Bản Phổ Thông

“Trái ngon ngọt nhất của diễn trình trồng trọt gian khổ” [40] trong việc học hỏi tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái của Thánh Giêrôm là bản dịch Cựu Ước sang tiếng La tinh từ bản gốc tiếng Do Thái của ngài. Tính đến thời điểm đó, các Kitô hữu của đế quốc Rôma chỉ có thể đọc toàn bộ Kinh thánh bằng tiếng Hy Lạp. Các sách của Tân Ước vốn được viết bằng tiếng Hy Lạp; một bản Cựu Ước hoàn chỉnh bằng tiếng Hy Lạp cũng đã hiện hữu, bản gọi là Septuagint (bản Bẩy Mươi), tức bản dịch được thực hiện bởi cộng đồng người Do Thái ở Alexandria vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Chúa Kitô. Tuy nhiên, đối với người đọc tiếng Latinh, không có bản Kinh thánh hoàn chỉnh nào bằng ngôn ngữ của họ; chỉ một số bản dịch một phần và không đầy đủ từ tiếng Hy Lạp. Thánh Giêrôm và những người tiếp nối công việc của ngài có công trong việc duyệt lại và dịch lại toàn bộ Kinh thánh. Sau khi bắt đầu sửa đổi các sách Tin Mừng và Thánh Vịnh ở Rôma với sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Damasus, Thánh Giêrôm, từ căn hầm nhỏ của ngài ở Bêlem lúc đó bắt đầu dịch tất cả các sách Cựu ước trực tiếp từ tiếng Do Thái. Công việc này kéo dài trong nhiều năm.

Để hoàn thành công lao phiên dịch này, Thánh Giêrôm đã vận dụng tốt kiến thức tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái của ngài, cũng như sự đào tạo vững chắc về tiếng Latinh, sử dụng các công cụ ngữ học mà ngài có trong tay, đặc biệt là bộ Hexapla (kinh thánh bằng 6 thứ tiếng) của Origen. Văn bản cuối cùng thống nhất tính liên tục trong các công thức hiện đang được sử dụng phổ biến lúc ấy với sự tuân thủ tốt hơn văn phong Do Thái, mà không hy sinh nét sang trọng của ngôn ngữ Latinh. Kết quả là một công trình để đời (monument) thực sự đánh dấu lịch sử văn hóa của phương Tây, định hình cho ngôn ngữ thần học của nó. Bản dịch của Thánh Giêrôm, sau khi gặp phải một số bác bỏ lúc ban đầu, đã nhanh chóng trở thành gia tài chung của cả các học giả lẫn tín hữu bình thường; do đó có tên “Bản Phổ Thông (Vulgate)" [41]. Châu Âu Trung cổ học đọc, cầu nguyện và suy nghĩ từ những trang Kinh thánh do thánh Giêrôm phiên dịch. Theo cách này, “Sách thánh trở thành một loại‘ từ điển rộng lớn ’(Paul Claudel) và‘tập bản đồ ảnh tượng’ (Marc Chagall), mà từ đó cả văn hóa và nghệ thuật Kitô giáo đều có thể rút tỉa” [42]. Văn chương, nghệ thuật và thậm chí cả ngôn ngữ bình dân đã liên tục được định hình bởi bản dịch Kinh thánh của Thánh Giêrôm, để lại cho chúng ta những kho tàng lớn lao về vẻ đẹp và lòng sùng kính.

Do sự kiện không ai tranh cãi này mà Công đồng Trent, trong sắc lệnh Insuper, đã khẳng định tính cách “chân chính” của Bản Phổ Thông, do đó chứng thực việc sử dụng nó trong Giáo hội qua nhiều thế kỷ và làm chứng cho giá trị của nó như một công cụ để nghiên cứu, thuyết giảng và tranh luận công khai [43]. Tuy nhiên, Công đồng đã không tìm cách giảm thiểu tầm quan trọng của các ngôn ngữ gốc, như Thánh Giêrôm không ngừng nhấn mạnh, càng không cấm cản việc tiến hành một bản dịch toàn diện trong tương lai. Thánh Phaolô VI, theo gợi ý của các Nghị phụ Công đồng Vaticanô II, đã mong muốn công việc sửa duyệt Bản Phổ Thông sẽ được hoàn thành và phục vụ toàn thể Giáo hội. Vì vậy, vào năm 1979, Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông Hiến Scripturarum Thesaurus [44], đã ban hành ấn bản tiêu biểu gọi là Bản Tân Phổ Thông (Neo-Vulgate).

Phiên dịch là hội nhập văn hóa

Bằng việc phiên dịch của mình, Thánh Giêrôm đã thành công trong việc “hội nhập văn hóa” Kinh thánh vào ngôn ngữ và văn hóa Latinh. Công việc của ngài đã trở thành một khuôn mẫu lâu dài cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Trên thực tế, “bất cứ khi nào một cộng đồng tiếp nhận sứ điệp cứu rỗi, Chúa Thánh Thần đều làm phong phú nền văn hóa của họ bằng năng lực biến đổi của Tin Mừng” [45]. Ở đây, một vòng tròn đã được thiết lập: việc phiên dịch của Thánh Giêrôm mắc nợ ngôn ngữ và văn hóa Latinh cổ điển, mà ảnh hưởng là điều rất hiển hiện, thế nào, thì việc phiên dịch của ngài, bằng ngôn ngữ và nội dung mang tính biểu tượng và giàu sức tưởng tượng của nó, ngược lại, cũng trở thành một thúc đẩy cho việc tạo ra một nền văn hóa mới như vậy.

Công trình dịch thuật của Thánh Giêrôm dạy chúng ta rằng các giá trị và hình thức tích cực của mọi nền văn hóa đều đại diện một sự phong phú cho toàn thể Giáo hội. Những cách khác nhau mà lời Chúa được công bố, được hiểu và được cảm nghiệm trong mỗi bản dịch mới đều làm phong phú thêm cho chính Kinh thánh, theo lời phát biểu nổi tiếng của Thánh Gregory Cả, Kinh thánh phát triển cùng với người đọc [46], mặc lấy nhiều âm điệu mới và tiếng vang mới qua nhiều thế kỷ. Việc Kinh thánh và sách Tin Mừng du nhập các nền văn hóa khác nhau làm cho Giáo hội ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết trong việc là “cô dâu đeo đầy ngọc qúy” (Is 61:10). Đồng thời, nó làm chứng cho sự kiện này là Kinh Thánh liên tục cần được dịch sang các phạm trù ngôn ngữ và tinh thần của từng nền văn hóa và thế hệ, kể cả nền văn hóa thế tục và hoàn cầu của thời đại chúng ta [47].

Người ta rất đúng khi cho rằng có một tương đồng khi so sánh việc dịch thuật như một hành động hiếu khách “ngữ học” với các hình thức hiếu khách khác [48]. Đó là lý do tại sao dịch thuật không chỉ liên quan đến ngôn ngữ mà thôi, nhưng thực sự còn phản ảnh một quyết định đạo đức rộng lớn hơn liên quan đến toàn bộ cách tiếp cận cuộc sống. Không có dịch thuật, các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau sẽ không thể thông đạt với nhau được; chúng ta sẽ đóng cánh cửa lịch sử đối với nhau và phủ nhận khả thể xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ [49]. Trên thực tế, không có việc phiên dịch thì không thể có sự hiếu khách đó; thực sự, sự thù địch sẽ tăng lên. Một dịch giả là một người xây cầu. Biết bao phán xét vội vàng được đưa ra, biết bao lời lên án và xung đột nảy sinh từ sự kiện chúng ta không hiểu ngôn ngữ của người khác, và không chuyên chăm, với niềm hy vọng vững chắc, vào việc không ngừng biểu lộ tình yêu mà việc phiên dịch vốn dại diện.
Thánh Giêrôm cũng phải chống lại luồng tư tưởng đang thịnh hành của thời đại ngài. Nếu kiến thức tiếng Hy Lạp tương đối phổ biến vào buổi bình minh của Đế quốc Rôma, thì vào thời của ngài, nó đã trở nên hiếm hoi. Ngài đã tiến tới chỗ trở thành một trong những chuyên gia hạng nhất về ngôn ngữ và văn học Hy Lạp - Kitô giáo và ngài đã đảm nhận một cuộc hành trình còn gian khổ và đơn độc hơn khi tiến hành nghiên cứu tiếng Do Thái. Nếu, như đã nói, “các giới hạn về ngôn ngữ của tôi cũng là các giới hạn về thế giới của tôi” [50], thì chúng ta có thể nói chúng ta mang ơn kiến thức ngôn ngữ của Thánh Giêrôm vì nhờ đó mà chúng ta có được một sự hiểu biết phổ quát hơn về Kitô giáo và việc được vào sâu hơn trong các nguồn gốc của nó.

Với lễ kỷ niệm lần này ngày qua đời của Thánh Giêrôm, chúng ta hướng nhìn vào sinh khí truyền giáo phi thường được phát biểu qua sự kiện Lời Chúa đã được dịch ra hơn ba ngàn thứ tiếng. Chúng ta mang ơn không biết bao nhà truyền giáo, vì các ấn phẩm vô giá, các cuốn ngữ pháp, từ điển và các công cụ ngữ học khác cho phép thông đạt lớn lao hơn và trở thành các phương tiện chuyên chở “khát vọng truyền giáo muốn vươn tới mọi người”! [51] Chúng ta cần hỗ trợ công việc này và đầu tư vào nó, giúp vượt qua các giới hạn trong việc thông đạt và mất cơ hội gặp gỡ. Còn nhiều việc cần phải làm. Người ta nói rằng không có việc phiên dịch thì không có việc hiểu biết [52]: chúng ta sẽ không hiểu chính mình và người khác.

Thánh Giêrôm và Tòa Thánh Phêrô

Thánh Giêrôm luôn có một mối quan hệ đặc biệt với thành phố Rôma: Rôma là nơi trú ẩn tinh thần mà ngài thường xuyên trở về. Ở Rôma, ngài được huấn luyện thành nhà nhân bản và được đào tạo thành Kitô hữu; Thánh Giêrôm là một homo Romanus (người Rôma). Mối liên kết này nảy sinh một cách rất đặc biệt từ ngôn ngữ Latinh mà ngài là bậc thầy và là ngôn ngữ mà ngài vô cùng yêu thích, nhưng trên hết là từ Giáo Hội Rôma và đặc biệt là Ngai Tòa Thánh Phêrô. Truyền thống ảnh tượng mô tả một cách phi thời gian ngài mặc áo choàng của một Hồng Y như một dấu chỉ ngài là một linh mục của Rôma dưới thời Đức Giáo Hoàng Damasus. Ở Rôma, ngài bắt đầu duyệt lại bản dịch trước đó. Ngay cả khi những ghen tuông và hiểu lầm buộc ngài phải rời khỏi thành phố, ngài vẫn luôn gắn bó chặt chẽ với Ngai Toà Thánh Phêrô.

Đối với Thánh Giêrôm, Giáo Hội Rôma là mảnh đất màu mỡ, nơi hạt giống của Chúa Kitô đơm hoa kết trái xum xuê [53]. Vào một thời kỳ nhiễu nhương, trong đó tấm áo liền thân của Giáo Hội thường bị xé rách bởi sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, Thánh Giêrôm vẫn hướng về Tòa Phêrô như điểm tham chiếm chắc chắn. “Vì tôi không theo nhà lãnh đạo nào trừ Chúa Kitô, nên tôi cũng không thông đạt với ai ngoài Đức Thánh Cha, tức là, với Ngai Tòa Thánh Phêrô. Vì tôi biết đây là tảng đá mà trên đó, Giáo Hội đã được xây dựng”. Vào lúc cao điểm của cuộc tranh cãi với người Arians, ngài đã viết cho Đức Damasus: “Ai không tụ họp với ngài là phân tán; ai không đi với Chúa Kitô là phản Chúa Kitô” [54]. Do đó, Thánh Giêrôm cũng có thể nói rằng: “Ai hợp nhất với Tòa Phêrô là một với tôi” [55].

Thánh Giêrôm thường tham gia các cuộc tranh luận gay gắt vì chính nghĩa đức tin. Tình yêu của ngài đối với sự thật và lòng nhiệt thành bảo vệ Chúa Kitô của ngài có lẽ đã khiến ngài quá trớn về bạo lực ngôn từ trong các bức thư và bài viết của ngài. Tuy nhiên, ngài vốn sống trong bình an: “Tôi cũng mong muốn hòa bình như những người khác; và tôi không những chỉ ước muốn điều đó, mà còn yêu cầu điều đó nữa. Nhưng sự bình an mà tôi muốn là sự bình an của Chúa Giêsu; một nền hòa bình thực sự, một nền hòa bình không có hiềm thù, một nền hòa bình không bao gồm chiến tranh, một nền hòa bình không làm đối thủ sa sút mà nhằm đoàn kết bạn bè” [56].

Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta cần liều thuốc của lòng thương xót và hiệp thông. Ở đây, tôi muốn nói lại một lần nữa: chúng ta hãy cung hiến một chứng tá rạng rỡ và hấp dẫn về sự hiệp thông huynh đệ [57]. “Nhờ đó, mọi người sẽ biết rằng anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Đây là điều mà Chúa Giêsu, bằng lời cầu nguyện mãnh liệt, đã cầu xin Chúa Cha: “để tất cả nên một… trong chúng ta… để thế giới tin” (Ga 17:21).

Yêu những gì Thánh Giêrôm yêu

Cuối lá thư này, tôi muốn gửi lời kêu gọi đến tất cả mọi người. Trong số rất nhiều lời tôn vinh mà các thế hệ sau này dành cho Thánh Giêrôm, có một điều là ngài không chỉ đơn giản là một trong những học giả vĩ đại nhất của “thư viện” mà từ đó Kitô giáo đã được phong phú hóa theo thời gian, bắt đầu từ kho tàng Kinh thánh. Ta cũng có thể nói về Thánh Giêrôm rằng, như chính ngài đã nói về tướng Nepotianus, “bằng cách chăm chỉ đọc sách và suy niệm liên tục, ông đã biến trái tim mình trở thành một thư viện về Chúa Kitô” [58]. Thánh Giêrôm không tiếc công sức mở rộng thư viện của riêng ngài, nơi ngài luôn coi như một xưởng thợ không thể thiếu để tìm hiểu đức tin và đời sống thiêng liêng; nhờ cách này, ngài cũng là một tấm gương tốt cho thời nay. Nhưng ngài không dừng lại ở đó. Đối với ngài, việc học không chỉ giới hạn vào những năm tháng rèn luyện tuổi trẻ của ngài, mà là một cam kết liên tục, một ưu tiên hàng ngày. Chúng ta có thể nói rằng bản thân ngài đã trở thành một thư viện và một nguồn kiến thức cho vô số người khác. Postumianus, người đã du hành khắp phương Đông trong thế kỷ thứ tư để khám phá sự phát triển của phong trào đơn tu và sống một ít tháng với thánh Giêrôm, đã tận mắt chứng kiến điều này. Như ông đã viết: “[Giêrôm] luôn say mê đọc sách, luôn cầm sách vở: ngày đêm không ngơi nghỉ; ngài thường xuyên hoặc đọc hoặc viết một điều gì đó” [59].

Về phương diện này, tôi thường nghĩ đến kinh nghiệm mà một người trẻ ngày nay có thể có khi vào một hiệu sách ở thành phố của họ, hoặc truy cập một trang mạng trên Internet, để kiếm phần về sách tôn giáo. Trong hầu hết các trường hợp, phần này, nếu có, không những lưa thưa mà còn thiếu các tác phẩm có phẩm chất. Nhìn vào những giá sách hay trang web đó, thật khó cho một người trẻ tuổi hiểu được làm thế nào hành trình tìm kiếm chân lý tôn giáo có thể là một cuộc phiêu lưu đầy đam mê kết hợp được trái tim và khối óc; làm thế nào lòng khao khát Thiên Chúa đã làm bừng cháy các tâm trí vĩ đại trong suốt nhiều thế kỷ cho đến thời nay; làm thế nào sự phát triển trong đời sống tinh thần đã ảnh hưởng đến các nhà thần học và triết học, các nghệ sĩ và nhà thơ, sử gia và nhà khoa học. Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối diện ngày nay, không chỉ trong tôn giáo, là nạn mù chữ: các kỹ năng thông diễn học giúp chúng ta trở thành những người giải thích và phiên dịch đáng tin cậy về truyền thống văn hóa của chúng ta đang rất thiếu hụt. Tôi muốn đặt ra một thách thức đặc biệt cho những người trẻ tuổi: hãy bắt đầu khám phá di sản của bạn. Kitô giáo làm cho bạn trở thành người thừa kế của một gia tài văn hóa truyền thống vượt trội mà bạn phải nắm được quyền sở hữu. Hãy say mê lịch sử vốn là của bạn này. Hãy dám nhìn vào chàng tuổi trẻ Giêrôm, người, giống như người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, đã bán tất cả những gì mình có để mua “viên ngọc trai đắt giá” (Mt 13:46).

Thánh Giêrôm thực sự có thể được gọi là “thư viện của Chúa Kitô”, một thư viện trường cửu mà, mười sáu thế kỷ sau, vẫn tiếp tục dạy chúng ta ý nghĩa của tình yêu Chúa Kitô, một tình yêu không thể tách rời với việc gặp gỡ lời của Ngườii. Đó là lý do tại sao lễ kỷ niệm năm nay có thể được coi như lời kêu gọi yêu mến những gì Thánh Giêrôm yêu mến, khám phá lại các tác phẩm của ngài, và để chúng ta được thúc đẩy bởi nền linh đạo cường tráng của ngài, một điều có thể mô tả trong yếu tính như một khát vọng không ngừng nghỉ và say mê tìm kiếm một kiến thức lớn hơn về Thiên Chúa, Đấng đã quyết định tự mạc khải Người. Làm sao ngày nay, chúng ta có thể không chú ý đến lời khuyên mà Thánh Giêrôm không ngừng đưa ra cho những người đương thời của ngài: “Hãy đọc Kinh thánh không ngừng; đừng bao giờ để quyển sách thánh rơi khỏi tay mình ”? [60]

Một điển hình sáng chói của điều trên là Đức Trinh Nữ Maria, được Thánh Giêrôm gợi nhớ trước hết như Trinh Nữ và Mẹ, nhưng cũng như một kiểu mẫu của việc đọc Kinh Thánh theo lối cầu nguyện. Đức Maria đã suy đi nghĩ lại những điều này trong lòng (x. Lc 2:19.51) “vì Mẹ là người đàn bà thánh thiện, đã đọc Sách thánh, biết các ngôn sứ, và nhắc lại rằng sứ thần Gabrien đã nói với ngài cùng những điều đã được các ngôn sứ báo trước… Ngài nhìn đứa con mới sinh, đứa con trai duy nhất, nằm trong máng cỏ và la khóc. Thực thế, điều ngài thấy là Con của Thiên Chúa; ngài so sánh những gì ngài nhìn thấy với tất cả những gì ngài đã đọc và đã nghe ” [61]. Vậy chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ, Đấng, hơn ai hết, có thể dạy chúng ta cách đọc, suy niệm, chiêm niệm và cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta.

Ban hành tại Rôma, tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô, vào ngày 30 tháng 9, Lễ Kính Thánh Giêrôm, vào năm 2020, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.

Franciscus

________________________________________
[1]“Deus qui beato Hieronymo presbitero suavem et vivum Scripturae Sacrae affectum tribuisti, da, ut populus tuus verbo tuo uberius alatur et in eo fontem vitae inveniet”. Lời nguyện Lễ Kính Thánh Giêrôm, Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ ba, Civitas Vaticana, 2002.
[2] Thư (từ đây, viết tắt là Ep.) 22, 30: CSEL 54, 190.
[3] Công báo Tòa Thánh (từ đây, viết tắt AAS) 12 (1920), 385-423.
[4] Xem Yết Kiến Chung ngày 7 và 14 tháng 11, 2007: Insegnamenti, III, 2 (2007), 553-556; 586-591.
[5] Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên Thường Lệ thứ 12, Sứ điệp gửi Dân Chúa (24 tháng 10, 2008).
[6] Xem AAS 102 (2010), 681-787.
[7] Chronicum 374: PL 27, 697-698.
[8] Ep. 125, 12: CSEL 56, 131.
[9] Xem Ep. 122, 3: CSEL 56, 63.
[10] Xem Suy Niệm Buổi Sáng, 10 tháng 12, 2015. Truyện lưu truyền kể lại trong A. LOUF, Sotto la guida dello Spirito, Qiqaion, Mangano (BI), 1990, 154-155.
[11] Xem Ep. 125, 12: CSEL 56, 131.
[12] Xem Tông huấn Verbum Domini, 89: AAS 102 (2010), 761-762.
[13] Xem Ep. 125, 9.15.19: CSEL 56, 128.133-134.139.
[14] Vita Malchi monachi captivi, 7, 3: PL 23, 59-60.
[15] Praefatio in Librum Esther, 2: PL 28, 1505.
[16] Xem Ep. 108, 26: CSEL 55, 344-345.
[17] Ep. 52, 8: CSEL 54, 428-429; xem Verbum Domini, 60: AAS 102 (2010), 739.
[18] Praefatio in Librum Paralipomenon LXX, 1.10-15: Sources Chrétiennes 592, 340.
[19] Praefatio in Pentateuchum: PL 28, 184.
[20] Ep. 80, 3: CSEL 55, 105.
[21] Thông điệp nhân dịp Phiên họp Công khai thứ 24 của các Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện, 4 tháng 12, 2019: L’Osservatore Romano, 6 tháng 12, 2019, tr. 8.
[22] Verbum Domini, 30: AAS 102 (2010), 709.
[23] Ep. 125, 15.2: CSEL 56, 133.120.
[24] Ep. 3, 6: CSEL 54, 18.
[25] Xem Praefatio in Librum Iosue, 1, 9-12: SCh 592, 316.
[26] Homilia in Psalmum 95: PL 26, 1181.
[27] Xem Vita S. Pauli primi eremitae, 16, 2: PL 23, 28.
[28] Xem In Isaiam Prologus: PL 24, 17.
[29] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mạc khải, Dei Verbum, 14.
[30] Xem đã dẫn.
[31] Xem đã dẫn 7.
[32] Xem Thánh Giêrôm, Ep. 53, 5: CSEL 54, 451.
[33] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mạc khải, Dei Verbum, 12.
[34] đã dẫn 24.
[35] Xem đã dẫn, 25.
[36] Xem đã dẫn, 21.
[37] N. 56; Xem In Psalmum 147: CCL 78, 337-338.
[38] Xem Tông thư dạng Tự sắc Aperuit Illis, 30 tháng 9, 2019.
[39] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 152.175: AAS 105 (2013), 1083-1084.1093.
[40] Xem Ep. 52, 3: CSEL 54, 417.
[41] Xem Tông huấn Verbum Domini, 72: AAS 102 (2010), 746-747.
[42] Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi các Nghệ sĩ (4 tháng 4, 1999), 5: AAS 91 (1999), 1159-1160.
[43] Xem DENZIGER-SCHÖNMETZER, Enchiridion Symbolorum, ed. 43, 1506.
[44] 25 tháng 4, 1979: AAS 71 (1979), 557-559.
[45] Tông huấn Evangelii Gaudium, 116: AAS 105 (2013), 1068.
[46] Homilia in Ezechielem I, 7: PL 76, 843D.
[47] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 116: AAS 105 (2013), 1068.
[48] Xem P. RICOEUR, Sur la traduction, Paris, 2004.
[49] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 24: AAS 105 (2013), 1029-1030.
[50] L. WITTGENSTEIN, Tractatus Logico-Philosophicus, 5.6.
[51] Tông huấn Evangelii Gaudium, 31: AAS 105 (2013), 1033.
[52] Xem G. STEINER, After Babel. Aspects of Language and Translation, New York, 1975.
[53] Xem Ep. 15, 1: CSEL 54, 63.
[54] Đã dẫn, 15, 2: CSEL 54, 62-64.
[55] Đã dẫn, 16, 2: CSEL 54, 69.
[56] Đã dẫn, 82, 2: CSEL 55, 109.
[57] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 99: AAS 105 (2013), 1061.
[58] Ep. 60, 10; CSEL 54, 561.
[59] SULPICIUS SEVERUS, Dialogus I, 9, 5: SCh 510, 136-138.
[60] Ep. 52, 7: CSEL 54, 426.
[61] Homilia de Nativitate Domini IV: PL Suppl. 2, 191.