Phần III


(1) Chúng ta phải làm gì? Có lẽ chúng ta nên tạo ra một Giáo hội khác để mọi việc được giải quyết? Có, thí nghiệm này đã được thực hiện và đã thất bại. Chỉ có sự vâng lời và tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô của chúng ta mới có thể chỉ đường. Vì vậy, trước tiên, chúng ta hãy cố gắng hiểu một lần nữa và từ bên trong [chính mình] điều Chúa muốn, và đã muốn với chúng ta.

Trước tiên, tôi sẽ đề nghị điều sau đây: Nếu chúng ta thực sự muốn tóm tắt rất ngắn gọn nội dung của Đức tin như đã được đặt để trong Kinh Thánh, chúng ta có thể làm vậy bằng cách nói rằng Chúa đã khởi xướng một câu chuyện tình với chúng ta và muốn bao gồm trọn sáng thế vào trong đó. Lực lượng chống lại cái ác, một cái ác đe dọa chúng ta và toàn thế giới, cuối cùng chỉ hệ ở việc chúng ta bước vào tình yêu này. Đó là lực lượng thực sự chống lại điều ác. Sức mạnh của tội ác phát sinh từ việc chúng ta từ chối yêu Thiên Chúa. Người nào phó thác mình cho tình yêu của Thiên Chúa thì được cứu chuộc. Việc chúng ta không được cứu chuộc là hậu quả của việc chúng ta thiếu khả năng yêu Thiên Chúa. Học cách yêu Thiên Chúa là con đường cứu chuộc của con người.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng mở tung nội dung thiết yếu này của mặc khải Thiên Chúa thêm một chút nữa. Sau đó, chúng ta có thể nói rằng hồng phúc căn bản đầu tiên mà Đức tin mang lại cho chúng ta là việc biết chắc chắn rằng Thiên Chúa hiện hữu.

Một thế giới không có Thiên Chúa chỉ có thể là một thế giới không có ý nghĩa. Vì lúc đó, mọi sự phát xuất từ đâu? Dù sao, nó không có mục đích thiêng liêng nào. Nó chỉ đơn giản có mặt ở đó và không có bất cứ mục tiêu cũng như bất cứ ý nghĩa nào. Lúc đó, không hề có tiêu chuẩn thiện hay ác nào. Lúc đó, chỉ những điều mạnh hơn những điều khác mới có thể khẳng định chính nó. Quyền lực lúc đó là nguyên lý duy nhất. Sự thật không đáng kể, nó thực sự không hiện hữu. Chỉ khi mọi thứ có một lý do thiêng liêng, được dự tính và được quan niệm - chỉ khi có một Thiên Chúa sáng tạo, Đấng tốt lành và muốn điều tốt - thì cuộc sống của con người mới có thể có ý nghĩa.

Việc có Thiên Chúa như Đấng tạo dựng và là thước đo mọi sự là điều cần thiết nguyên thủy trước hết và trên hết. Nhưng một vị Thiên Chúa hoàn toàn không phát biểu chính mình, không làm cho mình được biết đến, sẽ vẫn là một giả định và do đó không thể xác định mô thức [Gestalt] cuộc sống chúng ta.

Để Thiên Chúa thực sự là Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo có chủ ý này, chúng ta phải trông chờ Người tự phát biểu chính Người một cách nào đó. Người đã làm thế bằng nhiều cách, nhưng một cách dứt khoát trong lời kêu gọi ngỏ với Ápraham và ban cho các người tìm kiếm Thiên Chúa một định hướng dẫn họ vượt lên trên mọi mong đợi: Chính Thiên Chúa trở thành tạo vật, nói như con người với những con người nhân bản chúng ta.

Theo cách này, câu “Thiên Chúa hiện hữu” cuối cùng trở thành một sứ điệp thực sự hân hoan, chính bởi vì Người không chỉ là sự hiểu biết, Người tạo dựng - và là - tình yêu. Làm mọi người ý thức được điều này một lần nữa là nhiệm vụ đầu tiên và căn bản được Thiên Chúa giao phó cho chúng ta.

Một xã hội không có Thiên Chúa - một xã hội không biết Người và coi Người không hiện hữu - là một xã hội mất thước đo của nó. Trong thời đại chúng ta, câu tuyên truyền Thiên Chúa đã chết đã được sáng chế ra. Khi Thiên Chúa chết thật trong xã hội, nó sẽ được tự do, chúng ta được cho biết chắc như thế. Trên thực tế, cái chết của Thiên Chúa trong một xã hội cũng có nghĩa là cái chết của tự do, bởi vì điều chết đi là mục đích cung cấp định hướng cho ta. Và vì chiếc la bàn chỉ cho chúng ta đi đúng hướng bằng cách dạy chúng ta phân biệt thiện và ác đã không còn. Xã hội phương Tây là một xã hội trong đó Thiên Chúa không hiện diện trong lãnh vực công cộng và không còn gì để cung ứng cho nó nữa. Và đó là lý do tại sao nó là một xã hội trong đó thước đo nhân tính ngày càng mất đi. Tại các điểm cá thể, điều bất ngờ rõ ràng là điều xấu xa và hủy diệt con người đã trở thành một vấn đề tất nhiên.

Đó là trường hợp ấu dâm. Chỉ một thời gian ngắn trước đây, nó đã được lên lý thuyết là hợp pháp, nhưng nó đã tràn lan mỗi ngày một hơn. Và nay chúng ta ngỡ ngàng nhận ra rằng sự việc đang xảy ra với trẻ em và người trẻ của chúng ta nhằm đe dọa phá hoại các em. Sự kiện điều này cũng lan tràn trong Giáo hội và nơi các linh mục hẳn phải khiến chúng ta bối rối cách riêng.

Tại sao ấu dâm đã đạt tới những tỷ lệ như thế? Cuối cùng, lý do là sự vắng mặt của Thiên Chúa. Các Kitô hữu và linh mục chúng ta cũng không thích nói về Thiên Chúa, vì ngôn từ này dường như không thực tế. Sau những biến động của Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta ở Đức vẫn còn minh nhiên đặt Hiến pháp của mình dưới trách nhiệm đối với Thiên Chúa như một nguyên tắc hướng dẫn. Nửa thế kỷ sau, người ta không còn có thể bao gồm trách nhiệm đối với Thiên Chúa như một nguyên tắc hướng dẫn trong hiến pháp châu Âu nữa. Thiên Chúa bị coi như mối quan tâm đảng phái của một nhóm nhỏ và không còn có thể trở thành nguyên tắc hướng dẫn cho toàn thể cộng đồng. Quyết định này phản ánh tình hình ở phương Tây, nơi Thiên Chúa đã trở thành chuyện riêng tư của một thiểu số.

Một nhiệm vụ tối quan trọng, một nhiệm vụ hẳn đã phát xuất từ các biến động luân lý của thời ta, là chính chúng ta phải bắt đầu lại việc sống theo Thiên Chúa và sống trong Người. Trên hết, chính chúng ta phải học lại cách
nhìn nhận Thiên Chúa là nền tảng của cuộc sống chúng ta thay vì đẩy Người qua một bên như một cụm từ vô hiệu. Tôi sẽ không bao giờ quên lời cảnh báo mà nhà thần học vĩ đại Hans Urs von Balthasar từng viết cho tôi trên một trong những lá thư bưu thiệp của ngài. “Đừng giả thiết Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần, nhưng hãy trình bày các vị!”

Thật vậy, trong thần học, Thiên Chúa thường được coi là điều đương nhiên, nhưng người ta không cư xử với Người một cách cụ thể. Chủ đề Thiên Chúa dường như không có thực chất, bao lâu bị loại ra ngoài những điều liên quan đến chúng ta. Tuy nhiên, mọi sự sẽ trở nên khác nếu người ta không giả định nhưng trình bầy Thiên Chúa. Không để Người ở hậu trường, nhưng nhìn nhận Người là trung tâm của suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

(2) Thiên Chúa trở thành con người vì chúng ta. Con người trong tư cách tạo vật của Người gần gũi với trái tim của Người đến nỗi Người đã tự hợp nhất với họ và do đó đã đi vào lịch sử loài người một cách rất thực tế. Người nói với chúng ta, Người sống với chúng ta, Người đau khổ với chúng ta và Người đã tự mang lấy cái chết vì chúng ta. Chúng ta nói về điều này một cách chi tiết trong thần học, với những lời lẽ và suy nghĩ bác học. Nhưng chính bằng cách này, chúng ta có nguy cơ trở thành các ông chủ của đức tin thay vì được đổi mới và làm chủ bởi Đức tin.

Chúng ta hãy xem xét điều này trong tương quan với một vấn đề trung tâm, việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Việc chúng ta xử lý Bí tích Thánh Thể chỉ có thể khơi dậy mối quan tâm. Công đồng Vatican II đã rất đúng khi tập chú vào việc đem bí tích Sự Hiện Diện Mình và Máu Chúa Kitô, Sự Hiện Diện của con người của Người, Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh của Người trở lại tâm điểm của đời sống Kitô hữu và chính sự hiện hữu của Giáo Hội. Một phần, điều này thực sự đã diễn ra, và chúng ta nên hết lòng biết ơn Chúa vì điều này.

Nhưng một thái độ khác thế đang khá thịnh hành. Điều nổi bật không phải là một sự tôn kính mới đối với sự hiện diện của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, mà là một cách xử sự với Người có tác dụng phá hủy sự vĩ đại của Mầu nhiệm. Sự tham gia suy giảm trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật cho thấy các Kitô hữu chúng ta ngày nay vẫn còn biết rất ít về việc đánh giá cao sự vĩ đại của hồng ân vốn hệ ở sự Hiện diện Thực sự của Người. Bí tích Thánh Thể bị hạ giá, trở thành một cử chỉ nghi thức khi người ta coi là đương nhiên việc phép lịch sự đòi để Người được dâng tiến trong các buổi cử hành của gia đình hoặc trong các dịp như đám cưới và đám tang cho mọi người được mời vì các lý do gia đình.

Cách người ta thường nhận lãnh Bí tích Thánh Thiện trong lúc rước lễ, đơn giản coi nó như một việc đương nhiên, cho thấy nhiều người coi việc rước lễ chỉ là một cử chỉ nghi thức thuần túy. Do đó, khi nghĩ tới việc hành động nào được đòi hỏi trước hết và trên hết, điều khá hiển nhiên là chúng ta không cần một Giáo hội khác do chính chúng ta thiết kế. Thay vào đó, điều cần thiết trước tiên và quan trọng nhất là sự đổi mới Đức tin vào Thực tại của Chúa Giêsu Kitô như đã được ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Trong các cuộc trò chuyện với nạn nhân của ấu dâm, người ta đã giúp tôi ý thức sâu sắc được đòi hỏi đầu tiên và quan trọng nhất này. Một phụ nữ trẻ, [trước đây] từng giúp lễ, đã nói với tôi rằng cha tuyên úy, cấp trên của cô trong tư cách người giúp lễ, luôn khởi diễn việc lạm dụng tính dục mà ông phạm với cô bằng những lời này: “này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”.

Hiển nhiên người phụ nữ này không thể nghe chính những lời truyền phép mà không cảm nghiệm lại tất cả những đau khổ khủng khiếp của việc mình bị lạm dụng. Vâng, chúng ta phải khẩn thiết cầu xin Chúa tha thứ, và trước hết và trên hết, chúng ta phải thề hứa với Người và xin Người dạy mọi người chúng ta một lần nữa hiểu được sự vĩ đại của sự đau khổ, sự hy sinh của Người. Và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ hồng ân Bí tích Thánh Thể khỏi bị lạm dụng.

(3) Và cuối cùng là Mầu nhiệm Giáo hội. Câu mà Romano Guardini, gần 100 năm trước, bày tỏ niềm hy vọng vui mừng vốn ghi khắc trong ngài và nhiều người khác, vẫn không thể nào quên được: “Một biến cố có tầm quan trọng khôn lường đã bắt đầu; Giáo hội đang tỉnh dậy trong các linh hồn”.

Ngài muốn nói rằng Giáo hội không còn bị cảm nghiệm và tri nhận chỉ như một hệ thống từ bên ngoài đi vào cuộc sống của chúng ta, như một thứ thẩm quyền, nhưng đúng hơn, nó bắt đầu được tri nhận là hiện diện trong trái tim con người - như một điều không chỉ ở bên ngoài, mà đánh động chúng ta từ bên trong. Khoảng nửa thế kỷ sau, khi xem xét lại diễn trình này và coi xem điều gì đã xảy ra, tôi cảm thấy bị cám dỗ muốn đảo ngược câu nói: “Giáo hội đang chết trong các linh hồn”.

Thật vậy, Giáo hội ngày nay được nhiều người coi chỉ như một loại bộ máy chính trị. Người ta nói về nó hầu như chuyên nhất bằng các phạm trù chính trị, và điều này đúng cả với các giám mục, những người phát biểu quan niệm của họ về Giáo Hội của ngày mai hầu như chuyên nhất bằng từ ngữ chính trị. Cuộc khủng hoảng, gây ra bởi nhiều trường hợp giáo sĩ lạm dụng, thúc giục chúng ta coi Giáo hội như một điều gần như không thể chấp nhận được, điều mà giờ đây chúng ta phải nắm trong tay và thiết kế lại. Nhưng một Giáo hội tự tạo không thể tạo được hy vọng.

Chính Chúa Giêsu đã so sánh Giáo hội với một lưới đánh cá, trong đó những con cá tốt và xấu cuối cùng bị chính Chúa phân rẽ. Ngoài ra còn có dụ ngôn coi Giáo hội như một cánh đồng trong đó, hạt tốt mà chính Thiên Chúa đã gieo lớn lên, nhưng cả cỏ dại mà “kẻ thù” đã bí mật gieo vào đó nữa. Thật vậy, cỏ dại trong cánh đồng Thiên Chúa, tức Giáo hội, hiển thị một cách quá đáng, và những con cá xấu trong lưới cũng cho thấy sức mạnh của chúng. Tuy nhiên, cánh đồng này vẫn là cánh đồng của Thiên Chúa và lưới cá vẫn là lưới cá của Thiên Chúa. Và ở mọi thời điểm, không những có cỏ dại và cá ác, mà còn có mùa gặt của Thiên Chúa và cá tốt. Công bố cả hai một cách nhấn mạnh không phải là một hình thức hộ giáo sai lầm, mà là một việc phục vụ cần thiết đối với Sự thật.

Trong bối cảnh này, cần phải nhắc đến một bản văn quan trọng trong Khải Huyền của Thánh Gioan. Ma quỷ được nhận diện là người tố cáo buộc tội anh em chúng ta trước Thiên Chúa cả ngày lẫn đêm (Kh 12:10). Như thế, Sách Khải Huyền của Thánh Gioan đã tiếp nhận một ý nghĩ từ trung tâm của câu chuyện lên khuôn trong Sách Gióp (G 1 và 2:10; 42: 7-16). Trong cuốn sách này, ma quỷ đã tìm cách hạ giá đức công chính của Gióp trước mặt Thiên Chúa, cho rằng nó chỉ có tính bề ngoài mà thôi. Và đó chính là điều Sách Khải Huyền muốn nói: Ma quỷ muốn chứng minh rằng không có người công chính; mọi sự công chính của người ta chỉ được biểu diễn ở bên ngoài. Nếu có thể đẽo gần một người nào đó hơn, thì vẻ công chính bề ngoài của người này sẽ nhanh chóng rơi rụng.

Trình thuật trong sách Gióp bắt đầu với cuộc tranh luận giữa Thiên Chúa và ma quỷ, trong đó Thiên Chúa từng nhắc đến Gióp như một người thực sự chính trực. Bây giờ, ông ta được sử dụng như một điển hình để kiểm nghiệm xem ai đúng. Hãy lấy đi các tài sản của anh ta và Ngài sẽ thấy chẳng còn lại gì trong lòng đạo đức của anh ta nữa, ma quỷ lập luận như thế. Thiên Chúa cho phép hắn làm thử nghiệm này, nhưng Gióp thoát được một cách tích cực. Bây giờ ma quỷ đẩy xa hơn và hắn nói: "Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!" (G 2: 4-6).

Thiên Chúa ban cho quỷ cơ hội thứ hai. Hắn cũng có thể chạm vào da của Gióp. Chỉ giết Gióp là bị Thiên Chúa cấm mà thôi. Đối với các Kitô hữu, điều rõ ràng là Ông Gióp này, người đứng trước Thiên Chúa như một điển hình cho cả nhân loại, chính là Chúa Giêsu Kitô. Trong Sách Khải huyền của Thánh Gioan, thảm kịch của nhân loại được trình bày cho chúng ta một cách sâu rộng.

Thiên Chúa Tạo dựng đối đầu với ma quỷ, kẻ nói xấu cả nhân loại và mọi tạo vật. Hắn nói, không những với Thiên Chúa mà trước hết với người ta: Hãy nhìn xem vị Thiên Chúa này đã làm gì. Giả thiết là một sáng thế tốt lành, nhưng trên thực tế đầy đau khổ và tởm gớm. Sự chê bai sáng thế đó thực sự là một sự chê bai Thiên Chúa. Nó muốn chứng minh rằng chính Thiên Chúa không tốt, và do đó khiến chúng ta xa rời Người.

Sự hợp thời của điều sách Khải Huyền đang nói với chúng ta ở đây là điều hiển nhiên. Ngày nay, lời buộc tội chống lại Thiên Chúa, trước hết, chính là việc mô tả Giáo hội của Người như hoàn toàn xấu xa, và do đó thuyết phục chúng ta ra khỏi nó. Ý tưởng về một Giáo hội tốt hơn, do chính chúng ta tạo ra, trên thực tế là một đề xuất của ma quỷ, mà với đề xuất này, hắn muốn dẫn chúng ta xa khỏi Thiên Chúa hằng sống, bằng một thứ luận lý lừa đảo mà chúng ta rất dễ bị lừa. Không, ngay cả ngày nay, Giáo hội không chỉ bao gồm cá xấu và cỏ dại. Giáo hội của Thiên Chúa cũng đang hiện hữu ngày nay và ngày nay chính là công cụ nhờ đó Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta.

Điều rất quan trọng là chống lại các dối trá và sự thật nửa vời của ma quỷ bằng sự thật toàn diện: Vâng, có tội lỗi trong Giáo hội và tội ác. Nhưng cả ngày nay vẫn có Giáo Hội Thánh thiện, không thể phá hủy. Ngày nay có nhiều người khiêm tốn tin tưởng, chịu đau khổ và yêu thương; trong họ, Thiên Chúa đích thực, Thiên Chúa yêu thương, tự tỏ chính Người cho chúng ta. Ngày nay, Thiên Chúa cũng có các nhân chứng của Người (các vị tử đạo) trên thế giới. Chúng ta chỉ cần tỉnh táo để nhìn và nghe thấy họ.

Chữ tử vì đạo được lấy từ luật tố tụng. Trong phiên tòa chống lại ma quỷ, Chúa Giêsu Kitô là chứng tá đầu tiên và thực sự của Thiên Chúa, vị tử đạo đầu tiên, người từ đó, đã được vô số người khác bước chân theo.

Giáo Hội ngày nay, hơn bao giờ hết, là “Giáo Hội của các vị Tử đạo” và do đó là nhân chứng cho Thiên Chúa hằng sống. Ngày nay, nếu chúng ta nhìn xung quanh và lắng nghe với một trái tim chăm chú, chúng ta sẽ có thể tìm thấy các nhân chứng ở khắp mọi nơi, đặc biệt nơi những người bình thường, nhưng cả trong hàng ngũ cao cấp của Giáo hội, những người đứng lên tranh đấu cho Thiên Chúa bằng mạng sống và sự đau khổ của họ. Chính quán tính (ineria) trong tâm hồn đang dẫn chúng ta tới chỗ không muốn thừa nhận họ. Một trong những nhiệm vụ lớn lao và thiết yếu của việc truyền giảng tin mừng là thiết lập môi trường sống Đức tin xa rộng bao nhiêu có thể và, trên hết, tìm ra và nhìn nhận họ.

Tôi đang sống trong một căn nhà, trong một cộng đồng nhỏ gồm những người khám phá ra các nhân chứng như vậy của Thiên Chúa hằng sống hết lần này đến lần khác trong cuộc sống hàng ngày và cũng vui vẻ chỉ rõ điều này cho tôi. Nhìn thấy và tìm thấy Giáo hội sống động là một nhiệm vụ tuyệt vời giúp củng cố chúng ta và làm chúng ta hân hoan trong đức tin của mình hết lần này đến lần khác.

Cuối các suy tư của tôi, tôi muốn cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tất cả những gì ngài đang làm để chỉ cho chúng ta, hết lần này đến lần khác, thấy ánh sáng của Thiên Chúa, một ánh sáng cả ngày nay vẫn chưa biến mất. Thưa Đức Thánh Cha, xin cảm ơn Đức Thánh Cha!

(Bênêđíctô XVI)