“Hãy Nâng Tâm Hồn Lên” Vị Trí - Ý Nghĩa Tổng Quát

Ngày 08/11/2017, trong bài giảng thứ Tư hàng tuần ở quảng trường thánh Phêrô (Vatican),Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích những kẻ lạm dụng công nghệ, cụ thể là điện thoại di động, trong Thánh lễ. Ngàinhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phải toàn tâm toàn ý tham dự Thánh lễ khi phát biểu rằng các vị chủ tế nói “hãy nâng tâm hồn lên”, chứ không nói “hãy giơ cao điện thoại lên để chụp ảnh”. Ngài bày tỏ rằng mình vô cùng buồn lòng khi dâng Thánh lễ ở quảng trường thánh Phêrô hoặc trong Vương cung Thánh đường, và phải chứng kiến cả rừng điện thoại mọc lên bên dưới, nơi các tín hữu đang đứng. Không chỉ giáo dân mà nhiều linh mục và cả giám mục cũng làm như thế. Làm ơn! Thánh lễ không phải là một sô diễn!. 

Để tránh thực hành xấu xí vừa nêu, đồng thời giúp cho việc cử hành và tham dự phụng vụ Thánh lễ được trang nghiêm sốt sắng hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” (Sursum Corda) từ thời các giáo phụ cho đến thời kỳ sau Công đồng Vatican II.

VỊ TRÍ TRONG THÁNH LỄ HIỆN NAY

Câu “Hãy nâng tâm hồn lên” (Sursum Corda) thuộc về lời kinh Tiền tụng của Thánh lễ vốn gồm 3 lần đối đáp:

• Khi bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể, vị chủ tế sẽ dang tay khởi xướng [hát hoặc đọc] lần đối đáp thứ I : “Chúa ở cùng anh chị em”. Cộng đồng đáp: “Và ở cùng [thần khí] cha” (hai cụm từ này không có gì đặc biệt trong lần đối đáp này vì được sử dụng nhiều lần trong cử hành phụng vụ như một lời chào truyền thống của nghi lễ Rôma, chẳng hạn khi vị tư tế bắt đầu Thánh lễ, trước khi công bố Tin Mừng và trước khi giải tán dân chúng. 

• Sau đó là lần đối đáp thứ II, chủ tế đọc/ hát tiếp: “Hãy nâng tâm hồn lên” đồng thời nâng hai tay cao lên. Cộng đồng đáp: “Chúng con đang hướng về Chúa”. 

• Tiếp đến là lần đối đáp thứ III, chủ tế vẫn dang tay và đọc/hát tiếp: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Cộng đồng đáp: “Thật là chính đáng”. 

Ngài vẫn dang tay tiếp tục đọc lời kinh Tiền tụng. Kết thúc kinh Tiền tụng, ngài chắp tay lại, cùng với mọi người đang đứng, hát hoặc đọc rõ tiếng: “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !” (QCSL, số 79b, 148).

Ý NGHĨA TỔNG QUÁT

Ba lần đối đáp này có một số chức năng phụng vụ khác nhau. Trong cuốn sách của mình The Mass of the Roman Rite, Jungmann lưu ý như sau:

Lời tung hô thuộc dạng này rất phù hợp với việc làm nên Hội Thánh và bản chất phụng tự của Hội Thánh. Chính cộng đồng Hội Thánh, như một tổ chức với những vị được ủy quyền hợp pháp từ trên là linh mục và giám mục, thủ lãnh của cộng đoàn, khát mong chúc tụng Chúa. Chỉ qua Đức Giam mục thì Hội Thánh mới có thể hành động, điều này được củng cố bằng sự thừa nhận của Hội Thánh. Tuy nhiên, về phần mình, tư tế không ước muốn xuất hiện trước nhan Chúa như một người khẩn cầu lẻ loi, đúng hơn như một phát ngôn viên của cộng đoàn. Vì thế, nhờ cuộc đối thoại vào giây phút long trọng này của Thánh lễ, khi Kinh nguyện Thánh Thể được bắt đầu và hy lễ sắp được trình bày, thì cộng đoàn gắn chặt với một phương cách diễn tả đặc biệt. Đồng thời, có một sự biểu tỏ của việc làm chứng cho chính mình thế nào cũng như triển nở ra sao và đó là hành động mà cộng đoàn Kitô hữu đảm trách. 

Do đó, như Hiến chế Phụng vụ Thánh đòi hỏi, lần đối đáp “Hãy nâng tâm hồn lên” có chức năng lôi kéo các tín hữu lại với nhau để họ có thể hòa nhập cùng với vị tư tế trong việc tiến dâng hy lễ của Chúa Kitô. Điều này cũng gồm luôn cả những chi thể khác trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Từng người đều được kêu mời để nâng tâm hồn mình lên với Chúa. Cuộc đối thoại cũng phục vụ như một phương thế mà các tín hữu dùng để tán thành hành động thánh sắp diễn ra trên bàn thờ. Cuối cùng, phẩm gía của của cuộc đối thoại này chỉ như một lời dẫn nhập nói cho chúng ta biết về tầm quan trọng của Kinh nguyện Thánh Thể được cử hành.

Jungmann còn đi xa hơn nữa, ông phát triển ý tưởng này: mục đích của các lần đối đáp diễn tả ý nghĩa của Lễ Quy sắp được cất lên:

Đang khi kinh nguyện thuộc về chủ tế hay kinh nguyện chung đều được dẫn trước bởi tập tục chào hỏi và lời mời: “Chúng ta hãy cầu nguyện” (Oremus), thì Kinh nguyện tuyệt vời lại biểu dương tầm quan trọng cao độ trong hình thức ngày càng phổ biến của phần dẫn nhập. Sau lời chào, có một lời mời gọi không đơn giản chỉ là một lời cầu nguyện, một “oratio”, nhưng còn là lời kinh cảm tạ “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Trước nó, có một lời mời trịnh trọng khác nữa “Hãy nâng tâm hồn lên”. Trong cả hai trường hợp, dân chúng không hề bị ngó lơ theo kiểu họ thuộc về chỉ câu “Chúng ta hãy cầu nguyện”, thật ra họ được ban cho một lời đáp đồng quy: ““Chúng con đang hướng về Chúa”, “Thật là chính đáng”. 

Một nơi khác trong phụng vụ cũng sử dụng toàn bộ những lời đối đáp này là trong phần Phụng vụ Ánh sáng diễn ra vào đêm Vọng Phục sinh. Tại đây, cuộc đối thoại được theo sau bởi một lời nguyện theo dạng kinh Tiền tụng. cuộc đối thoại này không chỉ nói đến tầm quan trọng của hành động theo sau, mà còn bày tỏ ra bên ngoài Nhiệm thể Chúa Kitô nữa. 

Hai thời khắc này, Phụng vụ Ánh sáng và Kinh nguyện Thánh Thể, là hai trường hợp trong đời sống của Hội Thánh nói lên một cách thâm sâu nhất sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh trong Thân Mình Mầu nhiệm. 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS