Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, Chương sáu
CHƯƠNG SÁU: ĐỐI THOẠI VÀ TÌNH HỮU NGHỊ TRONG XÃ HỘI
198. Tiếp cận, nói chuyện, lắng nghe, nhìn nhau, tiến đến chỗ biết và hiểu nhau, và tìm cơ sở chung: tất cả những điều này được tóm gọn trong một chữ “đối thoại”. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ và giúp đỡ nhau, chúng ta phải đối thoại. Tôi không cần phải nhấn mạnh các ơn ích của việc đối thoại. Tôi chỉ cần nghĩ tới việc thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có cuộc đối thoại kiên nhẫn của những con người rộng lượng, những người giữ cho các gia đình và cộng đồng ở lại với nhau. Không giống như bất đồng và xung đột, cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không tạo ra những hàng tít lớn, nhưng lặng lẽ giúp thế giới sống tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
ĐỐI THOẠI XÃ HỘI CHO MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI
199. Một số người cố gắng trốn chạy thực tại, trú ẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng thực tại bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, “giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo động luôn có một lựa chọn khả hữu khác: đó là lựa chọn đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ; đối thoại trong nhân dân, vì chúng ta hết thẩy là dân tộc, có khả năng cho và nhận, trong khi vẫn cởi mở đối với sự thật. Một quốc gia phát triển mạnh mẽ khi cuộc đối thoại xây dựng diễn ra giữa nhiều thành tố văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa tuổi trẻ, văn hóa nghệ thuật, văn hóa kỹ thuật, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông” [196].
200. Đối thoại thường bị nhầm lẫn với một điều khá khác biệt: nóng nẩy trao đổi ý kiến trên mạng xã hội, thường dựa trên thông tin truyền thông không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Những cuộc trao đổi này chỉ đơn thuần là những cuộc độc thoại song hành. Chúng có thể thu hút sự chú ý bởi giọng điệu gay gắt và hung hãn. Nhưng các cuộc độc thoại không lôi kéo được ai và nội dung của chúng thường mang tính tự phục vụ và mâu thuẫn.
201. Thật vậy, vô số sự kiện và ý kiến ồn ào của truyền thông thường gây trở ngại cho đối thoại, vì nó cho phép mọi người ương ngạnh bám lấy các ý tưởng, sở thích và lựa chọn riêng của họ, với lời bào chữa rằng mọi người khác đều sai lầm. Việc làm mất uy tín và nhục mạ đối thủ ngay từ đầu trở nên dễ dàng hơn là việc mở ra một cuộc đối thoại tương kính nhằm đạt được một thỏa thuận ở bình diện sâu sắc hơn. Tệ hơn nữa, loại ngôn ngữ này, thường được rút tỉa từ việc đưa tin của các phương tiện truyền thông về các chiến dịch chính trị, đã trở nên phổ biến đến độ trở thành một phần của cuộc trò chuyện hàng ngày. Cuộc thảo luận thường bị thao túng bởi các nhóm quyền lợi đặc biệt có quyền thế, những người tìm cách làm cho dư luận nghiêng một cách bất công về phía có lợi cho họ. Loại thao túng này có thể được thực hiện không những nơi các chính phủ, mà cả trong kinh tế, chính trị, truyền thông, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác. Người ta đưa ra nhiều cố gắng nhằm biện minh hoặc bào chữa cho loại thao túng đó khi nó có xu hướng phục vụ quyền lợi kinh tế hoặc ý thức hệ của riêng họ, nhưng sớm hay muộn nó sẽ quay lưng chống lại chính những quyền lợi đó.
202. Thiếu đối thoại có nghĩa là trong những lĩnh vực riêng lẻ này, người ta quan tâm không phải đối với lợi ích chung, mà đối với lợi ích của quyền lực hoặc, cùng lắm, cũng là để tìm cách áp đặt các ý nghĩ của riêng họ. Vì vậy, bàn tròn trở thành những phiên đàm phán đơn thuần, trong đó các cá nhân cố gắng nắm bắt mọi lợi thế có thể có, thay vì hợp tác để theo đuổi lợi ích chung. Các bậc anh hùng trong tương lai sẽ là những người có thể phá vỡ cái khung suy nghĩ không lành mạnh này và kính cẩn cương quyết tôn trọng tính trung thực, vượt lên trên quyền lợi bản thân. Nhờ ý Thiên Chúa, những bậc anh hùng như vậy đang âm thầm xuất hiện, ngay lúc này, ở giữa lòng xã hội của chúng ta.
Cùng nhau xây dựng
203. Đối thoại xã hội chân chính bao gồm khả năng tôn trọng quan điểm của người khác và thừa nhận rằng nó có thể bao gồm những xác tín và mối quan tâm chính đáng. Dựa trên danh tính và kinh nghiệm của họ, những người khác có điều để đóng góp và người ta mong muốn rằng họ nên trình bày rõ ràng các lập trường của họ có lợi cho một cuộc tranh luận công khai hữu hiệu hơn. Khi các cá nhân hoặc các nhóm nhất quán trong suy nghĩ của họ, chịu bảo vệ các giá trị và niềm tin của họ, và khai triển lập luận của họ, thì điều này chắc chắn có lợi cho xã hội. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra theo mức độ có sự đối thoại chân chính và cởi mở với người khác. Thật vậy, “trong tinh thần đối thoại thực sự, chúng ta lớn lên trong khả năng nắm bắt được tầm quan trọng của những gì người khác nói và làm, ngay cả khi chúng ta không thể chấp nhận nó làm niềm tin của chính mình. Nhờ cách này, ta có thể thẳng thắn và cởi mở đối với niềm tin của chúng ta, trong khi tiếp tục thảo luận, tìm kiếm các điểm tiếp xúc, và trên hết, cùng làm việc và đấu tranh với nhau” [197]. Thảo luận công khai, nếu thực sự biết dành chỗ cho mọi người và không thao túng hoặc che giấu thông tin, là một kích thích liên tục để nắm bắt sự thật một cách tốt hơn, hoặc ít nhất để diễn đạt nó cách hữu hiệu hơn. Nó giữ cho các khu vực khác nhau không trở nên tự mãn và tự cho mình là trung tâm trong quan điểm và những mối quan tâm hạn chế của họ. Chúng ta đừng quên rằng “các dị biệt có tính sáng tạo; chúng tạo ra căng thẳng và nhờ việc giải quyết căng thẳng, nhân loại mới có sự tiến bộ” [198].
204. Càng ngày, người ta càng xác tín rằng, cùng với các tiến bộ khoa học chuyên ngành, chúng ta cần có việc truyền đạt liên ngành lớn lao hơn. Mặc dù thực tại là một, nhưng nó có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ và phương pháp luận khác nhau. Có nguy cơ này là một tiến bộ khoa học đơn nhất được coi như lăng kính khả hữu duy nhất để xem xét một khía cạnh đặc thù của cuộc sống, của xã hội và của thế giới. Các nhà nghiên cứu nào, tuy là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, nhưng cũng quen thuộc với những phát hiện của các ngành khoa học và các môn học khác, là những người biết phân định các khía cạnh khác của đối tượng nghiên cứu của họ và do đó có thể cởi mở đối với một nhận thức toàn diện và toàn vẹn hơn về thực tại.
205. Trong thế giới hoàn cầu hóa ngày nay, “các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với nhau hơn, cảm nhận được tính hợp nhất của gia đình nhân loại, từ đó có thể gợi hứng cho tình liên đới và nỗ lực nghiêm túc để bảo đảm một cuộc sống xứng đáng hơn cho mọi người… Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc này, nhất là ngày nay, khi các mạng lưới truyền thông của con người đã có những bước tiến chưa từng thấy. Đặc biệt, Internet mang lại nhiều khả thể gặp gỡ và liên đới vô cùng to lớn. Đây là một điều thực sự tốt đẹp, một ơn phúc của Thiên Chúa” [199]. Chúng ta cần liên tục bảo đảm để các hình thức truyền thông ngày nay thực sự hướng dẫn chúng ta tới cuộc gặp gỡ phong phú với người khác, trung thực theo đuổi toàn bộ sự thật, phục vụ, gần gũi với những người kém may mắn và cổ vũ công ích. Như các Giám mục Úc đã chỉ ra, chúng ta không thể chấp nhận “một thế giới kỹ thuật số được thiết kế để khai thác các nhược điểm của chúng ta và chỉ mang ra những điều tồi tệ nhất nơi con người” [200].
Cơ sở của đồng thuận
206. Thuyết tương đối không phải là giải pháp. Dưới chiêu bài khoan dung, thuyết tương đối cuối cùng trao cách giải thích các giá trị đạo đức cho những người nắm quyền, để được định nghĩa theo ý thích của họ. “Trong trường hợp thiếu sự thật khách quan hoặc các nguyên tắc lành mạnh khác hơn việc thỏa mãn các mong muốn riêng và các nhu cầu trước mắt của chúng ta… chúng ta không nên nghĩ rằng các cố gắng chính trị hoặc sức mạnh pháp luật đã là đủ… Khi chính văn hóa bị băng hoại, và sự thật khách quan và các nguyên tắc có giá trị phổ quát không còn được duy trì, thì pháp luật chỉ có thể được coi như những áp đặt độc đoán hoặc các trở ngại cần phải tránh” [201].
207. Liệu ta có thể quan tâm đến sự thật, tìm kiếm sự thật có thể giải đáp ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống không? Luật pháp là gì nếu không có sự xác tín, phát sinh từ những suy tư lâu đời và túi khôn vĩ đại, rằng mỗi con người đều thánh thiêng và bất khả xâm phạm? Nếu muốn có một tương lai, xã hội phải tôn trọng sự thật về nhân phẩm của chúng ta và phục tùng sự thật đó. Giết người không sai chỉ vì nó không được xã hội chấp nhận và bị pháp luật trừng phạt, mà vì một xác tín sâu sắc hơn. Đây là một sự thật không thể thương lượng đạt được bằng cách sử dụng lý trí và được chấp nhận trong lương tâm. Một xã hội sở dĩ cao quý và đứng đắn đặc biệt là nhờ biết nâng đỡ việc theo đuổi chân lý và tuân thủ điều căn bản nhất của các chân lý.
208. Chúng ta cần học cách vạch trần những cách khác nhau trong việc thao túng, bóp méo và che giấu sự thật trong ngôn từ công khai và riêng tư. Điều chúng ta gọi là "sự thật" không những chỉ là việc tường thuật các sự kiện và biến cố, như chúng ta thấy trên các báo chí hàng ngày. Nó chủ yếu là việc tìm kiếm các nền tảng vững chắc nâng đỡ các quyết định và luật lệ của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải thừa nhận rằng tâm trí con người có khả năng vượt qua những mối quan tâm tức thời và nắm bắt một số sự thật bất biến, đúng bây giờ cũng như trong quá khứ. Nhờ biết nhìn vào bản chất của con người, lý trí khám phá ra những giá trị phổ quát bắt nguồn từ cùng một bản chất đó.
209. Nếu không, há không thể quan niệm được việc những nhân quyền căn bản mà ngày nay chúng ta vốn coi như không thể tấn công sẽ bị những người cầm quyền bác bỏ, một khi họ đã đạt được “sự đồng thuận” của một quần chúng thờ ơ hoặc bị đe dọa đó sao? Mà một sự đồng thuận đơn thuần giữa các quốc gia khác nhau, tự nó dễ bị thao túng y như thế, cũng không đủ để bảo vệ chúng. Chúng ta có dư bằng chứng cho thấy chúng ta có thể có nhiều điều tốt đẹp, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận tính phá hoại vốn có trong chúng ta. Há sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân vô tâm mà chúng ta từng sa vào cũng không là kết quả của việc chúng ta lười biếng trong việc theo đuổi các giá trị cao hơn, các giá trị vượt lên trên nhu cầu trước mắt của chúng ta đó sao? Thuyết tương đối luôn mang đến nguy cơ này là điều này hoặc điều nọ được cho là sự thật sẽ bị những kẻ nắm quyền hoặc người khôn khéo áp đặt. Tuy nhiên, “khi nói đến các quy tắc đạo đức ngăn cấm điều ác nội tại, thì không có đặc quyền hay ngoại lệ nào dành cho bất cứ ai. Không có gì khác biệt cho dù ai đó là chủ nhân của thế giới hay là người 'nghèo nhất trong số những người nghèo' trên trái đất. Trước các đòi hỏi đạo đức, tất cả chúng ta đều tuyệt đối bình đẳng” [202].
210. Điều đang xảy ra hiện nay và lôi kéo chúng ta vào một lối suy nghĩ đồi bại và cằn cỗi, là việc giản lược đạo đức và chính trị thành vật lý. Sự thiện và sự ác không còn hiện hữu trong chính chúng nữa; chỉ còn phép giải tích lợi hại và nặng nhẹ. Do sự chuyển vị lý luận đạo đức, luật pháp không còn được coi như phản ảnh ý niệm công lý căn bản mà như phản chiếu các ý niệm đang thịnh hành. Do đó có sự suy sụp: mọi sự đều bị “san bằng thấp xuống như nhau” bởi một đồng thuận đổi trao phiến diện. Cuối cùng, luật của kẻ mạnh nhất thắng thế.
Đồng thuận và sự thật
211. Trong một xã hội đa nguyên, đối thoại là cách tốt nhất để nhận ra điều phải luôn được khẳng định và tôn trọng bất kể sự đồng thuận phù phiếm nào. Cuộc đối thoại như vậy cần được làm phong phú và soi sáng bởi các biện minh, các lập luận hợp lý, một loạt các viễn ảnh và sự đóng góp của nhiều lĩnh vực nhận thức và quan điểm khác nhau. Cuộc đối thoại này cũng không được loại trừ xác tín cho rằng có thể đạt được một số chân lý nền tảng nào đó luôn cần được đề cao. Thừa nhận sự hiện hữu của một số giá trị lâu dài nào đó, dù không phải lúc nào cũng dễ biện phân ra chúng, mang lại sự vững chắc và ổn định cho một nền đạo đức xã hội. Ngay cả khi các giá trị căn bản đó được thừa nhận và chấp nhận nhờ đối thoại và đồng thuận, chúng ta thấy chúng vẫn vượt lên trên bất cứ sự đồng thuận nào; chúng ta thừa nhận chúng như các giá trị vượt quá các bối cảnh của chúng ta và không bao giờ thương lượng được. Sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của chúng có thể gia tăng - và theo nghĩa này, sự đồng thuận là một điều có tính năng động - nhưng tự thân, chúng được coi như ổn định nhờ ý nghĩa nội tại của chúng.
212. Nếu một điều gì đó luôn phục vụ sự vận hành tốt đẹp của xã hội, há chẳng phải vì, nằm ở bên kia nó, có một sự thật lâu dài mà trí khôn ta có thể tiếp cận được đó sao? Nội tại trong bản chất của con người và xã hội vốn hiện hữu một số cơ cấu căn bản nào đó để hỗ trợ chúng ta phát triển và sinh tồn. Do đó, mà có một số yêu cầu và các yêu cầu này có thể được phát hiện nhờ đối thoại, mặc dù, nói một cách chính xác, chúng không được đồng thuận tạo ra. Sự kiện một số quy tắc nào đó cấp thiết đối với chính cuộc sống của xã hội là một dấu hiệu cho thấy chúng vốn tốt trong và tự chúng. Vì vậy, không cần thiết phải tương phản lợi ích của xã hội, sự đồng thuận và thực tại của sự thật khách quan. Ba thực tại này có thể được hòa hợp bất cứ khi nào, nhờ đối thoại, người ta không sợ đi vào trọng tâm của một vấn đề.
213. Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá đó là điều chúng ta đã sáng chế hay tưởng tượng ra, mà bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại vượt lên trên giá trị của các đồ vật vật chất và các tình huống không nhất thiết. Điều này đòi hỏi họ phải được đối xử khác khau. Sự kiện mỗi hữu thể nhân bản đều có một phẩm giá bất khả chuyển nhượng là một chân lý tương ứng với bản chất con người bất chấp mọi thay đổi văn hóa. Vì lý do này, con người có phẩm giá bất khả xâm phạm như nhau trong mọi thời đại của lịch sử và không ai có thể tự cho mình là người được ủy quyền bởi bất cứ tình huống đặc thù nào có thể bác bỏ xác tín này hoặc hành động chống lại nó. Trí khôn có thể tìm hiểu thực tại của sự vật qua suy tư, kinh nghiệm và đối thoại, và tiến đến chỗ nhận ra trong thực tại đó, một thực tại vốn vượt quá nó, cơ sở của một số đòi hỏi đạo đức phổ quát nào đó.
214. Đối với những người bất khả tri, nền tảng này có thể chứng tỏ là đủ để đem lại một giá trị phổ quát vững chắc và ổn định cho các nguyên tắc đạo đức căn bản và không thể thương lượng có thể giúp ngăn ngừa các thảm họa hơn nữa. Là các tín hữu, chúng ta tin chắc rằng bản chất con người, vốn là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức, được Thiên Chúa tạo dựng, và cuối cùng chính Người là Đấng ban nền tảng vững chắc cho những nguyên tắc này [203]. Điều này không dẫn đến tính cứng ngắc đạo đức cũng như không dẫn đến việc áp đặt bất cứ hệ thống đạo đức nào, vì các nguyên tắc đạo đức có giá trị từ trong nền tảng và một cách phổ biến có thể được hiện thân trong các quy tắc thực tiễn khác nhau. Vì vậy, luôn có chỗ dành cho đối thoại.
Kỳ tới: Một nền văn hóa mới
VietCatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét