Từ Rôma đến Bêlem

Cuộc hành trình đời sống của Thánh Giêrôm đã đi qua những con đường của Đế quốc Rôma giữa Châu Âu và Phương Đông. Sinh ra vào khoảng năm 345 tại Stridon, biên giới giữa Dalmatia và Pannonia, thuộc Croatia và Slovenia ngày nay, ngài đã nhận được sự dưỡng dục vững chắc trong một gia đình Kitô giáo. Theo thông lệ vào thời đó, ngài đã chịu phép rửa khi trưởng thành vào khoảng năm 358 đến năm 364, trong khi học hùng biện ở Rôma. Trong thời gian lưu trú tại Rôma, ngài trở thành người đọc không biết chán các tác phẩm cổ điển tiếng Latinh, theo học với các bậc thầy nổi tiếng nhất của khoa hùng biện đang sống khi đó.



Sau khi học, ngài đã thực hiện một cuộc hành trình dài qua xứ Gaul, nơi đưa ngài đến thành phố đế quốc Trier, ngày nay thuộc Đức. Ở đó, lần đầu tiên, ngài gặp phong trào đơn tu phương Đông do Thánh Athanasius phổ biến. Kết quả là sự khao khát sâu sắc và lâu dài đối với trải nghiệm đó, dẫn ngài đến Aquileia, nơi cùng với một vài người bạn của mình, “một ca đoàn gồm những người có diễm phúc” [7], ngài bắt đầu một thời kỳ sống chung.

Vào khoảng năm 374, khi ngang qua Antioch, ngài quyết định ẩn dật tại sa mạc Chalcis, để thể hiện cách triệt để hơn lối sống khổ hạnh, trong đó một chỗ lớn được dành cho việc nghiên cứu các ngôn ngữ Kinh thánh, đầu tiên là tiếng Hy Lạp và sau đó, tiếng Do Thái. Ngài học dưới sự hướng dẫn của một người Do Thái đã gia nhập Kitô giáo, người đã dẫn nhập ngài vào kiến thức tiếng Do Thái và âm thanh của nó, điều mà ngài thấy là “khắc nghiệt và bật hơi [aspirate]” (8).

Giêrôm đã cố ý chọn sa mạc và cuộc sống ẩn tu vì ý nghĩa sâu xa hơn của chúng như là cứ điểm của những quyết định hiện sinh nền tảng, của sự gần gũi và gặp gỡ Thiên Chúa. Ở đó, qua chiêm niệm, thử thách nội tâm và chiến đấu tâm linh, ngài hiểu ra đầy đủ hơn các điểm yếu của chính mình, các giới hạn của chính mình và của những người khác. Cũng ở đó, ngài còn phát hiện ra tầm quan trọng của nước mắt [9]. Sa mạc đã dạy cho ngài sự nhạy cảm trước sự hiện diện của Thiên Chúa, sự phụ thuộc cần thiết của chúng ta vào Người và những niềm an ủi phát sinh từ lòng thương xót của Người. Ở đây, tôi nhớ lại một câu chuyện ngụy thư, trong đó thánh Giêrôm hỏi Chúa: "Chúa muốn gì ở con?" Nghe thế, Chúa Kitô trả lời: “Con vẫn chưa cho Ta mọi sự”. “Nhưng Chúa ơi, con đã cho Chúa đủ mọi thứ rồi”. "Một điều con chưa cho Ta". "Đó là điều gì?" “Hãy cho Ta tội lỗi của con, để Ta có thể vui mừng khi tha chúng một lần nữa” [10].

Sau đó, chúng ta thấy ngài ở Antioch, nơi ngài được phong linh mục bởi vị giám mục của thành phố đó, là Paulinus, và sau đó, vào khoảng năm 379, ở Constantinople, nơi ngài gặp Thánh Gregory thành Nazianzus và tiếp tục việc học của mình. Ngài đã dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh một số tác phẩm quan trọng (các bài giảng của Origen và Biên niên sử của Eusebius) và có mặt tại Công đồng được cử hành ở đó vào năm 381. Những năm học tập đó đã bộc lộ lòng nhiệt tình rộng lượng và niềm khao khát tri thức dồi dào khiến ngài không mệt mỏi và say mê trong công việc của mình. Như ngài đã nói: “Đôi khi tôi tuyệt vọng; thường thì tôi bỏ cuộc, nhưng rồi tôi lại trở về với ý chí học hỏi ngoan cường”. "Hạt giống đắng đót" trong nghiên cứu của ngài phải tạo ra "hoa trái thơm ngon" [11].

Năm 382, Thánh Giêrôm trở lại Rôma và đặt mình phục vụ Đức Giáo Hoàng Damasus, người, trong khi đánh giá cao các tài năng xuất chúng của ngài, đã đặt ngài làm một trong những cộng sự thân cận của mình. Ở đó, thánh Giêrôm tham gia vào các hoạt động liên tục, nhưng không hề bỏ qua các vấn đề tâm linh. Trên đồi Aventine, được sự hỗ trợ của các phụ nữ Rôma quý tộc có ý định hướng đến một cuộc sống triệt để theo tinh thần Phúc Âm, như Marcella, Paula, và con gái của bà là Eustochium, ngài đã tạo ra một chuyên nhóm (cenacle) chuyên chăm đọc và nghiên cứu Kinh thánh một cách nghiêm túc. Thánh Giêrôm đóng vai trò nhà chú giải, thầy dạy và hướng dẫn tâm linh. Vào thời đó, ngài tiến hành việc sửa lại các bản dịch tiếng Latinh trước đó của các sách Tin Mừng và có lẽ cả các phần khác của Tân ước. Ngài tiếp tục công việc dịch các bài giảng và các bài bình luận Kinh thánh của Origen, tham gia vào hàng loạt công việc viết thư rất nhộn nhịp, công khai luận bác các tác giả dị giáo, một cách có lúc quá độ nhưng luôn luôn được khuyến khích bởi ý muốn thành thực này là bảo vệ đức tin chân chính và kho tàng Kinh thánh.

Thời kỳ căng thẳng và đầy hiệu năng này đã bị gián đoạn bởi cái chết của Đức Giáo Hoàng Damasus. Thánh Giêrôm thấy mình buộc phải rời Rôma, đi theo là bạn bè và một số phụ nữ mong muốn tiếp tục trải nghiệm đời sống tâm linh và nghiên cứu Kinh thánh đã bắt đầu; ngài rời đến Ai Cập, nơi ngài gặp nhà thần học vĩ đại, Thánh Didymus Mù. Sau đó, ngài đến Palestine và vào năm 386 định cư lâu dài tại Bêlem. Ngài tiếp tục nghiên cứu các bản văn Kinh thánh, các bản văn giờ đây đã bỏ neo ở lại chính những nơi chúng vốn nói tới.

Tầm quan trọng ngài dành cho các nơi thánh không những được thấy qua quyết định sống ở Palestine từ năm 386 cho đến khi ngài qua đời mà còn qua sự trợ giúp ngài dành cho những người hành hương. Tại Bêlem, một nơi thân thiết với trái tim ngài, ngài đã thành lập trong các khu vực xung quanh hang Chúa Giáng sinh, các tu viện "song sinh", nam và nữ, với các nhà tế bần để cung cấp chỗ ở cho các người hành hương thánh địa. Đây cũng là một dấu hiệu khác nữa cho thấy lòng quảng đại của ngài, vì ngài đã giúp cho nhiều người khác có thể nhìn thấy và chạm vào những địa danh của lịch sử cứu độ, và tìm được sự phong phú cả về văn hóa lẫn tinh thần [12].

Nhờ chăm chú lắng nghe Sách Thánh, Thánh Giêrôm tiến tới chỗ biết mình và tìm được thánh nhan Thiên Chúa và anh chị em mình. Ngài cũng được củng cố trong việc được cuốn hút vào đời sống cộng đồng. Mong muốn được sống với bạn bè, như khi ở Aquileia, đã khiến ngài thành lập các cộng đồng đơn tu để theo đuổi lý tưởng đơn tu của đời sống đạo. Ở đó, đan viện được coi như một “trường dạy võ” (palaestra) để huấn luyện những người đàn ông và đàn bà “coi mình là nhỏ bé nhất, để trở thành những người đứng đầu tất cả”, bằng lòng với sự nghèo khó và có khả năng dạy người khác bằng phong cách sống của riêng mình. Thánh Giêrôm coi đó như một kinh nghiệm đào tạo để sống “dưới sự quản trị của một bề trên duy nhất và trong sự đồng hành của nhiều người” để học đức khiêm nhường, kiên nhẫn, im lặng và hiền lành, trong ý thức rằng “sự thật không yêu những ngõ ngách tối tăm và không tìm kiếm những người cằn nhằn ” [13]. Ngài cũng thú nhận rằng ngài “khao khát những căn phòng chật hẹp của đan viện” và “mong muốn sự háo hức của những con kiến, trong đó, tất cả cùng làm việc với nhau, không điều gì thuộc về bất cứ cá nhân nào, và mọi sự thuộc về mọi người” [14].

Thánh Giêrôm xem việc nghiên cứu của mình không phải như một trò tiêu khiển thú vị và là mục đích tự tại, nhưng là một thao tác thiêng liêng và một phương tiện để đến gần Thiên Chúa hơn. Việc đào tạo cổ điển của ngài giờ đây hướng đến việc phục vụ cộng đồng giáo hội sâu sắc hơn. Chúng ta nghĩ tới sự hỗ trợ được ngài dành cho Đức Giáo Hoàng Damasus và sự cam kết của ngài đối với việc huấn giáo các phụ nữ, đặc biệt trong việc học tiếng Do Thái, từ thời có chuyên nhóm đầu tiên trên đồi Aventine. Bằng cách này, ngài đã giúp Paula và Eustochium “gia nhập hàng ngũ dịch giả đông đúc” [15], và, một điều chưa từng có trong thời đó, có thể đọc và hát các Thánh vịnh bằng ngôn ngữ gốc [16].

Sự thông thái tuyệt vời của ngài đã được sử dụng để cung ứng việc phục vụ cần thiết cho những người được kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Như ngài đã nhắc nhở người bạn của mình là Nepotianus: “Lời lẽ của linh mục phải được thêm hương vị bởi việc đọc Kinh thánh. Tôi không muốn ngài là một người bác bỏ hoặc lang băm nhiều lời, nhưng là một người hiểu giáo lý thánh thiêng (mysterii) và biết sâu sắc những lời dạy dỗ (sacramentorum) của Thiên Chúa ngài. Điển hình của những kẻ ngu dốt là đùa giỡn với lời nói và thu hút sự ngưỡng mộ của những người kém cỏi bằng cách nói cho lưu loát. Những người không biết xấu hổ đó thường giải thích rằng điều họ không biết và giả vờ là một chuyên gia vĩ đại chỉ vì họ thành công trong việc thuyết phục được nhiều người khác ” [17].

Những năm của Thánh Giêrôm ở Bêlem, cho đến khi ngài qua đời năm 420, là giai đoạn có hiệu năng và mãnh liệt nhất trong cuộc đời ngài, hoàn toàn chuyên tâm vào việc nghiên cứu Kinh thánh và cho công việc đồ sộ là dịch toàn bộ Cựu Ước dựa trên nguyên bản tiếng Do Thái. Đồng thời, ngài bình luận về các sách tiên tri, Thánh Vịnh và các thư của Thánh Phaolô, và viết các hướng dẫn cho việc học hỏi Kinh thánh. Sự học hỏi sâu sắc vốn tìm thấy trong các tác phẩm của ngài là kết quả của một nỗ lực hợp tác, từ việc sao chép và đối chiếu các bản chép tay đến suy gẫm và thảo luận thêm. Như ngài từng nói: “Tôi chưa bao giờ tin tưởng vào sức mạnh của riêng tôi trong việc nghiên cứu các tác phẩm thần thiêng… Tôi có thói quen đặt câu hỏi, cả về điều tôi nghĩ tôi biết lẫn về điều mà tôi không chắc chắn” [18]. Ý thức được các hạn chế của mình, ngài đã cầu xin liên tục và sự chuyển cầu để ngài nỗ lực dịch các bản văn thánh thiêng “trong cùng một Chúa Thánh Thần mà nhờ Người chúng đã được viết ra” [19]. Ngài cũng không bỏ qua việc dịch các tác phẩm của các tác giả cần thiết cho việc chú giải, chẳng hạn như Origen, “để làm cho các tác phẩm này tới tay những người muốn nghiên cứu tài liệu này một cách sâu sắc và có hệ thống hơn” [20].

Là một công trình được thực hiện trong cộng đồng và phục vụ cộng đồng, hoạt động học thuật của thánh Giêrôm có thể được dùng như một điển hình của tính đồng nghị đối với chúng ta và đối với thời đại của chúng ta. Nó cũng có thể được dùng làm mô hình cho các định chế văn hóa khác nhau của Giáo hội, được kêu gọi trở thành “những nơi trong đó, tri thức trở thành phục vụ, vì không một phát triển nhân bản chân chính và toàn vẹn nào có thể diễn ra nếu không có khối tri thức vốn là kết quả của sự hợp tác và dẫn đến sự hợp tác lớn lao hơn” [21]. Nền tảng của sự hiệp thông đó là Kinh thánh, mà chúng ta không thể chỉ đọc một mình: “Kinh thánh do Dân Thiên Chúa viết cho Dân Thiên Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông này với Dân Thiên Chúa, chúng ta mới có thể, với tư cách là ‘chúng ta’, thực sự bước vào tâm điểm của chân lý mà chính Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta ” [22].

Kinh nghiệm vững chắc của ngài về cuộc sống được nuôi dưỡng bởi lời Chúa đã giúp Thánh Giêrôm, qua nhiều bức thư ngài viết, trở thành người hướng dẫn tâm linh. Ngài đã trở thành bạn đồng hành của nhiều người, vì ngài tin chắc rằng “không thể học được kỹ năng nào nếu không có thầy dạy”. Vì vậy, ngài đã viết cho Rusticus: “Đây là điều tôi muốn làm cho bạn hiểu, bằng cách nắm lấy tay bạn theo kiểu người lính thủy thời xưa, sống sót sau một số vụ đắm tàu, cố gắng dạy một thủy thủ trẻ” [23]. Từ nơi trú ẩn yên tĩnh của ngài trong thế giới, ngài theo dõi các vấn đề của con người trong một thời đại có nhiều biến động, được đánh dấu bằng các biến cố như sự kiện thành Rôma bị cướp phá năm 410, một biến cố đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngài.

Trong những bức thư đó, ngài đã bàn đến các tranh cãi về tín lý, kiên quyết bảo vệ tín lý đúng đắn. Những lá thư của ngài cũng cho thấy giá trị mà ngài đặt vào các mối quan hệ. Thánh Giêrôm có thể mạnh mẽ nhưng cũng dịu dàng, chân thành quan tâm đến người khác, và, vì “tình yêu là vô giá” [24], nên đã nhiệt tình trong việc thể hiện tình cảm chân chính. Điều này cũng có thể được nhìn thấy từ sự kiện ngài đã cung hiến các tác phẩm dịch thuật và bình luận của mình như một munus amicitiae (bổn phận của tình bạn). Trên hết, chúng phải là một món quà dành cho bạn bè, những người ngài thư từ với và những người mà tác phẩm của ngài được đề tặng - tất cả những người được ngài cầu xin đọc chúng bằng một con mắt thân thiện thay vì chỉ trích - mà cả các độc giả, những người cùng thời với ngài và những người sẽ đến sau họ [25].

Thánh Giêrôm đã dành những năm cuối đời để đọc Kinh Thánh bằng một tư thế cầu nguyện, cả riêng tư lẫn trong cộng đồng, bằng cách suy niệm, và phục vụ anh chị em qua các tác phẩm của mình. Tất cả những điều này ở Bêlem, gần hang nơi Ngôi Lời vĩnh cửu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Vì ngài tin chắc rằng “Phúc thay những ai mang trong mình cây thập tự giá, sự phục sinh, các nơi Chúa giáng sinh và thăng thiên! Phúc thay ai có Bêlem trong trái tim, trong tim họ ‘Chúa Kitô sinh ra mỗi ngày!” [26].

Khía cạnh “khôn ngoan” trong đời sống của Thánh Giêrôm

Để hiểu đầy đủ về nhân cách của Thánh Giêrôm, chúng ta cần phải thống nhất hai chiều kích vốn là đặc điểm của đời ngài như một tín hữu: một mặt là sự tận hiến tuyệt đối và khắc khổ cho Thiên Chúa, từ bỏ mọi thỏa mãn của con người vì tình yêu Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x.1 Cr 2: 2; Phil 3: 8.10), và mặt khác, một cam kết học tập chuyên cần, hoàn toàn nhằm mục đích hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô. Chứng tá kép này, do Thánh Giêrôm cung cấp một cách kỳ diệu, có thể là một kiểu mẫu trên hết cho các đan sĩ vì tất cả những ai sống đời khổ hạnh và cầu nguyện đều được thúc giục cống hiến đời mình cho công việc nghiên cứu và suy tư đầy đòi hỏi. Nó cũng là một mô hình cho các học giả, những người nên luôn ghi nhớ rằng tri thức chỉ có giá trị tôn giáo nếu nó được đặt cơ sở trên tình yêu độc chiếm dành cho Thiên Chúa, ngoài mọi tham vọng của con người và khát vọng trần tục.

Hai khía cạnh này của cuộc đời ngài đã được phát biểu trong lịch sử nghệ thuật. Thánh Giêrôm thường được các bậc thầy về hội họa phương Tây miêu tả theo hai truyền thống ảnh tượng khác biệt. Người ta có thể mô tả một truyền thống chủ yếu là đan tu và đền tội, cho thấy thánh Giêrôm với thân hình tiều tụy vì nhịn ăn, sống trong sa mạc, quỳ gối hoặc phủ phục dưới đất, trong nhiều trường hợp, tay ôm đá và đập ngực, mắt hướng về Chúa bị đóng đinh. Trong đường hướng này, chúng ta thấy kiệt tác cảm động của Leonardo da Vinci hiện đang trưng bày tại Viện bảo tàng Vatican. Một truyền thống khác cho thấy thánh Giêrôm trong trang phục của một học giả, ngồi bên bàn viết, có ý định dịch và bình luận các Sách thánh, bao quanh là các sách cuộn và sách bằng da, nhằm để bảo vệ đức tin bằng sự uyên bác và các tác phẩm của mình. Xin dẫn chứng một thí dụ nổi tiếng, Albrecht Dürer đã nhiều lần khắc họa ngài trong tư thế này.

Hai khía cạnh trên được kết hợp với nhau trong bức tranh của Caravaggio đặt tại Phòng trưng bày Borghese ở Rôma: thực vậy, trong một cảnh duy nhất, vị khổ hạnh già nua được trình bầy chỉ mặc một chiếc áo choàng màu đỏ với chiếc đầu lâu trên bàn, một biểu tượng cho tính phù phiếm của các thực tại trần thế; nhưng đồng thời ngài được miêu tả rõ ràng là một học giả, mắt dán vào cuốn sách trong khi bàn tay nhúng bút lông vào lọ mực - hành động điển hình của một nhà văn.

Hai khía cạnh “khôn ngoan” (sapiential) trên hết sức hiển nhiên trong cuộc đời của Thánh Giêrôm. Nếu, với tư cách là một “Sư tử Bêlem” thực sự, ngài có thể tàn bạo trong ngôn ngữ của ngài, thì ngôn ngữ đó luôn phục vụ cho một sự thật mà ngài vốn cam kết vô điều kiện. Như ngài đã giải thích trong phần đầu của tác phẩm của mình, Cuộc đời của Thánh Phaolô, Ẩn sĩ thành Thebes, những con sư tử biết gầm thét nhưng cũng biết khóc [27]. Điều thoạt đầu dường như là hai khía cạnh tách biệt nhau trong nhân cách Thánh Giêrôm đã được Chúa Thánh Thần kết hợp qua một diễn trình trưởng thành nội tâm.

Tình yêu đối với Sách Thánh

Đặc điểm nổi bật trong linh đạo của Thánh Giêrôm chắc chắn là tình yêu nồng nàn của ngài đối với lời Chúa vốn được giao phó cho Giáo hội trong Kinh thánh. Tất cả các Tiến sĩ của Giáo hội - đặc biệt là những vị thuộc thời kỳ sơ khai của Kitô giáo - đã rút tỉa nội dung giáo huấn của họ một cách minh nhiên từ Kinh thánh. Tuy nhiên, Thánh Giêrôm đã làm như vậy một cách có hệ thống và khác biệt hơn.

Trong thời gian gần đây, các nhà chú giải đã đánh giá cao thiên tài tường thuật và thi ca của Kinh Thánh và phẩm chất diễn đạt tuyệt vời của nó. Thay vào đó, Thánh Giêrôm đã nhấn mạnh trong Kinh thánh tính cách khiêm tốn của mặc khải Thiên Chúa, được trình bày dưới những ngữ điệu thô ráp và gần như nguyên sơ của ngôn ngữ Do Thái so với sự trau chuốt của tiếng Latinh nơi Ciceron. Ngài dành hết tâm sức cho việc nghiên cứu Kinh thánh không phải vì các lý do thẩm mỹ, mà - như ai cũng biết - chỉ vì Kinh thánh đã giúp ngài nhận biết Chúa Kitô. Thật vậy, thiếu hiểu biết về Kinh thánh là thiếu hiểu biết về Chúa Kitô [28].

Thánh Giêrôm dạy chúng ta rằng không những phải nghiên cứu và bình luận các sách Tin Mừng và Truyền thống tông đồ trong Công vụ Tông đồ và trong các Thư tín, mà cả toàn bộ Cựu ước cũng không thể thiếu để hiểu được sự thật và sự phong phú của Chúa Kitô [ 29]. Bản thân Tin Mừng cũng đủ cho ta bằng chứng về điều đó: nó nói với chúng ta về Chúa Giêsu như Người Thầy từng kêu gọi Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh (x. Lc 4: 16-21; 24: 27.44-47) để giải thích mầu nhiệm của chính Người. Lời rao giảng của các thánh Phêrô và Phaolô trong Công Vụ Tông Đồ cũng bắt nguồn từ Cựu Ước, ngoài điều này, chúng ta không thể hiểu đầy đủ về hình bóng của Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia và Đấng Cứu Rỗi. Cũng không nên coi Cựu Ước chỉ đơn thuần là một kho trích dẫn khổng lồ nhằm chứng minh sự ứng nghiệm của những lời tiên tri cổ xưa về con người của Chúa Giêsu thành Nadarét. Đúng hơn, chỉ dưới ánh sáng các tiên trưng (prefigurement) của Cựu Ước, người ta mới có thể biết cách sâu sắc hơn ý nghĩa của biến cố Kitô như đã được mạc khải trong cái chết và sự sống lại của Người. Ngày nay, chúng ta cần khám phá lại, trong việc dạy giáo lý và giảng thuyết, cũng như trong việc trình bày thần học, sự đóng góp không thể thiếu của Cựu Ước, vốn cần được đọc và thẩm thấu như một nguồn nuôi dưỡng thiêng liêng vô giá (xem Edk 3: 1-11; Kh 10: 8-11) [30].

Lòng sùng kính hoàn toàn của Thánh Giêrôm đối với Sách Thánh được chứng tỏ qua cách nói và cách viết say mê của ngài, tương tự như cách nói của các nhà tiên tri xưa. Từ họ, vị Tiến sĩ Hội thánh này đã rút tỉa ngọn lửa bên trong vốn đã trở thành lời nói mãnh liệt và bùng nổ (xem Grm 5:14; 20: 9; 23:29; Mlk 3: 2; Hc 48: 1; Mt 3:11; Lc 12,49) rất cần để phát biểu lòng nhiệt thành bừng cháy của một người phục vụ chính nghĩa Thiên Chúa. Giống như Êlia, Gioan Tẩy Giả và Tông đồ Phaolô, sự phẫn nộ trước những lời nói dối, đạo đức giả và sự dạy dỗ sai trái đã làm cho ngôn từ của Thánh Giêrôm bừng lửa, khiến nó trở nên khiêu khích và có vẻ gay gắt. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn chiều kích bút chiến của các tác phẩm của ngài nếu chúng ta đọc chúng dưới ánh sáng của truyền thống tiên tri đích thực nhất. Do đó, Thánh Giêrôm xuất hiện như một hình mẫu chứng tá kiên quyết cho sự thật, chuyên sử dụng sự hà khắc của trách móc để thúc đẩy sự hoán cải. Bằng sự mạnh mẽ trong các phát biểu và hình ảnh của mình, ngài cho thấy lòng can đảm của một người đầy tớ không muốn làm hài lòng người khác, mà chỉ mong muốn một mình Chúa của ngài mà thôi (Gl 1:10), chính vì vị này mà ngài đã dùng hết năng lực tinh thần của ngài.

Nghiên cứu Sách thánh

Tình yêu say mê của Thánh Giêrôm đối với Sách Thánh thấm đượm đức vâng lời. Trước hết, là vâng lời Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải trong những lời nói đòi được nghe một cách tôn kính [31], và sau đó vâng lời những người trong Giáo hội, vốn đại diện cho Truyền thống sống động nhằm giải thích sứ điệp được mạc khải. Tuy nhiên, “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1: 5; 16:26) không phải là sự tiếp nhận thụ động đơn thuần một điều gì đó đã được biết đến; ngược lại, nó đòi hỏi một nỗ lực tích cực bản thân để hiểu những gì đã được nói. Chúng ta có thể coi Thánh Giêrôm như một “đầy tớ” của Lời Chúa, trung thành và siêng năng, hoàn toàn tận tụy cổ vũ nơi anh chị em mình trong đức tin một sự hiểu biết đầy đủ hơn về “kho tàng” thánh thiêng đã được trao phó cho họ (x. 1Tm 6: 20; 2 Tm 1:14). Nếu không hiểu những gì đã được các tác giả linh hứng viết ra, thì lời Thiên Chúa tự nó mất hết tác dụng (x. Mt 13:19) và tình yêu đối với Thiên Chúa không thể nảy nở.

Các đoạn Kinh thánh không phải lúc nào cũng có thể lĩnh hội ngay tức khắc. Như Isaia từng nói (29:11), ngay cả đối với những người biết “đọc” - tức là những người đã được đào tạo đầy đủ về trí thức - sách thánh dường như được “niêm phong”, đóng kín mít khó mà giải thích. Một nhân chứng cần phải can thiệp vào và cung cấp chìa khóa dẫn vào sứ điệp giải phóng của nó, đó là Chúa Kitô. Chỉ một mình Người có thể đập vỡ niêm phong và mở cuốn sách (x. Kh 5:1-10) và bằng cách này, Người mới có thể mạc khải việc nó tuôn đổ ơn thánh kỳ diệu (Lc 4: 17-21). Nhiều người, ngay trong các Kitô hữu thực hành đạo, nói một cách công khai rằng họ không đọc được nó (xem Is 29:12), không phải vì mù chữ, mà vì họ không được chuẩn bị về ngôn ngữ Kinh thánh, các phương thức diễn đạt và các truyền thống văn hóa cổ xưa của nó. Kết quả là, văn bản Kinh thánh trở nên không thể giải mã được, như thể nó được viết bằng một bảng chữ cái không ai biết và một ngôn ngữ bí truyền.

Điều này cho thấy sự cần thiết phải có sự trung gian của một người giải thích, người có thể thực hiện chức năng "phục vụ" (diaconal) thay cho người không thể hiểu được ý nghĩa của sứ điệp tiên tri. Ở đây chúng ta nghĩ đến phó tế Philíp, được Chúa sai đến gần chiếc xe ngựa của viên hoạn quan đang đọc một đoạn trong sách Isaia (53: 7-8), mà không thể mở toang được ý nghĩa của nó. "Ngài có hiểu ngài đang đọc gì không?" Philíp hỏi, và viên thái giám trả lời: "Làm sao tôi có thể hiểu được, trừ khi có người hướng dẫn tôi?" (Công vụ 8: 30-31) [32].

Thánh Giêrôm có thể đóng vai trò làm người hướng dẫn chúng ta bởi vì, giống như Philíp (xem Công vụ 8:35), ngài dẫn dắt mọi độc giả đến với mầu nhiệm Chúa Giêsu, đồng thời cung cấp một cách có hệ thống và có trách nhiệm thông tri văn hóa và chú giải cần thiết cho việc đọc Kinh thánh một cách chính xác và hữu hiệu [33]. Một cách tích hợp và khéo léo, ngài đã sử dụng tất cả các nguồn phương pháp luận có sẵn của thời ngài - khả năng về ngôn ngữ trong đó lời Chúa được truyền tải, phân tích và kiểm tra cẩn thận các bản chép tay, tìm tòi khảo cổ một cách chi tiết, cũng như kiến thức về lịch sử ngành giải thích - để đạt tới một sự hiểu biết đúng đắn về Kinh thánh linh hứng.

Khía cạnh nổi bật trên trong hoạt động của Thánh Giêrôm cũng có tầm quan trọng lớn đối với Giáo hội trong thời đại chúng ta. Nếu, như Dei Verbum dạy, có thể nói Kinh thánh cấu thành “linh hồn của thần học thánh thiêng” [34] và sự chống đỡ tinh thần của đời sống Kitô hữu [35], thì việc giải thích Kinh thánh nhất thiết phải đi kèm với những kỹ năng chuyên biệt.

Các trung tâm xuất sắc để nghiên cứu Kinh thánh - chẳng hạn như Viện Kinh thánh Giáo hoàng ở Rôma, và Trường Kinh Thánh và Viện Kinh Thánh của Dòng Phanxicô ở Giêrusalem - và để nghiên cứu giáo phụ, như viện Augustinianum ở Rôma, chắc chắn phục vụ mục đích này, nhưng mọi Khoa Thần học nên cố gắng đảm bảo để việc giảng dạy Kinh thánh được thực hiện theo cách các sinh viên được cung cấp việc huấn luyện cần thiết về các kỹ năng giải thích, cả trong việc chú giải các bản văn lẫn trong thần học Kinh thánh nói chung. Đáng buồn thay, sự phong phú của Kinh thánh bị nhiều người làm ngơ hoặc tối thiểu hóa vì họ không có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này. Cùng với việc nhấn mạnh hơn đến việc nghiên cứu Kinh thánh trong các chương trình đào tạo linh mục và giáo lý viên của Giáo hội, cũng cần thực hiện các nỗ lực nhằm cung cấp cho tất cả các tín hữu những nguồn cần thiết để họ có thể mở sách thánh và rút tỉa từ đó những hoa trái khôn ngoan, hy vọng và sự sống vô giá [36].

Ở đây, tôi sẽ nhắc lại một nhận xét của Đức Bênêđictô XVI trong Tông huấn Verbum Domini: “[Bản chất bí tích] của hạn từ này có thể được hiểu bằng cách so sánh với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới vẻ bề ngoài của bánh và rượu được truyền phép… Thánh Giêrôm nói tới cách chúng ta phải có khi đến với cả Bí tích Thánh Thể lẫn Lời Chúa: 'Chúng ta đang đọc Sách Thánh. Đối với tôi, sách Tin Mừng là thân thể Chúa Kitô; đối với tôi, Kinh thánh là giáo huấn của Người. Và khi Người nói: ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta (Ga 6:53), cho dù những lời này cũng có thể được hiểu về Mầu nhiệm [Thánh Thể], [Người cũng muốn nói] thân thể và máu của Chúa Giêsu thực sự là lời Kinh Thánh, giáo huấn của Thiên Chúa’” [37].

Đáng buồn thay, nhiều gia đình Kitô hữu dường như không thể - như đã được quy định trong Kinh Torah (xem Đnl 6: 6) – dẫn nhập con cái họ vào lời Chúa trong tất cả vẻ đẹp và năng lực thiêng liêng của nó. Điều này đã khiến tôi thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa [38] như một phương tiện để khuyến khích việc đọc Kinh Thánh theo cung cách cầu nguyện và quen thuộc hơn với lời Chúa [39]. Mọi phát biểu khác của lòng mộ đạo, vì thế phải được làm cho phong phú thêm về ý nghĩa, được đặt đúng vào viễn ảnh của chúng, và hướng đến việc chu toàn đức tin bằng việc hoàn toàn tin theo mầu nhiệm Chúa Kitô.

Kỳ tới: Bản Phổ Thông