Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Tìm Hiểu Đoạn Sách Kinh Thánh Gr 8,18-23

Tìm Hiểu Đoạn Sách Kinh Thánh Gr 8,18-23

Môn học: Ngôn sứ
Giáo sư: Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Trương Minh Cao, S.J.
Người viết đã làm rõ hơn ý nghĩa của đoạn Gr 8,18-23 qua việc phân tích khá kỹ lưỡng đoạn trích này. “Ngôn sứ không chỉ là Lời của Thiên Chúa cho con người nhưng còn là “tiếng kêu” của dân lên Thiên Chúa. “Tiếng kêu cứu của cô gái dân tôi” cũng chính là tiếng kêu cứu của vị ngôn sứ. Tiếng kêu ấy vừa mang âm vọng xa xăm không biết có ai nghe, có ai thấu, vừa là một lời tự vấn và cũng vừa là một câu trả lời đón nhận tình trạng sai lầm của mình trước nhan Đức Chúa. Dân than khóc cũng chính là sự khóc than của vị ngôn sứ trước nhan thánh Chúa và Thiên Chúa đang than khóc cho dân Ngài.”
Bản văn Gr 8,18-23 được định vị trong 25 chương đầu của sách Giê-rê-mi-a. Đó là một chuỗi những sấm ngôn lên án Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.[1] Đó là những sấm ngôn đặc biệt của ngôn sứ dưới thời vua Giơ-hô-gia-kim (609-598): sấm ngôn về nền phụng tự, về việc thờ thần ngoại và các ngẫu tượng, về những đe dọa, than vãn và nhắn nhủ dân suy đồi về đời sống luân lý. Những yếu tố này đã nở rộ và còn kéo dài từ triều vua Mơ-na-se (697-642 A.C). Gr 8,18-23 được xem là đoạn sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a khóc thương dân ngài.[2] Từ chương 8 cho đến hết chương 10 của sách là những lời sấm công bố vào đầu triều đại của vua Giơ-hô-gia-kim (605 A.C), báo trước tình cảnh lâm nguy của dân Chúa. Chính vì thế, Gr 8,18-23 là những tâm tình của ngôn sứ ngay trước cuộc lưu đày lần thứ nhất của Giu-đa (597 A.C), sau khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ; đây là tâm tình khóc thương cho những lầm lạc, những khốn khó trước viễn cảnh Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (586) và dân sẽ phải lưu đày viễn xứ [Ba-by-lon]. Tác giả cũng cho thấy có một sự đồng điệu tình cảm giữa chính ngôn sứ và dân của ngài. Từ đó ta hiểu được điều gọi là ngôn sứ phải sống cái bi kịch mà ngài loan báo, và cuộc đời của ngôn sứ trở nên như một dấu chỉ biểu trưng cho dân.
Bản văn Gr 8,18-23 có thể có nhiều cách phân đoạn khác nhau. Có bản văn gộp đoạn này trong suốt mạch của chương 8 mà không tách biệt. Các bản Tiếng Việt thường gộp câu 23 vào trong đoạn này. Còn các bản Hy Lạp, Do Thái và một số bản Tiếng Anh thì câu 23 được đặt ở đầu chương 9. Sau khi suy xét, bài viết này sẽ chọn bản văn bao gồm cả câu 23 như trong các bản dịch Tiếng Việt. Vì nhờ câu 23 này mà bản văn có thể trở nên đầy đủ ý nghĩa hơn.
Bản văn có thể được chia làm ba phần: phần A từ câu 18-20, phần B từ câu 21-22 và phần C là câu 23. Trong đó phần A và phần B tạo thành bộ cấu trúc sóng đôi hoàn chỉnh (18 và 21, 19 và 22a, 20 và 22b), và câu 23 đặt cuối như một kết thúc mở cho một khát khao thầm kín sâu lắng nơi tâm hồn tác giả. Giờ đây ta sẽ thử phân tích từng cặp sóng đôi ở trên.
CâuA (18-20)CâuB (21-22)Ghi chú
18Thật vô phương cứu chữa,21 Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất. (Lc 22,44)
nỗi khổ xâm chiếm tôi, làm tim tôi suy nhược.Vì vết thương của cô gái dân tôi, mà lòng tôi tan nát, 
khiến tôi phải đau thương sầu muộn, 
nỗi kinh hoàng bám chặt lấy tôi.
19Này tiếng kêu cứu của cô gái dân tôi
từ miền đất xa xăm vọng về.
22a  
“Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46)
“Phải chăng ĐỨC CHÚA không còn ở Xi-on, 
Vua của nó không ngự ở đây nữa?”
Phải chăng không còn dầu thơm ở Ga-la-át, 
hay chẳng còn lương y nữa?
(Tại sao chúng lại khiêu khích Ta, 
bằng các tượng thần của chúng, 
là những đồ hư ảo của ngoại bang?)
 
20Mùa gặt đã hết rồi, mùa hè cũng đã qua,22b “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a.”… “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.” (Mc 15,35-36)
thế mà chúng tôi vẫn chưa được cứu! “Mà tại sao việc chữa trị cô gái dân tôi
chẳng tiến triển chút nào?
23/
(9,1)
Ai biến đầu tôi thành nguồn nước, 
và đôi mắt tôi thành suối lệ, để tôi than khóc đêm ngày
những người của cô gái dân tôi bị giết.
“Tôi khát!” (Ga 19,28)
  “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46)
Trước tiên, câu 18 được đặt sóng đôi với câu 21. Chủ thể chính mà tác giả dùng ở đây là “tôi” (ngôi thứ nhất số ít). Đối tượng hay tân ngữ của câu là “cô gái dân tôi” (ngôi thứ ba số ít). Câu 18 có thể được tách ra làm hai vế, vế đầu “thật vô phương cứu chữa” như một lời giới thiệu về tình trạng kiệt cùng của chủ thể“tôi”; và vế sau được đặt song song với câu 21 để làm rõ tình trạng kiệt cùng ấy: “nỗi khổ xâm chiếm lấy tôi, làm tim tôi suy nhược”, “phải đau thương sầu muộn…”. Lý do chính của nỗi khổ không phải đến từ “tôi” nhưng đến từ “vết thương của cô gái dân tôi” mà làm“tôi” bị đau. Những giải thích ở câu 21 tạo nên một liên điệp khúc diễn tả tâm trạng của “tôi” làm cho tâm tình “vô phương cứu chữa” của chủ thể ở câu 18 được đậm nét và nổi bật tính nghiêm trọng hơn.
Chủ thể “tôi” có thể được xem như là chính vị ngôn sứ. Nỗi khổ và sự suy nhược của vị ngôn sứ xảy ra song song với tình trạng “vết thương” của “cô gái dân tôi”. “Cô gái dân tôi” chỉ về chính những con dân đất nước Giu-đa – dân Chúa.[3] Ta thấy rằng, nỗi đau của ngôn sứ có một nguyên do rất cụ thể, từ “vết thương” của dân. Nỗi đau của “cô gái dân tôi” như thể là tình trạng kéo dài và quyện vào làm một với nỗi đau của ngôn sứ “khiến tôi…sầu muộn, bám chặt lấy tôi.” Tác giả đã kết hợp dùng những từ ngữ có tính gợi hình và gợi cảm rất cao: “xâm chiếm”, “suy nhược”, “tan nát”, “sầu muộn”, “kinh hoàng” để diễn tả cơn quằn quại của ngôn sứ như thể của một người đang bị vây hãm tứ bề không lối thoát. Những thuật ngữ diễn tả tâm trạng này được tác giả gắn với đối tượng là “tim tôi” và “lòng tôi” đã làm cho vết thương trở nên “sâu” và trầm trọng trong hiện hữu hiện sinh của con người [“tôi”].
Tuy nhiên, cũng có một câu hỏi đặt ra: ai là “tôi” và ai nói là “dân tôi” (c.19b và 22a)? Có người cho rằng đó là tiếng nói của riêng Giê-ru-sa-lem, có người cho đây là tiếng nói của dân và cũng có người tin rằng đấy là tiếng của Giê-rê-mi-a. Tuy nhiên, có một khả thể khá ‘nặng ký’ đó là tiếng than khóc của Đức Chúa, khóc thương vì sự đổ nát của dân (Gr 2-3,25; 9,17-22). Thiên Chúa tham dự vào nỗi đau khổ của toàn dân.[4] Thiên Chúa đã khóc than dân Người qua lời than khóc của ngôn sứ.[5]
Tiếp theo, câu 19 được đặt sóng đôi với câu 22a. Ta tạm chia câu 19 thành ba phần. Phần đầu là: “Này tiếng kêu cứu của cô gái dân tôi từ miền xa xăm vọng về.” Tương tự câu 18, phần này như một lời mào đầu để giới thiệu đối tượng cho độc giả. Đối tượng là “tiếng kêu cứu” (the cry/the voice of cry/הִנֵּה־קֹ֞ול שַֽׁוְעַ֣ת /φωνή κραυγής), chủ thể của tiếng kêu ấy là “cô gái dân tôi”. Đối tượng “tiếng kêu cứu” được đưa lên đầu câu, như một chủ ý nhấn mạnh của tác giả. Chủ thể đã được thay đổi so với câu 18 – “tôi”. Phần này được tác giả viết dưới dạng văn cầu khiến, như thể một lời kêu mời dành cho tất cả độc giả và những người đang lắng nghe. Phần thứ hai, chính tiếng kêu được diễn tả bằng một câu hỏi: “Phải chăng Đức Chúa không còn ở Xi-on,[6] Vua của nó không còn ngự ở đây nữa?” Phần này được đặt trong ngoặc kép (“”), là một lời trích dẫn trực tiếp của chủ thể tiếng kêu. Câu hỏi này được lập lại và nhấn mạnh hơn nơi phần đối xứng của nó ở câu 22a. Cả hai phần sóng đôi bổ túc cho nhau, tạo nên âm vang của tiêng kêu thêm da diết, xa xăm khi mà tất cả các lý do cầu cứu đều bị phủ định: “Đức Chúa…không còn, Vua…không ngự, Galaad[7]…hết dầu chữa bệnh và lương y…chẳng còn.”[8] Câu hỏi này tự bản thân không phải là một câu hỏi tu từ. Tuy nhiên, khi nó được kết hợp với cụm từ “tiếng kêu…từ vùng đất xa xăm vọng về” làm cho nó có âm hưởng của một câu hỏi mà ai nghe thấy và cũng không thể trả lời. Tiếng kêu của “cô gái dân tôi” vọng về vùng Xi-on trong sự vô vọng, việc lặp lại lời “phải chăng, phải chăng” đã làm cho nỗi thất vọng đi dần vào trong lời tự vấn. Trong bản văn nguyên ngữ tiếng Do Thái, thuật ngữ “cô gái dân tôi” là “  בַּת־עַמִּ֖י”, trong bản văn WEB[9] dịch là “the daughter of my people”; còn Lm. Nguyễn Thế Thuấn dịch là “con gái dân tôi”, làm nổi bật tính thân thuộc. Còn“Cô gái dân tôi” làm nổi bật hơn tính giao ước [trong hôn nhân] của dân. Nếu xét nguyên ngữ Do Thái hay cả trong Tiếng Việt thì “dân của tôi” và “tôi” có một sự hòa lẫn nên một và có thể hoán đổi vị trí cho nhau, trong “dân tôi” có “tôi” và “tôi” hiện diện trong “dân tôi”. Thứ hai, thuật ngữ “cô gái dân tôi” thuộc giống cái nên cụm “אִם־מַלְכָּ֖הּ” cần được dịch sát là: “Vua của cô ấy không còn ở với cô ấy” nữa. Cuối cùng là phần thứ ba: “Tại sao chúng lại khiêu khích Ta, bằng các tượng thần của chúng, là những đồ hư ảo của ngoại bang?” Phần này có lẽ không nằm trong mạch của bản văn, vì chủ thể đã bị thay đổi từ “cô gái dân tôi” thành “Ta”. Hơn nữa, nó vẫn thuộc phần trích dẫn trực tiếp của cùng một chủ ngữ: “tiếng kêu của cô gái dân tôi”. Có lẽ nhóm CGKPV đã có lý khi cho phần này vào trong ngoặc đơn ()[10] như thể là một phần được thêm vào của nhà biên soạn, nhằm giải thích lý do tại sao Đức Chúa đã vắng mặt ở Xi-on; tại sao mà mọi nguồn trợ giúp và niềm hy vọng đã trở nên vắng bóng. Nó nhắc lại lý do mà ngôn sứ đã lên án rất nghiêm trọng từ chương 2-6. Tuy nhiên, có khi nào “tiếng kêu của cô gái dân tôi” cũng chính là tiếng kêu của Thiên Chúa?
Có một điều ta cần để ý trong cặp sóng đôi này, trong câu 19, sau phần giới thiệu là một lời trích dẫn trực tiếp trong dấu ngoặc kép (“”), còn phần tương ứng ở câu 22a lại là một câu hỏi bình thường. Vì chủ thể chính của câu trích dẫn trực tiếp (c.19) là “cô gái dân tôi” nên chủ thể của câu 22a có thể là “cô gái dân tôi”, cũng có thể là chính tác giả (ngôn sứ) và cũng có thể là Đức Chúa. Như thế, “tiếng kêu của cô gái dân tôi” cũng chính là tiếng kêu của Đức Chúa, nghĩa là một số bản văn Tiếng Anh cũng đã có lý khi không đặt phần câu 19c này trong dấu () như bản Do Thái và Hy Lạp. Thế nên, “cô gái dân tôi” có thể là “dân của tôi” hoặc chính “tôi” (ngôn sứ) hoặc chính Thiên Chúa. Như vậy, tâm tình của “tiếng kêu cứu” là chính tâm tình của dân lưu đày, là tâm tình của ngôn sứ và cũng là chính tiếng than của Thiên Chúa. Ba tâm tình ấy hòa lẫn vào nhau đến nỗi độc giả khó mà phân biệt.
Cặp sóng đôi thứ ba là câu 20 và câu 22b. Tương tự như hai cặp trên, câu 20 cũng được chia thành hai phần: phần đầu “mùa gặt đã hết rồi, mùa hè cũng đã qua” như là phần giới thiệu bối cảnh hay là tiền đề (có thể là thuận hay nghịch) cho những điều sắp xảy ra. Như ta biết, khí hậu đất nước Israel là khí hậu Địa Trung Hải có mùa nóng dài và mùa đông ngắn. Qua một mùa hè và kết thúc một mùa gặt là đã kết thúc một chu kỳ thời gian vừa tiện lợi và vừa đủ dài.[11] Với tất cả điều kiện thuận lợi như thế, đấy phải là dịp thuận tiện để những điều tốt đẹp được thực hiện cho “cô gái dân tôi”. Thế mà, phần hai cho thấy một kết quả hoàn toàn ngược lại: “Chúng tôi vẫn chưa được cứu!”, “Việc chữa trị cô gái dân tôi chẳng tiến triển chút nào?” Ở đây, ta thấy có sự xuất hiện của hai chủ thể khác nhau song song. Câu 20 có một chủ thể mới “chúng tôi” (ngôi thứ nhất số nhiều) và câu 22b vẫn là “cô gái dân tôi.” Ta thấy rằng, câu 20 vẫn còn nằm trong mạch trích dẫn trực tiếp, cho nên từ “chúng tôi” vẫn chỉ về “cô gái dân tôi” nhưng với một nội hàm khác. Nếu như ở những câu trên, “cô gái dân tôi” được xét như một cá thể ở ngôi thứ ba số ít, thì ở đây (c. 20) “cô gái dân tôi” đã trở thành một tập thể ở ngôi thứ nhất số nhiều. Xi-on có thể vừa là chủ thể kêu cứu vừa có thể là đối tượng nghe “tiếng kêu”. Tương tự, những người con dân đi lưu đày có thể vừa là chủ thể của “tiếng kêu” và cũng có thể vừa là đối tượng nghe. “Cô gái dân tôi” vừa với tư cách là một cá nhân để diễn tả số đông của một tập thể, vừa là một tập hợp các cá nhân để cho thấy một số ít người.[12] Có một sự lấp lẫn giữa chủ thể và đối tượng, giữa số ít và số đông, giữa “dân tôi” và “tôi” làm cho người đọc khó mà tách biệt được tâm tình của dân và của chính ngôn sứ, cũng như nhóm người đi lưu đày và nhóm ở lại. Như thế, thời gian đã đủ lâu, hoàn cảnh cũng đủ thuận tiện, thế mà cả dân Chúa vẫn chưa được cứu thoát khỏi tình trạng suy sụp, nô bộc, lẫn nhóm người lưu đày cũng trong tình cảnh không tiến triển gì với cơn “lâm bệnh” của mình. Câu 20 được diễn tả trong một câu hỏi tu từ mang đậm cảm xúc của tác giả – một tâm trạng tha thiết. Câu hỏi hàm chứa một câu trả lời về thực trạng “vẫn chưa được cứu”, “vết thương[13] “chẳng tiến triển chút nào”. Tình trạng tồi tệ chưa có một dấu chỉ khả quan, nhưng tận sâu bên trong tâm tình ấy vẫn là một sự chờ đợi mong mỏi – một niềm hy vọng được cứu thoát.
Ba cặp sóng đôi làm thành ba nhịp của một tâm trạng. Cặp c.18 và 21 là nhịp tình cảnh của “cô gái dân tôi” – “tôi” và lý do của tình cảnh ấy. Cặp c.20 và 22b là một nhịp đóng vì tình cảnh vẫn không mấy khả quang: “tim tôi suy nhược…mà vẫn chưa được cứu!”, “vết thương của cô gái dân tôi…chẳng tiến triển chút nào?” Cho nên, cặp c.19 và 22a ở giữa trở thành nhịp nối kết hai nhịp trên và nó trở thành trung tâm của sứ điệp. Tiếng kêu cứu đau đớn của dân hay của chính ngôn sứ diễn tả một thực tại mờ mịt về sự vắng bóng chính Đức Chúa của lời hứa – Đấng Minh Quân chăm sóc. Tuy nhiên, đây không phải là một lời kêu trách hay sự chọc giận hoặc một tâm tình tuyệt vọng vào Đấng Giao Ước, nhưng mà là một lời mời gọi đến niềm hy vọng và trông cậy.[14] Ta cũng sẽ bắt gặp tâm tình này rất rõ nơi Chúa Giê-su trong giờ lâm tử: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni” (Mt 27,46). Một lời kêu than trong tin cậy vào Cha. Điều này sẽ giúp ta tiến đến câu 23 dễ dàng hơn.
Đa số các bản văn (cả bản Do Thái và bản Hy Lạp) đều đặt câu 23 vào đầu chương 9:“Ai biến đầu tôi thành nguồn nước, và mắt tôi thành suối lệ, để tôi than khóc đêm ngày[15] những người của cô gái dân tôi bị giết.” Tuy nhiên, nếu bản văn chỉ kết thúc ở câu 22 thì thông điệp của bản văn sẽ thiếu sự dấn thân trọn vẹn về tính đồng cảm sâu xa của chủ thể. Còn nếu đặt câu 23 vào đầu chương 9 thì cũng có phần hợp lý và cũng có khía cạnh bất hợp lý. Hợp lý khi câu 23 được sử dụng cùng một cú pháp của câu hỏi tu tù:[16] “Ai biến đầu tôi…” với câu 1 chương 9: “Ai sẽ cho tôi…”(מִֽי־יִתֵּ֤ן); bất hợp lý khi Gr 9,1 thể hiện một thái độ tiêu cực hoàn toàn đối lập với thái độ của câu 23: “Ai sẽ cho tôi một trạm dừng chân trong sa mạc hoang vắng, để tôi rời bỏ dân tôi, và đi xa khỏi họ; vì tất cả họ là quân ngoại tình, một lũ người phản bội.” Tuy nhiên, từ một tâm tình tích cực chuyển ngay sang tâm tình tiêu cực như thế cũng đủ cho ta thấy tính chất tâm lý phức tạp của ngôn sứ Giê-rê-mi-a,[17] và cũng là của chính dân Chúa.
Câu 23 như là một đúc kết mở ra cho thông điệp của toàn đoạn. Nếu nó là kết thúc của phần B (c.21-22) thì nó đẩy lên đỉnh cao tâm tình của vị ngôn sứ: muốn được đồng cảm, thấu cảm và nên một với nỗi khốn cùng của dân ngài. Tuy nhiên, không chỉ như thế, qua việc sử dụng câu hỏi tu từ, tác giả còn cho ta thấy, vị ngôn sứ còn mong muốn chia sẻ và gánh chịu thay cho dân hơn nữa (“làm sao”), hơn với những gì thực tại đang diễn ra. Hơn thế nữa, điều mà ngài mong muốn ấy không ai có thể làm được, không ai có thể cho ngài, thế nên nỗi đau và sự dằn vặt nội tâm mà ngài đang chịu càng lúc càng tăng thêm gấp bội. Đây là cảm xúc tích cực, rất mạnh mẽ của vị ngôn sứ, là dấu chỉ của tinh thần hiến tế trong niềm hy vọng và lòng mến. Còn nếu câu 23 là đúc kết của phần A (c.18-20) thì ta nhận thấy có một sự luân chuyển về chủ thể như sau: “tôi” (c.18) – “cô gái dân tôi” (c.19) – “chúng tôi” (c.20) – “tôi” (c.23). Đây là một cấu trúc mà mở đầu và kết thúc đều hướng về chủ thể “tôi”, để làm nổi bật tâm tình của chính ngôn sứ, tâm tình chung chia với “tiếng kêu cứu của cô gái dân tôi” và ôm ấp trọn tấn bi kịch của dân trong mình. Hơn cả một lời than vãn, nó cho thấy rằng không ai có thể giúp cho ngôn sứ nguôi ngoai đi cơn đau khổ mà ngài đang phải gánh chịu. Sự than khóc vượt trên sự đau khổ của dân, đó cũng chính là tình yêu lớn mà ngôn sứ dành cho dân và cũng là tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài.[18] Kết hợp với Gr 9,2-6, ngôn sứ/Thiên Chúa không còn có đủ nước mắt để khỏa lấp hết thảm cảnh đang nằm ngay phía trước – những điều tồi tệ đang diễn ra.[19] Một Thiên Chúa yêu thương dân trong cách thức cũng rất con người. Một tình yêu cũng trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, một tình yêu trở nên sâu lắng và bền vững trong sự bấp bênh nhờ sự tha thứ.
Tấn bi kịch của “cô gái dân tôi” vừa là tiền đề và cũng vừa là hệ quả của biến cố lưu đày; tác giả đã cho độc giả một cái nhìn sâu lắng về chân dung một vị ngôn sứ. Ngôn sứ là người phải sống cái bi kịch mà mình loan báo và phải sống cái bi kịch của toàn dân. Thân phận của ngôn sứ trở nên mong manh như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ơn gọi ngôn sứ không phải chỉ sống cho riêng mình nhưng còn là sống cho toàn dân. Cuộc đời của ngôn sứ cũng “năm chìm bảy nỗi” cùng một nhịp với vận mệnh của dân, của nước. Không chỉ cùng một nhịp, giống như lớp tiền bối (I-sai-a, Hô-sê), Giê-rê-mi-a cũng phải lội ngược dòng lịch sử của dân: phải cảnh báo, phải đe dọa khi dân đang sa đọa, an phận thủ thường hay sống trong bình an ảo tưởng và mất niềm trông cậy vào Thiên Chúa. Trái lại, ngài cũng an ủi và khích lệ dân tin tưởng khi họ rơi vào cơn sầu khổ và khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc đời của ngôn sứ [Giê-rê-mi-a] như một dấu chỉ tượng trưng cho hình ảnh toàn dân và cũng là hình ảnh của Thiên Chúa.
Ngôn sứ không chỉ là Lời của Thiên Chúa cho con người nhưng còn là “tiếng kêu” của dân lên Thiên Chúa. “Tiếng kêu cứu của cô gái dân tôi” cũng chính là tiếng kêu cứu của vị ngôn sứ. Tiếng kêu ấy vừa mang âm vọng xa xăm không biết có ai nghe, có ai thấu, vừa là một lời tự vấn và cũng vừa là một câu trả lời đón nhận tình trạng sai lầm của mình trước nhan Đức Chúa. Dân than khóc cũng chính là sự khóc than của vị ngôn sứ trước nhan thánh Chúa và Thiên Chúa đang than khóc cho dân Ngài.
Giờ đây ta thử làm một sự đối chiếu nhỏ giữa tâm tình của Giê-rê-mia và tâm tình của Chúa Giê-su khi Ngài đi vào hành trình của cuộc khổ nạn. “Lòng tôi tan nát…tim tôi suy nhược” của Giê-rê-mi-a ta cũng bắt gặp nơi Chúa Giê-su “lâm cơn xao xuyến…mồ hôi…máu rơi” trong Vườn Dầu (Lc 22,44) hay khi Ngài khóc thương “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!” (Lc 13,34). “Tiếng kêu cứu” bỉ cực của ngôn sứ ta cũng nghe thấy từ nơi môi miệng của Chúa Giê-su trên cây thánh giá: Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Tiếng kêu có đối tượng là chính Thiên Chúa chứ không phải là ai khác. Thiên Chúa ấy được xác nhận là “Thiên Chúa của con”. Tiếng kêu mang âm hưởng “than trách” nhưng tâm tình thì đầy tin tưởng và phó thác. Thiên Chúa dường như vắng bóng “chúng tôi vẫn chưa được cứu” thì người ta cũng không nhìn thấy một Đấng Giải Cứu nào đến trợ giúp Chúa Giê-su trên cây thập giá: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.” (Mc 15,35-36). Tuy nhiên, một sự vắng bóng về thể lý thì không đồng nghĩa với một vắng bóng của sự hiện diện. Không một ai dám nói rằng Chúa Cha đã vắng bóng trong hành trình khổ nạn của Chúa Giê-su. Điều ấy cũng tương tự cho hành trình của dân Chúa và của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Cuối cùng, khao khát của Giê-rê-mi-a (c.23) muốn biến “đầu thành nguồn nước,…mắt thành suối lệ” để được “than khóc đêm ngày” với “dân tôi”, để chung chia nỗi niềm của dân, thì từ trên thập giá, Chúa Giê-su đã thì thào: “Tôi khát!” (Ga 19,28). Ngài khát những ai biết khao khát, lời thì thào với tất cả tình cảm Ngài dành cho nhân loại. Tuy nhiên, ở đây, Chúa Giê-su đã đẩy tâm tình của cuộc khổ nạn lên đến đỉnh cao bằng một lời tuyên xưng đức tin và là một hiện thực hóa đức tin sống động: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46). Ngài thoát ra khỏi những biến cố và quy nó về Đối Tượng duy nhất là “Cha”trong mọi sự. Giê-rê-mi-a chưa làm ló rạng được tâm tình này.
Tóm lại, những gì đang diễn ra cho ngôn sứ Giê-rê-mia trong bối cảnh Giu-đa chuẩn bị lưu đày và thành thánh Giê-ru-sa-lem sắp thành bình địa (Giu-đa phải đón nhận một cuộc khủng hoảng đức tin lớn lao nhất từ trước đến nay), cũng giống với những gì Chúa Giê-su đã trải qua trong bối cảnh đế quốc Rô-ma đô hộ Do Thái. Bối cảnh mỗi thời mỗi khác, nhưng về bản chất thì luôn có nhiều nét tương đồng. Xã hội hôm nay, cụ thể nơi quê hương Việt Nam, vẫn có tình trạng các “cường quốc” đang lăm le thôn tính và đô hộ theo nhiều cách thức khác nhau. Nội bộ đất nước còn nhiều bất công, tranh giành và lạm dụng quyền lực; xã hội tha hóa về nền tảng luân lý, việc thờ “ngẫu tượng” cũng nhiều. Chính vì thế, vị ngôn sứ hôm nay cũng không thể khác được so với Giê-rê-mi-a. Vị ấy cũng phải đe dọa và cảnh báo khi dân lầm lạc, cũng phải ủi an khi dân bị thử thách, cũng phải mang lấy và chung chia số phận của dân của nước, cũng phải là người luôn canh thức, là người cầm cân nảy mực, là sứ giả và là trung gian giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Cuối cùng, vị ấy phải là người hiến dâng mạng sống mình cho sứ điệp của Chúa và cho dân.
Tài Liệu Tham Khảo
  1. The Oxford Bible Commentary, Edited by John Barton and John Muddiman, Oxford University Press, 2001.
  2. The Harper Collins Bible Commentary, General Editor by James L. Mays with The Society of Biblical Literature, HarperSanFrancisco, 1998.
  3. The International Bible Commentary, A Catholic and Ecumenical commentary for the 21st century, Editor by William R. Farmer, The Liturgical Press, Collegeville Minnesota, 1998.
  4. The New Jerome Biblical Commentary, Edited by Raymond E. Brown, S.S., Joseph A. Fitzmyer, S.J. and Roland E. Murphy, O.Carm., Geoffrey Chapman Press, 1988.
  5. New Bible Commentary 21st Century Edition, Edited by D.A. Carson, R.T. France, J.A. Motyer and G.J. Wenham, IVP Academic, 1994.
  6. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh, Tôn Giáo, 2011.
  7. The New Interpreter’s Bible A Commentary in Twelve Volumes, Vol. VIII, New Testament Articles: Matthew & Mark, Abingdon Press Nashville, 1995.
  8. The New Jerome Bible Handbook, Edited by Raymond E. Brown, S.S., Joseph A. Fitzmyer, S.J. and Roland E. Murphy, O.Carm., Geoffrey Chapman Press, 1992.
Kinh Thánh, bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Cuốn 2, Nxb. Dòng Chúa Cứu Thế, 1976.
[1] Chú giải nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV).
[2] World English Bible; Nhóm CGKPV: Ngôn sứ than vãn vì nạn đói; Lm. Nguyễn Thế Thuấn: Ai ca của tiên tri; trong bản NIV: đoạn này thuộc trong phần “Tội lỗi và xét xử”.
[3] Trong dòng lịch sử của Is-ra-el, hình ảnh “cô gái dân tôi” cũng được biết đến trong Is-sa-ia đệ nhất: “Vì vậy tôi đã nói: ‘…Đừng cố tìm cách ủi an tôi trước cảnh điêu tàn con gái dân tôi phải chịu.’” “Con trai con gái” là dấu hiệu phúc lành của Thiên Chúa: “Sau khi sinh ông Sết, ông A-dam sống tám tram năm và sinh con trai con gái.” (St 5,4) “Con trai con gái” được xem như là một phần gia sản quý giá Chúa ban: “Nó sẽ ngốn ngấu của ngươi: mùa màng và lương thực, con trai và con gái, ngốn ngấu chiên và bò, vườn nho và nương vả”(Gr 5,17). Đó cũng là đối tượng được yêu thương, che chỡ và là giống nòi Is-ra-el mai sau: “Ta sẽ nói với phương Bắc: Đưa cho Ta! Và nói với phương Nam: Đừng giữ lại! Hãy đưa con trai Ta về từ viễn xứ, và con gái Ta từ góc biển chân trời” (Is 43,6). “Cô gái dân tôi” này cũng được xem là trinh nữ: “Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt, vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn, vết trọng thương hết đường cứu chữa” (Gr 14,17).
[4] The Oxford Bible Commentary, Edited by John Barton and John Muddiman, Oxford University Press, 2001, pp. 496-497. The Harper Collins Bible Commentary (p.554): Từ 8,18-9,1 là một “cuộc đối thoại” mà trong đó những người nói thay đổi nhanh chóng cách rối rắm (người nói là Giê-rê-mia: c.18-19a; là dân: 19b; là Đức Chúa: 19c; là dân: 20 và Giê-rê-mia từ 21-9,1).
[5] The New Interpreter’s Bible A Commentary in Twelve Volumes (pp.648-650): Đặt bản văn trong tương quan với c.17 (“Vì vậy Ta sẽ cho loài rắn, loài rắn độc, đến làm hại các ngươi, mà không phù phép nào ngăn nổi;”) ta nhận ra c.18-9,1 là lời của Đức Chúa. Tuy nhiên ta cũng không thể tách biệt được lời của ngôn sứ và lời của Đức Chúa. Ta thấy đôi khi Thiên Chúa khóc than dân Ngài ngang qua giọng của ngôn sứ. Chương 14,17 (“Lạy ĐỨC CHÚA, nếu tội ác chúng con đã phạm lại tố cáo chúng con, thì vì thánh danh, xin ra tay hành động. Đã bao lần chúng con làm phản, biết bao phen đắc tội với Ngài.”): ngôn sứ nói lời than vãn lên Thiên Chúa, cũng vậy, những lời than vãn của ngôn sứ và của Thiên Chúa cũng kéo theo một lời than vãn đến Thiên Chúa (c19-20), cho nên ta khó có thể phân biệt chính xác lời của ai. Bản văn trong tương quan với câu 9,2 ta thấy có cùng một âm giọng với câu 9,1 “ai sẽ cho tôi….” “ai biến đầu tôi…” và kết hợp với đoạn sau ta tiếp tục nhận ra người nói ở ngôi thứ nhất như là Thiên Chúa.
[6] Xi-on: tên gọi về một dân tộc, về một địa danh (đỉnh núi Xi-on) nơi thành thánh Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên đấy. Tên Xi-on được dân lưu đày gọi về vùng đất hứa khi thành Giê-ru-sa-lem đã hoàn toàn sụp đổ. Xi-on cũng được ví như một cô trinh nữ kiêu kỳ và xinh đẹp: “Đức Chúa phán: vì các con gái Xi-on kiêu kỳ…”(Is 3,16), “Này thiếu nữ Xi-on bao xinh đẹp yêu kiều, ngươi đã đến ngày tận số” (Gr 6,2), “Trinh nữ, cô gái Xi-on, khinh dễ nhạo bang người…” (Is 37,21). Tuy nhiên, trinh nữ Xi-on cũng là đối tượng phạm tội.
[7] Galaad: là vùng đông ngạn Gio-đan, phía Bắc suối Gia-bốc, nỗi tiếng về hương liệu và dầu thơm (Gr 46,11).
[8] The International Bible Commentary (p.1013): (c.22) ngôn sứ đưa lên một câu hỏi tu từ cho dân tự suy xét lại chính thái độ của họ: niềm tin của họ đã đặt sự bảo đảm vào dân tộc nào? Dù cho ở Ga-la-ad có dầu và có bác sĩ đi chăng nữa thì cũng không thể nào mang Israel đến sự nguyên tuyền khi mà vẫn còn cậy dựa vào các thứ, sự khôn ngoan và các ngoại thần của dân ngoại. Theo The New Interpreter’s Bible A Commentary in Twelve Volumes (pp.648-650): Dầu ở vùng Galaad có thì cũng nên được chữa lành ở đấy chứ thế tại sao không ai được chữa? c.22 cũng là câu hỏi không thể bao phủ được hết thực tại vì lý do Gr 9,2-6.
[9] Bản World English Bible.
[10] Nếu ta bỏ phần trong dấu ngoặc đơn thì nội dung vẫn không hề thay đổi. Nó chỉ là phần chú thích thêm chứ không thuộc phần ý nghĩa cơ bản của đoạn văn.
[11] Mùa gặt là thời gian để dâng hy lễ tạ ơn: “Ngươi cũng sẽ giữ tục lệ mừng lễ Mùa gặt, lễ dâng của đầu mùa, do sức lao động ngươi làm ra, do công ngươi gieo cấy ngoài đồng; rồi ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Thu hoạch vào cuối năm,…” (Xh 23,16). Mùa gặt là dấu chỉ của ân sủng: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” (TV 126,5). Mùa gặt là mùa của làm việc chứ không phải để nghỉ ngơi: “Mùa hè thu hoạch là khôn, mùa gặt ngủ vùi là nhục.” (Cn 10,5) hay “Đầu mùa đông, kẻ lười không lo cày cấy, đến mùa gặt, nó tìm kiếm cũng uổng công.” (Cn 20,4).
[12] Điều này ta nhận ra được sau khi cuộc lưu đày lần thứ nhất (597) diễn ra. Số dân Giu-da bị bắt đi lưu đày chỉ là một số ít, nhưng là thành phần thuộc nồng cốt; còn số dân ở lại là phần đông dân (gồm những người cùng đinh và vô sản).
[13] Vết thương: ám chỉ đến tội lỗi của dân Chúa (thờ ngẫu tượng, đa thần, tổ hợp thần,…), chỉ đến sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem khi bị các đế quốc đánh chiếm và đền thờ bị phá hủy, dân bị bắt đi lưu đày, sự hoang tang và đói kém của Giu-đa vì bất tuân lời Chúa.
[14] The Oxford Bible Commentary (496-497): “Daughter of my people” là thuật ngữ dành cho một thành (c.21,22,23), câu hỏi của cô ấy diễn tả một niềm tin mù sương vào sự hiện diện của Đức Chúa và một cảm nhận bị bỏ rơi trong sự vắng bóng của Thiên Chúa. Câu hỏi diễn tả nỗi đau và sự mất hết tinh thần vào thần tượng của cô. Tuy nhiên, nỗi đau của cô gái lấn át cả Thiên Chúa nhưng không phải là một sự chọc giận Ngài (8,21). Đức Chúa mời gọi cho sự chữa lành (c.22), Ngài không từ bỏ cô nhưng Người đã khóc than với cô ấy trong khao khát của Ngài (c.23).
[15] Từ “đêm ngày” diễn tả một thực tại không hồi kết, như trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước thánh nhan, đêm ngày con kêu cứu.” (TV 88,2).
[16] Câu hỏi tu từ là câu hỏi mà nội dung của nó bao hàm ý trả lời và biểu thị một cách tế nhị cảm xúc của người phát ngôn. Hàm ý trả lời ấy có thể là xác nhận một điều có tính chất phủ định (hay khẳng định), hay gợi lên một suy tưởng, hoặc biểu lộ một cảm xúc (tiếc thương) trong một câu cảm…
[17] The International Bible Commentary (p.1013): Gr 8,23 – 9,2 một mặt ngài muốn khóc than cho dân nhưng mặt khác ngài cũng muốn tách mình ra khỏi họ và những việc làm xấu xa của họ.
[18] The New Jerome Biblical Commentary (p.276): Sự than khóc vượt trên sự đau khổ của dân cho thấy tình yêu và sự đồng cảm của Giê-rê-mia dành cho dân, mặc dù sứ điệp của ông phải tiên báo sự kết án kiên quyết. Nghịch lý này đã tạo ra cho ông một mâu thuẫn nội tâm đầy đau thương mà ông sẽ phải tỏ bày ra.
[19] The New Interpreter’s Bible A Commentary in Twelve Volumes, Vol. VIII, New Testament Articles: Matthew & Mark, Abingdon Press Nashville, 1995 (pp.648-650).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét