Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, Chương Bẩy, tiếp theo và hết
CHIẾN TRANH VÀ ÁN TỬ HÌNH
255. Có hai tình huống cực đoan có lúc đã được coi như giải pháp trong những hoàn cảnh đặc biệt bi thảm, mà không nhận ra rằng đó là những giải đáp sai lầm không giải quyết được vấn đề mà chúng có ý định giải quyết và cuối cùng không thể làm gì hơn là du nhập các yếu tố phá hoại mới vào kết cấu xã hội quốc gia và hoàn cầu. Đó là chiến tranh và án tử hình.
Sự bất công của chiến tranh
256. “Lòng kẻ mưu điều ác chất đầy chuyện lừa đảo, người cổ võ hoà bình được chan chứa niềm vui” (Cn 12:20). Tuy nhiên, có những người tìm kiếm giải pháp trong chiến tranh, thường xuyên được khuyến khích bởi sự đổ vỡ liên hệ, tham vọng bá quyền, lạm dụng quyền lực, sợ hãi người khác và có xu hướng coi sự đa dạng là một trở ngại [237]. Chiến tranh không phải là bóng ma từ quá khứ mà là mối đe dọa thường trực. Thế giới của chúng ta đang gặp phải những khó khăn ngày càng tăng trên con đường chậm chạp dẫn đến hòa bình mà nó đã khởi diễn và đã bắt đầu đơm hoa kết trái tốt đẹp.
257. Vì các điều kiện tạo thuận lợi cho sự bùng nổ chiến tranh lại một lần nữa gia tăng, tôi chỉ có thể nhắc lại rằng “chiến tranh là sự phủ nhận mọi quyền lợi và là một cuộc tấn công bi đát vào môi trường. Nếu chúng ta muốn một cuộc phát triển con người toàn diện đích thực cho mọi người, chúng ta phải làm việc không mệt mỏi để tránh chiến tranh giữa các quốc gia và dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, cần phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật không bị thách thức và không mệt mỏi sử dụng thương lượng, hòa giải và trọng tài, như Hiến chương Liên hiệp quốc đã đề xướng, một hiến chương vốn thực sự trở thành quy phạm pháp chế nền tảng” [238]. Bảy mươi lăm năm kể từ khi Liên hiệp quốc được thành lập và kinh nghiệm của hai mươi năm đầu tiên của thiên niên kỷ này đã cho thấy: việc áp dụng đầy đủ các quy phạm quốc tế thực sự chứng tỏ có hiệu quả, và việc không tuân thủ các quy tắc đó là điều gây tai hại. Hiến chương Liên hiệp quốc, khi được tuân thủ và áp dụng một cách minh bạch và chân thành, là một điểm tham chiếu công lý bắt buộc và là một máng chuyển hòa bình. Ở đây không thể có chỗ cho việc ngụy tạo những ý định sai trái hoặc đặt quyền lợi đảng phái của một quốc gia hoặc một nhóm lên trên quyền lợi chung hoàn cầu. Nếu các quy tắc được coi chỉ như các phương tiện được sử dụng bất cứ khi nào nó tỏ ra có lợi thế, và bị bỏ qua khi không có lợi thế, thì các lực lượng vô kỷ luật sẽ xổ lồng gây tổn hại nghiêm trọng cho xã hội, cho người nghèo và người dễ bị tổn thương, cho các mối liên hệ huynh đệ, cho môi trường và cho di sản văn hóa, với những mất mát không thể bù đắp cho cộng đồng hoàn cầu.
258. Chiến tranh có thể dễ dàng được lựa chọn bằng cách viện ra mọi lý do được cho là nhân đạo, phòng thủ hoặc đề phòng, và thậm chí sử dụng đến việc thao túng thông tin. Trong những thập niên gần đây, mọi cuộc chiến tranh đơn nhất đều được coi là “chính đáng”. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói về khả thể phòng vệ chính đáng bằng sức mạnh quân sự, bao gồm việc chứng minh rằng một số “điều kiện nghiêm ngặt của tính hợp pháp về mặt đạo đức” [239] đã được đáp ứng. Tuy nhiên, người ta rất dễ rơi vào cách hiểu quá rộng rãi về cái quyền có thể có này. Vì theo cách này, một số người cũng có thể biện minh một cách sai lầm cả những cuộc tấn công “ngăn ngừa” hoặc các hành vi chiến tranh khó tránh được việc kéo theo “các tội ác và rối loạn còn tệ hơn cả tội ác cần được loại bỏ” [240]. Vấn đề là từ ngày có sự phát triển các vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, cũng như những khả thể to lớn và ngày càng gia tăng của các kỹ thuật mới, chiến tranh đã có thêm một sức mạnh hủy diệt không ai kiểm soát nổi đang tác hại lên rất nhiều dân thường vô tội. Rõ ràng là “chưa bao giờ loài người có sức mạnh như vậy trên chính mình, nhưng cũng không có gì bảo đảm họ sẽ sử dụng nó một cách khôn ngoan” [241]. Do đó, chúng ta sẽ không thể coi chiến tranh như một giải pháp, bởi vì những rủi ro của nó có lẽ luôn lớn hơn những lợi ích giả định mà người ta vốn gán cho nó. Ngày nay, khi đứng trước thực tại này, người ta rất khó bênh vực các tiêu chuẩn hợp lý, từng chín mùi trong các thế kỷ trước, để nói về một cuộc “chiến tranh chính nghĩa” có thể có. Không bao giờ còn xảy ra chiến tranh nữa! [242].
259. Cần phải nói thêm rằng, với việc gia tăng hoàn cầu hóa, điều xem ra như một giải pháp tức thì hoặc thiết thực cho một phần của thế giới sẽ khởi diễn một chuỗi các hậu quả bạo lực và thường tiềm ẩn, kết cục sẽ gây hại cho toàn bộ hành tinh và mở đường cho các cuộc chiến tranh mới và tồi tệ hơn trong tương lai. Trong thế giới ngày nay, không còn chỉ là những cuộc bùng nổ chiến tranh đơn lẻ ở quốc gia này hay quốc gia nọ; thay vào đó, chúng ta đang trải qua một "cuộc chiến tranh thế giới từng phần", vì vận mệnh của các quốc gia được liên kết chặt chẽ với nhau trên khung cảnh hoàn cầu.
260. Theo lời Thánh Gioan XXIII, “chủ trương cho rằng chiến tranh là một công cụ thích đáng để sửa chữa các vi phạm công lý là điều không còn ý nghĩa gì nữa” [243]. Khi đưa ra quan điểm này trong bối cảnh căng thẳng quốc tế lớn lao, ngài đã nói lên khát vọng hòa bình ngày càng gia tăng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngài ủng hộ niềm xác tín cho rằng các lập luận phò hòa bình mạnh hơn bất cứ tính toán nào về quyền lợi đặc thù và niềm tin tưởng nào vào việc sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, người ta đã không nắm vững các cơ hội do việc kết liễu Chiến tranh Lạnh mang lại vì thiếu viễn kiến đối với tương lai và ý thức chung về vận mệnh chung của chúng ta. Thay vào đó, người ta thấy việc theo đuổi quyền lợi đảng phái mà không đề cao quyền lợi phổ quát là điều dễ dàng hơn nhiều. Bóng ma chiến tranh hãi hùng, do đó, đã bắt đầu có được một nền tảng mới.
261. Mọi cuộc chiến đều khiến thế giới chúng ta trở nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một thất bại nhức nhối trước các thế lực xấu xa. Chúng ta đừng sa lầy vào các cuộc thảo luận lý thuyết, mà hãy chạm vào da thịt bị thương của các nạn nhân. Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn vào những vụ giết hại thường dân được coi như “thiệt hại phụ”. Chúng ta hãy hỏi chính các nạn nhân. Chúng ta hãy nghĩ tới những người tị nạn và di tản, những người chịu hậu quả của phóng xạ nguyên tử hoặc các cuộc tấn công bằng chất hóa học, những người mẹ mất con và những cậu bé và cô bé bị tàn tật hoặc tước mất tuổi thơ. Chúng ta hãy nghe những câu chuyện có thật về những nạn nhân bị bạo hành này, hãy nhìn vào thực tại bằng con mắt của họ và lắng nghe những câu chuyện họ kể bằng một trái tim rộng mở. Bằng cách này, chúng ta mới có thể nắm bắt được vực thẳm sự ác ở tâm điểm chiến tranh. Chúng ta cũng sẽ không bối rối khi bị coi là ngây thơ vì lựa chọn hòa bình.
262. Tự chúng, các quy tắc sẽ không đủ nếu chúng ta tiếp tục nghĩ rằng giải pháp cho các vấn đề hiện tại là răn đe bằng sợ hãi hoặc đe dọa vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học. Thật vậy, “nếu chúng ta xem xét các mối đe dọa chính đối với hòa bình và an ninh với nhiều chiều kích của chúng trong thế giới đa cực của thế kỷ XXI này, chẳng hạn, như chủ nghĩa khủng bố, các xung đột bất đối xứng, an ninh mạng, các vấn đề môi trường, nghèo đói, thì không ít nghi ngờ sẽ nảy sinh liên quan đến sự bất cập của khả năng răn đe hạt nhân như một giải đáp hữu hiệu cho các thách thức như vậy. Những lo ngại này càng lớn hơn khi chúng ta xem xét các hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường sẽ xảy ra sau bất cứ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào, với những hậu quả tàn phá, bừa bãi và không thể kiểm soát được, theo thời gian và không gian… Chúng ta cũng cần tự hỏi mình rằng sự ổn định dựa trên sợ hãi sẽ bền vững ra sao, khi nó thực sự làm tăng nỗi sợ hãi và phá hoại các mối liên hệ tin cậy giữa các dân tộc. Hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên cảm thức an toàn giả tạo, dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau hoặc hủy diệt hoàn toàn, hoặc chỉ dựa vào việc duy trì sự cân bằng quyền lực… Trong bối cảnh này, mục tiêu cuối cùng của việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trở thành một thách thức và mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo… Sự liên lập và hoàn cầu hóa ngày một gia tăng có nghĩa là bất cứ giải đáp nào đối với mối đe dọa vũ khí hạt nhân đều phải mang tính tập thể và phối hợp, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng này chỉ có thể được xây dựng nhờ cuộc đối thoại thực sự hướng đến lợi ích chung chứ không phải để bảo vệ các lợi ích dấu mặt hoặc đặc thù nào” [244]. Với số tiền chi cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ hoàn cầu [245] để cuối cùng có thể chấm dứt nạn đói và tạo điều kiện cho việc phát triển ở các nước nghèo nhất, để công dân của họ không phải dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc viển vông, hoặc phải rời khỏi đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn.
Án tử hình
263. Có một cách khác để loại bỏ những người khác, một cách không nhắm vào các quốc gia mà nhắm vào các cá nhân. Đó là án tử hình. Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rõ ràng và chắc chắn rằng hình phạt tử hình không phù hợp với quan điểm luân lý và không còn cần thiết xét theo quan điểm công lý hình sự [246]. Không thể lùi bước khỏi chủ trương này. Ngày nay chúng ta tuyên bố rõ ràng rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được” [247] và Giáo hội kiên quyết kêu gọi bãi bỏ hình phạt này trên toàn thế giới [248].
264. Trong Tân Ước, trong khi các cá nhân được yêu cầu không được tự mình đoạt lấy công lý (x. Rm 12, 17.19), thì người ta cũng thừa nhận sự cần thiết phải có các thẩm quyền để áp đặt các hình phạt lên những kẻ bất lương (x. Rm 13: 4). (1 Pr 2:14). Thật vậy, “đời sống công dân, được cấu trúc xung quanh một cộng đồng có tổ chức, cần các quy tắc để sống chung, những qui tắc mà việc cố ý vi phạm chúng sẽ đòi phải có biện pháp uốn nắn thích đáng” [249]. Điều này có nghĩa là thẩm quyền công cộng hợp pháp có thể và phải “trừng phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm” [250] và quyền tư pháp phải được bảo đảm “sự độc lập cần thiết trong lĩnh vực luật pháp” [251].
265. Từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, một số người đã rõ ràng phản đối hình phạt tử hình. Thí dụ, Lactantius cho rằng “không nên có ngoại lệ nào cả; việc giết một con người luôn luôn là điều bất hợp pháp” [252]. Đức Giáo Hoàng Nicholas I đã thúc giục để các nỗ lực phải được thực hiện "nhằm giải thoát khỏi án tử hình không những mọi người vô tội, mà cả mọi người có tội nữa" [253]. Trong phiên tòa xét xử những kẻ sát hại hai linh mục, Thánh Augustinô đã yêu cầu thẩm phán không lấy mạng những kẻ sát nhân với lý lẽ này: “Chúng tôi không phản đối việc ngài tước quyền tự do phạm tội ác thêm của những kẻ ác này. Mong muốn của chúng tôi là ngài để lại sự sống cho họ và không làm què cụt bất cứ bộ phận cơ thể nào của họ. Và, đồng thời, bằng các biện pháp cưỡng chế do luật pháp quy định, họ nên được biến đổi từ cơn giận dữ phi lý của họ thành sự thanh thản của những người có tâm trí lành mạnh, và từ việc làm xấu xa của họ thành một việc làm có ích nào đó. Điều này cũng được coi như một việc kết án, nhưng một kết án chỉ bao gồm một tình trạng trong đó sự táo bạo phạm tội không còn được tự do hành động và trong đó người ta có thời gian để ăn năn, phải được coi như một ơn ích hơn là một biện pháp trừng phạt đơn thuần… Hãy trừng phạt điều ác nhưng không quên điều phải có đối với nhân tính; ước chi các tàn ác của những kẻ phạm pháp không trở thành dịp để ngài vui hưởng khoái cảm trả thù, nhưng như những vết thương để ngài quan tâm chữa lành” [254].
266. Sợ hãi và phẫn nộ có thể dễ dàng dẫn đến việc xem hình phạt một cách đầy báo thù và thậm chí tàn nhẫn, thay vì là một phần của diễn trình chữa lành và tái hòa nhập vào xã hội. Ngày nay, “trong một số lĩnh vực chính trị và một số phương tiện truyền thông nào đó, bạo lực và trả thù công cộng và tư riêng được kích thích, không những chống lại những người chịu trách nhiệm vi phạm tội ác, mà còn chống lại những người bị nghi ngờ vi phạm pháp luật, bất kể được chứng minh hay không … Đôi khi có xu hướng cố tình bịa đặt ra kẻ thù: những nhân vật bị rập khuôn đại diện cho mọi đặc điểm mà xã hội tri nhận hoặc giải thích là có tính đe dọa. Các cơ chế tạo ra các hình ảnh này y hệt các cơ chế đã cho phép việc loan truyền những tư tưởng phân biệt chủng tộc trong thời đại của họ” [255]. Điều này càng làm nguy hiểm thêm việc thực hành ngày một gia tăng tại một số quốc gia biện pháp giam giữ ngăn ngừa, bỏ tù không xét xử và nhất là án tử hình.
267. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh điều này “không thể tưởng tượng được việc các quốc gia ngày nay không có biện pháp nào khác ngoài hình phạt tử hình để bảo vệ cuộc sống của những người khác khỏi những kẻ xâm lược bất công”. Đặc biệt nghiêm trọng về phương diện này là các vụ gọi là hành quyết phi tư pháp hoặc phi pháp luật, thực chất là “những vụ giết người do một số quốc gia và các đại diện của họ cố ý thực hiện, thường được coi như các cuộc đụng độ với các tội phạm hoặc được trình bày như là hậu quả không cố tình của việc sử dụng sức mạnh hợp lý, cần thiết và tương xứng khi áp dụng pháp luật ” [256].
268. “Các lập luận chống lại án tử hình rất nhiều và nổi tiếng. Giáo hội đã chính thức kêu gọi phải chú ý đến một số lập luận này, chẳng hạn như khả thể sai sót tư pháp và việc sử dụng các hình phạt như vậy bởi các chế độ toàn trị và độc tài như một phương tiện đàn áp bất đồng chính kiến hoặc đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo và văn hóa, tất cả đều là các nạn nhân mà pháp luật của các chế độ đó coi là 'phạm pháp'. Tất cả các Kitô hữu và những người có thiện chí ngày nay được kêu gọi cố gắng không những để xóa bỏ án tử hình, bất kể hợp pháp hay bất hợp pháp, dưới mọi hình thức, nhưng còn để cải thiện tình trạng nhà tù, vì tôn trọng nhân phẩm của những con người bị tước mất tự do. Tôi muốn liên kết điều này với án tù chung thân… Bản án chung thân là một án tử hình kín đáo” [257].
269. Chúng ta nên ghi nhớ rằng “ngay cả kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá bản thân của họ, và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm phẩm giá này” [258]. Việc kiên quyết bác bỏ án tử hình cho thấy ta có thể thừa nhận phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người và chấp nhận rằng họ có một thế đứng ở trong vũ trụ này. Nếu tôi không bác bỏ phẩm giá đó của người tồi tệ nhất trong các phạm nhân, thì tôi sẽ không bác bỏ phẩm giá của bất cứ ai. Tôi sẽ dành cho mọi người khả thể chia sẻ hành tinh này với tôi, bất chấp mọi dị biệt của chúng tôi.
270. Tôi yêu cầu các Kitô hữu còn do dự về điểm này và những người bị cám dỗ muốn chiều theo bạo lực dưới bất cứ hình thức nào, hãy ghi nhớ những lời lẽ trong sách Isaia: “Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày” (2: 4). Đối với chúng ta, lời tiên tri này đã lấy xương thịt từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng, khi thấy một môn đệ bị cám dỗ dùng bạo lực, đã nói một cách quả quyết: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm”(Mt 26:52). Những lời này vang vọng lại lời cảnh báo cổ xưa: “Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra” (St 9: 5-6). Phản ứng của Chúa Giêsu, xuất phát từ trái tim Người, đã thu hẹp khoảng cách của nhiều thế kỷ để đến với thời đại ta như một lời kêu gọi trường kỳ.
Kỳ tới: CHƯƠNG TÁM: CÁC TÔN GIÁO PHỤC VỤ TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG THẾ GIỚI CỦA CHÚNG TA
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét