GIÁO DÂN HỌC HỎI KINH THÁNH
Lm. An-tôn Nguyễn cao Siêu, S.J.
Giáo Hội muốn giáo dân học hỏi Kinh Thánh
Giáo dân học hỏi Kinh Thánh không phải là một điều mới mẻ. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố trong Hiến Chế về Mặc Khải, Dei Verbum: “Thánh Công Đồng ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’. Vì thế họ phải siêng năng tìm đến với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc nhờ Phụng vụ thánh chứa đựng dồi dào Lời Chúa, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp (per institutiones ad id aptas) và những phương tiện khác hiện đang được phổ biến khắp nơi với sự chuẩn nhận và quan tâm của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội” (DV 25). Như thế, đối với Công Đồng, việc học hỏi Kinh Thánh là việc của mọi Kitô hữu, của mọi giáo dân. Giáo dân được mời gọi tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh, qua tham dự phụng vụ Lời Chúa, qua việc đọc Lời Chúa riêng tư, hay qua việc tham dự các khóa học và qua những phương tiện truyền thông khác.
Giám mục là người có nhiệm vụ dạy cho các tín hữu “biết sử dụng cho đúng các Sách Thánh, nhất là Tân Ước và đặc biệt là các sách Tin Mừng” nhờ đó họ có thể “tiếp xúc với Lời Chúa cách an toàn và ích lợi, và thấm nhuần tinh thần Kinh Thánh” (DV 25). Đây là lời khuyên trong số cuối cùng của Hiến Chế Mặc Khải: “Vì thế, ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, ‘Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh’ (2Ts 3,1)” (DV 26). Như thế Công Đồng đã không ngừng nhấn mạnh đến việc học hỏi Sách Thánh (studium Sacrorum Librorum) trong Hiến chế quan trọng về Mặc Khải.
Trong Tông Huấn Lời Chúa, Verbum Domini (2010), Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại nhiệm vụ này khi nói về Lời Chúa và giáo dân: “Giáo dân cần được đào tạo để biết biện phân ý muốn Thiên Chúa nhờ một cuộc sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các vị Mục tử hợp pháp” (VD 84). Ngài đòi “chúng ta phải giúp người trẻ có sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như chiếc la bàn chỉ cho biết con đường phải theo” (VD 104).
Theo cùng một đường hướng như trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium (2013) cũng khẳng định: “Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu” (EG 175). Đối với Ngài, người loan báo Tin Mừng cần có sự thân mật với Lời Chúa. Bởi đó Ngài kêu gọi: “các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện” (EG 175).
Tại sao phải học hỏi Kinh Thánh?
Có thể nói Giáo Hội Công giáo từ hơn 50 năm nay đã không ngừng muốn cho mọi giáo dân có cơ hội học hỏi Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Phải nhìn nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng. Người Công giáo Việt Nam quen đọc kinh lần chuỗi và thực hành những hình thức đạo đức khác. Có người giáo dân nghĩ rằng việc học Kinh Thánh là điều khó, là việc dành riêng cho các linh mục tu sĩ, chính vì thế họ sợ tiếp cận với Sách Thánh. Có người không thấy hứng thú khi đọc Lời Chúa, nên cuốn Tân Ước vẫn nằm yên một chỗ. Có nhóm thích chia sẻ Lời Chúa, nhưng lại không thấy cần tìm hiểu xem bản văn Lời Chúa thật sự muốn nói gì.
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã lấy sách Đệ-nhị-luật để nói với tên cám dỗ trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Người Công giáo chẳng những được nuôi bằng bàn tiệc Mình Chúa mà còn bằng bàn tiệc Lời Chúa nữa (DV 21). Thiếu một trong hai, là đặt mình trong tình trạng thiếu thốn. Chúng ta đã có nhiều hình thức biểu lộ sự kính trọng đối với Bí Tích Thánh Thể như dọn mình rước lễ, rước kiệu hay chầu Mình Thánh Chúa. Điều đó là tốt, nhưng Công Đồng Vaticanô II nhắc chúng ta: “Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa” (DV 21). Làm sao bày tỏ sự tôn kính đối với Kinh Thánh nếu không phải là cầm lấy sách Thánh mà đọc, nghiền ngẫm, tìm hiểu ý nghĩa, cầu nguyện với sách Thánh bằng cách suy niệm hay chiêm niệm, và cuối cùng là thực hành Lời Chúa? Có người bảo nếp sống đạo của người Việt còn hời hợt, hình thức, chưa có bề sâu, chưa có nền vững. Điều đó có đúng không? Dựa vào Công Đồng, ta có thể tìm thấy câu trả lời: “Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (DV 21). Chúng ta đã quá quen với câu này: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), nhưng quả thật nhiều người Công giáo ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với Lời Chúa.
Để thân quen với Lời chúa, chúng ta cần dành thời gian để học hỏi. Kinh Thánh là một bộ sách cổ, được viết trong nhiều thế kỷ. Ngay bộ Tân Ước cũng đã cách xa chúng ta gần hai ngàn năm. Các tác giả Sách Thánh là những người Do-thái sống trong những thời đại lịch sử khác nhau, sống trong nền văn hóa, xã hội và phụng tự khác chúng ta. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi gặp những đoạn văn khó hiểu và thậm chí gây sốc trong Kinh Thánh. Vô tri bất mộ, để có “lòng yêu mến nồng nàn và sống động đối với Kinh Thánh” (Hiến Chế về Phụng Vụ số 14) người giáo dân cần học hỏi không ngừng qua các bài dẫn nhập, các sách chú giải, và những khóa học.
Học hỏi Lời Chúa giúp cho việc cầu nguyện, điều này không thể chối cãi. Lắm khi người ta thấy khó cầu nguyện với một đoạn Kinh Thánh chỉ vì không hiểu đoạn ấy muốn nói gì hay chỉ hiểu một cách sơ sài. Việc học biết chiều sâu của một câu hay một từ trong Kinh Thánh có thể đưa người đọc đi vào chiều sâu của tương quan với Thiên Chúa hay Chúa Giêsu. Trong phương pháp cầu nguyện Lectio Divina, khi làm phần meditatio chúng ta không cần phân tích bản văn Lời Chúa, hay suy tư thần học, nhưng chỉ nghiền ngẫm Lời Chúa và mở lòng cho tác động soi sáng của Thánh Thần, để tìm ra ý nghĩa của bản văn. Tuy nhiên, hiểu biết sâu xa về Lời Chúa cũng cộng tác với sự soi sáng của Thánh Thần nhằm đưa đến sự hiệp thông với Thiên Chúa mà Lection Divina nhắm tới.
Chúng ta đã có những nhóm chia sẻ Lời Chúa. Điều này đem lại những lợi ích lớn lao. Tuy nhiên, học hỏi Lời Chúa là cần thiết để việc chia sẻ được sâu xa hơn và tránh những sai lạc. Nhờ hiểu biết ý nghĩa của một đoạn Lời Chúa, nhóm chia sẻ không bị lạc đề hay đi lan man, nhưng đi vào trọng tâm của đoạn Lời Chúa và khám phá ra sự phong phú đa dạng của nó qua những chia sẻ về kinh nghiệm cụ thể của những thành viên.
Việc học hỏi Lời Chúa giúp cầu nguyện với Lời Chúa, giúp chia sẻ Lời Chúa, và cuối cùng giúp người Công giáo sống Lời Chúa. Vì Lời Chúa “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 108,105), nên Lời Chúa cũng chi phối hướng sống của người tín hữu. Cả giáo huấn của Giáo Hội hay bài giảng của vị linh mục cũng phải đặt nền trên Lời Chúa. Chính vì thế học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện với Lời Chúa phải giúp cho giáo dân chạm được vào bản văn Lời Chúa, để cho Lời Chúa nói với mình, và đáp lại Lời Chúa bằng cuộc sống. Sự canh tân, sức sống và sự hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo Hội, tất cả bắt nguồn từ biến đổi nội tâm khi tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa. Hiến chế về Mặc Khải, số 21, của Công Đồng Vaticanô II đã trình bày cách cô đọng như sau về những hiệu quả của Kinh Thánh: “Quả thật, trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo Hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.”
Đứng trước sự kiện thời nay xuất hiện nhiều giáo phái phổ biến một cách đọc Kinh Thánh lệch lạc và lèo lái, Đức Bênêđíctô cảnh báo: “Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ” (VD 73). Nói cách khác, để tránh bị lôi kéo bởi các giáo phái lầm lạc, phải học Kinh Thánh một cách chính thống trong Giáo Hội. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về các phong trào “Sứ điệp từ trời” hay “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.” Ngày nay nhiều phong trào xuất hiện đã dựa trên các câu Kinh Thánh bị giải thích một cách sai lạc, nhưng lại lôi cuốn và có sức mê hoặc người tín hữu yếu đuối.
Một cách giúp học hỏi Kinh Thánh
Theo kinh nghiệm riêng, chỉ xin chia sẻ một vài nét của việc giúp học hỏi Kinh Thánh.
- Giúp học viên tự khám phá ra ý nghĩa của Lời Chúa. Dùng Lời Chúa để hiểu Lời Chúa, mời người đọc so sánh các câu chữ Lời Chúa khác nhau, từ đó tìm ra được ý nghĩa của câu mình chưa hiểu. Đặt những câu hỏi về bản văn để người đọc chú ý đến những từ hay những ý quan trọng. Khi đặt những câu hỏi khéo léo theo kiểu của Socrate (maieutikos) từ dễ đến khó, học viên có thể tự tìm ra được những điều mà trước đó họ không tin là mình có thể làm được. Như thế lớp học Kinh Thánh có tính năng động, nghĩa là do học viên làm chủ, người dạy chỉ là người dẫn đường. Học viên thích thú khi được khơi gợi để khám phá Lời Chúa với bao vẻ đẹp tiềm ẩn.
- Vì là lớp học Lời Chúa nên mọi người cần tập trung vào bản văn Kinh Thánh. Mỗi người cần có cuốn Kinh Thánh của mình. Nên dùng cùng một bản dịch cho cả lớp. Đôi khi cũng cần cho thấy sự thiếu sót hay chưa đúng của một lối dịch, cũng như sự khác biệt với nguyên bản nếu có thể.
- Bầu khí của lớp học Lời Chúa là bầu khí thiêng liêng, nghĩa là bầu khí của Thánh Thần. Chính Thánh Thần làm việc nơi từng người và dẫn đưa cả lớp từ từ vào sự thật trọn vẹn. Ngay cả những người bình thường cũng có khi nhận được ánh sáng đặc biệt để hiểu một bản văn khó. Khi trí tuệ mở ra trước Lời Chúa để hiểu, thì đồng thời trái tim cũng mở ra để đón nhận Lời. Nơi lớp học Lời Chúa, học viên chẳng những gặp Lời Chúa mà còn có thể gặp được chính Chúa đang nói với riêng mình. Những phút cầu nguyện cuối giờ học thật sự làm cho lớp học Lời Chúa trở thành một buổi cầu nguyện.
Huấn luyện người dạy lớp học hỏi Kinh Thánh
Vấn đề của chúng ta là làm sao huấn luyện những người có khả năng giúp các lớp học hỏi Lời Chúa. Chúng ta nghĩ ngay đến các linh mục, tu sĩ, và cả các giáo dân ưu tuyển. Làm sao để một linh mục, dòng hay triều, sau thời gian học Kinh Thánh ở Đại chủng viện hay Học viện có thể tự tin giúp một lớp học hỏi Lời Chúa? Để được như thế cần nhìn lại chương trình học và phương pháp dạy Kinh Thánh cho chủng sinh và tu sĩ. Có lẽ chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để họ tiếp xúc trực tiếp với bản văn, có kinh nghiệm thưởng thức Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa và được Lời Chúa dưỡng nuôi. Các môn học Kinh Thánh cần được chú trọng đặc biệt trong thời gian học thần học, vì linh mục là người của Lời, Lời được rao giảng chẳng những trong Thánh Lễ hay khi cử hành các bí tích, mà còn trong mọi cuộc gặp gỡ hàng ngày. “Chính lời Thánh Kinh nuôi dưỡng cách tuyệt hảo và làm tăng triển cách trọn vẹn thừa tác vụ Lời Chúa, bao gồm việc giảng thuyết của các Chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ có một chỗ đứng đặc biệt” (Dei Verbum 24). Các giáo dân có khả năng, sau khi tham dự các lớp học Lời Chúa, có thể được kêu gọi để trở thành những người truyền đạt lại những hiểu biết của mình. Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh đến việc “cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực” (VD 73). Ngài cũng nói đến việc giáo dân có thể được học tại các trường dạy Kinh Thánh, hay được giáo phận huấn luyện (VD 75 và 84).
Đôi điều cần lưu ý khi học hỏi Kinh Thánh
Học hỏi Kinh Thánh là điều có tầm quan trọng cho sự sống và triển nở của Giáo Hội. Chúng ta vui sướng vì thấy nhiều nơi trên quê hương đã quan tâm đến công việc này. Từ thế kỷ XII và nhất là từ thế kỷ XV, trong Giáo Hội có khuynh hướng không khuyến khích dùng Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ, và muốn dành riêng bộ Kinh Thánh cho các nhà thần học. Ngày nay, đặc biệt từ Công Đồng Vaticanô II, Kinh Thánh là Lời Chúa để nuôi toàn thể đoàn dân của Ngài. Từ đó việc học hỏi Kinh Thánh không phải là điều chỉ dành cho một số người có trình độ.
Người Công giáo học Kinh Thánh như mặc khải của Thiên Chúa, nhưng không coi tất cả Mặc Khải chỉ nằm trong bộ Kinh Thánh. Chúng ta dùng nhiều phương pháp nghiên cứu để hiểu một bản văn Lời Chúa, nhưng chúng ta không thể hiểu đúng bản văn đó ngoài Truyền Thống của Giáo Hội. Chính trong cộng đoàn đức tin mà Kinh Thánh được hình thành, và Kinh Thánh phản ánh niềm tin của Giáo Hội. Bởi đó có những khi chúng ta phải dựa vào Thánh Truyền để hiểu được ý nghĩa thực sự của một câu Lời Chúa. Thánh Truyền được diễn tả trong đời sống phụng tự, trong các tác phẩm của các giáo phụ, và trong cảm thức đức tin của dân Chúa (x. Lumen Gentium 12).
Khi sử dụng sách chú giải của anh em Tin Lành, chúng ta cần để ý đến những khác biệt trong cái nhìn về một số điểm như về vai trò của Đức Maria hay của Thánh Phêrô trong Giáo Hội. Cũng cần để ý đến khác biệt trong cái nhìn về các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Thiết tưởng cũng nên nhắc lại, đức tin của người Công giáo không chỉ dựa vào bản văn Kinh Thánh, mà còn lưu ý đến cả một dòng truyền thống đã làm phát sinh và nuôi dưỡng bản văn đó. Ngoài ra, còn phải lưu tâm đến quyền giáo huấn của Giáo Hội khi học hỏi Lời Chúa: “Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Dei Verbum, 10).
Nhân tính của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng Mác-cô, đôi khi có thể gây sốc. Người ta có thể gặp một Đức Giêsu không biết hết mọi sự, hay không có khả năng làm được mọi sự, thậm chí có thể sai lầm. Khi hiểu Mầu nhiệm Nhập Thể và sự tự hủy của Ngôi Lời, người học có thể đón nhận một Đức Giêsu khiêm hạ như thế trong Tân Ước, “chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, chỉ trừ tội là không hề phạm” (Hb 4,15).
Lời Chúa mạnh mẽ và sắc bén, có sức công phá và biến đổi, có khả năng làm mềm lại những gì cứng cỏi, làm mới lại mọi sự từ bên trong. Chính vì thế không lạ nếu việc học hỏi Lời Chúa khiến chính bản thân người học bị chạm, bị đặt thành vấn đề, và được mời gọi canh tân. Chúng ta không sợ những tiếng gọi của Chúa, đòi chúng ta thay đổi cái nhìn, thay đổi thái độ, thay đổi cách giải quyết, đôi khi đòi chúng ta thay đổi ngay cả những cơ cấu đã có từ lâu. Đó là điều Đức Phanxicô vẫn đang làm. Một khi được Lời Chúa thức tỉnh, người học hỏi Lời Chúa được coi là thành công.
Để kết thúc bài chia sẻ này, con nghĩ đến những việc cần làm để giúp giáo dân học hỏi Lời Chúa. Giáo Hội Việt Nam đã có dư những vị có khả năng để viết những tập sách giúp giáo dân học hỏi Lời Chúa, giúp họ đọc chính bản văn Lời Chúa và thấy thú vị, bổ ích cho tâm linh. Những tập sách này có nhiều trình độ, từ dễ đến khó, gồm cả Cựu Ước và Tân Ước, cho mọi giới. Một điều nữa con cũng hy vọng sẽ có, đó là tập sách trả lời những vấn nạn về Kinh Thánh mà người ngoài Công giáo thường đặt cho chúng ta. Tập sách này chắc chắn sẽ giúp nhiều cho đức tin của người trẻ Công giáo Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét