Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

6 LỊCH SỬ CỨU ÐỘ

 

6 LỊCH SỬ CỨU ÐỘ

 

ĐGM. Giuse Võ Ðức Minh

 

Viết từ tác phẩm "Salvation History" của Neal M. Flanacan, ofm

 

CHƯƠNG VI

 

PHẦN II

TÂN ƯỚC : BAN ƠN CỨU ÐỘ

 

CHƯƠNG VI

 

ÐỨC KITÔ HOÀN TẤT ƠN CỨU ÐỘ

 

 

Nét căn bản của cuộc đời Ðức Kitô thật đơn giản, như đã được trình bày trong bốn sách Phúc Âm, Công Vụ các Tông Ðồ và những thư khác nhau trong Tân Ước. Ðức Giêsu sinh ra bởi một trinh nữ tên là Maria, người chồng tên là Yuse. Sau gần 30 năm sống cuộc đời tầm thường của một người con thợ mộc ở Nazarét xứ Galilê, Ngài bắt đầu rao giảng và chữa bệnh trong một thời gian tương đối ngắn. Việc Ngài bị quan Rôma lên án tử hình là do sự xúi giục của chính những người đồng hương với Ngài, những Tư Tế và Biệt Phái ở Yêrusalem. Trên đỉnh một ngọn đồi thấp tên là Calvariô, Ngài bị đóng đinh giữa hai phạm nhân.

 

Ðây là những sự kiện thiết yếu, chỉ trừ một sự kiện, mà chính sự kiện này sẽ làm cho tất cả hóa ra khác hẳn. Bởi vì Ðức Giêsu, theo chứng của một nhóm người tầm thường theo Ngài, đã phục sinh từ cõi chết. Các môn đệ này quả quyết một cách chắc chắn cho đến nổi họ cống hiến cả cuộc đời để phụng sự Ngài, và thí mạng sống chịu tử đạo để minh chứng niềm tin tột bực của họ. Ðộ 25 năm sau khi Ðức Giêsu chết, Phaolô, một người Dothái ở thành Tarsô tại Cicilia, được ơn trở lại sau khi bách hại những Kitô hữu đầu tiên, đã viết ra danh sách những người đã được trông thấy Ðức Giêsu sau khi Ngài phục sinh, danh sách đó thật là kinh khủng.

 

"Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy : Là Ðức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi ta, theo lời Thánh Kinh, Ngài đã bị chôn cất, Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh, Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho Nhóm Mười Hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn 500 anh em một lần, trong số đó phần đông đến nay vẫn còn sống, những cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Yacôbê ; đoạn cho các tông đồ hết thảy. Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con bất thường. Vì tôi là người mạt nhất trong các tông đồ, và cũng không đáng gọi là tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa." (1C. 15, 3 - 9).

 

Sự kiện phục sinh là nền tảng cho niềm tin của các Kitô hữu đầu tiên và cho tất cả mọi Kitô hữu sau họ.

 

Giáo Hội sơ khai, trong cách rao giảng cũng như trong những sách chứa đựng những lời giáo huấn đầu tiên đã được ghi chép, không phải chỉ bằng lòng ở chỗ lập lại những sự kiện bên ngoài của cuộc đời Ðức Giêsu mà thôi. Giáo Hội lại còn giải thích ý nghĩa sâu xa của những sự kiện đó, nhờ sự hướng dẫn của những nhà thần học trứ danh như Yoan và Phaolô. Ðiều Giáo Hội tìm kiếm, gặp thấy và đúc kết, không phải bằng cách nhìn những nguyên nhân và hoạt động theo kiểu cách loài người, những theo sự hiểu biết được mạc khải về sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Ðiều Giáo Hội tìm kiếm, chính là ý nghĩa linh thiêng của sự việc.

 

Sự ra đời của Ðức Giêsu có ý nghĩa như thế nào trong sự quan phòng của Thiên Chúa và trong sự liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa ? Những phép lạ của Ðức Kitô có nghĩa gì ? Sứ mệnh giảng dạy của Ngài ? Việc Ngài chọn mười hai Tông Ðồ ? Ngài chịu chết trên núi Calvariô ? Ngài Phục Sinh ? Giữa Giáo Hội Ðức Kitô đã thiết lập với tôn giáo xưa mà Môsê đã thành lập trong sa mạc có mối tương quan như thế nào ? Những câu hỏi như thế đã được giải đáp trong những quyển sách Tân Ước. Qua những câu trả lời riêng rẽ, chúng ta gặp thấy những ý tưởng căn bản, mà nếu đem sắp xếp lại cách trật tự sẽ cho chúng ta một khoa thần học Thánh Kinh về Tân Ước. Mục đích của những chương này là làm thành hình một khoa thần học Thánh Kinh như thế, bằng cách sắp xếp có hệ thống những điều tường thuật về ý nghĩa sự sống, sự chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô liên quan đến công trình cứu độ. Còn phải thêm vào đó vai trò của Giáo Hội Ðức Kitô trong việc chia sẻ ơn cứu độ cho mọi người, Dothái cũng như dân ngoại, vì Giáo Hội là những phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Sau hết, chúng tôi sẽ kết luận bằng cách đối chiếu hai tôn giáo Thiên Chúa đã ban cho thế giới, đó là Dothái giáo và Kitô giáo. Khi so sánh như thế cần phải dựa vào những lời giải thích của Phaolô, người đã xem vấn đề này như là một vấn đề rất cam go.

 

Sự chào đời của Ðức Giêsu là một biến cố có ý nghĩa sâu xa vô tận. Một hài nhi nhỏ bé rất tầm thường, sinh ra bởi một người mẹ rất tầm thường và còn trẻ. Tuy nhiên trời đất, thần thánh và nhân loại đều liên kết trong đứa trẻ độc nhất này khi nó bước vào sân khấu lịch sử của Thiên Chúa và của loài người. Sự Nhập Thể của Ðức Kitô là bước thân mật nhất của Thiên Chúa vào lịch sử loài người.

 

Trước hết Thiên Chúa đã cho thấy Ngài có quyền tuyệt đối trên thế giới bằng cách tạo dựng nên nó, và do đó Ngài đã tỏ mình ra xuyên qua các công trình của Ngài. Ngài đã tạo dựng nên loài người trên mặt đất, và con người đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ngài bước vào lịch sử một lần nữa bằng những biến cố đã làm cho gia đình Abraham trở thành một dân tộc và một tôn giáo. Những biến cố này gồm cả sự kêu gọi Abraham, sự cho con trai là Isaac của ông được sinh ra một cách lạ lùng, sự tuyển chọn Yacob, sự bảo toàn gia đình ở Aicập nhờ thế lực của Yuse, sự kêu gọi Môsê, những tai họa, việc vượt Biển Ðỏ, và đặc biệt nhất, sự lập Giao Ước giữa Thiên Chúa với Israel trên núi Sinai. Thiên Chúa đã bước vào lịch sử thế giới bằng tất cả những biến cố ấy.

 

Trong những thế kỷ kế tiếp, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hành động vì lợi ích của dân tộc đã giao ước với Ngài. Ngài nói với họ xuyên qua những giới luật được viết ra, khởi đầu từ thời Môsê, và sau đó được lan rọng và được áp dụng vào những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống của Israel. Ngài cũng nói qua miệng các tiên tri của Ngài, khuyến khích Dân Ngài, cảnh cáo họ, dạy dỗ họ. Và cuối cùng, bằng một cử chỉ yêu thương và quan tâm đến tột bực, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến sống giữa dòng thời gian của thế giới, giữa tiếng ồn ào của các thành phố. Giữa những đồi núi và phong cảnh. Chính sự Thiên Chúa dần dần bước vào thế giới này đã được Yoan nêu ra trong chương dầu Phúc Âm của ông.

 

"Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Ngài đã có lúc khởi nguyên nơi Thiên Chúa. Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành và không Ngài thì không gì đã thành sự. Ðiều đã thành sự nơi Ngài là sự sống, và sự sống là sự sáng cho nhân loại, và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không triệt được sáng .

Ngài có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà được có, mà thế gian đã không biết Ngài. Ngài đã đến nơi nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài. Và những ai đón nhận Ngài, thì Ngài đã ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài. Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra.

Và Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật" (Yn. 1, 1 - 5 ; 10 - 14)

 

TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA.

 

Con Thiên Chúa sinh ra mặc lấy xác phàm, không phải là một phần thưởng cho nhân loại vì những hành vi đạo đức của họ. Ðiều này khỏi cần nói. Vì như chúng ta đã thấy, lịch sử nhân loại là một lịch sử mà trong đó sự tội dường như là người bạn đồng sanh đồng tử của con người. Ðiều đã khiến cho có sự nhập thể không phải là do công trạng của con người, song là do lòng yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa. Phaolô đã nhiều lần nhấn mạnh chân lý này, bằng những lời lẽ cho thấy ông kinh ngạc biết bao khi nghĩ đến lòng yêu thương vô biên và khôn tả của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi.

"Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bởi lòng yêu mến lớn lao Ngài đã yêu mến ta, Ngài đã ban cho ta những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, được cùng hồi sinh với Ðức Kitô." (Ep. 2, 5).

 

Chính sự mạc khải này đã thúc đẩy các vị tử đạo và những người Kitô hữu khác, nam cũng như nữ, dâng hiến chính mình cho Ðức Kitô.

 

SỰ HỢP NHẤT.

 

Mục đích của việc Con Thiên Chúa ra đời mặc lấy xác phàm là gì ? Nó hoàn tất sự gì ? SỰ HỢP NHẤT, theo như trong sách thiên khải : hợp nhất giữa con người với đồng loại của mình trong Ðức Kitô ; và trong Ðức Kitô, hợp nhất với Thiên Chúa. Tội lỗi đã tách biệt con người với Thiên Chúa -Tội nguyên thủy của Ađam và Evà, và những tội kế tiếp của con cháu họ - Giữa loài người cũng có sự tách biệt rõ rệt, tách biệt giữa người Dothái với người không Dothái. Sự tách biệt này được coi như là nằm trong đường lối Chúa quan phòng, bởi vì nó đã làm cho Dân Thiên Chúa khỏi bị quyến rũ bởi sự sùng bái ngẫu tượng trong các quốc gia chung quanh họ. Nhưng tự nó, sự chia rẽ như thế giữa loài người với nhau không phải là điều lý tưởng. Nó là do hậu quả của tội lỗi, một hậu quả tiêu biểu cho chúng ta trong câu chuyện Cain và Abel. Con người càng phạm tội đối với Thiên Chúa và càng lìa xa Ngài, thì càng phạm tội đối với đồng loại (anh em của mình) và tách xa họ. Sự Ðức Kitô ra đời là khởi điểm phong trào cộng đồng của Thiên Chúa, nhằm đem con người trở lại với nhau, và cùng nhau trở về với Thiên Chúa, qua sự hợp nhất với Ðức Kitô. Có hợp nhất với Ðức Kitô chúng ta mới được hợp nhất với Thiên Chúa, vì Ðức Kitô là Thiên Chúa. Ðó là lý do tại sao Ðức Kitô bước vào thế gian, đó là mục đích của máng cỏ Bêlem.

 

"Ngài đã làm cho đôi bên (dân ngoại và Dothái) nên một, triệt hạ tường ngăn thành chắn, tiêu biểu cho mối hằn thù - nhờ thân xác Ngài - thủ tiêu Lề Luật nguyên những điều răn lệnh chỉ, ngõ hầu trong Ngài, Ngài tạo dựng hai loại người ấy nên một người mới ; đem lại an bình và giảng hòa hai dân - trong một thân mình - với Thiên Chúa, nhờ Thập Giá, giết chết hằn thù nơi Mình Ngài" (Ep. 2, 14 - 16).

 

SỰ LÀM CHO TRỌN VẸN.

 

Thiên Chúa bước vào thế giới một cách đích thân nhất như thế, cốt là để hoàn thành sự hợp nhất giữa con người với đồng loại và với Thiên Chúa. Ðây không phải là một chương trình hoàn toàn mới mẻ của Thiên Chúa quan phòng. Ðức Kitô đến, không phải để tiêu hủy Giới Luật và lời các tiên tri, song là để làm cho chúng được hoàn hảo và trọn vẹn. Ngài đến để củng cố thêm sự mạc khải đã ban cho Dân Ngài qua tôn giáo Môsê. Ngài đến để làm cho trọn vẹn những lời Thiên Chúa đã hứa với tư cách là người thuộc dòng dõi Abraham và Ðavít. Với Abraham và gia đình của ông, dòng dõi của ông, Thiên Chúa đã hứa ban phúc lành, một phúc lành phải được nhờ họ mà lan rộng đến mọi dân mọi nước. Ðức Kitô, thuộc dòng dõi Abraham, sẽ là một người độc đáo nhất, đem phúc lành đến cho khắp cả thế giới. Với dòng dõi của Ðavít, Thiên Chúa đã hứa một vương quốc vừa vĩnh cửu vừa phổ bác. Ðức Kitô sẽ khánh thành vương quốc đó. Vì những lý do đó, Phúc Âm của Matthêu đã giới thiệu Ðức Kitô như là một người thuộc dòng dõi cả hai vị nổi danh trong Cựu Ước này.

 

"Gia phả Ðức Chúa Giêsu Kitô, Con Ðavít, Con Abraham." (Mt. 1, 1).

 

ÐIỀU MỚI LẠ.

 

Ðức Kitô cũng đem lại một điều rất mới mẻ trong cách Thiên Chúa đối xử với loài người. Kitô giáo không phải chỉ đơn thuần là sự biến hóa của Dothái giáo, nhưng nó làm cho Dothái giáo được hoàn hảo, được trọn vẹn bằng cách đem lại một điều mới lạ rất ngoạn mục vào lịch sử cứu độ. Tính cách mới lạ này được trình bày một cách nổi bật trong những trang sách Tân Ước. Matthêu đã nhấn mạnh lý lịch Ðức Giêsu bắt nguồn từ gia đình Abraham và Ðavít, đồng thời cũng nhấn mạnh sự Ðức Kitô sinh ra bởi một trinh nữ, nghĩa là vai trò của người nam trong việc thụ thai đã được thay thế bằng quyền phép tác tạo của Thánh Linh. Nơi Ðức Kitô, gia đình Abraham và Ðavít vẫn được tiếp tục. Nhưng đồng thời cũng có một sự bắt đầu mới mẻ, sự Thiên Chúa tạo dựng lại con người.

 

"Maria, Mẹ Ngài, đã đính hôn với Yuse ; trước khi Ông Bà phối hợp cùng nhau, thì xảy ra là Bà đã có thai do tự Thánh Thần . : Yuse con vua Ðavít, chớ sợ lấy Maria vợ ông, thai sinh nơi Bà là do tự Thánh Thần" (Mt. 1, 18 - 20).

 

MẸ CHÚA.

 

Mẹ Ðức Kitô là một người nữ trẻ tuổi tên là Maria, việc Bà cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa đã làm cho Bà có một vai trò vinh quang nhất trong lịch sử cứu độ, bởi vì ơn cứu độ được ban cho thế giới xuyên qua Bà một cách độc đáo. Bà, và chỉ có một mình Bà mà thôi, là Mẹ của Chúa, và đây là tước hiệu vinh quang nhất của Bà, được nhấn mạnh trong câu chuyện thuật lại một chuyến viếng thăm.

 

"Và Êlizabet được đầy Thánh Thần mà thốt lên một tiếng kêu lớn và nói : Trong nữ giới, có Bà là diễm phúc ! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng Người ! Và bởi đâu tôi được thế này, là Mẹ Chúa đến với tôi" (Lc. 1, 41 - 43).

 

KHÁM GIAO ƯỚC MỚI.

 

Sự Con của Ðức Maria đồng thời cũng là Con muôn đời của Thiên Chúa đã được giải thích một cách rất chân thành trong Phúc Âm Luca. Trong hai chương đầu ông nhấn mạnh mối tương đồng giữa Ðức Trinh Nữ Maria với Khám Giao Ước trong Cựu Ước. Qua cách trình bày đó, ông có ý dạy chúng ta một khía cạnh khác của chân lý liên quan đến sự nhập thể của Ðức Kitô, chân lý ấy như sau : trong việc hoàn tất Cựu Ước, Maria đã trở nên Khám sống động của Giao Ước Mới. Lòng dạ trinh trong của Bà chẳng khác gì Nhà Tạm để Thiên Chúa hiện diện nơi trần thế một cách hiển vinh. Phúc Âm Luca diễn tả những biến cố của sự truyền tin và của cuộc viếng thăm bằng cách vay mượn những từ ngữ đã được dùng trong Cựu Ước để tả Khám Giao Ước. Làm như thế, ông nêu lên cho chúng ta một cách đối chiếu bằng những từ ngữ cao thượng và rõ ràng.

 

Một sự đối chiếu rất đáng lưu ý được gặp thấy ở Lc. 1, 35, và trong sách Xuất Hành, vừa dựng xong Lều Nhà Tạm, Môsê liền đặt Khám Yavê vào.

 

"Bấy giờ đám mây đã bao phủ trướng Tao Phùng, và vinh quang Yavê đầy Nhà Tạm. Môsê đã không thể vào Trướng Tao Phùng được vì mây đậu lại ở trên, và vinh quang Yavê lấp đầy Nhà Tạm" (Xh. 40, 34 - 35).

 

Trong Lc. 1, 35 chúng ta đọc thấy việc Ðức Maria thọ thai cách linh thiêng, đã được tả bằng những từ ngữ giống như trong Xuất Hành. Ðức Maria cũng sẽ được đầy quyền năng Ðấng Tối Cao rợp bóng trên Bà. Và từ lúc thụ thai, Bà đã trở nên Khám sống động của Thiên Chúa.

 

Không những Luca đã nêu lên một hình ảnh đối xứng giữa sự Ðức Maria được truyền tin và việc mô tả Khám trong sách Xuất Hành, ông lại còn đi xa hơn nữa, là đối chiếu một hành trình của Khám đi về Yêrusalem dưới thời vua Ðavít, với cuộc hành trình của Ðức Maria đi đến Yêrusalem để thăm viếng. Chúng ta hãy theo dõi những biến cố khi Ðavít đưa Khám từ Giriat-Yơ-arim về Yêrusalem (2V hay S 6, 12 - 15) ; Cũng vậy, Êlizabet và con bà cùng vui mừng trước mặt Ðức Maria. Ðavít nhảy mừng trước Khám (2V hay S 6, 16) ; cũng vậy Yoan Tẩy Giả hãy còn trong lòng mẹ cũng nhảy mừng trước Ðức Maria (Lc 1, 44). Dân Israel đã kêu lên (2V hay S 6, 15) ; Êlizabet cũng vậy (Lc 1, 42). Cũng như Khám đã lưu lại tại nhà Abinađab trong ba tháng (2V hay S 6, 10) ; Ðức Maria lưu lại nhà Zakari (Lc 1, 40). Và câu nói của bà Êlizabet trong Lc 1, 43 : "Bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa đến với tôi ?" thật chẳng khác gì câu nói của Ðavít : "Bởi đâu Khám Yavê lại đến với tôi ?" (2V hay S 6, 11).

 

Ý định của Luca thật là rõ nét, chắc chắn là ông muốn áp dụng một nghệ thuật láy lại những từ ngữ như thế, mặc dù nó ít quen thuộc với độc giả ngày nay. Ý định của ông là dạy cho chúng ta rằng : Ðức Maria là Khám của Giao Ước mới và ông đã mô tả giai đoạn ngắn ngủi này trong cuộc đời Ðức Maria trên bối cảnh Khám Giao Ước trong Cựu Ước. Sự đối chiếu ấy được nhấn mạnh bằng cách dùng những từ ngữ tương tự. Tác giả họa bức tranh ấy như thể là ông đang nhìn vào quá khứ chứ không phải là nhìn vào những sự kiện hiện tại. Lối hành văn như thế gọi là hồi niệm (midrashic), nghĩa là suy ngắm những biến cố đương thời dưới ánh áng của văn bản Thánh Kinh.

 

NGƯỜI NGHÈO KHÓ - DÂN NGOẠI.

 

Hai quang cảnh cuối cùng liên quan đến sự sinh ra của Ðức Kitô có một tầm quan trọng vượt ra ngoài nội dung hiển nhiên của các câu chuyện. Ðó là cảnh mô tả những cuộc hành hương đầu tiên đến nôi của Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Cuộc hành hương thứ nhất là do những mục tử ngoài đồng (Lc. 2, 8 - 20), cuộc hành hương kia là do những đạo sĩ ở phương đông (Mt. 2, 1 - 12). Những biến cố này, các tác giả Phúc Âm đều coi là tiêu biểu cho sự bước vào trong thể của những người nghèo khó (các mục tử) và những dân ngoại (các đạo sĩ), trong tình thân thiện với Thiên Chúa mà Hài Nhi này đem lại. Hài Nhi đã được Thiên Chúa sai đến để đem Tin Mừng cho người nghèo khổ và sầu muộn (Is 61, 1) và để trở nên ánh sáng cứu độ cho dân ngoại (Is 42, 6 ; 49, 6).

 

Giai đoạn kế tiếp rất có ý nghĩa trong cuộc đời Ðức Giêsu là việc Ngài đi rao giảng. Ngài được giới thiệu bằng những lời rao giảng dọn đường của Yoan Tẩy Giả (vị tiền hô được báo trước trong Malaki ở chương 3 và Isaya chương 40, câu 3 - 4). Ngài đã thi hành chức vụ công khai của mình như là một người thầy và một người làm phép lạ. Các tác giả Phúc Âm, đặc biệt là Matthêu, đã rọi ánh sáng trên ý nghĩa của hai vai trò này.

 

NGƯỜI THẦY.

 

Vì là Người Thầy, theo lời Matthêu, Ðức Kitô là Môsê Mới, sách Phúc Âm Thứ Nhất nhấn mạnh đặc biệt sự đồng hóa này, bởi vì nó rất quan trọng trong việc giới thiệu Kitô giáo cho người Dothái, để làm cho họ dễ đón nhận và thâm tín hơn. Ðối với những người Dothái ở thế kỷ thứ Nhất, là những người khó chấp nhận việc nhảy từ Dothái giáo sang Kitô giáo, thì Giáo Hội đã trình bày Ðức Kitô như là Môsê Mới, Ngài đến không phải để phá hoại.

 

Môsê và công trình của ông, cũng không phải để làm suy giảm uy tín hợp lý của Cựu Ước, nhưng Ngài đến để đưa tôn giáo Môsê đến chỗ tuyệt hảo đã hứa, bằng cách nâng giáo luật và giới điều của nó lên bực cao trọng không ngờ. Như Môsê xưa kia là một vị tiên tri nổi bật trong Cựu Ước và là sứ giả đặc biệt nhất đem Lời Thiên Chúa đến cho dân chúng ; cũng vậy, Ðức Kitô đã đến như là vị tiên tri của Thiên Chúa, là sứ giả đem đến lời cuối cùng của Thiên Chúa. Cách trình bày Ðức Kitô như là một vị tiên tri lớn hơn Môsê đã được phổ thông nơi các tông đồ, bởi vì người ta đã gặp thấy lối trình bày ấy nơi bài giảng của Phêrô ở trong Ðền Thờ, có ghi chép trong sách Công Vụ các Tông Ðồ.

 

"Vậy anh em hãy hối cải, hồi đầu trở lại, ngõ hầu tội lỗi anh em được tẩy xoá, để làm sao thời buổi thanh nhàn đến được từ nhan Chúa. Và Người sẽ sai Ðức Kitô đến, mà Người đã tiền định ban cho anh em ; tức là Ðức Giêsu Ðấng mà hiện trời cao phải đón lấy cho đến thời buổi phục hồi vạn vật, điều mà Thiên Chúa đã phán do miệng các thánh tiên tri của Người từ muôn thuở. Môsê đã nói : "Chúa, Thiên Chúa sẽ cho trỗi dậy giữa anh em, các ngươi một tiên tri như ta. Các ngươi phải nghe Ngài trong mọi sự, Ngài sẽ nói cùng các ngươi. Sẽ xảy ra là phàm sinh linh nào không nghe tiên tri ấy, sẽ bị tiểu trừ khỏi dân Israel" (Cv. 3, 19 - 23).

 

Hơn nữa, cũng như Môsê là một luật sĩ xuất sắc trong tôn giáo xưa, Ðức Kitô đã được Matthêu trình bày như là một luật sĩ tột bực mới. Vì thế mà Matthêu đã nhấn mạnh bài giảng trên núi. Trong Phúc Âm của Matthêu, nó chiếm trọn vẹn từ chương năm đến chương bảy. Luca thì chỉ nói đến đó một cách vắn tắt hơn, ở nửa sau của chương sáu. Còn Maccô thì không nói gì đến nó cả.

 

Matthêu muốn làm cho độc giả thấy rõ ràng sự đối chiếu giữa hai luật sĩ ấy. Như Môsê đã lên núi Sinai để ban lề luật cũ, Ðức Kitô cũng vậy, Ngài đã lên núi để rao giảng Lề Luật mới, vượt rất xa lề luật Môsê. Lề Luật mới này gọi là có phúc cho những kẻ nghèo khổ, đau sầu, hiền hòa, công chính, nhân từ, đơn sơ, hiều hòa, bị bắt bớ. Nó nhấn mạnh những thái độ bên trong của con người hơn là những việc làm bên ngoài, nhấn mạnh tinh thần của việc bố thí, cầu nguyện, ăn chay hơn là chính những việc ấy. Trên hết tất cả, nó đòi hỏi phải thường xuyên thực thi một cách hoàn hảo tình bác ái, chính điểm này đã đặc biệt làm cho Lề Luật nới của Ðức Kitô khác hẳn lề luật Môsê chỉ biết lấy công bình làm nền tảng vững chắc.

 

"Các ngươi đã nghe bảo rằng : Mắt thế mắt, răng thay răng. Còn Ta, Ta bảo các ngươi, đừng cự lại người ác ; nhưng nếu ai vả má phải ngươi, thì hãy giơ má kia nữa ; và kẻ muốn kiện ngươi để đoạt áo lót thì hãy bỏ cả áo choàng cho nó ; và ai bắt ngươi làm phu đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin ngươi hãy cho ; người muốn vay ngươi chớ khước từ.

 

Các ngươi đã nghe báo : Hãy yêu mến thân nhân và hãy ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các ngươi : Hãy yêu mến thù địch và hãy khẩn cầu cho những kẻ bắt bớ các ngươi ; Ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác" (Mt. 5, 38 - 45).

 

Như thế, Ðức Kitô, Môsê mới, đã thay đổi luật công bình thuở xưa, cái luật "của anh của tôi" đã thành luật yêu thương, luật "tha nhân trước hết"

 

NGƯỜI LÀM PHÉP LẠ.

 

Ðức Kitô đã nổi danh đặc biệt trong thời kỳ Ngài đi rao giảng là do ở phép lạ Ngài làm cũng như lời Ngài truyền dạy. Trong những phép lạ này, các tác giả Phúc Âm cũng khám phá được những ý nghĩa sâu xa. Marcô trình bày phép lạ như là "những người mở mắt", bởi vì chúng là phương tiện để các tông đồ khám phá ra được Giêsu Nazarét là ai. Khi họ bắt đầu đi theo Ngài thì có lẽ là vì nhân cách quyến rủ của Ngài và vì cách giảng dạy mạnh mẻ của Ngài. Nhưng sau nhiều tuần, khi họ được tận mắt thấy các phép lạ Ngài làm, nghe tận tai những chân lý cao siêu Ngài giảng, họ mới bắt đầu tự hỏi và bàn luận xem con người này như thế nào. Chúng ta thấy điều này rõ ràng trong Phúc Âm Marcô, khi phép lạ làm cho sóng gió yên lặng.

 

"Xảy đến một trận gió táp thổi mạnh, và sóng ập tràn vào đò, làm đò đã hòng đầy ngập. Ngài ở đằng lái, dựa trên ván véo mà ngủ. Họ đánh thức Ngài và nói với Ngài "Thưa Thầy, Thầy chẳng lo chúng con chết mất !" Tỉnh dậy Ngài quát bảo gió và biển "Nín đi, câm đi !" và gió yên biển lặng như tờ. Rồi Ngài nói với họ : "Sao ! Nhát đảm thế ?" Và họ kinh hoàng sợ hãi mà nói với nhau : Ông này là ai vậy mà gió biển phải vâng phục ông ?" (Mc. 4, 37 - 41).

 

Ðây là một lối trình bày tiêu biểu của Marcô về ý nghĩa và giá trị những phép lạ. Nhờ các phép lạ mà các tông đồ, từng bước một, bước dần đến chỗ tin tưởng vững chắc rằng Người trước đây đã làm thợ mộc này, Người Thầy xuất chúng và hay làm phép lạ này, thực ra chính là Ðức Kitô, Ðấgn Messia muôn dân trông ngóng bao nhiêu đời.

 

"Còn các ngươi, các ngươi noói Ta là ai ? Ðáp lại, Phêrô nói với Ngài : Ngài là Ðức Kitô" (Mc. 8, 29).

 

Thánh Yoan có một lối thần học hoàn toàn khác hẳn về các phép lạ của Ðức Kitô. Ông xem đó như là những dấu hiệu, những điều lạ lùng mà trên bình diện tự nhiên, mọi người đều có thể nhìn thấy bằng con mắt phàm trần, nhưng trên bình diện siêu nhiên, thì chúng tượng trưng cho những chân lý tương tự mà chỉ có con mắt đức tin mới nhận thấy được. Vì thế, đối với Yoan, phép lạ làm cho bánh hóa ra nhiều ở chương sáu trong Phúc Âm của ông, nhằm tượng trưng cho phép lạ quan trọng hơn tất cả, đó là phép Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng linh hồn mọi người bằng thứ bánh siêu nhiên. Phép lạ làm cho người mù từ thuở mới sinh được trông thấy khi anh đi rửa mắt nơi ao Silôam (c. 9) tượng trưng cho chân lý siêu nhiên : Ðức Kitô là ánh sáng thế gian. Nó cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy rằng ánh sáng của Ðức Kitô sẽ được ban cho, qua nước của phép Rửa Tội. Phép lạ làm cho Lazarô sống lại (c. 11) cũng được Yoan trình bày cùng một lúc với việc Chúa Giêsu tự mệnh danh là sự sống của thế gian. Thật vậy, người nào hợp nhất với Ðức Kitô sẽ không bao giờ chết. Trong thế giới này cũng như ở thế giới bên kia, cuộc sống của người ấy sẽ phối hợp với cuộc sống thường sinh của Thiên Chúa. Ðó là công dụng các phép lạ của Ðức Kitô mà Yoan đã khai thác, đó là ý nghĩa sâu xa mà Yoan đã tìm thấy trong các phép lạ ấy.

 

Tuy nhiên, lịch sử cứu độ cũng được Matthêu soi sáng một cách rất đặc biệt bằng cách quãng diễn các phép lạ. Ông hình dung chúng như là những cuộc tấn công trực tiếp của Ðức Kitô vào vương quốc Satan để giải thoát loài người. Vương quốc satan, như chúng ta đã lưu ý trước đây, gồm bốn yếu tố đặc biệt : Chính mình Satan, sự tội xuất phát từ Satan, sự chết do tội lỗi đem đến và bệnh tật thường đi trước sự chết. Satan, sự tội, sự chết và bệnh tật, đó là bốn thứ luôn luôn than thở những lời đòi lên án phạt. Ở chương tám và chín, Matthêu đã liên kết lại với nhau một loạt mười phép lạ. Tất cả, chỉ trừ có một phép lạ nói về làm cho bão tố yên lặng, đều là những cuộc tấn công vào vương quốc Satan và chứng tỏ quyền năng ưu việt của Ðức Kitô đối với nó, quyền năng ấy sẽ đạt được chiến thắng cuối cùng khi cuộc đời Ðức Kitô kết liễu. Ðức Kitô đã chữa bệnh cho người phung, cho người đầy tớ một võ quan, cho mẹ vợ của Phêrô, cho người bất toại ở Caphanaum, cho người phụ nữ bị băng huyết, và Ngài đã cho hai người mù được sáng mắt. Mỗi đặc điểm của vương quốc Satan đều bị tấn công và bị chiến thắng. Ðối với Matthêu thì rõ ràng là vương quốc Satan đã mất thế lực của nó trên thế giới, và Thiên Quốc đã đến gần trong bản thân Ðức Kitô. Cũng rõ ràng, về phương diện cứu rỗi, là vương quốc Satan đã suy yếu và Thiên Quốc lớn mạnh hơn, công trình cứu độ cũng sắp được hoàn tất. Ðức Kitô đã diển tả tất cả những sự này một cách rõ ràng :

 

"Ví bằng Ta nhờ Thần Khí Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi" (Mt 12, 28).

 

Vậy công việc rao giảng của Ðức Kitô cho thấy Ngài là Môsê Mới. Các phép lạ của Ngài cho thấy rằng Thiên Quốc đã đến và lướt thắng vương quốc của Satan.

 

NGƯỜI THIẾT LẬP MỘT CÔNG CUỘC VĨNH VIỄN.

 

Một khía cạnh cuối cùng trong công cuộc rao giảng của Ðức Kitô cũng cần được nhấn mạnh. Trong giai đoạn ngắn ngủi cuộc đời công khai của Ngài, Ngài đã chuẩn bị thiết lập một công cuộc sẽ tồn tại mãi mãi sau khi Ngài lìa thế. Ngài không có ý chỉ giới hạn sự rao giảng và quyền năng cứu độ của Ngài torng thời gian Ngài còn bước đi trên những con đường Phalệtinh, Ngài muốn để lại một cơ cấu mới, một Dân Mới của Thiên Chúa, một Israel Mới, để việc rao giảng và quyền năng của Ngài vẫn được tiếp tục. Bởi đó ta thấy ngài tụ tập một nhóm ít người tuyển chọn cách riêng. Họ gồm cả thảy mười hai người. Chúng ta gọi họ là những tông đồ đầu tiên, nhưng cái tên lúc khởi thủy của họ là "Nhóm Mười Hai".

 

Con số này không phải là một sự ngẫu nhiên do sự kiện cần phải có đủ mười hai người để dáp ứng sự đòi hỏi của các môn đệ. Trái lại con số mười hai là vì theo Cựu Ước, dân Thiên Chúa có mười hai tổ phụ. Vì Ðức Kitô bắt đầu thiết lập Israel Mới, nên Người muốn có mười hai người để thay thế mười hai tổ phụ, con của Yacob-Israel, qua chính sự kiện này, Ngài cho thấy rõ ý định thành lập một cái gì vĩnh viễn, một Dân Mới, một Israel Mới. Các tông đồ đã hiểu rõ điều này cho nên họ đã thấy cần phải chọn một người để thay thế chỗ của Yuđa sau khi ông này sa ngã (Cv. 1, 21 - 22). Việc mười hai tông đồ tượng trưng cho mười hai tổ phụ của dân Chúa mới thành lập cũng giúp chúng ta hiểu rõ lời phát biểu sau đây của Ðức Kitô :

 

"Các ngươi sẽ được ăn uống nơi bàn tiệc Ta, trong Nước của Ta, và các ngươi sẽ được ngự trên ngai mà đoán xét mười hai chi tộc Israel" (Lc 22, 30).

 

Việc tuyển chọn mười hai tông đồ chỉ là một bước trong việc thành lập Israel Mới. Trong giai đoạn đi giảng dạy, Ðức Kitô cũng đã bắt đầu cung cấp những phương tiện để thông hợp với Thánh Thần và làm suy yếu thế lực của vương quốc satan, ngõ hầu Israel Mới được phồn vinh cách thiêng liêng.

 

Ngài đã tuyên bố cần phải tái sinh cách thiêng liêng qua nước Rửa Tội để được kết hợp với quyền lực của Thánh Thần :

 

"Quả thật, quả thật Tôi bảo ông, ai không sinh bởi nước và Thần Khí thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Yn 3, 5).

 

Ngài cũng đã cho phép các môn đồ làm phép rửa giống Yoan Tẩy Giả trước kia.

 

"Sau đó, Ðức Giêsu và môn đệ đi đến xứ Yuđê và lưu lại ở đó với họ, cùng ban thanh tẩy .

Vậy khi Chúa Giêsu biết rằng Biệt Phái đã nghe tin Ngài đã mộ và thanh tẩy được nhiều môn đệ hơn Yoan - Tuy rằng không phải chính Ðức Giêsu thanh tẩy, nhưng là môn đệ của Ngài - Thì Ngài bỏ Yuđê mà về lại Galilê" (Yn 3, 22 ; 4, 1 - 2).

 

Những phép lạ mà chúng ta đã thấy kể lại trong Matthêu, ở các chương tám và chín, được chính tác giả này coi như là một điều hiển nhiên minh chứng rằng quyền năng của Chúa Giêsu lướt thắng hẳn vương quốc Satan, và Nước Thiên Chúa đã đến trên trần gian. Các tác giả Phúc Âm cũng thuật lại cho chúng ta rằng Chúa Giêsu không dành riêng quyền ấy cho Ngài, song Ngài đã chia sẻ nó với các môn đồ. Ngài sai họ đi đến các làng lân cận, và ở đó, ngoài việc rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến, họ cũng sử dụng quyền năng thiêng liêng Ðức Kitô đã ban cho họ để chữa bệnh và trừ quỷ Satan.

 

"Và kêu mười hai môn đồ của Ngài lại, Ngài ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, khiến họ có thể xua đuổi chúng và chữa mọi tật nguyền bệnh hoạn" (Mt 10, 1) ; "Họ xua trừ nhiều ma quỷ, cùng đã xức dầu mà chữa nhiều kẻ ốm đau" (Mc 6, 13).

 

Bằng cách đó, Ðức Kitô đã chuẩn bị cho mười hai người Ngài đã chọn lựa để họ tham dự sâu xa hơn vào quyền năng của Ngài và thực hiện quyền năng đó sau khi Ngài được tôn vinh, quyền năng đó được thực hiện bằng nhiều cách. Nó sẽ làm cho họ được tái diễn hy lễ cứu độ của Ðức Kitô và được quyền tha tội, đó là những sự tham dự sâu xa nhất vào quyền năng của Ðức Kitô để thắng vương quốc Satan. Nó cũng có thể cho họ chữa lành được nhiều bệnh tật do tội lỗi loài người mà ra. Tất cả quyền năng như thế, dĩ nhiên là họ được tham dự vào, vì chính Ðức Kitô đã muốn thông quyền năng Ngài cho các môn đệ.

 

Một hành động quan trọng khác để duy trì tính cách vĩnh viễn cho Dân Mới của Thiên Chúa, đó là việc Ðức Kitô hủy bỏ sự ly dị. Cốt để cho dây đoàn kết trong gia đình được bền chặt hơn (Dân Thiên Chúa phải tùy thuộc vào sự bền chặt đó), và nhằm mục đích đưa hôn nhân trở về lại điều kiện lý tưởng nguyên thủy của nó, Ðức Kitô đã chấm dứt sự ly dị mà luật Môsê cho phép. Sự hủy bỏ như thế sẽ gây một hiệu quả sâu xa nơi đặc tính của Israel Mới.

 

"Và Biệt Phái đến gặp mà hỏi Ngài : Có được phép rẫy vợ không ? Mục đích là để thử Ngài. Ðáp lại, Ngài nói với họ : Môsê đã truyền sao cho các ông ? Họ đáp : Môsê đã cho phép viết ly thư mà rẫy vợ. Nhưng Ðức Giêsu nói với họ : Vì lòng dạ lỳ lợm của các ngươi mà Môsê đã viết giới luật đó cho các ngươi. Nhưng từ khởi nguyên tạo thành, là nam là nữ Người đã dựng nên chúng. Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cả cha mẹ mình, và cả hai, chúng sẽ nên một thân xác. Vậy điều Thiên Chúa đã kết hợp thì người ta chớ có phân ly. Về nhà, môn đồ hỏi lạiNgài về điều đó, Ngià nói với họ : Ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác, tức là ngoại tình đối với vợ mình ; và nếu vợ bỏ chồng mà đi lấy chồng khác, thì nó phạm tội ngoại tình" (Mc. 10, 2 - 12).

 

Qua việc khôi phục lại hình thức lý tưởng của hôn nhân, Ðức Kitô đã chuẩn bị cho sự đối chiếu lạ lùng của Phaolô giữa sự hợp nhất của vợ chồng với sự hợp nhất của Ðức Kitô và Giáo Hội của Ngài (xem phần Giáo Hội, chương VII). Thật vậy, nếu hôn nhân không phải là một sự hợp nhất "cho đến trọn đời" thì khó mà so sánh nó với sự hợp nhất vĩnh cửu giữa Ðức Kitô với Dân của Ngài. Sự tương tự rõ rệt àm Phaolô đã nêu ra và đã được Ðức Kitô chuẩn bị bằng cách hủy bỏ sự ly dị, sẽ cho thấy sự bền vững và thánh thiện của việc vợ chồng hợp nhất trong Chúa.

 

Ðức Kitô cũng hứa sẽ ban Thánh Thần cho Israel Mới. Chúng ta đã thấy đề cập đến Thánh Thần khi nói về sự thanh tẩy bằng nước và về Thần Khí trong Phúc Âm của Yoan 3, 5 (xem phần trên) và chính Phúc Âm này cũng kể lại việc Ðức Kitô hứa với các môn đồ rằng họ sẽ được lãnh nhận Thánh Thần của chân lý để biến đổi họ thành những chứng tá cho Ngài. Ðó là sự chuẩn bị việc ban Thánh Thần cách hiển hiện trong ngày lễ Hiện Xuống, và cách vô hình trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh (Yn 20, 22 - 23), và cho việc các tông đồ đặt tay trên các Kitô hữu đầu tiên để họ được Thánh Thần biến đổi thành những chứng tá.

 

"Khi Ðấng bàu chữa đến, Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta. Và các ngươi cũng làm chứng, vì từ ban đầu các ngươi hằng ở với Ta" (Yn 15, 26 - 27) ; "Bấy giờ Phêrô và Yoan đặt tay cho họ (những người Samari vừa mới chịu phép Rửa Tội), và họ đã được chịu lấy Thánh Thần" (Cv 8, 17).

 

Ðức Kitô, bằng một cách khác nữa, đã đặt nền tảng cho đời sống thiêng liêng của Giáo Hội Ngài mới thành lập. Ngài hứa sẽ nuôi dưỡng nó bằng Bánh bởi trời, là chính Mình và Máu Ngài. Không phải Ngài chỉ hứa lương thực siêu nhiên mà thôi (Yn 6) ; Ngài đã làm một phép lạ để tiên báo nó : Làm cho bánh hóa ra nhiều. Việc này như chúng ta đã nêu lên trước đây, sự được Yoan chọn lựa như là một trong những phép lạ-dấu hiệu. Ðức Kitô có quyền làm cho bánh hóa ra nhiều để đáp ứng nhu cầu của thiên hạ, Ngài cũng có quyền làm cho bánh ấy trở nên chính Mình Ngài để làm của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng mọi người qua mọi thời đại. Tuy rằng Phúc Âm cảu Yoan nhấn mạnh giáo điều này một cách rõ rệt hơn các Phúc Âm khác, nhưng chúng ta không khỏi nhận thấy rằng, trong nhưng Phúc Âm kia, sự làm cho bánh hóa ra nhiều đã được mô tả bằng những từ ngữ nhắc chúng ta nhớ ngay đến bữa ăn tối cuối cùng. Ðức Kitô, theo thánh Marcô, cầm lấy bánh, ngẩng mặt lên trời mà chúc tụng, đoạn bẻ bánh và cứ ban tiếp cho môn đồ (Mc 6, 41). Cách mô tả này chắc sẽ làm cho bất cứ độc giả Kitô hữu nào cũng đều liên tưởng đến phép Thánh Thể (xem Mt 15, 36).

 

Ðể kết luận, chúng ta có thể xác định những khía cạnh sau đây trong cuộc đời rao giảng của Ðức Kitô. Ngài ra giảng dạy, tức là Ngài chấp nhận vai trò của Môsê trước kia. Ngài đã đến như là vị lớn nhất trong các tiên tri, như là Lời của Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm để đem Lời mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa đến cho thế gian. Ngài cũng đã trở thành một luật sĩ mới vượt xa Môsê, và luật mới này có thể thu gọn lại trong một giới luật duy nhất : bác ái. Ngài đòi hỏi lòng thành kính bên trong đối với Thiên Chúa, sự "yêu mến hết tình".

 

Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng đến như là một người làm phép lạ. Theo thần học của thánh Matthêu, những phép lạ ấy được coi như là những cuộc tấn công trực tiếp vào vương quốc ghê tởm của satan, tội lỗi, sự chết và bệnh tật. Theo quan điểm này các phép lạ là bằng chứng cho thấy vương quốc Satan đang lui dần trước vương quốc của Thiên Chúa.

 

Sau hết, Chúa Giêsu đã để hết giai đoạn giảng dạy của Ngài vào việc thiết lập một cơ cấu vĩnh viễn và những nguồn sống vô tận cho Israel Mới. "Mười Hai" tông đồ đã được tuyển chọn để thay thế các tổ phụ trong Cựu Ước. Quyền năng của Ðức Kitô trên Satan đã được thông chia cho các tông đồ của Ngài. Họ bắt đầu trừ quỷ và chữa bệnh, ngày thời kỳ khởi thủy này, không có gì cho thấy rằng họ đã tham dự vào quyền tối hậu trên Satan, đó là quyền tha tội, và chắc chắn là lúc bấy giờ họ chưa được quyền đó. Chính về sau ở giai đoạn kế tiếp, họ mới dần dần tham dự vào quyền nâng ấy của Ðức Kitô. Chúng ta đã thấy Ðức Giêsu nói về một nghi thức Rửa Tội trong tương lai, và các tông đồ có cử hành một nghi thức tương tự như thế. Bằng cách hủy bỏ ly dị, Ðức Kitô đã loại trừ tận gốc một hiểm họa đe dọa sức khoẻ xã hội của dân Ngài mới lập, và chuẩn bị cho việc so sánh của Phaolô giữa sự hợp nhất của Ðức Kitô với Giáo Hội và sự hợp nhất của vợ chồng. Ðức Kitô cũng đã hứa ban Thánh Thần và ban của ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng Dân Ngài. Bánh ấy chính là Mình Ngài và của uống chính là Máu Ngài.

 

Theo như sự mô tả công trình của Chúa trong Phúc Âm, thì tới đây sự cứu độ chưa được thực hiện. Nhưng vương quốc của Thiên Chúa đã đến, qua bản thân Con Thiên Chúa đồng thời cũng là Con Ðức Maria, cuộc giao tranh giữa vương quốc Thiên Chúa và vương quốc của satan đã bắt đầu, và nền tảng cho sự thiết lập vĩnh viễn Israel Mới, Dân Mới của Thiên Chúa, đã được đặt cách vững chắc trên "Nhóm Mười Hai" là những kẻ đã được chia sẻ quyền năng của Ðức Kitô.

 

Công trình cứu độ thực sự được hoàn tất chính lúc Ðức Kitô chấm dứt cuộc sống của Ngài nơi trần thế. Việc Ngài giao tranh với đầu mục tối tăm rất là rõ rệt xuyên qua suốt quãng đời rao giảng của Ngài, và đã lên đến cực điểm trên Núi Sọ (Calvariô). Ðó là giờ mà Phúc Âm thánh Yoan thường nói đến, cái giờ mà cả thế giới mong đợi từ ngày tổ tiên loài người sa ngã, cái giờ mà quyền lực satan phải nhường bước trước quyền lực của Ðức Kitô, Ađam Mới. Chính đó là giờ mà Ðức Kitô đã nói :

 

"Chính đây là giờ phán xét thế gian này, chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài" (Yn 12, 31)

 

CHIẾN THẮNG TỘI LỖI.

 

Cái gì đã làm cho cái chết của Ðức Kitô có thể tẩy xóa được tội lỗi loài người ? Yoan và Phaolô đã viết những câu trả lời cho chúng ta. Trước hết, chúng ta biết rằng tội nguyên thủy của Ađam và Evà cũng như những tội kế tiếp của con cháu họ sau này đều do hai nết xấu cơ bản gặp thấy trong mỗi tội : đó là sự kiêu ngạo và sự bất tuân. Chúng ta thấy rằng lòng tự ái vô độ của con người đối với phẩm giá của mình bao giờ cũng dẫn đến chỗ bất tuân giới luật của Thiên Chúa. Hai nguồn gốc của sự dữ tinh thần này đã được trình bày cho chúng ta trong sách Khởi Nguyên khi mô tả sự sa ngã của loài người. Con người bị cám dỗ muốn trở nên bằng Thiên Chúa, đó là tội kiêu ngạo. Con người đã làm một hành động bị Thiên Chúa cấm, đó là tội bất tuân. Mỗi tội kế tiếp về sau trong tội lỗi loài người cũng đều khuôn rập như thế. Tuy nhiên trong cái chết của Ðức Kitô để chuộc tội loài người, chúng ta thấy một sự trái ngược hẳn. Ðức Kitô chết để minh chứng đến cùng độ tình yêu mến hiến thân của Ngài (trái ngược hẳn lòng tự ái kiêu căng) và sự tuân phcụ hoàn toàn Thánh Ý của Thiên Chúa. Nhân đức đã tẩy xóa tội ác. Lòng yêu mến và tuân phcụ của Ađam mới đã đền bù hoặc tẩy xóa sự kiêu ngạo và bất tuân của Ađam cũ.

 

Lòng yêu mến và tuân phục trong cái chết của Ðức Kitô để chuộc tội lỗi đã thường được Yoan và Phaolô diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Lòng yêu mến torng cái chết cảu Ðức Kitô có hai mặt. Ðó là lòng yêu mến của Thiên Chúa Cha đối với loài người, một lòng yêu mến vô biên cho đến nỗi Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế để cứu chuộc loài người.

 

"Vì Thiên Chúa là lòng mến. Nơi điều anỳ mà lòng mến của Thiên Chúa đã hiện rõ nơi chúng ta : là Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trong thế gian, ngõ hầu ta được sống với Ngài" (1Yn 4, 9).

 

Ðồng thời cuộc tử nạn trên Thập Giá cũng là một bằng chứng cao độ nhất cho thấy lòng yêu mến của Ðức Kitô đối với loài người tội lỗi.

 

"Hãy sống trong lòng mến, một thể như Ðức Kitô đã yêu mến ta và đã phó nộp mình vì Ta làm lễ vật hy sinh, hinh hương dâng lên Thiên Chúa" (Ep 5, 2).

 

Sự tuân phục cũng được nhấn mạnh trong Tân Ước khi mô tả sự chết của Ðức Kitô. Phaolô khẳng định rằng sự bất tuân của Ađam đã làm cho chúng ta trở thành những người tội lỗi, đã được thay thế bằng sự tuân phục của Ðức Kitô, Ađam Mới, làm cho chúng ta trở nên công chính.

 

"Vì do sự bất tuân của một người , nhiều người đã bị liệt hàng tội nhân. Cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt hàng công chính" (Rm 5, 19).

 

Cũng chính Phaolô đã truyền lại cho chúng ta khúc hát thiên khải của Kitô giáo để tán dương sự khiêm nhường của Ðức Kitô được chứng minh bằng sự vâng phục đã đưa Ngài đến chổ bị bỏ rơi và chịu chết trên Thập Giá.

 

"Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên Thập Giá" (Phil 2, 8).

 

Yoan đã để lại cho chúng ta một đoạn trong đó cả hai khía cạnh này của sự nhân đức lướt thắng tội ác đều được nhấn mạnh, và trong đó lòng yêu mến và vâng phục của Ðức Kitô được xem như là thù địch của satan.

 

"Ðầu mục thế gian đã đến, nó không có quyền gì trên Ta. Nhưng để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy" (Yn 14, 30 - 31).

 

Qua tất cả những điều trên đây, chúng ta gặp được một lối giải thích thiên khải về cái chết của Ðức Kitô đã chiến thắng tội lỗi. Ngài đã chinh phục lực lượng tàn hại của hai tính xấu cơ bản, lòng kiêu ngạo và sự bất tuân, bằng cách minh chứng cao đẹp nhất một lòng yêu mến và vâng phục mà loài người chưa từng thấy. Theo ý nghĩa này thì giờ trên Núi sọ chính là giờ chiến thắng vinh quang. Thật vậy, Phúc Âm của Yoan mô tả nó như là giờ Ðức Kitô được tôn vinh. Sự được tôn vinh này là do minh chứng cao thượng nhất của hai nhân đức mến yêu và vâng phục, lòng yêu mến hiến thân và vâng phục đến liều mạng sống. Ðó là cuộc chiến thắng của Ðức Kitô đối với tội lỗi.

 

CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT.

 

Tuy nhiên công trình cứu độ không phải chỉ giới hạn trong sự việc Ðức Kitô chịu chết để tẩy xóa tội lỗi, với lòng yêu mến và vâng phục cao đẹp nhất cũng còn một khía cạnh khác nữa. Những đặc điểm chính của vương quốc satan gồm có hai mặt : tội lỗi và sự chết. Ðức Kitô đã chiến thắng tội lỗi bằng sự hiến thân mình, Ngài lại chiến thắng sự chết bằng sự Phục Sinh của Ngài. Ngày thứ ba, Ngài sống lại đã bẻ gãy quyền lực của sự chết trên loài người. Cũng như Ađam đầu tiên đã kéo sự chết xuống trên con cháu của mình, Ađam thứ hai này sẽ bảo đảm sự sống tương lai cho tất cả những ai chấp nhận sự sống phát xuất từ thân thể được tôn vinh của Ngài.

 

"Vì chưng sự chết do bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng do bởi một người" (1Cr 15, 21) ; Vì Ngài đã hủy diệt sự chết, và đã chiếu sáng ra sự sống và sự bất hoại, nhờ Tin mừng" (2Tm 1, 10).

 

Khi suy niệm về sự phục sinh vinh hiển của Ðức Kitô, Phaolô đã có thể cười nhạo sự chết. Ðối với ông, nó không có gì là đáng kinh hãi. Ðức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô cũng có ngày sẽ phải chết, nhưng chẳng khác nào sự chết của Ðức Kitô, đó chỉ là một sự bước từ thế giới này sang thế giới hạnh phúc và hiển vinh khôn sánh. Vậy thì tại sao lại sợ sự chết ?Cái thảm kịch của nó đã bị bôi xóa đối với tất cả những ai muốn hưởng nhờ sự phục sinh của Ðức Kitô.

 

"Sự chết đã vùi trong toàn thắng ! Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu ? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu ?

Nọc của sự chết là tội, mãnh lực của tội là lề luật. Ðội ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban toàn thắng cho ta, nhờ Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô" (1Cr 15, 54 - 57).

 

Sự cứu độ chính là ở chỗ Ðức Kitô đã hiến thân chịu chết vì tội và Ngài đã Phục Sinh chiến thắng sự chết. Trong khi tẩy xoá tội lỗi và chiến thắng cái chết, Ðức Kitô đã làm cho vương quốc của Satan bị sụp đổ, và chính từ vương quốc đó mà chúng ta cần được cứu độ,. Bởi thế, khi nói đến công trình cứu độ, chúng ta nên nhớ đến hai khía cạnh của nó : Sự Ðức Kitô chịu chết và Phục Sinh. Phaolô nói rằng :

 

"Ngài đã bị phó nộp để chịu chết vì các lỗi lầm của ta, và đã sống lại vì để ta được giải án tuyên công" (Rm 4, 25).

 

Phaolô đã mô tả sự chiến thắng của Ðức Kitô trên Satan, bằng những từ ngữ khiến ta liên tưởng đến những hoàng đế Rôma chiến thắng khải hoàn, với những nạn nhân bị buộc dây xích kéo lê theo sau họ. Cũng thế, Satan đã bị xich lại rồi, đối với tất cả những ai thông phần với sự chết và sự sống lại của Ðức Kitô.

 

"Trên Thập Giá đó Ngài đã cởi bỏ tất cả những quyền lực của thế tục như người ta cởi bỏ y phục ; Ngài đã công nhiên bêu nhục chúng và dẫn chúng chúng đi như những tù nhân trong cuộc khải hoàn của Ngài" (Cl 2, 15).

 

Câu chuyện về cái chết và sự sống lại của Ðức Kitô phải nhắc chúng ta nhớ lại hình ảnh người tôi tớ của Isaya II (xem phần Is II).

 

"Bị tra tấn, Ngài đã chịu đựng, và không mở miệng ; như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, không hề mở miệng.

Chính vì kiếp lao đao mạng Ngài tôi tớ Ta sẽ giải án tuyên công nhiều, và chính Ngài sẽ vác lấy tội vạ của chúng .

Chính vì Ngài đã thí mạng mình không màng đến cái chết, và đã bị liệt hạng những kẻ ngỗ nghịch, là đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bàu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch" (Is 53, 7. 11 - 12).

 

Quả thật đây là một cách diễn tả rất đẹp giá trị đền tội do việc Ðức Kitô chịu chết và chiến thắng tội lỗi, đã được viết ra khoảng 500 năm trước khi sự kiện xảy đến. Bài hát đó của Isaya Ðệ Nhị cũng nói đến phần thưởng của người tôi tớ và việc Ngài hồi sinh. Như thế, nó liên kết chặt chẽ sự chết và sự sống lại như đã xảy ra thực sự nới Chúa Giêsu.

 

"Này, tôi tớ của Ta sẽ thành đạt, Ngài sẽ được bạt cử, nhắc cao và tuyệt vời tôn dương.

Nếu Ngài đã biến mình làm hy sinh tạ tội, Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường niên, và ý định Yavê nhờ Ngài sẽ nên trọn. Chính vì kiếp lao đao mạng Ngài, Ngài sẽ thấy sự sáng và no đầy giác ngộ ." (Is 52, 13 ; 53, 10 - 11).

 

Cái ý tưởng so sánh Ðức Kitô như là người tôi tớ chịu đau khổ đã thí mạng sống cho dân Ngài và đã Phục Sinh, là một điều sở hữu chung và rất được các Kitô hữu đầu tiên ca tụng. Phêrô đã ám chỉ Ðức Kitô như là người tôi tớ trong bài giảng của ông trong đền thờ, mà Công Vụ các Tông Ðồ có thuật lại ở Cv 3, 13. 26. tá viên Philip đã giảng tin mừng cho một viên chức của hoàng hậu xứ Êthiôpi bằng cách cắt nghĩa cho thấy rằng Ðức Kitô đã làm cho ứng nghiệm văn bản chúng ta vừa mới đọc nói về con cừu bị đưa đến lò sát sinh, và chiên mẹ ngậm câm trước những kẻ cắt lông nó. Phalô cũng quãng diễn như thế trong một khúc ca vãn của Kitô giáo lúc khởi thủy, nhấn mạnh đồng thời sự tủi nhục và sự tôn vinh liền sau đó của người tôi tớ, con người sầu khổ.

 

"Ngài đã hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta ; đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết Thập Giá.

Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, và ban cho Ngài danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, hầu trước danh hiệu của Ðức Giêsu mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy, chốn hoàng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi đều phải tuyên xưng : Giêsu Kitô là Chúa, mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha" (Phil 2, 7 - 11).

 

NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA CHIẾN THẮNG.

 

Khi lưu ý đến cái chết tự hiến của Ðức Kitô vì tội lỗi muôn dân, Phúc Âm Yoan không quên nói tới người phụ nữ đã sinh ra Ngài.

 

"Vậy Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : Hỡi Bà, này là con Bà. Ðoạn lại nói với môn đồ : Này là Mẹ con. Và từ giờ đó, môn đồ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình" (Yn 19, 26 - 17).

 

Xuyên qua nhiều thế kỷ, các độc giả đoạn này vẫn không khỏi ngạc nhiên trước từ ngữ dùng để gọi Ðức Mẹ "Hỡi Bà", dĩ nhiên đó không phải là một từ ngữ chỉ sự khinh rẻ. Nhưng một người con gọi mẹ mình như thế cũng là điều lạ. Trong văn chương Dothái cũng không thấy gì cho thấy rằng vào thời Ðức Kitô người con có thể gọi mẹ mình như thế. Trong câu chuyện biến đổi nước thành rượu tại Cana, chúng ta cũng gặp thấy cách xưng hô tương tự nơi miệng Chúa Giêsu : "Hỡi Bà", trong cả hai đoạn đều xưng hô với Ðức Maria như thế. Tại sao vậy ?

 

Cách giải đáp vấn đề này phát xuất từ mối quan tâm rõ rệt đặc biệt của Phúc Âm Yoan đối với sách Khởi Nguyên. Rõ rệt nhất là ở chương thứ nhất trong quyển Phúc Âm thứ tư này. Câu mở đầu "Lúc khởi nguyên" giống y hệt trong sách Khởi Nguyên. Ðiều này có ý nghĩa đặc biệt đối với độc giả Dothái, bởi vì đối với họ, nhan đề một cuốn sách bao giờ cũng được lấy theo những lời mở đầu, cũng giống như những chỉ dụ của Ðức Giáo Hoàng ngày nay. Khi nghe những lời mở đầu của Phúc Âm thánh Yoan, "Lúc khởi nguyên", độc giả Dothái chắc là nghĩ ngay đến quyển sách khác có nhan đề bằng câu mở đầu như thế, đó là sách "Khởi Nguyên". Sau khi mở đầu như sách Khởi Nguyên, Phúc Âm của Yoan tiếp tục nói đến sự tạo dựng và sự phân biệt giữa sự sáng và tối tăm, y như trong sách Khởi Nguyên. Còn nhiều điểm giống nhau khác nữa giữa sách Khởi Nguyên và Phúc Âm của Yoan, nhưng vài tỉ dụ trên đây cũng đủ để cho thấy rằng Yoan đặc biệt quan tâm đến quyển Thánh Kinh thứ nhất, và nhất là những chương đầu của nó. Chính vì mối quan tâm rõ rệt đó mà ta có thể đoán rằng có lẽ chữ "Bà" trong Phúc Âm của Yoan có liên quan phần nào với chữ "người đàn bà" trong Kn 3, 15. Trong đoạn này, như chúng ta đã chú thích trên đây (xem chương I, phần Sự Tội), Thiên Chúa nói về sự giao tranh trong tương lai giữa Satan và dòng dõi của nó với "người đàn bà" và dòng dõi của bà. Ngài cũng nói có lúc dòng giống của "Người đàn bà" sẽ bị thương nơi gót chân, còn satan thì sẽ bị thương nơi đầu. Khi đọc Phúc Âm của Yoan, chúng ta có thấy rõ ràng là Yoan luôn luôn nghĩ đến cuộc giao tranh ấy trong đầu óc và ông trình bày sự giao tranh giữa Ðức Kitô và Satan như thế là sự làm cho trọn vẹn tình thế chiến tranh đã nói trong sách Khởi Nguyên. Yoan đã trích dẫn lời hứa Ðức Kitô nói về kết quả như sau :

 

"Chính đây là giờ phán xét thế gian này. Chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài" (Yn 12, 31).

 

Ông cũng nói tới ảnh hưởng của Satan trong việc tìm cách làm cho Ðức Kitô bị đóng đinh.

 

Quỷ đã gieo vào lòng Yuđa Iscariốt, con của Simôn, cái ý định nộp Ngài" (Yn 13, 2).

 

Ông cũng mô tả dòng giống satan đã giúp nó trong cuộc giao tranh này với Ðức Kitô. Dòng giống đó bao gồm tất cả những người đứng về phía đối địch với Chúa Giêsu : Yuđa và những người Biệt Phái. Yuđa được gọi rõ ràng là "đồ quỷ".

 

"Vậy mà một trong các ngươi lại là quỷ sứ !". Ngài muốn nói về Yuđa, con của Simon Iscariôt. Vì y là kẻ sẽ nộp Ngài." (Yn 6, 70 - 71).

 

Ðối với những người Biệt Phái, Ngài cũng bảo rằng cha của họ là quỷ, bởi vì bản tính của họ là giả dối và sát nhân như quỷ.

 

"Các ngươi bởi cha tức là quỷ mà ra, và các ngươi muốn làm theo ước vọng của cha các ngươi, từ khởi thủy, nó đã là kẻ sát nhân, nó không đứng vững trong sự thật khi nó nói dối, là nó nói theo bản chất của nó, vì nó là đồ điêu ngoa, và là cha sự láo khoét" (Yn 8, 44).

 

Cuộc giao tranh giữa Chúa Giêsu, dòng giống của Người Ðàn Bà với Satan và dòng giống của nó đã lên đến cực điểm ở trên Núi Sọ, nơi đó Ðức Kitô đã bị thương tích và bị chết. Nhưng cái chết bề ngoài này là một cuộc chiến thắng vĩ đại đối với tội lỗi. Yoan đã ghi chú cho chúng ta những phe tham chiến trong lúc đó, mà sách Khởi Nguyên đã báo trước ở Kn 3, 15. một bên là Chúa Giêsu, dòng giống của Người Ðàn Bà, một bên là Satan và dòng giống của nó. Ngay cái vườn cũng được nhắc tới, bởi vì :

 

"Nơi Ngài bị đóng đinh, có một thửa vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa có người nào chôn vào" (Yn 19, 41).

 

Chúng ta có thể giải thích việc Chúa Giêsu sử dụng từ ngữ "Bà" trên bối cảnh này. Từ ngữ đó chắc là muốn cho thấy rằng Ðức Maria là Người Ðàn Bà trong cuộc giao tranh, như Thiên Chúa đã có ý định từ trước. Bà là Người Mẹ của đau thương, vì thế đồng thời cũng là Người Ðàn Bà của chiến thắng. Bà đứng gần Con Bà, dòng giống của Bà, ngay giữa lúc Ngài bị thương tích đầy mình, cũng chính là lúc mà Ngài chiến thắng. Bà chia sẻ với Ngài sự đau đớn sầu khổ, và cũng chia sẻ chiến thắng với Ngài nữa. Việc Ðức Maria chia sẻ sự chiến thắng của Ðức Kitô trên sự tội và sự chết chính là nền tảng thần học cho việc Giáo Hội, dưới sự thiên khải của Thánh Linh, đã tin rằng Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhờ (một sự chiến thắng hoàn toàn trên tội lỗi, nhờ Ðức Kitô) và Ngài đã lên trời cả hồn lẫn xác (Ngài đã chiến thắng sự chết, vì Ngài là đồng minh thân thiết nhất của Ðức Kitô).

 

MẸ CỦA LOÀI NGƯỜI, EVA MỚI.

 

Yoan lại còn nói cho chúng ta cái gì khác nữa, trong văn bản chúng ta vừa mới đọc. Ðó là việc giới thiệu Ðức Maria làm mẹ của môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu. Phúc Âm của Yoan là Phúc Âm của những dấu hiệu, nghĩa là ông tường thuật lại những sự việc hữu hình và phàm trần, tượng trưng cho cái gì tự như thế nhưng là những thực tại thiêng liêng quan trọng hơn nhiều. Chẳng hạn sự làm cho bánh hóa ra nhiều ở chương 6 là dấu hiệu chỉ phép Thánh Thể. Sự chữa lành người mù từ thuở lọt lòng mẹ ở chương 9 là dấu hiệu chỉ Ðức Giêsu là sự sáng của thế gian, và ánh sáng của Ngài được ban lần đầu tiên trong nước Phép Rửa. Sự cho Lazarô hồi sinh ở chương 11 là dấu hiệu chỉ Ðức Giêsu là sự sống của thế gian. Vậy sự giới thiệu Ðức Maria làm mẹ của môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu chắc cũng là một dấu hiệu nữa, dấu hiệu chỉ Ðức Maria là Mẹ thiêng liêng của tất cả các môn đệ Chúa Giêsu. Yoan đã được chọn làm đại diện bởi vì ông là môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt, là môn đệ đã tham dự mật thiết hơn cả vào đời sống của Ðức Giêsu bằng cách dựa đầu vào ngực Chúa, là người chia sẻ những nỗi đau khổ ở Núi Sọ, và có mặt lúc Thần Khí tuôn ra chan chứa (19, 34). Sự lựa chọn Yoan lúc này cho thấy Ðức Maria là Mẹ đầy yêu thương, tất cả những ai càng yêu mến Con của Mẹ thì lại càng trở nên con cái Mẹ. Huấn điều sâu sắc nhất trong dấu hiệu này của Yoan, là Ðức Maria đã trở nên Evà mới, thay thế cho người vợ mà Ađam đã đặt tên trước hết là "Eva bởi vì bà là mẹ các sinh linh hết thảy" (Kn 3, 20).

 

ÐỨC KITÔ ÐƯỢC TÔN VINH VÀ THÁNH LINH.

 

Sự trình bày đến đây cho thấy rằng Ðức Kitô đã lung lạc vương quốc của Satan qua cái chết tự hiến của Ngài để chuộc tội, và qua sự Phục Sinh của Ngài từ cõi chết. Còn một điểm quan trọng hơn cần nhấn mạnh, liên quan đến việc Ðức Kitô Phục Sinh, tự nó dĩ nhiên, nó là một sự chiến thắng vĩnh viễn trên sự chết. Ðồng thời nó cũng là khởi thủy của nguồn sống siêu nhiên. Ðức Kitô sống lại, nhưng không phải để sống một kiếp phàm nhân như trước kia, nhưng một kiếp sống mà nhân tính của Ngài là nơi hội tụ sinh động của Thánh Linh. Ðức Kitô sống lại trong thân xác vinh hiển của Ngài, và thân xác vinh hiển này sẽ là dụng cụ để Thánh Linh được đổ xuống cho tín hữu. Các sách Tân Ước đều làm nổi bật hình ảnh của Ðức Kitô sống lại và vinh hiển trong nhân tính của Ngài giờ đây đã được linh thiêng, và từ đó Thánh Linh luôn xuống dồi dào trên thế giới.

 

Phúc Âm của Yoan khẳng định rằng Thánh Linh chưa được ban xuống khi Ðức Kitô chưa được tôn vinh (Yn 7, 39). Giờ phút tôn vinh và giờ phút bắt đầu kỷ nguyên của Thánh Linh chính là lúc Chúa Yêsu chết. Khi cạnh sườn Ngài bị đâm, thì máu và nước tuôn ra. Theo Yoan, nước là tiêu biểu cho Thần Khí, và lúc đó Yoan thấy cách tượng trưng Thần Khí được tuôn tràn xuống cho nhân loại từ thân xác của Ðức Kitô. Sự quãng diển ý nghĩa tượng trưng này được căn cứ vào cách giải thích củaYoan trước đây :

 

"Vào ngày cuối cuộc lễ, một đại lễ, Ðức Giêsu đứng dậy mà hô lên rằng : Ai khát thì hãy đến với Ta, và hãy uống, kẻ tin vào Ta như Thánh Kinh đã nói, tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống.

Ðiều ấy Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, ví Thần Khí chưa có bởi Ðức Giêsu chưa được tôn vinh" (Yn 7, 37 - 39).

 

Một khi Ðức Kitô đã được tôn vinh bằng sự chết và sự Phục Sinh của Ngài, tức thì Ngài liền ban Thánh Thần ngay. Ngài đã làm như thế trước hết với các tông đồ trong buổi tối Phục Sinh.

 

"Vào lúc xế chiều ngày ấy, Ðức Giêsu đã đến đứng giữa họ. Một lần nữa, Ngài nói với họ "Bằng an cho các ngươi !". Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ : Hãy chịu lấy Thánh Thần ! Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha ; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ" (Yn 20, 19 - 23)

 

Trong Chúa Nhật Hiện Xuống, năm mươi ngày sau đó, Thánh Thần đã được tuôn tràn xuống trên các môn đệ và công khai hiển hiện nơi thế gian. Biến cố này đã thêm sức mạnh cho các Kitô hữu đầu tiên để họ làm chứng tá cho Ðức Kitô, và cũng đã thiết lập cuộc khánh thành triều đại hữu hình của Thánh Thần đồng thời cũng là khánh thành vương quốc của Thiên Chúa ở trần gian.

 

"Thân mình anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần ngự trong anh em, anh em đã chịu lấy tự Thiên Chúa" (1Cr 6, 19) ; "Anh em đã chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên : Abba, lạy Cha" (Rm 8, 15).

 

Muốn được tái sinh để làm con cái Thiên Chúa, cần phải có một nguồn sống mới. Thánh Thần sẽ cung cấp nguồn sống mới này bằng cách nâng con người lên tới một cuộc sống mới và cao hơn.

 

"Nếu sống bởi Thần Khí, thì ta cũng hãy hướng theo Thần Khí mà tiến bước" (Gal 5, 25) ; ".Anh em không theo xác thịt, mà là Thần Khí, nếu thực có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em" (Rm 8,9).

 

Cư ngụ trong chúng ta, thực hiện sự tái sinh thiêng liêng cho chúng ta, Thánh Thần cũng dìu dắt và hướng dẫn cách xử sự của chúng ta, bởi vì :

 

". Chúng ta, những kẻ không đi theo xác thịt, mà là Thần Khí" (Rm 8, 4).

 

Chúng ta cần được Thánh Thần hướng dẫn trong mọi sự, nhưng đặc biệt là trong lúc cầu nguyện.

 

". Thần Khí đỡ đầu tình cảm yếu hèn của ta. Vì cầu xin thế nào cho phải, ta nào có biết, song qua những tiếng rên không thành lời của chúng ta, Thánh Thần cầu bầu cho ta" (Rm 8, 26).

 

Bởi vì Thánh Thần hợp nhất ta với Ðức Kitô, thì cũng chính Thánh Thần hợp nhất ta với nhau trong Ðức Kitô. Ngài là nguồn hợp nhất của chúng ta.

 

". Hãy hăm hở duy trì sự hợp nhất của Thần Khí, trong dây liên kết hòa thuận" (Ep 4, 3 - 4) ; ".Trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được nhờ thanh tẩy mà nhập vào thân mình độc nhất dù là Dothái hay Hylạp, dù là nô lệ hay tự do ; và hết thảy ta đã được uống Thần Khí độc nhất" (1Cr 12, 13).

 

Sau hết, sự ban Thánh Thần cho chúng ta là bằng chứng bảo đảm của Thiên Chúa đối với chúng ta, làm cho chúng ta được nếm trước kiếp sống vinh hiển hơn đang đợi chờ mọi tín hữu ở bên kia thế giới.

 

". Chính Thiên Chúa cũng đã niêm ấn của Ngài trên chúng ta, và ban xuống bảo chứng Thần Khí nơi lòng chúng ta" (2Cr 1, 22).

 

Ðến đây, sự thảo luận về Thánh Thần, trong một phạm vi nào đó, đã bước vào chất liệu của chương kế tiếp, sẽ nói về sự thông phần của mỗi Kitô hữu vào sự cứu độ đã được Ðức Kitô hoàn tất. Tuy nhiên những điều trên đây giúp chúng ta làm nổi bật được sự kiện Ðức Kitô đã sống lại, đã được tôn vinh qua sự chết và sự Phục Sinh của Ngài, và Ngài là trung gian của Thánh Thần. Vì Ngài được tôn vinh không phải là để cho chính Ngài, song là cho chúng ta.

 

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/KINHTHAN/LichSuCuuDo/ChuongVI.htm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét