài.

(1) Thái độ bên trong: tâm tình nội tâm.

Khi đọc Lời Chúa, người đọc không chỉ đọc cho xong một bài văn, đọc cho hết chữ, nhưng phải xét đến lợi ích của cộng đoàn. Qua giọng đọc, cung cách đọc, cộng đoàn cảm nhận Chúa đang nói với họ qua môi miệng của thừa tác viên. Đàng khác cộng đoàn cũng không nghe Lời Chúa theo kiểu vừa nghe vừa nhận xét cung cách người đọc, nhưng là lắng nghe Chúa nói, cảm nghiệm sứ điệp Chúa trao ban.

(2) Thái độ bên ngoài:

Thừa tác viên Lời Chúa, cần có thái độ kính trọng đối với quyển sách bài đọc qua việc gìn giữ sạch sạch sẽ, cẩn thận không nhàu nát. Đây là một quyển sách được phép sử dụng trong phụng vụ chứ không phải là một tờ giấy rời “gió thổi bay”.

Cần lưu ý đến lễ phục riêng cho thừa tác viên Lời Chúa, có thể chỉ là một áo alba trắng và dây thắc lưng…

14. Công bố Lời Chúa trong cử hành phụng vụ

Việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ không giống như khi đọc một bản văn đơn thuần. Vì là Lời cùa Chúa, nên việc đọc sách thánh trước hết là một hành động thánh thiêng: Chúa đang hiện diện và đang nói với dân Ngài. Do đó, thừa tác viên đọc sách ý thức Chúa đang dùng môi miệng họ để nói với dân Người. Khi thực hiện hành vi này sẽ được diễn tả bằng tất cả con người thừa tác viên qua thái độ nội tâm và cử chỉ bên ngoài. Vì Chúa nói với dân Người qua vai trò của thừa tác viên, nên việc đọc Sách Thánh phải được thực hiện như một hành vi công bố Lời Hằng Sống.

15. Huấn luyện thừa tác viên Lời Chúa 

Thực tế cho thấy, trong nhiều họ đạo, người đọc sách thường chỉ được chọn vài phút trước thánh lễ. Thậm chí có nơi người đọc sách chẳng được chọn lựa hay chuẩn bị gì cho đến thời điểm của bài đọc 1, cộng đoàn phải chờ một ai đó trong số họ “tình nguyện” đi lên giá sách. Những trường hợp thiếu chuẩn bị như thế sẽ đưa đến hậu quả là người đọc sách sẽ không biết đọc gì khi bước lên giá sách, và người nghe cũng có thể không nghe được dễ dàng và hiểu được bài đọc. Khi xảy ra trường hợp này, người đọc, cộng đoàn và kể cả chủ sự buổi cử hành điều cảm thấy “khó chịu” khi chứng kiến sự việc. 

16. Biết rõ điều mình sẽ đọc

Trước tiên, cần thấy rằng, người đọc sách thường thì không biết trước điều gì mình sẽ đọc. Đây là những trường hợp thường xảy ra trong các họ đạo, hoặc người đọc đã được phân công hay chỉ định trước, trường hợp này, người đọc sẽ tìm và chuẩn bị bài đọc của mình trước giờ cử hành; hoặc người đọc có thể đoán trước rằng mình sẽ được chọn để đọc sách trong thánh lễ hôm đó, đây là trường hợp mà việc chọn người đọc sách luôn xảy ra đối với một người hoặc hai ba người; hoặc thỉnh thoảng có câu trả lời: “nhưng, trong họ đạo tôi, không ai muốn (dám) đọc sách”, do đó, việc đọc sách sẽ có một hoặc vài người thường xuyên đảm trách (bù vào chỗ trống, nếu đến thời điềm mà vẫn chưa có ai bước lên giá sách), dĩ nhiên, trường hợp này người đọc sách không biết trước mình sẽ đọc gì!

Do dó, nghệ thuật đọc sách trong phụng vụ đòi hỏi người thừa tác viên:

(1) Hiểu nội dung Lời Chúa sắp được công bố: để việc công bố Lời Chúa đem lại kết quả tốt đẹp, thừa tác viên đọc sách cần có những hiếu biết cơ bản về đoạn Sách Thánh mình sắp công bố. Thông thường những hiểu biết này bao gồm:

Đoạn sách này là của ai? Lời ai nói ? Phải chăng là lời Chúa phán ? Là lời dạy của Tiên Tri ? Là giáo huấn của các Tông Đồ?...

Đoạn Sách nói cho ai nghe? Sứ điệp hướng đến người nào?...

Đoạn Sách nói về điều gì? Nội dung đoạn Sách liên quan đến lãnh vực nào? Đức tin, luân lý, giáo huấn, khuyên nhủ….
Đoạn Sách được trình bày dưới loại thể văn nào?

Cách ngắt câu, ngưng nghỉ và “lấy hơi” đủ! Bản văn sẽ được đọc, nhưng thật ra nó phải được “nói” với cộng đoàn phụng vụ.

(2) Hiểu tâm lý người nghe:

Người cao tuổi cần nghe cung giọng rõ ràng.
Thanh niên cần nhanh nhẹn hơn, năng động hơn.
Thiếu nhi cần đọc với cung giọng đơn sơ và hồn nhiên.

17. Nhóm đọc sách

Trong họ đạo nên thành lập một “Nhóm” chuyên đọc sách. Nhóm có thể từ hai hoặc ba người trở lên, nếu họ đạo có nhân sự thì số người đọc này có thể đông hơn. Tuy nhiên, cần phải tuyển lựa những người có tiếng tốt về phẩm chất đạo đức, về chất giọng và về khả năng đọc lưu loát trước đám đông. Như vậy, không phải ai cũng có thể đọc sách vì những đòi hỏi của thừa tác vụ này.

Nhóm đọc sách được thành lập nhằm giúp cộng đoàn phụng vụ, hưởng được hiệu quả tối đa khi cử hành phụng vụ Lời Chúa. Nhóm đọc sách là thành phần của cộng đoàn và được tuyển chọn từ trong cộng đoàn giáo xứ. Do đó, vì lý do mục vụ và bầu khí hiệp thông của họ đạo, những thành viên của nhóm đọc sách phải là những người được chọn đại diện cho các khu sớm, hay các giới. Họ sẽ được phân công để đảm trách thừa tác vụ này cách cụ thể trong các lễ được cử hành (hoặc ngày trong tuần, hoặc ngày Chúa Nhật hay các dịp lễ trọng, lễ đặc biệt trong năm phụng vụ).

Khi thành lập nhóm đọc sách, điều cần thiết là phải có người trưởng điều hành (người chịu trách nhiệm). Người trưởng này có nhiệm vụ phân công và theo dõi các thành viên thi hành tác vụ. Trong trường hợp “đột xuất”, ai trong nhóm không thể thi hành tác vụ như đã chỉ định, thì người trưởng điều động thành viên khác hoặc chính đương sự phải thế chỗ người vắng mặt.

18. Các buổi huấn luyện

Đọc hoặc nói trong cộng đoàn phụng vụ là một việc làm cần phải được huấn luyện. Đọc trước đám đông có những nguyên tắc riêng. Do đó, cần phải biết và thực hành các nguyên tắc này. Đọc trước đám đông không quá đòi hỏi chuyên nghiệp như là một diễn viên sân khấu, điện ảnh hay một nhà chính trị, luật sư hay một lãnh đạo công đoàn. Nhưng người đọc sách trong cộng đoàn phụng vụ lãnh nhận một sứ vụ đặc biệt từ Chúa và cộng đoàn.

Sứ vụ đặc biệt này, hay nguyên tắc đọc Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ, không nằm trong tầm tay của thừa tác viên, nhưng nó đến từ trong bối cảnh phụng vụ. Chính trong bối cảnh này, người đọc thực thi sứ vụ công bố Lời Chúa trong cộng đoàn, và dĩ nhiên, đây không phải là nghề nghiệp của họ. Do đó, sứ vụ này đòi hỏi  người thực hiện phải là người có khả năng và được đào luyện. Khả năng cần có của người đọc sách, trước tiên đó là họ có thể đọc trôi chảy. Tiếp đến, người đọc phải đọc đúng chữ, ngưng nghỉ và ngắt câu đúng, để người nghe có thể hiểu đúng bản văn được công bố. Sau cùng, giọng đọc phải rõ ràng, bình tĩnh và tự tin khi đứng trước cộng đoàn.

Vì sứ vụ thiêng liêng, nên người đọc sách cần phải chuẩn bị và đào luyện mình trước khi thi hành sứ vụ. Nghĩa là cần phải có những buổi huấn luyện và thực tập cho nhóm đọc sách. Cần phải “tập đọc” thật sự, nghĩa phải thực tập đọc thành tiếng để người đọc nghe rõ chất giọng. Tập ngưng nghỉ và ngắt câu đúng. Điều cần thiết nữa là người đọc phải hiểu được nội dung của bài đọc, hay đúng hơn hiểu rõ sứ điệp mà bản văn Lời Chúa muốn nói với cộng đoàn, nhờ vậy, người đọc sẽ biết được chỗ nào trong bản văn cần đọc rõ và nhấn mạnh. Cũng có thể sử dụng máy ghi âm trong lúc tập đọc để nghe lại và rút kinh nghiệm.

Các buổi huấn luyện này cần được tổ chức cách nghiêm túc, nhất là với những thành viên mới được chọn vào “nhóm đọc sách”. Vì như thế, giúp cho người lãnh sứ vụ này trước tiên hiểu rõ được sứ vụ cao cả mà mình sẽ đảm nhận mà chu toàn cách tốt đẹp.

19. Chuẩn bị thiêng liêng

Nhóm đọc sách thánh đã được thành lập. Các buổi huấn luyện đã được tổ chức. Một vấn đề khác được đặt ra đó là: Người đọc sách sẽ chuẩn bị thế nào ?

Chuẩn bị thiêng liêng cần ưu tiên hàng đầu. Người đọc sách cần phải nội tâm hoá sứ điệp của bản văn: “Qua bản văn mà tôi sẽ đọc trước cộng đoàn, điều gì Chúa muốn mặc khải cho cộng đoàn?” Như vậy, người đọc trước hết phải là người nghe, nghe Lời Chúa nói với mình, nhờ đức tin và kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện. Tuy nhiên, để khám phải sứ điệp của bản văn, người đọc cần phải học hỏi Lời Chúa để có một sự hiểu biết cần thiết về Thánh Kinh.

Tư cách cá nhân của thừa tác viên minh chứng công việc họ làm không phải là công việc tầm thường mang tính trần tục, mà là hành vi thánh thiện, là hành động nhân danh Hội Thánh và phải được Hội Thánh ủy nhiệm.

Thừa tác viên trao dồi tư cách bằng: Đời sống đức tin gương mẫu, bằng cách ăn nết ở, cung cách đi đứng trang nghiêm, ăn mặc chỉnh tề, lời đọc xứng đáng…

20. Chuẩn bị văn chương

Việc đọc sách thánh trong phụng vụ không giống như đọc một bài tập đọc trong các lớp “tập đọc” (đọc để luyện giọng hay đọc để hiểu). Nhưng việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ là việc làm vượt lên trên người đọc. Có chắc là người đọc sách Ba-rút (Baruch) biết rõ Ba-rút là ai? hay Phaolô hoặc tín hữu Ê-phê-sô?

Tuy không đòi mỗi người đọc là nhà chú giải Thánh kinh, nhưng ít nhất người đọc có thể biết cách căn bản bài đọc được rút ra từ Cựu Ước hay Tân Ước. Nó được trích từ sách cựu ước hay các thư của các thánh tông đồ. Vì mỗi bài đọc đều được trích từ Thánh Kinh và không cùng một thời điểm được viết hay bối cảnh ra đời, nên mỗi bài đọc dĩ nhiên là không cùng một thể loại văn chương.

Thánh kinh không là một quyển sách, nhưng là một bộ sách, một tập hợp những quyển sách từ Cựu Ước đến Tân Ước. Mỗi quyển sách trong Thánh kinh có một thể loại, một văn phong, một phương pháp viết khác nhau thì theo tác giả được linh ứng. Như vậy, làm sao có thể hiểu bản văn và nhất là, làm sao có thể đọc tốt bản văn nếu không biết rõ nó thuộc thể loại nào?

Các quyển sách trong bộ Thánh kinh không giống nhau, nó rất phức tạp. Mỗi quyển theo cách của nó, nhưng chúng đều trình bày một kinh nghiệm thiêng liêng: nói với người tin và mời gọi người tín hữu gặp gỡ một Thiên Chúa hằng sống. Chúng là những chứng từ vững chắc và được tiếp nhận. Qua những chứng từ này, Thiên Chúa mặc khải chính mình và quy chiếu về Đức Kitô, “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm”.

21. Chuẩn bị cách đọc 

Đến phần chuẩn bị kỹ thuật đọc sách. Cần nên biết vài nguyên tắc đọc trước công chúng. Trước tiên, nên đọc hết bản văn một lần bằng mắt, tiếp đến là đọc một lần lớn tiếng (nghe được giọng đọc của mình).

Đọc không phải là hát. Thế nhưng, trong câu, đoạn văn vẫn có nhịp điệu (nhấn mạnh). Ngắt nhịp đúng, câu văn sẽ được sáng tỏ. Thí dụ: Ngay từ câu dẫn đã có nhịp điệu: Bài trích thư thứ nhất/ của thánh Phaolô tông đồ/ gửi tín hữu Êphêsô/

(1) Ngắt nhịp khi gặp dấu chấm câu: dấu chấm ngắt tương đối dài, dấu phẩy ngắt ngắn, ngắt dấu hỏi và lên giọng. Khi đọc, phải tuỳ trường hợp mà ngắt đoạn. Nói chung, cần ngắt nhịp khi có dấu phẩy, dấu chấm, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm và dấu ngoặc.

(2) Ngắt nhịp theo cấu trúc ngữ pháp
- ngắt câu khi đọc các cụm danh từ: Bài trích thư thứ nhất/ của thánh Phaolô tông đồ
- ngắt câu khi đọc các cụm động từ: gửi 
- ngắt câu khi đọc các cụm giới từ: tín hữu Êphêsô  
   
Ngoài ra, cần lưu ý đến chất giọng và cách phát âm (ngữ âm) của từng vùng, miền. Trên lý thuyết, trong ngôn ngữ học từ lâu đã tồn tại quan niệm chuẩn của một ngôn ngữ là ngôn ngữ ở vùng miền có sự phát triển nhất về mặt kinh tế và văn hoá, và thường là Thủ đô. Trên thực tế, việc xác định chuẩn ngôn ngữ dường như  không phải là vấn đề đơn giản, và khái niệm ngôn ngữ chuẩn thường gây nhiều tranh cãi. Cho tới nay, khi nói về chuẩn của tiếng Việt, đó là tiếng Việt chung (phổ thông) có hệ thống ngữ pháp, từ vựng và chính tả thống nhất cho mọi vùng miền, nhưng đa dạng về mặt ngữ âm theo sự khác biệt vùng miền, chằng hạn, tiếng Việt phổ thông giọng Bắc, tiếng Việt phổ giọng Nam hay Trung, thậm chí tiếng Việt giọng Huế,  tiếng Việt giọng Nghệ An hay giọng Bắc di cư vào Nam.
[12] Do đó, người đọc sách cố gắng đọc đúng chuẩn âm của vùng, miền của mình, đừng pha trộn ngữ âm, và dĩ nhiên, cũng phải lưu ý đến các âm, từ đậm nét “phương ngữ”, làm người nghe khó hiểu.

(3) Cung giọng
 
Cung giọng là yếu tố tác động trực tiếp đến giác quan người nghe, là tác nhân giúp cộng đoàn dễ dàng đón nhận sứ điệp Lời Chúa. Vì thế, thừa tác viên cần chú ý đến cung giọng vừa phải, nhẹ nhàng, thanh thoát, không nên đọc gắt gỏng, lớn tiếng, ướt át, lãng mạn và dĩ nhiên cần phân câu ngắt ý đúng nơi đúng chỗ, biết phân biệt giữa các phần để ngừng sao cho phù hợp.

22. Y phục của thừa tác viên đọc sách

Y phục thông thường của mọi thừa tác viên (đọc sách, giúp lễ hay các phận vụ khác trong phụng vụ) là áo alba và dây thắt lưng
[13]. Alba là loại áo trắng dài may liền một tấm từ cổ đến chân, nếu kiểu áo may vừa vặn, nếu quá rộng thì thắt dây. Với tu sĩ, dù mặc tu phục, khi thi hành tác vụ đọc sách cũng nên  mặc áo alba theo quy định. Vì khi thi hành một tác vụ trong phụng vụ, y phục vừa diễn tả chức vụ của thừa tác viên, vừa diễn tả lòng tôn kính và trang trọng của các nghi lễ thánh. Do đo, vì sự thánh thiện của việc công bố Lời Chúa, thì y phục dù là áo alba và tu phục, hay trong hoàn cảnh không cho phép, thì dù mặc thường phục cũng cần tỏ ra trang trọng và xứng hợp.

« Tại Việt Nam, ngoài áo trắng dài chung (alba) cho các thừa tác viên phụng vụ, các thừa tác viên nam không chức thánh, có thể mặc âu phục với cà vạt hoặc áo dài khăn đóng; nữ có thể mặc áo dài thông thường hoặc áo dài với khăn vành truyền thống Việt Nam »
[14].

23. Chỗ ngồi và thời điểm di chuyển của thừa tác viên.
 
Chỗ ngồi của thừa tác viên là yếu tố cần chú ý để giúp thừa tác viên chu toàn nhiệm vụ tốt nhất. Chỗ ngồi không diễn tả một địa vị riêng của thừa tác viên, nhưng nhằm giúp thừa tác viên quan sát các cử hành và di chuyển dễ dàng khi thi hành nhiệm vụ
[15].

Từ vị trí ngồi đến giảng đài công bố Lời Chúa, thừa tác viên cần được chú ý thời điểm di chuyển thích hợp. Thời điểm tốt nhất để di chuyển là: nếu có lời dẫn vào bài đọc thì thừa tác viên sẽ đi chuyển đang lúc đọc lời dẫn vào bài đọc, nếu không có lời dẫn thì khi chủ tế đọc câu kết của lời Tổng Nguyện :  « chúng con cầu xin… » thì thừa tác viên di chuyển. Vì mọi thành phần trong cấu trúc của buổi cử hành phụng vụ đều có vị trí và thời điểm của nó, không cần phải vội vàng và « trồng tréo ». Hơn nữa, khi linh mục chủ tọa, đại diện Chúa Kitô, và thay mặt toàn thể dân thánh cùng những người chung quanh dâng lên Thiên Chúa các « kinh nguyện chủ tọa » thì mọi người phải im tiếng lắng nghe và hiệp thông với ngài
[16]. Trong khi tiến lên giá sách, thừa tác viên nên di chuyển cách khoan thai, tự chủ và trang nghiêm, không vội vàng hấp tấp, không khúm múm sợ hãi. Khi di chuyển hai tay chắp lại, và nếu không gì ngăn trở, tốt nhất nên đi giữa lòng nhà thờ tiến lên cung thánh. Khi đi ngang qua bàn thờ, cúi mình sâu bái kính bàn thờ rồi tiến lên giảng đài.

Trong những ngày lễ trọng hay Chúa nhật, thừa tác viên có thể di chuyển trong lúc cộng đoàn hát kinh Vinh Danh, và khi tới trước cung thánh hay bàn thờ thì cúi mình và chờ khi chủ tọa kết thúc lời tổng nguyện thì tiến lên giá sách.

24. Người đọc sách vào vị trí

Thánh lễ bắt đầu. Người đọc sách phải sẵn sàng thực hành chức năng. Trước tiên, họ cần biết chính xác thời điểm để thi hành tác vụ. Đối với người quen đọc sách thì không có vấn đề gì, nhưng với người sẽ đọc lần đầu hoặc không đọc trong một thời gian lâu, họ không biết hoặc không nhớ thời điểm nào để bắt đầu đọc bài đọc thứ nhất trong phụng vụ thánh lễ Chúa nhật. Người phụ trách cần hổ trợ !
 
Người đọc sách không tiến lên giá đọc sách (toà giảng) trước khi nghe cộng đoàn thưa Amen, kết thúc lời tổng nguyện kết thúc. Đang khi cộng đoàn ngồi, người đọc sách tiến lên trong thinh lặng. Khi đến trước bàn thờ, dừng lại và cúi chào. Đây là thời gian phụng vụ được dành cho người đọc sách.

Tiến tới giá sách, đừng vội đọc ngay, nhưng có vài giây nhìn vào sách bài đọc xem trang (bài cần đọc) được mở đúng chưa, micro có phù hợp với độ cao và được mở sẵn sàng chưa. Nhưng tất cả những lưu ý này đều đã được chuẩn bị trước khi thánh lễ bắt đầu.

Cuối cùng, cần lưu ý đến tư thế khi đọc:

-   Hai chân đứng thẳng, thăng bằng, tránh đứng một chân;
-               Hai gót chân song song và giãn ra bằng vai;
-               Hai mũi bàn chân mở ra góc 45 độ;
-               Hai tay đặt lên hai mép của giá sách;
-               Không tựa  mình vào giá sách.

25. Ngước nhìn cộng đoàn

Khi đã “ổn định” tư thế, và mọi sự đã sẵn sàng, người đọc sách cần dành “khoảnh khắc” ngước nhìn cộng đoàn phụng vụ. Cái nhìn này không phải có mục đích muốn nói với cộng đoàn: “tôi đây !”, nhưng nhằm tỏ lòng kính trọng cộng đoàn, vì họ mà anh sẽ đọc Lời Chúa, và đặc biệt, anh ngước nhìn những người ngồi ở cuối nhà thờ hoặc ở bên cánh nhà thờ trong khoảnh khắc chờ đợi sự thinh lặng cần thiết của cộng đoàn đang thay đổi từ tư thế đứng sang ngồi hoặc ai đó vẫn chưa ổn định được chỗ ngồi.

Mọi sự đã sẵn sàng. Người đọc bắt đầu cất giọng đọc. Điều cần lưu ý là trong suốt khoảng thời gian này, người đọc không ngước nhìn cộng đoàn nữa. Bởi vì có nhiều người nghĩ rằng cần phải “giao lưu” với cộng đoàn và ngước nhìn cộng đoàn sau mỗi dấu chấm câu hay ít là sau mỗi đoạn hoặc sau mỗi câu muốn nhấn mạnh. Đây là một ý nghĩ điên rồ ! Vì đây không phải là lời của người đọc, nhưng Lời của Chúa. Do đó, người đọc không nhìn vào bất kỳ nhưng nhìn vào Lời Chúa đang hiện diện qua từng chữ viết, và nhờ chất giọng của mình, các chữ im lặng trở nên sống động. Lời trở thành Người. Chữ viết được nói với cộng đoàn qua môi miệng và chất giọng của người đọc. Do đo, Người đọc “giao lưu” thật sự với cộng đoàn phụng vụ không phải là cái ngước nhìn trong lúc đọc, mà là cách diễn đạt trong giọng đọc trầm, bổng, ngắt câu hay diễn cảm khi cần thiết.
 
26. Hít – thở, lấy hơi khi đọc

Trong lúc ổn định, người đọc bắt đầu hít – thở bằng bụng sâu và nhẹ nhàng. Có rất nhiều người hít – thở sai bởi vì họ không biết hít – thở. Họ hít thở ở phần trên của ngực và nâng hai vai “nhấp nhô” và như thế, không khí chỉ vào được ¼ lá phổi. Hơi ngắn thì lời được đọc cũng ngắn, nên dẫn đến việc ngắt quãng giữa chừng, không đúng chỗ hoặc đứng hơi khi câu văn dài.

Vậy, hãy lấy hơi bằng bụng (phần dưới lá phổi), không nhấp nhô vai. Hít vào bằng mũi trong khi đọc, dĩ nhiên cần phải thực hiện nhanh và nhẹ nhàng.
 
Không sửa giọng cho cầu kỳ, tránh gằn giọng để nhấn mạnh như một bài phát biểu; cũng đừng thêm bất cứ một điệu bộ đầu hay tay nào, theo các ý tưởng trong bài.

Khi kêt thúc bài đọc không vội vàng đọc cho xong câu tung hô “Đó là Lời Chúa”, nhưng cần ngưng cần ngưng đôi chút để mọi người nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời phân biệt nội dung bài đọc với lời tung hô.
 
27. Bục đọc sách (giảng đài)
 
« Phẩm giá của lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để lời Chúa được loan báo và tín hữu tự nhiên hướng về đó trong phần phụng vụ lời Chúa.

Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải chỉ là một cái giá sách di chuyển được. Phải tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ mà đặt giảng đài để tín hữu có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên và độc viên.

Tại giảng đài chỉ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc lời nguyện chung, tức là lời nguyện tín hữu. Để giữ sự trang nghiêm của giảng đài, chỉ có thừa tác viên mới được bước lên đó.

Nên làm phép giảng đài mới, theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành, trước khi sử dụng trong phụng vụ »
[17].

Khi thừa tác viên bước tới giảng đài, hai tay chạm vào giảng đài như một điểm tựa « tâm lý » cho họ. Và dĩ nhiên, như một nơi để Chúa hẹn với dân, nơi Chúa nói với dân và nơi chống đỡ cho « quyển Lời Chúa », cho nên giảng đài cần phải cố định và vững chắc.

Hiện nay, tại nhiều nhà thờ mới ở Việt Nam, với ý muốn nhấn mạnh nhắc nhớ giáo dân « tầm quan trọng của Lời Chúa », thì giảng đài là nơi rất thích hợp để lưu giữ và chưng bày quyển sách Lời Chúa sau buổi cử hành phụng vụ.  
 
28. Âm thanh

Âm Thanh là một thiết bị hỗ trợ người nói, đọc hoặc hát. Với thiết bị âm thanh tốt, người đọc sách không cần phải đọc to, tốn sức, nhưng vẫn truyền tải được trọn vẹn bản văn muốn đọc đến người nghe. Nó giúp người thính giả nghe dễ dàng hơn. Nhờ âm thanh tốt, chất lượng người đọc và người nghe không cần phải cố gắng nhiều. Tuy nhiên, thiết bị âm thanh dành để đọc và để hát thường khác nhau. Cho nên trong mục vụ cần lưu ý đến điều này.
 
Lm.Gs Lê Ngoc Ngà
 

[1] Nghi thức Giám Mục 1998, số 794.
Tông thư của Đức Phaolô VI  khi ban hành nghi thức trao ban tác vụ đọc sách và giúp lễ ngày 15 tháng 8 năm 1972.
[2] Bộ Giáo Luật 1983, điều 230
[3] Ibidem., điều 1035.
[4] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002, số 99 và 194-198.
[5] Nghi thức được trích trong quyển Nghi thức trao ban tác vụ đọc sách và giúp lễ do Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố cho áp dụng trong toàn Giáo hội sách Nghi thức mới qua Tông thư ngày 15-8-1972..
[6] Ibidem, số 101.
[7] Bộ Giáo Luật 1983, điều 230 § 2.
[8]Huấn thị liên bộ “về việc giáo dân cộng tác vào thừa tác vụ linh mục” ngày 15 – 08 – 1997. Chương “áp dụng
thực hành”, mục 2, số 3.
[9] Bộ Giáo Luật 1983,  điều 231 §1.
[10] X. Hiến Chế Măc Khải, số 11
[11] Ibidem, số 21.
[13] Quy Chế Tổng Quát sách lễ Roma (QCTQ), sô 336, Nghi thức Giám Mục, số 65.
[14] QCTQ, số 339.
[15] QCTQ, số 310.
[16] QCTQ, số 33.
[17] QCTQ, 309.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét