CHA TÔI, NGƯỜI THỢ MỘC
Nguyễn Thái Hùng
Vào ngày 20 tháng 12
âm lịch hàng năm, những người làm nghề mộc đều dâng nén hương tưởng nhớ ông tổ
của nghề là Nguyễn Công Nghệ.
Vào
thời chúa Trịnh, chàng trai trẻ 18 tuổi có tay nghề làm mộc nổi tiếng ở xứ Bắc được
mời vào cung và giao nhiệm vụ tạo chiếc ngai vàng sao cho xứng tầm. Nhưng khi
hoàn thành, chàng trai đã bị giam vào ngục tối vì đã nằm vắt vẻo lên ngai ngủ một
cách ngon lành.
Sau
này, với tài nghệ khéo léo, cái tên Nguyễn Công Nghệ đã đi vào lịch sử của nghề
mộc và ông cũng chính là ông tổ của nghề mà mọi người ai ai cũng kính trọng và
luôn tưởng nhớ. Vì thế, tới vùng miền nào, ta cũng bắt gặp các làng nghề mộc
quanh năm rộn ràng tiếng cưa đục. Các nghệ nhân dân gian đã đem những tinh hoa
dân tộc hòa cùng ý tưởng dân dã vào từng thớ gỗ tạo nên những sản phẩm có giá
trị, quý, bền đẹp, có độ tuổi hàng trăm năm.
Ông tổ Nghề Mộc trên thế giới
Lỗ
Ban sinh ra ở nước Lỗ. Tên thật là Công Du Ban, còn gọi là Công Du Tử. Ông là một
kỹ sư xây dựng nổi tiếng và thợ thủ công trong lịch sử Trung Quốc và từng làm
quan trong bộ xây dựng.
Lỗ
Ban sinh vào ngày 7 tháng 5 năm 507 trước Công nguyên. Lúc ông được sinh ra, những
con sếu tụ tập lại và một mùi thơm kỳ lạ lan tỏa khắp ngôi nhà. Tất cả những
người dân đều ngạc nhiên. Đó là điềm lành chứng tỏ một vị Thần sắp chuyển sinh
vào thân người. Khi ông còn trẻ, ông không thích đọc và viết. Thay vào đó, ông
rất quan tâm đến những nghề thủ công mỹ nghệ như là điêu khắc. Khoảng 15 tuổi,
ông nhận ra mục đích trong cuộc sống của mình và đi học với thầy Đoan Mộc. Sau
nhiều tháng học hỏi thấu đáo, ông đã tinh thông nghề này.
Một ngày nọ, ông tình cờ gặp Cựu Bao. Họ
hàn huyên với nhau khá lâu. Cuối cùng, Lỗ Ban nhận Cựu Bao làm thầy và học điêu
khắc và học vẽ. Lỗ Ban muốn mang đến một cách nhìn hoàn toàn mới cho văn hóa
Trung Quốc. Lỗ Ban học tập với sự tập trung mạnh mẽ, học làm mộc, chạm đá, và
những kỹ năng khác. Ông đã sáng tạo ra nhiều công cụ kỳ diệu và dạy nhiều học
trò.
Lỗ
Ban cũng làm ra ngựa gỗ mà có thể tự đi bộ trên đất. Đây là một dạng thức sớm
nhất của “xe máy” được ghi chép lại. Trong thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã sử dụng
những con ngựa của Lỗ Ban để vận chuyển lương thực. Tuy nhiên, kỹ thuật này sau
đó đã mất.
Lỗ
Ban cũng làm ra nhiều công cụ mộc khác cho người Trung Quốc, ví dụ như móc
khoan, máy xay đá, xẻng, dụng cụ đo góc, mudou và thước đo. Người ta nói rằng Lỗ
Ban đã phát minh ra cái cưa sau khi tay của ông bị cắt bởi lá cỏ. Lỗ Ban cũng tạo
ra thang phá thành trong chiến tranh và chín dụng cụ sử dụng trong chiến tranh.
Ông cũng làm ra bản đồ đo vẽ địa hình 3 chiều từ sớm - Cửu Châu Đồ - được các
hoàng đế Trung Quốc đáng giá cao trong lịch sử. Thông qua những phát minh của
mình, Lỗ Ban đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân. (1) http://noithatducthien.com.vn/tin-tuc/tho-moc-va-lich-su-cua-nghe-moc.html
Nghề Mộc Trong Thánh Kinh
Trong
Kinh Thánh, các thợ mộc có vị trí quan trọng, như ông Giu-se làm nghề mộc.
Thánh
Giu-se hay Yuse từ tiếng Ý Giuseppe, từ tiếng Anh Joseph, từ tiếng Do Thái:
יוֹסֵף "Yosef"; tiếng Hy Lạp: Ἰωσήφ : nghĩa là xin Thiên Chúa thêm vào. Ông là con của Gia-cóp (Mt 1,16) hay Ê-li
(Lc 3,23), cũng là “con cháu Đa-vít” (Mt 1,20). Tại Na-da-rét, ông làm nghề
tektôn (x. Mt 13,55) có nghĩa là: thợ xây nhà, thợ làm gỗ, đá hay kim loại... Ông
đính hôn với Ma-ri-a (Mt 1,18; Lc 1,27). Ông đón nhận Hài Nhi, hôn thê Ma-ri-a
và đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 & Lc 1-2);
trong Phúc Âm ông được gọi là tektôn (thợ mộc), Đức Giê-su cũng được ông dạy và tinh thông nghề này (Mt 13,55).
Theo phong tục của người Do-thái, những cậu bé trai bắt đầu được giáo dục lao động để làm việc từ khi còn nhỏ, thường là học làm công việc của cha mình. Sau khi đã tròn 12 tuổi, đứa trẻ được coi là đủ chín chắn để tự chủ và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, kể cả trong việc lựa chọn công việc của mình nữa.
Chính vì
thế khi mười hai tuổi, con trẻ Giê-su sau khi cùng cha mẹ từ nhà lên thành
Giê-ru-sa-em để dự lễ Vượt qua đã muốn ở lại nơi Đền thờ để bắt tay vào làm
công việc của Cha mình (x. Lc 2,41-52).
Trong sách Mát-thêu, tác
giả gọi Giê-su là
con của một tekton (τέκτων) (Mt 13,55), còn Mác-cô thì gọi Giê-su chính là một tekton (Mc 6,3). Từ Hy-lạp tekton thường
được dịch theo nghĩa hẹp là “thợ mộc”, nhưng nghĩa rộng hơn (tek là
nguồn gốc các từ technical, technology chỉ kỹ
thuật, công nghệ) có thể bao gồm những người chế tạo vật dụng từ nhiều vật liệu
khác nhau không chỉ là gỗ; có thể bao gồm cả thợ xây, nhà điêu khắc, kiến trúc
sư... (2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_Giuse)
Người thợ mộc cần có kiến thức,
sức khỏe và kỹ năng cần thiết.
Ông biết những tính chất của gỗ
mà ông dùng. Ông có thể lấy gỗ từ các cây trồng ở địa phương như cây bách, sồi,
tuyết tùng, sung dây và ôliu... Ông phải vào rừng, chọn những cây thích hợp,
đốn xuống rồi kéo những khúc gỗ nặng về xưởng của mình.
Những sản phẩm để xây nhà như cắt
những cây xà để làm mái, làm bậc thang bên trong, cửa, cửa sổ và khung tường ...
Những sản phẩm đồ nội thất như
tủ, kệ hoặc cửa; ghế đẩu, ghế và bàn có kích thước lẫn hình dạng khác
nhau; cái nôi. Để trang trí một số đồ nội thất, có lẽ ông khảm vào các họa tiết
phức tạp. Để bảo trì và làm cho sản phẩm đẹp mắt, ông có thể phủ lên sáp ong,
véc-ni hoặc dầu.
Trong thùng dụng cụ của thợ mộc có : Cái cưa với khung bằng gỗ, gắn lưỡi kim loại có răng để
cưa theo chiều kéo xuống. Một thước vuông góc để định liệu công việc và
một cái dọi để canh các bề mặt theo chiều dọc. Trong thùng dụng cụ còn có
thước thăng bằng, một cây thước kẻ, một cái bàn bào lưỡi bén có thể điều chỉnh
để bào nhẵn miếng gỗ xù xì và một cái rìu để đốn cây. Cái tiện tay và
cái đục lỗ dùng để cắt và tạo hình những thanh gỗ. Một cái búa
gỗ dùng để đóng các chốt hoặc để táng vào cái đục. Một cái cưa tay nhỏ,
cái dao bào để tạo hình, và đinh. Một cái búa sắt và
cái rìu để làm phẳng gỗ. Một con dao cũng như các cái đục có
nhiều kích cỡ. Cái khoan tay hình cung. (3)
(https://wol.jw.org/vi/wol/d/r47/lp-vt/2010570)
Những đồ
dùng của người thợ mộc cũng được các ngôn sứ đề cập đến trong các sứ điệp của
các ngài.
Thợ mộc
thường có một xưởng làm việc và nhiều người còn có thể chế tác với những loại
vật liệu khác như đá, sắt, đồng cũng như làm trên gỗ (2Sm 5,11; 1Sb 14,1; Mc
6,3).
Ngôn sứ I-sai-a
đề cập bốn loại công cụ của thợ mộc gồm: Thước dây, thước đo góc, cái bào gỗ và
một cây rìu (x. Is 44,14).
Cây rìu
vừa được dùng để đẽo gỗ vừa để đốn cây. Rìu có một cái lưỡi bằng sắt được gắn
chặt vào cái cán gỗ với sợi dây da. (Đnl 19,5 và 2V 6,5).
Thời cổ
đại, người ta dùng loại dụng cụ bằng đá lửa (flint : là một loại khoáng
thạch trầm tích có rất nhiều ngoài thiên nhiên, khi cọ xát có thể tạo ra lửa,
loại đá lửa này rất rắn và có cạnh sắc bén nên được người cổ đại dùng làm nhiều
loại công cụ khác nhau) có hình dáng thuôn dài để làm cây cưa. Sau này, cưa
được làm bằng dải kim loại gắn trong khung bằng gỗ.
Cây cưa
của thợ mộc cũng được đề cập trong Kinh Thánh ở 1V 7,9.
Những
cây búa được làm bằng đá hoặc kim loại và những cái vồ bằng gỗ. Ngôn sứ
Giê-rê-mi-a cũng có nhắc đến việc sử dụng búa và đinh (Gr 10,4).
Việc sử
dụng cây dùi cũng được đề cập trong Xh 21,6 và Đnl 15,17. Những công cụ dùng
cho việc khoan, chạm khắc thường có cán cầm làm bằng xương thú. (4) (http://truongbuudiepapt.net/vung-niem-tin/tho-moc-doi-song-thoi-kinh-thanh.html)
Chúa
Giê-su không những là con bác thợ mộc (Mt
13,55) mà chính là anh thợ mộc lành nghề (Mc
6,3) được nhiều người yêu quý.
Khi
ra mắt dân chúng và rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã nói với đám đông
: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của
người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh
lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi
có cả một cái xà trong con mắt anh?”(Mt 7,3-4) Người thợ mộc biết cây đà
làm nhà lớn thế nào so với cái rác nhỏ
bé!
Khi
có người xin đi theo nhưng lại xin phép từ biệt gia đình trước đã, Chúa Giê-su
đã nói : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn
ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62)
Một trong những lời mời nồng ấm và
dịu dàng của Chúa Giê-su liên quan đến một dụng cụ mà người thợ mộc làm. Ngài
nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang
gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang
lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ
nhàng.” (Mt 11.28-30). Chắc chắn, Chúa Giê-su biết cách làm ách “dễ chịu”, tức vừa vặn,
chứ không gây phồng giộp.
Với kiến thức của một người thợ
xây lành nghề, Chúa Giê-su mời gọi những ai đến với Ngài để trở thành những môn
đệ chân chính đó là phải biết lắng nghe và đem ra thực hành Lời Ngài, “Người ấy ví được như một người khi xây nhà,
đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa
vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà
không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng.
Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.” (Lc 6,48-49).
Cha Tôi, Người Thợ Mộc
Sau
năm 1975, với kiến thức nghề mộc, ba tôi vào làm cho Công ty quốc doanh Cao Su,
trở thành một người thợ lặng lẽ bên công việc của mình. Và cũng để nuôi dưỡng
ơn gọi cho 2 anh em.
Năm
nay, thu lại đến. Đây là giỗ lần thứ 8 của ba. Tôi mới viết về ba. Tên thánh của
ba là Phêrô. Như Phêrô của Chúa. Thẳng thắn và cương nghị. Luôn ngửng cao đầu. Không
chịu cúi lưng trước người khác. Luôn chia sẻ và cho đi. Cuộc sống đầy thứ tha.
Nghề nghiệp lại là thợ mộc. Như thánh Giu-se. Dưỡng phụ của Chúa
Giê-su. Âm thầm và lặng lẽ chu toàn thánh ý của Chúa.
Tôi
nghe kể rằng, sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh lỵ Phước Long bình địa. Gia đình
phải về Phước Vĩnh, nương tựa trong mảnh đất của Giáo xứ. Trước là để có nơi ở,
sau là giữ Nhà Thờ Giáo xứ. Vì sợ hãi, mà nhiều giáo dân đã lấy đinh đóng cửa Nhà
Thờ tránh bị chiếm lấy.
Mảnh
đất của gia đình tại đây hồi thập niên 60 đang bị một người lạ chiếm lấy. Những
người hàng xóm bảo làm đơn xin lại, họ sẽ làm chứng cho. Nhưng cha tôi nói: “Họ
ở rồi thì thôi vậy!.” Và lại bắt đầu làm việc từ đầu.
Trong
thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, trong những dịp nghỉ, tôi về phụ giúp gia
đình. Giúp ba khai hoang đất đai. Nhiều mảnh đất sau này không thấy còn canh
tác. Hỏi ra, ba đã cho người ta rồi.
Chính
tấm lòng rộng rãi của ba vẫn còn ảnh hưởng đến con cái chúng tôi hôm nay.
Một
lần, tôi nghe kể, căn nhà mà ba làm (2010) trước khi mất (2012) là căn nhà thứ
mười ba.
Tôi
còn nhớ căn nhà tại Đức Bổn, nơi tôi sinh ra (1959), mái nứa, bốn bên thưng
tre, trước mặt là con đương làng. Xa hơn một tí là giòng sông êm ả trôi. Có lẻ
trước đó là một căn nhà tạm bợ, vì chúng tôi di dân từ An Du Bắc, Vĩnh Linh, Quảng
Trị vào.
Khi
lên Phước Vĩnh, chắc chắn ba đã làm một căn nhà mới tạm bợ. Một căn nhà gỗ
khang trang hơn được hoàn thành vào năm 1968. Mùa xuân này nó đã bị phá hủy.
Một
căn nhà mới khác xuất hiện ở Nhơn Hòa I khi gia đình chạy vào đó ẩn cư.
Lại
một căn nhà nữa được cất lên tại trung tâm tỉnh lỵ Phước Long. Nhà tôn, vách
ván. Nhưng căn nhà này bị tiêu hủy hoàn toàn khi Phước Long được giải phóng vào
ngày 6 tháng giêng 1975.
Giữa
những đau thương và mất mát, gia đình lại phải tìm về nơi chốn cũ để tìm cách sống
sót. Phước Vĩnh là nơi chốn cũ, cùng nhiều bà con thân thuộc, và cũng có nhiều
đất đai để khai hóa. Và ba tôi đã chọn nơi này và nương nhờ trên mảnh đất của
giáo xứ, ở sát cạnh bên Nhà Thờ.
Một
căn nhà mái tranh được cất lên. Bốn bên thưng tre nứa. Ban đêm, ngồi đọc kinh,
thấy có những con vật nhỏ rơi xuống trước mặt. Nhìn kỹ, chúng là những con bò cạp
từ trên mái tranh rơi xuống.
Khi
khá lên, ba tôi đã thay ngôi nhà tranh vách nứa bằng ngôi nhà tôn vách ván.
Năm
1991, khi có linh mục về làm quản xứ, gia đình đã trả lại đất cho giáo xứ, và
di chuyển cách đó khoảng 300m. Một căn nhà khác đã xuất hiện.
Chính
tại nơi đây, năm 2010, ba tôi đã làm căn nhà thứ 13, khang trang và thoáng mát. Và ba đã ra đi
ngày 26 tháng 10 năm 2012.
Trong
lần giỗ thứ 8 này, chúng con quây quần bên ba/ông, với những lòi kinh thương nhớ,
với những thánh lễ hy sinh ... tất cả đều nói lên rằng ba/ông vẫn còn mãi trong
tâm hồn chúng con. Một di sản mà ba/ông để lại cho chúng con là : Sống yêu
thương – luôn phó thác vào Thiên Chúa và yêu mến Mẹ Maria qua trang chuỗi Mân côi.
Nhớ ba
Nguyễn
Thái Hùng
Tháng 10 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét