Trang

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA TRONG CÁC NGHI THỨC PHỤNG VỤ

TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA TRONG CÁC NGHI THỨC PHỤNG VỤ

                                                     
Lm. Giuse Vũ Văn Hoàng

1. THIÊN CHÚA CHA, SUỐI NGUỒN CỦA LỜI

 “1Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 
2Người đã ở nơi Thiên Chúa lúc khởi nguyên. 
3Nhờ Người mọi vật đã được tạo thành, và không gì đã được tạo thành mà không do Người tạo thành;
14Và Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Cha ban cho Người như Người Con Một đầy ân sủng và chân lý.»


Lời tựa của thánh Gioan đặt chúng ta đứng trước sự kiện này là Logos hiện hữu thật sự từ đời đời, và từ đời đời Ngôi Lời là chính Thiên Chúa. Mọi vật được tạo thành đều phát sinh ra từ Logos. Lời ca Thánh vịnh đã diễn tả niềm xác tín hân hoan này: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); và “vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,9). Toàn thể thực tại diễn tả Mầu Nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Do đó, chính Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng khi nhìn ngắm các thụ tạo (x. Kn 13,5; Rm 1,19-20). Khi nhận thức được ý nghĩa cốt yếu của Lời Chúa như một quy chiếu về Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người,
[1] đồng thời khi lắng nghe Lời này, Kinh Thánh Mạc Khải cho chúng ta nhận biết Lời Chúa là nền tảng của mọi thực tại. Hơn nữa, Lời Chúa còn được tỏ bày trong suốt lịch sử cứu độ và đạt tới mức viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, chết và Sống lại của Con Thiên Chúa. Lời Chúa còn là Lời được các Tông Đồ rao giảng theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Như vậy, Lời Chúa được lưu truyền trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội.

Thật vậy, trong Hiến chế tín lý Dei Verbum đã tiếp nhận truyền thống cổ xưa, như thánh Ambrôsiô đã nói
[2]: “Thân mình Chúa Con chính là Sách Thánh ta đã tiếp nhận”, nay khẳng định rằng: “Các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu, khi mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người”.[3] Hiểu như thế, Kinh Thánh xuất hiện ra với chúng ta như là một thực tại thống nhất, dù trong tình trạng đa dạng về hình thức và nội dung. Quả thế, “qua tất cả các lời ở trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là Ngôi Lời duy nhất của Ngài; trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài (x. Dt 1,1-3)”,[4] như thánh Augustinô đã khẳng định rõ ràng: “Anh chị em hãy nhớ rằng lời Thiên Chúa nói, đã được khai triển trong toàn bộ Kinh Thánh, chỉ có một, và cũng chỉ có một là Lời đã rền vang trên môi miệng của mọi tác giả thánh”.[5]

2. Lex orandi, lex credendi :LUẬT CẦU NGUYỆN, LUẬT ĐỨC TIN

Chúa Kitô đã sai các Tông Đồ của Người đi để “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân … kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 47). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sứ vụ làm Phép Rửa, tức là sứ vụ bí tích, được bao hàm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, bởi vì bí tích được chuẩn bị bằng Lời Chúa và bằng đức tin, là sự ưng thuận vâng theo Lời đó: “Dân Thiên Chúa được quy tụ trước tiên bằng Lời của Thiên Chúa hằng sống… Chính thừa tác vụ bí tích đòi phải có việc rao giảng Lời Chúa, bởi vì các bí tích là bí tích của đức tin, một đức tin được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa”
[6]

Hội Thánh tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận từ các Tông Đồ, trong khi đó người tín hữu được mời gọi gắn bó với đức tin của Hội Thánh. Lex orandi, lex credendi, nghĩa là “Luật cầu nguyện, Luật Đức Tin”. Điều này nhấn mạnh đến việc giáo huấn của Hội Thánh (lex credendi) được công bố và bày tỏ rõ ràng trong việc cử hành Phụng Vụ và cầu nguyện (lex orandi). Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện. Phụng vụ là yếu tố cấu thành của Truyền Thống thánh thiện và sống động[7]. Nói cách khác, trong các cử hành phụng vụ, người tín hữu được gặp gỡ và đối thoại thân tình với Thiên Chúa, đồng thời cùng với cộng đoàn Phụng vụ liên kết sự hiệp nhất trong Nhiệm Thể Chúa Kitô để cùng nhau mong đợi niềm hy vọng ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.
Thật vậy, Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, được sinh ra từ Lời Chúa và sống bởi Lời Chúa. Trong suốt lịch sử nhiều thế kỷ qua, Dân Chúa đã luôn tìm được sức mạnh trong Lời Chúa, và cả hôm nay nữa, cộng đoàn Giáo Hội cũng đang lớn lên nhờ lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa trong các cử hành Phụng vụ
[8].

3. CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI

a. Tầm quan trọng của Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ

Khi nói đến đời sống Giáo Hội như “nơi cư ngụ của Lời”, thì người ta phải lưu tâm trước hết đến Phụng vụ thánh. Đó đích thực là môi trường đặc trưng để Thiên Chúa nói trong đời sống hiện tại của chúng ta, là nơi hôm nay Thiên Chúa đang nói với Dân của Ngài, đoàn Dân đang lắng nghe và đáp trả. Tự bản chất, mỗi một hành động Phụng vụ đều được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh. Như Hiến chế Sacrosanctum Concilium đã khẳng định, “trong việc cử hành Phụng vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Kinh Thánh những bài để đọc, để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nhờ nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Kinh Thánh mà xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời những động tác và các biểu hiệu trở thành có ý nghĩa”
[9].  Hơn thế nữa, người ta còn phải nói rằng chính Đức Kitô “hiện diện trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội”.[10]

Hơn nữa, việc hình thành Sách Bài Đọc cho Thánh Lễ cũng được Hiến chế về Phụng vụ Thánh ấn định: “Phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh ra hơn nữa để bàn tiệc lời Chúa được bày dọn cách phong phú hơn cho các tín hữu. Nhờ thế, một phần tiêu biểu hơn của Thánh Kinh sẽ được đọc cho dân chúng trong khoảng một số năm ấn định” (SC, số 51). Thật vậy, việc canh tân này cũng mở rộng chu kỳ của các bài đọc Thánh Kinh ngày Chúa Nhật từ một năm ra thành ba năm, cũng như việc thêm vào đó các bài đọc từ Cựu Ước, để rồi giờ đây có ba bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ Chúa Nhật và các Lễ Trọng.

Giáo hội thuờng dùng hình ảnh của “hai bàn thờ” để diễn tả sự liên tục giữa hai phần chính của Thánh lễ: Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Trước tiên Dân Chúa được nuôi dưỡng từ bàn tiệc Lời Chúa và sau đó được cho ăn bởi Mình Thánh Chúa tại bàn tiệc Thánh Thể. Trong khi Thánh thể chính là Mình và Máu Chúa và là nguồn và đỉnh cao của cuộc sống Kitô hữu. Lời Chúa dẫn chúng ta đến một sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể. 

Câu chuyện về hai môn đệ trên đường Emmau cho phép chúng ta suy gẫm sâu xa hơn về mối dây liên kết giữa Lời Chúa với việc Bẻ bánh (x. Lc 24,13-35). Đức Giêsu lắng nghe họ giãi bày nỗi thất vọng và cùng đồng hành với họ, “Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Hai môn đệ bất đầu khám phá Sách Thánh theo một cách thức mới mẻ nhờ vị khách bộ hành tỏ ra rất gần gũi cách bất ngờ với cuộc đời họ. Điều đã xảy ra trong những ngày ấy không còn xuất hiện ra như một thất bại, nhưng như một hoàn tất và một khởi hành mới. Tuy nhiên, những lời này xem ra chưa làm cho các môn đệ thỏa mãn. Tin Mừng Luca nói với chúng ta rằng “mắt họ mở ra và họ nhận ra Người” (24,31), chỉ khi Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ, trong khi trước đó “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (24,16). Sự hiện diện của Đức Giêsu, trước tiên qua lời nói, sau đó qua cử chỉ bẻ bánh, đã cho phép các môn đệ nhận ra Người; họ đã có thể cảm nghiệm một cách mới mẻ những gì họ đã sống trước đó với Người: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (24,32).

Qua trình thuật này cho thấy chính Kinh Thánh đưa chúng ta đến chỗ nắm bắt được mối liên hệ không thể chia lìa của Kinh Thánh với Thánh Thể. “Chính vì thế phải luôn nhớ rằng Lời Thiên Chúa, được Giáo Hội đọc và loan báo trong phụng vụ, dẫn đến hy tế của Giao ước và bàn tiệc của ân sủng, nghĩa là Thánh Thể”. Lời và Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau đến độ không thể hiểu cái này mà không có cái kia: Lời Thiên Chúa đã trở thành xác thể theo cách bí tích trong biến cố Thánh Thể. Thánh Thể giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh đến phiên mình soi sáng và giải thích Mầu nhiệm Thánh Thể.
[11]

b. Tác động của lời Chúa trong Bài Giảng lễ

Trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum caritatis, Đức thánh cha Benedictô XVI đã nhấn mạnh rằng “liên hệ đến tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa, cần phải cải thiện phẩm chất của bài giảng. Bởi vì :

  • Bài giảng lễ là một phần của hành động phụng vụ; 

  • Bài giảng lễ giúp cộng đoàn hiểu biết Lời Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống.

  • Bài giảng lễ làm hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, giúp tín hữu khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ.

  • Bài giảng còn giúp cộng đoàn chuẩn bị tuyên xưng đức tin, cầu nguyện và cử hành phụng vụ Thánh Thể, nhờ đó họ hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành đồng thời mời gọi họ dấn thân cho sứ mạng của người Kitô hữu.

Vì thế, những ai được đề cử lo việc giảng dạy, phải rất quan tâm đến những điều này là:

  • Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa;

  • Phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng;

  • Phải cho các tín hữu thấy rõ ràng rằng : điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng.

Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh;[12] họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê. Khi đọc các bản văn Thánh kinh luôn lưu ý đến các câu hỏi sau đây:

“Các bài đọc được công bố muốn nói gì? Các bài đọc ấy nói gì riêng với tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của họ?”.
[13]

c. Tác động của Lời Chúa trong các Bí tích 

Phần cử hành Lời Chúa trong nghi thức các Bí tích khác cũng rất quan trọng,  nhất là những bí tích chữa lành như Bí tích Hoà Giải và Bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Thật sự, thường trong các Bí tích này, người ta quên quy chiếu về Kinh Thánh, hoặc chỉ dành cho Kinh Thánh một chỗ đứng ít quan trọng nếu cử hành cá nhân riêng lẻ. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được quên rằng “Lời Thiên Chúa là lời hoà giải, vì trong Lời, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với chính Ngài (x. 2 Cr5,18-20; Ep 1,10). Lời Thiên Chúa “soi sáng người tín hữu, để giúp người ấy nhận ra các tội lỗi mình, mời người ấy hoán cải và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa”.
[14]

Vì vậy, muốn trải nghiệm sâu sắc hơn sức mạnh hoà giải của Lời Thiên Chúa, nên khuyến khích và tổ chức nghi thức sám hối cộng đoàn, hoặc khuyến khích mỗi hối nhân chuẩn bị xưng tội bằng cách suy ngẫm một đoạn Kinh Thánh thích hợp và bắt đầu việc xưng thú bằng cách đọc hoặc lắng nghe một lời khuyên của Kinh Thánh, như nghi thức riêng đã tiên liệu. Rồi khi bày tỏ lòng thống hối ăn năn, hối nhân nên “dùng một lời kinh được tạo nên bởi các lời rút ra từ Kinh Thánh”,
[15]

Về Bí tích Xức Dầu bệnh nhân, không được quên rằng “sức mạnh chữa lành của Lời Thiên Chúa là một tiếng gọi mạnh mẽ thúc đẩy người lắng nghe đi tới một cuộc hoán cải thường xuyên”.
[16] Thật vậy, trong Thánh kinh nhiều trang nói tới sự an ủi, sự nâng đỡ và chữa lành do Thiên Chúa can thiệp mang đến. Đặc biệt, nên nghĩ tới sự gần gũi của Chúa Giêsu đối với những người đang đau khổ: chính Người, là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, đã gánh lấy các đau đớn của chúng ta và đã chịu đau khổ vì thương yêu con người, nhờ thế đã đưa lại một ý nghĩa cho bệnh tật và cái chết.

Ngoài ra, trong nghi thức Phụng vụ các Bí tích, chúng ta nhận thấy đều có phần cử hành Lời Chúa của mỗi cử hành bí tích. Phần này bao gồm việc công bố một hay nhiều bài đọc trong Thánh Kinh, đặc biệt là những bài đọc trích từ các sách Tin Mừng. Nếu như chính trong các bài đọc Thánh Kinh, Chúa Kitô hiện diện và trực tiếp nói với cộng đoàn, thì phần đáp ca, trích từ các Thánh Vịnh, lại là lời của chính cộng đoàn thân thưa với Thiên Chúa. Chính những bản văn Phụng vụ - các lời cầu nguyện, giáo huấn và các lời chúc tụng là những lời diễn tả thường được trích ra trực tiếp từ các bản văn Thánh Kinh. Như vậy, phần cử hành Lời Chúa trong các cử hành Phụng vụ có tác động ảnh hưởng trực tiếp trên cộng đoàn và người tham dự. Sự tác động của lời Chúa được diễn tả qua tâm tình sám hối ăn năn như : trong câu chuyện ông Gia kêu (Lc 19, 1-10), câu chuyện người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia cóp (Ga 4, 1-42), câu chuyện người cha Nhân hậu (Lc 15, 1-32) trong cử hành nghi thức Giao Hoà. Hoặc tâm tình cây trông và tin tưởng như : câu chuyện Lazarô (Ga 11, 1-45), câu chuyện Chúa chữa người bại liệt (Lc 5, 17-26), Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh (Ga 9, 1-41) trong nghi thức Xức dầu bệnh nhân; Hay tâm tình vui mừng vì có Chúa hiện diện trong câu chuyện Tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-12) trong nghi thức Hôn phối ...

d. Tác động của Lời Chúa trong các cử hành khác 

Trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội, ta thấy được lý tưởng người Kitô hữu là thánh hoá trọn ngày sống, được phân nhịp bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và cầu nguyện các Thánh vịnh, nên mọi sinh hoạt đều được quy chiếu vào việc ca ngợi dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, “khi cử hành Các Giờ Kinh Phụng vụ, Hội Thánh thi hành chức vụ tư tế của vị thủ lãnh của mình, dâng lên Thiên Chúa một hiến lễ ngợi khen, nghĩa là dùng miệng lưỡi mà không ngừng (1 Tx 5,17) tuyên xưng danh thánh (x. Dt 13,15). 

Ngoài các cộng đoàn sống đời thánh hiến nêu gương sáng trong việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng vụ, mà qua đó họ trở thành một điểm quy chiếu và một nguồn cảm hứng cho đời sống thiêng liêng và mục vụ của toàn thể Giáo Hội, cũng rất khuyến khích, các giáo xứ và các cộng toàn tu sĩ cổ võ cách cầu nguyện này với sự tham dự của tín hữu giáo dân.

e. Một vài gợi ý suy tôn Lời Chúa

  • Phải khuyến khích mạnh mẽ việc cử hành Lời Thiên Chúa trong các cộng đoàn mà, vì thiếu linh mục, họ không thể cử hành hy lễ Thánh Thể vào những ngày lễ buộc.

  • Phải cổ võ các buổi cử hành Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa mà có khả năng nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.

  • Mời gọi cử hành Lời Thiên Chúa vào các dịp hành hương, các lễ đặc biệt, các ngày tĩnh tâm và các ngày đặc biệt dành cho việc thống hối, đền tạ hay xin tha thứ.

  • Liên hệ đến các hình thức đạo đức bình dân, và “lòng đạo đức bình dân phải thấy Kinh Thánh là một nguồn cảm hứng bất tận, những điển hình về cầu nguyện không ai sánh được và những đề nghị về các chủ đề đặc biệt phong phú”.

  • Cổ vũ những hình thức phổ biến Lời Chúa trong những vật kỷ niệm ghi nhớ ngày lãnh các Bí tích chẳng hạn: in câu Lời Chúa trên áo Rửa tội, nến Rửa tội, áo trắng Phục sinh cho người qua đời, Logo và Dĩa nghi nhớ ngày Thành hôn.

  • “Khi xây dựng các nhà thờ, các Giám mục được trợ giúp thích đáng, phải quan tâm làm cho các nhà thờ thành những nơi phù hợp cho việc công bố Lời, suy niệm và cử hành Thánh Thể. Các không gian thánh, cho dù ở bên ngoài hành vi Phụng vụ, cũng phải có tính hùng hồn, do trình bày Mầu nhiệm Kitô giáo trong tương quan với Lời Thiên Chúa”.

Kết :

Hội Thánh luôn khẳng định rằng “Bí Tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” bởi vì trong Bí Tích Thánh Thể người tín hữu được nuôi dưỡng bằng hai bàn tiệc: Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Lời Chúa dạy chúng ta phải sống thế nào để mỗi ngày một trở nên giống Đức Kitô hơn. Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta sống những điều Chúa dạy. Muốn cho các tín hữu nhận thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong các cử hành Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, trong đời sống, thì chính chúng ta, những người giúp cộng đoàn sống đức tin, cũng phải ý thức điều này và đem ra thực hành trong đời sống của mình, đặc biệt là trong việc cử hành Phụng vụ.  

Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa các Bí Tích và sự hiểu biết của chúng ta về Đức Tin:

 “Đức tin của Hội Thánh tự bản chất là Đức Tin vào Thánh Thể và được nuôi dưỡng cách đặc biệt nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Đức tin và các Bí Tích là hai bình diện bổ túc cho nhau của đời sống Hội Thánh. Được đánh thức bằng việc công bố Lời Chúa, Đức Tin được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ cuộc gặp gỡ đầy ân sủng với Chúa Phục Sinh, là cuộc gặp gỡ xảy ra trong các Bí Tích. “Đức Tin được diễn tả trong nghi lễ và nghi lễ củng cố cùng làm cho Đức Tin được thêm vững mạnh” (số 6).

 

[1] x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội Dominus Iesus (6-8-2000) số 13-15: AAS 92 (2000), tr. 754-756.
[2] Expositio Evangelii secundum Lucam, 6, 33: PL 15, 1677 : Cf. Tông huấn Lời Chúa VERBUM DOMINI, số 18.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 13.
[4] Cf. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 102.
[5] Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 103, 4, 1: CCL 40, 1521 (PL 37, 1378).
[6] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 4 : AAS 58 (1966) 995 – 996. Cf. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1122.
[7] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 8 : AAS 58 (1966) 821.
[8] Cf. Tông huấn Lời Chúa VERBUM DOMINI, số 3.
[9] Công Đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 24.
[10] Công Đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 7.
[11] Cf. Tông huấn Lời Chúa VERBUM DOMINI, số 55.
[12] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 25
[13] Cf. Tông huấn Lời Chúa VERBUM DOMINI, số 59.
[14] Nghi Thức Thống Hối và Hòa Giải, Các định hướng giáo lý và mục vụ, s. 17.
[15] Nghi Thức Thống Hối và Hòa Giải, Các định hướng giáo lý và mục vụ, s. 19.
[16] Cf. Tông huấn Lời Chúa VERBUM DOMINI, số 61.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét