Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Bài ngày 29/9/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/10/06/liturgy-qa-inclinations-at-the-doxology/

Một Phong Tục Trong Phụng Vụ Giờ Kinh

HỎI: Gần đây trong dòng tu của con, chúng con đã gặp phải vấn đề cúi chào trong kinh tán tụng trong Giờ Kinh Phụng Vụ. Trong nhiều nhà dòng, chúng con đã quen ngồi khi đọc thánh vịnh vì đa số các thầy đã cao tuổi. Chúng con đã nói đến lịch sử của việc cúi đầu trong bài tán tụng. Truyền thống này từ đâu ra và có văn bản nào con có thể tham khảo không? Thứ hai là đa số các thánh ca trong Sách Kinh Nhật Tụng dành những câu cuối cùng cho Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không phải là một bài tán tụng. Có nên cúi chào như trong phụng vụ không? — G.L., Blagnac, France


ĐÁP: Trong Hướng Dẫn Tổng Quát về Phụng Vụ Giờ Kinh chúng tôi tìm thấy những dấu chỉ có thể hữu ích:

Trước tiên việc ngồi trong khi đọc thánh vịnh là một lựa chọn hợp luật:

Số 265. Trong khi đọc các thánh vịnh và các điệp ca tán tụng, cộng đoàn ngồi hay đứng tùy theo phong tục.

Về việc sử dụng Kinh Vinh Danh cuối các thánh vịnh, chỉ dẫn nại đến truyền thống và phong tục.

Số 123. Điệp ca tán tụng được đọc trước mỗi thánh vịnh (xem các số 113-120). Phong tục kết thúc thánh vịnh bằng Kinh Vinh Danh được giữ lại. Truyền thống đã khéo léo sử dụng kinh này để gán cho lời cầu nguyện của Cựu Ước phẩm chất ca ngợi và ý nghĩa Ba Ngôi và Ki-tô học. Nếu muốn có thể lập lại điệp ca tán tụng sau thánh vịnh.

Hướng Dẫn Tổng Quát không nói gì về việc cúi đầu trong kinh tán tụng Thiên Chúa mặc dù thực tế đây là một phong tục phổ quát.

Phong tục này được nhắc đến trong Sách Hướng dẫn Tổng Quát về Sách Lễ Rô-ma. Văn bản sách này (GIRM = the General Instruction of the Roman Missal), số 275, về việc cúi chào trong phụng vụ, nói:

Có hai kiểu cúi chào: cúi đầu và cúi người.

a. Cúi đầu được thực hiện khi kêu tên Ba Ngôi Thiên Chúa cùng với nhau, và khi kêu tên Chúa Giê-su, Đức Trinh Nữ Maria, và vị thánh được tôn vinh trong thánh lễ đang cử hành …

Phong tục thêm Kinh Vinh Danh vào cuối mỗi thánh vịnh xuất phát từ phương đông và chắc hẳn được đưa vào Giờ Kinh Rô-ma vào thế kỷ thứ năm.

Việc đưa nó vào một phẩn được thúc đẩy như là một phương thế chống lại lạc giáo Arian vốn phủ nhận Thiên tính của Đức Ki-tô. Trong một thời kỳ mà Kinh Tin Kính chưa được đưa vào phụng vụ thì kinh tán tụng đảm nhận vai trò của lời tuyên xứng đức tin vắn tắt, tóm lược những thành tố cơ bản.

Trong Giờ Kinh Phụng Vụ, ban đầu Kinh Vinh Danh kết thúc một thời gian thinh lặng cầu nguyện theo sau mỗi thánh vịnh, khi các thầy dòng nắm sấp trên sàn nhà. Giây phút cầu nguyện thinh lặng này có xu hướng biến mất từ từ, và kinh tán tụng được biến đổi thành phần kết của thánh vịnh với việc cúi chào thay thế cho việc nằm sấp.

Về các thánh ca, sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Phụng Vụ Giờ Kinh chỉ rõ:

Số 173. Các thánh ca có chỗ đứng trong Phụng Vụ Giờ Kinh từ rất sớm, một vị trí vẫn còn tiếp tục. Không những bản chất vần điệu của chúng đặc biệt thích hợp để ca tụng Thiên Chúa, mà chúng còn cấu thành một phần được yêu chuộng, bởi vì chúng hầu như luôn chỉ ra ngay lập tức những tính cách riêng của Giờ Kinh hay của mỗi lễ mừng, so với các phần khác. Chúng giúp đánh động người ta tham gia và lôi kéo họ vào việc mừng lễ. Vẻ đẹp văn chương của chúng thường làm gia tăng hiệu quả. Trong Phụng Vụ Giờ Kinh, các thánh ca là phần thi ca chính được Giáo Hội soạn thảo.

Số 174. Theo truyền thống bài thánh ca kết thúc bằng kinh tán tụng, vốn thường được dâng lên cho cùng một ngôi Thiên Chúa như chính bài thánh ca.

Mặc dù nhiều thánh ca vẫn còn kết thúc bằng kinh tán tụng, việc các hội đồng giám mục đã đưa vào các thánh ca gốc tiếng bản xứ cùng với bản dịch từ kho tàng tiếng La-tinh có nghĩa là không luôn luôn là trường hợp đó.

Cũng thế, như đã nói trên, kinh tán tụng không phải là một công thức cố định mà chỉ là lời dâng lên chủ thể Thiên Chúa của bài thánh ca và như thế không theo thứ tự Ba Ngôi Thiên Chúa thường lệ.

Ví dụ bài thánh ca dâng lên Đức Ki-tô Vua, Te Saeculorum Principem, kết thúc như sau:

“Vinh danh Chúa, Đức Giê-su, đấng tối cao trên mọi quyền thế tục; Và vinh danh Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần yêu thương đến muôn muôn đời.”

Và khổ thơ thứ sáu và cuối cùng của bài thánh ca dâng Chúa Thánh Thần nói như sau:

“Nhờ Ngài mà chúng con biết Chúa Cha, nhờ Ngài mà chúng con biết Ngôi Con vĩnh cửu, và Ngài là Thần Khí của cả hai đấng ấy, ba lần chúc tụng ba đấng trong MỘT.”

Vào thời kỳ sau đó, kinh tán tụng cổ điển được thêm vào như khổ thơ thứ bảy, vẫn còn được sử dụng ở một số nơi. Văn bản phụng vụ chính thức là phiên bản có sáu khổ thơ.

Vì những lý do này và những lý do thực tiễn khác liên quan đến việc cúi chào khi hát thánh ca trong ca đoàn, không có mấy truyền thống cúi chào trong kinh tán tụng của thánh ca. Tuy nhiên đó có lẽ là phong tục ở một số nơi.

VietCatholic News