Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’, chương hai, tiếp theo
Các nhân vật của câu chuyện
72. Dụ ngôn bắt đầu với những tên cướp. Chúa Giêsu chọn bắt đầu câu chuyện khi vụ cướp đã xảy ra, kẻo chúng ta chăm chú vào chính tội ác hoặc những kẻ trộm đã phạm tội ác đó. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ những người đó. Chúng ta đã thấy, đang tiến bước trong thế giới của chúng ta là những bóng đen của sự bỏ rơi và bạo lực nhằm phục vụ các quyền lợi nhỏ mọn của quyền lực, thu góp và chia rẽ. Câu hỏi thực sự là: chúng ta sẽ bỏ rơi người đàn ông bị thương để chạy tìm nơi trú ẩn khỏi bạo lực, hay chúng ta sẽ truy đuổi những tên cướp? Liệu người đàn ông bị thương có kết cục trở thành người biện minh cho các chia rẽ không thể hàn gắn, sự thờ ơ tàn nhẫn của chúng ta, các xung đột nội bộ của chúng ta hay không?
73. Sau đó, dụ ngôn yêu cầu chúng ta xem xét kỹ hơn những người qua đường. Sự thờ ơ lo lắng khiến họ bước qua phía bên kia đường – bất kể là vô tội hay không, bất kể là do khinh bỉ hay chỉ là do lơ đễnh - khiến thầy tư tế và thầy Lêvi trở thành một hình ảnh phản chiếu đáng buồn khoảng cách ngày càng lớn giữa chúng ta và thế giới xung quanh. Có nhiều cách để bước qua ở một khoảng cách an toàn: chúng ta có thể rút vào chính mình, phớt lờ người khác, hoặc thờ ơ với cảnh ngộ của họ. Hoặc chỉ đơn giản nhìn đi nơi khác, như ở một số quốc gia, hoặc một số khu vực của họ, có sự khinh miệt đối với người nghèo và văn hóa của họ, và người ta nhìn đi chỗ khác, như thể một kế hoạch phát triển được nhập từ bên ngoài sẽ đẩy lui họ. Đây là cách một số người biện minh cho sự thờ ơ của họ: người nghèo, những người mà những lời cầu xin giúp đỡ có thể chạm đến trái tim của họ, đơn giản không hiện hữu. Người nghèo nằm ngoài phạm vi quan tâm của họ.
74. Về những người qua đường, ta thấy một chi tiết nổi bật: họ là người tôn giáo, tận tâm thờ phượng Chúa: một tư tế và một thầy Lêvi. Không nên bỏ qua chi tiết này. Nó cho thấy niềm tin vào Thiên Chúa và sự thờ phượng Thiên Chúa không đủ để bảo đảm rằng chúng ta đang thực sự sống đẹp lòng Thiên Chúa. Một tín hữu có thể không chân thật đối với mọi điều được đức tin của họ đòi hỏi nơi họ, nhưng vẫn nghĩ rằng họ gần gũi với Thiên Chúa và tốt hơn những người khác. Mặt khác, có những cách sống đức tin tạo điều kiện cho việc cởi mở đối với người khác; và lối này mới bảo đảm việc cởi mở đích thực đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Chrysostom đã phát biểu điều này một cách sắc cạnh khi ngài thách thức các Kitô hữu nghe ngài rằng: “anh chị em có muốn tôn vinh thân thể của Đấng Cứu Thế không? Đừng khinh thường nó khi nó trần truồng. Đừng tôn vinh nó trong nhà thờ với lễ phục bằng lụa trong khi ở bên ngoài nó trần truồng và tê cóng vì lạnh” [58]. Nghịch lý thay, những người cho mình là người không tin đôi khi có thể thực hành ý muốn của Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu.
75. “Kẻ cướp” thường tìm đồng minh bí mật ở những người “đi ngang qua và nhìn đi hướng khác”. Có một sự tương tác nào đó giữa những kẻ thao túng và lừa đảo xã hội, và những người, trong khi tự cho mình là những người chỉ trích khách quan và vô tư, nhưng thực ra sống dựa nhờ hệ thống đó và các lợi ích của nó. Có một sự đạo đức giả đáng buồn khi quyền đặc miễn tội phạm, việc sử dụng các định chế để trục lợi cá nhân hoặc tập đoàn, và những tệ nạn khác dường như không thể diệt trừ được, thường đi kèm với việc chỉ trích không ngừng về đủ mọi chuyện, một việc không ngừng gieo rắc nghi ngờ dẫn đến việc mất lòng tin và nhầm lẫn. Khiếu nại cho rằng "mọi sự đều đã đổ vỡ" được trả lời bằng chủ trương cho là "nó không thể sửa được" hoặc "tôi làm gì được?" Điều này càng làm gia tăng sự vỡ mộng và tuyệt vọng, và khó mà khuyến khích tinh thần liên đới và quảng đại. Dấn sâu con người vào tuyệt vọng khép lại một vòng tròn hoàn toàn sai trái: đó là nghị trình của nền độc tài vô hình của các quyền lợi giấu mặt đã giành được quyền làm chủ cả các tài nguyên lẫn khả thể suy nghĩ và bày tỏ ý kiến.
76. Cuối cùng chúng ta hãy hướng về người đàn ông bị thương. Có những lúc chúng ta cảm thấy như ông ta, bị tổn thương nặng nề và bị bỏ lại ở vệ đường. Chúng ta cũng có thể cảm thấy bất lực vì các định chế của chúng ta bị bỏ bê và thiếu tài nguyên, hoặc chỉ đơn giản phục vụ lợi ích của một thiểu số, bên ngoài và bên trong. Thật vậy, “xã hội hoàn cầu hóa thường có một cách chuyển dịch cái nhìn một cách tao nhã. Dưới chiêu bài chính xác về chính trị hay hợp thời thượng ý thức hệ, chúng ta chỉ nhìn những người đau khổ chứ không chạm vào họ. Chúng ta truyền hình trực tiếp các hình ảnh về họ, thậm chí nói về họ bằng nhiều uyển ngữ và đầy khoan dung biểu kiến” [59].
Bắt đầu lại
77. Mỗi ngày đều mang đến cho chúng ta một cơ hội mới, một khả thể mới. Chúng ta không nên mong đợi mọi sự từ những người cai trị chúng ta, vì điều đó có tính con nít. Chúng ta có không gian cần thiết để cùng chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và áp dụng các diễn trình và thay đổi mới. Chúng ta hãy tham gia tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta. Hôm nay, chúng ta có cơ hội lớn để phát biểu tình huynh đệ bẩm sinh của mình, trở thành những Người Samaritanô nhân hậu, những người gánh nỗi đau rắc rối của người khác thay vì xúi giục lòng căm thù và oán giận lớn hơn. Giống như người du hành tình cờ trong dụ ngôn, chúng ta chỉ cần có lòng mong muốn thuần túy và đơn giản được là một dân tộc, một cộng đồng, không ngừng và không mệt mỏi cố gắng bao gồm, hòa nhập và nâng đỡ những người vấp ngã. Có thể chúng ta thường thấy mình rơi vào não trạng của những kẻ bạo lực, tham vọng một cách mù quáng, những kẻ gieo rắc ngờ vực và dối trá. Có thể những người khác cứ tiếp tục coi chính trị hoặc kinh tế như một đấu trường cho những cuộc chơi quyền lực của họ. Về phần mình, chúng ta hãy cổ vũ điều tốt và đặt mình phục vụ nó.
78. Chúng ta có thể bắt đầu từ bên dưới và tùy từng trường hợp, hành động ở các bình diện cụ thể nhất và có tính địa phương, và, sau đó mở rộng đến những vùng xa xôi nhất của đất nước và thế giới của chúng ta, với cùng sự quan tâm và chăm sóc mà người Samaritanô đã biểu lộ với từng vết thương của người đàn ông bị thương. Chúng ta hãy tìm kiếm người khác và đón nhận thế giới trong hiện trạng của có, mà không sợ đau đớn hay cảm thức bất cập, vì ở đó chúng ta sẽ khám phá ra tất cả những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã gieo trồng vào lòng con người. Những khó khăn tưởng chừng như quá sức lại là cơ hội để phát triển, chứ không phải là lý do bào chữa cho một sự nhẫn nhục ủ rũ chỉ có thể dẫn đến sự phục tùng. Tuy nhiên, chúng ta đừng làm điều này một mình, với tư cách cá nhân. Người Samaritanô đã phát hiện được một người chủ quán vui lòng chăm sóc người đàn ông; chúng ta cũng được kêu gọi đoàn kết như một gia đình mạnh hơn tổng số các thành viên cá thể nhỏ mọn. Vì “toàn thể lớn hơn bộ phận, nhưng nó cũng lớn hơn tổng số các bộ phận của nó” [60]. Chúng ta hãy từ bỏ óc nhỏ nhen và oán giận của cuộc chiến nội bộ vô bổ và không ngừng đối kháng. Chúng ta hãy ngưng việc thương hại mình để thừa nhận tội ác, sự thờ ơ, các dối trá của mình. Sự đền bù và hòa giải sẽ mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi.
79. Người Samaritanô, người đã dừng lại dọc đường, đã lên đường mà không hề mong đợi được công nhận hay biết ơn. Nỗ lực giúp đỡ một người khác của ông đã mang lại cho ông một sự hài lòng to lớn trong cuộc sống và trước mặt Thiên Chúa của ông, và do đó trở thành một nghĩa vụ. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với những người bị thương, những người của dân tộc chúng ta và của mọi dân tộc trên trái đất. Chúng ta hãy quan tâm đến nhu cầu của mọi người nam và người nữ, người trẻ và người già, với cùng một tinh thần chăm sóc và gần gũi huynh đệ từng lên đặc điểm cho người Samaritanô nhân hậu.
80. Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu để trả lời cho câu hỏi: Ai là người hàng xóm của tôi? Chữ “người hàng xóm”, trong xã hội thời Chúa Giêsu, thường có nghĩa là những người gần chúng ta nhất. Người ta cảm thấy sự giúp đỡ chủ yếu nên được dành cho những người thuộc nhóm và chủng tộc riêng của mình. Đối với một số người Do Thái thời đó, người Samaritanô bị coi thường, bị coi là không trong sạch. Họ không nằm trong số những người phải giúp đỡ. Chúa Giêsu, bản thân là một người Do Thái, hoàn toàn biến đổi cách tiếp cận này. Người yêu cầu chúng ta không nên quyết định xem ai là người đủ gần gũi để trở thành người hàng xóm của chúng ta, mà đúng hơn chính chúng ta phải trở thành người hàng xóm cho mọi người.
81. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hiện diện với những người cần giúp đỡ, bất kể họ có thuộc nhóm xã hội của chúng ta hay không. Trong trường hợp này, người Samaritanô trở thành hàng xóm của người Giuđêa bị thương. Bằng cách tiếp cận và làm cho mình hiện diện, ông đã vượt qua mọi rào cản về văn hóa và lịch sử. Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng câu: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:37). Nói cách khác, Người thách thức chúng ta gạt bỏ mọi dị biệt và, đứng trước đau khổ, sẵn sàng đến gần người khác mà không cần thắc mắc. Tôi không nên nói tôi có người hàng xóm để giúp đỡ, mà bản thân tôi phải là người hàng xóm cho người khác.
82. Tuy nhiên, dụ ngôn này có làm ta bối rối, vì Chúa Giêsu nói rằng người bị thương là người Giuđêa, trong khi người dừng lại và giúp đỡ ông ta là người Samaria. Chi tiết này khá có ý nghĩa đối với sự suy gẫm của chúng ta về một tình yêu bao gồm mọi người. Người Samaria sống trong một khu vực thực hành các nghi lễ ngoại giáo. Đối với người Do Thái, điều này khiến họ trở nên ô uế, đáng ghét và nguy hiểm. Thực thế, một bản văn cổ Do Thái đề cập đến các quốc gia bị ghét bỏ, nói về Samaria “thậm chí không phải là một dân tộc” (Hc 50:25); nó cũng nhắc đến “dân ngu xuẩn sống ở Shechem” (50:26).
83. Điều này giải thích tại sao một phụ nữ Samaria, khi được Chúa Giêsu xin uống nước, đã trả lời cộc lốc: “Làm sao mà ông, một người Do Thái, lại xin nước uống của tôi, một phụ nữ Samaria?” (Ga 4: 9). Lời buộc tội xúc phạm nhất mà những ai tìm cách làm mất uy tín của Chúa Giêsu có thể đưa ra là Người bị “quỉ ám” và là “người Samaritanô” (Ga 8:48). Vì vậy, cuộc gặp gỡ lòng thương xót này giữa một người Samaritanô và một người Do Thái có tính kích thích; nó không chừa chỗ cho sự thao túng ý thức hệ và thách thức chúng ta mở rộng biên giới của chúng ta. Nó mang lại một chiều kích phổ quát cho ơn gọi yêu thương của chúng ta, một chiều kích vượt quá mọi định kiến, mọi rào cản lịch sử và văn hóa, mọi quyền lợi nhỏ nhặt.
Lời nài xin của người khách lạ
84. Cuối cùng, tôi xin lưu ý rằng trong một đoạn Tin Mừng khác, Chúa Giêsu nói: “Ta là khách lạ và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25:35). Chúa Giêsu có thể nói những lời đó vì Người có tấm lòng rộng mở, nhạy cảm đối với các khó khăn của người khác. Thánh Phaolô thúc giục chúng ta hãy “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12:15). Khi trái tim chúng ta làm được điều này, chúng có khả năng đồng nhất với những người khác mà không cần lo lắng về việc họ sinh ra hoặc phát xuất từ đâu. Trong khi đó, chúng ta cảm nghiệm được người khác như là “thịt máu của chính mình” (Is 58: 7).
85. Đối với các Kitô hữu, lời lẽ của Chúa Giêsu còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Chúng buộc chúng ta phải nhận ra chính Chúa Kitô trong mỗi người anh chị em bị bỏ rơi hoặc bị loại trừ (x. Mt 25: 40,45). Đức tin có năng lực vô hạn trong việc truyền cảm hứng và duy trì lòng tôn trọng của chúng ta đối với người khác, vì các tín hữu biết rằng Thiên Chúa yêu mọi người nam nữ bằng một tình yêu vô hạn và “do đó ban cho nhân loại phẩm giá vô hạn” [61]. Chúng ta cũng tin rằng Chúa Kitô đã đổ máu mình vì mỗi người chúng ta và không ai nằm ngoài phạm vi tình yêu phổ quát của Người. Nếu chúng ta đi đến nguồn gốc cuối cùng của tình yêu đó, một tình yêu vốn là chính sự sống của Thiên Chúa ba ngôi, chúng ta sẽ gặp trong cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn gốc và hình mẫu hoàn hảo của mọi cuộc sống xã hội. Thần học tiếp tục được phong phú hóa bởi sự suy tư của nó về sự thật vĩ đại này.
86. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao, dưới ánh sáng của điều này, phải mất quá nhiều thời gian để Giáo hội có thể dứt khoát lên án chế độ nô lệ và các hình thức bạo lực khác nhau. Ngày nay, với nền linh đạo và thần học phát triển của chúng ta, chúng ta không có lý do gì để bào chữa. Tuy nhiên, vẫn có những người dường như cảm thấy được khuyến khích hoặc ít nhất được đức tin cho phép ủng hộ hàng loạt các chủ nghĩa duy dân tộc đầy hẹp hòi và bạo lực, bài ngoại và khinh miệt, và thậm chí cả việc ngược đãi những người khác biệt. Đức tin, và chủ nghĩa nhân bản được đức tin truyền cảm hứng, phải duy trì một cảm thức có phê phán khi đứng trước những khuynh hướng này, và đưa ra phản ứng ngay lập tức bất cứ khi nào chúng xuất đầu lộ diện. Vì lý do này, điều quan trọng là việc dạy giáo lý và thuyết giảng phải nói một cách trực tiếp và rõ ràng hơn về ý nghĩa xã hội của hiện sinh, chiều kích huynh đệ của linh đạo, niềm xác tín của chúng ta về phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người, và các lý do khiến chúng ta yêu thương và chấp nhận mọi anh chị em của mình.
Kỳ tới: CHƯƠNG BA: DỰ KIẾN VÀ PHÁT SINH MỘT THẾ GIỚI CỞI MỞ
VietCatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét