VẤN ĐỀ PHIÊN DỊCH
CÁC KHÁI NIỆM ĐẠO THIÊN CHÚA SANG TIẾNG VIỆT
Tác giả: Trần Văn Toàn
I. PHIÊN DỊCH, GIẢNG NGHĨA, HỘI NHẬP VĂN HÓA
Nếu văn hóa, tôn giáo chỉ là những yếu tố đặc thù, là của riêng của một dân tộc, định hình cho nếp sống người ta, thì không có vấn đề hội nhập văn hóa, mà chỉ có vấn đề đồng hóa. Dân tộc nào mạnh thì xâm chiếm đất đai của các dân tộc nhược tiểu, bắt họ phải bỏ ngôn ngữ, phong tục và tôn giáo của mình, để đồng hóa thành một khối văn hóa hay là một dân tộc lớn hơn. Ví dụ như người Hán ở lưu vực sông Hoàng Hà đã đồng hóa miền nam sông Dương Tử, đồng thời còn ảnh hưởng văn hóa sang Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Cũng thế, người Hồi giáo đã đồng hóa miền Trung Đông và Bắc Phi, làm cho người trong khu vực chiếm đóng của họ dần dần chỉ còn có tiếng Ả Rập và theo đạo Hồi giáo.
Để chống lại cái dự định đồng hóa của kẻ mạnh thì người ta tranh đấu bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của mình; kể cả những tôn giáo có tính cách phổ biến nhiều khi cũng được coi như tôn giáo riêng của dân tộc mình, coi như quốc giáo. Đó là trường hợp các dân tộc Đông Nam Âu châu coi đạo Thiên Chúa dưới truyền thống giáo hội Chính thống như là quốc giáo. Ở Đông Nam Á châu cũng có khuynh hướng coi đạo Phật là quốc giáo.
Cái nguy hiểm của chế độ quốc giáo bao giờ cũng là hạn hẹp tự do tôn giáo, đồng thời kỳ thị tôn giáo. Trước đây mấy thế kỷ, người Âu châu rất khổ sở vì chiến tranh tôn giáo. Để có lối thoát và để tổ chức đời sống chung trong quốc gia, người ta đã đi đến chỗ thỏa thuận tổ chức nhà nước trên căn bản lý trí và trên căn bản thỏa hiệp, chứ không căn cứ trên giới luật riêng của tôn giáo nào cả. Đó là một điều sở đắc trong cách thức tổ chức nhà nước công bình.
Bỏ cái dự định đồng hóa và quốc giáo ra thì vấn đề truyền bá văn hóa và truyền bá tôn giáo được tự do hơn. Đồng thời phải đặt vấn đề phiên dịch.
Thực vậy, trong việc truyền bá văn hóa tôn giáo, việc phiên dịch là cả một vấn đề phiền tạp, có liên can đến vấn đề hội nhập văn hóa: tôn giáo, cũng như văn hóa, phải đi vào lòng dân tộc, phải được phát biểu bằng ngôn ngữ và nếp sống của dân tộc.
Ai đã chú ý đến việc dịch thuật đều có thể nhận định rằng khi dịch từ tiếng này sang tiếng kia, mình không sao dịch cho hết ý nghĩa được, đồng thời bản dịch cũng mất đi nhiều ý vị. Trừ trường hợp đặc biệt là khi dịch những câu đơn sơ để thông tin về sự vật và về thái độ cụ thể, ví dụ: “Ai? Đi đâu? Đứng lại!”. Cũng thế, khoa học tìm cách nói lên những câu có tính cách khách quan và phổ biến, ai nghe cũng hiểu đúng như thế, bằng cách định nghĩa một cách thực dụng (opératoire) tất cả những danh từ cần sử dụng.
Phiền một cái, là khi nói lên, người ta không phải chỉ có ý mô tả sự vật hiện tại một cách chính xác, mà còn nhắc lại những kỷ niệm chủ quan về quá khứ, đồng thời đề nghị một số dự định về tương lai. Lời nói không phải chỉ để mô tả sự việc, mà còn có mà còn có mục đích xúc động tâm tình người nghe và thúc đẩy họ tham gia hoạt động như mình muốn. Lời nói không phải chỉ là dụng cụ của khoa học khách quan mà còn là dụng cụ khích lệ cá nhân và vận động quần chúng về mặt hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị, cũng như tôn giáo.
Lời nói có tác dụng là lên khuôn cho hành động và định hình cho nếp sống. Mỗi ngôn ngữ là một lối nhìn sự vật, nhìn thế cuộc, nhìn người đồng loại và kèm theo đó tất cả những thái độ và dự định. Ngôn từ trong mỗi ngôn ngữ là những yếu tố hoạch định nội dung của khái niệm. Ngữ pháp là một lối tổng hợp các yếu tố đó cho thành một quan niệm, một lối nhìn có mạch lạc về thế giới và về nhân sinh. Nói một ngôn ngữ mới, là đi vào một cộng đồng mới, một truyền thống khác, với những lối nhìn mới. Vì thế phiên dịch tức là thay đổi lối nhìn và cũng vì thế mà vấn đề phiên dịch cần phải được xem xét kỹ lưỡng, nhất là trên bình diện tôn giáo.
Khi truyền bá tư tưởng, tôn giáo, ai cũng muốn truyền bá cho trung thành, cho đích xác, để tránh cái tệ “tam sao thất bản”. Người Ý nói: Traduttore traditore, phiên dịch là bất trung. Để truyền bá tôn giáo cho trung thành, người ta thường có quan niệm rất tự nhiên, là đạo đã giảng ra bằng tiếng nào thì phải truyền ra bằng tiếng ấy mới giữ được chính gốc. Vì thế khi truyền bá tôn giáo, người ta cấm không cho phiên dịch, tín đồ mới phải học ngôn ngữ của đạo tổ để nghe và đọc kinh thánh. Đó là thái độ thịnh hành nhất trong Hồi giáo. Còn trong Giáo hội Công giáo chúng ta, nếu trong mươi thế kỷ (cho đến Công đồng Vaticanô II) tiếng La Tinh được coi như ngôn ngữ chính thức dùng trong lễ nghi phụng vụ, trong Thánh Kinh (bản dịch Vulgata!), trong các quyết nghị các công đồng, thì biết đâu không phải là không căn cứ vào lập luận đó? Dùng ngôn ngữ khác thì sợ sai đi, lạc đi!
Nhưng cấm phiên dịch như thế, tôn một ngôn ngữ lên hàng ngôn ngữ thần thánh như thế, vị tất đã là giải pháp thích hợp nhất để trung thành với chính đạo. Ngôn ngữ có thể truyền bá đi được, nhưng chắc gì là ý nghĩa của nó còn được hiểu cho đúng. Vì lẽ rằng: ngôn ngữ nào cũng biến chuyển theo lịch sử, theo lịch sử những người sử dụng nó. Ý nghĩa của ngôn từ thường được phong phú thêm, do những kinh nghiệm mới và dự định, hy vọng mới của người dùng nó[1]. Thành ra trong thực tế thì ai nấy đều hiểu câu mình nghe, hay câu mình đọc, tùy theo như những cái sở đắc, sở vọng của mình. Dĩ nhiên những người cùng trong một văn hóa, cùng một cộng đồng thì hiểu giống nhau hơn.
Thế vẫn chưa hết. Lời nói có thể dùng theo nghĩa đen, hay là theo nghĩa bóng. Tiểu thuyết người ta viết ra, không phải là biên bản ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, nhưng là sản phẩm của trí tưởng tượng và tài sáng tác. Vì thế chúng ta phân biệt trong Thánh Kinh có nhiều thể văn, mỗi thể văn phải giảng nghĩa theo một kiểu thì mới đúng ý. Truyền thống tôn giáo là truyền thống sống động. Đành rằng trong một hoàn cảnh lịch sử văn hóa nhất định, cũng cần phải dùng một công thức nhất định để nói lên chân lý tôn giáo. Nhưng không có công thức nào bất di bất dịch mà lại có thể nói lên toàn thể chân lý cho những người nghe, đứng trong những hoàn cảnh văn hóa lịch sử khác nhau. Nhà thần học Pháp, Claude Geffré, đã trình bày tỉ mỉ lập trường đó trong cuốn sách Le Christianisme au risqué de l’interprétation (Cogitatio Fidei, số 120, Paris, Cerf, 1983).
Cuộc hội thảo từ ngày 3-6/9/1995 của Trung tâm Nghiên cứu và Trao đổi về sự truyền bá và hội nhập văn hóa của đạo Thiên Chúa (Centre de Recherches et d’Echanges sur la Diffusion et l’Inculturation du Christianisme, tức CREDIC, Lyon), đã khai mạc bằng một câu chí lý: “Au commencement était la traduction” (Bước đầu tiên là phiên dịch).
Thực vậy, bộ Tân Ước của chúng ta có được truyền lại bằng chính văn, chính ngôn ngữ mà Đức Giêsu đã dùng trong “ba năm giảng dạy nước Giuđê” đâu. Nhưng là bằng tiếng Hy Lạp. Sau đó thì dịch ra nhiều ngôn ngữ miền Trung Đông, dịch sang tiếng La Tinh và một vài ngôn ngữ Phi châu. Hiện nay Phúc Âm được dịch ra mấy nghìn tiếng trên thế giới. Riêng các Giáo hội Tin Lành thì rất đặc biệt chú trọng đến việc phiên dịch Phúc Âm để cho mọi người, dù là thuộc những dân tộc, những bộ lạc nhỏ bé, cũng có thể có cái may mắn là được nghe lời Chúa, nghe Tin Lành. Thực là hợp với Tin Mừng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Ngay bộ kinh Cựu Ước cũng không hạn hẹp vào tiếng Hipri là tiếng Do Thái, mà còn đã được phiên dịch trước đây hơn hai mươi thế kỷ sang tiếng Hy Lạp.
Chắc một điều là chưa có cuốn sách nào được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng như bộ Thánh Kinh của chúng ta. Nguyên tắc là thế: bước đầu tiên là phiên dịch.
Nhưng, như đã nói trên, phiên dịch là cả một vấn đề rắc rối. Sứ điệp được truyền đi, tin mừng được đem đến, không phải chỉ là biên bản ghi lấy lời răn dạy của Đức Chúa, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, mà còn bao trùm tất cả những lời suy gẫm, những lời giảng nghĩa thêm, tùy theo hoàn cảnh lịch sử mới. Có thế lời Chúa dạy xưa mới thực là lời dạy cho người ta ở mọi đời, mọi nơi, và mọi hoàn cảnh lịch sử khác xưa. Có thế mới là truyền thống sống động.
Truyền thống sống động có tính cách đặc biệt và căn bản là hội nhập văn hóa: lời Chúa phải được hiện đại hóa trong hoàn cảnh mới để làm cho người ta sống, sống có ý nghĩa. Đã hội nhập văn hóa thì không những có thích nghi, mà hơn nữa có sáng tác – sáng tác không có nghĩa là bày đặt – làm cho lời Chúa như hạt giống đi vào đất mới mà sinh hoa kết quả đặc biệt.
Nói thế khác, lời Chúa không thể bị đóng khung, đóng cũi, tù túng trong một ngôn ngữ, một văn hóa. Vì thế, nói đến hội nhập văn hóa, tức phải nói đến phiên dịch, phải nói đến giảng nghĩa (interpretation).
II. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ VIỆC PHIÊN DỊCH NHỮNG KHÁI NIỆM ĐẠO THIÊN CHÚA SANG TIẾNG VIỆT
Tôi có cái tham vọng là căn cứ vào giáo lý, vào thần học, để nghiên cứu cách phiên dịch những khái niệm đạo Thiên Chúa sang tiếng Việt. Đó là để đóng góp một phần nhỏ mọn trong công trình viết nên một trang sử về lịch trình hội nhập văn hóa của đạo Chúa trong nước Việt Nam.
Hiện nay vì còn thiếu thì giờ và thiếu nhiều tài liệu, tôi tạm để ra một bên các công trình phiên dịch của các anh em Tin Lành và của các anh em Công giáo trong thế kỷ XX này[2].
Đàng khác tôi nhận thấy rằng bên Công giáo chúng ta không bắt đầu bằng việc phiên dịch Thánh Kinh, như các anh em Tin Lành thường làm, nhưng chúng ta bắt đầu dịch ngay các sách giáo lý, sách bổn, sách kinh, sách truyện các Thánh, sách ngắm v.v… Có dịch Thánh kinh thì cũng chỉ dịch từng đoạn văn đã được lựa chọn kỹ càng, nhằm mục đích chứng minh cho giáo lý. Cũng vì thói quen ấy mà hai thế kỷ sau khi Alexandre de Rhodes viết cuốn Phép giảng tám ngày, Thánh Kinh mới được cố Chính Linh (Schicklin) dịch ra chữ quốc ngữ, mà chắc cũng là dịch theo bản La Tinh kèm bên cạnh.
Tài liệu hiện nay tôi tham khảo được là một số sách viết tay hay là đã in ra bằng chữ quốc ngữ[3] vào thế kỷ XIX, và độ một trăm cuốn sách đạo bằng chữ Nôm, lưu trữ tại Văn khố Hội Thừa sai Paris. Riêng về mười bốn cuốn sách bằng chữ Nôm của thừa sai Girolamo Maiorica thì hiện nay tôi chưa đọc, nhưng chắc là dịch ý, chứ chưa chắc là dịch sát chữ.
Vì thế tôi tạm bắt đầu bằng cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes. Chắc chắn đó là bản dịch, vì có bản tiếng La Tinh kèm theo một bên.
1. Một giai đoạn sáng tạo:
Giai đoạn đầu thế kỷ XVII là một giai đoạn cực kỳ sáng tạo trong việc định hình cho ngôn từ Công giáo Việt Nam. Phải bắt đầu từ chỗ không có gì, lúc mà các nhà truyền giáo Tây phương và người Việt thời ấy vẫn còn xa lạ, chưa biết ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, tôn giáo của nhau. Số giáo sĩ cũng chỉ là một số nhỏ, lại vua chúa thời ấy cũng nghi kỵ bắt bớ làm ngăn trở nhiều. Thế mà chỉ sau mấy chục năm, cố Alexandre de Rhodes đã xuất bản được ở Roma, năm 1651, cuốn sách giáo lý đầu tiên Phép giảng tám ngày bằng chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh.
Hệ thống phiên âm căn cứ phần nhiều vào tiếng Bồ Đào Nha, tuy đã khá tinh vi, nhưng có ít điểm vẫn chưa nhất định hẳn. Cách đặt câu có khi xem ra lúng túng. Cũng dễ hiểu: pháp cú và văn pháp tiếng Việt, và lập luận người Việt khác xa người Âu châu. Dù sao cũng phải công nhận đó là một công trình quan trọng, có tính cách tiên phong, vì nó định hình cho ngôn từ và văn pháp một cách lâu bền.
Công trình đó là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà truyền giáo Âu châu, trong số đó có người còn giỏi tiếng Việt hơn A.de Rhodes, đồng thời có sự giúp đỡ đắc lực của một số giáo dân và thầy giảng Việt Nam, trong đó có những người có học thức. Trong mấy thế kỷ sau dĩ nhiên là có nhiều hơn, nhất là những danh từ mà trong buổi đầu cho là “bất khả phiên dịch”. Tuy vậy những danh từ đã chọn vào đầu thế kỷ XVII còn rất nhiều trong ngôn từ đạo chúng ta.
Đủ biết công trình sáng tác rất là quan trọng.
2. Một công trình mới mẻ
Nếu tôi không lầm thì đây là lần đầu tiên mà một tôn giáo từ ngoài đi vào Việt Nam được truyền bá bằng sách vở viết bằng tiếng của dân tộc.
Trong ba đạo đã du nhập vào Việt Nam, trước đạo Thiên Chúa, thì đạo Lão và đạo Khổng từ Tàu sang được truyền bá qua sách vở bằng chữ nho. Tuy nhà nho cần phải giải thích cho người dân bằng tiếng Việt, nhưng sách vở đều là chữ Hán cả. Đi học là học chữ Hán. Viết văn chương thi phú, viết văn tự, viết lịch sử, viết đơn từ thì đều dùng chữ Hán. Chữ Nôm thì ít người dùng, mà có dùng thì cũng dùng để làm thơ, để viết văn vần.
Riêng đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang vào lúc nước ta còn trong vòng đô hộ của người Tàu, cho nên kinh sách cũng toàn là bằng chữ Hán. Cho nên kể là không có phiên dịch. Cho đến ngày nay rất nhiều danh từ chuyên môn của đạo Phật không được dịch ra tiếng Việt. Thường thì lấy lại bản dịch của người Tàu rồi đọc ra giọng Hán Việt, hoặc lấy lại cách phiên âm chữ Phạn của người Tàu, vì thế đọc ra giọng Việt Nam nó rất xa chính văn chữ Phạn, ví dụ: Thiền, Bồ Tát,... Thế rồi đọc mãi nó cũng ra quen. Về sau này khi chữ nho nhường chỗ cho chữ quốc ngữ thì người ta bắt đầu phiên dịch kinh sách nhà nho và nhà Phật.
Có người cho rằng khi đặt ra cách viết tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh, thì các nhà truyền giáo Tây phương có cái tâm ý là làm cho người Công giáo Việt nam vong bản, mất gốc đối với văn hóa Tàu. Thực ra họ không xét rằng các nhà truyền giáo làm như thế là để chính họ ghi chú âm thanh tiếng Việt cho chính xác và để dễ học, dễ nhớ, chứ chữ Nôm hay chữ Hán không có ký hiệu chính xác về âm thanh. Ngoài ra thì người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa đã dùng chữ nôm nhiều để chép sách đạo dạy bảo nhau. Họ dùng để viết văn xuôi, từ thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, nào là sách bổn (giáo lý), sách kinh, sách ngắm, nào là sách quảng diễn giáo lý, sách luật phép nhà v.v...[4]. Các nhà văn làm thơ bằng chữ Nôm trong mấy thế kỷ trước, chưa chắc đã dùng chữ Nôm nhiều như thế. Vì lẽ các cụ coi chữ nho là trọng, còn thì “nôm na là cha mách qué”, viết ra cũng là để “mua vui cũng được một vài trống canh” (Nguyễn Du). Vì thế khi nói đến chữ nôm, không thể không nghiên cứu đến chữ nôm dùng trong giới Công giáo trong hơn ba thế kỷ, với những sắc thái đặc biệt của nó.
3. Những phạm vi đáng nghiên cứu
Về ngôn ngữ học thì, như đã nói, chữ nôm trong giới Công giáo có sắc thái đặc biệt, vì lẽ giáo sĩ và giáo dân phải sáng chế ra một số chữ nôm để diễn tả những khái niệm không có sẵn trong văn hóa Hán Việt, ví dụ như chữ “rỗi (linh hồn)”. Đàng khác cách phiên âm sang mẫu tự La Tinh làm cho ta biết rõ hơn về cách đọc những chữ nôm ấy.
Về mặt tư tưởng thì vấn đề phiên dịch phải được cứu xét theo nhận xét sau đây: những ngôn từ tôn giáo đã có một lịch sử lâu dài, mỗi ngôn từ vừa có nhiều ý nghĩa, đồng thời lại ăn khớp với tất cả một hệ thống tư tưởng. Ngôn từ mà ta dùng để phiên dịch một ngôn từ của một ngôn ngữ khác, thường thì không bao giờ lột được hết ý nghĩa, đồng thời lại đem thêm vào đó một vài ý nghĩa chưa có trong quan niệm đang được truyền bá. Vì thế phải đặt ra hai câu hỏi:
a. Những ngôn từ Việt Nam đã dùng để phiên dịch và trình diễn đạo Thiên Chúa, nó có âm hưởng thế nào đối với người Việt chưa biết đạo Chúa. Những yếu tố mới mà đạo Chúa đem đến, nó phù hợp tới mức nào với quan niệm tôn giáo cổ truyền?[5] có những điểm nào đối nghịch?
b. Những ngôn từ Việt Nam có đem theo một ít yếu tố tôn giáo cổ truyền, vậy các yếu tố ấy có làm sáng tỏ căn bản đạo Chúa, có làm cho phong phú hơn hay là làm sai lạc đi như thế nào?
Ngoài ra cũng cần phải xét lại nội dung thần học trong các sách đạo, để xác định vị trí và giới hạn của nó trong lịch sử thần học. Nói thế khác, thứ thần học nào, thứ sách đạo nào ở Âu châu đã được truyền bá sang Việt Nam?
Chương trình như thế, tuy chưa rộng lớn mấy, nhưng cần phải có nhiều người hợp tác, mới có thể thi hành được.
Sau đây tôi chỉ xin trình bày hai điều tư lượng:
a. Các biến thể của những danh từ kể là không được phiên dịch.
b. Nội dung và công dụng chữ “phép” trong ngôn ngữ Công giáo.
III. CÁC BIẾN THỂ CỦA NHỮNG DANH TỪ KỂ LÀ KHÔNG ĐƯỢC PHIÊN DỊCH
Nói cho đúng ra thì có một loại danh từ không được phiên dịch và một loại danh từ khác thì không phiên dịch được. Loại không được phiên dịch là những tên riêng, tên người hay tên địa phương. Loại không phiên dịch được là những khái niệm ngoại lai có một nội dung vừa đích xác, vừa mới mẻ đối với kho tàng văn hóa của ta, thành ra ta không tìm ra được một khái niệm tương đương để phiên dịch. Vì thế ta mượn ngay ngôn từ ngoại quốc để dùng trong khi viết khi nói. Nhiều khi các danh từ ngoại quốc chỉ là tạm thời không phiên dịch được và về sau ta lại tìm ra cách phiên dịch.
Trong cuộc gặp gỡ văn hóa giữa các dân tộc thì người ta mượn tiếng ngoại quốc rất nhiều. Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam đã vay mượn rất nhiều chữ Hán; tiếng Anh mượn khá nhiều chữ La Tinh v.v… Riêng về phạm vi tôn giáo thì thường có những kinh nghiệm rất độc đáo, cho nên khi tôn giáo truyền bá thì các danh từ chuyên môn cũng được truyền theo. Khi ta nói về tư tưởng đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật thì ta mượn rất nhiều chữ Hán, kể cả những chữ Hán dùng để phiên âm chữ Hán.
Tuy nói là không được phiên dịch hay là không phiên dịch được, nhưng thực ra những danh từ vay mượn cũng biến thể khá nhiều. Ví dụ ông thánh mà bây giờ ta gọi là Gio-an, thì xưa ta gọi là Giu-ong (phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha là jođo), còn anh em Tin Lành lại phiên âm theo tiếng Pháp và gọi là Giăng. Cũng tên ấy mà các nước Âu châu viết ra nhiều kiểu và lại đọc ra nhiều cách khác nhau: Johannes, Johan, Joannes, Jean, Jan, Giovani, John, Joan, Jođo, Juan (I-pha-nho đọc là “khoăn”!). Như thế kể là đã bị xa cái gốc tiếng Hipri Johana (Gio-kha-nan) khá nhiều.
Có nhiều nguyên nhân làm cho những danh từ hai loại đó biến thể:
Nguyên do thứ nhất là ngay khi viết bằng mẫu tự La Tinh thì các dân tộc cũng không đọc các chữ cái (mẫu tự) theo một lối như nhau. Ví dụ chữ “e” thì người Anh đọc là “I”, người Pháp đọc là “ơ”, người Ý đọc là “ê”. Vì thế nếu giữ lại được cách viết, thì lại đọc sai lạc đi! Ngược lại nếu muốn giữ cho đúng cách đọc, thì lại phải thay đổi cách viết, cách phiên âm.
Nguyên nhân thứ hai: các ngôn ngữ thường không có tất cả các phụ âm và chính âm như nhau. Ví dụ tiếng Nga không có chữ “h” cho nên tên triết gia Hegel thì viết là Gegel (đọc là: Ghê-ghêl).
Riêng các ngôn ngữ không viết theo mẫu tự A, B, C… như chữ Hán hay là chữ Nôm, thì lại phiền hơn nữa: phải tìm một chữ nào khá giống như vần (syllable) mà mình muốn phiên âm để viết ra; nhưng tai hại thay: cái chữ mình dùng đó, thường có nhiều thanh, và vì thế có nhiều nghĩa, như thế thì chọn nghĩa nào cho phải? Một ví dụ: tên ông tổ phụ loài người là Ađam (xưa ta phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha “Adão”, là A-dong”, tên đó đọc theo tiếng Tàu là Ya-dan, viết ra chữ Hán là, người Tàu hiểu nghĩa là “trứng vịt”! Ví dụ khác: các vị thừa sai Âu châu, có nhiều vị đã kể rằng kinh truyền phép mình Thánh Chúa bằng tiếng La Tinh có thể được phiên âm ra chữ Hán thành nhiều mô thức, nhưng mô thức nào đọc lên cũng vô nghĩa lý!
Hoàn cảnh đó không riêng gì người Công giáo chúng ta gặp, mà đồng bào theo đạo cổ truyền cũng thường gặp khi tụng kinh bằng chữ Hán[6], đọc lên không chắc có ai hiểu nghĩa là gì.
Có nhiều khái niệm và danh từ dùng trong đạo Công giáo, buổi đầu kể là không phiên dịch được, phải phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha, về sau tìm ra tiếng để phiên dịch và phiên dịch nhiều kiểu. Thiết tưởng nếu ta nghiên cứu cách phiên dịch, ta sẽ tìm ra ý tứ của người dịch và tư tưởng thần học làm cơ sở cho lối phiên dịch đó.
Sau đây tôi chỉ xin đan cử một ví dụ:
Buổi đầu khi nói về vị cầm đầu hội thánh, người ta không biết lấy danh từ nào, chỉ chức vị nào, để phiên dịch, cho nên mượn chữ “papa” (pape) của ngoại quốc, nhưng vì phụ âm “p” đứng đầu vẫn lại không có trong tiếng Việt cho nên phải đọc (đức thánh) “pha pha”. Sau đó dịch là (đức) “giáo tông”, mà ông “tông” thì là ông kế vị ông “tổ”: như vậy nếu Đức Giêsu là giáo tổ, thì vị cầm đầu hội thánh được coi là vị trực tiếp thừa kế giáo tổ, nghĩa là giáo tông. Sau nữa lại dịch ra là (đức) “giáo hoàng”, tức là hoàng đế về phần đạo. Hai lối phiên dịch đó căn cứ vào thần học suy tôn vị cầm đầu Giáo hội, coi như vượt bậc các giám mục (hay là các vị tư giáo). Nhưng hai chữ “giáo hoàng” không phải là không có cái bất tiện: lý do là vì ở Á châu, vua hay hoàng đế được coi là thiên tử, về chính trị thì có quyền cai trị dân, về tôn giáo thì có độc quyền tế trời (Nam giao); như vậy rất có thể là vua chúa Á châu coi giáo hữu đạo Thiên Chúa là những người tuân lệnh vua chúa ngoại quốc. Biết đâu trong việc cấm đạo lại không có ít chút lý do như vậy.
IV. NỘI DUNG VÀ CÔNG DỤNG CHỮ “PHÉP” TRONG NGÔN NGỮ CÔNG GIÁO
Tuy rằng cuốn sách Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes[7] không phải là cuốn sách đạo đầu tiên soạn bằng tiếng Việt. Trước đó đã có ít là 14 cuốn sách bằng chữ Nôm do Maiorica trước tác. Nhưng nếu muốn nghiên cứu về cách phiên dịch, thì sách của de Rhodes phải được coi là tài liệu căn bản, vì song song với bản văn bằng chữ quốc ngữ ông đã cho in bản văn bằng tiếng La Tinh, có lẽ một phần là để giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt và một phần khác là để Tòa thánh Roma có thể kiểm soát giáo lý đang được giảng giải ở Việt Nam. Như đã nói trên đây, căn cứ vào sách ấy, ta có thể xem các khái niệm Công giáo được phiên dịch sang tiếng Việt như thế nào. Riêng trong bài này tôi chỉ xin tạm xét một chữ “phép” mà thôi.
1. Vì sao chữ “phép” lại được dùng nhiều như thế?
Chữ Hán, người Tàu đọc là “phả”, nhà nho ta đọc là “pháp”, có nhiều nghĩa: phương tiện, cách thức, lề luật, đồng thời dùng để chỉ những việc lạ lùng có tính cách ma thuật, như trong từ ngữ, “pháp sư” (thầy pháp), “pháp thuật”. Người bình dân mượn lại chữ đó, nhưng lại đọc là “phép”.
Trong ngôn ngữ bình dân chữ “phép” còn được dùng theo nghĩa rộng hơn, trong những kiểu nói: “quyền phép”, “cho phép”, “lễ phép”.
Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam lại cũng dùng chữ “pháp” để phiên dịch chữ Phạn “dharma”, dùng để chỉ giáo lý nhà Phật. Ví dụ trong những kiểu nói như: pháp danh, pháp y, pháp môn, pháp luân, pháp trượng, và gần đây người ta dùng chữ “pháp nạn” để chỉ cái nguy đang đe dọa sự sống còn của đạo Phật. Có lẽ vì chữ “pháp” được dùng theo nghĩa rộng như thế, cho nên trong dân gian nhiều khi người ta lẫn nhà sư và thầy pháp, thầy cúng. Cũng không lạ gì: đối với dân gian thì tôn giáo có liên can tới thế giới lạ lùng, bí mật, huyền diệu. Đến nỗi người ta cho rằng đức Phật và các đệ tử của ngài làm được những “phép” lạ lùng[8]
Vậy vì sao Công giáo Việt Nam lại chọn chữ bình dân “phép” mà rất ít dùng hình thức Hán Việt “pháp” của nhà nho? Tôi xin đề nghị một lối giải thích, căn cứ vào ba lý do:
a. Như đã nói trên đây, đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật đã truyền bá với sách vở bằng chữ Hán, cho nên tự nhiên là chọn lấy cách đọc Hán Việt là “pháp”; còn đạo Thiên Chúa thì ngay từ đầu đã được truyền bá với sách vở bằng tiếng Việt bình dân, bằng văn xuôi, cho nên đã chọn cách đọc bình dân là “phép”.
b. Lý do thứ hai có tính cách giáo lý: đối với những tôn giáo không có chủ trương Thiên Chúa siêu việt, thì tất cả những gì thuộc về thế giới tôn giáo, cho dù có huyền diệu và lạ lùng mấy đi nữa thì con người ta vẫn tự mình đạt tới được, chỉ cần chịu khó tu luyện theo đúng đường lối. Vì thế người Công giáo không dùng chữ “pháp” vì nó có liên can đến thế giới hoàn toàn nội tại (immanent) của pháp luật.
c. Thứ ba: Phật giáo, nói riêng, lại hình như giữ bản quyền chữ “pháp” để chỉ giáo lý của mình.
Vì ba lý do ấy mà người Công giáo muốn nói lên cái bản sắc của mình, chỉ còn có hình thức bình dân “phép” là thích hợp hơn cả, để dùng trong tôn giáo của mình.
Chữ “phép” có hai công dụng: một là dùng làm danh từ, hai là dùng làm loại từ, tức là để phân loại cho rõ rệt. Vậy muốn biết nội dung của danh từ “phép” và muốn biết những cái gì được xếp vào loại “phép” tôi sẽ căn cứ vào tiếng La Tinh đối chiếu vào cách dùng chữ “phép” trong cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes.
2. Nội dung của danh từ “phép”
a. Danh từ “phép” được Alexandre de Rhodes dùng để phiên dịch danh từ La Tinh “potential” (trang 38, 39, 41, 42, 61, 134, 137, 161, 188, 206, 299) và tĩnh từ “omnipotens” (trang 54, 58, 134, 151, 161, 162, 305); thỉnh thoảng lại để phiên dịch danh từ “jus” (trang 78), “virtus” (trang 151, 185) hay là danh từ “vis” (trang 209).
Như thế, có “phép” nghĩa là có khả năng, có sức mạnh, có quyền lợi hay là quyền hành. Hiểu theo các nghĩa đã kể trên, danh từ “phép” thường được dùng để chỉ một đặc tính của Đức Chúa Trời “là Cha phép tắc vô cùng” (như sau này ta đọc trong Tin Kính). Họa hiếm lắm danh từ “phép” mới áp dụng vào tạo vật trong trời đất (agens natural, trang 120), vào ý chí tự do (libera Voluntas = phép có chúa í mềnh (phép có chủ ý mình), trang 118).
b. Từ đó ta có thể suy ra rằng: vị nào có quyền phép, có phép tắc vô cùng, thì tất nhiên có khả năng làm những việc lạ lùng, phi thường. Vì thế ta hiểu ngay được rằng chữ “phép” (đôi khi có chữ “lạ” đi theo) được dùng để phiên dịch những danh từ La Tinh “miraculum” (trang 154, 179, 180, 182, 184, 188, 199, 200, 217, 229, 233, 243, 244, 248, 253), “mirabilia” (trang 160, 180), “stupendum opus” (trang 133), “signum” (trang 205, 255) hay là để dịch kiểu nói rườm rà trịnh trọng “virtutibus et prodigiis et signis”) (trang 254). Ngần ấy danh từ La Tinh cũng đủ hiểu rằng phép lạ trong quan niệm công giáo không phải chỉ là một việc lạ lùng, nhưng còn là “dấu chỉ”, là “dấu hiệu” có ý nghĩa tôn giáo.
c. Ngoài ra, ai có quyền phép thì tất cũng có quyền cho phép làm, quyền ra lệnh cho kẻ dưới phải vâng: “vưng phép” dịch những kiểu nói La Tinh: “obsequentes” (trang 23), “subjiciunt” (trang 64), “subditi” (trang 81), “jubente Domino” (trang 181), “se subjiciunt” (trang 260), “ad nutum ejus” (trang 73), “in nomine Domini” (trang 208, 248).
d. Sau cùng, danh từ “phép” còn có nghĩa là lề lối, cách thức, lễ nghi. Ví dụ “phép thờ” (cultus, trang 191, 285), “phép thờ giả” (superstitio, trang 187), “phép rửa nước” (politica, trang 114), “phép giảng tám ngày” (cathechismus... Trang 5) v.v… Các nghĩa ấy cũng được dùng đến, khi chữ “phép” được dùng như loại từ, để phân loại các sự việc có tính cách tôn giáo.
3. Những sự việc gì được xếp vào loại “phép”?
Bên ngoài đạo Công giáo thì những thầy pháp, thầy phù thủy xưa được dân chúng coi là có khả năng làm được những việc lạ lùng, như phép đằng vân giá vũ, phép hô phong hoán vũ, phép độn thổ v.v… Các phép ấy tuy lạ lùng, nhưng người ta có thể đạt tới được bằng cách tu luyện theo phương pháp bí truyền.
Đạo Công giáo xếp vào loại “phép” những nghi lễ, những sự việc có liên quan đến quyền phép vô cùng của Thiên Chúa.
Trước nhất là “phép gratia (làm cho linh hồn ta nên thánh)… gratia là nghĩa cũ đức Chúa Blời” (trang 55). Sau này chữ gratia được phiên âm là “ga-ra-sa” và sau nữa thì được phiên dịch là “ơn”, là “ân sủng”.
Lại nữa, ơn Đức Chúa Trời soi sáng và linh ứng (luminum et inspirationum, trang 63) tuy chưa được phiên dịch cho đích xác, thì cũng được xếp vào loại phép: đó là “phép Đức Chúa Blời giúp sức” (trang 64).
Riêng Thánh Kinh thì có lẽ vì được coi là lời Chúa dạy, và nhiều khi dạy cho biết trước các việc về sau, cho nên Alexandre de Rhodes và các cộng tác viên phiên dịch là “sấm truyền” (oraculum) và kiểu nói “spiritu prophetico” thì được phiên dịch là “nói sấm truyền”. Đó cũng là thuộc về loại phép”: “phép nói sấm truyền” (trang 77) (sau này phiên dịch là “nói tiên tri”).
Đặc biệt nhất là tất cả các bí tích (buổi đầu chỉ phiên âm là “sacramento”, trang 313) đều được xếp vào loại phép. Trong Phép giảng tám ngày chưa nói đến tất cả, mà chỉ nói đến phép rửa tội (trang 93, 140, 306). Đáng chú ý là anh em Tin Lành, trong bản dịch Thánh Kinh Tân Ước (in lần thứ hai tại Thượng Hải năm 1923), cũng xếp bí tích ấy vào loại phép: “phép báp-têm” (trang 146).
Lại việc các thánh và Đức Bà cầu bầu, cầu xin giúp cho ta (sanctissimam intercessionem) cũng được coi là một phép: “thánh phép cầu cho chúng tôi” (trang 285).
Như thế cũng đủ rõ là ngay từ thế kỷ XVII, từ ngữ phép đã được dùng để chỉ rất nhiều sự việc và lễ nghi công giáo. Sau này từ ngữ đó sẽ được dùng để chỉ: phép biên song (tiếng Bồ Đào Nha là bancão) tức là phép lành, phép in-du (indulgentia) tức là phép ân xá, phép thông công, phép lần hạt. Ngoài ra ta còn có “nước phép”.
Sau cùng, khi nói chung về các sự việc và lễ nghi trên đây thì ta dùng loại từ phép, ví dụ như trong các kiểu nói: chịu các phép, làm phép, làm phép, làm các phép, bù các phép v.v…
4. Kết luận tạm thời
a. Trong các từ ngữ Việt Nam thế kỷ XVII dùng trong phạm vi Công giáo thì có lẽ chữ “phép” là chữ vừa thông dụng nhất, vừa thích hợp hơn cả, vì nó chỉ tất cả những gì có liên quan đến những sự việc lạ lùng, đến khả năng và quyền phép, quyền hành của Thiên Chúa, đồng thời để chỉ những dấu chỉ huyền diệu mà Thiên Chúa dùng để liên lạc với loài người. Hơn nữa hình thức bình dân “phép” còn làm cho ta dễ phân biệt được đạo Thiên Chúa với tam giáo cổ truyền ngoại lai được truyền bá bằng chữ hán, và vì thế quen dùng hình thức Hán Việt “pháp”.
b. Tuy thế từ ngữ đó cũng không hoàn toàn tránh được một vài cái bất tiện:
Một là vì nó xếp vào loại phép rất nhiều sự việc, lễ nghi và tác động khác nhau, đến nỗi ta khó mà thấy được thứ tự và quan hệ giữa các yếu tố đó, khó mà phân biệt cái gì là cốt yếu, cái gì là không quan trọng lắm. Ví dụ: các nhà thần học công giáo căn cứ vào cách dùng chữ “phép” thì khó mà phân biệt được cho tỏ tường các bí tích (sacrements) và các á bí tích (sacramentaux).
Hai là, vì dù sao, từ ngữ “phép” vẫn còn ít nhiều liên quan đến tôn giáo cổ truyền và hướng về quan niệm pháp luật thông dụng trong dân gian. Vì thế, nếu không dạy bảo cẩn thận, thì người dân rất có thể dùng nước phép, cũng như dùng nước tàn nhang để chữa bệnh cho người ta hay là cho gia súc, hay là dùng ảnh tượng đã làm phép, như bùa hộ thân, như phương tiện để xua đuổi ma quỷ v.v…
Nhưng nói cho cùng thì ngôn từ nào cũng biến chuyển và thay đổi nội dung của nó theo lịch sử của cá nhân và của cộng đồng, cho nên không ngôn từ nào có thể bảo đảm một cách dứt khoát tư tưởng tôn giáo chính thống. Vì thế cần phải có những người hiểu đạo, hành đạo và giảng đạo cho đúng, mới có thể duy trì được chính đạo.
WHĐ (20.11.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 108 (Tháng 9 & 10 năm 2018)
[1] Ví dụ: a) Ngôn từ natura của Luther lấy lại của thánh Âu-tinh, nhưng ý nghĩa đã ra khác, vì đã chịu ảnh hưởng quan niệm Aristoteles về thiên nhiên. B) Ngôn từ physiologie trong tiếng Pháp, theo từ nguyên thì có nghĩa là thiên nhiên luận, nhưng hiện nay người ta thường hiểu là sinh lý học.
[2] Được đọc bản dịch Các giờ kinh phụng vụ và một vài đoạn Thánh Kinh, tôi rất lấy làm cảm phục và hoan nghinh công phu của các cha, anh, chị, trong ban phiên dịch.
[3] Thực ra thì các sách đạo bằng chữ Nôm xưa đều tự xưng là quốc ngữ. Sau này mới dùng hai chữ đó để chỉ lối viết bằng mẫu tự La Tinh.
[4] Không nói gì đến các nơi khác, ví dụ như Kẻ sở, chỉ nguyên ở Phát Diệm, số các sách khác in bằng chữ Nôm vào đầu thế kỷ này có tới 40 cuốn.
[5] Quan niệm tôn giáo cổ truyền thực ra cũng không phải là một khối có thống nhất vì lẽ ngoài đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật từ ngoài vào còn có tôn giáo dân gian nữa.
[6] Ví dụ Tịnh khẩu nghiệp chân ngôn: “Án, tu ly, tu ly, ma ha tu ly, tu ly ta bà ha” hay Tịnh thân chân ngôn, tịnh ý chân ngôn: “Tu đa ly, tu đa ly, tu ma ly, sa bà ha” (trích sách Liễu Hạnh công chúa, Vân Hương thánh mẫu, Saigon, Nhà in Nguyễn Bá, Saigon 1964, tr.6).
[7] Cái tên “Đắc Lộ” thiết tưởng chỉ là cách đọc Hán Việt của hai chữ Hán (người Tàu không có phụ âm Đ và R cho nên hiên âm là Tợ-Lụ), không biết ai đã dùng đầu tiên để phiên âm tên “de Rhodes”).
[8] Nên chú ý quan niệm về thế giới tôn giáo như thế vẫn còn khác với quan niệm Đức Chúa Trời là “thánh”, nghĩa là siêu việt đối với các tạo vật trong trời đất. Chữ “thánh” mà ta dùng thì tự nó không có ý nghĩa chỉ sự siêu việt như thế, nhưng là để chỉ bậc thánh hiền, tức là tư cách về trí thức. Dùng chữ “thánh thiện” thì lại thêm vào đó tư cách đạo đức mà thôi.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/van-de-phien-dich-cac-khai-niem-dao-thien-chua-sang-tieng-viet-40967
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét