Lịch sử tước vị Hồng Y và tình trạng Hồng Y đoàn sau công nghị tấn phong Hồng Y 28/11/2020
Đặng Tự Do
Trách nhiệm của các vị Hồng Y là gì?
Từ Hồng Y tiếng Anh là Cardinal có nguồn gốc từ tiếng Latin cardo, có nghĩa là “bản lề” hay “then chốt”, “quan trọng”. Quyền hạn và trách vụ của Hồng Y như được biết đến ngày nay đã phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử Giáo Hội. Lần đầu tiên thuật ngữ Hồng Y xuất hiện là trong cuốn tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Stêphanô Đệ Tam, trong đó đề cập đến một chi tiết là Thượng Hội Đồng Rôma năm 769, đã quyết định rằng Đức Giáo Hoàng phải được chọn trong số các phó tế và linh mục có tước vị Hồng Y.
Ngày nay trách nhiệm chính của các vị Hồng Y là bầu Giáo Hoàng mới khi Đức Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị. Trách nhiệm tiếp theo của các vị là phụ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Hội Thánh. Các vị có thể đứng đầu các bộ, các ủy ban, các Hội Đồng Tòa Thánh, các Tòa án; hoặc coi sóc các giáo phận trên thế giới.
Khi một vị Giáo Hoàng qua đời hay tuyên bố thoái vị, Giáo Hội rơi vào tình trạng trống ngôi Giáo Hoàng. Tất cả các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đều bị ngưng chức, ngoại trừ vị Hồng Y Nhiếp Chính. Trách nhiệm của các vị Hồng Y, trong giai đoạn này, là phụ giúp vị Hồng Y Nhiếp Chính và bầu Giáo Hoàng mới.
Theo Tông hiến “Universi Dominici Gregis”, nghĩa là “Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa”, do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng, trong vai trò là vị chủ tịch của Tông Phòng, vị Hồng Y Nhiếp Chính chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi của Tòa Thánh trong khi trống ngôi Giáo Hoàng. Ngài điều hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng Y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.
Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng Y đoàn để chuẩn bị bầu Giáo Hoàng mới. Đức Hồng Y cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng.
Hồng Y Nhiếp Chính cũng là người nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng.
Có bao nhiêu vị Hồng Y?
Kể từ khi xuất hiện Hồng Y Đoàn vào đầu thời Trung cổ, về mặt lịch sử, con số các vị trong Hồng Y Đoàn bị giới hạn bởi các Giáo Hoàng, các Công Đồng và ngay cả chính Hồng Y Đoàn.
Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, Hồng Y Đoàn không bao giờ vượt quá ba mươi vị. Đức Giáo Hoàng Gioan 22 (1316–1334) đã chính thức hóa tiêu chuẩn này bằng cách giới hạn Hồng Y Đoàn ở mức 20 vị. Trong Cơ Mật Viện Bầu Đức Giáo Hoàng Innôcentê Đệ Lục vào năm 1352, các vị trong Hồng Y Đoàn đã giới hạn Hồng Y Đoàn ở mức 20, và ra lệnh rằng không thể tấn phong tân Hồng Y cho đến khi Hồng Y Đoàn giảm xuống chỉ còn còn 16. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Innôcentê Đệ Lục đã bác bỏ yêu sách này.
Đồng thời, vào cuối thế kỷ 14, thông lệ chỉ có các Hồng Y người Ý đã chấm dứt.
Dưới triều Đức Giáo Hoàng Sixtus Đệ Ngũ (1585–1590), vào ngày 3 tháng 12 năm 1586, ngài quy định rằng Hồng Y Đoàn gồm 70 vị và chia thành mười bốn Hồng Y đẳng phó tế, năm mươi Hồng Y đẳng linh mục và sáu Hồng Y đẳng giám mục.
Các vị Giáo Hoàng tiếp theo đã tôn trọng giới hạn đó cho đến khi Đức Giáo Hoàng Gioan 23 tăng số Hồng Y nhiều lần lên 88 vị vào tháng Giêng năm 1961 và Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tiếp tục việc mở rộng này, lên tới 134 vị trong công nghị tấn phong Hồng Y thứ ba của ngài vào tháng 4 năm 1969.
Quyền bầu Giáo Hoàng của các vị Hồng Y?
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục quyết định chỉ các Hồng Y dưới 80 tuổi mới vào thời điểm khai mạc Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng mới được quyền bỏ phiếu. Các vị có quyền bầu Giáo Hoàng được gọi là Hồng Y Cử Tri. Sau đó, vào năm 1975, Đức Phaolô Đệ Lục truyền rằng con số tối đa các vị Hồng Y Cử Tri là 120 vị.
Trong Tông hiến “Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quy định lại là các Hồng Y đã đến tuổi 80 trước ngày trống ngôi Giáo Hoàng thì mất quyền bầu cử.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại con số tối đa các Hồng Y Cử Tri là 120 vào năm 1996, tuy nhiên, tính đến khả năng nhiều Hồng Y qua đời, hoặc sẽ sớm quá tuổi 80, 4 trong số 9 công nghị tấn phong Hồng Y của ngài đã đưa số Hồng Y Cử Tri đạt mức cao nhất là 135 vào tháng 2 năm 2001 và một lần nữa vào tháng 10 năm 2003.
Ba trong số 5 công nghị tấn phong Hồng Y của Đức Bênêđíctô cũng dẫn đến việc vượt quá 120 Hồng Y Cử Tri, mức cao nhất là 125 vào năm 2012.
Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có 6 công nghị tấn phong Hồng Y và lần nào cũng dẫn đến việc vượt quá 120 Hồng Y Cử Tri, đạt mức cao nhất là 128 vào tháng 10 năm 2019.
Giáo Hội hiện có bao nhiêu Hồng Y?
Tính đến ngày 27 tháng 11, Hồng Y Đoàn có 216 vị trong đó có 119 vị là Hồng Y Cử Tri và 97 vị đã quá tuổi 80.
Ngay sau công nghị tấn phong Hồng Y này, Giáo Hội có thêm 13 vị Hồng Y trong đó có 9 vị Hồng Y Cử Tri. Như thế, ngay sau nghi lễ tấn phong Hồng Y này: Giáo Hội có 229 Hồng Y trong đó có 128 Hồng Y Cử Tri.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét