Trang

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

MỤC VỤ KINH THÁNH

MỤC VỤ KINH THÁNH

        
 LM. Giuse Trần Hòa Hưng, SDB


  1. Lời Chúa là niềm vui và Ơn Cứu Độ

Trong xã hội hiện đại dư thừa mọi của cải vật chất, chúng ta lại nhận ra con người đang thiếu thốn của ăn Lời Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Nhiều người đã không đón nhận được niềm vui Tin Mừng, vì đã không được biết đến Lời Thiên Chúa ban tặng cho họ. Họ chưa gặp được Chúa Kitô, chưa được lắng nghe Lời Ngài để có được niềm vui viên mãn (x.1Ga 1,4) là thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Vì vậy, tất cả những ai, một khi đã tiếp thu được giá trị và vẻ đẹp của Lời Thiên Chúa đều cảm thấy mình bị thúc đẩy để làm cho Lời Chúa được vang lên khắp nơi, mang niềm vui và hạnh phúc đích thực đến cho đại gia đình nhân loại. 

Đối với chúng ta, những người yêu mến Lời Chúa, chúng ta càng tha thiết mãnh liệt hơn để dốc sức vào việc loan báo, chia sẻ hồng ân Lời Chúa cho anh chị em mình. Khi đó, Tin mừng Lời Chúa được sánh ví với cuộc nhập thể lần thứ hai của Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa và trở thành phúc lành của ơn cứu độ.

Giáo hội luôn mời gọi chúng ta hãy là sứ giả của hồng ân Lời Chúa, vì đây cũng là sứ mạng của Giáo Hội. Chúng ta cần phải thông chia niềm vui đó, niềm vui phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Con Người Đức Kitô. Ngài chính là Lời Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta và chỉ một mình Ngài mới có những lời ban sự sống đời đời (x.Ga 6,68 ; VD 2, 123). Quả vậy, “Không có điều ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên này là: Hãy mở ra cho con người ngày nay con đường đến với Thiên Chúa, một Vị Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào” (x. Ga 10,10 ; VD 2).

  1. Mục vụ Kinh Thánh

Mục vụ Kinh Thánh được nảy sinh từ lòng khao khát của Giáo Hội muốn đem hồng ân Lời Chúa đến cho mọi người, đặc biệt cho những người đã thuộc về Chúa Kitô, những người Kitô hữu.

Thượng Hội Đồng đã kêu gọi một sự dấn thân mục vụ đặc biệt để nêu bật vị thế trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội, khi đề nghị nên “tăng cường khoa mục vụ Kinh Thánh”, không phải bằng cách đặt khoa này bên cạnh những hình thức mục vụ khác, nhưng phải là “linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh” . Vậy vấn đề không phải là thêm một vài cuộc hội họp trong giáo xứ hay trong giáo phận, mà là đảm bảo rằng, trong các sinh hoạt quen thuộc của các cộng đoàn Kitô hữu, trong các giáo xứ, trong các hội đoàn và trong các phong trào, người ta thật sự quan tâm đến việc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô, Đấng thông truyền chính Người cho chúng ta nơi Lời Người. Bởi vì nếu “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”,
[1] việc linh hoạt bằng Kinh Thánh tất cả hoạt động mục vụ thông thường và bất thường sẽ dẫn đưa đến sự hiểu biết lớn lao hơn về con người của Đức Kitô, Đấng mạc khải Chúa Cha và là Mạc Khải viên mãn của Thiên Chúa (VD 73).

Để nhận thức rõ ràng hơn về Mục vụ Kinh Thánh, chúng ta có thể nêu lên một số hoạt động liên quan đến Mục vụ Kinh Thánh như sau : 

1. Tông Đồ Kinh Thánh: có mục đích quảng bá và phổ biến Lời Thiên Chúa cho mọi người. Sứ vụ Tông Đồ Kinh Thánh tìm cách phân phát các bản văn Kinh Thánh, loan báo Lời Thiên Chúa, đặt Lời Thiên Chúa vào trong tầm tay của mọi người để họ có thể đọc và lắng nghe được những gì Chúa nói với họ. Đây là bước đi đầu tiên của Mục vụ Kinh Thánh, và cũng là nhiệm vụ chủ yếu của Giáo Hội, nhằm chiếu sáng bản chất của Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa và Dân Thiên Chúa sẽ “lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài” (x. Rm 10,14-18 ; Lc 11,28).

2. Phong Trào Kinh Thánh: tiếp tục khai triển các hoạt động với quyển Kinh Thánh. Các phong trào Kinh Thánh quy tụ mọi người đến lắng nghe Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa và cùng nhau chia sẻ Lời Chúa. Phong trào Kinh Thánh có mục đích trình bày Lời Thiên Chúa như là tâm điểm để cầu nguyện, đào sâu và suy gẫm, đặc biệt trong việc canh tân các việc đạo đức nhằm thúc đầy người tín hữu luôn sống kết hiệp với Chúa.   

3. Mục Vụ Kinh Thánh: đưa Kinh Thánh vào chiều hướng mục vụ và liên kết với các mục vụ khác  như mục vụ giới trẻ, mục vụ gia đình, mục vụ giáo xứ, mục vụ huấn giáo, mục vụ di dân,… Mục vụ Kinh Thánh tìm cách loan truyền Lời Chúa đến cho mọi người trong mọi lãnh vực, quan tâm đến tác động của Lời Chúa trong mọi góc cạnh của đời sống, và thúc đẩy mỗi người đáp trả cách thích đáng với Lời Chúa dạy.

4. Linh Hứng Kinh Thánh Trong Mục Vụ: nghĩa là “linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh” (VD 73). Quả vậy, vì Lời Chúa vừa là nguồn mạch, vừa là đích điểm, và cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hướng về Ngài, nên Linh Hứng Kinh Thánh Trong Mục Vụ ngày càng được Giáo Hội khuyến khích. Với nhiều tên gọi khác nhau, nhiều cách trình bày khác nhau, Linh Hứng Kinh Thánh được mở rộng và đã trở thành “Tiếng Chúa Mời Gọi, Niềm Cảm Hứng từ Lời Chúa, Nền tảng Thánh Kinh…” nghĩa là bước khởi đầu cơ bản cho mọi sáng kiến mục vụ.

Như thế, Mục vụ Kinh Thánh không chỉ trình bày Lời Thiên Chúa là trung tâm điểm cho mọi hoạt động của Giáo Hội (VD 1), nhưng còn cho thấy Lời Thiên Chúa là Lời sinh động, và là nguyên lý cho mọi sự thay đổi trong đời sống xã hội con người. 

III. Những khía cạnh cần quan tâm

Nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của Lời Chúa, Mục vụ Kinh Thánh muốn đem Lời Chúa vào trong các lãnh vực khác nhau trong đời sống hiện nay của Giáo hội.

1. Phụng vụ 

Phụng vụ là môi trường đặc trưng của Lời Thiên Chúa và tự bản chất, mỗi một hành động phụng vụ đều được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Do đó, trong việc cử hành phụng vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng (SC 24 ; VD 52). Dân Thiên Chúa cần nhận ra vẻ đẹp phong phú của Lời Chúa và yêu mến Lời Chúa khi cử hành Phụng vụ. Thế nhưng nhiều người tín hữu ngày nay chỉ biết “đọc kinh xem Lễ”, chứ không hề quan tâm đến sứ điệp Lời Chúa, và cầu nguyện theo Lời Chúa dạy.

Vậy phải làm thế nào để Lời Chúa được tôn vinh, được công bố cách trang trọng và sống động trong phụng vụ, nhất là phải được diễn giảng cách đúng đắn, hầu giúp cho mọi người nhận ra được Chúa Kitô hiện diện trong Lời Ngài, đến gặp gỡ Ngài và ở lại trong Ngài (VD 59). 

2. Đào tạo Kinh Thánh

Mục vụ Kinh Thánh luôn quan tâm đến việc đào tạo Kinh Thánh cho tất cả mọi Kitô hữu, bất kể họ thuộc bậc sống nào ( VD 77-85), đặc biệt là các chủng sinh, các tu sĩ, các giáo lý viên, những người lãnh đạo, sinh động các Nhóm Tông đồ, để huấn luyện họ trở thành các Thừa tác viên Lời Chúa. Ngoài việc nghiên cứu học hỏi, các Thừa tác viên này luôn phải giữ lấy Lời Chúa làm nền tảng cho đời sống thiêng liêng cũng như cho sứ vụ mình đảm nhận. Việc giảng dạy Lời Chúa phải được Thần Khí của Chúa Giêsu dẫn dắt trong lòng mến chứ không thể chỉ đi theo lý trí con người. Và như thế, không gì có thể so sánh với “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,8), khiến cho ngày ngày, họ sẽ luôn “ôm ấp quyển Kinh Thánh trong tay, để nhờ đọc và suy gẫm, mà học được những kiến thức siêu việt về Chúa Kitô” (PC 6).

3. Gia đình 

Tất cả chúng ta đều đã nhận ra hệ quả khôn lường khi những giá trị nền tảng về Hôn nhân và Gia đình trong xã hội hiện nay bị chuyển đổi. Những thay đổi này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình, kể cả các gia đình công giáo. Cần mời gọi các gia đình sống Lời Chúa cách thâm sâu hơn, bởi Lời Chúa là nguồn cội của hôn nhân và gia đình. Mỗi một mái ấm gia đình phải có quyển Sách Thánh cho riêng mình, được đặt ở nơi xứng hợp để đọc và cầu nguyện (DV 85). Lời Chúa đồng hành với từng gia đình sẽ trở thành kim chỉ nam cho mọi lời nói và cách hành động xử thế của mỗi người trong gia đình.

Ước mong Lời Chúa sẽ được suy tôn trong mỗi gia đình, liên gia đình qua việc cử hành các việc đạo đức, lectio divina, chia sẻ Lời Chúa và nhất là sống Lời Chúa qua mọi biến cố thăng trầm. 

4. Giáo dục giới trẻ 

Mục vụ Kinh Thánh không thể không quan tâm đến giới trẻ là những thành viên tích cực của Giáo hội và cũng là tương lai của Giáo hội và của xã hội. Họ được kêu gọi để mở rộng cửa ra cho Chúa Kitô và giới thiệu Ngài cho những bạn bè khác (VD 104). Họ cần được hướng dẫn để nhận ra các giá trị về chân, thiện, mỹ trong Lời Chúa trước khi nhận lãnh nhiệm vụ xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian này. Do đó, việc huấn luyện những người trẻ rất cần thiết. Qua các nhóm học hỏi Kinh Thánh, các lớp bồi dưỡng Kinh Thánh, các sinh hoạt, Trại Hè về Lời Chúa,… giới trẻ có thể nhận ra được Tiếng Chúa mời gọi họ dấn thân mạnh mẽ vào việc xây dựng Trời Mới Đất Mới như Lời Ngài công bố.

5. Các đoàn thể tông đồ giáo dân   

Có nhiều nhóm, nhiều đoàn thể giáo dân khác nhau đang nảy sinh trong Giáo Hội. Họ cần đến sức mạnh của Lời Chúa để sống và phát triển. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Mục vụ Kinh Thánh có nhiệm vụ giúp họ biết lắng nghe Lời Chúa để trở thành những tông đồ đích thực của Chúa (VD 75), hoạt động theo đúng thánh ý Chúa, đồng thời tránh thoát được những khuynh hướng sai lầm, nhất là về Lời Chúa.

6. Phong trào Đại kết – Đối thoại Liên tôn

Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, Lời Chúa đi đôi với Truyền thống sống động của Giáo Hội (DV 9 ; DV 18), và kết hợp nhiệm mầu trong Thánh Thể (VD 54, 55) sẽ là mấu chốt cơ bản kết nối chúng ta với tất các anh em Kitô hữu khác, những người môn đệ Chúa Kitô. Qua việc sống Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa, chúng ta cố gắng thúc đẩy và thăng tiến việc hợp nhất các Kitô hữu. Giáo Hội nhìn nhận việc đối thoại với nhân loại, với các tôn giáo khác, gặp gỡ mọi người có thiện chí là một phần chính yếu của việc loan báo Lời Chúa (VD 117).

Ngoài ra, Lời Chúa còn là chân lý chiếu soi hết mọi người. Chính lời Chúa sẽ giúp chúng ta biết chia sẻ và đối thoại với các tôn giáo khác trong tình huynh đệ chân thành. 

7. Những người nghèo khổ - Các dân tộc thiểu số 

Cần nhiều hy sinh và nỗ lực để đem Lời Thiên Chúa đến cho những người đang ở “vùng ven”, nhất là những dân tộc thiểu số và những ai đang sống bên lề xã hội, những người đang ở trong “một thế giới bị bỏ rơi”. Đó là những người đặc biệt được Chúa Giêsu hướng đến khi Ngài thi hành sứ vụ cứu độ, những người có quyền ưu tiên được nghe loan báo Tin Mừng (Lc 4,18-19 ; x. Mt 25,31-46 ; VD 105-107) Đối với những người này, Lời Chúa cần được loan báo nhiều hơn và hòa hợp với nền văn hóa, với hoàn cảnh sống của họ để trở nên nguồn an ủi khích lệ.

8. Các phong trào cổ vũ Công lý - Hòa bình

Chính Lời Thiên Chúa tố giác không chút mập mờ các bất công, đồng thời cổ võ tình liên đới và sự bình đẳng trong xã hội (VD 100). Vì vậy, các phong trào thăng tiến công lý và hòa bình là một trong những hoạt động mục vụ thiết yếu của Giáo hội trong thế giới ngày nay. Những hoạt động này kêu gọi thiết lập một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, nhằm tiến đến cuộc sống văn minh đích thực của tình yêu và sự sống trong Chúa Kitô. Việc thăng tiến này đòi hỏi một sự biến đổi sâu xa nơi cuộc sống và cõi lòng con người. Do đó, hoạt động này nhất thiết cần đến ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa. Nỗ lực của con người chỉ thành công khi nó được xây dựng vững chắc trên Lời Thiên Chúa, nghĩa là phù hợp với thánh ý Chúa. Qua Lời Ngài, Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta thấy Ngài là tình yêu và lòng thương xót ; Ngài là nguồn mạch mọi ân huệ và cũng là Đấng chính trực công bằng. Ngài tỏ lòng ưu ái đặc biệt đến những kẻ nghèo hèn và những ai bị áp bức.  

Trong các hoạt động cổ vũ công lý – hòa bình, Lời Chúa kêu gọi không được báo oán, không được sử dụng bạo lực để gia tăng hận thù, nhưng luôn mời gọi mọi người hãy tỏ lòng thương xót bao dung. Lời Chúa cho thấy đức công bằng của Thiên Chúa vượt xa lý lẽ công bằng của con người (x. Mt 20,1-16) và bình an của Thiên Chúa không phải là thứ bình an theo kiểu con người ban tặng (x. Ga 14,27)  Lời Chúa thật sự là kim chỉ nam cho tất cả những ai đang dấn thân phục vụ để mưu tìm công lý hòa bình trong xã hội vốn luôn còn đó những bất công hận thù do tội lỗi con người gây ra.

9. Các Phương tiện Truyền thông xã hội

Chúng ta ngày càng nhận ra được sức mạnh và tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại ngày nay. Nhờ các phương tiện này, chúng ta có thể đến gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều người và với toàn thể xã hội. Vì thế, “Giáo hội nhận thấy mình có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn cứu độ và dạy con người biết sử dụng chúng cách đúng đắn” (IM 3). Sứ điệp Lời Chúa phải được rao giảng bằng tất cả những gì Chúa ban cho con người, đem lại một ý nghĩa mới cho lời kêu gọi của Đức Kitô: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27 ; VD 113).

Mục vụ Kinh Thánh muốn làm cho Tin Mừng được vang dội trên khắp hoàn cầu (Mt 28,19 ; Mc 16,15), đồng thời ý thức rằng thế giới ảo sẽ không bao giờ có thể thay thế được thế giới thực hữu và hoạt động Phúc âm hóa chỉ mang lại hiệu quả khi con người thiết lập được một mối dây liên hệ thực sự, một sự tiếp xúc riêng tư  với Chúa Kitô.

Trên đây chỉ là một vài lãnh vực chính yếu được nêu ra để mời gọi chúng ta suy tư và tìm phương cách thực hiện. Mục Vụ Kinh Thánh không dừng lại ở những lý thuyết, nhưng hướng đến những hành động cụ thể, thiết thực theo từng hoàn cảnh sống. Công việc này, trước hết, phải xuất phát từ một niềm xác tín mạnh mẽ về Lời Chúa và dẫn đến những cam kết dấn thân thực sự. 

IV. Gợi ý một vài đường hướng cụ thể  

Cùng hợp lực với Ủy Ban Kinh Thánh, chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến Mục vụ Kinh thánh để các hoạt động này được phát triển khắp nơi, đồng thời tập trung hơn vào những gì thiết yếu mà Giáo Hội Việt Nam cần thực hiện.

1. Thiết lập một tổ chức, mạng lưới Mục vụ Kinh Thánh trong cả nước, bao gồm các Nhóm Lời Chúa, các đoàn thể Kinh Thánh để cùng nhau đẩy mạnh việc phổ biến Lời Chúa, loan báo Lời Chúa, đọc và suy gẫm Lời Chúa, nhất là để sống Lời Chúa. Cổ võ việc xuất bản, ấn hành Kinh Thánh, các bài đọc Lời Chúa, sổ tay Kinh Thánh, Lịch Kinh Thánh, Tin Mừng bỏ túi, Lộc Thánh đầu năm… 

2. Quan tâm đến việc đào tạo các Thừa tác viên Lời Chúa, huấn luyện những ai đang làm Tông đồ Kinh Thánh để họ có thể hiểu biết và chia sẻ sứ điệp Lời Chúa.

3. Tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội, các sản phẩm khoa học để phổ biến và loan truyền Lời Chúa, như các trang mạng, website, phát thanh, truyền hình, các ứng dụng trên điện thoại,… tìm cách thông truyền Lời Chúa cho người khiếm thị, khiếm thính,..

4. Tăng cường phẩm chất cho các việc cử hành phụng vụ Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đặc biệt trong các ngày Lễ và những thời điểm quan trọng trong nhịp sống đời thường của người tín hữu.

5. Phát triển các phong trào Kinh Thánh, các Nhóm học hỏi và chia sẻ Lời Chúa, với những sinh hoạt định kỳ trong các xứ đạo. Khuyến khích việc đọc Kinh Thánh trong các gia đình.

6. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội thi, Tuần lễ Kinh Thánh, các ngày học tập, các khóa bồi dưỡng về Lời Chúa theo các cấp : giáo xứ, giáo phận,.. 

7. Liên kết và cộng tác với tất cả những ai đang làm việc trong lãnh vực phục vụ Lời Thiên Chúa, để cho Lời Ngài phán ra được chạy đến với mọi người và được tôn vinh (x. Tv 147,15 ; 2 Tx 3,1). 

Chúng ta đã được nghe, được thấy và được chạm đến Ngôi Lời sự sống (1 Ga 1,1). Chúng ta còn được Thần Khí Chúa Giêsu tiếp tục ban chan hòa các ân huệ dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn, mở tâm trí chúng ta ra với ý nghĩa của Kinh Thánh và làm cho chúng ta trở thành sứ giả đáng tin của Lời cứu độ (VD 123). Giờ đây, chính Lời Chúa đang thúc bách chúng ta hãy nhiệt thành đem Tin vui Lời Chúa đến cho mọi người, nhất là những người chúng ta gặp gỡ. 
 

[1] Thánh Giêrônimô, Commentariorum. in Isaiam libri, Prol ; PL 24, 17B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét