Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Cánh chung luận trải qua lịch sử Hội thánh

 

Cánh chung luận trải qua lịch sử Hội thánh

 
  •  
  •  


CÁNH CHUNG LUẬN TRẢI QUA LỊCH SỬ HỘI THÁNH

Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Khi nghiên cứu lịch sử cánh chung luận trong các tôn giáo (bài trước đây), giáo sư Richard Landes đã lưu ý rằng “cánh chung luận” (eschatologia) là một thuật ngữ mới ra đời trong thần học Kitô giáo từ thế kỷ XVII, và giả thiết một quan niệm thần học đặc biệt về lịch sử dựa theo đạo Do Thái.

Vì thế, khi áp dụng vào các tôn giáo khác, cần xem xét quan niệm của họ về lịch sử như thế nào. Phần nào nhận xét này cũng có thể áp dụng khi bàn về lịch sử cánh chung trong thần học Kitô giáo: 1) một đàng, tuy rằng thuật ngữ eschatologia mới trở thành phổ thông trong hai thế kỷ gần đây[1], nhưng các thực tại cánh chung đã được đề cập ngay từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo; 2) những đề tài cánh chung không chỉ tùy thuộc vào quan điểm về lịch sử nhưng còn chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến con người (một tổng thể duy nhất hay một hợp thể gồm bởi hồn và xác), thế giới (chống đối hay ủng hộ Tin Mừng).

Chúng ta sẽ tìm hiểu những khuynh hướng diễn tả các thực tại cánh chung, trải qua bốn giai đoạn chính của lịch sử Hội thánh: 1/ Thời các giáo phụ. 2/ Thời Trung cổ. 3/ Thời Cận đại. 4/ Từ công đồng Vaticanô II. Chúng ta không bắt đầu bài này với các bản văn Kinh Thánh[2], bởi vì, như sẽ thấy sau, lịch sử cho thấy rằng có nhiều cách giải thích Kinh Thánh, tùy theo mối bận tâm của từng thời đại; hơn thế nữa, chính các bản văn Tân Ước cũng được biên soạn dựa theo nhiều thể văn khác nhau, chịu ảnh hưởng không ít bởi những băn khoăn của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi[3].

Ở mỗi giai đoạn, chúng tôi cố gắng vạch ra ba điểm: a) những thách đố văn hóa; b) đức tin của Hội thánh, được biểu lộ qua các tín biểu, phụng vụ, lòng đạo đức bình dân; c) những suy tư thần học. Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều biến chuyển trải qua mỗi thời đại do những yếu tố văn hóa. Nói chung, có sự thay đổi điểm nhấn: từ hy vọng cộng đồng đến hy vọng cá nhân; và nguy hơn nữa, các thực tại cánh chung dần dần không còn gợi lên dấu chỉ hy vọng nữa, nhưng trở thành nỗi lo sợ[4].

I. THỜI CÁC GIÁO PHỤ

Thời các giáo phụ kéo dài từ thời các thánh Tông đồ (thế kỷ I) cho đến khoảng thế kỷ VII. Trong thời gian này, nhiều biến cố đã ghi dấu đậm trên khuôn mặt của Giáo hội: từ cảnh bách hại do nhà cầm quyền Rôma trong ba thế kỷ đầu, cho đến sự bành trướng vào thế kỷ IV; từ văn hoá Do Thái của các tác giả Tân Ước đến sự tiếp xúc với văn hoá Hy Lạp vào thời các giáo phụ. Bối cảnh văn hoá gây ra những giao động không nhỏ đối với niềm tin.

A. Thách đố của văn hoá

Các tác phẩm Tân Ước ra đời trong bối cảnh của văn hoá Do Thái. Cánh chung luận của Tân Ước nổi bật với hai đề tài chính: 1/ Biến cố Phục sinh của Đức Kitô và việc phái cử Thánh Thần đã đánh dấu giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ. Các tín hữu mong chờ Chúa Kitô trở lại để hoàn tất Nước Thiên Chúa. 2/ Ơn cứu độ được thể hiện cách cụ thể qua việc người chết sẽ sống lại với Chúa Kitô. Qua các thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu Thêxalônica và Côrintô, ta biết được là các tín hữu tin ngày Quang lâm gần kề, nghĩa là ngay trong thế hệ Kitô hữu tiên khởi.

Tuy nhiên, sang đến thế hệ thứ hai, vài biến chuyển không nhỏ đã xảy ra. Ngày Quang lâm vẫn chưa đến, vì thế các tín hữu (kể cả thánh Phaolô) đặt câu hỏi về số phận của những người qua đời: Thân phận họ sẽ ra sao? Câu hỏi này phải chờ đến thời Trung đại mới được giải đáp dứt khoát.

Cuộc tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp có những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó. Văn hoá Do Thái quan niệm con người như một tổng thể: Họ cho rằng chết là hết, và mong chờ sự sống lại (của toàn con người) dựa trên lời hứa của Chúa. Văn hoá Hy Lạp thì khác: Con người là một hợp thể gồm bởi hồn và xác; khi chết, linh hồn ra khỏi xác và trở thành bất tử, còn thân xác thì tiêu tan. Cái chết là sự giải thoát linh hồn khỏi tù rạc thân xác.

Văn hoá Hy Lạp giúp cho Kitô giáo một chìa khóa để giải quyết câu hỏi về cánh chung cá nhân, đó là sau khi chết, tuy thân xác tan thành tro bụi nhưng linh hồn sẽ trở về với Chúa. Tuy nhiên, nguy cơ của văn hóa Hy Lạp là coi nhẹ sự sống lại của thân xác: Thân xác là đồ ô uế nhơ nhớp thì cho nó sống lại làm gì? Trong bối cảnh đó, chúng ta mới hiểu vì sao các triết gia ở Athène đã đứng dậy ra về khi nghe thánh Phaolô thuyết giảng về thân xác sống lại (x. Cv 17, 30).

Các giáo phụ hộ giáo, chẳng hạn như Aristide (k.125), Thêophilô Antiôkia (k.180), Athenagora (k.177), Minuciô Felix (k.180), thánh Giustinô (100-165) đã vất vả bênh vực cho niềm tin vào sự sống lại, dựa trên quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta nên ghi nhận điều này: Đức tin Kitô giáo về sự sống lại gặp sự chống đối không phải từ các chủ nghĩa duy vật, nhưng là từ các thuyết “duy linh”. Thiết tưởng đây cũng là thách đố cho chúng ta ngày nay đối với thuyết luân hồi tái sinh.

1. Những lạc thuyết

Khi bàn về sự tiến triển của đạo lý, chúng ta đừng vội hình dung như con đường tiến hoá một chiều. Sự tiếp xúc với các nền văn hoá (cũ mới) sẽ phát sinh ra hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến. Khuynh hướng nào cũng có sự thiếu sót của nó. Phe bảo thủ muốn trung thành với truyền thống cha ông, nhưng có nguy cơ trở thành cố chấp. Phe canh tân muốn đón nhận những trào lưu mới nhưng có nguy cơ là mất gốc, từ đó nảy ra các lạc thuyết. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội kết án những người xướng xuất: Nhiều lần họ rất thành tâm với đạo lý mặc khải, nhưng có khi sự trình bày vụng về khiếm khuyết đã đưa đến chỗ lệch lạc.

a) Phong trào Montanô

Các Kitô hữu tiên khởi nuôi dưỡng niềm hy vọng Chúa Kitô sắp quang lâm. Họ sống trong tâm trạng khắc khoải trông mong, thậm chí trong tư thế tạm bợ, chẳng màng chi tới công ăn việc làm khiến cho thánh Phaolô phải khiển trách (x. 2Tx 3,10-11). Dần dần, các tín hữu chấp nhận thực tại là ngày Quang lâm chưa đến, vì thế cần phải tổ chức đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Cách riêng, Giáo hội phải dự trù những cơ quan điều hành (các thể chế quản trị cộng đoàn). Cơ chế càng ngày càng trở nên phức tạp với sự phát triển của các cộng đoàn. Nguy cơ là Giáo hội sẽ lãng quên thân phận “lữ hành” của mình bởi vì chỉ quan tâm đến việc kiện toàn guồng máy tổ chức. Ta có thể coi phong trào Montanô như phản ứng lành mạnh đối lại với nguy cơ vừa nói. Ông Montanô tự nhận là một ngôn sứ, xuất hiện khoảng năm 170. Ông loan báo ngày Quang lâm đã gần kề, Đức Kitô đến để thiết lập thành Giêrusalem mới. Ông hô hào dân chúng đi đón Ngài ở Phrygia. Để chuẩn bị đón Chúa, ông đề xuất vài biện pháp tu đức khổ chế ăn chay, từ bỏ thế gian, thoát ly hôn nhân[5]. Tiếc rằng phong trào này sớm tan vỡ vì những lời tiên tri không ứng nghiệm. Tuy vậy, phong trào này đã để lại một luồng gió trong Giáo hội, cách riêng với sự gia nhập của ông Tertullianô (k.150-222 ?), theo đó, việc cai quản Giáo hội phải được giao cho những người “thần khí” (homo spiritualis) chứ không phải cho hàng phẩm trật.

b) Thuyết ngộ giáo 

Có thể coi thuyết ngộ giáo (gnosticismus) như một hậu quả của việc tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp[6]. Theo họ, chỉ duy có linh hồn mới đáng quý chứ còn thân xác là đồ nhơ nhớp phế bỏ. Ngoài nguy cơ rơi vào thuyết nhị nguyên, vũ trụ ở dưới sự thống trị của hai nguyên ủy là Thần Thiện và Thần Ác), các giáo phụ (nhất là thánh Irênê) nhận thấy những hệ luận khác trầm trọng hơn do việc khinh miệt thân xác: Đó là họ coi nhẹ mầu nhiệm Nhập thể vì Đức Giêsu không có thể xác thực sự, mà chỉ có hình dạng thể xác (lạc thuyết ảo hình docetismus) và hậu nhiên Đức Maria không phải là mẹ của Đức Giêsu, vì nếu Chúa không phải là người thực thì sao có mẹ được. Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu cũng trở nên vô nghĩa nếu Ngài không có thân xác, và mầu nhiệm Thánh Thể cũng thế, bởi vì nếu thân thể là đồ ô uế thì sao phải thờ lạy?

c) Thuyết thiên niên

Dường như để phản ứng lại thuyết ngộ giáo, ta thấy xuất hiện một phong trào đề cao các giá trị của thân xác, hôn nhân và vật chất nơi thuyết thiên niên. Dựa theo bản văn của sách Khải huyền (chương 20, câu 1-10), họ chủ trương rằng Chúa Kitô sẽ trở lại dương gian này và những người công chính trước khi về thiên quốc sẽ hưởng lạc “một ngàn năm” (La Tinh là millenarismus, bởi millennium: thiên niên hay một ngàn năm; tiếng Hy Lạp là chiliasmos do chilias là một ngàn, một “kí-lô”). Từ ngữ này được lặp đi lặp lại 6 lần, ở các câu 2.3.4.5.6.7. 

Các giáo phụ đã phải lao đao nhiều để chống lại thuyết thiên niên, bởi vì nó dựa theo bản văn Tân Ước (như vậy là phù hợp với mặc khải Kitô giáo), chứ không phải là nhập khẩu từ văn hoá ngoại lai. Vài giáo phụ, như Điônisiô Alexanđria (thế kỷ III), đã không nhận sách Khải huyền vào sổ bộ Thánh Kinh để tránh sự lạm dụng của đối phương. Ông Origene chỉ giải thích thuyết thiên niên theo nghĩa bóng. Nhờ thánh Augustinô (De civitate Dei, XX, 7.9) Giáo hội mới tìm được lời giải đáp cho vấn đề: Một ngàn năm tượng trưng cho thời kỳ của Giáo hội (khởi sự từ cuộc Phục sinh của Chúa Kitô cho đến lúc Quang lâm). Trong thời gian này, ma quỷ đã mất quyền lực và chỉ tác hại những ai phụng sự nó.

Chúng ta biết là thuyết thiên niên không hoàn toàn biến mất sau thời các giáo phụ. Các nhà xã hội học cho thấy nó chết đi sống lại nhiều lần trong lịch sử, kể cả vào thời đại của chúng ta. Thuyết thiên niên được đặt tên cho những phong trào hay lý thuyết mơ màng một thứ “Vương quốc Thiên Chúa ở trần gian”. Chẳng hạn như hồi thế kỷ XIII, phong trào của Gioakim Fiore loan báo kỷ nguyên của thần khí đã đến gần, khi thế giới này trở về các giá trị Tin Mừng dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần. Vào thời Cải cách Luther, nhiều giáo phái cũng tiên báo sự thực hiện Nước Thiên Chúa trên trần gian, trong đó các Kitô hữu sẽ lãnh đạo thế giới. Trái lại, thuyết cộng sản Mácxít cũng được xếp vào thuyết thiên niên, bởi vì họ mơ màng một xã hội huynh đệ công bằng trên mặt đất, trong đó tài sản được phân chia đồng đều, không còn phân biệt giai cấp. Tuy nhiên, khác với các phong trào trước đây, thuyết Mácxít không nhắc tới sự hiện diện của Đức Kitô hoặc của Thiên Chúa, và cũng chẳng nhắc tới một Nước Thiên Chúa vĩnh cửu trên thiên giới.

Dù sao, chúng ta không nên lẫn lộn thuyết “thiên niên” với “thuyết thiên niên kỷ”. Như chúng ta đã biết, cách đây không lâu, người ta tiên báo rằng năm 2000 thì tận thế. May thay, chúng ta đã bước sang năm 2017 mà chưa thấy chi khác thường. Giả thuyết về tận thế vào năm 2000 dựa theo một lối tính thiếu khoa học, bắt nguồn từ đạo Do Thái. Theo họ, thế giới này kéo dài 6000 năm (tương đương với tuần lễ tạo dựng 6 ngày: “Ngàn năm như một ngày”, (x. Tv 90, 4; 2Pr 3, 8) ngày Thứ Bảy Thiên Chúa sẽ nghỉ ngơi, nghĩa là vạn vật trở về hư vô. Thế mà 4000 ngàn năm đã trôi qua trước Chúa Giáng sinh, vị chi chỉ tồn tại 2000 năm Công nguyên nữa thôi! 

2. Việc giải thích Thánh Kinh

Ta cũng có thể kể đến một hệ luận khác của cuộc tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp là việc giải thích Thánh Kinh, đặc biệt tại Alêxandria. Tuy đức tin dựa trên Thánh Kinh, nhưng việc giải thích Thánh Kinh tùy thuộc vào nhiều điều kiện của người đọc. Cách riêng trong lãnh vực cánh chung, người đọc có thể mang não trạng “khải huyền” hay “ngôn sứ”, chú trọng đến cánh chung phổ quát hay cánh chung cá nhân. Người ta thường đi tìm trong Thánh Kinh câu trả lời cho mối băn khoăn của mình. Nếu không có băn khoăn thì sẽ không đi tìm. Ngoài ra cũng cần biết xem đó là thứ băn khoăn nào nữa.

Nói chung, trong các thế kỷ đầu, các giáo phụ giải thích Thánh Kinh theo “nghĩa đen”, và họ chú tâm đến cánh chung phổ quát hơn là cánh chung cá nhân. Tuy nhiên, tại Alêxanđria, một phương pháp mới dần dần phát triển, đó là giải thích theo lối ám dụ và người ta lưu tâm đến cánh chung cá nhân hơn là cánh chung tổng quát. Điển hình là ông Origene đã có những học thuyết độc đáo dựa theo phương pháp chú giải này, chẳng hạn như “lửa hỏa ngục” cần hiểu theo nghĩa bóng, ám chỉ những ray rứt lương tâm. Điều gây khó khăn hơn cả là chủ trương “hoàn nguyên vạn vật” (apokatastasis), theo đó, tất cả mọi thọ tạo sẽ trở về với Thiên Chúa, kể cả ma quỷ.

B. Niềm tin của Giáo hội

Niềm tin của Giáo hội chung quanh vấn đề cánh chung được phát biểu qua nhiều dạng khác nhau.

1. Tín biểu

Trước hết chúng ta phải kể đến các Tín biểu cổ truyền (tóm lược các chân lý đức tin), trong đó ngay từ khi học đạo, người dự tòng đã được dạy về chân lý “thân xác sống lại, sự sống vĩnh cửu”. Hai chân lý này được đặt ở cuối tín biểu, kết thúc công trình cứu độ bắt đầu với việc tạo dựng (phần I) và tiếp nối với việc cứu chuộc (phần II). Thêm vào đó là các chân lý về việc Chúa Kitô phục sinh, lên trời, và sẽ trở lại trong vinh quang “để phán xét kẻ sống và kẻ chết” cũng như để thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa.

2. Phụng vụ

Niềm tin của Giáo hội cũng còn được phát biểu qua phụng vụ: Trong Thánh Lễ, các tín hữu được thông hiệp không những với Ba ngôi Thiên Chúa, nhưng còn với Đức Trinh nữ Maria, các thánh và các anh chị em đã đi trước. Lễ nghi an táng và các ngôi mộ cũng nói lên niềm hy vọng phục sinh, tái ngộ. Các tấm bia trên các ngôi mộ của người Kitô hữu diễn tả niềm hy vọng (RIP: Requiescat in pace, rest in peace, an nghỉ, nghỉ giấc bình an), khác với tấm bia của người ngoại đạo chỉ diễn tả thương tiếc. Tục lệ cầu nguyện cho người quá cố thịnh hành trong tất cả các Giáo hội bên Đông cũng như bên Tây, và sẽ là điểm tựa cho sự phát triển đạo lý về sự luyện tội. Giáo hoàng Grêgôriô cả được tặng tước hiệu “tiến sĩ luyện tội” nhờ việc cổ động cầu nguyện cho những linh hồn qua đời.

3. Huấn quyền

Huấn quyền Giáo hội đã can thiệp đặc biệt tại một công nghị Constantinopolis năm 543, chống lại vài luận đề của phái Origene (các đồ đệ của ông chứ không phải chính ông), liên quan đến cánh chung cá nhân. Công đồng phi bác chủ trương cho rằng các linh hồn được tạo dựng từ muôn thuở, hoặc sẽ tiếp tục đầu thai để thanh luyện. Công đồng cũng phi bác chủ trương cho rằng ma quỷ sẽ trở về với Chúa[7].

C. Cánh chung luận

Vào thời các giáo phụ, các vấn đề cánh chung được trình bày trong các bài giảng vào nhiều cơ hội khác biệt (chú giải Thánh Kinh, chú giải Kinh Tin Kính, vv), nhưng chưa có hệ thống. Mãi đến cuối thời giáo phụ mới xuất hiện một tác phẩm tạm gọi là “chuyên đề” về cánh chung luận, mang tựa đề Prognosticum futuri saeculi (thế kỷ VII) của thánh Giulianô giám mục Tôlêđô, thuật lại một cuộc đàm đạo giữa tác giả với Đức cha Iđaliô giám mục Barcelona nhân dịp tham dự Công đồng Tôlêđô năm 688, về số phận con người sau khi chết, xoay quanh ba đề tài: 1/ Nguồn gốc sự chết; 2/ Số phận linh hồn sau khi chết; 3/ Thân xác phục sinh[8].

II. THỜI TRUNG CỔ

Các sử gia không nhất trí về khởi điểm và tận điểm của thời Trung cổ (bên châu Âu). Dù sao, điều này không quan trọng lắm đối với vấn đề của chúng ta. Chúng ta chỉ cần biết rằng cao điểm của các cuộc tranh luận thần học và tuyên ngôn của Huấn quyền xảy ra trong khoảng những thế kỷ XI-XIV.

A. Thách đố văn hóa

1. Não trạng suy tư về bản tính các sự vật 

Vào giai đoạn đầu của thời giáo phụ, chúng ta thấy nảy sinh nhiều vấn đề đặt ra do sự chung đụng giữa văn hoá Do Thái và văn hoá Hy Lạp. Vào đầu thiên niên kỷ thứ hai, dường như không còn ai biết đến văn hoá Do Thái nữa. Mặt khác, tuy có tiếng là văn hoá Hy Lạp thắng thế, nhưng trên thực tế, một cuộc tranh chấp đã diễn ra giữa triết học Platon và triết học Aristote hồi thế kỷ XIII, với những hệ quả không nhỏ đối với cánh chung luận cá nhân.

Như đã nói trên đây, khi đối chiếu giữa văn hoá Do Thái và văn hoá Hy Lạp ta thấy có những khác biệt về các từ ngữ nói về con người (hồn, xác). Một sự khác biệt không nhỏ nữa là “não trạng”: Người Do Thái thích kể chuyện (Thiên Chúa đã làm gì cho chúng ta); người Hy Lạp thích suy tư về bản tính các vật (Thiên Chúa là ai? Đức Kitô là ai?). Vào thời các giáo phụ, sự đối nghịch hai não trạng đó đã gây ra những cuộc tranh luận về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi và về mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong phạm vi cánh chung luận, sự khác biệt giữa hai não trạng trở nên rõ ràng hơn vào thời Trung cổ. Các nhà thần học tranh luận khá nhiều về bản chất của Thiên đàng (Phúc kiến là gì? Thuộc lý trí hay ý chí? Trực kiến hay suy diễn), Sự sống lại (Thân xác nào? Mấy tuổi? Hồn và xác sẽ kết hợp như thế nào?), Phán xét (Ở đâu? Ai ngồi toà? Xét công hay xét tội?), Hoả ngục (Ở đâu? Gồm các loại hình phạt nào? Lửa như thế nào?), vv. Trong não trạng đó cũng phát sinh ra Luyện ngục (nơi thanh luyện, thay vì tiến trình thanh lọc), “lâm bô” (nơi dành cho các nhi đồng chưa được rửa tội). 

Không phải chỉ các nhà thần học mới bận tâm đến các câu chuyện “bản thể” của tứ chung, mà các văn nghệ sĩ cũng dùng tài năng của mình để diễn ra cách sống động. Thí dụ thi phẩm lừng danh Divina Commedia của Dante (Italia) trình bày một cuộc du hành tham quan các “tầng” hỏa ngục, luyện ngục, thiên đàng. 

2. Quan niệm về con người 

Trong triết học Hy Lạp, có hai quan niệm về sự kết hợp giữa hồn với xác. Theo Platon, linh hồn đã được dựng nên từ muôn thuở trên thiên giới, và bị đày xuống trần thế để đền tội; linh hồn coi thân xác như cái tù. Đối lại, theo Aristote, linh hồn là “mô thể” (forma) của con người: Linh hồn được dựng nên để hợp với thân xác thành một con người cá thể. Linh hồn cần đến các giác quan để thu thập hình ảnh làm chất liệu cho tư tưởng. Linh hồn rất gắn bó với thân xác. 

Tuy các giáo phụ không chấp nhận thuyết của Platon về nguồn gốc vĩnh cửu của linh hồn, nhưng các ngài chịu ảnh hưởng khá nặng của ông về linh hồn khao khát được thoát ly khỏi thân xác để trở về thiên giới. Thánh Tôma Aquinô đánh dấu một khúc quặt khi du nhập triết học Aristote, đề cao giá trị của thân xác, và nỗi khắc khoải của linh hồn muốn tái ngộ thân xác trong sự phục sinh.

3. Hoàn cảnh xã hội 

Cánh chung luận thời Trung cổ không chỉ bị chi phối với triết học mà còn bởi nhiều hoàn cảnh xã hội.

– Những cảnh chiến tranh loạn lạc, những tai ương xã hội (cơn Dịch tễ đen đã cướp đi hàng vạn sinh linh), tình trạng phong hoá suy đồi ngay từ nội bộ Giáo hội ... đã trở thành cơ hội để các nhà giảng thuyết loan báo ngày tận thế đã gần kề. Điển hình nhất là thánh Vinh-sơn Ferrer O.P. (1350-1419), “thiên thần Khải huyền”.

– Chế độ phong kiến (hoàng đế và các chư hầu) ảnh hưởng không ít đến cách hình dung Thiên Chúa. Chúa Kitô được khoác áo cẩm bào, đội vương miện hoàng đế: Ngài xuất hiện như thẩm phán công minh. Con người khiếp run khi phải đối diện với Ngài, vì thế phải chạy đến nài van Đức Maria làm Trạng sư (và các thánh cầu bầu)[9].

B. Niềm tin của Giáo hội

Chúng ta có thể thấy niềm tin của Giáo hội về cánh chung trong các tuyên ngôn của Huấn quyền và trong cả việc cử hành phụng vụ. 

1. Tuyên ngôn của Huấn quyền

Các tuyên ngôn của Huấn quyền vào thời Trung cổ chú trọng đến cánh chung cá nhân hơn là cánh chung tổng quát.

– Văn kiện quan trọng nhất là tông hiến Benedictus Deus của Đức thánh cha Bênêđictô XII (28/1/1336) tuyên bố rằng sau khi chết, các linh hồn sạch tội sẽ được hưởng phúc kiến ngay lập tức (chứ không phải chờ đến ngày Chúa Quang lâm). Văn kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong cánh chung luận: Trọng tâm chuyển từ cánh chung tổng quát (tận thế) sang cánh chung cá nhân.

– Một vấn đề gây phân ly giữa các Giáo hội Tây phương và Đông phương (Công giáo và Chính thống) là đạo lý về luyện ngục. Vì thế điểm này được ghi trong chương trình nghị sự của hai Công đồng hiệp nhất họp tại Lyon (1274) và Firenze (1439).

– Những bản tuyên xưng đức tin chống lại thuyết nhị nguyên (lạc giáo Cathari) khai triển thêm đề tài về thiên thần và ma quỷ cũng như về hoả ngục. Nên nhớ rằng các tín biểu cổ điển chỉ nói đến sự sống vĩnh cửu! 

2. Phụng vụ

Niềm tin của Giáo hội không chỉ diễn tả qua những tuyên ngôn của Huấn quyền mà còn qua nhiều hình thức khác, đặc biệt là phụng vụ. Tục lệ cầu nguyện cho các người qua đời đã xuất hiện từ thời các giáo phụ ngay từ những thế kỷ đầu được phát triển nơi các đan viện, đánh dấu với việc thiết lập lễ cầu cho tất cả các linh hồn ngay sau lễ Các Thánh (2/11/998) xuất phát tại Cluny, dòng Biển đức do sáng kiến của viện phụ Odilon (994-1049).

C. Cánh chung luận

Với sự xuất hiện của các đại học tại Âu châu từ thế kỷ XII, nhiều bộ tổng luận thần học cũng ra đời dùng làm sách giáo khoa. Các đề mục thần học được xếp đặt thành hệ thống. Cánh chung luận nằm ở phần chót[10], với nguy cơ bị coi như chuyện bên lề, nghĩa là chẳng ăn nhập gì tới đời sống.

Trong bộ Tổng luận thần học (Summa Theologica), thánh Tôma Aquinô cũng dự tính sẽ bàn đến cánh chung ở phần cuối, sau khi đã bàn về các bí tích. Nhưng tác phẩm còn bỏ dở ở giữa bí tích Giải tội (pars III, quaestio 90). Các môn sinh đã bổ túc trọn bộ (Supplementum) với chất liệu lấy từ những bài chú giải sách Sententiae của Petrus Lombardus viết khi còn trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh các đề tài cổ điển về tứ chung, chúng ta có thể tìm thấy trong bộ Summa nhiều điểm khác không kém quan trọng, chẳng hạn như về hạnh phúc con người (I-II, qq.1-5), về sự hưởng nếm hạnh phúc thiên quốc ngay từ bây giờ, nhờ ân sủng (II-II, q. 24,3), các nhân đức tin cậy mến (II-II, q.18,2), các bí tích (III, q. 60,3), đặc biệt là Thánh Thể.

III. Thời Cận đại

Chúng ta sẽ không bàn đến những cuộc tranh luận của các sử gia về khởi điểm và mốc điểm của thời cận đại (và hiện đại), mà chỉ chú trọng đến vài vấn đề đặt ra cho cánh chung luận từ thế kỷ XVI tại Âu châu.

A. Thách đố văn hóa

Tại Âu châu, thời cận đại được đánh dấu bởi những cuộc “thoát ly” hoặc “giải phóng”, dưới nhiều hình thức: Thế quyền tách rời khỏi giáo quyền, lý trí tách rời khỏi tôn giáo, khoa học tách rời khỏi triết học, nhân dân dành chủ quyền khỏi các vua chúa, vv. Từ đó nảy sinh những quan điểm khác nhau về cuộc sống (nhân sinh quan), về thế giới (vũ trụ quan), với những hệ luận không nhỏ đối với cánh chung luận.

1. Khoa học cận đại cho thấy kiến trúc của vũ trụ khác với lối mô tả bình dân trong Thánh Kinh (trên trời dưới đất). Không những trái đất quay chung quanh mặt trời, mà thái dương hệ chỉ là một hành tinh trong hằng hà sa số các hành tinh. Như vậy, “trời” ở đâu? Lên trời là đi đâu? Địa ngục là gì? Đó là những câu hỏi cần phải được giải thích theo ý nghĩa mới.

2. Khoa học kỹ thuật mang lại nhiều hứa hẹn giúp cải thiện cuộc sống hiện tại. Chúng ta có thể vượt qua cuộc sống lầm than này nhờ các phát minh khoa học. Hạnh phúc có thể đạt được ở thế giới này, không cần phải mơ mộng đi đâu xa. “Thế giới mới” (tân thế giới) không hiểu về thế giới mai hậu, nhưng là thế giới của những cuộc thám hiểm, viễn chinh, mang về nhiều tài nguyên làm giàu cho đất nước. Như vậy, dù muốn dù không, con người thời cận đại tiếp nhận hai “ngôn ngữ” cánh chung luận: Một ngôn ngữ trong nhà thờ, giảng về hạnh phúc đời sau; một ngôn ngữ của chính trị và khoa học, giảng về hạnh phúc đời này. Hậu nhiên, thần học về cánh chung, cách riêng là cánh chung cá nhân, không liên hệ gì đến cuộc sống đời này, ngoại trừ để đe doạ cho người ta sợ mà lo ăn ngay ở lành.

B. Niềm tin của ciáo hội

1. Vào thời cận đại, Giáo hội bên Tây phương phải chứng kiến một cuộc ly khai mới, giữa Công Giáo và Tin Lành. Ông Luther chủ trương rằng duy chỉ có Thánh Kinh mới là tiêu chuẩn duy nhất của đức tin (sola Scriptura); vì thế ông không chấp nhận đạo lý về luyện ngục. Ông cũng chỉ trích việc tôn kính dành cho Đức Mẹ và các thánh, và việc cầu nguyện cho người qua đời. Trọng tâm của kinh nguyện là chỉ có Thiên Chúa mà thôi (solus Deus). Tuy nhiên, Công đồng Trentô (được triệu tập để đối phó với những thách đố của Tin Lành) không bàn đến các vấn đề cánh chung cách trực tiếp, nhưng chỉ nhắc tới những mục khác (ân xá, ân sủng và sự công chính hoá, luyện ngục).

2. Đối với đời sống đạo, “tứ chung” trở thành đề tài suy gẫm bắt buộc trong các cuộc tĩnh tâm, dọn mình chết lành. Việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục rất được khuyến khích.

C. Cánh chung luận

Không có sự thay đổi đáng kể về cánh chung luận trong các sách thần học. Cánh chung luận được bàn ở thiên cuối cùng của thần học tín lý, gồm hai phần chính: Cánh chung cá nhân (chết, phán xét riêng, thiên đàng, hỏa ngục, luyện ngục) và cánh chung phổ quát (tận thế, phục sinh, phán xét chung, trời mới đất mới).

IV. Từ Công đồng Vatican II cho tới nay

Cánh chung luận đã bắt đầu biến chuyển từ hai thế kỷ trước, nhưng từ Công đồng Vatican II (1962-1965) trở đi, đã có những biến đổi sâu xa trong tư tưởng và thực hành của người Công giáo[11].

A. Những bước dọn đường

Việc canh tân cánh chung luận đã được chuẩn bị từ nhiều yếu tố khác nhau, ngay từ đầu thế kỷ XX.

1. Phong trào học hỏi Thánh Kinh

Việc học hỏi Thánh Kinh (khởi sự từ phía Tin Lành) đã cho thấy chiều kích cánh chung nằm ngay ở trung tâm của lời giảng của Đức Giêsu: Sứ điệp Nước Trời. Vì thế, cần phải đưa cánh chung từ ngoại ô vào trung tâm của thần học, và móc nối với thân thế sự nghiệp của Đức Giêsu, với mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua của Người. Mặt khác, nhiều học thuyết đã nảy sinh nơi các nhà thần học Tin Lành trong việc giải thích sứ điệp cánh chung của Đức Giêsu[12].

2. Tái khám phá chiều kích tiến hoá của lịch sử

Việc học hỏi Thánh Kinh cũng giúp trở về với chiều kích lịch sử và năng động mà thần học kinh viện đã lãng quên. Thật vậy, các triết học Thượng cổ và Trung cổ quá chú trọng vào bản chất thường hằng, bất biến và bao quát của sự vật. Nhưng tư duy thời hiện đại nhìn thấy tất cả mọi hữu thể như nằm gọn trong mạng lưới của dòng tiến hóa lịch sử. Cánh chung học cần được lồng trong lịch sử cứu độ. Hậu nhiên, cần phải nêu bật cánh chung học phổ quát trước cánh chung luận cá nhân.

3. Thách đố của thuyết Mácxít

Trong số những thách đố của thời đại, ta không thể bỏ qua thuyết Mácxít. Họ tố cáo các tôn giáo là “tha hóa”, là thuốc phiện của dân đen, chỉ mơ màng một thế giới mộng ảo mai sau, để bù đắp lại những lầm than ở đời này. Phải chăng đó là thái độ hèn nhát, trốn chạy? Đối lại, thuyết Mácxít huy động nghị lực để kiến tạo trần thế này nên tốt đẹp hơn, một thế giới không tưởng và hấp dẫn: Thiên đường có thể thực hiện ở trần gian này.

4. Cảm thức bất an và những khủng hoảng trong kiếp sống

Sau các cuộc thế chiến kinh hoàng thì phát sinh chủ nghĩa tự do (Liberalism). Họ muốn vượt lên trên giáo điều và truyền thống để suy nghĩ về thần học. Họ cho rằng Đức Giêsu đã sai lầm khi nói về ngày Quang lâm gần kề.

Cũng vậy trong những năm gần đây, tại các nước Âu Mỹ và Việt Nam, gia tăng nỗi sợ hãi trước những thảm họa bệnh dịch (AIDS, cúm gia cầm...), thiên tai, những khủng hoảng về kinh tế, chính trị… đã làm cho nhiều người đánh mất ý nghĩa và niềm hy vọng vào cuộc sống, hoặc cật vấn về lời tiên báo tận thế của Đức Giêsu.

Cơn khủng hoảng về môi sinh đã thu hút mối quan tâm không những của giới khoa học mà còn của Giáo hội nữa: Trạng thái của vũ trụ vào thời thế mạt sẽ như thế nào? Vũ trụ bị hủy diệt hay được tái tạo từ hư vô?...

Do sự phát triển của ngành truyền thông, người ta chú ý tới khả năng ngoại cảm của con người, nêu ra vấn đề giao tiếp với vong hồn người chết, dễ dàng tin vào những cuộc tái sinh hay đầu thai…

5. Nhận thức của triết học hiện đại

Theo triết học hiện đại trong con người, tự bản thể, xác và hồn chỉ là một. Cho nên linh hồn không thể lìa khỏi xác một cách điềm nhiên mà không chịu bất cứ tác động nào của cái chết. Do đó cánh chung học sẽ phải trình bày trạng thái của linh hồn sau khi lìa khỏi xác, nó cũng bất toàn và phải quy hướng về sự Phục sinh thân xác.

B. Các văn kiện công đồng 

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) được triệu tập không phải để giải quyết vấn đề cánh chung, và cũng không soạn thảo văn kiện nào dành riêng cho vấn đề này. Tuy nhiên, Công đồng đã góp phần rất lớn trong việc canh tân cánh chung luận.

Những đề tài cánh chung được đề cập rải rác trong nhiều văn kiện của Công đồng Vaticanô II, chẳng hạn như Hiến chế về Phụng vụ (số 8: Chiều kích cánh chung của các buổi cử hành phụng vụ), Sắc lệnh về Truyền giáo (số 9: Tính cách cánh chung của công cuộc truyền giáo). Tuy nhiên, đề tài cánh chung được bàn rộng hơn cả trong Hiến chế tín lý về Hội Thánh (Lumen Gentium) chương 7, và Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes).

1. Hiến chế tín lý về Hội Thánh

Hiến chế về Hội Thánh gồm 8 chương, trình bày những chiều kích khác nhau của Hội Thánh. Chương I bàn về mầu nhiệm Hội Thánh, nghĩa là kế hoạch của Thiên Chúa từ muôn thuở. Chương II nói đến Dân Thiên Chúa, nghĩa là sự thể hiện của kế hoạch Thiên Chúa trong lịch sử. Chương III và IV trình bày những cơ cấu Hội Thánh dựa theo phẩm trật, gồm các giáo sĩ và giáo dân. Chương V và VI trình bày khía cạnh huyền nhiệm của Hội Thánh, nghĩa là ơn gọi nên thánh qua việc thực thi đức ái. Chương VII và VIII trình bày Hội Thánh như đoàn lữ hành tiến về quê trời, nơi mà Đức Maria đã đi tới trước chúng ta.

Dĩ nhiên, đáng được chúng ta lưu ý hơn cả là chương IV mang tựa đề “Đặc tính cánh chung của Hội Thánh lữ hành, và sự hiệp nhất với Hội Thánh trên trời”. Chương này gồm có 4 đoạn: 1/ Ơn gọi cánh chung của Hội Thánh (số 48). 2/ Sự thông hiệp giữa Hội Thánh trên trời với Hội Thánh dưới đất (số 49). 3/ Những liên hệ giữa Hội Thánh dưới đất với Hội Thánh trên trời (số 50). 4/ Những quy định mục vụ (số 51). 

Văn kiện này đã làm thay đổi cái nhìn cổ truyền về cánh chung ở nhiều điểm.

a) Cánh chung được coi như một chiều kích của Hội Thánh: Hội Thánh tiến về cánh chung như mục tiêu của hành trình. Như vậy, Công đồng đã lấy lại tầm quan trọng của cánh chung tổng quát, lật ngược thứ tự của các sách giáo khoa viết từ thời Trung cổ. Ngoài ra, cánh chung được lồng trong lịch sử cứu độ, như một bước tiến về mục tiêu của kế hoạch mà Thiên Chúa đã ấn định từ ngàn xưa. Cánh chung không phải là “tận số” (thế mạt) nhưng là đạt đến hạnh phúc tuyệt đối, căn nguyên của niềm hy vọng. Thực vậy, Hội Thánh đang trên đường lữ hành về quê trời, đang thông hiệp với Đức Kitô, Mẹ Maria và các thánh nhân (toàn bộ chương VIII được dành cho Đức Maria, hình ảnh cánh chung của Hội Thánh).

b) Chiều kích cánh chung của Hội Thánh mang tính cách năng động nhờ được đặt trong mối tương quan với Đức Kitô. Thực vậy, nơi Đức Kitô, thực tại cánh chung đã hoàn tất rồi: Tội lỗi và sự chết đã bị tiêu diệt nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. Một vài phần tử của Hội Thánh cũng đã được thông dự vào công trình đó rồi (Hội Thánh trên trời, quen gọi là Hội Thánh khải hoàn). Nhưng Hội Thánh cũng gồm nhiều phần tử đang phải chiến đấu chống lại sự dữ hoặc còn phải được thanh luyện (Hội Thánh lữ hành và Hội Thánh đau khổ). Dù sao, Hội Thánh tin rằng công trình cứu độ đã được hoàn tất nơi Đức Kitô rồi, và việc canh tân thế giới đã khai mào (số 48c).

c) Chúa Thánh Thần cũng tác động trong tiến trình cánh chung của Hội Thánh. Chúa Thánh Thần được ban cho nhân loại như hồng ân của thời viên mãn, ngõ hầu thực hiện cuộc canh tân vũ trụ (số 48).

d) Chiều kích cánh chung không chỉ bao trùm Hội Thánh mà cả toàn thể vũ trụ nữa, dựa theo tư tưởng của Tân Ước được trưng dẫn ở số 48: Ep 1,10; Cl 1,20; 2 Pr 3,10-13; Rm 8,19-22. Dĩ nhiên, cần hiểu về việc canh tân đổi mới, chứ không phải là “thế mạt”.

Đó là những viễn tượng mới của cánh chung luận do Hiến chế về Hội Thánh đã mở ra. Xét về nội dung của đạo lý, Công đồng lặp lại giáo huấn cổ truyền, dựa theo bản văn Thánh kinh hơn là các suy diễn, thí dụ: Hạnh phúc hệ tại “ở kề bên Chúa”, sự “thanh luyện” hơn là luyện ngục. 

2. Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay

Hiến chế tín lý về Hội Thánh hướng đến con cái của Hội Thánh (đối nội: ad intra), còn Hiến chế này cũng được gọi là Vui mừng và Hy vọng hướng đến hết mọi người thiện chí (đối ngoại: ad extra), đàm đạo về ý nghĩa cuộc đời, về những khát vọng của nhân loại. Trong văn kiện này có ba điểm liên quan đến đề tài cánh chung.

a) Mầu nhiệm sự chết (số 18). Đây là một mối ưu tư của mọi người mà các tôn giáo tìm cách trả lời. Giải đáp của Công đồng vừa dựa theo lý luận tự nhiên, bản tính thiêng liêng của linh hồn (số 14) vừa dựa theo lời hứa của mặc khải.

b) Sự mong chờ hạnh phúc ở thế giới bên kia không làm các tín hữu giảm bớt việc dấn thân kiến tạo thế giới này nên tốt đẹp hơn (số 39). Đây là câu trả lời cho sự cáo buộc của thuyết Mácxít. Công đồng cũng tìm cách trả lời cho một cuộc tranh luận thần học vào thập niên 60 bên châu Âu trong số này: Thế giới mai hậu sẽ tiêu hủy hay canh tân thế giới hiện tại? Công đồng đề nghị một lý thuyết trung dung: Giữa thế giới hiện tại và thế giới tương lai vừa có sự liên tục vừa có sự bất liên tục. Liên tục xét về những giá trị tích cực trong hiện tại (công bình, bác ái, nhân đức nói chung). Khác biệt, không chỉ vì những điều tiêu cực sẽ biến mất nhưng nhất là Vương quốc của Thiên Chúa vượt xa những thành tựu của bàn tay con người.

c) Hướng đi của lịch sử. Lịch sử sẽ tiến đến chỗ viên mãn nơi Đức Kitô, chìa khoá của lịch sử, Ngài là Alpha và Ômega (số 45, kết luận phần thứ nhất). Thánh Thần cũng là một nguyên ủy hướng dẫn lịch sử nhân loại đến Chân Thiện Mỹ (số 38a; 45b).

C. Các văn kiện sau công đồng

Sau Công đồng Vaticanô II, những sách thần học về cánh chung luận đã được soạn lại theo hướng mới như đã được nêu lên ở nhập đề. Mặt khác, một vài vấn đề mới cũng được đặt ra khiến cho Huấn quyền phải can thiệp.

1. Công đồng Vaticanô II, cách riêng là Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, đã mở ra một cái nhìn mới về tương quan giữa “đạo” với “đời”, giữa đời sống đạo đức và sự dấn thân xã hội. Giáo hội có sứ mạng không những lo cứu rỗi các linh hồn ở đời sau, mà còn giúp cải thiện đời sống con người ở đời này nữa. Nhiều văn kiện về truyền giáo sau Công đồng nói đến việc cứu độ “toàn diện” con người, nghĩa là cả hồn và xác, cả đời này lẫn đời sau (Thí dụ: Evangelii nuntiandi 1975, số 27-36; Redemptoris missio 1990, số 17). Tuy nhiên, nguy cơ trái nghịch có thể xảy đến, đó là chỉ lưu ý đến cuộc sống ở thế giới này mà quên hẳn thế giới bên kia, đồng hóa việc kiến tạo Nước Thiên Chúa với những cuộc cách mạng chính trị, xã hội, kỹ thuật.

2. Việc canh tân thần học sau Công đồng không những chú trọng đến cánh chung tổng quát trước cánh chung cá nhân, nhưng còn muốn theo sát tư tưởng Thánh Kinh hơn là các suy diễn thần học. Tuy nhiên, việc “trở về nguồn” đã đặt ra vài vấn đề không nhỏ, chẳng hạn quan điểm về con người trong Thánh Kinh: Thánh Kinh có chấp nhận rằng con người gồm bởi hai yếu tố (hồn và xác) không? Hồn là gì? Xác là gì? Hồn có chết theo xác không, hay là bất tử? Xác cho tách khỏi hồn không hay là được sống lại tức khắc cùng với hồn? Ý kiến của nhà thần học Công giáo không còn đồng nhất như trước nữa. Vì thế ngày 17/5/1979, Bộ Giáo lý đức tin phải viết một lá thư Recentiores episcoporum sinodi về vài vấn đề về cánh chung học[13] gửi đến các Hội đồng giám mục để khẳng định lại đạo lý cổ truyền của Giáo hội liên quan đến “cánh chung cá nhân”. Văn kiện nhìn nhận rằng tiếng “hồn” mang nhiều nghĩa trong Thánh Kinh (và trong các nền triết học). Vì thế cần phân biệt giữa “thực chất” và “từ ngữ”. Hội Thánh tin rằng sau khi chết, vẫn còn có cái gì đó của cái “Tôi” tồn tại (chết không phải là trở về hư vô). Ngoài ra, khi trình bày các thực tại thuộc thế giới bên kia, chúng ta không quên rằng giữa thế giới hiện tại và thế giới tương lai có vài điểm tương đồng và rất nhiều điểm khác biệt. Vì thế cần ý tứ trong cách sử dụng những hình ảnh để diễn tả, kể cả những hình ảnh được sử dụng trong Thánh Kinh.

3. Ủy ban Thần học Quốc tế năm 1992 cũng xuất bản một văn kiện về cánh chung học De quibusdam quaestionibus actualibus circa eschatologiam (Một vài vấn nạn hiện nay liên quan đến cánh chung luận)[14], sau khi được ĐGH Gioan Phaolô II chấp thuận ngày 16/11/1991. Đây không phải là tuyên ngôn của Huấn quyền nhưng cũng đáng được lưu ý, bởi vì chủ tịch của ủy ban này cũng là Tổng trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin. Văn kiện lặp lại những lời minh xác về các chân lý căn bản của đức tin liên quan đến số phận đời đời của cá nhân và lịch sử, đồng thời phê bình một số giáo thuyết hiện đại về cánh chung, cách riêng lý thuyết về sự phục sinh tức khắc trong cái chết với việc phủ định trạng thái trung gian (hai tư tưởng đi kèm theo nhau). 

Nội dung văn kiện gồm Nhập đề và 11 chương: 1/ Sự phục sinh của Chúa Kitô và của chúng ta; 2/ Sự Quang lâm của Chúa Kitô và sự phục sinh; 3/ Sự hiệp thông với Chúa Kitô liền ngay sau khi chết, dựa theo Tân Ước; 4/ Sự sống lại theo bối cảnh thần học hiện nay; 5/ Con người được mời gọi đến sự phục sinh; 6/ Cái chết của người Kitô hữu; 7/ Sự hiệp thông sự sống của tất cả các phần tử Hội Thánh trong Chúa Kitô; 8/ Sự thanh luyện linh hồn để gặp gỡ Đức Kitô vinh hiển; 10/ Cuộc sống con người chỉ có một lần chứ không lặp lại: Vấn đề tái sinh luân hồi; 10/ Kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa và tính nghiêm túc của kiếp sống con người; 11/ Lex orandi – Lex credendi.

4. Một văn kiện khác cũng được lưu ý trong thời gian vừa qua đó là thông điệp Spe salvi về niềm hy vọng Kitô giáo của ĐGH Bênêđictô XVI ban hành 30/11/2007. Thông điệp tái khẳng định niềm hy vọng của Kitô giáo trong một thế giới trở nên trống rỗng từ khi các ý thức hệ chấm dứt, trong đó con người sống mà không có viễn tượng tương lai và không còn khao khát sự sống đời đời nữa. Văn kiện tái khẳng định sự hiện hữu của thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục, đồng thời gắn liền niềm hy vọng Kitô với công lý của Thiên Chúa. Cả đau khổ cũng là nơi mà chúng ta học hy vọng.

Văn kiện được chia làm 50 đoạn, lần lượt đề cập tới tương quan giữa đức tin và hy vọng (4-9), giải thích về sự sống vĩnh cửu (10-12), bác bỏ quan niệm cho rằng niềm hy vọng Kitô có tính chất cá nhân chủ nghĩa (13-15). Trải qua sự biến chuyển niềm tin - hy vọng qua các thời đại, để rồi xác định chân dung đích thực của niềm hy vọng Kitô giáo (16-31). Trong phần thứ hai, Thông điệp trình bày về những môi trường học hỏi và thực tập hy vọng (32-48).

Kết luận

Khi nhìn lại lịch sử thần học Công giáo về cánh chung luận, chúng ta có thể rút ra vài cảm nhận sau đây.

Tuy rằng thuật ngữ “cánh chung luận” mới trở thành thông dụng từ thế kỷ XX, nhưng những vấn đề cánh chung đã được nêu lên ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nói đúng hơn, những điểm nhấn đã thay đổi trải qua lịch sử.

Vào buổi đầu, người ta quan tâm đến chiều kích cộng đồng hơn chiều kích cá nhân. Các câu hỏi xoay quanh ý nghĩa của lịch sử nhân loại, tức là lịch sử cứu độ: chừng nào vương quốc Thiên Chúa sẽ được thiết lập? Chừng nào công bình sẽ ngự trị trên trái đất? Dần dần, các câu hỏi liên quan đến số phận cá nhân cũng nổi lên: chuyện gì xảy ra sau khi chết? Như vậy, thứ tự các câu hỏi của cánh chung luận Kitô giáo phần nào cũng tương tự như trong Cựu Ước: các câu hỏi về vận mệnh dân tộc Israel đi trước các câu hỏi về số phận con người ở thế giới bên kia. Thiết tưởng đây là điều khác biệt giữa cánh chung luận của đạo Do Thái và đạo Kitô so với các tôn giáo bên Đông phương.

Khi đối chiếu giữa cánh chung luận Tân Ước với cánh chung luận Cựu Ước, ta thấy điểm mới mẻ nằm ở vị trí của Đức Kitô: Người là chìa khóa giải thích ý nghĩa của lịch sử nhân loại cũng như lịch sử của mỗi cá nhân. Tiếc rằng chân dung của Đức Kitô đã biến thái khá nhiều trải qua thời gian: từ bức chân dung của vị mục tử nhân lành, của vị tư tế nhân hậu, của lang quân âu yếm, đến bức chân dung của một vị Thẩm phán công minh, một vị Vua uy nghi. Cần thêm rằng từ thời Trung cổ, ra như Đức Kitô cũng vắng bóng khỏi các khảo luận về cánh chung: người ta chú trọng đến bản chất của các thực tại cánh chung hơn là đến mối tương quan với Đức Kitô.

Cuộc canh tân thần học từ sau công đồng Vaticanô II muốn đặt cánh chung luận trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Nói đến lịch sử có nghĩa là nói đến một khởi điểm và chung cục. Khởi điểm là công cuộc tạo dựng, cao điểm là ơn cứu độ được thực hiện nơi mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Điều này đã hoàn tất nơi cuộc Phục sinh của Đức Kitô, nhưng chúng ta trông mong cho mầu nhiệm ấy được biểu lộ ra toàn thể vũ trụ. Cánh chung luận cần được gắn liền với Đức Kitô, và qua Người lên đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Cũng vì được gắn liền với lịch sử cứu độ, cho nên cánh chung luận cũng bao gồm nhân luận, Giáo hội học.

Chúng ta có thể nhận thấy những cách thức khác nhau để trình bày cánh chung luận khi khảo sát Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (ban hành ngày 11/10/1992). Chúng ta có thể khám phá ra ba lối tiếp cận: 1/ Lối tiếp cận cổ truyền xoay quanh “tứ chung” những sự sau hết; 2/ Lối tiếp cận liên-bản-vị, lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm; 3/ Lối tiếp cận toàn diện, liên kết tất cả các đề tài thần học với cánh chung.

1. Những sự “sau hết” (eschata)

Phần lớn các đề tài này được trình bày trong mục 12 của Kinh Tin kính (Tôi tin hằng sống vậy).

– Quang lâm và phán xét : 668-682; 1038-1041; 1059

– Người chết sống lại : 988-1004; 1015-1017

– Cái chết của Kitô hữu : 1005-1014; 1016; 1018-1019

– Phán xét riêng : 1021-1022; 1051

– Trời : 1023-1029; 1052-1053

– Sự thanh luyện : 1030-1032; 1054-1055

– Địa ngục : 1033-1037; 1056-1058

– Niềm hy vọng vào trời mới đất mới: 1042-1050; 1060

2. Quy chiếu về Đức Kitô

Đặc trưng của cánh chung luận Kitô giáo hệ tại mối quy chiếu về Đức Kitô. Đức Kitô là cánh chung của lịch sử cứu độ. Tất cả Hội Thánh trông mong đến gặp gỡ Chúa Kitô vào ngày Quang lâm, và tha thiết van nài: Maranatha, Lạy Chúa Giêsu, xin mau đến (666; 671; 1041)

a) Quang lâm chính là sự “tỏ hiện” Đức Kitô, Đấng vốn đã hiện diện trong thế giới. Đó là sự tỏ hiện vinh quang của sự Phục sinh vốn đang chiếu sáng trong Hội Thánh của Người (668-669). Cuộc Quang lâm cũng bày tỏ vinh quang của chúng ta nữa (Cl 3,4). 

b) Cuộc phục sinh của Đức Kitô là căn nguyên và khuôn mẫu của sự phục sinh của chúng ta (994).

c) Cuộc phán xét chung sẽ do Đức Kitô thực hiện (1040). Đó sẽ là sự phán xét ban ơn cứu độ, dựa theo thái độ của chúng ta đối với những người anh chị em của Đức Giêsu (1041).

d) Thế giới mới sẽ được biến đổi ngõ hầu thông phần vào vinh quang của những người công chính trong Đức Kitô (1047).

e) Đời sống vĩnh hằng hệ tại “ở với Chúa Kitô” (1023;1026) và kết bạn với các phúc nhân (1029).

f) Sự chết đời đời hệ tại bị đuổi xa Đức Kitô (1034), hậu quả của việc khước từ Đức Kitô và các anh chị em của Người nơi những kẻ nghèo khó bé mọn (1033).

h) Đối với Kitô hữu, chết có nghĩa là chết với Đức Kitô (1010; 1020) 

i) Luyện tội có thể coi như cuộc gặp gỡ thanh luyện với Đức Kitô. Trong tiến trình thanh luyện, người Kitô hữu được trợ giúp bằng lời cầu nguyện trong niềm hiệp thông với các thánh (957; 958), cách riêng nhờ hiến tế của Thánh Lễ (1371; 1689; 1404; 1471-1479).

3. Chiều kích cánh chung của thần học và đời sống Kitô hữu

Cánh chung không phải chỉ là một thiên khảo luận đặt ở cuối thần học tín lý, nhưng nó bao trùm tất cả mọi ngành thần học: Thần học nền tảng, Kitô luận, Thánh Thần, Hội Thánh, Bí tích, Luân lý. Do đó, Sách GLHTCG bàn đến các đề tài cánh chung rải rác trong nhiều phần khác nhau: Tuyên xưng đức tin (tín lý), cử hành đức tin (phụng vụ bí tích), sống đức tin (luân lý).

a) Thần học nền tảng (Fundamental theology)

Thần học cơ bản bàn về nền tảng của đức tin Kitô giáo, dựa trên mặc khải.

Con người khát khao đi tìm kiếm Chúa, bởi vì duy chỉ nơi Ngài con người mới thấy chân lý và hạnh phúc (27).

Mục đích của mặc khải là để con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (51).

Đức tin là khởi điểm của cuộc sống vĩnh cửu: Đức tin cho ta nếm thưởng ánh sáng của phúc kiến, mục tiêu của cuộc hành trình của ta trên đời này (163).

Vào cuối phần tuyên xưng đức tin, Sách Giáo lý giải thích lời tuyên xưng "Amen" mang ý nghĩa không những như đáp lại lời mặc khải của Chúa mà còn bao hàm chiều kích cánh chung: Lời tình yêu chung cục về phía Thiên Chúa cũng như về phía con người (1065)

b) Kitô luận (Christology)

Danh hiệu “Kitô” có nghĩa là Mêsia. Đức Giêsu kiện toàn niềm hy vọng của Israel vào đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến để khai trương Triều đại Thiên Chúa (436; 446). Dấu hiệu của triều đại Thiên Chúa đã đến là triều đại của Satan bị đánh bại... Triều đại Thiên Chúa đã được thiết lập vĩnh viễn nhờ thập giá của Đức Kitô (550).

Cuộc Phục sinh của Đức Kitô là nguyên ủy và nguồn mạch của sự phục sinh của chúng ta trong tương lai (655). “Chúng ta tin chắc và chúng ta hy vọng rằng, cũng như Đức Kitô đã thực sự sống lại từ cõi chết và hiện đang sống mãi, thì những người công chính cũng sẽ sống mãi mãi với Đức Kitô phục sinh, và Người sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết” (989). Từ nay, cuộc sống của chúng ta trên đời này là sự thông dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô (1002). Người Kitô hữu “chết trong Đức Kitô " (1005) hầu cũng được chỗi dậy với Đức Kitô (1002).

Kể từ ngày Đức Kitô lên trời, kế hoạch của Thiên Chúa đã thành tựu. Chúng ta đang sống vào “giờ cuối cùng” (670). Việc Đức Kitô trở lại sẽ hoàn tất sự chiến thắng vĩnh viễn của sự Thiện trên sự Dữ (671-679).

Cánh chung của Kitô giáo lấy trọng tâm là cuộc Quang lâm của Đức Kitô (668-682). 

c) Chúa Thánh Thần (Pneumatology)

Giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ được đánh dấu với cuộc Nhập thể và nhất là sự Phục sinh của Đức Giêsu nhờ quyền năng Thánh Thần, cũng trùng với giai đoạn mà Thánh Thần được đổ tràn xuống thế giới. Vì thế thời của Thánh Thần, được gọi là “thời cuối cùng”. Đây là những chủ đề chính liên quan đến cánh chung luận.

Thánh Thần đã tác động với Chúa Cha và Chúa Con từ khi bắt đầu cho tới lúc hoàn tất kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Tuy nhiên, “thời cuối cùng” (end times) này được đánh dấu bởi việc Ngôi Lời làm người, Thánh Thần được tỏ lộ, trao ban, nhận biết như một ngôi vị (686).

Thần Khí của Đức Kitô vào thời viên mãn (in the fulness of time: 717-730).

Thần Khí và Hội Thánh trong những ngày cuối (in the last days: 731-741).

d) Giáo hội học (Ecclesiology)

Chiều kích cánh chung của Hội Thánh, đặc biệt của đời tận hiến và của Đức Maria.

Hội Thánh sống giữa thời thiết lập và thời chung tất của Triều đại Thiên Chúa (664; 671; 769). Hội Thánh sống thông hiệp với Chúa Giêsu (787-789). Hội Thánh lữ hành dưới thế (671) hiệp thông với các thánh nhân (954).

Đời thánh hiến là dấu chỉ loan báo trong Hội Thánh về vinh quang của thế giới mai hậu, về Vị Vua sắp đến (916; 931). Chính trong viễn ảnh của Nước Trời mai hậu mà ta thấy ý nghĩa của lời khấn trinh khiết (1619)[15].

Đức Maria là hình ảnh cánh chung của Hội Thánh (972): Mẹ đã đạt tới đích mà Hội Thánh lữ hành đang ngóng trông.

e) Phụng vụ, bí tích, cầu nguyện

Chiều kích cánh chung của phụng vụ nói chung, khai triển giáo huấn của Công đồng Vaticanô II (1090; 1107; 1137-1139).

Các bí tích ban cho ta sự sống trường cửu (1130).

Chiều kích cánh chung của Bí tích Thánh Thể “cho đến khi Người lại đến” (1344). Bí tích này là bảo chứng của vinh quang mai hậu (1402-1405).

Tính cách cánh chung của lời khẩn nài: Xin cho Nước Cha mau đến; Maranatha (671; 1107; 2816).

f) Đời sống tâm linh

Đời sống của người Kitô hữu là sống với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự thật và Sự sống. Do bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được chết và mai táng với Đức Kitô để sống cuộc đời mới (537; 628; 1214; 1694). Do quyền năng của Thánh Thần, ngay từ bây giờ người Kitô hữu đã thông phần vào cái chết và sống lại của Đức Kitô (1002).

Ơn gọi của chúng ta là sống các mối phúc thật (1716-1723), nên thánh và kết hiệp với Thiên Chúa (2014), hướng đến việc chiêm ngưỡng Ngài và hưởng hạnh phúc bên Ngài (2548).

Ân thánh mang lại cho ta sự sống của Thiên Chúa, thông phần vào bản tính Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu (1996-1997).

Thái độ của người Kitô hữu: chờ đợi và tỉnh thức (672).

Đức Hy vọng (Cậy) được bàn ở các số 1817-1821. “Hy vọng” được định nghĩa như là một nhân đức hướng về Chúa, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và hạnh phúc, đặt niềm tin tưởng vào lời hứa của Đức Kitô, không dựa trên sức lực của mình nhưng trên ơn của Thánh Thần (1817). Hy vọng và cầu nguyện có tương quan mật thiết với nhau (2657-2658; 2796). Cầu nguyện là hiệp thông với Ba ngôi Thiên Chúa (2565). Khi cầu nguyện, chúng ta trông mong về “Trời”, nghĩa là sống hiệp thông với Chúa (2794; x 1024).

Người Kitô hữu hy vọng, cầu nguyện, đồng thời cũng hành động cho Triều đại Thiên Chúa (2632; 2816-2821; 2855). Họ mong đợi Trời mới Đất mới nhưng cũng dấn thân xây dựng thế giới hiện tại (1049). Họ cộng tác cho Triều đại Thiên Chúa qua cuộc sống hợp với lời giảng dạy của Đức Kitô. Noi theo gương của đức Kitô, các tín hữu thi hành bổn phận của mình, với lòng tận tụy yêu mến (2046).

Dù sao, khi nói đến việc “trình bày” cánh chung luận, chúng ta đừng quên vấn đề “ngôn ngữ”: không những chúng ta có thể mang một não trạng “ngôn sứ” hoặc “khải huyền”, nhưng nhất là các ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng đều mang tính “loại suy”: chúng ta diễn tả những thực tại vĩnh cửu bằng các ý niệm lấy từ thế giới hữu hạn. Giữa cái hữu hạn và cái vĩnh cửu có một khoảng cách vô biên! 

Cuối cùng, còn một sự phân biệt nữa rất quan trọng: chúng ta hiểu “cánh chung” như là “tận cùng” hay như “cứu cánh”? Trong tiếng Hán-Việt, “cánh” là chỗ chấm dứt, cuối cùng (tựa như: cứu cánh); “chung” là cuối cùng; còn trong các ngôn ngữ châu Âu, cả hai ý nghĩa đều được hàm ngụ trong cùng một từ ngữ (finis tiếng Latinh; fin tiếng Pháp, end tiếng Anh). Ý tưởng “tận cùng” có thể gây thất vọng; ngược lại, ý tưởng “cứu cánh” mang lại hy vọng vì nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Nếu hiểu “cánh chung luận” như là cứu cánh hoặc ý nghĩa của lịch sử theo nhãn quan Kitô giáo, thì thiết tưởng không có lời phát biểu nào đẹp hơn là của các giáo phụ: “Con Thiên Chúa trở thành con người, để cho con người trở thành con Thiên Chúa” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 460). Cứu cánh của lịch sử cứu độ là để cho con người được “thiên hóa” (x. 2Pr 1,4; 1 Ga 3,2).

Thời sự Thần học - Số 75, Tháng 02/2017, tr. 34-67
Nguồn: 
tsthdm.blogspot.com



[1] Cánh chung học hay Cánh chung luận là thuật ngữ được dùng để dịch từ eschatologia (tiếng La tinh, chuyển âm thành eschatologie trong tiếng Pháp, eschatology trong tiếng Anh). Trong tiếng Hy lạp danh từ này được ghép bởi eschata (những điều cuối cùng) và logos (lời lẽ, lý luận, môn học). Như vậy, eschatologia có nghĩa là suy tư, bàn luận, nghiên cứu, về những thực tại sau cùng. Trong tiếng Hán Việt, cánh có nghĩa là chỗ chấm dứt, cuối cùng (chẳng hạn: “cứu cánh”); chung là cuối cùng, toàn vẹn (chẳng hạn: “chung kết”). Tên gọi eschatologia (cánh chung luận) mới được sử dụng trong thần học Công giáo từ thế kỷ XX. Trước đây, các sách giáo khoa thần học Công giáo viết bằng tiếng La tinh gọi môn này là De Novissimis (những sự cuối cùng, gọi tắt là Tứ Chung). Thuật ngữ này được gặp thấy nơi tác phẩm Systema locorum theologicorum của nhà thần học Tin lành Abraham Calov (+1686), nhưng chỉ được quảng bá vào thế kỷ XIX nhờ ông Friedrich Schleiermacher (+1834).

[2] Về cánh chung luận theo Kinh thánh, xem: Phan Tấn Thành, Niềm hy vọng hồng phúc (Đời sống tâm linh XIV), Tôn giáo, Hà Nội, 2016, trang 15-96.

[3] Khi khảo sát những bản văn Tân ước, người ta nhận thấy có những điểm nhấn khác nhau giữa Tin mừng Nhất lãm, thánh Phaolô, thánh Gioan. Nói chung, các tác giả đã tìm cách trình bày sứ điệp tuỳ theo nhu cầu của các cộng đoàn tín hữu. Khi còn ở trần thế, Đức Giêsu rao giảng Tin mừng cho người Do thái: họ đang mong chờ Đấng Mêsia để thiết lập vương quyền của Thiên Chúa. Đức Giêsu tìm cách đáp lại niềm mong đợi của họ, nhưng đồng thời Người cũng sửa chữa những bất cập của họ. Thánh Phaolô đi loan báo Tin mừng cho những dân cư sống ở miền Tiểu Á, chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp; thánh Tông đồ vừa sử dụng những ngôn ngữ của các tôn giáo huyền bí để trình bày ơn cứu độ, vừa sửa chữa quan niệm lệch lạc về giá trị thân xác. Thánh Gioan viết sách Khải huyền để khuyến khích cộng đồng các tín hữu đang bị bách hại, mời gọi họ hãy vững tin vào về sự chiến thắng của Đức Kitô phục sinh trên mọi lực lượng sự ác.

[4] Thư tịch. H. Rondet, Fins de l'homme et fin du monde, Le Signe - Fayard, Paris 1966. P. Müller-Goldkühle, Le diverse accentuazioni postbibliche del pensiero escatologico nel corso della storia, in: “Concilium” 1 (1969), pp.40-57. 

[5] Về phong trào Montano, xem: Phan Tấn Thành, Về nguồn, Quyển II (Thời các giáo phụ), Học viện Đa Minh Gò vấp 2013, trang 185-187. 

[6] Về phong trào Ngộ giáo, xem: Phan Tấn Thành, Sđd, tr. 60-64.

[7] Xem Về nguồn, Quyển Hai, trang 123. 

[8] Xem Về nguồn, Quyển Hai, trang 548-552. 

[9] Xem Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập II, Rôma 2002, tr. 155-157. 

[10] Xem Petrus Lombardus, Sententiae, IV, d. 43-50. 

[11] Xem Phan Đình Cho P., Giải đáp 101 câu hỏi về cái chết và sự sống vĩnh hằng, số 1-5; J. Ratzinger, Cánh chung luận, tr. 20-23; Eschatology. Death and Eternal Life, tr. 1-4.

[12] X. Phan Tấn Thành, Niềm hy vọng hồng phúc, trang 52-54: Cánh chung kế tiếp (Albert Schweitzer, Martin Werner), Cánh chung thành tựu (Charles Dodd), Cánh chung siêu việt (Karl Barth), Cánh chung hiện sinh (Rudolph Bultmann), Cánh chung đang thực hiện (Oscar Cullman).

[14] Xem bản dịch Việt ngữ trong phần phụ lục của Phan Tấn Thành – Đinh Thị Sáng, Cánh chung học, Học viện Liên dòng Thánh Tôma, TP. HCM 2004, tr. 383-453. Xem nguyên bản tiếng Anh trong: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_1990_problemi-attuali-escatologia_en.html 

[15] Chiều kích cánh chung của đời sống thánh hiến được bàn trong nhiều văn kiện của Huấn quyền, ví dụ Hiến chế về Hội Thánh, số 44, Tông huấn của ĐGH Gioan Phaolô về Đời sống thánh hiến, 1996, số 26; 32-33.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/canh-chung-luan-trai-qua-lich-su-hoi-thanh-41005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét