Tìm hiểu và phân tích đoạn Tin mừng Chúa chịu cám dỗ (Mt 4:1-11)
Môn học: Tin Mừng Matthêu
Giáo sư: G.B. Phạm Quý Trọng
Học viên: Nguyễn Đức Thắng, S.J.
Giáo sư: G.B. Phạm Quý Trọng
Học viên: Nguyễn Đức Thắng, S.J.
Tác giả thư Do Thái đúc kết sâu sắc chân dung Con Thiên Chúa Làm Người: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2:18). Trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ là một minh chứng cụ thể cho nhận định ấy. Bài viết này là một tiểu luận tìm hiểu, phân tích và chú giải bản văn Mt 4:1-11. Tác giả liên hệ đến Cựu Ước như là hậu cảnh để hiểu bản văn, đồng thời, đối chiếu với các bản văn Máccô và Luca để thấy nét thần học riêng của Matthêu; và cuối cùng, dựa trên nền tảng đọc hiểu và chú giải, tác giả rút ra những liên hệ thực tiễn với những vấn đề và cám dỗ của thời hiện đại.
DẪN NHẬP
Niềm tin căn bản của Kitô Giáo là tin rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy rằng thật không dễ để trình bày và giúp con người hiểu được điều đó. Sở dĩ như vậy vì một mặt họ cảm thấy rằng Thiên Chúa dường như không thể hiểu những đau khổ, thử thách trong cuộc sống thường ngày của họ. Mặt khác, Vị Thiên Chúa ấy dường như quá cao vời và không liên hệ gì đến cuộc sống mà họ phải “chiến đấu” mỗi ngày. Tuy nhiên, đó có phải là chân dung Đấng Thiên Chúa của Kitô Giáo đích thực hay không? Thật ra, đoạn Tin Mừng về câu chuyện Chúa Giêsu chịu thử thách của Matthêu chương 4,1-11 cho chúng ta một hình ảnh Thiên Chúa khác: Người cũng đã trải qua thử thách, đau khổ như ta (Dt 2,7), và là Đấng cảm thương mọi nỗi yếu hèn của ta, Đấng ấy đã trở nên giống ta mọi đàng, trừ tội lỗi (Dt 4,15). Như thế, trong phần dưới đây chúng ta cùng thử tìm hiểu bản văn Mt 4,1-11 này để tái khám phá ra sự đồng cảm, gần gũi yêu thương của Thiên Chúa với con người. Với mục đích như thế, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu bối cảnh đoạn văn và đối chiếu đoạn Kinh Thánh của Matthêu với các Tin Mừng khác. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào phân tích chi tiết bản văn và cuối cùng là những phản tỉnh thần học liên hệ tới đoạn Kinh Thánh.
Câu chuyện được trình bày trong Matthêu nằm ngay sau phần trình thuật về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Vị trí bản văn trong Matthêu cho thấy câu chuyện này là một diễn tiến liên tục vì cũng Thần Khí đã ngự xuống trên Đức Giêsu tại sông Giođan (3,16) bây giờ sẽ dẫn Ngài vào hoang địa để chịu cám dỗ (4,1). Hơn nữa, trong trình thuật chịu phép rửa, Đức Giêsu đã được Chúa Cha giới thiệu là Con Yêu Dấu của Người. Giờ đây, Người Con Yêu Dấu này chứng thực lời giới thiệu trên qua việc đón nhận những thử thách, nhưng luôn trung thành, vâng phục sống cho thánh ý Cha tới cùng. Các nhà chú giải đã nối kết câu chuyện Đức Giêsu chịu thử thách này với kinh nghiệm của dân Israel (con của Giavê) ngày xưa trong hoang địa. Thật vậy, có một sự song đối giữa việc Israel được dẫn qua biển Đỏ, thoát khỏi ách nô lệ Aicập, và ký kết giao ước với Thiên Chúa. Sau đó, họ đã trải qua kinh nghiệm thử thách trong hoang địa. Đức Giêsu cũng đi xuống dòng nước sông Giođan, được Chúa Cha xác nhận là Con Thiên Chúa, sau đó, Ngài được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu thử thách. Hơn nữa, tất cả những đáp trả của Đức Giêsu trước các thách thức của ma quỷ đều được trích ra từ sách Đệ Nhị Luật – cuốn sách ghi lại kinh nghiệm của Israel trong hoang địa. Như thế, Chúa Giêsu dường như là hiện thân của Israel và là Người hoàn tất mọi hy vọng của dân Israel. Giống như Israel xưa Chúa Giêsu cũng chịu đói, giống như Israel Ngài cũng bị cám dỗ khẳng định mình và thờ ngẫu tượng. Tuy nhiên nếu trước kia Israel chịu thử thách và đã bị thất bại thì nay Đức Giêsu toàn thắng trước mọi thách thức. Ngài đã cho thấy hình ảnh hoàn hảo của Con Thiên Chúa. [1]
Mặt khác, các học giả cũng nhận định rằng trong nhãn quan của Matthêu, câu chuyện Đức Giêsu chịu thử thách này là để “giữ trọn đức công chính” như đã được nói tới trong biến cố chịu phép rửa tại sông Giođan (3,15).[2] Tác giả Nguyễn Công Đoan Giải thích sự công chính này chính là việc “thì hành Ý muốn của Chúa Cha – Đấng ngự trên trời”[3]. Hơn nữa, đoạn trích Chúa Giêsu chịu thử thách cho thấy sự đối lập giữa Nước Chúa và Thế gian. Đây là một nét tiêu biểu xuyên suốt Tin Mừng Matthêu.[4] Ngoài ra khi quan sát ba thử thách của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng có sự thay đổi về không gian từ thấp lên cao. Sự thay đổi này tương xứng với mức độ nghiêm trọng của các đợt thử thách, càng ngày càng mãnh liệt hơn.[5]
Dựa vào bản văn, chúng ta thấy rằng đoạn trích Chúa Giêsu chịu thử thách trong hoang địa được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại (Mt 4,1–11; Mk 1,12–13; Lc 4,1–13). Có nhiều điểm mà cả ba kể lại tương tự nhau; chẳng hạn, nơi Chúa chịu thử thách là hoang địa, thời gian Chúa chịu thử thách là 40 ngày, vai trò của Thánh Thần trong việc đưa Chúa vào hoang địa. Tuy nhiên cũng có những chi tiết khác biệt giữa ba Tin mừng, ví dụ như “người cám dỗ” ngay ở đầu trích đoạn: Mathêu dùng từ “ho peirazōn”(tên cám dỗ),trong khi Marcô dùng “ho Satan”(satan) và Luca lại dùng “ho diabolos”(Ma qủy).[6] Và chỉ có riêng Matthêu thêm yếu tố “40 đêm” vào trong bản văn của mình (Câu 2). Theo một số nhà chú giải, việc Matthêu thêm yếu tố này vào nhằm ám chỉ hình ảnh Đức Giêsu với các nhân vật khác trong Cựu Ước: Môisê không ăn uống gì suốt 40 ngày đêm (Đnl 9,9) và việc Eliah đi trong hoang địa suốt 40 ngày đêm (1V 19,8).[7] Ngoài ra còn nhiều khác biệt sau đây:
Nếu so sánh Matthêu với Marcô, Matthêu trình bày rất chi tiết về nội dung của các cuộc thử thách trong khi Marcô không hề đề cập đến điều này (4,3-10). Hơn nữa, trong Marcô Đức Giêsu dường như chịu thử thách trong 40 ngày ở tại hoang địa; trong khi Matthêu và cả Luca dường như cho thấy Đức Giêsu chỉ bắt đầu chịu thử thách sau khi Ngài đã ăn chay 40 đêm ngày. Và các lần thử thách của Matthêu và Luca cũng không ở tại hoang địa hoàn toàn như Marcô, nhưng lần thử thách thứ 2 và lần thứ ba thì xảy ra ở ngoài hoang địa. Một điểm khác nữa nếu so sánh bản văn của Marcô và Matthêu là việc Marcô thêm vào cụm từ “sống giữa bầy dã thú”. Theo nhiều nhà chú giải, việc Marcô thêm vào cụm từ này ở đây như muốn người đọc nối kết với hình ảnh Đức Giêsu là Adam mới. Ngài giống như Adam xưa đã bị ma quỷ cám dỗ nhưng không giống Adam xưa Ngài đã không đầu hàng mà ngược lại còn khôi phục lại địa đàng đã bị mất.[8]
Cũng vậy, nếu so sánh bản văn của Matthêu và Luca chúng ta thấy có nhiều nét tương tự. Các nhà chú giải cho rằng đoạn trích này của Luca và Matthêu xuất phát chung từ nguồn Q.[9] Tuy vậy vì có những mục đích thần học khác nhau, câu chuyện của Matthêu và Luca cũng có vài khác biệt. Trước hết, thứ tự về nơi chốn trong cuộc thử thách thứ 2 và thứ 3 trong câu chuyện của Luca có sự đảo ngược so với Matthêu; đồng thời có một chút khác biệt khi hai tác giả hoán đổi như vậy. Đối với Matthêu ông thêm vào từ ngữ “núi” (c.8) và Luca thêm vào từ ngữ “Giêrusalem”(c.9). Sở dĩ như vậy là vì Luca muốn hướng người đọc đến Giêrusalem – điểm đến trong sứ vụ của Đức Giêsu và là điểm khởi của cộng đoàn ông. Tương tự như vậy, đối với Matthêu, Núi là nơi Chúa Giêsu từ chối bái lạy satan để có quyền lực nhưng cũng là nơi mà ở cuối Tin Mừng Matthêu Đức Giêsu được Chúa Cha trao trọn vẹn quyền bính (28,16); và “núi” đối với Matthêu cũng là nơi của mạc khải: Đức Giêsu giảng Bát phúc trên núi (chương 5-7), chữa bệnh trên núi (15,29-3), biến hình trên núi (17,1-2).[10] Và hầu hết các học gia cho rằng cách sắp xếp trình tự các thử thách của Matthêu có vẻ trung thành với nguồn Q hơn vì hai thử thách đầu tiên bắt đầu bằng cụm từ “nếu ông là Con Thiên Chúa” đi liền với nhau thành một đơn vị.[11] Một yếu tố khác biệt nữa là ở cuối đoạn trích của Luca, ông thêm vào cụm từ mà Matthêu không có “quỷ rút lui và chờ thời cơ” (4,13). Theo Freedman, điều này có thể ám chỉ đến việc xuất hiện của ma quỷ một lần nữa trong cuộc thương khó ở Lc 22,3 và cũng cho thấy suốt quãng thời gian thi hành sứ vụ Đức Giêsu thắng vượt cám dỗ của ma quỷ.[12]
Trước khi đi vào phân tích tiết bản văn, chúng ta cần lưu ý rằng dù ma quỷ là nhân vật thử thách Đức Giêsu nhưng mục đích của những thử thách này là chính Thiên Chúa. Thật vậy, chính Thánh Thần đã dẫn dắt Đức Giêsu vào hoang địa. Hơn nữa theo nhận định các nhà chú giải, việc Matthêu dùng từ “peirasthēna” (4:1) cũng cho thấy cá thử thách này là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu.[13]
C.1 Thần Khí dẫn vào hoang địa: Dường như Matthêu muốn gợi nhớ tới chi tiết xuất hành khỏi Aicập của Israel – Như Đức Chúa đã dẫn Israel ra khỏi Aicập qua nước biển Đỏ và đi vào hoang địa (Ds 20,5). Hơn nữa, theo niềm tin của Do Thái Giáo, hoang địa là nơi của ma quỷ, là nơi nguy hiểm (Lv 16,10; Đnl 32,10).[14] Và đó cũng là nơi để chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Đức Giêsu cũng được dắt vào hoang địa nhằm chuẩn bị cho sứ vụ công khai.
C.2 Ăn chay bốn mươi đêm ngày: Không giống như Marcô và Luca, Matthêu thêm từ ngữ “đêm” nhằm ám chỉ đến hình ảnh của Môisê và Elia như đã đề cập ở phần trên. Ngoài ra, chúng ta cũng chú ý tới con số 40 được đề cập ở đây. Trong truyền thống Do Thái và Kinh Thánh, số 40 thường dùng diễn tả khoảng thời gian dài đủ để chịu thử thách, gian khổ (St 7,4; Ds 13,25; Xh 24,18;Gn3,4; Cv 1,3) nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn đặc biệt Thiên Chúa sẽ thi ân.[15]
C.3 Tên cám dỗ: Không giống như Máccô và Luca, ở đây Matthêu dùng từ “ho peirazōn”. Theo Kingsbury, việc Matthêu dùng từ “tên cám dỗ” ở đây dường như muốn diễn tả là “kẻ đầu mối” của mọi sự dữ. Sau này, những nhà lãnh đạo Do Thái cũng đặt Đức Giêsu vào thử thách như tên cám dỗ ở đây, và họ cũng bị Chúa coi như nòi rắn độc, xấu xa (12,34-35, 39,45).[16] Ngoài ra, các nhà chú giải còn nối kết “tên cám dỗ này” với phần cuối kinh Lạy Cha khi Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện để thoát khỏi sự dữ.[17]
C.3tt Nếu là Con Thiên Chúa: Cụm từ này được ma quỷ sử dụng đến 2 lần và lặp lại lời Chúa Cha xác chuẩn ở 3,17. Nó không cám dỗ Đức Giêsu nghi ngờ về chức vị Con Thiên Chúa của mình, nhưng dụ dỗ bằng cách “xúi giục” Đức Giêsu thể hiện quyền uy Con Thiên Chúa để hóa đá thành bánh. Ở điểm này, Schnackenburg mượn lời các Giáo Phụ giải thích rằng “ma quỷ muốn lôi kéo Đức Giêsu ra khỏi con đường vâng phục, vốn đòi hỏi tất cả sự công chính (3,15), và được biểu lộ trong sứ vụ âm thầm cho nhân loại (12,18-21).”[18] Hơn nữa, thử thách này cũng liên hệ tới hình ảnh Israel bị thử thách về lương thực trong hoang địa và đã càm ràm Đức Chúa.[19]
- 4 Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ Lời Chúa: Câu trả lời của Đức Giêsu trích lại ở Đnl 8,3 kể về kinh nghiệm Israel: họ cũng đã chịu đói, chịu khổ cực; nhưng kinh nghiệm cuối cùng họ nhận ra là lương thực vật chất không đủ nuôi dưỡng họ mà còn đúng hơn là Lời Chúa. Đức Giêsu tái khẳng định lại kinh nghiệm này hầu cho thấy vâng phục Ý Cha phải ưu tiên hơn sự thỏa mãn ý mình, ngay cả khi đó là nhu cầu cần thiết nhất.[20]
- 5 Thành Thánh: Đây là chi tiết Matthêu thêm vào nếu so sánh với Luca 4,9. Việc Matthêu sử dụng từ ngữ này dường như muốn liên hệ điều này với hình ảnh “thành thánh” trong Kinh Thánh (Dan 9,24; Is 48,2, Kh 11,2) và theo Davies và Allison, cũng như Giêrusalem được coi là trung tâm của thế giới, Đức Giêsu của Matthêu cũng đang ở thành thánh trên nóc đền thờ. Ngài đang đứng ở vị trí cao nhất thế giới theo truyền thống rabbi. Và đền thờ luôn là nơi được coi là có sự bảo vệ của Thiên Chúa (Xh 21,12; Tv 61,4-5)[21]
C.6-7: Ma quỷ đã trích lời Thánh Vịnh 91,11-12 nhưng nó đã cắt đi cụm từ “giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường” (Tv 91,11) nhằm xúi giục Đức Giêsu kiểm chứng lời hứa về sự quan phòng của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã từ chối đề nghị này của ma quỷ. Thử thách thứ 2 này cũng liên hệ tới kinh nghiệm của Israel trong hoang địa ở Xh 17,7. Tuy nhiên không giống Israel càm ràm, kêu trách Chúa (DS 14,22; Tv 78,17-20), Đức Giêsu hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa.[22] Sự tin tưởng, và vâng phục này dường như kéo dài suốt cuộc đời sứ mạng của Đức Giêsu. Thậm chí, ngay cả khi quẫn bách nhất, lúc Ngài bị bắt trong vườn Giêsêmani, Đức Giêsu vẫn từ chối thử thách Thiên Chúa bằng cách xin sự trợ giúp của Thiên Thần (26,53–54).[23]
C.8-9 Ngọn núi cao: Đây là chi tiết chỉ có trong bản văn của Matthêu. Và như đã đề cập ở phần 3, yếu tố này cho liên hệ tới nhãn quan thần học của Matthêu. Thử thách thứ 3 ở trên núi cao này dường như đối lập với Mt 28,18. Nơi đó, Matthêu cho thấy Đức Giêsu đã được Chúa Cha trao ban cho toàn quyền trên trời dưới đất (28,18) sau khi Ngài vâng phục Ý Cha toàn toàn trong cuộc vượt qua. Quyền Chúa Cha trao còn lớn hơn cả những gì ma quỷ hứa cho những ai thờ lạy nó (4,9). [24] Nơi đó, Đức Giêsu không bái lạy ai mà những môn đệ, những người tin theo sẽ bái lạy Ngài. Như thế, trên ngọn núi ở 4,9 này Đức Giêsu từ chối bái lạy satan để có quyền lực trên thế gian, thì ở một ngọn núi khác Chúa Cha đã trao cho Ngài mọi quyền uy. [25] Ngoài ra, một vài nhà chú giải khác cho rằng việc Đức Giêsu được đưa lên núi ở đây như là hình ảnh của Môisê mới, khác với Môisê cũ đứng trên đỉnh núi Pisgah nhìn thấy đất hứa nhưng đã không đưa dân vào được Đất Hứa (Đnl 3,27; 34,1-4).[26] Đức Giêsu – Môisê mới người sẽ đưa những ai tin Ngài vào Đất Hứa Nước Trời.
C.10 Satan, xéo đi: Trong Mt 16,23 Đức Giêsu cũng lặp lại chính lời này để trách cứ Phêrô khi ông cản ngăn Ngài thực hiện ý Cha – đi vào Cuộc Thương Khó. Như thế bất cứ con đường nào chống lại ý Cha, từ chối thập giá là con dường của Satan. [27] Và câu mắng này của Đức Giêsu cũng cho thấy Ngài có quyền trên satan và chúng phải tuân phục Ngài.[28]Hơn nữa, Theo Luz, câu trả lời của Đức Giêsu đối với thách thức này vọng lại lời tuyên xưng của Israel về một Thiên Chúa Duy Nhất. (Đnl 6,4). Và đây được coi là chóp đỉnh của cả ba cuộc thử thách.[29]
Từ những phân tích và bình giải ở phần trên, đoạn Kinh Thánh Mt 4,1-11 có thể giúp chúng ta phản tỉnh và suy nghĩ nhiều điều liên hệ đến cuộc sống của mỗi chúng ta.
Trước hết, qua câu chuyện Đức Giêsu chịu thử thách Matthêu cho chúng ta thấy, dù là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu đã chia sẻ trọn vẹn những yếu đuối của thân phận làm người như chúng ta (Phil 2,5-11); đồng thời cũng cho thấy một chân dung Messiah mới, khác với sự mong đợi của người Do Thái thời bấy giờ (Một Messiah giải phóng, quyền lực)[30].
Ngoài ra, qua câu chuyện thử thách của Đức Giêsu, Matthêu còn cho chúng ta thấy cám dỗ thứ nhất mang những nét tương tự điều mà ngày nay người ta hay gọi “cải cách xã hội”. Người ta dễ bị cuốn hút, đòi hỏi giải quyết tận căn những vấn đề liên hệ tới cơm, áo, gạo tiền trong cuộc sống hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta lẫn tha nhân. Điều này đúng và cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ chú ý đến điều này, nó có thể làm người ta chểnh mảng đến tương quan đối với Thiên Chúa, và quên đi các nhu cầu thiêng liêng và nội tâm. Trong khi đó chúng ta biết rằng con người là xác hồn. Hơn nữa, lời nhắc nhở của Đức Giêsu ở thử thách đầu tiên giúp chúng ta xác định lại vị trí ưu tiên của nhu cầu thiêng liêng, nghĩa là lương thực cho linh hồn mới là điều phải đặt lên hàng đầu. Điều này thật sự là một thách thức cho mọi người hôm nay khi phải sống trong một xã hội, văn hóa ngày nay vốn đặt nặng trên vật chất, và dục vọng. Chúng ta luôn có nguy cơ “đẩy Thiên Chúa ra bên cạnh” vì người phụ thuộc, thừa thãi, phiền hà chúng ta trước những cám dỗ về vật chất và dục vọng. [31]
Tương tự như thế, thử thách thứ hai nhắc nhở và cảnh báo chúng ta về một lối sống thách thức Thiên Chúa. Thách thức này vọng lại câu hỏi của Israel xưa: liệu có Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta hay không? (Xh 17,7) Đây là thử thách đặc biệt nổi trội trong thời đại của chúng ta, khi con người tìm cách kiểm chứng Thiên Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau của khoa học và vô thần. Nói như Đức Bênêdictô XVI, con người có nguy cơ biến Thiên Chúa thành đối tượng phục dịch cho sở thích, đòi hỏi của chúng ta. Và điều này bao hàm việc chúng ta từ chối Thiên Chúa như Người là bằng cách đặt chúng ta trên Người. [32]
Cũng vậy, thử thách thứ ba của Đức Giêsu cho chúng ta một lời cảnh tỉnh về nguy cơ, một lối sống “thỏa thuận”, “bái lạy” ma quỷ để đạt được danh dự, quyền lực…Trong khi đó, thái độ mãnh mẽ dứt khoát của Đức Giêsu với ma quỷ cũng đòi hỏi chúng ta có một thái độ dứt khoát trước những cám dỗ về danh lợi; đồng thời xác tín cách vững vàng rằng: chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng đáng được tôn kính và thờ lạy.
Nói tóm lại, qua đoạn trích Mt 4,1-11, Matthêu cho chúng ta thấy gương mẫu sống thái độ vâng phục hoàn toàn của Con Yêu Dấu Chúa Cha là Đức Giêsu. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa câu chuyện trên chỉ dành riêng cho cá nhân Đức Giêsu; nhưng đúng hơn, khi dựa vào những trích dẫn Đệ Nhị Luật mà Đức Giêsu trả lời cho satan, Matthêu dường như muốn diễn tả đây không còn là câu chuyện của riêng Giêsu nhưng của tất cả dân Thiên Chúa, trong đó có chúng ta.[33] Như thế, Đức Giêsu trong câu chuyện này trở thành mẫu mực cho bất kỳ Kitô hữu nào trong việc sống và thi hành thánh ý Chúa Cha trong mọi cơn thử thách của cuộc sống mình. Do đó, qua câu chuyện này Matthêu vừa cảnh cáo vừa khuyến khích chúng ta. Thánh sử cảnh báo chúng ta về tình trạng bất tuân, cứng đầu của Israel xưa, nhưng đồng thời cũng khuyến khích chúng ta noi gương bắt chước Đức Giêsu trong việc tìm kiếm và sống theo thánh ý của Cha trên trời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- A. Hagner, Word Biblical Commentary : Matthew 1-13, Vol. 33A, Incorporated, 2002.
- J. Harrington, The Gospel of Matthew, The Liturgical Press, 1991.
- N. Freedman, The Anchor Yale Bible Dictionary, Vol 6, Doubleday, 1996.
- Donald Senior, The Gospel of Matthew, Abingdon Press, 1997 (xem bản dịch của Nguyễn Luật Khoa, Nxb Tôn Giáo,2008).
- D. Kingsbury, Matthew as Story, Fortress Press, 1986.
- Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nadaret, nxb Tôn giáo, 2007 (bản dịch Nguyễn Luật Khoa, Phạm Thị Huy).
- E. Keck, The New Interpreter’s Bible: Matthew – Mark , Vol. 8, Abingdon Press, 1995.
- Rudoff Schnackenburg, The Gospel of Matthew, Eedmans Publishing Co., 2002, (xem bản dịch của Phạm Thị Huy, Nxb Tôn Giáo, 2010).
- T. France, The Gospel of Matthew –The New International Commentary on the New Testament, Eerdmans Publication Co, 2007.
- Luz, & H. Koester, Matthew 1-7 : A commentary on Matthew 1-7, Fortress Press, 2007.
- D. Davies, & D. C. Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, Vol.1, T&T Clark International, 2004.
- Albright, & C. S. Mann, Matthew: Introduction, translation, and notes ,Yale University Press, 2008.
- Nguyễn Công Đoan, Bài viết “Để giữ trọn Đức Công Chính Mt3,13-17” từDongten.net/noidung/29205 ngày 15.03.2014
[1] x. D. A. Hagner, tr. 61 và W. D. Davies, & D. C. Allison, tr. 352.
[2] W. D. Davies, & D. C. Allison, tr. 354.
[3] Xem www.Dongten.net/noidung/29205 ngày 15.03.2014 (bài viết Để giữ trọn Đức Công Chính Mt3,13-17)
[4] L. E. Keck, tr.162 và J. D. Kingsbury, tr.56.
[5] ibid, Tr. 352.
[6] D. N. Freedman, tr. 382.
[7] R. T. France, tr. 129 và D.J. Harrington, tr. 66.
[8] D. N. Freedman, tr. 380 và W. D. Davies, & D. C. Allison, tr. 356.
[9] x Donald Senior, tr. 106; Rudoff Schnackenburg, tr.50 và D. A. Hagner, tr. 62.
[10] x Donald Senior, tr. 106 và W. D. Davies, & D. C. Allison, tr.364.
[11] W. D. Davies, & D. C. Allison, tr.364.
[12] D. N. Freedman, tr. 382.
[13] Ibid, tr. 382.
[14] W. D. Davies, & D. C. Allison, tr.354.
[15] R.T. France, tr.129. và W. D. Davies, & D. C. Allison, tr.358.
[16] x J. D. Kingsbury, tr.56 và 117.
[17] U. Luz, & H. Koester, tr.152.
[18] Rudoff Schnackenburg, tr.52.
[19] W. D. Davies, & D. C. Allison, tr. 362.
[20] R. T. France, tr.131.
[21] W. D. Davies, & D. C. Allison, tr.365-66.
[22] Ibid, tr.368.
[23] U. Luz, & H. Koester, tr.153.
[24] R. T. France, tr.126.
[25] D. Davies, & D. C. Allison, tr.369.
[26] và D.J. Harrington, tr. 67 và D. Davies, & D. C. Allison, tr.370.
[27] Davies & Allison, tr.372.
[28] L. E. Keck, tr.164.
[29]Luz, U., & Koester, tr.153.
[30] U. Luz & H. Koester, tr.150
[31] J. Ratzinger, tr. 56
[32] X J. Ratzinger, tr. 66-67.
[33]W. F. Albright, & C. S. Mann, tr.36.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét