Trang

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Con Rắn Đồng, Hình Ảnh Tượng Trưng về Chúa Giê-su Trên Thập Giá (Ds 21,4b-9)

Con Rắn Đồng, Hình Ảnh Tượng Trưng về Chúa Giê-su Trên Thập Giá (Ds 21,4b-9)

Môn học: Ngũ Thư
Giáo sư: Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.
Học viên: Trần Vinh Danh, S.J.
Có thể được xem là một đoạn trình thuật tiêu biểu trong Ngũ Thư khi Ds 21,4b-9 đồng thời cho thấy ba tuyến nhân vật đặc trưng: Thiên Chúa, dân Ít-ra-en và Mô-sê trong vai trò trung gian giữa Chúa và dân. Sau khi xác định bối cảnh và cấu trúc đoạn Kinh Thánh này, người viết tập trung phân tích hình ảnh con rắn đồng được giương cao, qua đó lột tả sự liên đới và làm rõ ý nghĩa của việc Đức Giê-su chịu treo trên thập giá. Ơn cứu độ đến từ Đấng treo trên thập giá.
1. Cấu trúc Ds 21,4b-9
21,4b-5: Dân chúng gặp khó khăn và kêu trách Đức Chúa
21,6: Chúa phạt họ, rắn độc cắn chết nhiều người
21,7-9: Dân ăn năn, ông Mô-sê cầu khẩn và Chúa cứu họ bằng con rắn đồng
So sánh dàn bài này với bối cảnh chung của Ngũ Thư. Trong bối cảnh chung của Ngũ Thư, chúng ta thấy có ba nhân vật chính: Đức Chúa, dân Ít-ra-el và Mô-sê. Đức Chúa yêu thương, dẫn dắt dân, huấn luyện dân, hứa ban cho họ Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Ngài cũng là Đấng công minh, chính trực, sửa phạt rõ ràng. Còn dân thì dễ thay lòng đổi dạ, họ thường phản bội và kêu trách Đức Chúa, kêu trách Mô-sê. Nên họ luôn được Chúa yêu thương, nhưng cũng bị trừng phạt, sửa dạy nhiều điều. Ông Mô-sê đóng vai trò như người lãnh đạo dân, người trung gian giữa Đức Chúa và dân Ngài. Trong đoạn Ds 21,4b-9, ta thấy nổi bật ba nhân vật trên, nổi bật cách hàng xử của Chúa, sự bất tuân của dân, vai trò trung gian chuyển cầu của Mô-sê và Chúa tiếp tục tha thứ, yêu thương dân và dẫn họ vào Đất Hứa, như lời Ngài đã hứa với họ.
Vậy, đoạn văn này có tính chất làm đại diện cho Ngũ Thư, diễn tả ba nhân vật chính và cung cách hành xử của từng nhân vật. Cách hành xử đó là: Thiên Chúa là Đấng trung tín, trung thành và công minh, dẫn đưa dân qua sa mạc để vào đất Chúa hứa ban cho họ; Mô-sê là trung gian chuyển cầu cho dân và là người dẫn dắt dân theo ý của Chúa truyền cho ông; dân It-ra-el là một dân dễ bất trung, cứng đầu cứng cổ, được Chúa yêu thương và coi là con, và sau hành trình thanh luyện 40 năm trường trong sa mạc, Thiên Chúa đã cho dân vào Đất Hứa.
2. Bối cảnh: phía trước và sau của Ds 21,4b-9.
Đoạn văn này nằm trong bối cảnh là Dân It-ra-en đang trong hành trình từ Ai-cập đi về Đất Hứa trong thời gian khoảng 40 năm trời. Đoạn văn nằm ở phần VII của sách Dân Số, dân đi từ Ca-đê tới Mô-áp. Trước biến cố “rắn đồng”, tác giả Kinh Thánh cho chúng ta biết câu chuyện mạch nước Mơ-ri-va, Chúa phạt ông Mô-sê và A-ha-ron, cả hai ông đều không được vào Đất Hứa.
Ds 14:1.34-35 Dân nổi loạn và chịu xét xử.
Ds 20:1-13: mạch nước Meriba
Ds 21:4-9: con rắn đồng
Ds 24:2-7.15-17: Sấm ngôn của Bi-lơ-am
Đoạn Ds 21,4b-9 kể lại hành trình họ chiếm Khoóc-ma, rồi họ đi từ Núi Ho tiến về Biển Sậy, trong hành trình này họ mất kiên nhẫn, họ “kêu trách Đức Chúa và ông Mô-sê” (Ds 21,5).
Đức Chúa cho rắn độc ra hại dân, và ông Mô-sê chuyển cầu cho họ, nên họ được cứu.
Sau đó, dân Ít-ra-el tiếp tục hành trình tiến về hữu ngạn sông Gio-đan, họ chiếm được lãnh thổ của dân E-mô-ri. Sau đó con cái Ít-ra-en lại lên đường và đóng trại ở thảo nguyên Mô-áp, bên kia sông Gio-đan, đối diện với Giê-ri-khô. Vua Mô-áp cầu cứu ông Bi-lơ-am, nhưng Bi-lơ-am nghe theo lệnh Đức Chúa mà không chúc dữ dân Ít-ra-en, trái lại ông chúc phúc cho dân Ít-ra-en.
3. Chú giải
Dân Ít-ra-en từ Núi Ho tiếp tục lên đường dọc theo phía Nam, men theo biên giới phía nam của Edom, tức dọc theo Biển Sậy mà tiến vào vùng đất hứa (c. 4). Trong hành trình nơi sa mạc nóng chảy và nhiều trận bão kinh hoàng này, dân gặp muôn vàn khó khăn thử thách, và theo bản tính tự nhiên của họ, một số người kêu trách ông Mô-sê và Đức Chúa.[1]  Họ đói khổ và khô họng vì thiếu nước uống (c. 5).
Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao dân Israel lại than trách (cc 4-5).
Khi gặp khó khăn, họ đã quên những ơn lớn lao Đức Chúa ban cho họ, nên họ phản ứng như là những người vô ơn, không còn nhớ đến những kỳ công Ngài đã thực hiện nơi họ. Thậm chí họ nói: “chúng tôi chán ngấy thứ đồ (manna) ăn vô vị này” (c. 5). Manna là dấu chỉ tình thương bao la của Đức Chúa dành cho dân trong suốt hành trình trong sa mạc, nhưng giờ đây, con cái Ít-ra-el cho nó là thứ “vô vị”. Dân thật là vô ơn!
Đức Chúa tiếp tục sửa phạt dân. “Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết” (c. 6).
Đây là một loại rắn độc hại, gây nên sự kinh hoàng, khủng khiếp và sự chết cho dân.[2]
Từ chất độc trong tiếng Do thái là “seprapim”, có nghĩa là “để đốt”. Đây là loại rắn không chỉ đơn giản là một thảm họa thiên nhiên, nhưng chúng còn là đặc nhiệm thần linh đến trừng phạt và có tiềm năng chữa lành. Thật vậy, trong Is 14,29; 30,6-7 mô tả con rắn như là rắn bay.[3] Theo Raymond E. Brown, chữ Serapim như được lồng vào để hiểu từ rắn, và nó liên quan đến việc “đốt cháy”, sự hủy diệt như sự chết chóc mà rắn độc gây ra.[4]
Bên cạnh đó, theo John H. Sailhamer, hình ảnh con rắn Chúa bảo Mô sê làm là dấu hiệu niềm tin của dân Ít-ra-en. Và theo học giả này, từ lửa hay rắn ở trong tiếng Do-thái rất giống nhau, nên cho rằng Chúa bảo với Mô-sê là đúc một ngọn lửa, chứ không phải là con rắn [5] … Điều này cần tìm hiểu sâu xa hơn nơi các bản văn gốc. Nhưng điều quan trọng ở đây khi nói về con rắn là nói đến dấu chỉ khi dân nhìn vào đó, họ nhìn vào trong niềm tin vào Đức Chúa và Ngài chữa lành và cho họ được sống.[6]
Chúa thương thì Ngài có cách sửa phạt và hướng dẫn. Qua sự xuất hiện của rắn độc, và sự chết chóc, dân Chúa được cảnh tỉnh. Họ thấy được tội lỗi nặng nề của họ. Những cơn gian nan, đau khổ đem lại giá trị là cảnh tỉnh lòng dân, giúp họ ý thức việc họ đang làm. Dân Ít-ra-en thú nhận tội lỗi của mình và họ yêu cầu Mô-sê cầu thay nguyện giúp: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi” (c. 7). Và điều này đã mang lại hiệu quả. Đức Chúa thấy được lòng dân hoán cải, nên Ngài chỉ cho ông Mô-sê cách thức để cứu dân. Ngài chỉ cho Mô-sê làm một con rắn đồng, và ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống (cc. 8-9).
Ngoài ra, đoạn này giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn vai trò trung gian của Mô-sê, vai trò của lời cầu thay nguyện giúp cho tha nhân, vai trò của lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện ở đây đem lại sự hài lòng và làm cho Đức Chúa tỏ lòng xót thương. Điều này cũng nhấn mạnh vai trò của lời cầu nguyện để chữa lành, cũng giống như thuốc chữa bệnh vậy (x. Kn. 16,7); 2 V 20,1-7.
Dân bị rắn cắn, nhưng nếu nhìn lên con rắn đồng thì được cứu. Không phải họ tin vào sức mạnh của rắn đồng, nhưng họ tin vào Đức Chúa, vì Ngài ban cho họ một công cụ, họ phải nhìn lên con rắn đồng và tin Chúa sẽ cứu họ thì họ sẽ được chữa lành. Tại sao lại là con rắn mà không phải là con vật nào khác? Có lẽ văn hóa ở vùng Cận Đông này coi con rắn là biểu tượng cho sự sống và sự chết.[7]
Các lễ hội văn hóa tại vùng Canaan thời đó mang có nhiều điều gắn liền với con rắn. Và qua các khảo cổ học, người ta tìm được rắn đồng ở Lachish, thuộc vào thời đại đồ đồng, cùng thời gian với giai đoạn Xuất Hành trong Kinh Thánh. [8] Một số yếu tố này giúp ta hiểu văn hóa, phong tục của người dân được dùng để chuyển tải ý nghĩa của Thánh Kinh. Và những gì diễn ra trong Thánh Kinh đều có tính lịch sử và giá trị thực tế của nó. Tuy nhiên, con rắn với văn hóa của nó chỉ là biểu tượng để diễn tả niềm tin. Chỉ những ai nhìn lên con rắn đồng và có niềm tin vào Đức Chúa thì sẽ được chữa lành, và sự sống. Chính Đức Chúa cứu sống họ, chứ không phải là ai khác. Thật vậy, không phải tự sức con rắn mang lại sự sống cho dân, nhưng chính khi dân thú lỗi của mình, họ xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mô-sê, họ được Chúa tha thứ và ban cho họ được tiếp tục sống.[9]
Qua câu chuyện con rắn đồng này, niềm tin được nhấn mạnh hơn cả. Thật vậy, qua các tường thuật trong sách Dân Số nói chung và tường thuật về con rắn đồng nói riêng, tác giả Thánh Kinh nhấn mạnh tới sự cần thiết trong việc đáp trả thể hiện niềm tin của dân chúng vào Đức Chúa khi có các dấu chỉ. Họ phải nhìn vào các dấu chỉ trong niềm tin trước khi bước vào một hành trình mới, như dân Ít-ra-en bắt đầu ra khỏi Ai-cập, hay khi vượt qua Biển Đỏ khô chân (x. Xh 4,30-31).
Liên quan đến con rắn, chúng ta thấy nhiều nơi nhắc đến con rắn. Rắn được biến từ cây gậy của ông Mô-sê trong nhiều cuộc tiếp xúc với vua Pharaon. Đây là một biểu tượng thể hiện quyền năng của Đức Chúa trước mặt Pharaon Ai cập – vị chúa của Ai-cập. Con rắn đồng treo trong sa mạc cũng là cách để tỏ bày vinh quang, quyền năng và lòng thương xót của Đức Chúa đối với dân của Ngài.
Con rắn đồng và Đức Giê-su trên thập giá
Tân Ước dùng hình ảnh con rắn như là biểu tượng cho Chúa Giê-su Ki-tô, người mang lấy tội lỗi của nhân loại vào thân mình mà đưa lên thập giá (Ga 3,14-16; 2 Cr 5,21).[10] “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Thánh sử Gio-an đã nổi kết giữa niềm tin và sự sống đời đời.[11] Sự sống đời đời này không phải do công của con người “nhìn lên”, hay do công trạng của vật họ nhìn, nhưng chính là do ân sủng ban nhưng không của Thiên Chúa. Điều này, chúng ta cũng bắt gặp trong sách Khôn ngoan: “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,6-7).
Tại sao Chúa Giê-su dùng hình ảnh con rắn mà nói về Ngài.
Sử dụng hình ảnh con rắn để làm nổi bật nhiều ý nghĩa của các hành động. Hành động “treo lên”, hay “giương lên cao” để ám chỉ cách chết của Chúa Giê-su, chính Ngài cũng bị treo lên cây gỗ (x. Lc 23,33; Mt 27,33-35). Con Thiên Chúa mang vào trong mình tội lỗi của nhân loại mà đóng đinh tất cả vào thập giá, nhờ đó ơn cứu độ được ban cho muôn dân. Ngày xưa trong sa mạc, ai nhìn con rắn với niềm tin vào Đức Chúa cứu thì họ sẽ được cứu độ, nhưng hôm nay, họ không cần nhìn vật trung gian như nhìn vào con rắn đồng nữa, mà là nhìn thẳng vào Đấng Cứu Độ, là Đức Giê-su Ki-tô, họ sẽ được ơn cứu độ (x. Ga 3,16).
Một cách nào đó, thập giá treo Đức Giê-su Ki-tô tỏ lộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan này thế gian không thể hiểu được. Trong Kinh Thánh, con rắn cũng là biểu tượng của sự khôn ngoan. “Anh em hãy khôn ngoan như rắn” (Mt 10,16). Nhưng sự khôn ngoan đích thực không phải là dùng mưu mẹo mà lừa dối tha nhân, lừa dối họ tìm cách để ngang hàng với Thiên Chúa, như con rắn xưa cám dỗ ông bà Adam và Eva (x. St 3). Sự khôn ngoan ở đây là sự tự hủy, không làm theo ý mình “mà là ý Cha” được thể hiện (Lc 22,42). Sự khôn ngoan nơi thập giá Đức Ki-tô giúp ta có được sự khôn ngoan khi luôn luôn tín thác vào Chúa và không được nghi ngờ Ngài. Dù hoàn cảnh khổ cực và thậm chí là cái chết, vẫn luôn tín thác: “Trong tay Ngài con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46).
Hơn nữa khi Chúa Giê-su so sánh mình với con rắn đồng xưa. Ngày xưa dân Do-thái nhìn lên con rắn đồng thì thấy tội của mình, họ hối hận và nhờ Mô-sê xin Đức Chúa tha cho họ. Ngày nay, con người với lòng thành tâm đích thực, khi nhìn thánh giá Đức Giê-su, họ sẽ nhận biết khám phá mình là ai. Viên đại đội trưởng nhìn thập giá và tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Bên cạnh đó, ta cũng thấy, Ðức Giêsu tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5,21; Gl 3,13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng tội đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Ðức Kitô: “Tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Thập Giá Ðức Kitô mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội, và hình dạng thật của con người.
Ngoài ra, để tránh lối giải thích ma thuật, sách Khôn Ngoan giải thích, “Hễ ai nhìn lên thì được cứu vớt, cứu không phải do vật được nhìn, mà do Chúa, Đấng Cứu Độ của mọi người” (Kn 16,7).
Ngoài ra, con rắn đồng bị treo vì tội của dân, nên họ bị rắn cắn. Đức Giêsu chịu treo trên Thập giá là vì tội lỗi nhân loại. Thánh Phêrô viết: “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.” (2Pr 2,24a) “Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (2 Pr 2,24b). Nhìn ngắm Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta ý thức về thân phận yếu hèn của mình, và tin vào Ngài thì được cứu.
Vậy, câu chuyện con rắn đồng trong sách Dân số giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn vai trò cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô.
4. Gợi điểm cầu nguyện cho các nữ tu linh thao 8 ngày.
Bài gợi ý cầu nguyện này dùng vào ngày thứ 2, suy niệm về tội, liên quan đến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su “theo Ta trong đau khổ” (Linh thao 95).
Bối cảnh của Linh Thao, sau khi đã cầu nguyện với Nguyên Lý và Nền Tảng (1 ngày), người ta đi vào tuần 1 của linh thao, ở gần cuối ngày thứ hai, khi suy nghĩ về tội, giúp họ chiêm niệm bài Ds 21,4b-9 và liên hệ đến Ga 3,14-16… Bài này cầu nguyện để chuẩn bị cho việc xưng tội.
Cơ cấu bài cầu nguyện: Nhập nguyện, suy chiêm và kết nguyện.
  1. Nhập Nguyện (Hiện diện trước mặt Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ngài, chú ý đến tư thế, tư cách, thái độ khi đến với Chúa. Xin ơn: Xin Chúa Thánh Thần giúp con nhận ra tội lỗi nặng nề mà con đã phạm, cũng xin giúp con biết nhìn lên Chúa Giê-su Ki-tô trên thập giá, với lòng thống hối sâu xa và ơn cứu độ Chúa ban.
  2. Suy chiêm
Điểm 1. Như ông Mô-sê treo con rắn trong sa mạc (đọc kỹ đoạn Lời Chúa Ds 21,4b-9), phân tích sơ lược một số điểm như đã trình bày ở trên, rồi đi vào cụ thể như sau.
  • Chiêm niệm câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc: Ds 21,4b-9 giúp ta hiểu điều gì?
Dân quên mất những ân huệ Chúa ban, khi họ gặp phải những khó khăn, họ kêu than Thiên Chúa và vị đại diện của Ngài là Mô-sê. Liên hệ đến mình? Lời Chúa dạy: “chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài”. Nhớ ơn, ghi khắc các ơn lành là một trong những cách thức để thấu hiểu tình yêu của Chúa hơn và trung thành với Chúa. Có những lúc ta gặp khó khăn trắc trở, ta có thể quên ơn Chúa, quên những điều tốt lành Chúa làm cho mình. Trong thời gian cầu nguyện, hãy nhớ lại những lúc đó, trong tư tưởng, lời nói và hành động, qua đó biết rõ hơn bản chất con người mình.
  • Chúa cho rắn ra cắn dân, nhiều người chết. Họ nhận ra mình tội lỗi, xin ông Mô-sê chuyển cầu và họ được Chúa cứu nhờ con rắn đồng. Chúng ta cũng vậy, con rắn đồng là một dấu chỉ để giúp dân tin vào Thiên Chúa và được cứu. Chúng ta cũng cần nhìn vào các dấu chỉ của thời đại, những dấu chỉ xảy ra trong đời mình để nhận ra cách làm việc của Thiên Chúa, nhận ra ý muốn của Ngài. Có thể những biến cố đau thương (như chuyện rắn cắn dân, giúp dân hoán cải), ta cũng vậy, qua biến cố đau thương, tai ương nào đó, xem Chúa chỉ dạy cho tôi điều gì? Các biến cố đau thương cũng là cách nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình.
  • Hành trình để được ơn tha thứ là nhận ra mình là người tội lỗi, chân thành sám hối, xin lòng thương xót của Chúa tha thứ cho mình. Vai trò của người trung gian cũng hết sức quan trọng. Ta cần lời cầu nguyện của chị em mình, của tha nhân. Và qua đây, ta cũng hiểu hơn vai trò cầu thay nguyện giúp cho nhau. Để nhờ đó, ơn Chúa ban xuống dồi dào trên mỗi người chúng ta.         
Điểm 2. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy (Đọc Ga 3,14-16), phân tích sơ qua đoạn Lời Chúa, rồi đi vào các điểm chính:
  • Hãy chiêm ngắm Chúa Giê-su trên thập giá. Tại sao Ngài bị đóng đinh đau thương khổ cực và nhục nhã vậy, vì ai? Dân Do thái xưa nhìn lên con rắn và thấy tội lỗi của họ. Khi nhìn lên Chúa Giê-su tôi có thấy vai trò, trách nhiệm của tôi trong cái chết của Chúa không? Tôi có nhận ra con người thật của mình không?
  • Hãy suy nghĩ chữ “treo lên”. Ai bị treo lên, Chúa bị treo như con rắn đồng xưa, có nghĩa là gì? Tạ ơn Chúa vì Chúa treo lên để con cũng được nâng lên để giao hòa với Ngài. Nhìn lên thánh giá để cảm nghiệm tình yêu của Đấng vô tội đã chết thay cho mình là kẻ có tội. Ngài đã mang tội của tôi mà đóng vào thập giá, để tôi được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
  • Trước tình thương bao la của Chúa, tôi cần phải làm gì cho Chúa, tôi cần hoán cải điều gì để sống đẹp lòng Chúa hơn, để canh tân đời sống của tôi trong năm thánh hiến này.
  1. Kết Nguyện.
Đặt mình trước thánh giá Chúa Giê-su Ki-tô, tâm sự với Ngài, bởi vì đâu Chúa ở chốn vinh quang mà lại tự hủy làm người vì con, chịu nạn chịu chết đau thương như thế này vì con ?
Suy xét kỹ và tự hỏi:
Tôi đã làm gì cho Đức Ki-tô?
Tôi đang làm gì cho Đức Ki-tô?
Tôi phải làm gì cho Đức Ki-tô? (Lt 53).
Tâm sự với Chúa theo những gì diễn ra trong lòng mình, và quyết tâm canh tân đời mình.
Đọc Kinh Lạy Hồn Chúa Ki-tô rồi kết thúc.
———————————————————–
Tài liệu tham khảo:
  • Thomas L. Constable, Notes on Number, 2015 edition: http//www.soniclight.com
  • John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001.
  • The New Interpreter’s Bible, A commentary in Twelve Volumes, Vol. 2, Abingdon Press, 1998, p. 163-164.
  • Raymond E. Brown, SS., The New Jerom Biblical Commentray, Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersey, 1990.
  • John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, A Biblical-Theological Commentary, Zondervan Publishing House, 1992.
  • Raymond E. Brown, S.S., Joseph A. Fitzmyer, S.J., Roland Murphy, O.Carm, Eds. The Jerome Biblical Commentary, Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersey.
  • Martin H. Manser, ed., Critical Companion to The Bible A Literary Reference, Fact on File, 2009.
  • I-nha-xi-ô Loyola, Linh Thao.
Kinh Thánh, phiên dịch do nhóm CGKPV, 2011.
[1] Theo, Thomas L. Constable,  con đường dân Ít-ra-en đi dẫn đến thành Elath ở phía Bắc của vịnh Aqabah. Hành trình này đi qua Arabah, nơi địa hình thấp chảy từ phía Bắc của biển Chinnereth (Galilee) qua biển này đến thung lũng Jordan và Biển Chết, đến phía Nam vịnh Aqabah. Dốc núi bức tường biên giới Arabah và phía Nam biển Chết.
Đây là một sa mạc kinh khủng, đầy sỏi đó lởm chởm, có nhiều đá bồi granite và nhiều loại đá khác, nơi đây có những trận bão cát kinh khủng thỉnh thoảng nổi lên từ cạnh Biển Chết
[2] Cf. John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, p. 126. Theo John Barton and John Muddiman, loại rắn mà Đức Chúa gởi đến để kỷ luật dân là rất “dữ dằn”, vì khi cắn, nó gây ra sức nóng mãnh liệt. Nọc độc của rắn và những chấm đỏ trên người loại rắn này gây nên nỗi ám ảnh và sự khổ cực cho dân cư trong sa mạc.
[3] Cf. The New Interpreter’s Bible,  A commentary in Twelve Volumes, Vol. 2, Abingdon Press, 1998, p. 163-164.
[4] Cf. Raymond E. Brown, SS., The New Jerom Biblical Commentray, Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersey, 1990, p. 88.
[5] John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, A Biblical-Theological Commentary, Zondervan Publishing House, 1992, p. 172.
[6] John H. Sailhamer, The Pentateuch As Narrative, A Biblical-Theological Commentary, Zondervan Pubulishing House, 1992, pp. 402-403.
[7] John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, p. 126.
[8] Raymond E. Brown, S.S., Joseph A. Fitzmyer, S.J., Roland  E. Murphy, O.Carm, Eds. The Jerome Biblical Commentary, Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersey, 1968, p. 94.
[9] Constable, 164. Tác giả Constable cũng nói rằng nền tảng văn hóa của câu chuyện con rắn đồng này có thể đến từ sự thực hành tôn giáo ở đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi đó có con rắn đồng tên là Nehushtan, đền thờ này bị phá hủy bởi vua Hezekiah (x. 2 V 18,4).
[10] Martin H. Manser, ed., Critical Companion to The Bible A Literary Reference, Fact on File, 2009, p. 295.
[11] Cf. Raymond E. Brown, SS., The New Jerom Biblical Commentray, Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersey, 1990, P. 956.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét