Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG MỤC VỤ GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM

HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG MỤC VỤ GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM





I.  LỜI MỞ ĐẦU

Từ Hội Nhập Văn Hóa trong việc rao giảng Tin Mừng xuất hiện muộn thời, nhưng con đường của nó đã có ngay từ đầu của Hội Thánh. Mầu nhiệm Nhập Thể chính là mẫu mực cho việc Hội Nhập Văn hóa này. Thánh Phaolô đã dạy: Bằng con đường nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Vốn giầu sang, Người đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy sự nghèo khó của Người làm cho chúng ta trở nên giầu có[1]. Thánh Công Đồng Vatican II tuy chưa dùng chữ Hội Nhập Văn Hóa nhưng cũng dạy cách thế truyền giáo này: Để có thể truyền thông cho mọi người mầu nhiệm cứu độ và sự sống Chúa muốn trao ban, Giáo Hội phải hội nhập vào các cộng đồng ấy với cùng một động lực như chính Chúa Kitô, Đấng khi nhập thể đã hòa mình vào những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hóa của những cộng đồng nơi Người cùng chung sống[2]. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý cũng khẳng định: Sự thích nghi việc công bố lời mạc khải phải trở thành định luật của toàn bộ công cuộc loan báo Tin Mừng. Sự thích nghi đó tìm thấy duyên cớ thần học sâu xa nơi mầu nhiệm Nhập Thể, đáp ứng nhu cầu sư phạm căn bản của mối liên hệ thực sự giữa con người với nhau và phản ảnh những gì Hội Thánh đã thực hành dọc theo các thế kỷ[3].

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã khẳng định: Á Châu ngày nay đang thay đổi rất nhanh và rất xa, một lục địa chịu ảnh hưởng của chủ trương tân thời và sự thay đổi xã hội sâu xa, cùng với sự tục hóa và sự đổ vỡ của xã hội truyền thống. Bên cạnh những lợi ích tích cực không thể chối cãi, tiến trình trên cũng mang đến những vấn nạn nghiêm trọng nhất. Công nghiệp hóa và tất cả những gì cùng với nó đã đe dọa dân tộc chúng tôi cách kinh khủng bằng cách làm cho con người bị tha hóa ghê gớm làm tan rã những cách sống và những tương quan xã hội đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ[4]. Các Giám mục nói tiếp: Chúng tôi tìm kiếm những ý nghĩa mới cho cuộc sống và nỗ lực của họ để vượt qua những sức mạnh hủy diệt và tạo nên một sự hội nhập mới trong xã hội của chúng tôi, giải thoát họ khỏi những ràng buộc mới và làm thăng tiến nhân phẩm và tạo nên một sự hiệp thông đích thực giữa con người và đất nước[5].

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong kỳ họp 11/10/1997 cũng đã nêu lên đóng góp của mình cho Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, trong đó, đã nêu lên một số vấn đề:

-  Làm sao để nói về Thiên Chúa Cha và Hội Thánh trong khung cảnh nền văn hóa của xã hội Việt Nam vốn lấy gia đình làm nền tảng.

-  Làm sao nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần nơi mọi người thành tâm thiện chí, đặc biệt nơi các tôn giáo bạn.

-  Làm sao để việc tôn kính ông bà, tổ tiên giúp người ta nhận biết Thiên Chúa Cha, và hiểu rõ hơn về đạo hiếu của người Công Giáo Việt Nam[6].

Trước hết, việc hội nhập văn hóa bao gồm nhiều lãnh vực: phụng vụ, giáo lý, kiến trúc, tổ chức… Bài này xin chỉ xin giới hạn trong lãnh vực mục vụ giáo lý và xác định đây không phải một bài khảo luận hàn lâm, nhưng là những suy tư, gợi ý rút từ bài tiểu luận Hội Nhập Văn Hóa Trong Giáo lý Theo Tiêu Chuẩn Của André Fossion, và những kinh nghiệm, nghiên cứu của người viết khi làm việc trong Ban giáo lý Việt Nam và giáo phận Phú Cường cũng như trong công việc giảng dạy môn huấn giáo tại Đại chủng viện Sài Gòn trong những năm qua.  

Đồng thời, bài viết chỉ tập trung vào nền văn hóa Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Ông bà, là đạo căn bản của người Việt Nam[7]. Vả lại, điều trình bày ở đây cũng mang tính gợi ý, vì công việc hội nhập văn hóa rất bao la và khó khăn, tuy đã có những gợi ý từ khá lâu nhưng công việc dường như không tiến triển được nhiều, việc của chúng ta là tiếp nối những công trình đó.

II.  TRÌNH BÀY

Theo cha Léopold Cadière, ở Việt Nam từ lâu đã có ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo du nhập vào Việt Nam và đã phần nào thấm nhập vào tâm thức và sinh hoạt của người Việt: Với chữ Hiếu của đạo Khổng, đức từ bi của đạo Phật, và sự hài hòa của đạo Lão. Tuy nhiên tâm thức của người Việt chính là thờ thần linh, mà đạo Ông Bà là một phần của niềm tin này[8], vì vậy, trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đề cập sơ lược đến đạo Ông Bà của người Việt Nam, vì nó nằm sâu trong tâm khảm người Việt và cũng đã gây ra nhiều vấn đề về hội nhập văn hóa trong quá khứ.

A. SƠ QUÁT VỀ ĐẠO ÔNG BÀ

Tôn giáo của người Việt thực ra là tôn giáo thờ thần linh (Esprits). Tôn giáo này không có lịch sử, nó xuất hiện từ khi có nòi giống. Theo niềm tin này, thần thánh ma quỷ có mặt khắp nơi: Trong không trung, trong gió, dưới vực sâu, trên đường đi hay trong các ao hồ tĩnh lặng…Thần linh ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta: ảnh hưởng đến từng số phận từ khi sinh ra cho đến khi chết, khi thì cản trở khi thì hỗ trợ.

Các thần linh ấy có thể là những vật chất trong thiên nhiên được thần hóa: như cây đa làng, mỏm đá, con sông…có thể là những vong linh của các vị anh hùng ngày xưa, hay là những vong linh của những người đã qua đời: Họ có thể là những người sống bất hạnh khi chết không được cúng kiến nên tụ tập lại thành ma quỷ đi trả thù con người, có thể là vong hồn của ông bà tổ tiên luôn ở bên người thân còn sống và giúp đỡ nếu được con cháu phụng thờ[9].

Đối với người Việt, sự hiện diện của thế giới người chết là điều hiển nhiên. Đó là một điều rất gần gũi với niềm tin Kitô giáo. Từ tam giáo và đạo thờ Ông Bà, cũng như từ bối cảnh lịch sử và văn hóa riêng, người Việt có những đặc tính sau đây.

B. NHỮNG NÉT VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA NGƯỜI VIỆT NAM[10]:

I. NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA

1. Tình gia đình: Người Việt Nam luôn coi trọng gia đình, đi đâu và làm gì cũng hướng về gia đình. Gia đình là động lực cho người trẻ thăng tiến và là mục đích cuộc sống của họ. Họ làm việc vì gia đình và cho gia đình. Nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn sống nhiều thế hệ và trợ giúp lẫn nhau.

2. Trong tình gia đình này, chữ hiếu đóng một vai trò rất quan trọng Vạn thiện hiếu vi tiên. (Trong muôn điều thiện, chữ hiếu đứng đầu) Con người dù thành công hoặc thăng tiến bao nhiêu mà bất hiếu cũng bị coi thường. Vì vậy, thiết tưởng đây là một lý do để đạo Ông Bà đi vào tâm thức của người Việt Nam cách dễ dàng.

3. Tình làng xóm: Người Việt ngày xưa sống theo làng xóm và nét văn hóa này còn ảnh hưởng nhiều đến cách sống ngày nay của nhiều người cùng làng xã hay xứ đạo. Cùng chia vui, chia buồn trong những dịp hiếu hỉ và cùng nhau làm việc trong những dịp lễ hội.

4. Nghiêng về tình cảm hơn là lý trí: Trong cách sống cũng như cách cư xử với nhau, ta tạm gọi là văn hóa trái tim.

II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

- Người Việt cần mẫn, thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.

-  Biết hy sinh cho gia đình nhưng lại ít hy sinh cho đại cuộc. Đoàn kết trong gian nan, trong chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng lại ít đoàn kết trong xây dựng hòa bình.

-  Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng không phát huy được những xu hướng nào thành những nguyên lý.

-  Yêu thích kiến thức, và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức. Lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì muốn tìm những công việc tốt: Lời khuyên của người xưa vẫn còn được áp dụng cho việc học hành của giới trẻ ngày nay: “Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”, chứ ít nhằm mục đích thăng tiến cho xã hội, và con người.

-  Có nhiều khả năng thực hiện những việc riêng tư, nhưng thiếu tinh thần cộng tác để làm việc chung: Cha chung không ai khóc.

-   Có tính hài hước vui vẻ, hay cười trong nhiều tình huống khác nhau.

III. TÌNH TRẠNG XÃ HỘI HÔM NAY

Ngoài những di sản văn hóa của dân tộc Việt, hội nhập văn hóa không thể nào không bàn đến tình trạng của xã hội và con người Việt Nam ngày hôm nay thì mới có thể đề xuất một hướng đi hội nhập văn hóa tốt đẹp được, tuy nhiên, phần này ít nhiều đã được trình bày trong những phần khác nên không đề cập đến.

C. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ VỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG MỤC VỤ GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM

Đây là một công việc lớn lao, bài này không có tham vọng đề cập hết mọi vấn đề về việc hội nhập văn hóa trong việc truyền giảng Tin Mừng, mà chỉ là một ít gợi ý trong việc mục vụ giáo lý, liên quan tới việc soạn thảo sách giáo lý, cách trình bày giáo lý và tổ chức hoạt động giáo lý mang tính hội nhập văn hóa.

I. PHẦN TÍN LÝ

1.  VỀ VIỆC MỞ ĐẦU SÁCH GIÁO LÝ

Nên chăng trước khi đi vào nội dung chính, ta nên có một chương phụ nói về những hạt giống Tin Mừng nơi dân tộc Việt Nam. Chương này nói về người Việt là gì trong bối cảnh tôn giáo và văn hóa, chọn lựa những ưu điểm gần gũi với Tin Mừng, để đưa dẫn người nghe đến với Tin Mừng dễ dàng hơn.

Trước đây, để bắt đầu nội dung chính, những sách giáo lý thường bắt đầu bằng câu:

-  Hỏi Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? Chọn lựa như thế vì chúng ta cho rằng đó là mầu nhiệm lớn nhất và nòng cốt nhất trong đạo, từ đó phát xuất các mầu nhiệm khác.

Suy nghĩ như thế, ta đang ở vị trí của người giảng dạy để thuyết phục người học viên, mà muốn hội nhập văn hóa ta cần bắt đầu từ những hạt giống Tin Mừng nơi người nghe để họ dễ chấp nhận.

Những sách sau này, câu hỏi mở đầu được đổi lại như sau: - Hỏi ta sống ở đời này để làm gì? Câu hỏi này đã đi vào vị trí của học viên nhưng mang âm hưởng triết lý về cùng đích đời người, mà người Việt Nam chúng ta xem ra không đặt làm quan tâm hàng đầu trong cuộc sống.

Theo những suy nghĩ trên về hội nhập văn hóa, chúng tôi cho rằng quan tâm chính của người theo đạo Ông Bà là đạo ăn sâu vào đa số người Việt đó là lòng biết ơn ông bà đã sinh thành nuôi dưỡng chúng ta, vì vậy chúng tôi đề nghị khơi lên tâm tình biết ơn trong đạo Ông Bà mà người Việt có sẵn, rồi từ đó tiến lên một bước nữa là biết ơn Thiên Chúa là tổ tiên tối hậu của muôn loài muôn vật, mà sự biết ơn đúng nghĩa là nhận biết Ngài, tin vào Ngài.

2.  VỀ NỘI DUNG

Văn hóa gia đình in sâu trong tâm thức người Việt, đây là điểm tốt đẹp để từ đó tiến lên các mầu nhiệm trong đạo. Trước nay, đã có những cụm từ gia đình Ba Ngôi, gia đình Giáo Hội, gia đình giáo xứ, Giáo Hội tại gia; Hội Đồng Giám Mục cũng kêu gọi làm sao để truyền giảng Tin Mừng trong bối cảnh văn hóa gia đình của người Việt.

Gia đình là mối dây liên kết rất chặt chẽ trong xã hội. Trong đó, tình yêu thương, sự cộng tác vì ích chung… luôn được thể hiện một cách rất tự nhiên, và quảng đại, đi đâu cũng nhớ về gia đình, làm việc gì cũng vì gia đình. Gia đình luôn là một động lực rất lớn để học tập và thăng tiến. Từ những phẩm tính được chọn lọc trong gia đình đó, chúng ta sẽ trình bày những phẩm tính của gia đình Ba Ngôi: ví dụ, gia đình trần gian có ba thành phần: cha, mẹ và con cái tuy khác biệt nhưng liên kết chặt chẽ với nhau, yêu thương nhau, thì ở một mức độ cao hơn rất nhiều, Ba Ngôi tuy khác biệt: là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nhưng liên kết nên một đến nỗi cả Ba Ngôi chỉ là Một Chúa mà thôi. Và cũng dựa vào các phẩm tính của gia đình ta trình bày về gia đình Giáo Hội v.v…Dĩ nhiên không thể có sự so sánh ngang bằng hay giống nhau tuyệt đối giữa một thực thể trần gian và Chúa Ba Ngôi hay mầu nhiệm Hội Thánh, nhưng ta chỉ có thể chắt lọc những điểm tương tự và từ đó có một so sánh loại suy thôi.

II. PHẦN LUÂN LÝ

Chữ Hiếu là một nét văn hóa sâu đậm của người Việt. Trong luân lý thiết tưởng ta nên làm nổi bật chữ hiếu: Văn bản của Mười Điều Răn và Sáu Điều Răn Hội Thánh chắc chắn không thể sửa đổi hay thêm bớt điều gì, nhưng khi trình bày, cắt nghĩa những giới răn đó trong các bài giáo lý, ta nên làm nổi bật việc tuân giữ lề luật là một hình thức hiếu thảo siêu nhiên của con người với Cha trên trời. Đồng thời cũng nêu rõ việc hiếu thảo đối với Chúa không đi ngược với ý nghĩa tốt đẹp của việc thờ kính ông bà, hiếu thảo với tổ tiên cha mẹ mà trái lại, còn giúp cho việc hiếu thảo của con người với tổ tiên ông bà đạt được mức độ trọn vẹn hơn. Vì vậy, việc trình bày luân lý nên nằm trong tinh thần hiếu thảo với cha trên trời sẽ dễ dàng được đón nhận và học viên thấm nhuần văn hóa chữ hiếu sẽ cảm thấy đi vào máu thịt của mình.

Trước đây, một số giáo trình đã có sáng kiến thêm phần phụ lục về việc thờ kính tổ tiên, cúng giỗ hoặc một số vấn đề liên quan. Nhưng thiết tưởng đây chưa phải là hội nhập văn hóa, vì hội nhập văn hóa là chúng ta phải hiểu rõ giáo lý và những nét văn hóa này. Rồi dựa vào những điểm tốt đẹp của văn hóa đó mà trình bày giáo lý sao cho người mang dấu ấn của văn hóa đó cảm thấy sứ điệp của Chúa rất gần gũi với mình. Đấy mới thực là hội nhập văn hóa.

III.  PHẦN TRÌNH BÀY

Việc hội nhập văn hóa luôn phải ưu tiên quan tâm đến người được rao giảng: Nền tảng văn hóa và tôn giáo của họ. Vì vậy, trong cách trình bày luôn cần bắt đầu từ tình trạng của người học viên.

a.   Đối với các học viên lớp dự tòng:

Cần tìm hiểu trước đó họ đang ở trong nền văn hóa và tôn giáo nào: Họ đã theo đạo nào? Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo hay là đạo Ông bà? Trong đạo đó có những điểm nào gần gũi với đạo Công Giáo? Điểm nào là hạt giống của Tin Mừng? Hay họ không theo đạo nào? Đang có thành kiến nào với Công giáo? Họ thuộc về hạng trí thức hay nông dân?

Từ đó ta mới có thể bắt đầu bài giáo lý bằng cách giải tỏa những thắc mắc, xóa bỏ những thành kiến, hay khơi lên những hạt giống Tin Mừng mà họ đang có. Được như vậy, chắc chắn Tin Mừng sẽ được chấp nhận dễ dàng hơn nhiều.
Đồng thời trong quá trình giảng dạy cũng phải nắm vững tình trạng nền tảng (background) của học viên để cắt nghĩa bài học cho phù hợp.

b.    Đối với các học viên các lớp giáo lý phổ thông.

Công việc dạy giáo lý ở những lớp này dễ dàng hơn, vì các em đã chấp nhận đức tin, tuy nhiên giáo lý viên vẫn cần luôn bắt đầu bằng việc tìm hiểu hoàn cảnh và thực trạng của học viên. Gia đình các em như thế nào? Là Công giáo đạo đức hay cha hoặc mẹ ngoài Công giáo? Cha mẹ bê bối hay hay gia đình tan rã? Những em hoàn cảnh quá nghèo khổ, những em chậm trí? Tất cả những điều trên phải là điểm khởi đầu để giáo lý viên tìm hiểu hầu điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp.

Đồng thời trong lúc giảng dạy, hay đề xuất cho các em được lãnh nhận bí tích cũng phải quan tâm tới yếu tố tình trạng nền tảng (background) này. Chúng ta không nên đưa ra cùng một tiêu chuẩn cho những em rất khác nhau về tri thức, hoàn cảnh gia đình…mà nên cứu vớt hoặc nâng đỡ những hoàn cảnh “khó khăn”.

IV. PHẦN TỔ CHỨC GIÁO LÝ

1. Tinh thần gia đình: Cha sở, các thầy và các giáo lý viên cần thể hiện tình yêu thương liên kết với nhau và với học viên cách chặt chẽ như trong gia đình. Trước nay đã có sổ liên lạc gia đình, họp phụ huynh học sinh, phụ huynh hướng dẫn các con em trong bài làm ở nhà. Nhưng chưa phổ biến rộng rãi cần phổ biến rộng rãi cho mọi nơi, và cũng nên nghiên cứu thêm những hình thức khác.

2. Tinh thần làm việc chung: Trong sinh hoạt giáo lý đã có những hoạt động đề cao tinh thần làm việc chung, nhưng vẫn còn lẻ tẻ ở một ít nơi. Đồng thời, khi thực hiện những hoạt động này lại không kết quả vì những việc chung đó thường để mặc cho một vài người làm, còn nhiều người khác thì ngồi không. Ngoài ra, trong giáo trình ít có những sinh hoạt tạo tinh thần làm việc chung thực sự và giáo lý viên cũng chưa ý thức được việc đào luyện tinh thần này cho học viên.

3. Nhiều giáo trình đã để ý đến các đức tính nhân bản nhưng cần nhấn mạnh hơn đến các đức tính người Việt thường thiếu như ý thức về lợi ích chung, lòng thành thật, tinh thần cộng tác...

4. Trong chương trình và thực hiện cần phải có thời khóa biểu rõ ràng, đó là quy luật của tiến bộ, nhưng thiết tưởng trong một số trường hợp cần áp dụng một cách mềm dẻo, hoặc là chương trình có nhiều lựa chọn phù hợp với các học viên hơn.

5. Cần có những giáo lý viên ứng trực để đối phó với những tình huống của thời đại di dân và công nghiệp ngày nay, trong đó nhiều học viên đi làm không thể theo những thời khóa biểu bình thường của giáo xứ được.

V. SƠ ĐỒ GIÁO LÝ HỘI NHẬP VĂN HÓA VIỆT NAM:


LỜI KẾT

Tóm lại, công việc của chúng ta không phải là thay đổi nội dung của giáo lý, chúng ta luôn phải gìn giữ sự toàn vẹn của giáo lý, nhưng đây chính là đi tìm hiểu những nét văn hóa tốt đẹp trong truyền thống dân tộc để từ đó dẫn vào và trình bày giáo lý sao cho giáo lý của Chúa thấm nhuần cách dễ dàng và sâu xa trong tâm hồn người Việt.

Trên đây chỉ là một gợi ý, chắc chắn phải cần nhiều suy tư đóng góp khác nữa để việc hội nhập văn hóa được thực hiện tốt đẹp trong việc mục vụ giáo lý cho người Việt Nam chúng ta. Được như thế chúng ta tin rằng việc truyền giảng Tin Mừng sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp.

Nhất là vùng Long Xuyên này Phật Giáo Hòa Hảo chiếm đa số, cần có những nghiên cứu thêm về hạt giống Tin Mừng trong tôn giáo này để có những cách thức hội nhập văn hóa trong mục vụ giáo lý cách thích hợp hơn.


[1] 2 Cor 8, 9.
[2] AG, số 10.
[3] Thánh Bộ Giáo Sỹ, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo lý  1997, Nhà xuất bản Phương Đông, 2008, số 169, tr. 173.
[4] Federation of Asian Bishops’ Conferences, For All The People of Asia, Gaudencio Rosales, D.D. C.G. Arévalo, S.J., 1997, tr. 13.
[5] Nt. Tr. 13.
[6] Trần Anh Dũng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980-2000, phát hành nội bộ, tr. 539.
[7] Léopold Cadière, Văn Hóa, Tin Ngưỡng và Thực Hành Tôn Giáo Người Việt, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 2015, tr. 45.
[8] Léopold Cadière, Văn Hóa, Tin Ngưỡng và Thực Hành Tôn Giáo Người Việt, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 2015, tr. 24.
[9] Léopold Cadière, Văn Hóa, Tín Ngưỡng và Thực Hành Tôn Giáo Người Việt, Nhà Xuất Bản Thận Hóa, 2015, tr. 24-26.
[10] Tóm kết từ nhiều tác giả.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Thịnh
http://www.giaolyductin.net/hoi-nhap-van-hoa-trong-muc-vu-giao-ly-tai-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét