Trang

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Câu hỏi 50. Hỏa ngục có phải là một nơi?

Câu hỏi 50. Hỏa ngục có phải là một nơi?

Hỏa ngục ở đâu? Nếu bạn đào sâu xuống dưới lòng đất, xuyên qua lớp vỏ bề mặt và lớp vỏ mắc ma (magna), bạn sẽ tới lõi sắt của trái đất, nhưng sẽ không tìm thấy Ma Quỷ và tay sai của hắn. Hỏa ngục không có vị trí trong không gian, không có kinh độ hoặc vĩ độ. Không GPS nào có thể tìm thấy và cũng không có mã ZIP, hoặc mã vùng hoặc URL.
Tuy nhiên, hỏa ngục là có thật. Bách khoa toàn thư Công giáo (The Catholic Encyclopedia) trích dẫn lời thánh Gioan Kim Khẩu [John Chrysostom (347–407 AD)] nói với chúng ta rằng “Chúng ta không nên hỏi hỏa ngục ở đâu, nhưng nên hỏi làm thế nào chúng ta thoát khỏi đó.” Chúa Giêsu cảnh báo về lửa hỏa ngục (tiếng Do Thái gọi là Gehenna) ít nhất mười lăm lần trong các sách Tin Mừng. Tiếng Hy Lạp sử dụng hai từ cho hỏa ngục là hádés vàgéenna. Cũng vậy, tiếng Do Thái sử dụng tương ứng với hai từ Sheol và Gehenna. Từ đầu tiên chỉ nơi cư ngụ tạm thời của người đã chết, và từ thứ hai là một nơi ở vĩnh viễn. Tuy nhiên, tiếng Anh sử dụng một từ để diễn tả cả hai: hỏa ngục. Cách duy nhất để chúng ta phân biệt là một từ để nói về “hỏa ngục của người chết” và từ còn lại để nói về “hỏa ngục của người bị kết án đời đời”.
Sau tội nguyên tổ, không một linh hồn nào có thể lên thiên đàng cho đến khi loài người được Đấng Cứu Thế, là đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc. Chỉ có kẻ dữ mới đáng bị án phạt đời đời trong hỏa ngục, nhưng nếu họ không thể lên thiên đàng, mà lại không quá xấu để phải xuống hỏa ngục, thì họ đã đi về đâu? Điều gì đã xảy ra với A-Đam và E-và, Ab-ra-ham và Sa-ra, I-sa-ác, Gia-cóp, Giu-se, Ra-khen, Rút, Ét-te, Giút …? Các nhà thần học sử dụng thuật ngữ “hỏa ngục của người chết” để mô tả nơi các vị anh hùng tốt lành và đạo hạnh này của thời Cựu Ước đã đến và đợi hằng thế kỷ cho đến khi đấng Mê-si-a xuất hiện.
Tuy nhiên, kẻ dữ phải sa “hỏa ngục đời đời”. Đây là nơi ban đầu được tạo ra cho ma quỷ và và các sứ thần của nó. Thiên Chúa chỉ tạo ra những thiên thần tốt, nhưng một phần ba trong số họ đã ra hư hỏng vì ý chí tự do của mình. Lu-xi-phe là một trong những thiên thần thông minh nhất trong số đó. Mi-ca-e, Ga-ri-en, và Ra-pha-en (các tổng lãnh thiên thần) là một phần của hai phần ba các thiên thần đã chọn sự thiện. Những thiên thần xấu, Lucifer, Bê-en-dê-bun, As-mo-đê-us, và Lê-vi-a-than, trở thành những thiên thần “sa ngã”, và hỏa ngục được tạo ra cho chúng như là nơi ở vĩnh viễn; đó là một nơi rất khó chịu, đặc trưng bởi sự đau khổ triền miên, vì hoàn toàn vắng bóng tình yêu.
“Đau khổ của hỏa ngục” (poenae inferni) có hai loại. Đau khổ của mất mát (poena damni) là đau khổ vì vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Thiên Chúa là sự viên mãn những gì linh hồn con người khao khát và ước muốn – về căn bản, đó là chân lý và sự thiện – Hai điều này là đối tượng của của lý trí và ý chí. Lý trí tìm kiếm chân lý, và ý chí tìm kiếm điều thiện hảo; Cả lý trí và ý chí chỉ hoàn toàn thỏa mãn và trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý và Sự Toàn Thiện (summum bonum). Không bao giờ có được điều và chỉ điều duy nhất có thể khiến bạn hạnh phúc vĩnh cửu là đau khổ của mất mát. Đau đớn giác quan (poena sensus) là đau khổ thể chất đi kèm với đau khổ mất mát. Đó cũng chính là “lửa” và “khóc lóc nghiến răng”, là sự tra tấn và đau khổ phải chịu trong hỏa ngục – đặc biệt sau khi cơ thể được hợp nhất với linh hồn sau phục sinh.
Lửa là cách nói ẩn dụ, vì linh hồn phi vật chất nên không thể bị thiêu đốt, nhưng thân xác phục sinh có thể cảm nhận được đau đớn của sức nóng dữ dội và vĩnh viễn. Điều đó có nghĩa là những người trong hỏa ngục sẽ phải chịu khổ hình mãi mãi; sẽ không có dấu chấm hết cho sự trừng phạt. Hình phạt vĩnh viễn là một trong những lý do đáng để tránh sa hỏa ngục bằng mọi giá. Tuân thủ đèn đỏ và giới hạn tốc độ là một cách tốt để tránh tai nạn và tử vong, nhưng một động cơ khác là cảnh sát có thể lẩn trốn đâu đó và sẵn sàng phạt bạn chạy quá tốc độ. Cũng vậy, sợ hãi hỏa ngục có thể không phải là lý do tốt nhất để tránh phạm tội (do đó, nó được gọi là sám hối chưa trọn), nhưng cũng có thể là một lý do đủ. Lý do tốt nhất để tránh phạm tội hay để sám hối khi chúng ta phạm tội là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa (gọi là sám hối cách trọn).
Đàng khác, thiên đàng hoàn toàn ngược lại. Hỏa ngục cô đơn, không phải vì không có ai ở đó, nhưng là vì mọi người ở đó thù ghét lẫn nhau. Mọi người trong hỏa ngục muốn được ở một mình; mọi người trên thiên đàng hạnh phúc vì có những người khác ở đó. Về căn bản, các linh hồn trên thiên đàng được ơn “phúc kiến”. Giáo lý Công Giáo số 1028 định nghĩa: “Thiên Chúa siêu việt, nên ta chỉ thấy được Người khi chính Người mặc khải mầu nhiệm cho ta chiêm ngưỡng và khi Người ban cho ta khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong vinh quang Thiên Quốc được Hội Thánh gọi là “phúc kiến”. Nói cách khác, phúc kiến là biết Thiên Chúa trực tiếp và ngay lập tức, nhìn thấy Người diện đối diện và ở trong sự hiện diện của Người mọi lúc. Hiệu năng của ơn phúc kiến này là hạnh phúc vĩnh cửu và niềm vui bất tận.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 71-73.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét