LỊCH SỬ CỨU ÐỘ
ĐGM. Giuse Võ Ðức
Minh
Viết từ tác phẩm
"Salvation History" của Neal M. Flanacan, ofm
Chương V
LƯU ÐÀY - HỒI HƯƠNG
DOTHÁI GIÁO - MACABÊ
SỰ PHỤC HƯNG THIÊNG
LIÊNG Ở BABEL
LƯU ÐÀY.
Với việc hủy diệt
thành Yêrusalem và việc đưa đi lưu đày một số rất đông dân chúng, sự chú ý của
chúng ta chuyển từ Yuđa sang đất lưu đày. Không rõ nơi cư trú đích xác của những
người bị lưu đày. Những người đầu tiên bị lưu đày một lược với vua Yoakin năm
598 thì phần lớn định cư gần thành Nippur. Có lẽ một số bị bắt đưa đi năm 587
cũng được lập cư tại nơi đó. Niềm hy vọng cứu độ tập trung về Babilon, bởi vì
Yêrêmia đã nói cách rõ ràng rằng số sót lại được Thiên Chúa tuyển chọn để kiến
tạo lại Dân Ngài sẽ là những người lưu đày chứ không phải những người Yuđa ở lại
Phalệtinh.
"Bấy giờ Yavê đến
với tôi rằng : Yavê Thiên Chúa của Israel phán thế này : Cũng như trên những
cây vả tốt ấy, Ta sẽ đoái nhìn và giáng phúc trên những kẻ lưu đày của Yuđa, những
kẻ Ta bắt phải bỏ chốn này đi đến xứ Kanđu. Mắt Ta sẽ dõi chúng để tác phúc và
đem chúng lại xứ này, Ta sẽ xây dựng mà không lật đổ, Ta sẽ vun trồng chúng lại
mà không nhổ. Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng để biết Ta là Yavê, và chúng sẽ
là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ hết lòng trở lại với
Ta. Nhưng như người ta xử làm sao với những trái vả xấu - quả Yavê phán thế này
- Ta cũng sẽ xử như vậy với Sêđêkia, vua Yuđa, và các vương công của nó, với số
sót của Yêrusalem còn ở lại trong xứ này và những kẻ lập cư ở Aicập (Yr. 24, 4
- 8).
Theo nhiều sự phỏng
đoán khác nhau thì khoảng hai mươi lăm đến năm mươi ngàn người Yuđa bị đưa đi
lưu đày. Giai đoạn đầu tiên trong chuyến này, phải đi độ bảy trăm dặm đến
Babilon, thật là một cuộc thử thách khốc liệt, nhất là đối với những người hào
phú chưa hề quen với công việc lao lực nặng nề. Chúng ta có thể hình dung sự
chán nản sâu xa của đám người sầu khổ đó. Họ đau khổ nhất là vì cuộc hành trình
lâu dài và vì cuộc sống thiếu thốn trong những trại tập trung. Nhưng điều thử
thách đau khổ nhất đối với họ là bị thử thách về đức tin. Yavê ở đâu khi thành
Yêrusalem bị hủy diệt, và giờ đây Ngài ở nơi nào ? Làm sao họ có thể đối đáp lại
với người Babilon khi họ phô trương rằng thần Marđuk của họ quyền phép hơn Yavê
? Và đánh giá làm sao được sự phồn vinh các thành thị của Babilon và sự sung
mãn trong xứ này nếu không giả thiết rằng có bàn tay phù trợ của vị thần địa
phương như Marđuk chẳng hạn ? Ðối với nhiều người bị lưu đày (và có lẽ tất cả họ
đều nghĩ như thế) thì lịch sử giao ước của họ với Yavê chỉ là ảo vọng.
Những hành động cứu
độ vẻ vang trong thời xuất hành dường như vô dụng. Có lẽ không bao giờ chúng đã
xảy ra. Giá trị gì nữa Ðền Thờ, Khám, hàng tư tế ?
Ðền Thờ đã bị bình địa,
Khám đã biến mất, hàng tư tế đã bị tê liệt vì không có lễ tế. Và ích gì đâu
vương quyền của vị vua thuộc dòng Ðavít mà Thiên Chúa đã phán hứa qua các tiên
tri ? Các vua đều là những người bất tài thất đức, là kẻ vi phạm tôn giáo Môsê
chứ không phải là những gương mẫu trung thành. Yoakhaz bị đưa đi lưu đày sang
Aicập. Yoakin và Sêđêqya thì bị làm nô lệ ở Babilon, hơn nữa Sêđêkqya đã trở
thành đui mù khốn khổ, không còn phân biệt được ngày đêm. Có lẽ nhiều người bị
lưu đày ở Babilon đã mất đức tin. Và quả thế nhiều người yếu đuối đã mất đức
tin thật.
Cảnh đau khổ của những
người lưu đày đã được mô tả cách linh động trong Thánh Vịnh 136.
"Trên bờ sông
Babilon,
chúng tôi ngồi đó,
chúng tôi khóc,
mà tưởng niệm Sion.
Trên rặng liễu đó
đây,
Chúng tôi treo lên
đàn cầm,
Ở đó họ réo với
chúng tôi,
Bọn cướp người đòi lời
ca vãn,
Lũ đô hộ, muốn một
khúc vui :
Hát ta nghe ca vãn
Sion nào !
Mà làm sao chúng tôi
hát được ca vãn Yavê
Nơi đất khách quê
người ?
Ta mà quên ngươi, hỡi
Yêrusalem,
Thì tay phải Ta cũng
hãy quên Ta !
Lưỡi Ta hãy tê đi
dính họng,
Ví thử Ta không nhớ
đến ngươi,
Ví thử Ta chẳng nâng
Yêrusalem
Lên tuyệt đỉnh niềm
vui trong đời !
Thế nhưng từ sự chết,
lầm than, thất vọng và sầu khổ này, Thiên Chúa đã rút ra được những điều hay. Sự
lưu đày là cần thiết để thanh tẩy dân của Thiên Chúa. Yuđa đã chìm sâu trong trụy
lạc, bái sùng ngẫu tượng và bất công. Tệ hơn nữa, sự chuộng hình thức khô khan
bên ngoài ăn rễ đã khá sâu nó, làm cho việc giữ đạo trở thành giả hình và phỉ
báng Thiên Chúa. Vậy cần nên chữa trị tận gốc, chứ không chỉ chữa trị ở trên mặt
mà thôi. Thiên Chúa là nhà giải phẩu làm cho đau đớn để mà chữa trị, và sự lưu
đày là con dao Ngài dùng để mổ xẻ. Tại Babilon Thiên Chúa bắt đầu công trình
canh tân, cải cách và phục hưng Dân Ngài.
Một mặt, việc tách rời
Ðền Thờ khỏi lễ tế đã loại bỏ được sự chuộng hình thức, thường liên quan tới
hai khía cạnh này của tôn giáo. Nó lại còn nhấn mạnh tới điều cốt yếu là con
người tự hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Người ta không còn lấy lễ tế để dâng thay
cho chính mình nữa, vì trong cảnh lưu đày, con người còn biết lấy gì dâng lên
ngoài chính mình ?
Mặt khác, giờ đây
người ta có thể nhận thấy Yavê là Thiên Chúa của đời sống luân lý, Ngài quan
tâm đến hành vi của con người. Một chân lý sâu xa mà người Israel thường không
biết, hoặc đã lãng quên đó là hành động của con người phải được đo lường theo
Thánh Ý của Thiên Chúa là Ðấng quyết định sự lành cũng như sự dữ. Trong những
năm trước khi Yêrusalem bị sụp đổ, rất nhiều người xứ Yuđa đã tự dối mình bằng
cách tin rằng Yavê không có, không thể và không nên can thiệp vào đời sống
riêng tư của họ. Trong những năm suy xét lại ở Babilon, họ bắt đầu nhận thấy sự
hoàn toàn giả dối của một quan niệm như thế. Những người bị lưu đày nhận thấy
rõ ràng biết bao, rằng điều con người làm vốn có liên can đến Thiên Chúa của
nhân loại, và điều dân của Thiên Chúa làm, vốn có liên can đặc biệt đến Ngài.
Càng ngày người ta càng thấy rõ sự nhờm tởm của tội lỗi dưới mắt Thiên Chúa. Và
người ta cũng nhận thấy rõ quyền lực kinh khủng của sự tội đã lan tràn trên khắp
cõi Israel.
Sự gia tăng đời sống
thánh thiện chân thật bên trong đi đôi với sự hâm mộ học hỏi. Không còn Ðền Thờ
và lễ tế nữa, dân chúng bắt đầu đặt tầm quan trọng nhiều hơn vào sự tìm hiểu và
thực thi Lời Chúa. Những sách kinh điển được thu thập lại, được in ra và phổ biến
cẩn thận. Những sách của các tiên tri cũng được sưu tập và có lẽ lần đầu tiên
được quý trọng. Một nhóm người anh tài mới, chuyên về giới luật đã chỗi dậy ra
công nghiên cứu giới luật Môsê gọi là Tôrah. Nhiệm vụ của họ là chép lại, in lại
và nhất là nghiên cứu và giải thích những văn bản cổ điển. Những người cầm đầu
họ là các tư tế. Bao nhiêu sức lực và thời giờ xưa kia đã phải bỏ ra cho các
nghi lễ ở Ðền Thờ của Salômon, giờ đây đã được tập trung vào việc nghiên cứu học
hỏi Lời của Thiên Chúa chứa đựng trong các sách kinh điển. Còn Ðền Thờ, không
thể dâng lễ tế, họ thay thế bằng sự nghiên cứu học hỏi và cầu nguyện.
Xét về phía loài người,
thì sự thanh tẩy thiêng liêng của Yuđa phải được coi là công lao của các vị
tiên tri trước kia, đặc biệt là Yêrêmia, những lời sấm của ông để cảnh cáo, hãy
còn văng vẳng bên tai những người lưu đày, và họ chắc chắn là đã nhận thấy những
lời cảnh cáo đó đúng đến mức độ nào. Ông cũng đã viết cho những người lưu đày một
bức thư yên ủi và khuyến khích (Yêrêmia chương 29). Ðoạn sau đây chắc là đã được
đọc đi đọc lại rất nhiều lần.
"Vì Yavê phán
thế này : vận 70 năm có mãn cho Babilon, Ta mới viếng thăm các ngươi, mà giữ ứng
nghiệm lời tốt lành của Ta với các ngươi để đem các ngươi về lại chốn này. Vì
chính Ta, Ta biết các mưu định Ta đã quyết về các ngươi - Sấm của Yavê - những
mưu định phúc thái chứ không phải họa tai để ban cho các ngươi được tương lai
và hy vọng. Các ngươi sẽ kêu lên Ta, các ngươi sẽ khấn nguyện với Ta và Ta sẽ
nhậm lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và sẽ gặp. Vì các ngươi sẽ dõi tìm
Ta hết lòng các ngươi. Ta sẽ để cho các ngươi gặp Ta - Sấm của Yavê - Ta sẽ đổi
vận các ngươi và sẽ thâu hợp các ngươi từ muôn dân, từ mọi nơi Ta đã xua các
ngươi đến - Sấm của Yavê - và sẽ đem các ngươi về lại chổ Ta đã bắt các ngươi
phải bỏ mà đi đầy" (Yr 29, 10 - 14).
Nhưng công nghiệp lớn
lao nhất trong sự trở lại của Yuđa là do các tiên tri đương thời, những người từng
chia sẻ những nổi thống khổ của những kẻ lưu đầy, và đem lại cho họ sứ điệp đầy
khuyến khích của Thiên Chúa, để dạy dỗ và an ủi. Hai vị tiên tri nổi bật nhất
trong số này là Êzêkiel và Isaya Ðệ Nhị.
ÊZÊKIEL (Ðọc các
chương 1, 1 - 3, 15 (Êzêkiel được kêu gọi) ; 3, 17 - 21 ; 14, 12 - 23 ; 13, 1
-32 ; 33, 1 - 21 (trách nhiệm cá nhân) ; 34, 1 - 16 (các mục tử) ; 36, 16 - 37,
14 (Israel hồi sinh).
Con người này thật lạ
thường, và những thị kiến của ông lại còn lạ thường hơn nữa. Ông là một trong số
những người bị đưa đi lưu đày đầu tiên. Ông bị dẫn sang Babilon năm 598 trước
TCGS, khi vua Yoakin bị lưu đày. Những lời tiên tri của ông gồm cả hai phần,
trước khi lưu đày (từ năm 593, năm thứ năm kể từ khi Yoakin bị bắt giữ) và sau
khi lưu đầy trong năm thứ năm theo lời tường thuật của chính vị tiên tri này,
"Lời của Yavê đã đến với Êzêkiel, con của Buzi tư tế trong xứ Kanđu, bên
sông Kơbar. Và ở đó tay Yavê đã xuống trên tôi" (Ez 1, 3).
Sứ mệnh của Êzêkiel
là giữ cho dân khỏi bị hoàn toàn mất hết tinh thần. Mãi từ trước cho đến khi
Yêrusalem bị sụp đổ năm 587, ông đã chuẩn bị những đồng bào bị lưu đày của ông
để họ chịu đựng sự chấn động mà cái thảm kịch kia chắc chắn sẽ gây nên. Ông
đánh tan mọi sự hy vọng hư ảo, mọi dư luận về một cuộc thay đổi chính trị, đã tạo
nên những lời đồn thổi rằng thành thánh sẽ được giải thoát và cứu vớt. Êzêkiel
đã lên tiếng nói rõ không phải như vậy đâu. Yêrusalem phải sụp đổ và sẽ sụp đổ
: tội lỗi của nó đã kéo bàn tay trừng trị của Thiên Chúa xuống. Tuy vậy sau khi
lưu đày, lúc mà dân chúng mỗi ngày một thêm thất vọng vì thấy hàng trăm người bị
lần lượt bắt đưa đi, thì nhiệm vụ của Êzêkiel lúc bấy giờ là nâng đỡ tinh thần
của những người bị lưu đày. Sứ điệp của ông có thể thu về ba điểm chính :
Trước hết ông nhấn mạnh,
Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa không phải chỉ bị ràng buộc ở Yuđa, ở
Yêrusalem hay ở trong Ðền Thờ. Ngài cũng không phải là một vị thần địa phương
nào đó với cánh tay uy quyền và bảo trợ quá ngắn, không thể vượt xa hơn những
thành thị và thôn xóm Babilon. Thiên Chúa của Yuđa đã hiện diện khắp nơi, chính
chân lý này đã được nhấn mạnh trong thị kiến đầu tiên của Êzêkiel. Theo như ông
thấy, xa giá của Yavê có những bánh xe "được đóng như thể là bánh này ở giữa
bánh kia. Trong khi đi, chúng kéo theo bốn phía của chúng ; trong khi đi, chúng
không quay qua quay lại . Thần Khí định đi đâu thì chúng đi đó" (Ez 1, 16
- 17. 20).
Một chân lý rất cần
thiết thứ hai, đó là trách nhiệm cá nhân của con người đối với tội lỗi và nhân
đức, Yêrêmia đã nói về điều này rồi (Yr 31, 29), nhưng Êzêkiel càng nhấn mạnh
nó trong một phạm vi rộng lớn hơn nữa. Trong khi những thế hệ xưa kia đã cấu kết
thành đoàn thể xã hội và do đó có trách nhiệm cộng đồng đối với tội lỗi, thì
Êzêkiel nhấn mạnh một mặt khác cũng không kém xác đáng. Mỗi người sẽ phải chịu
trách nhiệm đối với chính mình. Nếu ai ăn ở đạo đức người ấy sẽ được thưởng ;
ai làm điều ác người ấy sẽ bị phạt. Ai bỏ đàng tội lỗi mà trở lại, thì Thiên
Chúa sẽ đón tiếp. Ai bỏ đường nhân đức để đi theo đường tội ác, thì sẽ mất phần
thưởng của những việc lành trước kia và sẽ bị trừng phạt.
Không nên phóng đại
tầm quan trọng của chân lý này. Bởi vì họ phải trách nhiệm về những tội lỗi của
thế hệ trước, thì còn hy vọng gì nữa ? Phải chăng họ chỉ còn có cách chịu đựng
đau khổ một cách tuyệt vọng ? Nhưng mặt khác, nếu mỗi người chỉ chịu trách nhiệm
về những hành vi của mình mà thôi, thì tương lai sẽ được khác hẳn với quá khứ
và hiện tại. Một đời sống đạo đức sẽ làm cho mỗi người được đẹp lòng Thiên
Chúa, và nếu nhiều cá nhân được đẹp lòng Thiên Chúa, thì chắc chắn toàn thể dân
chúng sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới tươi đẹp hơn.
"Cho nên Ta xét
xử các ngươi mỗi người theo đường lối của nó, hỡi nhà Israel - sấm của Ðức Yavê
- Hãy trở lại, hãy hồi đầu bỏ mọi điều nguy nghịch của các ngươi khiến các
ngươi không còn dịp tội. Hãy quăng khỏi các ngươi mọi điều ngụy nghịch đã phạm
đến Ta. Hãy tạo cho mình một tấm lòng mới, một Thần Khí mới ! Tại sao các ngươi
lại muốn chết, hỡi nhà Israel ? Quả thế, Ta không vui gì với cái chết của kẻ phải
chết -sấm của Ðức Yavê- Hãy hồi đầu và ngươi sẽ sống" (Ez. 18, 30 - 32).
Một điểm thứ ba và
đúng là có thần hứng, là lời Êzêkien hứa sẽ có một cuộc xuất hành mới (lần này
ra khỏi Babilon), sẽ có cuộc hồi hương về đất Yuđa, sẽ có cuộc phục hưng đời sống
tôn giáo và quốc gia của Dân Thiên Chúa. Ở chương 34, Thiên Chúa phán về sự lập
giao ước mới với Dân Ngài, về sự Ngài sẽ lại trở thành Thiên Chúa của chúng một
cách hữu hiệu đang khi chúng sẽ lại trở thành đoàn quân biết vâng phục Ngài.
Ngài cũng nói về tôi tớ Ðavít của Ngài sẽ làm vua cai trị chúng. Ðiểm này giống
như lời hứa của Nathan, nhưng ở đây Ðavít được giới thiệu, không phải như một vị
vua chiến thắng hiển vinh, nhưng như một mục tử. Ðiểm nhấn mạnh đã thay đổi, chắc
chắn đó là một bước rất may mắn trong việc Thiên Chúa chuẩn bị Israel để đón tiếp
một vị con vua Ðavít, Người sẽ là một mục tử hơn là một vị vua chuyên chế.
"Trên chúng, Ta
sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng. Ngài sẽ là mục tử
của chúng. Ta, Yavê, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Và Ðavít tôi tớ của Ta sẽ
là minh chủ ở giữa chúng . Và chúng sẽ biết : Ta, Yavê, Thiên Chúa của chúng,
Ta ở với chúng, và chúng, nhà Israel, là dân của Ta - sấm của Ðức Yave -"
(Ez. 34, 23 - 24, 30).
Chương 36 hé mở một
cách toát lược những phúc lành Thiên Chúa hứa ban cho Dân Ngài đang bị lưu đày.
Thiên Chúa sẽ lập lại giao ước, lần này Ngài thanh tẩy những kẻ theo Ngài, làm
cho họ có một tấm lòng và một Thần Khí mới. Ý tưởng quan trọng này rất giống ý
tưởng của Yêrêmia và rất ăn khớp ngay cả với Tân Ước.
"Ta sẽ kéo các
ngươi ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp các ngươi từ mọi xứ. Ta sẽ đem các ngươi
về lại thửa đất của các ngươi. Và trên các ngươi, Ta sẽ rảy nước trong sạch. Ta
sẽ làm cho các ngươi sạch mọi uế nhơ và mọi thần dơ dáy của các ngươi. Ta sẽ
ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban cho một Thần
Khí mới, Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt mình các nguơi. Ta sẽ ban cho các
ngươi tấm lòng thịt. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống Thần Khí của Ta, Ta sẽ
làm cho các ngươi đi theo luật điều của Ta. Và các ngươi sẽ giữ các phán quyết
của Ta và sẽ thi hành. Các ngươi sẽ lập cư trên đất Ta đã ban cho cha ông các
ngươi. Các ngươi sẽ là Dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các
ngươi" (Ez 36, 24 - 28).
Ở chương 37, người
ta gặp thấy Êzêkien khẳng định cách cảm động nhất về đề tài "Cuộc xuất
hành mới", đó là thị kiến nổi danh về những khúc xương khô được hồi sinh.
Dụ ngôn trong đó rất là rõ ràng : Yuđa trong cảnh lưu đày chẳng khác nào một
cánh đồng đầy xương khô. Nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho chúng được hồi sinh, bằng
cách chắp nối xương này với xương kia, làm cho chúng đầy tủy và thịt, đoạn thổi
sinh khí vào cho chúng.
Chắc chắn là thính
giả của Êzêkien rất hồi hộp ; và niềm hy vọng chẳng khác gì một đóm lửa giờ đây
được cháy bừng lên nhờ những lời của Thiên Chúa phán qua miệng tiên tri.
"Con người hỡi,
các xương ấy tức là nhà Israel tất cả, này chúng nói : xương chúng tôi đã khô.
Hy vọng tiêu ma. Chúng tôi đã bị chặt phăng mất ! Cho nên ngươi hãy tuyên sấm
và nói với chúng : Ðức Yavê phán thế này, Ngày Ta sẽ mở cửa mồ cho các ngươi !
Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi mồ, hỡi Dân Ta ! Ta sẽ dẫn các ngươi về lại thửa đất
của Israel. Và các ngươi sẽ biết Ta là Yavê, khi Ta mở cửa mồ cho các ngươi và
đem các ngươi lên khỏi mồ, hỡi Dân Ta ! Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong
các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ cho các ngươi an cư nơi thửa đất của
các ngươi. Và các ngươi sẽ biết chính Ta, Yavê, Ta đã nói và sẽ thi hành -sấm của
Yavê-" (Ez. 37, 11 - 14).
Việc rao giảng của
Êzêkien là một thành công, tiếng nói của ông là tiếng nói của dân chúng trong
những ngày đen tối khi họ gần như mất hết hy vọng. Ông có thể được mệnh danh là
Yuse của cuộc lưu đày ở Babilon. Bởi vì trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ông
là người bị dẫn lưu đày trước những đồng bào của ông, để ông bảo toàn số sót của
Yuđa trong niềm tin cậy. Ông sẽ không còn sống để thấy cuộc xuất hành khỏi
Babilon, cũng như Yuse đã không được chứng kiến cuộc hồi hương từ dất Aicập.
Tuy nhiên công trình của mỗi vị rất là cần thiết cho cả hai cuộc hồi hương.
ISAYA ÐỆ NHỊ (Ðọc
các chương 40, 1- 20 (giải thoát) ; 42, 1 - 7 ; 49, 1 - 6 ; 50, 4 - 9 ; 52, 13
- 5, 12 (bài ca về người tôi tớ) ; 42, 10 - 43, 21 (cuộc xuất hành mới ; 49, 8
-50, 3 (Sion được phục hưng).
"Isaya Ðệ Nhị"
có nghĩa là một vị tiên tri vô danh nào đó, tác giả những chương cuối cùng (từ
chương 40 đến chương 66) của quyển sách Isaya hiện đang lưu hành, hoặc ít nhất
cũng là tác giả những chương từ 40 - 55. Ông đã viết trong thời kỳ lưu đày, khoảng
550 trước TCGS và cùng với Êzêkiel là một trong hai trụ cột vững chắc để nâng đỡ
nước Yuđa bị nghiêng ngửa trong những năm yếu đuối. Tác phẩm của ông được gọi
là "sách yên ủi", thật là một nhan đề thích hợp, vì chứa đựng những lời
tuyệt hảo cho tương lai của Yuđa và của các dân nước. Vị tiên tri này cũng noi
theo bước của Êzêkiel, ra công giúp đỡ cho niềm hy vọng của dân chúng luôn luôn
được nâng cao. Một đoạn ngắn chứng minh điều này rất rõ rệt là chương 54, 4 -
8. Ðó là một đoạn rất lý thú vì nó phối hợp đề tài xuất hành với một đề tài
trong sách Hôsê, đó là Yuđa được coi như người bạn trăm năm của Thiên Chúa. Vì
yêu thương người bạn trăm năm của mình bị bỏ rơi, Thiên Chúa sẽ đem những người
lưu đày trở về quê nhà.
"Vì ngươi cũng
như thân gái bỏ rơi,
lòng dạ bời bời khi
Người gọi ngươi.
Nhưng nào ai nỡ rẫy
từ người vợ cưới lúc thanh xuân, Yavê Thiên Chúa của ngươi đã phán.
Ta sẽ bỏ ngươi trong
chốc lát, nhưng Ta sẽ thâu họp ngươi lại bởi lòng thương xót bao la.
Nghĩa nộ như lụt
dâng trào,
Ta đã ngoãnh mặt khỏi
ngươi một chốc,
Nhưng Ta lại đoái
thương ngươi bởi tình nhân nghĩa muôn đời -
Yavê Ðấng chuộc
ngươi đã phán".
Những công trình
chính mà Isaya Ðệ Nhị đã đóng góp vào lịch sử cứu độ được gặp thấy trong bốn
"Bài ca Người Tôi Tớ". Những bài ca này trong Is 42, 1 - 7 ; 49, 1 -
6 ; 50, 4 - 9 và 52, 13 - 53, 12 liên kết Dothái giáo với Kitô giáo, mà Kitô
giáo sẽ là sự sung mãn và sự hoàn hảo của Dothái giáo. Hai bài ca thứ nhất nới
rộng phạm vi ơn cứu độ bằng cách giới thiệu Israel như là "Ánh sáng cho
các dân nước", là dụng cụ để chuyển ơn cứu độ sang các dân ngoại. Các vị
tiên tri trước kia cũng đã trình bày chân lý này, nhưng không rõ rệt như Isaya
Ðệ Nhị. Có lẽ vì được sống bình yên giữa những người Babilon ngoại giáo, cho
nên vị thiên tài thần hứng này đã nhận thấy rõ giá trị căn bản của tất cả mọi
người. Ðược tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, mọi người phải được ăn khớp bằng
cách nào đó vào chương trình cứu độ.
"Này Lời của
Thiên Chúa, Ðức Yavê,
Ðấng đã tạo, đã căng
màn trời,
Ðấng dàn ra cõi đất
cùng thổ sản.
Ta đã nắn ra ngươi
và đặt ngươi làm giao ước của dân, làm ánh sáng của nước" (Is 42, 5 - 8).
"Người đã phán
với tôi: Ngươi là tôi tớ của Ta, Israel, hỡi ngươi, Ta muốn được rạng vinh.
Quá ít, việc ngươi
làm tôi tớ của Ta,
Ðể phục hưng các chi
tộc Yacob,
Ðể đem về lại chồi lộc
cho Israel.
Nên Ta sẽ đặt ngươi
làm ánh sáng các dân tộc,
Ðể ơn cứu độ của Ta
thấu mút cùng trái đất" (Is 49, 3 - 6).
Bài ca thứ ba : 50,
4 - 9 nói về sự thù nghịch và sự bách hại nhằm vào Người Tôi Tớ này của Yavê.
Ngài bị đánh vào lưng, bị bứt râu, bị nhổ vào mặt. Hình ảnh này chuẩn bị cho
chúng ta một bài học thần hứng, có chừng mực, ở bài ca thứ tư, trình bày linh động
về chân lý sâu xa của sự chịu đau khổ để đền tội (52, 13 - 53, 12). Người Tôi Tớ
trước đây là biểu tượng của Israel, bây giờ thể hiện nơi một người. Con người
này, mặc dù chính mình là vô tội, cũng phải gánh lấy tội lỗi của loài người. Vì
loài người mà Người thí mạng sống và chữa bàu cho nhiều người bằng cách hành động
như thế, để họ đáng được tha thứ các tội lỗi. Rồi Ngài lấy lại mạng sống và sống
một cách hiển vinh. Trong tâm trí của người Kitô hữu, thì bản văn này, được viết
hơn 500 năm trước khi Ðức Kitô đến, thật chẳng khác gì một lời giảng giải của
các tông đồ về ý nghĩa sự chết và sự phục sinh của Ðức Kitô. Và chắc chắn đó
cũng là điều Thiên Chúa cố ý nói lên trong đoạn này. Chính Ðức Kitô và Israel mới,
chính Ngài là Israel sẽ trở thành ánh sáng cho các dân nước và sự cứu độ cho
các dân ngoại. Ngài đem lại ơn cứu độ cho nhiều người bằng cách thí mạng sống
mình để đền tội cho tất cả.
"Này, Tôi Tớ của
Ta sẽ thành đạt, Ngài sẽ được bạt cử, nhắc cao và tuyệt vời tôn dương .
Trái lại, chính các
bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang ;
chính các đau khổ của
chúng tôi, Ngài đã vác.
Còn chúng tôi, chúng
tôi lại kể Ngài như kẻ bị trời đánh,
Bị Thiên Chúa trừng
phạt và đày đọa.
Nhưng Ngài đã bị đâm
vì những sự ngỗ nghịch của chúng tôi và vì tội và của chúng tôi,
Ngài đã bị nghiền
tán,
Ðã giáng xuống Ngài
hình phạt
Ðổi lấy an bình cho
chúng tôi,
Và nhờ những vết hằn
Ngài chịu, chúng tôi có phương được lành.
Chúng tôi hết thảy
đã xiêu lạc
Như chiên cừu mỗi
người quay mỗi ngả,
Nhưng Yavê lại để
Ngài phải lụy vì tội vạ hết thảy chúng tôi.
Bị tra tấn, Ngài đã
chịu đựng và không mở miệng,
Như cừu bị dẫn đến
lò sát sinh,
Như chiên mẹ ngậm
câm không hề mở miệng.
Bị bắt giam và lên
án, Ngài đã bị đem đi.
Nào ai màng nghĩ đến
vận mạng của Ngài ?
Ngài đã bị chặt
phăng khỏi đất người sống,
Chính vì sự ngỗ nghịch
của Dân Ngài,
Ngài đã bị sát phạt.
Huyệt Ngài, người ta
đặt giữa bọn ác ôn,
Và nấm mộ Ngài nơi
dân trọc phú,
Dẫu rằng Ngài không
làm điều hung ác,
Và gian dối không ở
nơi miệng Ngài.
Vì Ngài đã hiến mình
làm hy sinh tạ tội,
Nên Ngài sẽ được thấy
dòng giống sẽ thọ trường niên
Và ý định của Yavê
nhờ Ngài mà nên trọn.
Chính vì kiếp lao
đao mạng Ngài,
Ngài sẽ thấy sự sáng
và no đầy giác ngộ.
Người công chính,
Tôi Tớ Ta sẽ giải án
tuyên công nhiều người,
Và chính Ngài sẽ vác
lấy tội vạ của chúng.
Cho nên,
Ta sẽ ban nhiều người
làm phần của Ngài,
Ngài sẽ phân chia vô
số chiến quả,
Chính vì Ngài đã thí
mạng
Không màng cái chết,
Và đã bị liệt hàng
những kẻ ngỗ nghịch,
Là đã mang lấy tội lỗi
nhiều người,
Và đứng ra bầu chữa
cho những kẻ ngỗ nghịch" "Is 52, 13 ; 53, 4 - 12).
Thật vậy, Thiên Chúa
thường vẽ những đường thẳng với những đường cong. Sự hủy diệt Yêrusalem và Ðền
Thờ, sự mất Khám, sự lưu đày của dân Yuđa - những biến cố này trông có vẻ tai
ác hoàn toàn đối với những kẻ lưu đày đã từng trải qua. Tuy nhiên, trong thời
gian ngắn ngủi ở Babilon, sự thánh thiện bên trong, trái nghịch với sự chỉ chuộng
hình thức bên ngoài, đã hồi sinh, và sống cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết giữa Dân
Thiên Chúa, Êzêkiel và Isaya Ðệ Nhị đã đóng góp nhiều vào việc làm cho những
xương khô của Israel chỗi dậy mặc lấy sự sống mới.
HỒI HƯƠNG - DO THÁI
GIÁO.
EZRA (Ðọc chương 1
(sắc chỉ của Kyrô) ; chương 3 (Tái thiết Ðền Thờ) ; các chương 5 - 6 (Ðến Thờ
thứ nhì) và chương 7 (Ezra đi về Yêrusalem).
NÊHÊMIA (Ðọc các
chương 1 - 6 (Nêhêmia và các tường thành) và các chương 8 - 9 (Nghi lễ trọng thể).
"Các đế quốc
thăng trầm như sóng cả, tan biến và không còn thấy nữa". Ðế quốc Assyri
cũng tan biến như thế. Nó là một đế quốc hùng cường kinh khủng ở miền đông, nó
đã chiếm trị vương quốc miến bắc Israel. Ðã đến giờ, đế quốc Babilon từng là một
cừu địch khủng khiếp dưới thời Nabukôđônosor cũng phải gặp một số phận như thế.
Ông vua này chết năm 560 trước TCGS, và chừng 20 năm sau, Babilon bị sụp đổ trước
thế lực phối hợp của quân Batư và Mêđê, Kyrô đại đế. Vua Batư và Mêđê, người
sáng lập đế quốc Mêđê hùng cường, đã vào Babilon năm 539. Chỉ một năm sau, ông
hạ chỉ cho phép những người lưu đày được hồi hương. Quả thật ông là một vua đại
lượng, biết tôn trọng những phong tục và những thần của các nước ông đã chinh
phục, Isaya Ðệ Nhị nói đến Kyrô một cách kính cẩn đặc biệt, gọi ông như là mục
tử của Thiên Chúa (44, 28) và là kẻ được xức dầu của Thiên Chúa (45, 1).
Năm 537 trước TCGS,
một năm sau khi sắc chỉ hồi hương được ký, người Dothái bắt đầu trở về lại
Yuđa, nhưng không phải tất cả đều trở lại. Nhiều người đã có nhà cửa đầy đủ tiện
nghi tại Babilon và đã làm ăn phát đạt, nhất định ở lại đó hơn là liều lỉnh đón
nhận cuộc sống gian truân của kẻ hồi hương. Mặc dù thế, những người này cũng bỏ
ra nhiều tiền của để giúp các kẻ hồi hương. Nhóm Dothái đầu tiên lên đường hồi
hương dưới sự lãnh đạo của thượng tế Yôsua, và của hai người hoàng tộc còn sống
sót là Sassabasar (có lẽ là con trai của vua Yoakin) và Zôrôbabel. Hai ông này
là những người đầu tiên lên cai trị nước Yuđa được phục hồi. Không một người
nào trong hai người thuộc hoàng tộc này sẽ được làm vua. Họ là những viên chức
được vua Batư bổ nhiệm và hoàn toàn thuộc quyền vua Batư.
Hồi hương chẳng bao
lâu thì Dothái bắt đầu nghi ngờ không biết hành động như thế có phải là khôn
ngoan chăng. Họ phải bước vào một đống ngổn ngang khó nhọc. Trước hết là vấn đề
nhà cửa. Nhà cửa cần phải được xây cất, được tái thiết hoặc mua lại. Nhiều người
can đảm dựng lều lên để ở. Phải tranh giành lại những miếng đất thuộc tài sản của
cha ông để lại, mà những người Dothái và những người ngoại kiều đã chiếm đoạt
nhân lúc vắng chủ. Ða số những người Dothái từ Babilon trở về đều hãy còn trẻ ;
do đó, họ là những người trước kia chưa bao giờ thấy Yuđa. Họ bị vỡ mộng trước
cái cảnh trái ngược giữa những thành phố phồn thịnh ở Babilon họ vừa rời bỏ, và
những cảnh điêu tàn ở Yuđa. Các vấn đề khó khăn của đời sống được thấy rõ ràng
ngay lập tức. Yuđa, quê hương họ hằng ước mong chỉ là một xứ nghèo nàn, điêu
tàn, nhỏ bé, vỏn vẹn chỉ độ 20 dặm chiều dài và 25 dặm chiều ngang. Nghèo nàn,
tàn phá sau boa nhiêu năm trời !
Một trong những việc
phải làm trước hết là phải tái thiết Ðền Thờ ngay trên chỗ cũ ở Yêrusalem. Một
Ðền Thờ mới được đề nghị và bắt đầu chuẩn bị khởi công. Chẳng bao lâu sự hăng
say dần tan biến hết. 17 năm sau khi những người lưu đày hồi hương, Ðền Thờ vẫn
chưa có, nhưng chính vào năm đó, 520 trước TCGS, hai vị tiên tri, Haggai và
Zacarya (Ðọc Haggai các chương 1 - 2 ; Zacarya các chương 1 - 8) đã thành công
trong việc làm cho dân chúng lấy lại niềm phấn khởi đã mất.
"Bấy giờ
Zơrubabel, con của Shơaltiel và Yôsua, con của Yôxađaq, đại tư tế và tất cả số
sót của dân đã vâng nghe tiếng của Yavê, Thiên Chúa của họ, và lời lẽ của tiên
tri Haggai, bởi Yavê Thiên Chúa đã phái ông đến với họ.
Yavê thức tỉnh khí
phách Zơrubabel, con của Shơaltiel, khâm sai xứ Yuđa, khí phách của Yôsua, con
của Yôxađaq, đại tư tế và khí phách của tất cả số sót của dân. Vậy họ đã đến
tra tay vào việc trong nhà của Yavê các cơ binh" (theo bản tiếng Anh thì :
Haggai 2, 12 - 14 ; theo Lm. Thuấn thì Haggai 1, 12 - 14).
Năm năm sau đó, Ðền
Thờ đã hoàn thành. Nó được xây cất theo họa đồ Ðền Thờ của Salômon và có lẽ
cũng y một kích thước. Lễ tế lại bắt đầu như ở thời kỳ trước lưu đày, các tư tế
và lêvít đảm nhận trách nhiệm phụng vụ của họ và Ðền Thờ thứ hai (cũng gọi là đền
thờ của Zơrubabel) đã trở nên trung tâm đời sống của người Dothái. Không có
Khám Giao Ước, nhưng Thiên Chúa chắc chắn vẫn công nhận Ðền Thờ này như là Nhà
của Ngài ở trần thế, và những lễ tế ở đó sẽ làm cho Ngài vui mắt bao lâu chúng
còn là những dấu hiệu thực sự biểu lộ lòng thành kính bên trong.
Từ năm 515 (năm đền
thờ của Zơrubabel được hoàn thành) đến năm 445 trước TCGS, ít có tin tức gì
đáng kể về Yuđa. Người ta biết rằng những người Samari ở phía bắc, là những người
do sự trộn lẫn giữa người Israel và những người ngoại kiều đã lập cư ở miền bắc
sau khi Israel bị huỷ diệt năm 722 trước TCGS, đã lên tiếng khiếu nại với
Xerxes là vua Batư lúc bấy giờ, về việc xây lại tường thành Yêrusalem. Và họ đã
thắng cuộc, tường thành không được xây lại.
Tuy vậy năm 445, có
một người tên là Nêhêmia đến Yêrusalem. Ông vốn là một người Dothái, đã được
lên địa vị cao trọng trong giới chính trị ở Batư, và ông đã làm quan chước tửu
của vua Artaxerxes. Ông đã có sẵn dự định rõ rệt trong óc và ông đã xin được
phép vua Batư. Dự định của ông là xây lại tường thành Yêrusalem, và ông đã thực
hiện trong một thời gian kỷ lục. Trong vòng không đầy hai tháng sau khi ông đến,
các tường thành đã được xây dựng xong. Sự hoàn thành nhanh chóng đó lại càng
đáng khâm phục khi chúng ta đọc thấy rằng những người thợ của Nêhêmia đồng thời
cũng phải làm chiến sĩ sẵn sàng bảo vệ thành và công cuộc xây cất tường thành
chống lại những cuộc tấn công bất ngờ của người Samari và người Ammon. Họ đã
làm việc cách rất nhanh chóng, một tay khuân gạch, một tay cầm gươm.
Nêhêmia có mặt ở
Yêrusalem một thời gian thì Azra vị tư tế ký lục, cũng đến đó. Ông này cũng
đóng góp vào sự phục hồi Yuđa về mặt thiêng liêng. Ðiều này được mô tả rõ ràng
trong sách Nêhêmia chương 8 và 9. Chương 8 thuật lại việc Ezra tập họp, những
người Yuđa gần Cổng Nước, về phía đông nam Ðền Thờ. Một cách chầm chậm và rõ
ràng, ông đã đọc cho họ nghe về bản luật Môsê cũng gọi là bộ Ngũ Kinh, tức là
năm quyển đầu của Thánh Kinh. Khi đọc ông thường dừng lại ở nhiều đoạn, để các
Lêvít đủ thì giờ giải thích cho dân chúng ý nghĩa những đoạn đã nghe. Trong suốt
thời gian nghe đọc và nghe giải thích như thế, dân chúng thường hô lớn
"Amen" để tuyên thệ ý muốn tuân giữ luật Thiên Chúa như thể là luật của
quốc gia. Chương 9 mô tả một cuộc cuộc họp long trọng khác xảy ra sau đó chỉ
vài tuần. Trong dịp này, Ezra hướng dẫn dân chúng cử hành lễ nghi nhắc lại lời
giao ước cách trọng thể. Ông kể lại việc Thiên Chúa đã dựng nên thế giới, đã
kêu gọi Abraham làm Tổ Phụ Dân Ngài, đã cứu Israel khỏi làm nô lệ ở Aicập, và
đã làm cho nó trở thành một gia đình tôn giáo của Ngài trên núi Sinai, đã dẫn
đưa nó vào Phalệtinh, và ở đó Ngài đã ban cho nó miền đất đã hứa nhiều thế kỷ
trước với Abraham. Ezra cũng nói đến sự Israel thất tín thường xuyên với Thiên
Chúa, đã phạm tội nhiều trong sa mạc cũng như ở Phalệtinh. Cuối cùng, những
thính giả của Ezra đều công khai thú tội và khẳng định lại ý muốn của họ tự
nguyện bước vào giao ước mới với Thiên Chúa.
Những cảnh được mô tả
trong hai chương này có ý nghiã thật sâu xa đối với Yuđa thời kỳ sau lưu đày và
làm khuôn khổ cho Dothái giáo. Tôn giáo này tồn tại mãi cho đến khi cả Ðền Thờ
lẫn quốc gia đều bị người Rôma hủy diệt năm 70 sau TCGS. Linh mục Lagrange đã
giải thích sự kiện này như sau :
"Dothái giáo là
một nhà nước được thiết lập bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chủng tộc và tôn
giáo, giữa pháp luật đạo và đời để trở thành một pháp luật mà thôi, dưới một
quyền bính nằm trong tay vị thượng tế".
Ðó là hình thức nhà
nước Dothái thời kỳ sau lưu đày. Trong đó vua được thay thế bằng vị thượng tế
được xức dầu như các vua thời kỳ trước lưu đày. Luật pháp của nhà vua được thay
thế bằng giới luật của Môsê ; sự quan trọng của Khám được thay thế bằng sự quan
trọng của Sách Thánh chứa đựng Lời của Thiên Chúa. Sự hoạt động cao thượng nhất
là nghiên cứu giới luật. Do đó, chính trong thời kỳ này, một mặt có những tư tế
chỗi dậy gây ảnh hưởng và được địa vị, mặt khác các ký lục cũng đua nhau nổi
lên. Sự thờ phượng và giới luật, các tư tế và các ký lục. Ðền Thờ đã khôi phục
lại địa vị cao quý linh thiêng của nó thì các giảng đường, nơi mà giới luật được
giảng dạy, cũng được thiên hạ kính trọng không kém. Thật ra, Yuđa cũng có một vị
cai trị nước, về phương diện chính trị, được nhà cầm quyền Batư bổ nhiệm, nhưng
người lãnh đạo thật sự là vị thượng tế. Trải qua nhiều năm, càng lâu ông càng
trở thành con người được tôn trọng nhất. Y phục của ông đã trở nên giống như y
phục các vua dòng dõi Ðavít ngày xưa, và chính ông cũng trở thành vị thủ lãnh
quốc gia và là người đại diện quốc gia trước mặt Thiên Chúa.
Một vị tiên tri cuối
cùng trong những năm đầu tiên của Dothái giáo là một vi vô danh mà chúng ta mệnh
danh là Malaki (Ðọc Malaki các chương 1 - 3). Malaki có nghĩa là "Thần sứ
của Ta" và do câu mở đầu chương 3 mà ra : "Này Ta sai Thần Sứ của Ta,
kẻ sẽ vén đường bạt lối trước nhan Ta" (Ma 3, 1). Ông gần như đồng thời với
Nêhêmia và Ezra, ông vạch cho chúng ta thấy rõ bên trong sự vô luân của thời
đó. Những sự bất công xã hội lại nổi lên vấn đề làm nguy hại cho sức khoẻ
thiêng liêng của Dân Chúa, cơn bệnh khác là sự ly dị mà Thiên Chúa rất ghét (Ma
2, 16). Ngài cũng ghét sự phục dịch thiếu hứng thú của các tư tế và những lễ tế
tầm thường của dân chúng.
Malaki rất quan trọng
trong lịch sử cứu độ chính nhờ ở hai đề tài độc đáo của ông. Trước nhất, ông
nói về hai người tiền hô của Chúa, tức là sứ giả của Thiên Chúa được phái để đi
trước Chúa vào Ðền Thờ. Sau đó ông đồng hóa sứ giả này với Êlya, người sẽ xuất
hiện trước ngày của Yavê.
"Này Ta sai Thần
Sứ của Ta, kẻ vén đường bạt lối trước Nhan Ta. Và thình lình Ta sẽ đến nơi Ðền
Thờ của Người, vị chúa tể mà các ngươi đòi hỏi." (3, 1).
"Này Ta sẽ sai
đến cho các ngươi tiên tri Êlia trước khi ngày của Yavê đến, ngày lớn lao và
đáng sợ. Nó sẽ quay lòng cha ông về với con cháu và lòng con cháu về với cha
ông, kẻo Ta đến mà đánh phạt xứ bằng án hiến phù tru di" (3, 23 - 24).
Ðộc giả Kitô hữu sẽ
biết rằng chính Yoan Tẩy Giả là kẻ làm cho ứng nghiệm lời tiên tri này, theo ý
nghĩa thiêng liêng nói về vị tiền hô trong tương lai. Trong Tân Ước, khuôn mặt
của ông được vẻ nổi bật trên bối cảnh của Êlia. Yoan Tayẩ Giả cũng ăn mặc giống
như Êlia và ông thi hành phận sự chẳng khác nào Êlia, đã sống với cả quyền phép
và tinh thần.
Ðiểm đóng góp đặc biệt
thứ hai của Malaki, có lẽ được nhiều người biết hơn. Nó ăn khớp với văn bản tổng
quát của lời hứa thứ ba với Abraham : Phúc lành sẽ được ban cho các dân các nước
nhờ gia đình của vị Tổ Phụ này. Các tiên tri trước kia cũng đã khai triển điểm
này bằng cách nới rộng phạm vi ơn cứu độ đến các dân ngoại (Một vài văn bản đã
được trích dẫn rồi. Chẳng hạn : Mica 4, 1 - 2 và Isaya 2, 2 - 3. cũng nên xem lại
ánh sáng các nước các dân, đề tài của Isaya Ðệ Nhị đã được mô tả ở phần trước).
Malaki giải thích thấu đáo hơn. Trái với những thú vật đui mù, bệnh tật, tồi
tàn, thường được dùng làm hiến vật thời đó, cá dân ngoại sẽ có ngày dâng lên
Thiên Chúa một hy lễ thường xuyên đẹp lòng Ngài. Một hy lễ thường xuyên, một hy
lễ phổ bác, một hy lễ được gặp thấy từ đông sang tây, từ phía mặt trời mọc đến
phía mặt trời lặn ! Và thật vậy, khi Giao Ước Mới cuối cùng được bảo chứng,
Giao Ước đó sẽ sát nhập các dân ngoại vào Thân Thể Ðức Kitô như là con cháu
thiêng liêng của Abraham ; Giao Ước đó được thiết lập bằng máu của một hy lễ
thiêng liêng mới, hằng ngày được dâng lên khắp cùng mặt đất.
"Ai trong các
ngươi đóng cửa lại, để các ngươi đừng nhen lửa tế đàn của Ta một cách vô lối ?
Nơi các ngươi Ta không chút nào vui thỏa, Yavê các cơ binh đã phán. Và lễ lạc tự
tay các ngươi, Ta không chiếu nhận. Phải, từ phương mặt trời mọc đến phương mặt
trời lặn. Danh Ta lớn thật nơi các quốc gia và khắp mọi nơi, hy sinh được huân
yên dâng tiến Danh Ta làm một với lễ vật tinh sạch. Quả thế, Danh Ta lớn thật
nơi các quốc gia. Yavê các cơ binh đã phán" (Ma 1, 10 - 11).
NGƯỜI HYLẠP VÀ NGƯỜI
LAMÃ.
Thánh Kinh không nói
gì về lịch sử dân Dothái từ thời kỳ Ezra và Nêhêmia cho đến khi anh em Macabê nổi
dậy năm 166 - 165 trước TCGS. Tuy nhiên khoảng thời gian độ 250 năm này, là một
thời kỳ hoạt động chính trị rất náo nhiệt ở các nước chung quanh Yuđa. Ðó là thời
kỳ đế quốc Batư suy yếu và bị sụp đổ trước lực lượng hùng cường của Hylạp.
Năm 336 trước TCGS,
Alexanđrô đại đế, con của Philíp Macêđôn, lên kế vị cha của ông đã bị ám sát. Vị
vua trẻ tuổi này mới hai mươi, là môn đệ của Aristôt bất hủ, và thấm nhuần lối
triết lý của cuộc sống hằng trăm năm trước thời đại của ông. Lý thuyết của ông
là "Tất cả mọi người phải trở thành một dân mà thôi". Ông là người đầu
tiên của thế giới đại đồng này và được giao phó trọng trách đạt cho kỳ được mục
tiêu này, ngay cả bằng vũ lực. Trong thời gian làm vua ngắn ngủi của ông, độ 13
năm (336 - 324 trước TCGS), ông đã gần như đạt được mục đích.
Năm 334 ông vượt
Hellespont với ba mươi lăm ngàn quân, và năm sau ông đã đánh bại quân Batư dưới
quyền Ðariô. Nhằm mục đích tấn công tỉnh Aicập giàu có của đế quốc Batư, ông
đem quân vào Yêrusalem ở phía nam và sau đó sẽ xuống Aicập. Ở đó ông được dân
chúng hoan nghênh như là vị giải phóng. Trong những năm 332 - 331, ông đã xây cất
thành Alexanđria rất đồ sộ nguy nga, thành chẳng bao lâu đã trở nên một trung
tâm vân hóa của thế giới. Cuộc chiến thắng Ðariô một lần nữa, năm 331 đã đẩy đế
quốc Batư vào chỗ cáo chung không có gì là vẻ vang. Alexanđrô và đoàn quân của
ông lại tiếp tục tiến về phía đông. Năm 326 ông giao chiến với một vua Ấnđộ
ngay tại biên giới của nước này. Lúc đó đoàn quân của ông không chịu đi xa hơn
nữa. Họ đã đi được khoảng 11 ngàn dặm trong thời gian tám năm rưỡi. Năm 324 trước
TCGS (có người nói năm 323), ông chết ở Babilon sau một cơn bệnh ngắn ngủi chỉ
mới ngoài ba mươi tuổi.
Một điều trông có vẻ
thật là trái ngược, cái mộng thế giới đại đồng của Alezanđrô đã tình cờ được thực
hiện một cách thành công bằng sức mạnh của lời cầu nguyện và Thánh Linh chứ
không phải bằng gươm giáo và chiến bào. Trong 50 năm đầu tiên, sau khi Ðức Kitô
chịu chết, Kitô giáo đã lan tràn khắp các miền Alexanđrô đã chinh phục. Trong
Kitô giáo không còn phân biệt Dothái với dân ngoại, người nô lệ với người tự
do, nhưng tất cả đều trở nên một trong Ðức Kitô. Trên bình diện tự nhiên, sự
lan tràn nhanh chóng của Giáo Hội Ðức Kitô là do một phần đáng kể ở công trình
của Alexanđrô, những cuộc chinh phục của ông đã làm cho tiếng Hylạp được phổ biến
trong khắp thế giới văn minh lúc bấy giờ. Nhờ ngôn ngữ này và sự phổ quát của
nó mà những diễn giả đầu tiên của Ðức Kitô, đặc biệt là thánh Phaolô, đã có thể
loan báo một cách hữu hiệu Tin Mừng của sự cứu độ thế giới.
Khi Alexanđrô chết,
đế quốc của ông bị các tướng lãnh phân chia. Cassanđra thì được Macêđôni,
Lysimacô được Thracê, Plôtêmê được Aicập và Sôlôcô được Babilon. Chỉ có hai ông
sau này là quan trọng đối với lịch sử của chúng ta. Tướng Plôtêmê và những kẻ kế
vị ông (dòng họ Plôtêmê) đã dựng nên một nước Aicập theo văn minh Hylạp. Chẳng
bao lâu sau khi Alexanđrô chết, Phalệtinh bị tranh giành đất đai, nhưng dòng họ
Plôtêmê đã thắng lợi năm 301 trước TCGS và nắm quyền kiểm soát Phalệtinh mãi
cho đến năm 198 trước TCGS. Theo những tài liệu hiếm có hiện có, thì Phalệtinh
được cai trị theo một pháp luật rất hiền hòa. Dòng họ Plôtêmê và người Dothái sống
thân thiện với nhau. Chúng ta biết rằng trong suốt thời kỳ này, người Dothái
chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số ở Alezanđria và họ được nhiều đặc ân. Chính
trong thành phố này, một bản dịch Cựu Ước (quen gọi là bản Bảy Mươi) từ tiếng
Hippri sang tiếng Hylạp, đã được bắt đầu năm 250 trước TCGS. Công cuộc dịch thuật
này kéo dài gần 200 năm và bản Bảy Mươi đã nhanh chóng trở thành Thánh Kinh của
người Kitô hữu trong những ngày đầu của Giáo Hội.
Chính ách hiền hòa của
Plôtêmê áp dụng cho Phalệtinh đã chấm dứt đột ngột năm 198 trước TCGS, khi
Antiokiô III, thuộc dòng dõi Sêlêucit đã đánh bại đạo quân Aicập. Nhờ đó ông
này nắm quyền kiểm soát cả miền nam Syri lẫn Phalệtinh. Con trai của ông là
Antokiô IV, một con người đê tiện, đã lên nối ngôi năm 175 trước TCGS. Ông này
không hề có chút liêm sĩ, ông tự mệnh danh là "Thêô Êpiphanê" -
"Thiên Chúa hiện thân". Nước Yuđa nhỏ bé như một hòn đảo đối kháng tí
hon chống lại nền văn hóa Hylạp đang lan tràn ở chung quanh nó đã làm cho
Antiôkiô giận dữ. Ông nhất định Hylạp hóa người Dothái, hủy diệt Dothái giáo và
giới luật Môsê. Lễ tế bị cấm đoán, sự cắt bì cũng vậy. Dân chúng bị bắt phải ăn
thịt heo. Năm 169, Ðền Thờ bị trộm cắp, tường thành Yêrusalem bị phá hủy và nhiều
công dân bị giết hại. Hai năm sau, một sự phạm thượng tột mức đã xảy ra. Bàn thờ
của vị thần Hylạp : Zeus (vị thần Roma : Jupiter ; vị thần Syri : Baal) đã được
đặt lên trên bàn thờ hy lễ của người Dothái ở trong Ðền Thờ, và chính Ðền Thờ
cũng bị hóa thành nơi phụng thờ thần Hylạp. Ðó là tội phá hoại, một sự phá hoại
đáng nhờm tởm, được nói tới trong sách Ðaniel. 8, 3. Tôn giáo Môsê chưa bao giờ
bị tấn công kịch liệt và trực tiếp như thế. Tất cả những điều này làm cho chúng
ta dễ hiểu tại sao chủ nghĩa rất lý tưởng của một thế giới đại đồng mà các tiên
tri đã rao giảng bị xếp lại, và được thay thế bằng chủ nghĩa bài tha đầy vẻ
hung hăng. Bởi vì chủ nghĩa bài tha này được coi như là cần thiết để giữ lấy sự
sống còn cho Yuđa và cho tôn giáo của nó. Yuđa quay về với chính mình, tăng cường
tự vệ và củng cố những tường lũy tôn giáo của mình.
Quyển sách huyền diệu
của tiên tri Ðaniel phải được đọc trên bối cảnh của sự bách hại và đối kháng
này. Sách ấy được soạn khoảng năm 165 trước TCGS, có lẽ giữa thời kỳ bị bách hại.
Về phương diện lịch sử cứu độ, nó chứa đựng một đề tài rất quan trọng :
"Con người" (chương 7). Ðáng lưu ý nhất là những câu sau đây :
"Tôi mãi nhìn
các thị kiến ban đêm, thì này : với mây trời, như thể một Con Người đi đến.
Ngài tiến lại Ðấng cao niên, và người ta cho Ngài xích lại trước Nhan Người.
Ngài được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân các nước,
các tiếng nói phải làm tôi Người. Quyền bính của Người sẽ không bị hủy"
(13 - 14).
"Nhưng chư
thánh của Ðấng Tối Cao sẽ lãnh lấy nước. Họ sẽ chiếm hữu nước ấy mãi, cứ mãi và
luôn mãi" (câu 18).
"Nước với quyền
bính và sự lớn lao của mọi nước khắp dưới bầu trời sẽ được ban cho chư thánh của
Ðấng Tối Cao. Nước của Người, nước bền mãi, và mọi quyền bính sẽ làm tôi và
vâng phục Người" (câu 27).
Ngay cả lúc tình cờ
đọc qua những câu này, chúng ta cũng không khỏi nhớ lại lời tiên tri Nathan nói
về vương quốc vĩnh cửu và phổ bác sẽ được ban cho vị vua dòng dõi Ðavít, và
xuyên qua ông, ban cho cả Dân Thiên Chúa. Trong thị kiến của Ðaniel, vua và dân
chúng được phối hợp lại thành một hình ảnh mà thôi, bởi vì vua là đại diện của
dân chúng, và dân chúng chỉ có được vương quốc là nhờ bản thân của vua. Cùng một
lúc đó, tước hiệu "con người" được dùng để chỉ sự phối hợp "vua
- dân" này, nó nhấn mạnh nhân tính của vị vua được tuyển chọn của Thiên
Chúa. Như thế, Ðaniel đã tìm cách đúc kết thành một chữ những đặc điểm thiên
sai của vị vua dòng dõi Ðavít và Người Tôi Tớ của Yavê, một mặt làm nổi bật sự
cao sang, mặt khác nhấn mạnh sự thấp hèn của nhân loại. Chính Chúa Giêsu cũng
đã dừng lại tước hiệu "Con Người" này để chỉ về mình ; đó là một tước
hiệu ý nghĩa thật phong phú và rất huyền diệu khi mới nghe lần đầu. Làm như thế,
Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là một vị vua dòng dõi Ðavít, đại diện cho những
người thánh của Ðấng Tối Cao, đến để thiết lập một vương quốc vĩnh cửu và phổ
bác bằng những sự đau khổ của nhân tính mình..
Năm 166 - 165 trước
TCGS, một năm sau khi Ðền Thờ bị Antôkiô xúc phạm, một cuộc dấy loạn công khai
đã bùng nổ trong dân Dothái. Người lãnh đạo là Mattathya, một tư tế thuộc hàng
con cái Yôyarib, một hàng tư tế không tiếng tăm gì. Chương 2 sách Macabê I mô tả
lúc bắt đầu cuộc dấy loạn này, được Mattathya tập trung chung quanh thành Môđin
cách Yêrusalem chừng 25 dặm về phía tây bắc. Các con trai của Mattathya đều trở
thành tướng lãnh. Người con trai thứ ba của ông tên là Yuđa, là vị tướng lãnh
ngay từ lúc khởi đầu. Ông này còn được gọi là "Macabê", nghĩa là
"cái búa", và danh hiệu này được chúng ta dùng để chỉ gia đình những
nhà ái quốc tôn giáo này. Triều đại họ lập nên cũng còn gọi là
"Hasmônê", có lẽ theo tên một vị tổ tiên nào đó tên là Hasmon.
Những câu chuyện về
chiến công của anh em Macabê được gặp thấy trong hai quyển sách nhan đề Macabê.
Ðó là những câu chuyện chiến tranh rất lý thú và rất linh động chẳng kém gì những
câu chuyện thời nay (đọc Macabê các chương 1 - 16). Gần như là đã sống lại thời
kỳ các thẩm phán của Israel xưa kia (những vị lãnh đạo quân sự trong những ngày
trước khi có vua). Cuộc nổi dậy đã thành công ngay tức khắc. Tháng 12 năm 165
trước TCGS, Yuđa chiếm được Ðền Thờ, tổ chức lễ Hannukah, cũng gọi là lễ Ánh
Sáng, để nhắc lại ngày tẩy uế và dâng hiến Ðền Thờ một cách trọng thể.
Tuy nhiên sự dấy loạn
của dòng họ Macabê không phải là một sự thành công hoàn toàn về phương diện tôn
giáo. Chẳng bao lâu những người kế vị Yuđa đã tỏ ra quá thế tục, quá chính trị,
chẳng khác nào các vương công trong thế giới Hylạp chung quanh nước Yuđa. Không
đầy 60 năm sau cái chết của Yuđa Macabê năm 161, người kế vị thứ tư của ông,
Aristôbôlô I (104 - 103) tự xưng là vua. Tệ hơn nữa, dòng họ Hasmôn tự xưng
mình là thượng tế, vì thế đã làm mất lòng nhiều vị tư tế đã được chính thức thiết
lập ở Yêrusalem.
Sự phản kháng mạnh mẽ
nhất, chống lại sự phản bội của dòng họ Hasmôn đối với giới luật và tinh thần của
Dothái giáo, phát xuất từ những người Dothái khắc khe, họ tự mệnh danh là
"Hasidim" - nghĩa là kẻ đạo đức. Từ ngữ này không phải được dùng để
chỉ một giáo phái rõ rệt nào cả, nhưng đúng hơn là để chỉ những người Dothái đạo
đức nhất thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhiều người trong số những người Hasidim
này vẫn ở lại Yêrusalem, để mắt theo dõi phê phán những hành động của dòng họ
Hasmôn. Những người Biệt Phái phát xuất từ nhóm Hasidim đó ; những người
Hasidim khác, gồm cả tư tế và thường dân, hoàn toàn phủ nhận quyền lãnh đạo tôn
giáo và chính trị của triều đại Macabê, và họ rút lui vào sa mạc để sống một cuộc
sống thiêng liêng hơn, một số người trong nhóm này đã tạo thành cộng đoàn
Qumram nổi tiếng ngày nay ở phía tây bắc Biển Chết. Chính các phần tử của cộng
đoàn này, trước sức tấn công của quân đội Rôma năm 68 (sau TCGS), đã dấu những
thủ bản Cựu Ước và những tác phẩm của đoàn thể họ vào những ghềnh đá gần đó. Và
những tài liệu này đã nằm mãi cho đến năm 1947, khi một cậu bé mục tử Ảrập đã
tình cờ khám phá được chúng và đưa chúng ra trước học giả và ký giả thế giới.
Những tài liệu vô giá này quen được gọi là những cuộn giấy ở Biển Chết.
Người thứ năm lên kế
vị Yuđa là Alexanđrô Yannê (103 - 70 trước TCGS), là một nhân vật quan trọng cuối
cùng của dòng họ Hasmôn. Vợ ông tên là Alexanđra nối tiếp ông để cai trị độ
chín năm. Sau khi bà chết năm 67 trước TCGS, ngai vua và quyền thượng tế bị
tranh giành giữa hai người con trai của bà : Hyrcanô và Aristôbôlô.
Chính vào lúc ấy, đế
quốc Rôma bước lên sâu khấu. Thế lực quốc tế của nó đã phát triển nhanh chóng
trong những thế kỷ trước đây. Carthagô đã bị chinh phục năm 202 trước TCGS,
Philíp thứ 5 xứ Macêđôn đã đầu hàng năm 197, và Antiôkiô thứ 3 đầu hàng năm
191, miền Cận Ðông bị bỏ ngõ.
Năm 67 trước TCGS,
khi hai người thuộc dòng họ Hasmôn tranh nhau quyền kế vị, người Rôma được mời
đến để giảng hòa. Pompê lúc bấy giờ đang lên tuyệt đỉnh vinh quang trong sự
nghiệp chính trị và quân sự đóng quân ngoài thành Yêrusalem. Ông được Hyrcanô rất
hoan nghinh. Nhưng Aristôbôlô và những người Sađđucê, bên kia là Hyrcanô và những
người Biệt Phái phối hợp với Rôma và (một điềm cho thấy đại họa sắp xảy ra)
quân lực Iđumê của một người tên là Antipater. Sự chênh lệch quá rõ ràng ! Năm
63 trước TCGS, lực lượng của Pompê tiến vào Yêrusalem và vào khu vực Ðền Thờ.
Chính Pompê cũng vào nơi Cực Thánh. Nhưng ngạc nhiên biết bao ! Ông thấy trống
rỗng !
Quân lực Rôma rời khỏi
Yêrusalem, nhưng họ bắt nó phải làm chư hầu của họ. Hyrcanô được đặt làm thượng
tế, nhưng không phải là vua. Antipater, một người bán-Dothái (người Iđumê đã bị
một nhà lãnh đạo Hasmôn bắt buộc theo Dothái giáo và chịu cắt bì, độ 75 năm trước
đó), đã chiếm một địa vị rất thế lực. Dưới triều đại Yuliô Xêza (kẻ đã chiến thắng
Pompê), Antipater được cử làm tổng trấn của xứ Dothái, thuộc quyền Rôma, con của
ông là Hêrôđê đại đế, lên làm vua xứ này từ năm 37 đến năm 4 trước TCGS. Ông cất
chức thượng tế Antigônô Mattathya, người cuối cùng thuộc dòng họ Hasmôn. Và từ
đó, chức vụ tư tế tùy thuộc vào chính quyền dân sự.
Ðộ vài năm trước khi
Hêrôđê chết. Yêsu người thành Nagiarét, con của Maria đã ra đời. Với Ngài, lịch
sử chuẩn bị cứu độ của dân Dothái được chấm dứt, và bắt đầu lịch sử hoàn tất ơn
cứu độ của Ðức Kitô.
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/KINHTHAN/LichSuCuuDo/ChuongV.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét