Công giáo tại đồng bằng Nam Bộ trong các Thế kỷ XVII và XVIII
CÔNG GIÁO TẠI ĐỒNG BẰNG NAM BỘ TRONG CÁC THẾ KỶ XVII VÀ XVIII
Tác giả: Lê Văn Khuê
WHĐ (15.10.2020) – Người Công giáo là một trong những nhóm người Việt đầu tiên di chuyển và định cư tại đồng bằng Nam Bộ. Vì muốn tìm đất sống mới, hoặc do có óc phiêu lưu hoặc vì trốn tránh sự cấm đạo của các chúa Nguyễn, khởi đầu họ đi lẻ tẻ theo những nhóm người khác, dần dà họ đi khai phá miền đất mới theo cộng đoàn, sống tập trung theo từng họ đạo khắp cả đồng bằng Nam Bộ, góp phần không ít làm nên khuôn mặt ngày nay của đồng bằng này.
Bài này nhằm vẽ lại cách thức du nhập và định cư của người Công giáo Việt Nam tại đồng bằng Nam bộ trong hai thế kỷ XVII và XVIII, thời Trịnh Nguyễn phân tranh tới lúc Nguyễn Ánh lên ngôi trên một nước Việt Nam thống nhất hai miền, qua đó rút ra những đặc điểm mà miền đất mới đã tạo nên nơi cộng đồng Công giáo tại đây. Những vấn đề liên quan tới sinh hoạt kinh tế, chính trị cũng như những vấn đề liên quan tới tổ chức nội bộ có tính cách lịch sử tôn giáo sẽ không được đề cập tới trong bài này.
I. TÌNH HÌNH NGƯỜI CÔNG GIÁO Ở XỨ ĐÀNG TRONG ĐẾN NĂM 1698
Người đầu tiên đem đạo Công giáo đến xứ Đàng Trong không phải là các thừa sai Tây Phương mà là những gia đình Công giáo người Nhật di dân tới Hội An sau vụ cấm đạo của Nhật Hoàng vào đầu năm 1614. Bị xua đuổi khỏi nước Nhật, các thừa sai Tây Phương tìm tới các giáo đoàn người Nhật phân tán tại các nước Đông Nam Á để tiếp tục củng cố lòng đạo của họ. Nhóm thừa sai Tây Phương đầu tiên đến giáo đoàn người Nhật ở Hội An vào ngày 18 tháng giêng năm 1615 gồm có linh mục Buzomi, người Ý, linh mục Calvalho người Bồ và ba thầy giúp việc, một người Bồ và hai người Nhật, tất cả đều thuộc dòng Tên. Từ việc củng cố lòng đạo của giáo đoàn người Nhật ở đây, họ có dịp tiếp xúc với người Việt và bắt đầu truyền đạo cho người Việt.
Tuy nhiên, không phải trước tiên qua các vị thừa sai này mà người Việt biết đến đạo Công giáo. Trước họ, người Việt ở Hội An đã có dịp tiếp xúc với các linh mục tuyên úy trên các tàu buôn Bồ Đào Nha lui tới buôn bán tại đây và thậm chí cũng đã có người được nhận phép rửa tội. Những người Việt này vào lúc đó, vì ngôn ngữ bất đồng, hẳn chẳng hiểu gì nhiều về đạo giáo. Giáo sĩ Gaspar Luis vào thời điểm này cũng nhận thấy như thế. Giáo sĩ viết: “Ở Tourane (Đà Nẵng), những người địa phương mặc dù xem ra họ chấp nhận lòng tin, nhưng họ chấp nhận vì lợi ích trần gian nhiều hơn là vì tôn kính Thiên Chúa và vì sự cứu rỗi linh hồn họ” (“Lettre de Gaspar Luis sur la Cochinchine”, tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue số 3-4, 1931.).
Vào năm 1639 khi linh mục Buzomi qua đời, tổng số người đi đạo, theo báo cáo của giáo sĩ De Rhodes, người kế tục linh mục Buzomi, đã lên tới 12.000 người ở rải rác các tỉnh Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nước Mặn và Huế. Con số này hẳn đã được thổi phồng quá đáng vì theo một tư liệu khác (Đỗ Quang Chính, trg. 297), vào năm 1625 tức mười năm sau khi linh mục Buzomi đặt chân lên Hội An, tổng số giáo dân chỉ mới trên dưới 1.200 người trong số đó 325 người ở Hội An, 602 người ở Nước Mặn và 306 người ở Phú Yên. Trong số tín hữu vào thời điểm 1639, có một số quan lại hoặc thuộc dòng tộc nhà chúa như một người cô của chúa Thượng thường được gọi là Minh Đức Thái Phi, một quan phụ trách việc dạy dỗ con vua, quan tổng đốc tỉnh Quảng Ngãi, còn đa số thuộc tầng lớp nông dân nghèo. Cũng cần nói thêm là kết quả trên không phải chỉ do nhóm thừa sai đầu tiên của linh mục Buzomi, mà trong thời gian từ 1615 - 1639, có 25 thừa sai đến xứ Đàng Trong, tất cả đều thuộc dòng Tên, dưới quyền bảo trợ của nước Bồ Đào Nha.
Một biến cố quan trọng xảy ra cho giáo hội xứ Đàng Trong vào tháng 8 năm 1659 là Tòa Thánh Roma thiết lập địa phận Đàng Trong. Việc thiết lập này tách công việc truyền giáo tại xứ Đàng Trong khỏi quyền bảo trợ của nước Bồ Đào Nha để thuộc quyền cai quản của Roma, và giao cho Hội Truyền Giáo Paris.
Một biến cố khác cũng gây trở ngại nặng nề cho việc phát triển của Công giáo tại đây, đó là việc các chúa Nguyễn từ năm 1644 đã ra lệnh cấm truyền đạo Công giáo tại Đàng Trong và trục xuất các thừa sai người ngoại quốc ra khỏi vùng đất của mình. Tuy nhiên, các thừa sai vẫn trốn tránh được hoặc lén lút vào lại địa phận Đàng Trong để truyền đạo. Trong giai đoạn này, vai trò của các thầy giảng người Việt tỏ ra khá hữu hiệu. Họ là những người có lòng đạo và hiểu lẽ đạo nhiều nhất trong các họ đạo, được huấn luyện đặc biệt để làm đầu các giáo đoàn. Nhờ vậy, mặc dù có sự cấm đạo, giáo hội xứ Đàng Trong cũng có những bước phát triển nhất định. Theo báo cáo của giáo sĩ Labbé thì vào năm 1693 toàn vương quốc có khoảng 200 nhà thờ vừa lớn vừa nhỏ và khoảng trên dưới 30.000 người theo đạo (A. Launay, I, trg.396).
Vào năm 1698, thời điểm Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai và chiêu mộ dân định cư, chúa Nguyễn xuống chỉ cấm đạo gay gắt hơn. Lần này không chỉ nhắm vào các thừa sai ngoại quốc mà ngay cả tín hữu người Việt. Tất cả nhà thờ phải bị phá hủy, giáo dân phải nộp thuế và làm sưu gấp ba lần, ai ở trong quân đội phải bị thải hồi và sĩ quan thì bị giáng cấp. Kết quả là sau hai năm lệnh trên được thi hành, 200 nhà thờ bị thiêu hủy, tất cả 13 thừa sai người Tây phương có mặt trong vương quốc đều bị bắt mãi đến năm 1704 mới được thả, hàng ngàn giáo dân phải chạy trốn vào rừng sâu, một số không nhỏ đã rời bỏ làng để trốn xuống phía Nam.
II. NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI NAM BỘ: GIAI ĐOẠN 1623-1771
Người Việt theo đạo Công giáo có mặt tại đồng bằng Nam Bộ này từ thời điểm nào? Theo tư liệu có được thì thời điểm sớm nhất người ta gặp thấy người Việt theo đạo Công giáo ở Nam Bộ là vào năm 1666 khi giáo sĩ Chevreuil và Hainques, hai người Pháp đầu tiên thuộc Hội Truyền giáo Paris, từ Xiêm tìm cách lén vào Đàng Trong. Trên đường đi, giáo sĩ Chevreuil gặp được một gia đình chủ thương thuyền tại Bà Rịa. Sau đó, giáo sĩ đến một nơi được mô tả là “một thị trấn ở giữa sông” và được một quan người Việt có đạo tiếp đón, cho phép làm lễ trước “sự hiện diện của một vài người Việt Công giáo trốn tránh cấm đạo ở xứ Đàng Trong” (A. Launay, I, trg. 67).
“Thị trấn giữa sông” này có lẽ là Cù Lao Phố thời bấy giờ. Như vậy, tuy số tín hữu Công giáo vào thời điểm này, theo báo cáo của giáo sĩ Labbé, một người đã nghiên cứu kỹ lưỡng số lượng người công giao khi giáo sĩ Chevreuil đến Đàng Trong, chỉ mới khoảng 5.000 người (A. Launay, I, trg.396), nhưng hẳn cũng đã có một số giáo dân lui tới những vị trí đầu tiên của người Việt tại Nam Bộ hoặc đi lập cư tại những nơi này. Có lẽ họ đã bắt đầu đến những vị trí này từ năm 1644 khi có lệnh cấm đạo lần đầu tiên, hoặc có thể sớm hơn nữa vì, cũng như những người Việt khác, họ di chuyển vào Nam Bộ không chỉ vì trốn tránh cấm đạo mà còn vì kế sinh nhai, vì óc phiêu lưu...
Vào thời điểm này, khó có thể có được số lượng chính xác người Việt theo Công giáo tại Nam Bộ. Tuy nhiên theo tác giả Trần Phổ, vào năm 1670, đã có một họ đạo khá lớn tại Xích Lam tức Đất Đỏ, gần Bà Rịa, được ghi nhận là vào năm 1685 gồm khoảng 300 giáo dân. Tác giả đưa ra con số này, nhưng không thấy nói tới xuất xứ. Thư của giáo sĩ Féret, một người đã đến truyền đạo sớm tại vùng Phú Yên viết là vào năm 1692, “tại Chiêm Thành và Cam-bốt có lẽ có tất cả gồm khoảng 300 tín hữu Công giáo, nhưng ngoài ra còn có rất nhiều người Công giáo đến đây buôn bán. Họ sống cách nhau rất xa, nơi này cách xa nơi kia nửa ngày đường” (A. Launay, I, trg.414). Phải đợi mãi đến năm 1710 chúng ta mới có con số khá chính xác do giáo sĩ Labbé đưa ra là 2.000 người. Cũng theo giáo sĩ này, ngay vào năm 1696 hoặc 1697, đã có một giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha tên là Pirez đến vùng Bến Gỗ xây dựng một nhà thờ lớn và phụ trách số giáo dân ở đấy (A. Launay, I, trg.541).
Như vậy, có lẽ mãi cho đến thời điểm này, người Công giáo tại Nam Bộ mới được tổ chức thành cộng đoàn và cử hành nghi lễ chung với nhau. Trước đó, mặc dù họ đã có mặt nhưng vì vắng bóng linh mục, thừa sai, họ không có sinh hoạt tôn giáo gì ngoài việc tập trung đọc các kinh nguyện mà họ đã thuộc lòng khi còn ở nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Điều này mãi cho tới năm 1723 vẫn còn thấy phổ biến, khi linh mục José Garcia, dòng Phanxicô, người có công nhiều nhất trong việc xây dựng giáo hội Công giáo Nam Bộ từ những buổi ban đầu, đến phụ trách việc truyền đạo ở đây (4). Về phần thầy giảng người bản xứ, thì chỉ thấy nói tới một thầy giảng già đã về hưu và bị bắt vào năm 1699 (A. Launay, I, trg. 470).Sự vắng bóng những người điều hành tôn giáo này chứng tỏ rằng việc di dân của người Công giáo vào Nam Bộ là hoàn toàn do họ tự động thực hiện. Tuy nhiên, khi vào vùng đất mới, tôn giáo là yếu tố quy tụ họ lại thành những nhóm nhỏ, sống lẫn lộn với những người Việt khác tại những nơi mới khai khẩn.
Cũng vì thiếu linh mục, thiếu thầy giảng, nên việc truyền giáo tại đây không được chú trọng lắm. Con số 2.000 người Công giáo ghi nhận được tại đây vào năm 1710 hẳn là do những đợt di dân đến sau bổ sung. Đợt di dân lớn của người Công giáo sau này có lẽ xảy ra vào năm 1698 khi Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ lưu dân vào Đồng Nai và sau năm 1710, khi cuộc cấm đạo trở nên gay gắt hơn. Theo tác giả Trần Phổ, có một nhóm lưu dân Công giáo Phường Đúc tại Huế đã di chuyển vào Sài Gòn trong những năm 1710. Ở đây họ chung tiền cất được một ngôi nhà nguyện nhỏ ngay tại địa điểm ngày nay là Chợ Quán (Trần Phổ, trg. 56). Chính địa điểm này vào năm 1723 khi linh mục José Garcia đến coi sóc, đã trở thành trung tâm của người Công giáo Nam Bộ. Có thể nói rằng, cho đến năm 1750 và những năm sau đó, sự phát triển của Công giáo tại đồng bằng Nam Bộ đều xuất phát từ trung tâm Chợ Quán và do công sức của linh mục José Garcia và một nhóm nhỏ thầy giảng, cộng sự viên của linh mục.
Vào buổi đầu khi mới đến, công việc của linh mục Garcia không phải là đi truyền đạo cho người chưa theo mà là đi tìm người lưu dân đã có đạo phân tán khắp nơi và quy tụ họ lại thành nhóm nhỏ, từng họ đạo nhỏ. Nếu chúng ta lần theo vết chân của linh mục ngang dọc khắp miền Nam Bộ để tìm kiếm và quy tụ người lưu dân Công giáo, chúng ta sẽ phát hiện được vào những năm 40 của thế kỷ XVIII các địa điểm Công giáo tại đây. Tổng số giáo dân Công giáo do dòng Phanxicô phụ trách là 5.500 người từ Sài Gòn đến Hà Tiên, có 66 nơi thờ tự gồm 14 nhà thờ, 11 nhà nguyên và 41 bàn thờ, tập trung tại 46 họ đạo lớn nhỏ ở trong 7 khu vực định cư như sau:
Khu vực thứ nhất chung quanh Sài Gòn gồm 2.500 giáo dân, có một nhà thờ ở Chợ Quán, một ở Chợ Lớn, một ở Bến Nghé và một nhà nguyện ở Rạch Cát.
Khu vực thứ hai nằm về phía Bắc Sài Gòn, dọc theo sông Sài Gòn, có nhiều họ đạo và họ lớn nhất là Lái Thiêu. Năm 1739 họ này đã có một nhà thờ rộng lớn với gần 400 giáo dân. Về phía Tây Bắc có một vài nhóm lẻ tẻ ở vùng Trảng Bàng.
Khu vực thứ ba ở phía Nam Sài Gòn, giữa ba con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Sài Gòn, ở giữa lại có hai đường thủy: sông Rạch Cát và sông Chợ Đệm. Ở khu vực này có nhiều họ đạo nhỏ như Rạch Núi, Rạch Nhà Gẩm, Cần Đước, Khúc Răng, Cái Bè. Vì gần Sài Gòn nên tất cả đều ăn về trung tâm Chợ Quán.
Khu vực thứ tư về phía Nam sông Vàm Cỏ Tây, dọc theo con rạch nối liền sông này với sông Cửu Long, miền này ngày nay là kinh Chợ Gạo, có hai nhóm giáo dân khá đông, một ở Chợ Rạch Lá, trước năm 1739 gồm hơn 300 người, và một ở Cà Hoa, nay là Thủ Ngữ, cũng gồm hơn 200 người.
Khu vực thứ năm gồm có họ đạo Cái Mơn với 900 giáo dân vào năm 1751 và Cái Nhum với 600 giáo dân và Cái Bông có từ trước 1730 tại vùng Ba Tri, thuộc tỉnh Bến Tre ngày nay.
Khu vực thứ sáu dọc theo phía Bắc sông Mỹ Tho là một vùng hình tam giác, đỉnh nam là Mỹ Tho, đỉnh bắc là Vũng Gù, đỉnh tây là Cái Bè. Tại đây có nhiều nhóm giáo dân đến ở, nhất là dọc theo kinh rạch nối liền Tân An - Mỹ Tho như Vũng Gù, Thân Trong, Bến Tranh, Rạch Nam, Xoài Mút, Rạch Gầm, Ba Giòng.
Khu vực thứ bảy là vùng Hà Tiên. Nơi đây đã có mặt người Công giáo từ đầu thế kỷ XVIII với một nhà nguyện nhỏ, nơi thỉnh thoảng có linh mục theo tàu buôn đến sinh hoạt tôn giáo với họ cùng với một số người Bồ Đào Nha. Vào năm 1721 hoặc 1722, có một số thừa sai dòng Phanxicô ở Malacca đến phụ trách nhà nguyện này. Linh mục José Garcia đến Hà Tiên lần thứ nhất vào năm 1735. Có một giáo dân người Việt là tay chân đắc lực của Mạc Thiên Tứ, xin phép cho cất một nhà thờ mới, nhờ đó linh mục Garcia đã lưu lại và phát triển họ đạo này. Năm 1734 giám mục Lefèbvre, đại diện Tông Tòa và thuộc Hội Truyền Giáo Paris, đã đến ban phép thêm sức cho hơn 100 người lớn. Vào năm 1745 một nhà thờ khác lại được xây lên và từ đó họ đạo Hà Tiên phát triển nhanh chóng để vào năm 1750 khi việc cấm đạo trở nên gay gắt, trở thành nơi trú ẩn cho tín hữu ở các vùng khác tới (Trần Phổ, trg. 52-53).
Ngoài bảy khu vực kể trên thuộc quyền của các thừa sai dòng Phanxicô, phải kể đến một họ đạo khá lớn ở Bến Gỗ tại Đồng Nai gồm 200 giáo dân, do các thừa sai Hội Truyền Giáo Paris cai quản từ năm 1747 và các họ đạo nằm trong tỉnh Đồng Nai do các thừa sai dòng Tên phụ trách sau này:
- Họ sông Đồng Nai: 400 giáo dân
- Họ Đá Lửa: 500 giáo dân.
- Họ Bến Gỗ (khác với họ đạo của các thừa sai Pháp): 250 giáo dân.
- Họ Lái Thiêu (khác với họ đạo của các thừa sai Phanxicô): 400 giáo dân.
- Họ Kẻ Tất: 70 giáo dân
- Họ Đồng Môn: 40 giáo dân
- Họ Sông Mô Xoài: 100 giáo dân
- Họ Bà Rịa: 140 giáo dân
- Họ Núi Lửa: 50 giáo dân
- Họ Đất Đỏ: 380 giáo dân
Nếu tính tổng số giáo dân và họ đạo do cả ba bộ phận kể trên phụ trách thì vào thời điểm này, con số lên tới khoảng 8.000 người rải rác trong 57 họ đạo lớn nhỏ khắp vùng Nam Bộ (A. Launay, II, trg.190-191).
Đến đây khi giáo hội Nam Bộ vừa có được một cơ sở như trên thì việc cấm đạo trở nên khốc liệt và sâu rộng nhất từ trước tới nay. Hầu hết các nhà thờ, nhà nguyện vừa được xây dựng liền bị phá đổ, tất cả bốn giáo sĩ phương Tây đang hoạt động trong vùng bị trục xuất, mãi 13 năm sau mới vào lại được. Giáo dân tuy không bị bắt bớ gay gắt như ở các tỉnh miền Trung, nhưng họ phải trốn tránh, tìm nơi khác làm ăn, đặc biệt là tại Hà Tiên nơi Mạc Thiên Tứ không thi hành lệnh cấm đạo của triều đình Huế. Tiếp đến, cuộc chiến kéo dài giữa triều đình chúa Nguyễn và Chân Lạp xảy ra từ năm 1743 lại khiến cho người lưu dân Công giáo đã bị tản mác lại phải tản mác hơn nữa. Vừa bị lùng bắt, vừa bị chiến tranh theo đuổi, vừa thiếu thừa sai, số giáo dân trong thời gian này bị giảm sút rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng vì phải trốn tránh, tìm nơi nương thân, người lưu dân Công giáo đã có cơ hội tiến sâu xuống đồng bằng sông Cửu Long. Theo ký sự của giáo sĩ Lavarasseur, vào năm 1768, trên đường đi từ Cam-bốt sang, dọc theo sông Ba Thác, linh mục đã tình cờ gặp một nhóm lưu dân Công giáo gồm 30 người ở một làng gần cửa sông. Cách đó không xa cũng có một làng được gọi là “Compongkerbu” được dựng lên bên bờ phía Tây của con sông, rất gần biển gồm 12 lưu dân Công giáo (A. Launay, II, trg.436).
Khi cuộc bắt đạo dịu dần và các thừa sai Tây phương trở lại Nam Bộ vào năm 1763, giáo hội Công giáo được chỉnh đốn lại sau 13 năm bị bách hại. Cũng từ thời điểm này, giáo dân Công giáo ở các tỉnh miền Trung tiếp tục di cư với số lượng lớn vào các vùng Sài Gòn, Đồng Nai và Long Hồ vì có chính sách của các quan lại địa phương muốn có người khẩn hoang (A. Launay, II, trg.409). Với sự tăng trưởng của các đợt di dân này, giáo hội tại Nam Bộ vào năm 1771 khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, có được số lượng người theo đạo khoảng 10.000 (A. Launay, III, trg.55).
III. CÔNG GIÁO Ở NAM BỘ: GIAI ĐOẠN 1771-1788
Không ít người Công giáo ở Đàng Trong tham gia phong trào Tây Sơn khá sớm, vì phong trào này không những đã giải phóng họ với tư cách là nông dân khỏi sự áp bức của tầng lớp địa chủ mà còn giải thoát họ khỏi cuộc bắt đạo của triều đình Huế (Taboulet, trg. 79). Không những họ có mặt nhiều trong các binh đội mà ngay tại chính quyền trung ương cũng có nhiều vị quan cao cấp theo Công giáo (Đặng Phương Nghi, trg. 169, 151). Chính sách tôn giáo đối với người theo Công giáo của Tây Sơn, một phần có mục đích lôi kéo họ theo phong trào, vẫn được duy trì từ lúc nổi dậy cho đến khi thành công. Sở dĩ về sau này, từ năm 1795, Tây Sơn xuống chỉ cấm đạo, một phần là vì sự cấm đoán có tính cách giáo điều của các thừa sai Pháp đối với việc thờ cúng tổ tiên, nhưng chủ yếu là vì thái độ chống đối Tây Sơn và ủng hộ Nguyễn Ánh của các thừa sai Pháp (Louvet, I, trg. 517).
Riêng tại Nam Bộ, khi phong trào Tây Sơn chưa lan tới, ngày 22 tháng 4 năm 1774, chúa Nguyễn sau khi chạy trốn vào Gia Định, đã xuống dụ trả tự do cho những tín hữu Công giáo lâu nay bị giam cầm và cho phép đạo được tự do hoạt động. Mục đích của dụ này là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ và của các thừa sai ngoại quốc để chống lại Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội, các thừa sai xuất hiện công khai, sửa nhà thờ cũ, cất nhà nguyện mới. Linh mục Jumilla, dòng Phanxicô, người đã từng ở vùng chiếm đóng của Tây Sơn tại Quảng Ngãi, theo chân chúa Nguyễn vào Sài Gòn, đã xây lại nhà thờ Chợ Quán. Chính linh mục này đã che giấu Huệ Vương và cháu là Nguyễn Ánh khỏi cuộc lùng bắt của Tây Sơn hai năm sau đó. Tại Hà Tiên, theo lời mời của Mạc Thiên Tứ, giám mục Adran thiết lập một trụ sở tại Cây Quao cùng một chủng viện gồm khoảng 40 chủng sinh. “Ý định của Thiên Tứ”, theo Adran, “mặc dù có tính chất chính trị nhưng có thể trở thành có lợi cho tôn giáo. Giám mục có ý thiết lập tòa giám mục trong lãnh địa của họ Mạc nhằm lôi kéo một số tín hữu Công giáo đến đây” (A. Launay, III, trg.66). Cho nên mặc dù sợ chiến tranh lan tới, giám mục Adran vẫn chấp nhận và đã quy tụ được khoảng trên dưới 500 giáo dân Công giáo. Những tín hữu này là những người đã trốn tránh chiến tranh từ Đồng Nai tới vào đầu năm 1776, khi quân Tây Sơn đem thủy quân vượt biển đánh Gia Định và chiếm Sài Gòn lần thứ nhất. Từ năm 1776 đến năm 1783, người dân Nam Bộ phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tây Sơn bốn lần tiến đánh, có lần kéo dài suốt bảy tháng và Nguyễn Ánh cũng bốn lần chiếm lại. Chỉ có hai khoảng thời gian tương đối bằng yên là từ năm 1778-1783 và từ 1783-1787, khoảng đầu do Nguyễn Ánh làm chủ tình hình và khoảng sau dưới quyền cai trị của Tây Sơn.
Khỏi cần phải nói, trong thời gian chiến tranh này, số giáo dân bị giảm sút rất nhiều, vì loạn lạc, vì đói khát, vì bị cả hai bên cùng bắt lính. Trong khi đó các sinh hoạt tôn giáo và truyền đạo bị tình hình làm ngưng trệ trầm trọng. Một giáo sĩ đương thời đã mô tả như sau: “Dân chúng bị đè nặng dưới những ách không thể chịu nổi phải trốn chạy và lang thang khắp miền để tránh các luật lệ vừa nhiều lại vừa nặng: họ thay đổi chỗ ở và đổi tỉnh mỗi ngày” (Taboulet, trg. 77).
Trong khoảng thời gian tương đối bình yên lần thứ nhất, lợi dụng việc Nguyễn Ánh thâu phục lại Gia Định vào đầu năm 1778, giám mục Adran dời chủng viện từ Cây Quao về Tân Triều, Đồng Nai, đồng thời tổ chức lại các sinh hoạt tôn giáo tại vùng đất này. Cũng trong thời gian này, theo chính sách tăng gia sản xuất để nuôi quân của Nguyễn Ánh, một số đông đảo tín hữu Công giáo đã di chuyển đến khẩn hoang tại Cái Đôi, bên kia bờ Hậu Giang, giữa đồng hoang nơi có rạch ngòi chi chít. Một đoàn tín hữu khác cũng đã đến Cù Lao Giêng. Năm 1779, một đoàn người tị nạn Công giáo khác đến vỡ đất tại Lò Ót (22). Những đoàn người này từ đâu đến? Sử liệu không thấy nói tới, nhưng chúng ta đoán có lẽ họ từ những vùng bị thiệt hại nhiều nhất vì chiến tranh và cũng là nơi có thể trở thành chiến trường thêm một lần nữa.
Và quả đúng như vậy, vào tháng 3 năm 1782, quân Tây Sơn, một lần nữa tiến đánh Gia Định, cuộc tiến đánh này kéo dài suốt bảy tháng ròng. Giáo dân lại một lần nữa bị tản mác. Giám mục Adran cùng với chủng viện phải chạy trốn, để lại ba linh mục người Việt và một thừa sai dòng Phanxicô người Tây Ban Nha. Vào tháng 10 năm đó, Nguyễn Ánh chiếm lại được dinh Gia Định lần thứ ba, giám mục Adran cùng đoàn tùy tùng lại trở về Nam Bộ, đến họ Mạc Bắc, nơi tương đối ít bị chiến tranh chi phối và có số giáo dân khá đông. Tại đây giám mục quy tụ các thừa sai gồm một linh mục người Pháp, hai linh mục dòng Phanxicô người Tây Ban Nha và ba linh mục người Việt để phân công chỉnh đốn lại các họ đạo trong vùng. Từ thời điểm này đến tháng 3 năm 1783 khi quân Tây Sơn đánh chiếm Gia Định lần thứ tư, các thừa sai đã rửa tội được 93 người lớn (Louvet, I, trg. 404), nhưng sau đó lại phải bỏ các họ đạo để chạy trốn sự truy lùng của quân Tây Sơn, trừ hai linh mục người Việt, một ẩn náu trong họ đạo Lái Thiêu và một ở Sa Đéc. Sự chiếm đóng Gia Định và các tỉnh phía nam lần này của quân Tây Sơn kéo dài mãi đến tháng 5 năm 1788. Tình hình trong giai đoạn này tương đối yên ổn, nhờ đó chúng ta có thể thấy được sinh hoạt của người giáo dân Công giáo cũng như chính sách của Tây Sơn đối với họ.
Quân Tây Sơn phân biệt rõ rệt các giáo sĩ dòng Phanxicô người Tây Ban Nha với các giáo sĩ người Pháp cùng những người làm việc cho giám mục Adran. Trong khi các giáo sĩ Tây Ban Nha được tự do truyền giáo thì các thừa sai Pháp và các linh mục người Việt vẫn bị truy lùng, vì họ biết rõ giám mục Adran và các thừa sai Pháp tiếp tay cho Nguyễn Ánh. Một linh mục người Việt, linh mục Anrê Tôn, đã kể lại như sau: “Các thừa sai Phanxicô được hoạt động tông đồ công khai, đã giúp đỡ với tất cả khả năng của họ những giáo dân từ mọi nơi đến, và tôi, theo chân họ, tôi cũng giúp đỡ nhưng chỉ khi đêm xuống và cách kín đáo, những ai đến với tôi...” (A. Launay, II, trg.83). Còn đối với giáo dân, quân Tây Sơn không những để cho họ tự do hành đạo mà đôi khi che chở bảo vệ họ như tại Hà Tiên và Sài Gòn. Tại Hà Tiên, một giáo sĩ đã mô tả tình hình như sau: “Có lẽ không cần phải nhắc lại chuyện vị quan này (của Tây Sơn) ở đây rất được dân chúng yêu thích, và lòng tử tế của ông đối với các thừa sai cũng như đối với người dân Công giáo đã khiến chúng tôi xem ông như người bảo vệ chúng tôi... Nhờ sự che chở của ông, người Công giáo dám công khai tụ họp để hành lễ...” (Taboulet, trg. 94). Ngay tại Sài Gòn, người giáo dân Công giáo cũng được hưởng sự tự do hành đạo tương tự và có liên hệ tốt với chính quyền Tây Sơn. Việc này được biểu hiện rõ trong câu chuyện hai linh mục dòng Phanxicô là Ginestar và Casuera bị bắt và được thả ra. Hai thừa sai này trốn chạy theo giám mục Adran, nhưng giữa đường thì bị bắt lại và được dẫn từ Hà Tiên về Sài Gòn.
Khi nghe tin hai người này đến Sài Gòn, tức thời các thầy giảng thuộc các họ đạo ở khu vực này đến gặp “vị quan lớn”, có lẽ là phò mã Trương Văn Đa hoặc Lưu Thủ Hóa, để xin bảo lãnh cho họ. Vị quan liền ra lệnh cho tất cả các thầy giảng của tất cả các họ đạo trong vùng đến hạ kiến và ông đã nói với họ những lời sau đây: “Do một ân huệ đặc biệt của tôi mà hai thừa sai ở giữa các ông. Để đáp lại tôi không đòi hỏi các ông vàng bạc, tiền bạc, nhưng chỉ đòi các ông biết ơn tôi và giúp tôi lập lại hòa bình trong vương quốc...” (Taboulet, trg. 96).
Tuy nhiên trong giai đoạn này, con số giáo dân phát triển như thế nào thì không có tư liệu rõ rệt cho chúng ta biết, ngoài số lượng 8.000 người tính được khi Nguyễn Ánh thu phục Gia Định lần thứ tư vào cuối năm 1787 (A. Launay, III, trg.273). Nếu so với con số 10.000 người vào năm 1771 thì đã rõ là sau 16 năm giáo hội Nam Bộ không tiến gì thêm mà còn bị thiệt hại về số lượng, chưa nói tới sự vắng bóng các sinh hoạt tôn giáo, vì chiến tranh, vì thiếu thừa sai, thầy giảng. Giáo sĩ Lelabousse, một người đã hoạt động trong giai đoạn này đã tổng kết như sau: “Tôi đau khổ nhìn thấy gia nghiệp của Thiên Chúa đã phải chịu thiệt hại rất nhiều, giữa muôn vàn xáo trộn. Cuộc chiến dai dẳng này đã gây tổn thất rất nhiều ở đây... Những họ đạo trước rất đông nay chỉ còn chưa tới nửa. Dân chúng người thì chết vì gươm giáo, người thì chết vì đói khát, người thì đi chinh chiến, người thì đến các tỉnh khác... Một số rất lớn tín hữu đã không xưng tội từ 15, 20, 30 năm và hơn nữa, đa số không xưng tội từ 6 đến 8 năm nay...” (A. Launay, II, trg.221).
IV. CÔNG GIÁO TẠI NAM BỘ: GIAI ĐOẠN 1788-1802
Tháng 10 năm 1787, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định và vào tháng 7 năm 1789 giám mục Adran cùng Hoàng tử Cảnh trở về Sài Gòn sau chuyến công du cầu viện nước Pháp thất bại. Giám mục mang theo 8 thừa sai.
Các thừa sai mới tới này được dẫn đến yết kiến Nguyễn Ánh. Dựa vào thế lực của Nguyễn Ánh, các vị thừa sai này được tự do truyền đạo, được trọng vọng hơn cả các quan lại, thậm chí các quan còn phải nể sợ. Một giáo sĩ hoạt động lúc đó đã viết như sau: “Các thừa sai ở Nam Bộ được làm tất cả những gì họ muốn... Mọi người đều kính trọng họ, vị nể họ, họ hoạt động với bộ máy tổ chức lớn là không ai cản trở họ” (A. Launay, II, trg.221).
Trong giai đoạn này chúng ta thấy rõ hai địa bàn hoạt động của các thừa sai, địa bàn thứ nhất là triều đình Nguyễn Ánh ở Sài Gòn và địa bàn thứ hai là giữa dân chúng. Địa bàn thứ nhất do giám mục Adran phụ trách nhằm gây cơ sở cho việc hoạt động của các thừa sai khác ở địa bàn thứ nhất.
Tại triều đình, mục tiêu của giám mục Adran cũng như của tất cả các giáo sĩ người Pháp là khuyến dụ Nguyễn Ánh theo đạo Công giáo. Nhưng với thời gian, khi thấy mục tiêu này khó đạt được, các giáo sĩ dồn tất cả nỗ lực về phía Hoàng Tử Cảnh và các quan lại trong triều đình. Niềm hy vọng của họ là “nếu hoàng tử một ngày nào đó trị vì thì Công giáo sẽ được lợi” (A. Launay, II, trg.284).
Ở địa bàn thứ hai, trong những năm đầu thế kỷ từ khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định lần cuối, là giai đoạn thuận lợi hơn hết, nhưng kết quả không được khả quan bằng ở địa bàn thứ nhất. Tuy với lực lượng thừa sai nòng cốt gồm 5 giáo sĩ người Pháp, 3 thừa sai người Tây Ban Nha dòng Phanxicô và ba linh mục bản xứ, là một lực lượng lớn nhất từ trước tới nay tại Nam Bộ, cộng với sự tự do truyền giáo được Nguyễn Ánh cho phép, nhưng giáo hội ở Nam Bộ không tiến triển nhiều. Giám mục Adran báo cáo vào năm 1791 như sau: “Việc truyền giáo tiến rất ít. Đời sống đắt đỏ, công việc tạp dịch... tất cả đều ngăn trở việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, cũng có những người ngoài đi theo đạo nhưng với một số lượng quá nhỏ đối với giáo hội này nên chúng tôi kể hầu như không có gì. Số người lớn được rửa tội trong năm này không lên tới 300” (A. Launay, III, trg.223). Vào năm 1792 bản báo cáo của giám mục viết tiếp: “Công cuộc truyền giáo cũng gần giống như năm trước”.
Rồi đến năm tiếp theo chúng ta cũng đọc thấy rằng: “Đạo giáo tiến rất chậm ở đây” (A. Launay, III, trg.,262). Tóm lại từ năm 1791 đến 1798 số người lớn đi theo đạo chỉ đạt được trung bình 300 người mỗi năm.
Lý do của tình trạng trì trệ này, theo sự đánh giá của giáo sĩ Liot, người đã hoạt động đương thời, là vì “việc chuẩn bị liên tục cho chiến tranh khiến người ngoài đạo ít nghĩ đến chuyện linh hồn, do đó có ít người đi theo đạo” (A. Launay, III, trg.264). Nhưng đối với giáo sĩ Lelabousse, một người cũng hoạt động cùng thời, thì nguyên nhân của tình trạng trên là sự sợ sệt, sự lười biếng hoặc sự nể nang (A. Launay, II, trg.264). Sợ sệt ở đây là sợ quân Tây Sơn có thể chiếm lại Gia Định và ra tay trả thù các thừa sai Tây phương và những ai theo họ. Bởi vì việc các giáo sĩ người Pháp giúp Nguyễn Ánh đã quá hiển nhiên, nhưng việc cộng đồng giáo dân Công giáo Nam Bộ ủng hộ Nguyễn Ánh cũng không phải là chuyện bí mật gì. Thực vậy, trong một trang ký sự, giáo sĩ Letondal đã ghi lại như sau: “Trong lúc ở Đồng Nai người ta biết được việc bảo vệ vị trí Nha Trang, tất cả mọi người ở Sài Gòn đều nói là nếu không có người công giáo, không có giám mục và ông Olivier thì quân Tây Sơn rất có thể đã chiếm lại tất cả những gì nhà vua có được từ 6 năm nay” (A. Launay, III, trg.300). Do đó, nếu đi theo đạo của các giáo sĩ này thì có nguy cơ bị trả thù. Mà việc Tây Sơn trở lại không phải không thể xảy đến trong giai đoạn này. Chính giám mục Adran cũng nhìn thấy khả năng đó khi ngài viết: “Nhà vua đã đè nặng lên dân chúng những thuế má và tạp dịch, và trong giai đoạn này, người dân quá khổ sở đến nỗi họ muốn sự trở lại của quân Tây Sơn” (A. Launay, III, trg.294). Giáo sĩ Lelabousse còn viết rõ hơn: “Dân chúng bất mãn với nhà vua và dọa kêu gọi quân Tây Sơn trở lại đây, với hy vọng được đối xử tốt hơn” (A. Launay, III, tr.296).
Tuy nhiên có một thành quả khá rõ rệt của giáo hội Nam Bộ trong giai đoạn này là việc đào tạo các chủng sinh bản xứ để trở thành linh mục. Vào tháng 8 năm 1791, theo lời đề nghị của Nguyễn Ánh, chủng viện đặt tại Chantabun trong những ngày trốn tránh quân Tây Sơn, được dời về lại Tân Triều ở Đồng Nai. Vào năm 1789, giám mục Adran lại cho xây dựng một cơ sở khác tại Lái Thiêu để làm Đại Chủng Viện gồm 34 người, còn cơ sở tại Tân Triều trở thành Tiểu Chủng Viện gồm 20 em. Đến năm 1799, Đại Chủng Viện còn 24 người, số kia trở thành linh mục, và tiểu chủng viện tăng lên 50 em.
Tóm lại, trong giai đoạn thứ ba này, tuy hoàn cảnh chính trị có phần thuận lợi với sự ủng hộ của Nguyễn Ánh, nhưng giáo hội Công giáo Nam Bộ tiến triển chậm vì lý do chiến tranh. Tuy nhiên về mặt định cư tại đồng bằng Nam Bộ, nếu chúng ta lấy danh sách các họ đạo được thiết lập vào những năm giữa thế kỷ XVIII và đối chiếu với danh sách các họ đạo được thiết lập vào năm 1813, tức 13 năm sau thời điểm của chúng ta đang đề cập, tuy nó không chính xác lắm vì có những họ đạo lúc đó chưa được hình thành, thì chúng ta cũng có được một ý niệm khá rõ rệt về tình hình định cư của các tín hữu Công giáo tại đây. Vào lúc này giáo hội Công giáo có được 16.000 tín hữu sống rải rác trong các họ đạo được phân bổ như sau: tỉnh Tam Lạch: 58 họ đạo, tỉnh Đồng Nai: 69 họ đạo và tỉnh sông sâu tức Hậu Giang: 21 họ đạo (A. Launay, III, tr. 262). Trong khi đó vào năm 1744, người tín hữu Công giáo chỉ tập trung trong 57 họ đạo và chỉ có mặt tại các vùng chung quanh Sài Gòn, Đồng Nai, Mỹ Tho như đã nói ở trên.
Con số tín hữu và họ đạo ở trên là kết quả của hai thế kỷ du nhập và phát triển của đạo Công giáo tại đồng bằng Nam Bộ, một kết quả rất giới hạn so với tình hình ở Đàng Ngoài. Ngay tại giai đoạn đầu tiên từ 1624-1648 trong khi đàng Ngoài có 195.777 người theo đạo thì ở Đàng Trong chỉ có 5.000 người. Đó là chưa nói tới chất lượng hoặc tinh thần của người đi theo đạo ở Nam Bộ. Giáo sĩ Lavoué, một người đã hoạt động tại đây viết: “Họ không gắn bó với đạo giáo như những người công giáo ở các tỉnh phía trong (Trung kỳ)” (A. Launay, III, tr.274).
Để giải thích sự kiện này, ngoài các lý do như loạn lạc, giặc giã, như được nêu lên trên đây, còn phải kể đến một lý do gắn liền với vùng đất mới là vùng đất Nam Bộ vào buổi đầu người Việt tới khai phá này, đó là sự biến động của dân cư vốn là những nông dân luôn trên đường đi tìm đất để khai phá, như một giáo sĩ đã mô tả: “Bởi vì chúng tôi ít thừa sai, lại hầu như luôn luôn phải di chuyển, và hơn nữa người Việt ở đây sống trong một tình trạng biến động liên tục, thay đổi nơi ăn chốn ở với bất cứ lý do gì... nên hầu như không thể làm khác hơn những gì chúng tôi đã làm, chúng tôi buộc phải rửa tội họ như là người ta bắt cá, nghĩa là ngay khi họ xuất hiện, với hy vọng nếu số đông này mất đi thì ít ra chúng tôi cũng cứu được vài người” ( A. Launay, I, tr.614).
Những điều trên đây mô tả tình hình ở tỉnh địa đầu của xứ Đàng Trong vào năm 1713, nhưng lại càng thích hợp hơn cho tình hình Nam Bộ trong giai đoạn mới khẩn hoang. Thực vậy, người lưu dân ở đây di chuyển không ngừng, vì đất còn rộng, người còn thưa. Điều kiện không gian này đã tạo cho con người vốn dĩ đã có tính phiêu lưu một tinh thần tự do rất lớn. Một giáo sĩ hoạt động trong vùng đã viết: “Thực khó lòng bó buộc họ giữ các điều răn của giáo hội, bởi vì buộc họ làm bất cứ điều gì là chuyện vô phương thực hiện” ( A. Launay, I, tr.615). Hơn nữa, cũng vì điều kiện không gian không thể quy tụ họ vào phạm vi nhỏ hẹp và có nề nếp của một thôn xóm có lũy tre bao bọc như ở đàng Ngoài, tính tự do này không có gì cản trở lại càng được phát triển. Thêm vào đó, các cuộc chiến tranh giữa họ Nguyễn với Chân Lạp vào những năm 1731-1733, với Xiêm vào những năm 1752-1759 và cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đã phá vỡ tất cả những tổ chức hay nề nếp đã có thể có được.
Với tình trạng tổ chức và tình hình người tín hữu như thế, công việc chủ yếu của giáo hội Nam Bộ khi hòa bình được lập lại vào đầu thế kỷ XIX là xây dựng và củng cố trên cơ sở dựa vào sự nhân nhượng của Nguyễn Ánh, đồng thời phải đối phó với ngọn lửa chống đối âm ỉ của các quan lại.
1. “Lettre de Gaspar Luis sur la Cochinchine”, tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue số 3-4, 1931.
2. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658- 1823, Documents Historiques, Maisonneuve Frères, Paris 1924, tập I (1658-1728); II (1728-1771); III (1771- 1823).
3. Trần Phổ, Dòng Phanxicô trên đất Việt, Sài Gòn 1975, ronéo.
4. Taboulet, “La Révolte et la guerre des Tayson d'après les Franciscains Espagnols”, tạp chí B.S.E.I. tập XV-1940.
5. Đặng Phương Nghi, “Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương”, Sử-Địa, số 13, 1969.
6. Louvet, La Cochinchine Religieuse, tập I và tập II, Ernest Leroux, Paris, 1885.
7. Nguyễn Văn Hầu, “Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long”. Sử Địa 19-20, 1970.
8. Đỗ Quang Chính, Giáo trình Lịch sử Xã hội Việt Nam, thế kỷ XVII - XVIII, bản viết tay của tác giả, Sài Gòn 1973-1974.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 87 (Tháng 3 & 4 năm 2015)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cong-giao-tai-dong-bang-nam-bo-trong-cac-the-ky-xvii-va-xviii-40767
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét