Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Đức Giê-su truyền “phải yêu kẻ thù” phải không?

Đức Giê-su truyền “phải yêu kẻ thù” phải không?

Trích trong Bạn Biết Gì Về Kinh Thánh?
Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: ¿Qué sabemos de la Biblia?
của ARIEL ALVAREZ VALDES 
San Pablo, Madrid 1999
Chuyển ngữ: Mát-thêu Vũ Văn Lượng, OP

(Bài biết này có sử dụng một số từ Hy Lạp. Để có thể đọc trọn vẹn bài viết, xin quý đọc giả cài đặt font Hy Lạp. Link download tại đây)
Đừng tin!
Một trong những trình thuật đầy tính cách mạng và nhằm dạy dỗ được Đức Giê-su công bố đó là trình thuật được gọi là “Bài giảng trên núi” (Mt 5–7).
Trước hết, lời nói gây nhạc nhiên của Đức Giê-su trong số những lời khác đó là chỉ nhìn thôi là có thể phạm tội ngoại tình rồi (x. Mt 5,27-28), hay nói ai là “đồ khùng” thì tương đương với việc sát nhân (x. Mt 5,21-22), hoặc nếu bị ai gây điều ác, chúng ta không được chống cự (x. Mt 5,38-39).
Có lẽ chẳng có ai lúc đó như Đức Giê-su là người tóm kết được nền tảng đạo lý Ki-tô giáo.
Tuy nhiên, sự ngạc nhiên lên đến đỉnh điểm khi, chiếm khoảng một nửa bài giải, Đức Giê-su công bố: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và hãy cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44).
Nếu không là Giê-su nói điều đó, thì chúng ta thấy là nực cười và khó nghe.
Nhưng cũng khó tin rằng Đức Giê-su nói cách nghiêm túc. Thực ra, có thể Người truyền phải yêu kẻ thù không? Ai đó có thể truyền cho chúng ta phải có tình cảm đối với người khác không? Nếu sự hướng chiều cảm tình đối với một người phụ nữ chỉ là tự phát và không chủ ý, thì làm sao Đức Giê-su có thể bắt chúng ta phải có tình cảm đối với cô ấy được? Và khó hơn nữa là làm thế nào để yêu một ai đó là kẻ thù của chúng ta được?
Tình yêu cảm xúc
Để tránh đưa ra những kết luận sai lầm, thì cần xác định rằng Đức Giê-su muốn nói gì và như thế chúng ta sẽ biết được là thực ra Đức Giê-su yêu cầu điều gì đối với những kẻ theo Người khi Người truyền lệnh phải yêu kẻ thù.
Mọi vấn đề hệ tại ở điều là trong tiếng Ý, chúng ta luôn sử dụng cùng một động từ “yêu” (amare) khi muốn nói về bất kỳ tình yêu hay cảm xúc nào. Trong khi đó ở tiếng Hy Lạp, trong các bản văn Tin Mừng, có đến bốn động từ khác nhau để nói về “yêu” và mỗi động từ có ý nghĩa riêng của nó.
Động từ đầu tiên chúng ta thấy là “evra,w / eraô” (từ động từ này phát sinh danh từ “tình yêu cảm xúc” (e;rwj / erôs) và tính từ “gợi tình, gợi cảm” (erotico)). Động từ này có nghĩa “yêu”, nhưng theo nghĩa cảm xúc. Nó luôn được dùng để nói về tình cảm đam mê, sự hấp lực giữa người nam và người nữ theo tự phát và bản năng. Hơn nữa, nó cũng ám chỉ đến tình yêu thân mật nữa.
Chẳng hạn trong sách Ét-te viết: “Vua (Át-su-ê-rô) yêu (eraô) Ét-te hơn mọi phụ nữ” (2,17). Và trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en viết: “Này Ta tập họp tất cả các tình nhân (evrasta,j) (bởi động từ “eraô”) của ngươi lại, những kẻ ngươi yêu ... và Ta sẽ lột trần sự loã lồ của ngươi trước chúng” (Ed 16,37).
Như vậy, động từ này trong tiếng Hy lạp được dùng để diễn tả tình yêu lãng mạn và trần tục.
Tình yêu gia đình
Một động từ Hy Lạp khác diễn tả tình yêu là “ste,rgw / stergô”. Động từ này diễn tả tình yêu gia đình, tình cảm của người cha dành cho con cái, hay tình yêu của con cái dành cho cha của chúng.
Chẳng hạn, Pla-tôn nói rằng: “Trẻ con yêu (stergô) những ai đã sinh ra nó và nó được những kẻ đó yêu”. Một tác giả Hy Lạp khác là Phi-lê-môn đã nói: “Một người cha đối xử thân tình với con cái mình, thì có thể chúng yêu (stergô) ông ta”.
Động từ này cũng xuất hiện trong Kinh Thánh. Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô khuyên nhủ họ: “...yêu (filo,storgoi / liên hệ với “stergô”) nhau với tình huynh đệ” (12,10). Thánh Phao-lô dùng động từ này có mục đích vì ngài tin rằng các Ki-tô hữu phải cảm thấy mình là những thành viên trong cùng một gia đình.
Do đó, động từ “stergô” ám chỉ đến tình yêu trong nhà với nhau, trong gia đình, thứ tình yêu không tìm công trạng vì nó tự sản sinh bởi sự ràng buộc tương quan.
Tình yêu bằng hữu
Một động từ thứ ba trong tiếng Hy Lạp được dùng để nói về yêu là “file,w / phileô”. Động từ này diễn tả tình yêu bằng hữu, tình cảm thân mật và thể hiện giữa hai người bạn với nhau. Động từ này được dịch sang tiếng Ý tương ứng là “voler bene” (thương). Vì vậy khi La-da-rô, bạn của Đức Giê-su, bị đau ốm, hai chị em của La-da-rô đã xin Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, người mà Thầy thương (fileij / phileis) đang đau ốm” (Bản dịch của CEI (Hội đồng Giám mục Ý) dùng từ “amico”) (Ga 11,3). Khi Ma-ri-a Mác-đa-la không thấy xác Đức Giê-su trong mộ, bà chạy đi tìm ông Phê-rô và “môn đệ kia, người mà Đức Giê-su thương (evfilei / ephilei)” (Ga 20,2). Tác giả thư gởi ông Ti-tô khuyến khích: “Xin gửi lời chào những người thương (filountaj / philountas) chúng ta trong đức tin” (Tt 3,15).
Động từ này nối kết với hành động thương mến của tình bạn, mà từ động từ này hình thành nên từ “filoj / philos” (bạn hữu), được dùng nhiều trong Tân Ước. Do đó, trong dụ ngôn người con hoang đàng, người anh cả đòi hỏi cha anh: “Cha coi, con đã phục vụ cha từ nhiều năm ... nhưng cha không cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè (meta. twn fi,lwn/ meta tôn philôn) của con” (Lc 15,29). Và chính Đức Giê-su trong bữa tiệc sau hết, dặn dò thêm các Tông đồ khi nói với các ông: “Anh em là bạn hữu (filoi / philoi) của Thầy, nếu anh em thi hành điều Thầy truyền dạy anh em” (Ga 15,14).
Ở đây, chúng ta thấy rằng trong tiếng Hy Lạp, từ “phileô” thường được dùng để nói về tình yêu bằng hữu, tình bạn, điều mà trong một vài trường hợp nó bao hàm một lời đáp trả, một sự hỗ tương.
Tình yêu nhân ái
Động từ thứ tư cuối cùng còn lại là “avgapa,w/ agapaô”. Nó được dùng để nói về tình yêu bác ái, từ tâm, thiện ý; tình yêu có khả năng trao ban và tiếp tục trao ban mà không mong báo đáp. Nó là tình yêu hoàn toàn vô vị lợi, tự hiến hoàn toàn, thứ tình yêu hy hiến. Từ động từ này phái sinh danh từ “avga,ph / agapê” (tình yêu bác ái).
Ngay đầu trình thuật bữa tiệc sau hết, thánh Gio-an viết: “Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến để đi từ thế gian này về với Chúa Cha, Người đã yêu (avgaph,saj / agapêsas) những kẻ của riêng Người trong thế gian, Người đã yêu (hvga,phsen / êgapêsen) họ đến cùng” (Ga 13,1). Và Đức Giê-su nói: “Như Chúa Cha đã yêu (hvga,phse,n / êgapêsen) Thầy thế nào, Thầy cũng yêu (hvga,phsa / êgapêsa) anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu (evn th| avga,ph| / en tê agapê) của Thầy” (Ga 15,9). Rồi Đức Giê-su cũng nhắc nhở các môn đệ: “Không ai có tình yêu (avga,phn / agapên) cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Theo phạm trù của từ ngữ thứ tư này, tình yêu này không tính đến điều gì một người có thể làm, hoặc điều gì người ấy có thể làm cho chúng ta; nó cũng không tính đến cách thức người ta đối xử với chúng ta, hoặc lăng mạ chúng ta hay xúc phạm chúng ta. Nhưng nơi chúng ta vẫn luôn phải có khả năng để yêu người ấy, không hệ tại ở việc “có cảm tình gì” với người ấy, mà là “làm điều gì đó” cho người ấy: phục vụ, giúp đỡ người ấy, và ngay cả nếu theo cái nhìn cảm xúc chúng ta chẳng có cảm tình gì về người ấy.
Tình yêu “agapaô” không thể hiện theo trật tự cảm xúc (affettivo), nhưng theo hiệu quả nó mang lại (effettivo). Đây là thứ tình yêu của lý trí và tính cực. Đó là tình yêu vì Thiên Chúa (theologal), là tình yêu trọn vẹn.
Một câu hỏi đầy hàm ý
Như chúng ta đã nói ở trên, để dịch bốn động từ Hy Lạp sang tiếng Ý, chúng ta dùng chung một từ để dịch là “yêu” (amare). Từ này không luôn luôn nói lên hết được sự khác biệt của từng từ Hy Lạp.
Một ví dụ điển hình rất hay nói về việc sau khi phục sinh, Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. Sau khi ăn với các môn đệ, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô:
“Si-môn con ông Gio-an, anh có yêu Thầy hơn những người này không?” Ông Phê-rô trả lời: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Rồi Đức Giê-su lại hỏi ông: “Si-môn con ông Gio-an, anh có yêu Thầy không?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Rồi Người lại hỏi ông lần thứ ba: “Si-môn con ông Gio-an, anh có yêu Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi đến lần thứ ba và ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu Thầy”. Và Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (x. Ga 21,15-17).
Trong tiếng Hy Lạp, trình thuật này ẩn giấu lối chơi chữ mà tiếng Ý không thể chuyển dịch các động từ ấy được.
Lời đáp trả khiêm hạ
Thực ra, khi Đức Giê-su hỏi ông Phê-rô lần đầu tiên xem ông có yêu Người không, Đức Giê-su dùng động từ “agapaô”. Câu hỏi thế này: “Si-môn, anh có yêu (avgapa/|j / agapas) Thầy không?” (c. 15). Nhưng Phê-rô đáp lại bằng động từ “phileô” khi ông nói “con thương Thầy” (filw/ se / philô se).
Qua đó Đức Giê-su hỏi ông Phê-rô xem ông có yêu Người bằng tình yêu trọn vẹn không, thứ tình yêu tự hiến và phục vụ vô điều kiện, tình yêu xuất phát từ đáy lòng mà không mong báo đáp. Ông Phê-rô, lúc đầu chối Chúa và thấy mình yếu hèn bồng bột, đã khiêm nhường đáp lại bằng động từ “phileô” mà không tự phụ. Ông cảm thấy mình không thể yêu tột độ như tình yêu “agapaô”.
Khi Đức Giê-su hỏi ông cũng câu hỏi ấy lần thứ hai:
“Si-môn, anh có yêu (avgapa/|j / agapas) Thầy không?” (c. 16), thì ông Phê-rô vẫn khẳng định với Thầy mình khi đáp lại cũng một động từ “phileô”.
Tuy nhiên Đức Giê-su không đòi hỏi gì khác hơn là khả năng của ông, ông phải kiên nhẫn đợi chờ tiến trình trưởng thành của mình. Đức Giê-su hỏi ông Phê-rô lần cuối bằng động từ “phileô” mà ông có thể dùng để đáp lại. Đức Giê-su nói với ông: “Si-môn, anh có thương (filei/j / phileis) Thầy không?” Nhưng ông Phê-rô buồn vì nhận ra mình trong câu hỏi của Đức Giê-su và trong các câu trả lời của ông. Đức Giê-su chấp nhận ông. Tuy nhiên, Người tiên báo rằng tình yêu của ông không dừng ở đó: nó sẽ lớn lên, trưởng thành, và đạt đến yêu cầu của tình yêu “agapaô”, vì sẽ đến ngày ông phải hiến mạng sống mình vì Thầy (Ga 21,18-19).
Hơn nữa, chúng ta biết rằng Đức Giê-su đã nói bằng tiếng A-ram, còn tác giả sách Tin Mừng Gio-an lại dùng ngôn ngữ Hy Lạp trong cuộc đối thoại này để mang lại cho chúng ta bài học quý giá.
Điều mà lệnh truyền đặt ra
Trở lại lời nói của Đức Giê-su khi Người truyền phải yêu kẻ thù thì Người không dùng động từ “eraô”, cũng không phải “stergô” hay “phileô”, mà là “agapaô”. Với động từ đặc biệt này, chúng ta có thể khám phá rõ hơn điều Đức Giê-su muốn truyền dạy.
Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta phải yêu kẻ thù giống như cách chúng ta yêu những người thân chúng ta. Người cũng không đòi buộc chúng ta phải có tình cảm giống như tình cảm chúng ta dành cho người vợ người chồng, cho gia đình mình hay cho bạn hữu mình. Nếu Đức Giê-su muốn kiểu tình yêu này thì Người đã sử dụng những động từ khác.
Tình yêu mà Đức Giê-su đòi hỏi là tình yêu khác: tình yêu “agapê”. Tình yêu này không hệ tại cảm xúc, cũng không hệ tại bất cứ điều gì riêng của con tim. Nếu lệ thuộc vào cảm xúc, tình yêu này không chỉ là một mệnh lệnh bất khả thi, mà còn là sự vô lý, vì không ai có thể bắt chúng ta bày tỏ cảm xúc được.
“Agapê” mà Đức Giê-su đòi hỏi hệ tại một quyết định, một thái độ, một xác quyết liên quan đến ý chí. Điều này có nghĩa là khi được mời gọi “yêu” và vượt thắng những xúc cảm, chúng ta phải trải nghiệm cách tự nhiên. Tình yêu mà Đức Giê-su đòi buộc không bắt chúng ta phải cảm phục hoặc mến mộ những ai xúc phạm đến chúng ta, cũng không bắt phải dùng tình bằng hữu mà đối xử với những ai lăng nhục hay phỉnh gạt chúng ta. Đức Giê-su hoàn toàn không bắt làm như vậy. Điều cần đòi buộc là khả năng trợ giúp và trao tặng sự phục vụ vì đức ái, nếu có khi người ấy cần đến chúng ta là kẻ mà người ấy đã xúc phạm.
Chính Đức Giê-su đã giải thích rõ lệnh truyền  
Qua ba câu văn ngắn gọn, Đức Giê-su muốn giải thích tầm quan trọng của tình yêu đối với kẻ thù trong Tin Mừng Lu-ca (6,27-28).
Trong câu thứ nhất, Đức Giê-su nói: “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em”. Đức Giê-su không chỉ cấm trả thù những xúc phạm phải chịu, mà Người còn truyền phải trợ giúp họ khi họ gặp khó khăn và cần đến chúng ta. Đây là điều thánh Phao-lô nói: “Nếu kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống”. Và thánh nhân còn trích dẫn sách Châm Ngôn: “Khi làm như thế, ngươi sẽ chất than hồng trên đầu nó” (Rm 12,20). Đức Giê-su thấy rằng đứng trước sự hối tiếc và mối băn khoăn có điều gì xảy ra, vì chính Đức Giê-su thấy rằng có kẻ thù ở giữa chúng ta, trong khi chúng ta không là kẻ thù của người ấy.
Trong câu thứ hai, Đức Giê-su mời gọi: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em”. Chúc lành có nghĩa là “chúc điều lành thánh”, “nói điều tốt lành” cho ai đó. Chắc chắn không liên quan đến việc phỉnh gạt người khác, cũng không nói rằng ai đó đang gặp điều may lành đang khi họ thực sự lại gặp điều chẳng may, cũng không ca ngợi họ quá đáng đang khi họ không xứng với điều ca ngợi. Chúc lành nghĩa là có thể nói điều tốt lành cho ai đó xứng với lời chúc ấy và cần phải thực hiện điều ấy, ngay cả khi chúng ta gây điều phiền toái cho người ấy hay người ấy gây điều xấu cho chúng ta.
Trong câu thứ ba, Đức Giê-su nói thêm: “Hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Cầu nguyện cho ai mà thực sự cần, dù người ấy là kẻ thù của chúng ta, là một cách thế trao gởi ân sủng Thiên Chúa vào trái tim người ấy. Và không bao giờ ân sủng Thiên Chúa dành cho kẻ thù lại có thể gây hại cho chúng ta. Trái lại, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ mang lại cho người ấy phúc lành, và vì vậy chúng ta có được người ấy không còn là kẻ thù nữa. Hơn nữa, chẳng có ai có thể cầu nguyện cho một người khác rồi lại trút oán hận lên người ấy. Trong sự thâm tâm của người cầu nguyện nảy sinh điều gì đó ngăn chặn người ấy ngay từ đầu không thể hiện sự thù hận.
Tha thứ và lãng quên    
Hãy dừng lại để lý giải một vấn đề quan trọng. Nhiều người nhận ra mình lỗi tội vì nhận được sự thứ tha, nhưng lại không biết tha thứ. Và người ấy thấy rằng việc không biết tha thứ là điều xấu, nhưng lại khó vượt qua.
Có phải sự tha thứ nhất thiết bao hàm trong đó sự quên đi lỗi lầm? Để trấn an người ki-tô hữu, chúng ta không được nói như thế. Không cần thiết phải quên đi lỗi lầm. Vì ký ức là một quan năng hoạt động độc lập với ý muốn của chúng ta. Bằng chứng cho thấy rằng nhiều khi chúng ta muốn nhớ lại những điều gì đó, nhưng chúng ta lại không thực hiện được. Và khi khác chúng ta muốn quên đi những hoàn cảnh sống, nhưng chúng ta lại không thể vượt qua.
Khi một người cứ mãi bị xúc phạm, nếu có trí nhớ tốt hay điều xúc phạm là rất nặng nề, thì có lẽ người ấy sẽ nhớ điều ấy rất lâu. Và người ấy chẳng mắc lỗi gì cả. Trong trường hợp này, sự tha thứ không nhất thiết bao hàm sự quên đi lỗi lầm. Người ta có thể tha thứ và vẫn nhớ đến điều xúc phạm. Người ấy có thể bỏ qua sự xúc phạm và đôi khi tự nhiên nhớ đến nó.
Việc thường xuyên và chủ động gợi lại cho trí nhớ những ký ức đau lòng và những xúc phạm nặng nề, để làm cho nó tồn tại mãi, là điều không nên làm. Việc nhớ lại này là một việc làm sai trái.
Nên giống như Chúa Cha
Vì lý do gì chúng ta, những người Ki-tô hữu, phải bày tỏ tình yêu đối với kẻ thù mình, thái độ phục vụ đối với họ khi xúc phạm đến chúng ta, thiện ý trước mọi chuyện? Đức Giê-su giải thích rằng: vì điều ấy chúng ta nên giống Thiên Chúa hơn, Và Thiên Chúa Cha đã hành động theo cách này là: “... cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).
Thái độ này của Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta bối rối hoang mang. Người Híp-ri cũng cảm thấy xúc động và ấn tượng vì lòng nhân hậu diệu kỳ mà Thiên Chúa bày tỏ cho các thánh nhân lẫn cho tội nhân. Một câu truyện Híp-ri kể rằng khi đuổi theo những người Ít-ra-en đang khi xuất hành, những người Ai Cập đã đi vào dòng nước của Biển Sậy, còn các thiên sứ trên trời thì đồng thanh ca hát reo vui. Bấy giờ Thiên Chúa bắt họ ngưng hát và buồn rầu trách cứ họ rằng: “Công việc tay Ta thực hiện để chấm dứt mạng sống của kẻ bị nhận chìm trong biển này, còn các ngươi lại hát thánh thi ca ngợi Ta?”
Tình yêu của Thiên Chúa thực sự là phổ quát. Sự trợ giúp, sự sẵn sàng, sự chở che của Người dành cho mọi người thuộc những kẻ tin hay không tin là để yêu thương họ, nhưng họ lại xúc phạm Người. Và vì vậy, tình yêu của chúng ta phải nên tinh tuyền. Đó là cách thế duy nhất để chúng ta trở nên giống như Người.

Câu hỏi gợi ý
1. Bao nhiêu hạn từ khác nhau được sử dụng trong tiếng Hy Lạp Kinh Thánh để diễn tả “tình yêu”? Và mỗi từ khác nhau thế nào?
2. Hạn từ nào Đức Giê-su dùng để truyền phải yêu kẻ thù?
3. Tình yêu Ki-tô giáo đối với kẻ thù phải có những đặc tính nào?
4. Có một lúc nào đó chúng ta nhận ra mình có kẻ thù không? Chúng ta hành xử thế nào trong hoàn cảnh ấy?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét