Xem Lại Các Hành Động Đang Khi Hát Kinh Vinh Danh Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh
LTS: Vietcatholic nhận được một số bài nghiên cứu về Phụng Vụ của LM. Giuse Phạm Đình Ái, SSS. Ngài là thành viên của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGM Việt Nam. Vietcatholic sẽ lần lượt đăng những bài nghiên cứu này trong mục Tài Liệu - Sưu Khảo. Kính mong qúy độc giả theo dõi.
XEM LẠI CÁC HÀNH ĐỘNG ĐANG KHI HÁT KINH VINH DANH TRONG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH
Nghi thức “Canh thức Vượt qua” trong Sách lễ Rôma (bản tiếng Việt 1992) nêu rõ:
Sau bài đọc cuối cùng trích Cựu Ước cùng với đáp ca và lời nguyện thì đốt nến trên bàn thờ và linh mục xướng kinh “Vinh danh”. Mọi người cùng đọc hay hát tiếp. Trong lúc đó kéo chuông hoặc đánh chiêng trống, tuỳ theo thói quen địa phương (số 31).
Văn kiện hướng dẫn của Bộ Phụng tự Thánh có tên là “Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh” (Paschalis Sollemnitatis), tại số 87, chỉ nói đơn giản như sau:
Sau bài đọc cuối cùng trích từ Cựu Ước, cùng với đáp ca và lời nguyện thì linh mục xướng kinh Vinh danh; trong lúc đó, kéo chuông hay đánh chiêng trống, v.v. tuỳ vào phong tục địa phương.
Từ hai hướng dẫn cụ thể trên đây, chúng ta nhận thấy chỉ có hai hành động cần được thực hiện từ lúc cộng đoàn bắt đầu hát kinh Vinh danh mà thôi:
• Thứ nhất, đó là bắt buộc phải đốt nến bàn thờ,vì ánh sáng của những ngọn nến bàn thờ vào thời điểm này tượng trưng cho nhiệm cục cứu độ [mang tính bí tích] đến với nhân loại mà trọng tâm của nhiệm cục này là cử hành Thánh Thể;
• Thứ hai, đó là tuỳ chọn việc kéo chuông [hoặc đánh chiêng trống], nhằm diễn tả niềm vui của biến cố Chúa phục sinh, và vì đây là thực hành được giữ lại cho đến nay theo sau tập tục kéo dài suốt 400 năm qua nằm trong quy định của Sách lễ Rôma thời kỳ tiền Công đồng [Vatican II].
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao nhiều nhà thờ lại có thêm những hành động khác nữa như: trải khăn bàn thờ; đem hoa ra chưng; tháo bỏ các tấm che ảnh tượng thánh. Bài viết này sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy có nên giữ lại những thực hành này hay không?
1] TRẢI KHĂN BÀN THỜ
Theo nghi thức phụng vụ hiện nay, chẳng có chỉ dẫn nào dạy để bàn thờ trống trong thánh lễ Vọng Phục sinh ngay từ đầu buổi cử hành cho đến khi hát kinh Vinh danh thì mới mang khăn bàn thờ ra trải.
Thông thường, bàn thờ phải được phủ bằng khăn bàn thờ khi cử hành thánh lễ. Chỉ có hai trường hợp, theo thực tế và thực hành, không trải khăn bàn thờ cho tới thời điểm được quy định là phải trải khăn bàn thờ, đó là: [i] Bàn thờ chuẩn bị được làm phép hay cung hiến; [ii] Cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh.
Đối với bàn thờ chưa được cung hiến, sau các phần nghi thức: Phụng vụ Lời Chúa – Kinh cầu các thánh – Đặt xương thánh vào bàn thờ - Lời nguyện cung hiến – Xức dầu bàn thờ - Xông hương bàn thờ - thì mấy tá viên lấy khăn lên lau bàn thờ (vì mới được xức dầu), và nếu có, trải lên một tấm khăn không thấm nước, rồi trải khăn bàn thờ, và tùy nghi có thể đưa hoa lên trưng bày. Cũng để chân nến có nến lên như khi cử hành Thánh Lễ đòi buộc, và nếu cần phải đặt cả thánh giá nữa.
Đối với bàn thờ chưa được làm phép, thì trong nghi thức làm phép nhà thờ, sau Lời nguyện Tín hữu và sau khi vị chủ sự (ĐGM) huấn dụ tín hữu, bàn thờ sẽ được làm phép rất đơn giản với lời nguyện ngắn (Benedictus es, Deus), tiếp theo là việc rảy nước thánh và xông hương bàn thờ. Đến thời điểm này, bàn thờ mới được phủ khăn bàn thờ và tuỳ nghi trang hoàng hoa nến như phải có để bước vào phần Phụng vụ Thánh Thể, và nếu cần thì đặt thánh giá cho xứng hợp.
Trong cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh: việc lột khăn bàn thờ là một dấu hiệu riêng biệt của cử hành thứ Năm Tuần Thánh cho nên sau các nghi lễ của thánh lễ Tiệc Ly, chúng ta lột hết khăn trên bàn thờ ám chỉ Chúa Giêsu bị lột áo trước khi chịu đóng đinh (theo cách hiểu ngày xưa). Hành động này như muốn báo trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cũng như diễn tả Chúa Kitô bị chính các môn đệ của mình bỏ rơi. Thánh giá cũng được lấy đi khỏi nhà thờ hay che bằng một tấm vải màu đỏ hoặc màu tím, nếu chưa được phủ từ chiều thứ Bảy ngay trước Chúa Nhật V mùa Chay. Cũng che các tượng ảnh thánh khác nếu chưa được thực hiện. Đối với những ảnh tượng thánh có thể di chuyển hay chân nến, chúng ta có thể dời chúng đi chỗ khác (mang vào trong phòng thánh). Tất cả những việc làm này làm cho không gian và bầu khí trong cung thánh trở nên khác biệt, trống trải và thâm trầm hơn, tiếp nối cách tương ứng với nghi thức phụng vụ của ngày hôm sau (tức thứ Sáu Thánh) với bàn thờ trống (không thánh giá, không nến, không khăn bàn).
Bản văn hướng dẫn trong Sách lễ Rôma đề cập đến việc đốt nến trên bàn thờ vào thời điểm xướng kinh Vinh danh (số 31) không có nghĩa là bấy giờ mới đem nến từ nơi khác đến và đốt lên nhưng hàm ý rằng nến (chưa đốt) và chân nến đã được đặt sẵn ở trên bàn thờ [hay gần bàn thờ] rồi và chỉ cần tiến hành châm lửa từ cây nến phục sinh mà đốt cho chúng thôi. Những chân nến và cây nến đặt trên bàn thờ như thế hẳn là chúng đã ở trên khăn bàn thờ[đã được trải ra trước khi cử hành Canh thức Vượt qua rồi] đúng như hướng dẫn về “Chúa Nhật Phục Sinh - Canh Thức Vượt Qua”trong sách Nghi Thức Tuần Thánh. Ở phần “Những đồ cần chuẩn bị trước”, sách này nói rằng: Trên bàn thờ chính – thánh giá và chân nến + khăn trải bàn thờ.
Như vậy, trong thánh lễ Vọng Phục sinh, hãy trải khăn bàn thờ trước khi cử hành phụng vụ cùng với những cây nến chưa đốt trên bàn thờ [hay gần bàn thờ] chứ không thể đợi đến khi xướng kinh Vinh danh mới mang khăn bàn thờ ra trải và mới mang nến ra đốt.
2] ĐEM HOA RA CHƯNG
Căn cứ vào hai văn kiện nêu trên, tức Nghi thức “Canh thức Vượt qua” của Sách lễ Rôma (số 31) và “Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh” (số 87), chúng ta hiểu ngay rằng không nhất thiết đem chưng hoa vào thời điểm cộng đoàn hát kinh Vinh danh ngoài việc đốt nến và có thể cho rung chuông (chuông [nhỏ] ở cung thánh và chuông [lớn] trên tháp chuông) nếu có tục lệ này.
Tuy nhiên, khi nói về việc chưng hoa cho bàn thờ, sách Lễ nghi Giám mục đã xác định rằng hoa không được sử dụng trang hoàng bàn thờ từ thứ Tư lễ Tro cho đến kinh Vinh danh của lễ Vọng Phục sinh, cũng không sử dụng trong cử hành cho tín hữu đã qua đời, trừ ra trong ngày Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, lễ trọng và lễ kính (số 48).
Như vậy, chúng ta có hai chọn lựa: [i]Một là chưng hoa trước khi cử hành Vọng Phục sinh, nhất là những thánh đường cho chưng hoa vừa nhiều vừa phức tạp tại không ít vị trí trong cung thánh lẫn ngoài cung thánh chứ không chỉ tập trung tại bàn thờ với ý thức rằng trong dịp long trọng của cao điểm Tam nhật Vượt qua này, toàn bộ nhà thờ nên ngập tràn hương hoa và trang hoàng phải thật rực rỡ cho xứng với ngày lễ cũng như làm cho khuôn mặt của ngày lễ có sự khác biệt đáng kể so với những ngày khác; [ii] Hai là chọn thời điểm mang hoa ra bàn thờ đang khi hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh. Tuy nhiên, chọn lựa thứ hai này chỉ nên áp dụng cho những thánh đường nào có số lượng bình hoa không nhiều; chúng cũng không nặng nề và cồng kềnh phức tạp đến nỗi phải cần đến nhiều người cũng như phải hì hục khiêng ra. Lý do là vì chúng ta cần bảo đảm tính thẩm mỹ và sốt sắng nghiêm trang của cử hành phụng vụ bằng cách hạn chế đến mức tối đa sự đi lại trên cung thánh. Vì muốn tránh đi những di chuyển không cần thiết trên cung thánh như thế, nên không những tại Vatian, mà hầu hết các quốc gia ngày nay, dù chưng ít hoa hay nhiều hoa, đều đã chọn cách thực hành thứ [i], tứcchưng hoa trước khi cử hành Canh thức Vượt qua.
3] BỎ CÁC TẤM CHE ẢNH TƯỢNG THÁNH
Ở đây, chúng ta cần phân biệt hai đối tượng: thánh giá và ảnh tượng thánh. Theo tác giả Elliott, tập tục che thánh giá và ảnh tượng thánh liên quan nhiều đến phương diện tâm lý học tôn giáo, bởi vì thực hành này giúp chúng ta dễ dàng tập trung vào các yếu tố cao trọng của công trình cứu độ của Chúa Kitô.
• Đối với thánh giá, trong nghi thức hiện nay, chúng ta không thể tiến hành việc gỡ bỏ tấm vải che thánh giá trong lễ Vọng Phục sinh (đang khi hát kinh Vinh danh) vì đúng ra chúng phải được gỡ bỏ rồi. Thật vậy, nếu chúng ta có cho che phủ thánh giá trước đó, chẳng hạn từ Chúa Nhật thứ V mùa Chay (trước kinh Chiều I) hay từ sau thánh lễ Tiệc Ly(không cần phủ đàng thánh giá hay ảnh thánh trên cửa kính màu), thì bắt buộc chúng ta phải bỏ khăn phủ thánh giá, không còn che thánh giá nữa sau nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa ngày thứ Sáu Tuần Thánh nhằm chuẩn bị cho cử hành lễ Vọng Phục sinh và làm sâu sắc thêm ý nghĩa cho ngày lễ này. Sau một thời gian thánh giá bị che phủ, các tín hữu như cảm thấy “đói và khát thánh giá”. Tới ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ lại thấy thánh giá trong một tâm thế khác hẳn khi linh mục chủ sự lần lượt mở khăn che thánh giá, nâng cao thánh giá lên và kêu gọi mọi người kính thờ thánh giá. Với nghi thức này, từ sau cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta phải gỡ bỏ khăn phủ thánh giá đi. Điều này cũng phù hợp với chỉ dẫn của Bộ Phụng Tự cho ngày hôm sau, tức ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khi khuyên: “Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh hoạ mầu nhiệm ngày thứ Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu nguyện.” Thật phi lý và chậm trễ khi đã bước qua cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh rồi, đang khi hát kinh Vinh danh cũng như cho rung chuông để reo vui kính mừng biến cố Chúa sống lại từ cõi chết, chúng ta mới đi gỡ bỏ tấm vải che, đôi khi một cách rất “kịch tính”, để lộ ra tượng/ ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên thánh giá vốn thuộc về cử hành của ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Giả như lúc đó hiển hiện ra ảnh / tượng Chúa phục sinh thì có lẽ hợp lý và hợp cảnh hơn. Tuy nhiên, như được trình bày ngay dưới đây, ngay cả với ảnh / tượng Chúa phục sinh, chúng ta cũng phải cởi bỏ vải che phủ ra trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ Canh thức Vượt qua.
• Đối với các ảnh tượng thánh khác, bao gồm cả ảnh/ tượng Chúa phục sinh, không như thánh giá, sau nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta vẫn có thể che phủ. Tuy nhiên, chỉ nên che phủ cho tới trước lúc bắt đầu cử hành Vọng Phục sinh. Không nên chậm trễ gỡ bỏ các tấm vải / màn che phủ như thế vào thời điểm hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh vì những lý do sau: [[i] Thứ nhất: theo nghi lễ hiện nay, những hành động trên cung thánh đang khi cử hành thánh lễ cần đơn giản, nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ, phức tạp, tránh di chuyển nhiều trên cung thánh và làm xáo trộn việc cử hành; [[ii] Thứ hai: đây là thực hành từ thời tiền Công đồng Vatican II và thuộc về hình thức ngoại thường của thánh lễ, tức thánh lễ Misa được cử hành theo nghi thức Sách Lễ Rôma ban hành năm 1962 hay Sách Lễ của thánh Gioan XXIII. Theo đó, trong hình thức ngoại thường, thời điểm hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh được nhấn mạnh một cách đặc biệt hơn là trong hình thức thông thường đến độ cần phải có hành động “khác thường”, tức là những người chịu trách nhiệm phòng thánh tiến hành gỡ bỏ những gì che phủ các ảnh tượng thánh trong nhà thờ. Đang khi đó, tại hầu hết các nhà thờ ở Việt Nam, chúng ta cử hành Canh thức Vượt qua theo hình thức thông thường.
Thay lời kết
Những hành động phải làm đang khi hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh được giảm thiểu và đơn giản hơn vì những lý do sau:
• Thứ nhất, do ý hướng muốn đơn giản hoá cử hành phụng vụ đêm Vọng Phục sinh so với những nghi lễ phụng vụ trước kia, kể cả nghi lễ phụng vụ canh tân của Đức Giáo Hoàng Piô XII liên quan đến Lễ nghi Cử hành Tam Nhật Thánh (năm 1951) và Lễ nghi Cử hành Tuần Thánh (năm 1955);
• Thứ hai, muốn tránh đi những di chuyển không cần thiết trên cung thánh khiến cử hành phụng vụ bớt trang nghiêm sốt sắng;
• Thứ ba, trong thánh lễ Vọng Phục sinh, thời điểm xướng kinh Vinh danh không phải là lúc kết thúc mùa Chay hay chấm dứt Tam nhật Vượt qua, cũng không phải là thời khắc bắt đầu thánh lễ Vọng Phục sinh như nhiều người đến nay vẫn lầm tưởng để rồi dồn nhiều hành động vào thời gian này. Theo các nhà phụng vụ, đây là một quan niệm đã lỗi thời và không còn đứng vững, bởi vì trong ấn bản Sách lễ Rôma lần thứ III (năm 2002), thay vì khởi sự cử hành Canh thức Vượt qua bằng lời chào của vị chủ tế thì nay Hội Thánh yêu cầu phải bắt đầu bằng dấu thánh giá như mọi thánh lễ khác để chỉ ra rằng toàn bộ cử hành Canh thức Vượt qua phải được nhìn như một thể thống nhất và là một cử hành Thánh Thể từ những lời đầu tiên trong nghi thức phụng vụ. Theo đó, thời điểm xướng kinh Vinh danh và cộng đoàn hát tiếp cùng với một số hành động kèm theo cho thấy đây là giao điểm của lịch sử cứu độ từ các bài đọc Cựu Ước chuyển sang các bài đọc Tân Ước cũng như vui mừng loan báo về một cao điểm khác của cử hành phụng vụ trong đêm cực thánh này.
Bởi vậy, đang khi hát kinh Vinh danh, không tiến hành trải khăn bàn thờ, không gỡ bỏ các tấm che [tượng / ảnh thánh giá, Chúa phục sinh hay các thánh] mà phải trải khăn bàn thờ cũng như gỡ bỏ các tấm che ảnh tượng thánh trước giờ cử hành Canh thức Vượt qua. Vào thời điểm này, chúng ta chỉ: đốt nếnvà cho đổ chuông (lớn và nhỏ). Còn hoa, tốt nhất hãy sắp xếp chúng trước giờ cử hành Canh thức Vượt qua và nên sử dụng số lượng hoa nhiều hơn mọi cử khành khác trong năm phụng vụ.
Lm Giuse Phạm Đình Ái, SSS
XEM LẠI CÁC HÀNH ĐỘNG ĐANG KHI HÁT KINH VINH DANH TRONG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH
Nghi thức “Canh thức Vượt qua” trong Sách lễ Rôma (bản tiếng Việt 1992) nêu rõ:
Sau bài đọc cuối cùng trích Cựu Ước cùng với đáp ca và lời nguyện thì đốt nến trên bàn thờ và linh mục xướng kinh “Vinh danh”. Mọi người cùng đọc hay hát tiếp. Trong lúc đó kéo chuông hoặc đánh chiêng trống, tuỳ theo thói quen địa phương (số 31).
Văn kiện hướng dẫn của Bộ Phụng tự Thánh có tên là “Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh” (Paschalis Sollemnitatis), tại số 87, chỉ nói đơn giản như sau:
Sau bài đọc cuối cùng trích từ Cựu Ước, cùng với đáp ca và lời nguyện thì linh mục xướng kinh Vinh danh; trong lúc đó, kéo chuông hay đánh chiêng trống, v.v. tuỳ vào phong tục địa phương.
Từ hai hướng dẫn cụ thể trên đây, chúng ta nhận thấy chỉ có hai hành động cần được thực hiện từ lúc cộng đoàn bắt đầu hát kinh Vinh danh mà thôi:
• Thứ nhất, đó là bắt buộc phải đốt nến bàn thờ,vì ánh sáng của những ngọn nến bàn thờ vào thời điểm này tượng trưng cho nhiệm cục cứu độ [mang tính bí tích] đến với nhân loại mà trọng tâm của nhiệm cục này là cử hành Thánh Thể;
• Thứ hai, đó là tuỳ chọn việc kéo chuông [hoặc đánh chiêng trống], nhằm diễn tả niềm vui của biến cố Chúa phục sinh, và vì đây là thực hành được giữ lại cho đến nay theo sau tập tục kéo dài suốt 400 năm qua nằm trong quy định của Sách lễ Rôma thời kỳ tiền Công đồng [Vatican II].
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao nhiều nhà thờ lại có thêm những hành động khác nữa như: trải khăn bàn thờ; đem hoa ra chưng; tháo bỏ các tấm che ảnh tượng thánh. Bài viết này sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy có nên giữ lại những thực hành này hay không?
1] TRẢI KHĂN BÀN THỜ
Theo nghi thức phụng vụ hiện nay, chẳng có chỉ dẫn nào dạy để bàn thờ trống trong thánh lễ Vọng Phục sinh ngay từ đầu buổi cử hành cho đến khi hát kinh Vinh danh thì mới mang khăn bàn thờ ra trải.
Thông thường, bàn thờ phải được phủ bằng khăn bàn thờ khi cử hành thánh lễ. Chỉ có hai trường hợp, theo thực tế và thực hành, không trải khăn bàn thờ cho tới thời điểm được quy định là phải trải khăn bàn thờ, đó là: [i] Bàn thờ chuẩn bị được làm phép hay cung hiến; [ii] Cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh.
Đối với bàn thờ chưa được cung hiến, sau các phần nghi thức: Phụng vụ Lời Chúa – Kinh cầu các thánh – Đặt xương thánh vào bàn thờ - Lời nguyện cung hiến – Xức dầu bàn thờ - Xông hương bàn thờ - thì mấy tá viên lấy khăn lên lau bàn thờ (vì mới được xức dầu), và nếu có, trải lên một tấm khăn không thấm nước, rồi trải khăn bàn thờ, và tùy nghi có thể đưa hoa lên trưng bày. Cũng để chân nến có nến lên như khi cử hành Thánh Lễ đòi buộc, và nếu cần phải đặt cả thánh giá nữa.
Đối với bàn thờ chưa được làm phép, thì trong nghi thức làm phép nhà thờ, sau Lời nguyện Tín hữu và sau khi vị chủ sự (ĐGM) huấn dụ tín hữu, bàn thờ sẽ được làm phép rất đơn giản với lời nguyện ngắn (Benedictus es, Deus), tiếp theo là việc rảy nước thánh và xông hương bàn thờ. Đến thời điểm này, bàn thờ mới được phủ khăn bàn thờ và tuỳ nghi trang hoàng hoa nến như phải có để bước vào phần Phụng vụ Thánh Thể, và nếu cần thì đặt thánh giá cho xứng hợp.
Trong cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh: việc lột khăn bàn thờ là một dấu hiệu riêng biệt của cử hành thứ Năm Tuần Thánh cho nên sau các nghi lễ của thánh lễ Tiệc Ly, chúng ta lột hết khăn trên bàn thờ ám chỉ Chúa Giêsu bị lột áo trước khi chịu đóng đinh (theo cách hiểu ngày xưa). Hành động này như muốn báo trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cũng như diễn tả Chúa Kitô bị chính các môn đệ của mình bỏ rơi. Thánh giá cũng được lấy đi khỏi nhà thờ hay che bằng một tấm vải màu đỏ hoặc màu tím, nếu chưa được phủ từ chiều thứ Bảy ngay trước Chúa Nhật V mùa Chay. Cũng che các tượng ảnh thánh khác nếu chưa được thực hiện. Đối với những ảnh tượng thánh có thể di chuyển hay chân nến, chúng ta có thể dời chúng đi chỗ khác (mang vào trong phòng thánh). Tất cả những việc làm này làm cho không gian và bầu khí trong cung thánh trở nên khác biệt, trống trải và thâm trầm hơn, tiếp nối cách tương ứng với nghi thức phụng vụ của ngày hôm sau (tức thứ Sáu Thánh) với bàn thờ trống (không thánh giá, không nến, không khăn bàn).
Bản văn hướng dẫn trong Sách lễ Rôma đề cập đến việc đốt nến trên bàn thờ vào thời điểm xướng kinh Vinh danh (số 31) không có nghĩa là bấy giờ mới đem nến từ nơi khác đến và đốt lên nhưng hàm ý rằng nến (chưa đốt) và chân nến đã được đặt sẵn ở trên bàn thờ [hay gần bàn thờ] rồi và chỉ cần tiến hành châm lửa từ cây nến phục sinh mà đốt cho chúng thôi. Những chân nến và cây nến đặt trên bàn thờ như thế hẳn là chúng đã ở trên khăn bàn thờ[đã được trải ra trước khi cử hành Canh thức Vượt qua rồi] đúng như hướng dẫn về “Chúa Nhật Phục Sinh - Canh Thức Vượt Qua”trong sách Nghi Thức Tuần Thánh. Ở phần “Những đồ cần chuẩn bị trước”, sách này nói rằng: Trên bàn thờ chính – thánh giá và chân nến + khăn trải bàn thờ.
Như vậy, trong thánh lễ Vọng Phục sinh, hãy trải khăn bàn thờ trước khi cử hành phụng vụ cùng với những cây nến chưa đốt trên bàn thờ [hay gần bàn thờ] chứ không thể đợi đến khi xướng kinh Vinh danh mới mang khăn bàn thờ ra trải và mới mang nến ra đốt.
2] ĐEM HOA RA CHƯNG
Căn cứ vào hai văn kiện nêu trên, tức Nghi thức “Canh thức Vượt qua” của Sách lễ Rôma (số 31) và “Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh” (số 87), chúng ta hiểu ngay rằng không nhất thiết đem chưng hoa vào thời điểm cộng đoàn hát kinh Vinh danh ngoài việc đốt nến và có thể cho rung chuông (chuông [nhỏ] ở cung thánh và chuông [lớn] trên tháp chuông) nếu có tục lệ này.
Tuy nhiên, khi nói về việc chưng hoa cho bàn thờ, sách Lễ nghi Giám mục đã xác định rằng hoa không được sử dụng trang hoàng bàn thờ từ thứ Tư lễ Tro cho đến kinh Vinh danh của lễ Vọng Phục sinh, cũng không sử dụng trong cử hành cho tín hữu đã qua đời, trừ ra trong ngày Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, lễ trọng và lễ kính (số 48).
Như vậy, chúng ta có hai chọn lựa: [i]Một là chưng hoa trước khi cử hành Vọng Phục sinh, nhất là những thánh đường cho chưng hoa vừa nhiều vừa phức tạp tại không ít vị trí trong cung thánh lẫn ngoài cung thánh chứ không chỉ tập trung tại bàn thờ với ý thức rằng trong dịp long trọng của cao điểm Tam nhật Vượt qua này, toàn bộ nhà thờ nên ngập tràn hương hoa và trang hoàng phải thật rực rỡ cho xứng với ngày lễ cũng như làm cho khuôn mặt của ngày lễ có sự khác biệt đáng kể so với những ngày khác; [ii] Hai là chọn thời điểm mang hoa ra bàn thờ đang khi hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh. Tuy nhiên, chọn lựa thứ hai này chỉ nên áp dụng cho những thánh đường nào có số lượng bình hoa không nhiều; chúng cũng không nặng nề và cồng kềnh phức tạp đến nỗi phải cần đến nhiều người cũng như phải hì hục khiêng ra. Lý do là vì chúng ta cần bảo đảm tính thẩm mỹ và sốt sắng nghiêm trang của cử hành phụng vụ bằng cách hạn chế đến mức tối đa sự đi lại trên cung thánh. Vì muốn tránh đi những di chuyển không cần thiết trên cung thánh như thế, nên không những tại Vatian, mà hầu hết các quốc gia ngày nay, dù chưng ít hoa hay nhiều hoa, đều đã chọn cách thực hành thứ [i], tứcchưng hoa trước khi cử hành Canh thức Vượt qua.
3] BỎ CÁC TẤM CHE ẢNH TƯỢNG THÁNH
Ở đây, chúng ta cần phân biệt hai đối tượng: thánh giá và ảnh tượng thánh. Theo tác giả Elliott, tập tục che thánh giá và ảnh tượng thánh liên quan nhiều đến phương diện tâm lý học tôn giáo, bởi vì thực hành này giúp chúng ta dễ dàng tập trung vào các yếu tố cao trọng của công trình cứu độ của Chúa Kitô.
• Đối với thánh giá, trong nghi thức hiện nay, chúng ta không thể tiến hành việc gỡ bỏ tấm vải che thánh giá trong lễ Vọng Phục sinh (đang khi hát kinh Vinh danh) vì đúng ra chúng phải được gỡ bỏ rồi. Thật vậy, nếu chúng ta có cho che phủ thánh giá trước đó, chẳng hạn từ Chúa Nhật thứ V mùa Chay (trước kinh Chiều I) hay từ sau thánh lễ Tiệc Ly(không cần phủ đàng thánh giá hay ảnh thánh trên cửa kính màu), thì bắt buộc chúng ta phải bỏ khăn phủ thánh giá, không còn che thánh giá nữa sau nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa ngày thứ Sáu Tuần Thánh nhằm chuẩn bị cho cử hành lễ Vọng Phục sinh và làm sâu sắc thêm ý nghĩa cho ngày lễ này. Sau một thời gian thánh giá bị che phủ, các tín hữu như cảm thấy “đói và khát thánh giá”. Tới ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ lại thấy thánh giá trong một tâm thế khác hẳn khi linh mục chủ sự lần lượt mở khăn che thánh giá, nâng cao thánh giá lên và kêu gọi mọi người kính thờ thánh giá. Với nghi thức này, từ sau cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta phải gỡ bỏ khăn phủ thánh giá đi. Điều này cũng phù hợp với chỉ dẫn của Bộ Phụng Tự cho ngày hôm sau, tức ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khi khuyên: “Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh hoạ mầu nhiệm ngày thứ Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu nguyện.” Thật phi lý và chậm trễ khi đã bước qua cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh rồi, đang khi hát kinh Vinh danh cũng như cho rung chuông để reo vui kính mừng biến cố Chúa sống lại từ cõi chết, chúng ta mới đi gỡ bỏ tấm vải che, đôi khi một cách rất “kịch tính”, để lộ ra tượng/ ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên thánh giá vốn thuộc về cử hành của ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Giả như lúc đó hiển hiện ra ảnh / tượng Chúa phục sinh thì có lẽ hợp lý và hợp cảnh hơn. Tuy nhiên, như được trình bày ngay dưới đây, ngay cả với ảnh / tượng Chúa phục sinh, chúng ta cũng phải cởi bỏ vải che phủ ra trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ Canh thức Vượt qua.
• Đối với các ảnh tượng thánh khác, bao gồm cả ảnh/ tượng Chúa phục sinh, không như thánh giá, sau nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta vẫn có thể che phủ. Tuy nhiên, chỉ nên che phủ cho tới trước lúc bắt đầu cử hành Vọng Phục sinh. Không nên chậm trễ gỡ bỏ các tấm vải / màn che phủ như thế vào thời điểm hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh vì những lý do sau: [[i] Thứ nhất: theo nghi lễ hiện nay, những hành động trên cung thánh đang khi cử hành thánh lễ cần đơn giản, nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ, phức tạp, tránh di chuyển nhiều trên cung thánh và làm xáo trộn việc cử hành; [[ii] Thứ hai: đây là thực hành từ thời tiền Công đồng Vatican II và thuộc về hình thức ngoại thường của thánh lễ, tức thánh lễ Misa được cử hành theo nghi thức Sách Lễ Rôma ban hành năm 1962 hay Sách Lễ của thánh Gioan XXIII. Theo đó, trong hình thức ngoại thường, thời điểm hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh được nhấn mạnh một cách đặc biệt hơn là trong hình thức thông thường đến độ cần phải có hành động “khác thường”, tức là những người chịu trách nhiệm phòng thánh tiến hành gỡ bỏ những gì che phủ các ảnh tượng thánh trong nhà thờ. Đang khi đó, tại hầu hết các nhà thờ ở Việt Nam, chúng ta cử hành Canh thức Vượt qua theo hình thức thông thường.
Thay lời kết
Những hành động phải làm đang khi hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Vọng Phục sinh được giảm thiểu và đơn giản hơn vì những lý do sau:
• Thứ nhất, do ý hướng muốn đơn giản hoá cử hành phụng vụ đêm Vọng Phục sinh so với những nghi lễ phụng vụ trước kia, kể cả nghi lễ phụng vụ canh tân của Đức Giáo Hoàng Piô XII liên quan đến Lễ nghi Cử hành Tam Nhật Thánh (năm 1951) và Lễ nghi Cử hành Tuần Thánh (năm 1955);
• Thứ hai, muốn tránh đi những di chuyển không cần thiết trên cung thánh khiến cử hành phụng vụ bớt trang nghiêm sốt sắng;
• Thứ ba, trong thánh lễ Vọng Phục sinh, thời điểm xướng kinh Vinh danh không phải là lúc kết thúc mùa Chay hay chấm dứt Tam nhật Vượt qua, cũng không phải là thời khắc bắt đầu thánh lễ Vọng Phục sinh như nhiều người đến nay vẫn lầm tưởng để rồi dồn nhiều hành động vào thời gian này. Theo các nhà phụng vụ, đây là một quan niệm đã lỗi thời và không còn đứng vững, bởi vì trong ấn bản Sách lễ Rôma lần thứ III (năm 2002), thay vì khởi sự cử hành Canh thức Vượt qua bằng lời chào của vị chủ tế thì nay Hội Thánh yêu cầu phải bắt đầu bằng dấu thánh giá như mọi thánh lễ khác để chỉ ra rằng toàn bộ cử hành Canh thức Vượt qua phải được nhìn như một thể thống nhất và là một cử hành Thánh Thể từ những lời đầu tiên trong nghi thức phụng vụ. Theo đó, thời điểm xướng kinh Vinh danh và cộng đoàn hát tiếp cùng với một số hành động kèm theo cho thấy đây là giao điểm của lịch sử cứu độ từ các bài đọc Cựu Ước chuyển sang các bài đọc Tân Ước cũng như vui mừng loan báo về một cao điểm khác của cử hành phụng vụ trong đêm cực thánh này.
Bởi vậy, đang khi hát kinh Vinh danh, không tiến hành trải khăn bàn thờ, không gỡ bỏ các tấm che [tượng / ảnh thánh giá, Chúa phục sinh hay các thánh] mà phải trải khăn bàn thờ cũng như gỡ bỏ các tấm che ảnh tượng thánh trước giờ cử hành Canh thức Vượt qua. Vào thời điểm này, chúng ta chỉ: đốt nếnvà cho đổ chuông (lớn và nhỏ). Còn hoa, tốt nhất hãy sắp xếp chúng trước giờ cử hành Canh thức Vượt qua và nên sử dụng số lượng hoa nhiều hơn mọi cử khành khác trong năm phụng vụ.
Lm Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét