Trang

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Thiên Chúa của Ít-ra-en là Gia-vê hay Giê-hô-va?

Thiên Chúa của Ít-ra-en là Gia-vê hay Giê-hô-va?
Trích trong Bạn Biết Gì Về Kinh Thánh?
Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: ¿Qué sabemos de la Biblia?
của ARIEL ALVAREZ VALDES 
San Pablo, Madrid 1999
Chuyển ngữ: Mát-thêu Vũ Văn Lượng, OP
Khi có nhiều các thần
Một người mở cuốn danh bạ điện thoại để tìm họ tên những người mà mình muốn liên lạc. Nhưng chỉ khi biết chính xác tên, người ấy mới có thể liên lạc được.
Trong thế giới cổ xưa, con người cũng theo cách thức trên mà liên lạc với các thần. “Panteon”, nghĩa là “tất cả các thần” mà mỗi dân tộc có và thờ kính, thì quá đông đảo đến nỗi con người không thể thờ kính cho phải lẽ và không biết được tên của các thần. Tất cả các thần đều thi hành chức năng đặc biệt cho con người, và chỉ khi khẩn cầu vị thần cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu, con người mới có thể đạt được những phúc lộc mong muốn. Do đó, nhầm lẫn tên vị thần mình muốn cầu khẩn là liều để mất những trợ giúp từ trời.
Vì thế, ngôn ngữ nào cũng có từ “thần” và từ này dùng để chỉ các thần nói chung. Nhưng mỗi vị thần có tên riêng của mình.
Chẳng hạn, người Su-mê ngoài việc sử dụng danh từ chung “các thần”, còn gọi riêng “An” chỉ thần trời, “Enlil” chỉ thần không trung, và “Enki” chỉ thần đất.
Người Ba-bi-lon tin vào Shamash (thần mặt trời), Sin (thần mặt trăng), và Ishtar (thần tình yêu).
Tại Ai Cập, trong số mười vị thần được tôn kính ở những vùng khác nhau, người ta còn cầu khẩn các thần Amón, Nut, Hator, Osiride và Iside theo những tâm tình đạo đức khác nhau.
Thiên Chúa ở giữa bụi gai
Từ rất xa xưa, dân Ít-ra-en cũng tin rằng tất cả các thần cũng hiện diện để bảo vệ các dân khác nữa. Tuy nhiên, dân Ít-ra-en chỉ đón nhận một vị thần duy nhất và tôn thờ vị thần này theo cách thức độc nhất, đó là Gia-vê.
Việc phát âm từ này gây ra một vấn đề rắc rối nho nhỏ. Thực ra, trong khi nhiều người cho rằng đọc từ ấy là “Gia-vê” thì đúng, nhưng một số khác lại cho đó là sai và phải đọc là “Giê-hô-va”.
Đâu là căn nguyên nhầm lẫn này? Để trả lời điều này, chúng ta cần đọc lại Sách Xuất Hành, trong đó nói rằng khi Thiên Chúa giải thoát dân Ít-ra-en của Người khỏi ách nô lệ Ai Cập, Người chọn ông Mô-sê để chỉ huy cuộc ra đi lớn lao ấy.
Vào một ngày, trong khi ông chăn chiên cho bố vợ ông, thì Thiên Chúa hiện ra với ông trong đám lửa ở giữa bụi cây và tỏ cho ông biết ý định của Người là sai ông đi đến với người Híp-ri ở xứ sở của Pha-ra-ô (x. Xh 3,1-10).
Ông Mô-sê muốn biết đích danh Thiên Chúa, thì Người tỏ cho ông biết theo cách thức đầy lạ lùng và ông không thể hiểu được nên nói: “Con đi đến với con cái Ít-ra-en và nói rằng Thiên Chúa của cha ông anh em đã sai tôi đến với anh em, và nếu họ hỏi con tên Ngài là gì, thì con sẽ trả lời thế nào?” Thiên Chúa nói với ông: “Chính Ta là Đấng TA LÀ”. Người còn nói: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Gia-vê đã sai tôi. Đây là danh Ta đến muôn đời và trong danh ấy Ta sẽ được kêu cầu từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,14-15).
Một Danh xưng giàu ý nghĩa
Các học giả Kinh Thánh muốn xem xét ý nghĩa câu trả lời bí ẩn này. Tuy nhiên, cho đến giờ không có những đề nghị nào được đồng thuận.
Chúng ta biết chắc rằng Danh ấy liên quan đến động từ Híp-ri “häyäh” có nghĩa “là, có”, và vì thế Danh Gia-vê thường được dịch là “Đấng LÀ”. Nhưng “Đấng LÀ” nghĩa là gì?
Trong số những cách dịch được đề nghị, chúng ta thấy những cách dưới đây được chấp thuận nhiều nhất:
1. Đấng Sáng Tạo, nghĩa là Đấng ban sự hiện hữu cho muôn loài muôn vật.
2. Đấng Hằng Hữu, nghĩa là Đấng không ngừng hiện hữu.
3. Đấng Tự Hữu, vì Người không cần một hữu thể nào làm cho hiện hữu.
4. Đấng Thực Hữu, đối lại với các thần khác không thực hữu, không tồn tại.
5. Đấng Khôn Tả, nghĩa là không hề liên hệ với một danh xưng nào, nhưng liên hệ đến một lời đáp trả bí ẩn của Thiên Chúa, đến độ Danh đích thực của Người không hiển lộ cho con người biết được và cũng không được xưng tụng trong những lễ nghi ma thuật như những dân khác thường làm.
6. Đấng Tác Thành, nghĩa là Đấng hành động vì chúng ta, Đấng đồng hành với chúng ta, Đấng gắn bó với dân Người. Lối hiểu sau cùng này được phần lớn các nhà chú giải chấp thuận, khi chú ý đến lời Thiên Chúa trước đó đã nói với ông Mô-sê: “Chính Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12).
Tốt hơn là đừng nêu danh xưng ấy ra
Tuy nhiên, có một vấn đề khác nảy sinh từ biến cố Xi-nai là vấn đề công bố danh này. Thực ra, khi Thiên Chúa trao Mười Điều Răn cho ông Mô-sê, Người phán: “Ngươi không được nêu danh Gia-vê, Thiên Chúa của ngươi, cách vô cớ, vì Gia-vê sẽ trừng phạt kẻ nêu danh Người cách vô cớ” (Xh 20,7).
Vì thế, người Ít-ra-en mới hỏi: “Cách vô cớ nghĩa là gì? Khi nào danh Thiên Chúa được nêu cách vô cớ?” Gia-vê không giải thích cho họ. Và ông Mô-sê qua đời mà không giải thích cho họ biết và ngay cả ông cũng chẳng biết nữa.
Dù thế nào đi nữa, từ lâu dân Ít-ra-en cũng chẳng gặp khó khăn gì và vẫn kêu danh ấy mà không bận tâm lắm. Tuy nhiên, sau thế kỷ VI trước công nguyên, lúc lưu đày từ Ba-by-lon trở về, khi dân bắt đầu lo đến việc tuân giữ nghiêm ngặt Luật Mô-sê, thì họ gặp khó khăn là làm sao trình bày được lệnh cấm nêu danh ấy. Các thầy thông Luật và những người lãnh đạo dân đã tranh luận với nhau và đi đến kết luận rằng “cách vô cớ” không chỉ là thề gian, mà còn đưa đến tất cả lối áp dụng thiếu suy xét hay lạm dụng và vụ hình thức khi kêu đến danh ấy.
Và để duy trì sự kính trọng hết mực, dân Ít-ra-en quyết không đọc danh thánh Gia-vê. Khi danh Thiên Chúa xuất hiện trong bản văn Kinh Thánh, độc giả phải đọc là “Adonai”, tiếng Híp-ri nghĩa là “Chúa của tôi”.
Sở dĩ những người Híp-ri sử dụng kiểu đọc trên là nhằm tránh kêu trực tiếp danh vĩ đại của Thiên Chúa. Danh Thiên Chúa bao gồm bốn mẫu tự được gọi là “tetragramma” thánh (từ có bốn mẫu tự) (do tiếng Hy Lạp “tetra” nghĩa là “bốn”, “gramma” nghĩa là “chữ, mẫu tự”) và được viết là YHWH.
Để tiết kiệm giấy
Như chúng ta biết, tiếng Híp-ri mang nét đặc trưng riêng: các từ được viết toàn bằng phụ âm, không có nguyên âm. Khi so sánh với ngôn ngữ hiện đại của chúng ta, ngôn ngữ này rất khác lạ vì phát sinh từ một nhu cầu khẩn thiết mà người dân cổ xưa cảm nhận: nhu cầu lưu truyền sách thánh.
Vào thời đó, để viết các thủ bản, người ta sử dụng giấy cói và giấy da, rất hiếm và đắt tiền. Điều này khiến bất cứ ai muốn soạn thảo thủ bản nào đều phải coi trọng hoàn cảnh nhằm tận dụng được hết nguồn chất liệu quý giá ấy.
Vì thế, có hai kiểu viết sau: viết tất cả các mẫu tự liền nhau không tách rời, và không thêm nguyên âm vào. Điều này khi đọc có thể thêm các nguyên âm riêng tương ứng với từng mẫu tự, vì các nguyên âm là những dấu hiệu giúp nhận diện tất cả mặt chữ. Chính vì thế mà toàn bộ các sách Cựu Ước đều được viết bằng tiếng Híp-ri và được biên soạn mà không có nguyên âm.
Hàng ngàn năm trong tình trạng không rõ ràng
Trải qua dòng thời gian, chúng ta có thể tưởng tượng được sự khó khăn là đọc một cuốn sách mà tất cả các mẫu tự viết liền nhau và chẳng có nguyên âm. Nhưng có thể nhận diện câu văn bằng cách tách thành từng phần từng câu, và khi hoán chuyển các nguyên âm thì cũng thay đổi ý nghĩa của mỗi từ. Chúng ta thử tưởng tượng ngày nay tiếng Ý chỉ có các phụ âm viết liền nhau thế này “bn”, thì có thể suy ra các từ như “buono” (tốt lành), “beone” (say xỉn), hay “bene” (tốt). Tương tự, một nhóm phụ âm viết thế này “lmn”, chúng ta liên tưởng đến các từ như “limone” (quả chanh), “la mano” (tay), hoặc “lumino” (đèn ngủ).
Thực ra, dựa vào toàn bộ văn mạch có thể suy ra được ý nghĩa, nhưng không phải lúc nào cũng suy ra được. Vì vậy, trải qua nhiều thế kỷ, bản văn Kinh Thánh Híp-ri vẫn luôn là bản văn khó đọc hơn nhiều, khó hiểu hơn và cũng khó duy trì được tính thống nhất của bản văn.
Qua dòng thời gian, sự nhầm lẫn kéo dài đến cả ngàn năm, cho đến thế kỷ VII công nguyên mới trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, dù cộng đoàn có cùng bản Kinh Thánh Híp-ri, nhưng được đọc nhiều nơi khác nhau trong từng vùng, và do cách đọc ngắt câu khác nhau, nên nảy sinh cách phân câu khác nhau, hoặc khi đọc cho thêm hoặc bớt đi các nguyên âm, hay có những quên sót khi đọc trong quá trình biên soạn nhiều lần, nên mới xuất hiện nhiều thủ bản Kinh Thánh khác nhau.
Các ráp-bi đã cứu vãn
Theo trường phái ráp-bi thuộc thành Ti-bê-ri-a, mạn bắc Ít-ra-en, có một nhóm các thầy ráp-bi được gọi là “ma-sô-rê” (tiếng Híp-ri “mäsörä” nghĩa là “truyền thống”, vì sự kiện có những người tìm cách bảo tồn truyền thống), quyết định điều chỉnh một lần tất cả cách phát âm chuẩn xác bản văn thánh và đưa ra một điều mới mẻ cho ngôn ngữ Híp-ri: soạn tác một hệ thống nguyên âm gồm các dấu gạch và dấu chấm được đặt dưới hoặc trên các phụ âm.
Tuy nhiên, trong khi đặt các nguyên âm vào các thủ bản, các ráp-bi cũng thêm các nguyên âm vào từ thánh thiêng có bốn mẫu tự YHWH, một từ còn nhiều bàn luận: qua nhiều thế kỷ, từ này vẫn không được đọc, hầu như không có ai khẳng định những nguyên âm nào trong từ này là chuẩn xác. Sau đó, họ đã lấy các nguyên âm của từ “Adonai” (a-o-a) gắn lần lượt vào từ này và đọc lên. Cần chú ý mẫu tự Híp-ri “i” cuối cùng của từ “Adonai” là một phụ âm, không phải nguyên âm, nên không cần phải bàn đến.
Chỉ có điều đổi nguyên âm đầu tiên “a” thành “e” vì lý do ngữ âm học Híp-ri: theo hệ thống viết do các Ráp-bi soạn tác, phụ âm đầu tiên “Y” của từ có bốn mẫu tự không thể gắn chung với nguyên âm “a” được, vì nó là phụ âm yếu, nên phải đổi nguyên âm “a” thành “e”, do “e” là nguyên âm mạnh.
Dù có kiểu đọc mới đi nữa thì từ YHWH vẫn phải được đọc là “Adonai” trong bản văn Kinh Thánh.
Đầu thế kỷ XIV, danh xưng thánh YHWH bắt đầu được đọc có nguyên âm do nhóm ma-sô-rê thêm vào là “e-o-a” và tạo thành YeHoWah, đọc là “Giê-hô-va”, do sự phối hợp giữa các phụ âm của từ YHWH (Gia-vê) và các nguyên âm của từ “Adonai”, mà hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì.
Cho đến các Ki-tô hữu
Khi tiếng Híp-ri Trung cổ chấm dứt, sự nhầm lẫn này càng nhân rộng trong mọi giới Ki-tô hữu cho đến ngày nay. Qua các nhạc phẩm của Händel trong những buổi hoà nhạc thánh, thậm chí qua các bài thánh ca bình dân của hội thánh Công giáo, thì danh Thiên Chúa luôn được viết là Giê-hô-va.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, các học giả Kinh Thánh hiện đại mới xem xét đến sự nhầm lẫn này. Với nhiều bằng chứng, các chuyên viên Kinh Thánh cho thấy kiểu đọc “Giê-hô-va” là sai, và họ ủng hộ việc đọc các phụ âm ấy với các nguyên âm “a-e” mới đúng, nghĩa là phải đọc “Gia-vê” (YaHWeH).
Ban đầu, tất cả các từ “YaH” trong Kinh Thánh đều là viết rút ngắn của từ “YaHWeH”. Chẳng hạn, Abdia, Abdi-Yah (tôi tớ của Gia-vê) ; Elia, Eli-Yah (Thiên Chúa của tôi là Gia-vê) ; Geremia, Geremi-Yah (Gia-vê đỡ nâng) ; Isaia, Isai-Yah (Gia-vê cứu độ). Vì thế, nguyên âm đầu tiên không là “e” mà là “a”. Nguyên âm “a” này là nguyên âm mạnh trong hệ thống chữ viết của Ma-sô-rê, khác với nguyên âm “a” trong từ “Adonai”.
Điều này được thấy rõ trong lời tán dương phụng vụ “Hallelu-Yah”, nghĩa là “các bạn hãy tán tụng Gia-vê”.
Danh thiện hảo này cũng được các văn sĩ cổ thời, như thánh Cơ-lê-men-tê A-lê-xan-ri-a thế kỷ IV, nói đến và phiên âm danh xưng này bằng tiếng Hy Lạp là “Iauè”.
Một tác phẩm của tác giả Thê-ô-đô-rê-tô Ky-rô thế kỷ V, khi chú giả sách Xuất Hành, đã viết thánh danh này là “Iabè”.
Vậy danh xưng này được đọc thế nào?
Ngày nay, chẳng còn ai đọc là “Giê-hô-va” nữa. Và hầu hết mọi người đều cho rằng hình thức chuẩn xác của danh Thiên Chúa trong Cựu Ước là Gia-vê, nhưng không thống nhất cách viết danh xưng này. Một số người trung thành viết là “Yahweh”, số khác viết là “Yahwe”, và một số khác nữa viết là “Yawe”.
Cuối cùng, Hội thánh Tin Lành, dù vẫn còn những người bảo thủ cực lực phản đối, đã đón nhận thành quả của việc nghiên cứu hiện đại và bỏ qua việc sai sót xa xưa. Như các sách chú giải mới đây, các bản Kinh Thánh của nhiều giáo hội khác nhau hầu như đều lấy lại kiểu viết “Gia-vê”[1].
Ngay từ đầu bàn đến danh Thiên Chúa, chúng ta đã nói đến danh xưng này có một rắc rối nho nhỏ. Vấn đề là thực ra đối với Thiên Chúa chúng ta đọc danh của Người có khác biệt đôi chút theo cách này cách kia, hoặc gọi danh xưng này là Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng, Đấng Hằng Hữu, hoặc Đức Chúa. Điều quan tâm nhất không phải là danh xưng ấy được đọc thế nào, cho bằng chúng ta thể hiện niềm tin và lòng mến thế nào qua các việc làm của chúng ta.
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa như chúng ta kêu đến danh Người, dĩ nhiên chúng ta kêu xin đến danh Giê-su: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời …”.
Câu hỏi gợi ý
1. Từ “Gia-vê” có thể có bao nhiêu nghĩa?
2. Trong Xh 20,7, vì lý do gì mà người Híp-ri bị cấm nêu danh Thiên Chúa cách vô cớ?
3. Điều gì làm cho dân Ít-ra-en quên cách phát âm danh Thiên Chúa?
4. Có bao nhiêu lập trường cho thấy những nguyên âm nào được gắn vào danh xưng này?
5. Những lối ứng xử nào cho thấy chúng ta nêu danh Thiên Chúa cách vô cớ trong xã hội hiện nay?


[1] Ngày nay, theo truyền thống người Híp-ri uý kính thánh Danh Đức Chúa, chúng ta khi gặp Danh này đều phải viết bằng bốn ký tự YHWH và đọc là A-đô-nai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét