Đức Ma-ri-a Không Tìm Được Chỗ Trong Nhà Trọ Phải Không?
Trích trong Bạn Biết Gì Về Kinh Thánh?
Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: ¿Qué sabemos de la Biblia?
của ARIEL ALVAREZ VALDES
San Pablo, Madrid 1999
Chuyển ngữ: Mát-thêu Vũ Văn Lượng, OP
Câu chuyện chúng ta nghe kể
Vào một đêm giá lạnh tiết tháng chạp, cách đây hơn hai ngàn năm, có một đôi vợ chồng trẻ từ Na-da-rét đăng trình tiến lên Bê-lem. Lúc ấy hoàng đế Rô-ma, Xê-da Au-gút-tô, truyền kiểm tra dân số khắp vùng ấy, và từng miền phụ cận Rô-ma phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.
Ông Giu-se, một thợ mộc, phải lên đường về Bê-lem là nguyên quán để khai tên tuổi. Cùng với ông và lừa, có bà Ma-ri-a đang đến thời mãn nguyệt khai hoa, tất cả cùng lên đường với hành trình đầy khó khăn hơn một trăm năm mươi cây số.
Cuối cùng, ông Giu-se cũng đến được thành của mình và thấy mọi sự đều tĩnh lặng. Ông xem xét hoàn cảnh nơi này và mong tìm được ngay một nhà trọ cho vợ ông. Nhưng đi hết nhà này sang nhà nọ, ông thấy tất cả đều đông nghẹt người. Thực ra, cuộc điều tra dân số xảy ra vào những thời điểm khác nhau trong các vùng của Bê-lem nhằm ghi tên tuổi vào sổ bộ Rô-ma.
Ông không tìm được một ngôi nhà cho bà Ma-ri-a trú ngụ để bà sinh hạ con bà. Ông không tìm được nhà nào, và bất chợt ông thấy một ngôi nhà, đúng ra là một nhà trọ. Nhưng ông vô cùng thất vọng khi chủ nhà cho ông hay rằng không còn chỗ trống nào cả.
Cuối cùng, ông Giu-se, cùng với bà Ma-ri-a đang lúc chuyển dạ và đau đớn vì sắp sinh con, phải vào ngay một cái hang giống như cái chuồng dành cho súc vật và họ ở trong đó. Nơi hang lừa cô quạnh ấy, bà Ma-ri-a đã sinh hạ con trai đầu lòng, rồi khẽ đặt con trẻ trong máng cỏ, tức là đặt trong máng đựng cỏ cho gia súc ăn có hình dạng loe rộng tựa chiếc nôi.
Từ khi con người đóng cửa lòng mình trước Đấng ngự đến để cứu độ con người, thì con Thiên Chúa phải sinh ra trong hang lừa.
Tin Mừng có nói đến điều này không?
Trình thuật này cũng được Tin Mừng nói đến, được đọc và suy niệm rất nhiều lần, nhất là gần đến lễ Giáng Sinh, và nảy sinh hai vấn đề sau.
Thứ nhất, sự kiện không phù hợp đúng với Tin Mừng. Trong Tin Mừng, chẳng có chỗ nào nói bà Ma-ri-a lên đường đến Bê-lem vào gần thời điểm sinh con. Thực ra, Tin Mừng chỉ nói : “Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2,6). Tin Mừng cũng chẳng nói đến việc hai ông bà đi hết nhà này sang nhà nọ, chỗ trọ này đến chỗ trọ khác để tìm nơi trọ. Điều dễ dàng lý giải cho sự việc khó giải thích này là bà Ma-ri-a đã sinh con trong một cái hang dành riêng cho súc vật trú ngụ và vì Tin Mừng nói : “Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7).
Một ông Giu-se liều lĩnh quá!
Thứ hai, có khá nhiều những vấn nạn được đặt ra :
a. Chính ông Giu-se là người phải đến để khai tên tuổi, còn vào thời ấy không buộc phụ nữ có mặt trong việc điều tra dân số, vì chỉ chủ hộ có mặt là đủ. Vậy tại sao ông lại đem theo bà Ma-ri-a lên Bê-lem?
b. Tại sao ông Giu-se lại liều lĩnh để đến giờ phút chót mới lên đường, đang khi vợ ông đang tới thời điểm sinh con?
c. Một người khôn ngoan và khéo léo như thế lại không có thể tìm được một nơi tương đối thích hợp cho vợ mình sắp sinh nở, vì ông biết rằng con trẻ sắp được sinh ra không ai khác chính là Con Thiên Chúa sao?
d. Chính ông có nguyên quán tại Bê-lem và đã trở về thành của mình. Chẳng lẽ ông lại không có lấy ngôi nhà để cư ngụ?
e. Đối với người phương Đông, lòng hiếu khách là một bổn phận lành thánh, nhất là việc tiếp đón người khác phải là hàng đầu, vậy không có chuyện là không có ai mở cửa nhà mình để tiếp đón ông Giu-se, dù ông không là bà con họ hàng, khi thấy hoàn cảnh của bà Ma-ri-a như thế?
Tất cả vì một hạn từ
Những vấn đề trên cho thấy chúng ta đi vào con đường không có lối thoát.
Khúc mắc ở chỗ nào? Vấn đề là chúng ta đã đưa ra những lối giải thích sai lạc với Tin Mừng và cố tưởng tượng ra từ những gì bản văn Kinh Thánh nói.
Và sự sai lạc của mọi chuyện đó là hiểu và dịch sai một hạn từ trong bản văn Tin Mừng, từ đó gây ra nhầm lẫn và thúc đẩy óc tưởng tượng của nhiều thế hệ độc giả.
Về hạn từ Hy Lạp “katalyma” (kata,luma) thì phần lớn các bản dịch Kinh thánh dịch là “nhà trọ, nhà nghỉ, quán trọ, lữ quán”. Nếu dịch hạn từ này với nghĩa như vậy, thì câu này trong Tin Mừng là “Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”.
Nhưng trong Kinh Thánh Hy Lạp, hạn từ này còn có một nghĩa khác nữa là “chỗ ở, căn nhà, căn phòng”, nghĩa là một phần riêng biệt trong căn nhà riêng biệt kín đáo.
Vì thế, “katalyma”, nơi hai ông bà không tìm được chỗ, thực sự nghĩa là gì?
Hạn từ “katalyma”
Để hiểu rõ được điều mà thánh Lu-ca qua Tin Mừng của thánh nhân muốn nói cho chúng ta, chúng ta phải đặt mình trong bối cảnh Pa-lét-tin nơi mà nhà cửa không chia các phòng như nhà cửa chúng ta thời nay.
Với kiến trúc thô sơ lúc bấy giờ, nhà cửa được thiết kế gồm một khu vực quan trọng có thể đặt được tủ, dụng cụ, bàn ghế, thực phẩm, bếp núc, và chỗ để khi đêm về trải chiếu mà ngủ, ai nấy nằm chỗ mình thích.
Do đó, khu vực quan trọng này chính là thế giới nhỏ bé của gia đình, nơi đó đời sống gia đình và sự chuyển tiếp của từng thế hệ cứ tiếp nối nhau, ít nhiều giống phần lớn các ngôi nhà nông dân.
Tuy nhiên, ngoài khu vực chính yếu này, căn nhà còn có thêm một vài khu vực riêng nhỏ hơn để thỉnh thoảng sử dụng làm nơi chứa đồ dùng hoặc để tiếp khách vãng lai, có thể có thêm những khu vực tách biệt để làm thành một nơi kín đáo lớn hơn.
Nơi dành cho sản phụ
Trước hết, nơi này được dành riêng trong nhà khi có phụ nữ sắp sinh nở. Thực ra tại Ít-ra-en, khi phụ nữ sinh con, dù đứa trẻ là trai hay gái, thì bà ta bị coi là ô uế khoảng bốn mươi hoặc tám mươi ngày, vì tình trạng bị rong huyết. Và khi bà ta đụng vào vật gì, giường bà nằm và cả bất cứ những nơi bà ngồi thì đều trở nên ô uế. Và hễ người nào đụng vào bà ta hoặc đụng vào đồ vật bà ta chỉ đụng nhẹ vào, thì người ấy tự động ra ô uế (x. Lv!5,19-24).
Đối với người Híp-ri, một người ô uế sẽ bị cô lập khỏi xã hội, bị coi là vô phúc trước mặt Thiên Chúa và người khác : người ấy không được đến hội đường, không được liên hệ với bất cứ ai, cho đến dịp nghi lễ thanh tẩy là nghi lễ kéo dài và rườm rà. Vì vậy, việc đề phòng đối với mỗi lần sinh con là lý do người mẹ phải ở trong một “katalyma”, nghĩa là trong một nơi riêng biệt trong nhà, chứ không được ở nơi công khai.
Tất cả những điều ấy thì quá rõ ràng
Tuy nhiên, chúng ta tin là vào lúc tác giả Tin Mừng Lu-ca, khi viết “không có chỗ trong ‘katalyma’”, thì ngài không có ý nói đến một nhà trọ như các bản dịch Kinh Thánh thường dịch, mà nói đến một nơi trong căn nhà riêng biệt, đây là cách dịch khả dĩ để dịch hạn từ Hy Lạp này.
Về vấn đề này, tất cả những điều chưa xác thực đã được lý giải khỏi nghi hoặc, bản văn Tin Mừng rất mạch lạc và nhân vật Giu-se xuất hiện trong vị thế người cha đầy trách nhiệm và người chồng đầy khôn ngoan.
Do đó, chúng ta có thể bắt đầu đọc Tin Mừng dưới ánh sáng của lối giải thích mới mẻ này, lối giải thích này không hề tuỳ tiện hay thêm bớt sai lạc nào.
Cùng với một người nữ đang mang thai
Khi biết được hoàng đế Rô-ma truyền kiểm tra dân số, ông Giu-se lúc ấy đang ở Ga-li-lê quyết định trở về Bê-lem, nơi ông được sinh ra (x. Lc 2,4).
Lẽ thường là để vợ mình là Ma-ri-a ở lại Ga-li-lê vì ông thấy rằng theo luật thì bà không cần phải có mặt trong cuộc kiểm tra dân số. Nhưng việc ông đem theo bà với mình, bất chấp tình trạng bà đang mang thai, là vì ông nghĩ đến việc dọn hẳn về Bê-lem luôn. Điều này xem ra hợp lý vì ông cho rằng đó là nguyên quán và là nơi có bà con thân thuộc, có tài sản và nhà cửa đàng hoàng.
Điều này được thánh Mát-thêu nói rõ khi kể rằng lúc từ Ai Cập trở về, sau khi các con trẻ bị giết hại ở Bê-lem, ông Giu-se và bà Ma-ri-a muốn định cư hẳn tại Bê-lem. Nhưng vì sợ tiểu vương Ác-khê-lao cai trị lúc bấy giờ, họ phải đổi nơi đến và lui về Na-da-rét (x. Mt 2,22).
Do đó, nếu ông Giu-se có nhà cửa tại Bê-lem, thì ông quả là đúng khi nghĩ rằng phải đem bà Ma-ri-a cùng đi, vì ở nhà mình mới ổn định được.
Vì vậy, với sự khôn ngoan của những con người thánh thiện và nhằm tránh khó khăn lúc sau này, ông lên đường vào thời gian thuận tiện. Hành trình ấy kéo dài suốt mười ngày vì đường xá lúc ấy xa xôi cách trở, và họ đã đến được quê quán mình vài tháng trước khi sinh.
Trong hang lừa, nhưng đầy ấm cúng
Về điều này, Tin Mừng nói rằng “khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2,6).
Tới ngày kiểm tra dân số, nhiều người Bê-lem từ khắp nơi đổ về thành Bê-lem để tìm chỗ trong nhà trọ hay về nhà của mình.
Ông Giu-se và bà Ma-ri-a có lẽ cũng cho bà con và bạn hữu trọ ở tất cả mọi nơi trong nhà của hai ông bà.
Xảy ra là khi gần đến ngày sinh, bà Ma-ri-a nghĩ rằng không còn chỗ nào có thể sinh hạ bình thường và không muốn gây phiền hà cũng như không muốn bị phiền hà, và trên hết là không muốn làm ô uế tất cả những người trong căn nhà. Như vậy không có chỗ trong phòng riêng biệt của căn nhà, tức là trong “katalyma”.
Vì lý do này, do không muốn phiền hà bà con thân thuộc, hai ông bà lui vào một chuồng lừa mà nhà nào ở Bê-lem cũng có, thậm chí có nhiều hơn, để cho súc vật ở.
Và trong chuồng lừa của căn nhà riêng biệt, nơi thích hợp để trú ngụ và được ông Giu-se sắp xếp cẩn thận, hai vợ chồng thánh thiện này tìm được một nơi thích hợp nhất để làm chỗ cư ngụ lâu dài cho người vợ mới sinh con.
Vậy khi vấn đề này đã được lý giải, chúng ta đọc bản văn này với bản dịch chính xác như sau : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt con nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong phòng riêng” (Lc 2,7).
Không có chỗ “cho họ”
Tác giả Tin Mừng Lu-ca, luôn chính xác trong từng tình tiết, đã nói rõ rằng không có chỗ “cho họ”.
Điều này cho thấy những người khác ở đó có chỗ để trú ngụ, vì ở Pa-lét-tin giường nằm chỉ là tấm nệm trải trực tiếp trên nền đất.
Nhưng đối với hai ông bà là những người phải giữ các chỉ thị của luật Híp-ri liên quan đến việc tẩy uế theo nghi thức, thì không có chỗ “cho họ”.
Hơn nữa, có thể lý giải thêm rằng : “đối với họ” có thể có quá nhiều đang lưu trú có thể gây phiền hà , hoặc là vì sự kỳ diệu và sự hấp dẫn của Mầu Nhiệm mà họ phải ra sức gìn giữ , rồi cũng có thể là vì không có chỗ ở giữa nơi đi đi lại lại, ở giữa chốn ồn ào và sự hỗn tạp đang bao phủ gian chính căn nhà.
Điều này có nghĩa là có một trong những cái hang súc vật được dùng làm phòng ở, trong căn nhà của gia đình ông Giu-se tại Bê-lem, và đây là nơi Đấng Mê-si-a được sinh ra.
Xác nhận điều ấy là một dụ ngôn
Vì thế, có thể khẳng định được rằng trong tiếng Hy Lạp của Tin Mừng Lu-ca, từ “katalyma” có nghĩa là phòng riêng trong căn nhà, chứ không có nghĩa là phòng trọ?
Khẳng định như vậy là đúng. Đoạn Tin Mừng nói về bữa tiệc ly cũng minh hoạ điều này. Khi truyền cho ông Phê-rô và Gio-an đi tìm một căn nhà trong thành để chuẩn bị Lễ Vượt Qua, Đức Giê-su nói với họ : “Các anh hãy thưa với chủ nhà : ‘Thầy nói với ông : Thầy ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy ở phòng riêng (katalyma) nào?’” (Lc 22,11). Điều này có nghĩa là Đức Giê-su chẳng cử hành bữa tiệc ly trong một nhà trọ nào cả, nhưng trong một căn nhà mà chủ nhà chuẩn bị một chỗ dành riêng cho Người và các Tông Đồ.
Và hạn từ này xác nhận dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu. Trong dụ ngôn này, thánh Lu-ca kể về việc người đưa kẻ bị nạn vào một quán trọ và sử dụng từ có liên hệ với từ “quán trọ” là “pandokheion”, chứ không phải từ “katalyma”.
Điều này có nghĩa là khi thánh Lu-ca sử dụng từ “katalyma”, thánh nhân không ám chỉ đến một quán trọ. Như vậy, nó cũng chẳng liên quan gì đến bà Ma-ri-a và ông Giu-se.
Những bằng chứng khác
Thánh Mát-thêu cũng nói về điều này giống như vậy. Khi nói về việc các nhà chiêm tinh vừa đến nơi, thánh Mát-thêu nói rằng họ thấy Hài Nhi vừa sinh ra và ngôi sao đã dẫn đường họ tới một căn nhà (x. Mt 2,11), nghĩa là không tới một cái hang nào cả vốn là nơi được cho là gia đình thánh gia đã trú ngụ vì không có nơi ở, nhưng tới một căn nhà riêng của ông Giu-se ở Bê-lem.
Các cuộc khai quật đào bới của khoa khảo cổ cũng đem lại thành quả quan trọng về vấn đề này. Thực ra, tại thành Bê-lem vẫn còn cái hang mà truyền thống vẫn coi là nơi Đức Giê-su sinh ra. Tất cả những nghiên cứu của khoa khảo cổ đang nghiên cứu về điều này và đào bới khắp ngóc ngách các con đường ở Pa-lét-tin thì khẳng định rằng họ không tìm thấy một cái hang nào cả, mà chỉ thấy có cái gì giống như một chuồng bò gắn liền với căn nhà. Tại chỗ căn nhà này, ngày nay người ta xây lên một vương cung thánh đường nguy nga.
Một Giu-se như Thiên Chúa muốn
Một số giáo xứ, khi đến ngày Lễ Giáng Sinh, quy tụ lại trình diễn hoạt cảnh Giáng Sinh có các cảnh hài nhi cùng với bà Ma-ri-a và ông Giu-se, sau khi bị nhiều người từ chối, cuối cùng hai ông bà trú ngụ trong một cái hang lừa, nơi Hài Nhi sinh ra.
Cảnh khi đến Bê-lem vào lúc nửa đêm, hai ông bà gõ cửa các căn nhà và quán trọ, nhưng tất cả mọi người đều từ chối, diễn tả hình ảnh một ông Giu-se nghèo khổ chẳng ai biết đến. Việc làm xem ra thiếu thận trọng và thiếu khôn ngoan như thế có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người vợ của ông.
Quả thực, đó là một cảnh tượng thê lương. Nhưng ông Giu-se thành Bê-lem là một người cha thực sự của Đức Giê-su và một người chồng đích thực của bà Ma-ri-a. Vai trò của ông thực sự cần thiết trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Đạo lý để lại
Để sinh ra, Đức Giê-su Ki-tô đã được chuẩn bị cho ngài gian phòng, túp lều, căn nhà. Tất cả là của Người. Cha Người, ông Giu-se, là người cha theo pháp lý, đã chuẩn bị tất cả mọi điều cho lúc Đức Giê-su đến trần gian này. Nhưng vì những lý do lịch sử, vào lúc Người sinh ra ở đó có những người khác lại cần đến sự chuẩn bị đó. Vì thế, ông Giu-se đã quyết định rời bỏ chỗ tiện nghi và đi đến một hang lừa tăm tối.
Các nhà tâm lý nói rằng những kinh nghiệm trước khi sinh sẽ ảnh hưởng hoàn toàn đến những đứa trẻ sinh ra. Điều gì đến thì đến, sự kiện này nhằm lý giải ngay từ đầu cách thức đón nhận Đức Giê-su vào căn nhà của mình và để lại dấu ấn mãi mãi.
Đức Giê-su không thể sinh ra trong sự nghèo hèn vì hoàn cảnh đòi buộc như thế, nhưng vì ông Giu-se tự do chọn lựa. Và khi khôn lớn, Đức Giê-su hoàn toàn ấp ủ sống cảnh nghèo khổ và trung tín suốt cuộc đời mình.
Sống cảnh nghèo khổ, Người chia sẻ những gì Người có, bao bọc chở che những ai túng nghèo, ăn uống những gì người ta cho, và chết trong cảnh nghèo hèn tột độ. Người không đòi điều gì cho mình, không cần giữ lại điều gì mà người khác đang thiếu thốn. Người thấy cần nhất mực áp dụng nguyên tắc nếu ai đó cần nơi trú ngụ của Người, thì Người đi tới một hang lừa.
Sau cùng, cha của Người đã dạy điều đó cho Người.
--------------------------------------------------------------
Câu hỏi gợi ý
1. Theo những ghi nhận bình dân, khi gia đình thánh gia đến Bê-lem vào lúc nửa đêm, thánh Giu-se đã hình dung ra điều gì?
2. Những chi tiết nào mà chúng ta thường sử dụng để nói đi nói lại về cảnh Đức Giê-su sinh ra, và theo truyền thống thì Tin Mừng nói gì?
3. Việc Đức Giê-su hạ sinh nghèo hèn trong một cái hang lừa là một sự kiện ngẫu nhiên xảy ra hay do ông Giu-se tự ý chọn lựa? Giả thuyết nào trong hai giả thuyết trên có nền tảng Kinh Thánh?
http://catechesis.net/index.php/thanh-kinh/tong-quat/4489-duc-ma-ri-a-khong-tim-duoc-cho-trong-nha-tro-phai-khong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét