CHƯƠNG MỘT: ĐÁM MÂY ĐEN TRÊN MỘT THẾ GIỚI ĐÓNG KÍN

9. Không tự cho sẽ thực hiện một phân tích toàn diện hoặc nghiên cứu mọi khía cạnh của kinh nghiệm ngày nay của chúng ta, tôi chỉ muốn xem xét một số xu hướng trong thế giới của chúng ta đang cản trở sự phát triển của tình huynh đệ phổ quát.

NHỮNG GIẤC MƠ TAN VỠ

10. Trong nhiều thập niên, dường như thế giới đã học được bài học từ nhiều cuộc chiến tranh và thảm họa của nó, và đang dần tiến tới nhiều hình thức hòa nhập khác nhau. Thí dụ, đã có ước mơ về một châu Âu thống nhất, có khả năng thừa nhận nguồn gốc chung của nó và hân hoan trước sự đa dạng phong phú của nó. Chúng ta nghĩ đến “niềm xác tín chắc chắn của những người sáng lập ra Liên hiệp Châu Âu, những người đã hình dung ra một tương lai dựa trên khả năng làm việc với nhau trong việc bắc cầu qua các chia rẽ và trong việc cổ vũ hòa bình và hiệp thông giữa mọi dân tộc của lục địa này” [7]. Cũng đã có mong ước hòa nhập ngày một tăng ở Châu Mỹ Latinh và một số biện pháp đã được thực hiện theo hướng này. Ở một số quốc gia và khu vực, các nỗ lực hòa giải và xích lại gần nhau đã tỏ ra có kết quả, trong khi các nỗ lực khác cho thấy nhiều hứa hẹn.

11. Tuy nhiên, thời của chúng ta dường như đang cho thấy nhiều dấu hiệu của một sự thoái trào nào đó. Các cuộc xung đột xưa mà người ta cho là đã bị chôn vùi từ lâu đang bùng phát trở lại, trong khi các điển hình của chủ nghĩa dân tộc thiển cận, cực đoan, phẫn uất và hiếu chiến đang trên đà gia tăng. Ở một số quốc gia, khái niệm đoàn kết dân tộc và quốc gia bị ảnh hưởng bởi nhiều ý thức hệ khác nhau đang tạo ra những hình thức ích kỷ mới và đánh mất ý thức xã hội dưới chiêu bài bảo vệ lợi ích quốc gia. Một lần nữa, chúng ta được nhắc nhở rằng “mỗi thế hệ mới phải tiếp nhận những cuộc chiến đấu và thành tựu của các thế hệ trước, trong khi đặt tầm nhìn của mình lên cao hơn. Đó là đường đi. Lòng tốt, cùng với tình yêu, công lý và liên đới, không phải đạt được một lần là xong mãi mãi; chúng phải được thể hiện mỗi ngày. Không thể an phận với những gì đã đạt được trong quá khứ và tự mãn tận hưởng nó, như thể bằng cách nào đó, chúng ta có thể đã coi thường thực tại này: nhiều anh chị em của chúng ta vẫn còn đang phải chịu đựng những tình huống đòi chúng ta phải chú ý” [8].

12. “Mở ra với thế giới” là một kiểu nói đã được lãnh vực kinh tế và tài chính kết nạp và hiện được sử dụng độc quyền cho việc cởi mở đối với các lợi ích nước ngoài hoặc để các cường quốc kinh tế tự do đầu tư mà không gặp trở ngại hoặc biến chứng nào ở mọi quốc gia. Các xung đột địa phương và việc coi thường lợi ích chung bị nền kinh tế hoàn cầu lợi dụng để áp đặt một mô hình văn hóa đơn nhất. Nền văn hóa này thống nhất thế giới, nhưng chia rẽ các dân tộc và quốc gia, vì “khi xã hội ngày càng trở nên hoàn cầu hóa, nó khiến chúng ta trở thành láng giềng, nhưng không khiến chúng ta trở thành anh em” [9]. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đông đảo nhằm cổ vũ lợi ích cá nhân và làm suy yếu chiều kích cộng đồng của sự sống. Thật vậy, có những thị trường trong đó các cá nhân trở thành người tiêu dùng đơn thuần hoặc người bàng quan. Như một quy luật, sự tiến bộ của loại chủ nghĩa hoàn cầu này củng cố căn tính của những khu vực mạnh hơn, những người có thể tự bảo vệ mình, nhưng nó có xu hướng làm giảm căn tính của những khu vực yếu hơn và nghèo hơn, khiến họ dễ bị tổn thương và phụ thuộc hơn. Theo cách này, đời sống chính trị ngày càng trở nên mong manh trước các cường quốc kinh tế xuyên quốc gia hoạt động với nguyên tắc “chia để trị”.

Sự kết liễu của ý thức lịch sử

13. Kết quả là ngày càng mất đi cảm thức về lịch sử, dẫn đến sự chia rẽ thậm chí còn sâu xa hơn. Một loại "chủ nghĩa gỡ bỏ cấu trúc", theo đó tự do của con người cho là mình có thể tạo ra mọi thứ từ con số không, đang tung hoành trong nền văn hóa ngày nay. Một điều được nó để lại phía sau là động lực tiêu dùng vô hạn và các biểu hiện của chủ nghĩa duy cá nhân trống rỗng. Quan tâm về điều này khiến tôi đưa ra một số lời khuyên cho người trẻ. “Nếu ai đó bảo những người trẻ làm ngơ lịch sử của họ, bác bỏ kinh nghiệm của những bậc cao niên của họ, coi thường quá khứ và hướng tới một tương lai mà chính họ đang nắm giữ, thì lúc đó há không dễ dàng lôi kéo họ theo để họ chỉ làm những gì người này nói với họ sao? Người này cần người trẻ nông nổi, mất gốc và thiếu tin cậy, để chỉ còn biết tin tưởng vào các hứa hẹn của người này và hành động theo kế hoạch của người này mà thôi. Đó là cách các ý thức hệ khác nhau đang vận hành: chúng phá hủy (hoặc tháo gỡ) mọi khác biệt để chúng có thể thống trị mà không bị phản đối. Tuy nhiên, để làm được như vậy, chúng cần những người trẻ tuổi không có ích lợi gì cho lịch sử, những người vứt bỏ kho tàng tinh thần và nhân bản thừa hưởng được từ các thế hệ đi trước, và không biết gì về mọi điều đã diễn ra trước họ” [10].

14. Đây là những hình thức thực dân hóa mới về văn hóa. Chúng ta đừng quên rằng “những dân tộc từ bỏ truyền thống của mình và, một là vì một sự cuồng nhiệt muốn bắt chước người khác hoặc xúi bẩy bạo lực, hai là vì sự lơ là hoặc thờ ơ không thể tha thứ, để người khác cướp đi chính linh hồn của họ, kết cục không những đánh mất bản sắc tinh thần của họ mà còn cả sự nhất quán về đạo đức của họ và, cuối cùng, là sự độc lập về trí tuệ, kinh tế và chính trị của họ ” [11]. Một cách hữu hiệu trong việc làm suy yếu ý thức lịch sử, tư duy phê phán, cuộc đấu tranh cho công lý và các diễn trình hòa nhập là làm trống rỗng ý nghĩa các hạn từ tuyệt vời hoặc thao túng chúng. Ngày nay, những han từ nhất định như dân chủ, tự do, công lý hay thống nhất thực sự có nghĩa gì? Chúng đã bị bẻ cong và định hình để phục vụ như các công cụ thống trị, như những cụm từ vô nghĩa có thể được sử dụng để biện minh cho bất cứ hành động nào.

THIẾU KẾ HOẠCH CHO MỌI NGƯỜI

15. Cách tốt nhất để thống trị và giành quyền kiểm soát người ta là gieo rắc sự tuyệt vọng và chán nản, ngay cả dưới chiêu bài bảo vệ những giá trị nào đó. Ngày nay, ở nhiều quốc gia, chủ nghĩa cường điệu, cực đoan và phân cực đã trở thành công cụ chính trị. Sử dụng chiến lược chế giễu, nghi ngờ và không ngừng chỉ trích, theo nhiều cách khác nhau, người ta phủ nhận quyền hiện hữu hoặc có ý kiến của người khác. Sự chia sẻ của họ về sự thật và các giá trị bị bác bỏ và kết quả là đời sống của xã hội bị làm nghèo đi và chịu sự giễu cợt của kẻ quyền thế. Đời sống chính trị không còn liên quan chi đến các cuộc tranh luận lành mạnh về các kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện cuộc sống của người ta và thúc đẩy lợi ích chung, mà chỉ liên quan tới các kỹ thuật tiếp thị khéo léo chủ yếu nhằm làm mất uy tín của người khác. Trong việc trao đổi điên cuồng các cáo buộc và phản tố, cuộc tranh luận biến thành trạng thái bất đồng và đối đầu thường trực.

16. Giữa cuộc xung đột lợi ích mâu thuẫn này, trong đó chiến thắng bao gồm việc loại trừ đối thủ của mình, làm thế nào chúng ta có thể nâng tầm nhìn để nhận ra những người hàng xóm của chúng ta hoặc để giúp đỡ những người đã vấp ngã dọc đường? Một kế hoạch đặt ra những mục tiêu to lớn cho sự phát triển của cả gia đình nhân loại chúng ta ngày nay nghe có vẻ điên rồ. Chúng ta đang ngày càng xa nhau hơn, trong khi cuộc hành trình từ từ và nhiều đòi hỏi hướng tới một thế giới ngày càng thống nhất và công bằng hơn đang phải chịu một bước lùi mới và đầy bi đát.

17. Quan tâm đến thế giới chúng ta đang sống có nghĩa là quan tâm đến chính chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ngày càng cần nghĩ về bản thân mình như một gia đình đơn nhất sống trong một ngôi nhà chung. Sự quan tâm như vậy không gây hứng thú gì cho những cường quốc kinh tế đang đòi hỏi lợi nhuận nhanh chóng. Thông thường, những tiếng nói cất lên để bênh vực môi trường sẽ bị làm cho câm lặng hoặc bị chế giễu, sử dụng những lập luận bề ngoài hợp lý chỉ đơn thuần làm bình phong cho những tư lợi đặc biệt. Trong nền văn hóa nông cạn, thiển cận mà chúng ta đã tạo ra, thiếu hẳn viễn kiến chung này, “điều có thể thấy trước là, một khi một số nguồn lực nhất định đã cạn kiệt, khung cảnh sẽ được xếp sắp cho những cuộc chiến mới, mặc dù dưới chiêu bài các yêu sách cao thượng” [12].

Một thế giới "vứt bỏ"

18. Dường như một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta có thể sẵn sàng bị hy sinh cho lợi ích của những người khác được coi là đáng được hưởng một cuộc sống vô tư. Cuối cùng, “con người không còn được coi là có giá trị tối quan trọng cần được chăm sóc và tôn trọng nữa, đặc biệt là khi họ nghèo và tàn tật, ‘chưa có ích’- như người chưa sinh, hoặc ‘không còn cần thiết nữa’- như người già. Chúng ta đã trở nên thờ ơ với mọi loại lãng phí, bắt đầu với việc lãng phí thức ăn, một điều hết sức đáng trách ” [13].

19. Sự suy giảm sinh suất, một sự suy giảm đang dẫn đến việc lão hóa dân số, cùng với việc bỏ xó người già phải sống một cuộc sống buồn bã và cô đơn, là một cách tinh tế để nói rằng tất cả là vì chúng ta, rằng mối quan tâm của cá nhân chúng ta là điều duy nhất quan trọng. Theo cách này, “những gì bị vứt bỏ không phải chỉ là thức ăn và đồ vật có thể vứt bỏ, mà đôi khi là chính con người” [14]. Chúng ta đã thấy những gì đã xảy ra cho người già ở một số nơi trong thế giới của chúng ta do kết quả của coronavirus. Họ không phải chết theo cách đó. Tuy nhiên, một điều tương tự đã xảy ra từ lâu trong các đợt nóng bức và trong các tình huống khác: những người lớn tuổi thấy mình bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Chúng ta không nhận ra điều này, bằng cách cô lập người cao niên và để họ cho người khác chăm sóc mà không có sự gần gũi và quan tâm của các thành viên gia đình, chúng ta đã làm biến dạng và nghèo nàn chính gia đình. Kết cục, chúng ta cũng sẽ tước đoạt của người trẻ sự nối kết cần thiết với cội nguồn của họ và một sự khôn ngoan mà người trẻ không thể tự mình đạt được.

20. Cách loại bỏ người khác này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như nỗi ám ảnh về việc giảm chi phí lao động mà không quan tâm chi đến hậu quả nghiêm trọng của nó, vì nạn thất nghiệp mà nó trực tiếp tạo ra dẫn đến sự gia tăng nghèo đói [15]. Ngoài ra, sự sẵn sàng loại bỏ người khác tìm được biểu thức trong những thái độ xấu xa mà chúng ta tưởng là đã khuất dạng từ lâu, chẳng hạn như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhưng thực ra chúng chỉ rút xuống hầm trú để tiếp tục tái xuất hiện. Các điển hình phân biệt chủng tộc tiếp tục khiến chúng ta xấu hổ, vì chúng cho thấy những điều được coi như tiến bộ xã hội của chúng ta không có thực chất hoặc dứt khoát như chúng ta nghĩ.

21. Một số quy định kinh tế đã tỏ ra hữu hiệu đối với việc tăng trưởng, nhưng không hữu hiệu đối với việc phát triển toàn diện con người [16]. Sự giàu có gia tăng, nhưng cùng với nó là sự bất bình đẳng, với kết quả là “các hình thức nghèo đói mới đang xuất hiện” [17]. Chủ trương cho rằng thế giới hiện đại đã giảm được nghèo đói được đưa ra với cách đo lường sự nghèo đói bằng các tiêu chuẩn của quá khứ không còn tương ứng với các thực tại ngày nay. Thí dụ, vào những thời điểm khác, việc thiếu khả năng tiếp cận năng lượng điện không bị coi là dấu hiệu nghèo đói, cũng không phải là nguồn gây khổ cực. Nghèo đói phải luôn được hiểu và đánh giá trong bối cảnh các cơ hội hiện có sẵn trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Các nhân quyền không đủ phổ quát

22. Trên thực tế, điều đôi khi trở nên rõ ràng là các nhân quyền không bình đẳng cho mọi người. Tôn trọng những quyền này “là điều kiện sơ bộ để một quốc gia phát triển xã hội và kinh tế. Khi phẩm giá một con người nhân bản được tôn trọng, và các quyền lợi của họ được công nhận và bảo đảm, thì tính sáng tạo và sự liên lập sẽ phát triển mạnh, và tính sáng tạo của nhân cách con người được giải thoát qua các hành động hướng tới ích chung” [18]. Tuy nhiên, “khi quan sát kỹ các xã hội đương thời, chúng ta thấy vô số mâu thuẫn khiến chúng ta tự hỏi liệu phẩm giá bình đẳng của mọi hữu thể nhân bản, vốn được công bố long trọng cách đây bảy mươi năm, có thực sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và cổ vũ trong mọi tình huống hay không. Trong thế giới ngày nay, nhiều hình thức bất công vẫn tồn tại, được nuôi dưỡng bởi những viễn kiến nhân học có tính giản lược và mô hình kinh tế dựa trên lợi nhuận không ngần ngại bóc lột, vứt bỏ và thậm chí giết chết con người. Trong khi một bộ phận nhân loại sống trong sự giầu sang, thì một bộ phận khác lại thấy phẩm giá của mình bị bác bỏ, bị khinh miệt hoặc bị chà đạp, và các quyền căn bản của họ bị loại bỏ hoặc vi phạm ” [19]. Điều này cho chúng ta biết điều gì về quyền bình đẳng dựa trên phẩm giá bẩm sinh của con người?

23. Tương tự như vậy, việc tổ chức các xã hội trên toàn thế giới vẫn còn lâu mới phản ảnh rõ ràng điều này: phụ nữ có phẩm giá và các quyền giống hệt nam giới. Chúng ta nói một điều bằng lời nói, nhưng các quyết định và thực tại của chúng ta lại nói lên một câu chuyện khác. Thật vậy, “nghèo nàn gấp đôi là khi phụ nữ phải chịu đựng những hoàn cảnh bị loại trừ, bị ngược đãi và bạo lực, vì họ thường ít có khả năng bảo vệ các quyền lợi của mình” [20].

24. Chúng ta cũng nên công nhận rằng “mặc dù cộng đồng quốc tế đã tiếp nhận nhiều thỏa thuận nhằm kết liễu chế độ nô lệ dưới mọi hình thức và đã phát động nhiều chiến lược khác nhau để chống lại hiện tượng này, nhưng hàng triệu người ngày nay - trẻ em, phụ nữ và nam giới ở mọi lứa tuổi - bị tước đoạt tự do và bị buộc phải sống trong những điều kiện giống như chế độ nô lệ… Ngày nay, cũng như trong quá khứ, chế độ nô lệ bắt nguồn từ quan niệm về con người cho phép họ bị coi như một đồ vật… Bất kể do ép buộc, hay lừa dối, hoặc bằng sự cưỡng ép về thể lý hoặc tâm lý, các con người nhân bản, vốn được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, đang bị tước đoạt tự do, bị bán và biến thành tài sản của người khác. Họ bị coi như các phương tiện cho một mục đích… [Các mạng lưới tội ác] có kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như một cách để rù quyến nam nữ thanh niên ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới ” [21]. Một sự đồi bại vượt quá mọi giới hạn khi nó khuất phục phụ nữ và sau đó ép họ phá thai. Một sự ghê tởm quá sức đến độ bắt cóc người ta chỉ để bán nội tạng của họ. Việc buôn bán người và các hình thức nô dịch đương thời khác là một vấn đề hoàn cầu cần được toàn thể nhân loại xem xét một cách nghiêm túc: “vì các tổ chức tội ác sử dụng các mạng lưới hoàn cầu để đạt được mục tiêu của họ, nên những nỗ lực nhằm loại bỏ hiện tượng này cũng đòi một nỗ lực chung và thực sự có tính hoàn cầu từ các thành phần khác nhau của xã hội” [22].

Xung đột và sợ hãi

25. Chiến tranh, các cuộc tấn công khủng bố, bách hại chủng tộc hoặc tôn giáo, và nhiều lăng mạ khác liên quan đến phẩm giá con người được phán kết khác nhau, tùy thuộc vào mức độ thuận tiện của nó đối với các lợi ích nào đó, chủ yếu là kinh tế. Điều đúng miễn là nó thuận tiện cho người nắm quyền sẽ không còn đúng nữa một khi nó trở nên bất tiện. Điều buồn phải nói là những tình huống bạo lực này, “đã trở nên phổ biến đến mức tạo thành một ‘cuộc thế chiến thứ ba’ được đánh từng mảng” [23].

26. Điều trên không có gì đáng ngạc nhiên, nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta không còn những chân trời chung hợp nhất chúng ta nữa; thật vậy, nạn nhân đầu tiên của mọi cuộc chiến tranh là "ơn gọi bẩm sinh của gia đình nhân loại bước vào tình huynh đệ". Kết quả là, “mọi tình huống đầy đe dọa đang nuôi dưỡng sự ngờ vực và dẫn người ta tới việc tự rút lui vào vùng an toàn của mình” [24]. Thế giới của chúng ta bị mắc kẹt trong một mâu thuẫn kỳ lạ: chúng ta tin rằng chúng ta có thể “bảo đảm sự ổn định và hòa bình qua cảm thức an toàn giả tạo được nâng đỡ bởi não trạng sợ hãi và ngờ vực” [25].

27. Nghịch lý thay, một số nỗi sợ hãi do tổ tiên để lại đã không vượt qua được bằng việc phát triển kỹ thuật; trái lại, chúng đã có thể ẩn nấp và củng cố phía sau các kỹ thuật mới. Ngày nay cũng thế, bên kia những bức tường thành cổ xưa là vực thẳm, lãnh thổ của những điều chưa biết, hoang địa. Bất cứ điều gì phát xuất từ đó đều không thể tin cậy, vì nó không được ai biết đến, không quen thuộc, không là một phần của thôn làng. Đó là lãnh thổ của "man rợ", mà chúng ta phải tự vệ chống lại bằng mọi giá. Kết quả là, những bức tường mới được dựng lên để tự bảo toàn, thế giới bên ngoài ngưng hiện hữu và chỉ để lại thế giới “của tôi”, đến mức những người khác, không còn được coi là những hữu thể nhân bản có phẩm giá bất khả chuyển nhượng nữa, đã trở thành “bọn chúng” nguyên tuyền. Một lần nữa, chúng ta gặp phải “cơn cám dỗ muốn xây dựng một nền văn hóa của những bức tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong trái tim, những bức tường trong lãnh thổ, để ngăn cản cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác, với những người khác. Và những người dựng các bức tường kết cục sẽ trở thành nô lệ trong chính các bức tường họ đã xây dựng. Họ bị bỏ rơi không còn chân trời nào, vì họ thiếu sự trao đổi qua lại kiểu này với những người khác” [26].

28. Sự cô đơn, sợ hãi và bất an của những người cảm thấy bị hệ thống bỏ rơi tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại “mafias” khác nhau. Những loại mafias này phát triển mạnh mẽ bởi vì chúng tự cho mình là người bảo vệ những người bị lãng quên, thường bằng cách cung cấp cho họ một số hình thức trợ giúp khác nhau dù chúng theo đuổi các lợi ích tội ác của chúng. Cũng hiện hữu một phương pháp sư phạm có tính “mafia” một cách điển hình, bằng cách kêu gọi một nền huyền bí cộng đồng giả tạo, tạo ra những ràng buộc phụ thuộc và dạ trung thành rất khó mà thoát ra được.

Kỳ tới: HOÀN CẦU HÓA VÀ TIẾN BỘ MÀ KHÔNG CÓ BẢN ĐỒ CHỈ ĐƯỜNG CHUNG