Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Giấc mộng nối đất với trời

 

Giấc mộng nối đất với trời

Thiên Thần truyền tin cho ông Giu-se trong giấc mộng (Mt 1,18-25).


Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 


Trong gia phả Chúa Giê-su, tên Giu-se được nhắc đến vào phần cuối và Giu-se đóng vai trò là người cha của Giê-su dựa trên pháp lý chứ không qua “cây cầu sinh vật”, nghĩa là Chúa Giê-su được sinh ra do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 

Tiếp nối với gia phả của Chúa Giê-su, thánh Mát-thêu thuật lại biến cố truyền tin của Thiên Thần Gáp-ri-en cho thánh Giu-se. Trước khi tìm hiểu và suy niệm về biến cố rất thú vị này, chúng ta đọc lại đoạn Tin Mừng: 18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:

 

‘Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’. 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (Mt 1,18-25).

 

Đoạn Tin Mừng có thể được chia thành ba phần khác nhau. Phần mở đầu và bối cảnh của câu truyện (câu 18-19). Phần thứ hai kể về việc sứ thần Chúa gặp gỡ thánh Giu-se cùng giao sứ mạng và trách nhiệm cho ngài (câu 20-21). Sau đó là lời giải thích của sứ thần về biến cố Giáng Sinh (câu 22-23). Cuối cùng là việc thánh Giu-se đón nhận và thi hành sứ mạng Chúa trao (câu 24-25). Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu phần đầu tiên.

 

“Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se”. Sau khi Mát-thêu nói về gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô (câu 1-17), ngài kể tiếp về “gốc tích” của Chúa. Thánh sử vẫn giữ kiểu nói “Giê-su Ki-tô”. Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra rằng, qua cụm từ trên, Mát-thêu đưa người đọc vào trung tâm điểm của trình thuật. Đó là chính Chúa Giê-su Ki-tô. Xoay quanh Chúa Giê-su Ki-tô có những nhân vật khác. Trước hết là hình ảnh của Mẹ Maria, tiếp đến là hình ảnh của thánh Giu-se, mà Mẹ Maria đã thành hôn.

Theo học giả Thánh Kinh Ravasi, “trong Tin Mừng Mát-thêu, thánh Giu-se là một nhân vật được nêu bật lên. Ngài xuất hiện như một con người hành động trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho ngài, dù cho Đức Maria là một người Mẹ tuyệt hảo. Tên Giu-se có ý nghĩa là ‘Thiên Chúa bổ túc vào’ và cũng có ý nghĩa khác ‘Thiên Chúa muốn tập họp lại’.

Tên Giu-se cũng là tên của một nhân vật lớn trong sách Sáng Thế: Đó là ông Giu-se bị bán sang Ai Cập. Ngoài ra, trong Tân Ước cũng nhắc đến một số nhân vật khác mang tên Giu-se, như Giu-se thành A-ri-ma-thê, người âm thầm và kín đáo đến gần bên Chúa Giê-su và cuối cùng đã nhường ngôi mộ mới của ông để mai táng Chúa Giê-su (x.Mt 27,57-61)… Trong các chương đầu của Tin Mừng Mát-thêu, thánh Giu-se xuất hiện trong một hoàn cảnh khá căng thẳng và tế nhị”.[1] Để hiểu được hoàn cảnh tế nhị này, chúng ta đọc tiếp câu truyện.

“Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”.

Như thế, câu truyện có một tình tiết: Giu-se và Maria đã thành hôn, nhưng chưa về sống chung với nhau, và Maria lại có thai. Để hiểu được ý nghĩa của tình tiết này, chúng ta đọc lời giải thích của cha Vũ Phan Long: “Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giu-se, nhưng chưa về sống trong nhà Giu-se. Theo luật lệ Do Thái, với lễ đính hôn, hai người nam nữ đã được coi là vợ chồng rồi. Vì thế, Giu-se được gọi là chồng của Maria (x.Mt 1,16.19), còn Maria thì được gọi là vợ của Giu-se (x.Mt 1,20.24). Chỉ một năm hay một năm rưỡi sau lễ đính hôn, vị hôn thê mới được đưa về nhà vị hôn phu và bắt đầu cuộc sống vợ chồng thực thụ”.[2]

 

“Trong thời gian sau lễ đính hôn cho đến lễ thành hôn, nếu người phụ nữ mang thai bởi một người đàn ông khác, thì theo luật của Thánh Kinh người phụ nữ này sẽ nhận được một án phạt nặng nề. Theo sách Đệ Nhị Luật, người phụ nữ này sẽ bị ném đá, vì đã làm đổ vỡ cuộc hôn nhân (x.Đnl 22,20-21)… Như thế việc đính hôn không phải là việc bề ngoài, mà việc đính hôn có giá trị và không thể tháo cởi được”.[3]

 

Tiếp tục câu truyện, việc Maria mang thai có đưa lại một nghi vấn gì cho Giu-se hay không và Giu-se phản ứng như thế nào? Qua trình thuật chúng ta thấy, thánh Mát-thêu muốn nói rõ rằng, thánh Giu-se không phải là cha Chúa Giê-su và ngài cũng không biết cái thai đến từ sự hoạt động Chúa Thánh Thần.

 

Vì thế, thánh Giu-se muốn bỏ bà cách kín đáo. Dự định của thánh Giu-se đã nói lên được tấm lòng tốt lành của một người công chính. Ngài không muốn làm ầm ĩ lên. Khi biết đứa con trong bụng Maria không phải của ngài, thì ngài chấp nhận và không muốn tố giác Maria. Một dự định rút lui tràn đầy lòng thương xót giữa người và người. Lòng thương xót đã được “nẩy mầm” ngay trong tư tưởng để hướng tới hành động toả ngát “hương thơm thương xót”. Lòng thương xót của một con người công chính.

 

Ratzinger suy tư về sự công chính của thánh Giu-se như sau: “Việc ghi nhận thánh Giu-se là người công chính (zaddik) vượt trên quyết định vào lúc này: ghi nhận đem lại một hình ảnh tổng hợp về thánh Giu-se và đưa ngài vào chuỗi những gương mặt vĩ đại của Cựu Ước, bắt đầu từ Áp-ra-ham, người công chính. Nếu như người ta có thể nói hình thức đạo đức trong Tân Ước có thể tóm kết vào từ ngữ ‘tín hữu’, thì toàn bộ cuộc sống dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước cũng được tóm kết trong ý niệm ‘người công chính’.

 

Thánh vịnh 1 đưa ra hình ảnh cổ điển về một người công chính. Chúng ta có thể nhìn đây là hình ảnh tinh thần của thánh Giu-se. Theo thánh vịnh này, người công chính là người tiếp xúc sống động với Lời của Thiên Chúa, ‘vui thú với lề luật Chúa’ (câu 2). Người ấy giống như một cây được trồng bên dòng nước, cứ bốn mùa hoa trái trổ sinh. Dòng nước, nhờ đó mà cây sống, đương nhiên ám chỉ đến lời sống động của Thiên Chúa, gốc rễ sự hiện hữu của người ấy sẽ cắm sâu vào lời này. Ý muốn của Thiên Chúa đối với người ấy không phải là Lề Luật được giảng dạy bên ngoài, nhưng là ‘niềm vui’. Lề luật trở thành Tin Mừng cho người ấy, vì người ấy đọc lời trong việc hướng tâm hồn yêu mến của mình về Thiên Chúa, hiểu được và sống lời này tự nội tâm của mình…

 

Sau cuộc khám phá của thánh Giu-se, giờ đây phải chú giải áp dụng Lề Luật một cách đúng đắn. Thánh nhân thực hiện điều này trong tình yêu: ngài không muốn nêu tội của Đức Maria cách công khai. Ngài muốn điều tốt đẹp cho Mẹ, ngay trong giây phút thất vọng. Ngài không muốn áp dụng Lề Luật theo bất cứ hình thức nào bề ngoài ”.[4]

 

Trở về với bài Tin Mừng, thánh Mát-thêu kể tiếp rằng: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng”. “Trong hai chương đầu tiên của Tin Mừng Mát-thêu Thiên Thần xuất hiện tất cả 5 lần. Vị sứ thần này của Thiên Chúa có trách nhiệm trao ban sứ điệp của Thiên Chúa. Ở đây, ngài trao ban cho thánh Giu-se như sau: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”.[5]

 

Sự xuất hiện của sứ thần Thiên Chúa diễn tả sự hoạt động can thiệp của Thiên Chúa vào trong những dự định của con người. Điều thú vị là sứ thần đến truyền tin cho ông Giu-se trong giấc mộng. Đây là nét rất đặc biệt của Giu-se. Nếu đọc tiếp các trình thuật Giáng Sinh, chúng ta đều thấy Giu-se được sứ thần viếng thăm và truyền tin trong các giấc mộng.

 

ĐTC. Phanxicô đã giảng trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm 18.12.2018 như sau: “Giấc mơ là một không gian được ban tặng để kiếm tìm chân lý, bởi ở đó chúng ta không phòng vệ trước sự thật. Thiên Chúa cũng nói trong những giấc mơ. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, bởi thông thường giấc mơ đến từ vô thức của chúng ta, nhưng nhiều lần Thiên Chúa chọn cách nói với chúng ta qua những giấc mơ. Người đã làm như thế nhiều lần rồi, bạn thấy trong Kinh Thánh không? Trong những giấc mơ đấy.

 

Thánh Giu-se là con người của những giấc mơ, nhưng không phải là người mơ mộng chút nào. Ngài không phải là người mộng tưởng vẩn vơ. Người mơ mộng lại là một điều khác. Người ấy tin vào một điều…bước đi…lơ lửng trên không trung, và hai chân không hề chạm đất. Thánh Giu-se bước đi trên mặt đất nhưng với một con tim rộng mở”.

 

Chúng ta cùng coi trái tim rộng mở của thánh Giu-se với lời truyền tin của sứ thần dành cho ngài: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Giu-se, một người thuộc dòng dõi vua Đa-vít cần phải đón nhận đứa con của Maria, và ông mang một trách nhiệm là đặt trên cho con trẻ. Nhưng trong việc đặt tên này, Giu-se cũng không được tự mình chọn lựa bất cứ tên nào, mà phải là tên mà Thiên Chúa muốn đặt cho Hài Nhi. Tên đó là Giê-su. Chính Hài Nhi Giê-su này sẽ mang một sứ mạng cao cả: cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.

 

Hơn nữa, Giu-se còn được sứ thần cho ông nhận ra được sự trung tín của Thiên Chúa với dân tộc, và nhận ra lời hứa của Thiên Chúa đối với dân tộc ông được thực hiện, một cách nào đó với sự cộng tác nhỏ bé của ông.  “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

 

Chúng ta biết thánh sử Mát-thêu viết Tin Mừng cho độc giả gốc người Do-thái, nên ngài luôn luôn liên hệ đến Giao Ước cũ (Cựu Ước), và ngài thường trích dẫn các sách của Cựu Ước. Ở đây, thánh sử Mát-thêu đã trích dẫn tiên tri I-sai-a với câu truyện về vua A-khát tìm được sự liên minh địch thù ở xung quanh Ít-ra-en thời đó (năm 733 trước Công Nguyên).

 

Trong bối cảnh đó, ông đã được Thiên Chúa nâng đỡ và Người đã hứa với ông:

“Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en” 
(Is 7,14).

 

Ratzinger đã suy tư về biến cố này liên hệ đến tên Em-am-nu-en mà thánh sử Mát-thêu trích dẫn lại như sau: “Thánh Mát-thêu và toàn thể lưu truyền Ki-tô giáo cùng với ngài nhìn dấu chỉ này như báo trước cuộc sinh hạ của Đức Giê-su từ Đức Maria đồng trinh – Đức Giê-su thật sự đã không được gọi là Em-ma-nu-en, nhưng chính là Em-ma-nu-en như trọn lịch sử của các Tin Mừng đều cố gắng trình bày. Con người này – như các Phúc Âm giúp chúng ta thấy – sự hiện diện của Thiên Chúa trong cá nhân Người. Người là con người và đồng thời là Thiên Chúa, Con đích thực của Thiên Chúa…

 

Dấu chỉ Thiên Chúa loan báo, không đưa ra cho một tình trạng chính trị xác định, nhưng đến với nhân loại và lịch sử trọn vẹn của con người… Vâng, tôi tin rằng ngay hôm nay, sau những tranh luận về chú giải, vẫn còn sự kiện đáng ngạc nhiên, một lời nói vào năm 733 trước công nguyên vẫn luôn khó hiểu ngay giây phút thụ thai Đức Giê-su Ki-tô – chính Thiên Chúa ban cho chúng ta một dấu chỉ thật vĩ đại nhắm vào toàn thể thế giới”.[6]

 

Như thế, với tên Em-ma-nu-en và qua Chúa Giê-su Thiên Chúa hiện diện cách sống động với toàn thể nhân loại chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa có một năng động của yêu thương, của giúp đỡ, của phục vụ và của cứu độ. “Em-ma-nu-en, Thiên Chúa  cùng chúng ta” cũng liên hệ tới lời hứa thật tuyệt vời của Chúa Giê-su, trước khi Ngài về trời. Đó cũng là câu cuối cùng của Tin Mừng Mát-thêu: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

 

Theo Udo Schnelle, với hai cụm từ “ở cùng chúng ta” (Mt 1,23) và “ở cùng anh em” (Mt 28,20), thánh sử Mát-thêu muốn nêu bật tính chất nòng cốt của Tin Mừng ngài viết: Sự hiện diện của Thiên Chúa và sự trung thành của Thiên Chúa với Dân Ngài trong Đức Giê-su Ki-tô. Mát-thêu kể lại, Thiên Chúa – qua sự vâng phục, đau khổ và đồng ý trong Chúa Giê-su – đã ở với chúng ta trên đường như thế nào… Em-ma-nu-en đã diễn tả được lịch sử của Chúa Giê-su Ki-tô như là sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đồng nhân loại…Vâng, Thiên Chúa đã tự mình hành động trong Chúa Giê-su Ki-tô.[7]

 

Trở về lại với câu truyện, chúng ta cùng coi thánh Giu-se sẽ có thái độ nào với lời truyền tin của sứ thần dành cho ông trong giấc mộng. Là người công chính, ông có mở rộng trái tim với Thiên Chúa và sứ mạng Thiên Chúa trao không? Thánh Mát-thêu viết: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su”.

 

Những lời sứ thần của Chúa nói với thánh Giu-se trong giấc mộng đã giúp cho thánh nhân ý thức về sứ mạng Chúa trao. Là người công chính, thánh nhân đã lãnh trách nhiệm với sự ý thức. Mát-thêu viết rằng, khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Như thế, sự băn khoăn, nỗi âu lo, ý định thầm kín bỏ mẹ Maria đã “qua đi”. Giờ đây, thánh Giu-se đón người đã thành hôn với mình về nhà theo như thánh ý của Chúa muốn. Thật vật, thánh ý Chúa luôn tương hợp với sự công chính.

 

Về hành vi của thánh Giu-se ở đây, Karl Rahner suy tư như sau: “Sứ thần không chỉ cho thánh Giu-se biết việc Đức Maria thụ thai bởi sức mạnh của Thiên Chúa… Sứ điệp mang tính quyết định mà sứ thần trao cho thánh Giu-se là đón bà Maria vợ ông về và theo lời sứ thần, thánh Giu-se cần trở nên cha của Hài Nhi này, và ông cần thực thi trọn vẹn trách nhiệm của một người cha đối với con của mình, người con mà người phụ nữ ông đính hôn đã được đón nhận từ trời cao.

Thánh Giu-se cần gìn giữ và che chở, lo lắng và bảo vệ, cũng như yêu thương và bao bọc Hài Nhi này. Như thế trọng trách này thánh Giu-se nhận được từ trời cao. Chúng ta có thể nói rằng, thánh nhân là người cha nuôi và là người chăm sóc Hài Nhi, không chỉ vì người phụ nữ ông đính hôn đón nhận Hài Nhi này từ trời cao, mà đặc biệt là vì Thiên Chúa muốn thánh nhân đón nhận sứ mạng và trọng trách này, nghĩa là ông đón nhận vai trò làm cha của Con Thiên Chúa, Đấng đến thế gian để cứu rỗi nhân trần. Vì thế, thánh Giu-se được trao ban sứ mạng đặt tên cho Hài Nhi… Như thế trời cao đã tin tưởng thánh Giu-se và trao cho ngài trông nom Đấng Cứu Thế. Qua sứ điệp truyền tin từ trời cao này, thánh Giu-se được đón nhận vào lịch sử cứu độ cách công khai với một trách nhiệm rõ rệt. Thánh nhân không chỉ hiện diện trong tương quan là vị hôn phu và sau đó là chồng của Đức Maria, mà thánh Giu-se còn đón nhận một vai trò rõ rệt với một trách nhiệm trong lịch sử cứu độ. Thánh Giu-se là người gìn giữ và chở che Con Thiên Chúa”.[8]

 

Chiêm ngắm thánh Giu-se với sứ mạng quan trọng của ngài, Karl Rahner mời gọi chúng ta suy tư về chính bản thân: “Thường xuyên chúng ta được mời gọi trở thành những người gìn giữ những gì Thánh Thiêng trong chính chúng ta, trong chính đời sống và trong chính công việc chúng ta làm… Thiên Thần từ trời cao không hiện ra với chúng ta trong giấc mộng và nói với chúng ta: Hãy đón nhận Hài Nhi. Nhưng qua chính những gì thực tế diễn ra trong đời sống trần thế này, chúng ta được tin tưởng trao ban để gìn giữ và trông coi những điều Thánh Thiêng của trời cao, những điều thuộc về Thiên Chúa và cả ân sủng của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa hiện diện và tiếp tục sống động ở khắp mọi nơi. Ngài đã trở thành người phàm và tất cả chúng ta được mời gọi như thánh Giu-se: đón nhận sứ mạng chăm nom Con Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện ở trong anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Chúng ta được mời gọi sống như thánh Giu-se là Đấng Công Chính: đón nhận Hài Nhi cùng Mẹ Maria về với ngài, cả đời chăm sóc Hài Nhi, để Hài Nhi Giê-su thực sự có thể trở thành Đấng Cứu Thế cho muôn người”.[9]

 

Khi thánh Giu-se đã đưa mẹ Maria về nhà, Mát-thêu viết rõ ràng là: Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Câu này diễn tả rằng: Hài nhi Giê-su mà Mẹ Maria sinh ra và thánh Giu-se đặt tên, không phải là con đẻ của Giu-se.

Ngoài ra, việc thánh Giu-se, như người cha về mặt pháp lý, đặt tên cho Chúa Giê-su nói lên rằng, Chúa Giê-su là người thừa kế của thánh Giu-se, của Vua Đa-vít. Như thế, Vương Quyền nhà Đa-vít sẽ được thể hiện nơi Chúa Giê-su, vị Vua trên hết các Vua.

 

Kết thúc phần suy niệm và tìm hiểu đoạn Tin Mừng trên, chúng ta cùng suy tư và cầu nguyện qua các gợi ý:

 

  • “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en” (Mt 1,23). Qua Chúa Giê-su Thiên Chúa hiện diện cách sống động với toàn thể nhân loại chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa có một năng động của yêu thương, của giúp đỡ, của phục vụ và của cứu độ. Thiên Chúa ở cùng bạn và tôi như thế nào? Người đã “chạm” đến cuộc đời chúng ta ra sao? Tình yêu phục vụ và cứu độ của Người đã “ghi dấu” vào cuộc đời chúng ta ở những khoảnh khắc và chặng đường nào?

 

  • Trong Tin Mừng Giáng Sinh của Mát-thêu, nhân vật Giu-se nổi bật hẳn lên như là một người công chính. Chúng ta biết thánh Giu-se đã thành hôn với Maria, nhưng trước khi tới thời hạn Giu-se đưa Maria về nhà mình, thì chuyện “động trời và động đất” xảy ra. Đó là Cô Trinh Nữ Maria có thai. Đặt mình vào trong hoàn cảnh của thánh Giu-se, bạn và tôi sẽ phản ứng thế nào khi nghe được tin này? Còn thánh Giu-se thì ngài phản ứng ra sao?

Mát-thêu nói, thánh Giu-se muốn bỏ bà cách kín đáo. Dự định của thánh Giu-se đã nói lên được tấm lòng tốt lành của một người công chính. Ngài không muốn làm ầm ĩ lên. Khi biết đứa con trong bụng Maria không phải của ngài, thì ngài chấp nhận và không muốn tố giác Maria. Một dự định rút lui tràn đầy lòng thương xót giữa người và người. Lòng thương xót đã được “nẩy mầm” ngay trong tư tưởng để hướng tới hành động toả ngát “hương thơm thương xót”. Lòng thương xót của một con người công chính. Chúng ta hãy chiêm ngắm thánh Giu-se với hành động tốt lành và công chính của ngài kỹ hơn nữa. Sau đó chúng ta cầu xin Thiên Chúa biến đổi những suy nghĩ, lời nói và hành động nào của chúng ta chưa tương hợp với sự công chính và tốt lành, để nhờ đó chúng ta có thể từng bước trở nên người công chính như Thiên Chúa ước mong.

 

  • Thánh Giu-se là người công chính, nghĩa là người vâng phục thánh ý của Thiên Chúa cách hoàn hảo. Thánh ý Chúa là gì đối với bạn? Có bao giờ bạn hỏi Chúa xem thánh ý Chúa dành cho đời bạn là gì chưa? Có thể trong những lúc quyết định quan trọng cho cuộc đời, bạn có đi tìm xem Chúa muốn gì ở nơi bạn? Chân phước Charles de Foucaul luôn luôn tự hỏi bản thân: “Nếu Chúa Giê-su ở trong hoàn cảnh của tôi lúc này, Ngài sẽ nói năng, sử xự và hành động thế nào?”. Sau đó, anh Charles sẽ cố gắng bắt chước Chúa Giê-su để tập sống thánh ý của Thiên Chúa. Đến với Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, chúng ta thờ lạy Người và chúng ta âm thầm tâm sự với Người, như tâm tình của anh Charles “Giê-su ơi, xin dạy cho con biết luôn hướng nhìn Chúa, biết tâm sự với Chúa, biết hỏi Chúa về mọi điều xảy ra trong cuộc sống của con. Nhờ đó, trong chính mọi hoàn cảnh cuộc sống, Chúa nói năng thế nào, con nói năng như vậy; Chúa sử xự ra sao, con sử xự giống như Chúa; Chúa hành động thế nào, con xin làm giống như Chúa”.

 

  • Trong trình thuật này, chúng ta nhận ra một điểm rất dễ thương: Thánh Giu-se luôn “gắn liền” với giấc mơ. Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Thánh Giuse là con người của những giấc mơ, nhưng không phải là người mơ mộng chút nào. Ngài không phải là người mộng tưởng vẩn vơ. Người mơ mộng lại là một điều khác. Người ấy tin vào một điều…bước đi…lơ lửng trên không trung, và hai chân không hề chạm đất. Thánh Giuse bước đi trên mặt đất nhưng với một con tim rộng mở”. Chúng ta hãy nhìn lại những giấc mơ của đời mình và chính cuộc sống của mình. Chúng ta đang xây dựng cuộc sống của chúng ta theo những mộng tưởng hão huyền? Đã qua khỏi tuổi dậy thì và tuổi mơ mộng của người trẻ, nhưng chúng ta có thực sự đã và đang “bước đi trên mặt đất” với con tim rộng mở cho Chúa và cho Tin Mừng của người, hay chúng ta vẫn còn “say sưa” trong những giấc mơ của thời niên thiếu?

 

  • Chiêm ngắm thánh Giu-se với sứ mạng quan trọng: là người gìn giữ và chở che Con Thiên Chúa. Karl Rahner mời gọi chúng ta suy tư về chính bản thân: “Thường xuyên chúng ta được mời gọi trở thành những người gìn giữ những gì Thánh Thiêng trong chính chúng ta, trong chính đời sống và trong chính công việc chúng ta làm…Thiên thần từ trời cao không hiện ra với chúng ta trong giấc mộng và nói với chúng ta: Hãy đón nhận Hài Nhi. Nhưng qua chính những gì thực tế diễn ra trong đời sống trần thế này, chúng ta được tin tưởng trao ban để gìn giữ và trông coi những điều Thánh Thiêng của trời cao, những điều thuộc về Thiên Chúa và cả ân sủng của Thiên Chúa”. Xin mời bạn cùng tôi nhìn lại xem chúng ta đã được trao ban những điều Thánh Thiêng nào và trong lúc nào? Chúng ta đã gìn giữ như thế nào? Những điều Thánh Thiêng đó có “thăng tiến” trong đời sống của chúng ta không? Một trong những điều Thánh Thiêng mà chúng ta đón nhận, là chính Mình Máu Thánh Chúa.

 

  • Trong truyền thống, thánh Giu-se được nhiều người tôn kính. Như thánh Tê-rê-sa Avila đặc biệt hướng về thánh Giu-se. Ngài viết trong Tiểu Sử Tự Thuật như sau: “Vậy tôi nhận thánh Giu-se làm Trạng Sư và Đấng Bảo Trợ Tôi và tôi thành tâm phó thác tôi cho người. Tôi thấy Đấng Bảo Trợ và người Cha này của tôi đã chữa tôi khỏi bệnh và giải quyết những khó khăn khác nguy hiểm trầm trọng hơn liên liên hệ đến danh dự và cả đến làm tôi mất linh hồn nữa. Những ơn lành Người ban còn bội hậu hơn là tôi dám cầu xin Người. Cho tới nay, tôi không nhớ có bao giờ tôi cầu xin ơn gì mà Người lại không ban cho tôi. Tôi ngạc nhiên về những ơn trọng đại Chúa ban cho tôi và những nguy hiểm Chúa giải thoát tôi cả phần hồn lẫn phần xác, qua trung gian của Đấng Thánh này… Do kinh nghiệm, tôi biết rằng người luôn cứu giúp chúng ta trong mọi cảnh ngộ, và nhờ vậy Chúa muốn dạy cho chúng ta biết rằng, vì chính Chúa đã vâng phục Người ở dưới đất (vị Bảo Trợ và được gọi là cha của Chúa, thì có quyền truyền lệnh cho Chúa), thì trên thiên đàng, Chúa vẫn thực hiện tất cả những gì Người muốn. Đó cũng là kinh nhiệm của nhiều người khác mà tôi đã khuyên họ chạy đến phó thác cho vị thánh này”.[10]

Khi đọc lời chia sẻ này của thánh Tê-rê-sa, tôi nhớ lại giờ kinh tôi của gia đình. Cha mẹ đã dạy chúng tôi mỗi ngày phải cầu nguyện với Kinh khấn Thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn. Lời kinh này cũng được nhiều người Công Giáo Việt Nam biết đến và cầu nguyện.

Là cậu út trong gia đình, tôi chẳng biết gì, anh cha mẹ và chị em đọc thế nào, tôi vâng lời đọc theo thế ấy. Đến một lúc nào đó, có một vài lời trong kinh cầu này làm cho đứa trẻ suy nghĩ. Đó là: Lạy Thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng: Trên trời, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin…”. Ngoài ra, lâu lâu thấy cha mẹ đọc rất sốt sắng và nghiêm chỉnh, đặc biệt nhấn mạnh đến một câu thật quan trọng: Chúng con trao phó nơi Cha vụ khó khăn này (…) Xin Cha giải gỡ giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha”.

Giờ đây cha mẹ khuất rồi, thằng bé ngày xưa hiểu ra được kinh khấn mà cha mẹ dạy tương hợp hoàn toàn với tâm tình của thánh Tê-rê-sa Avila vừa được trích ở trên. Có người còn cho rằng, đó là lời cầu nguyện của chính thánh nữ.

Trong tinh thần này, xin mời anh chị em cùng hướng lòng về thánh Giu-se và cầu nguyện với Kinh khấn Thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn: “Lạy Thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng: ‘Trên trời, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin’.

Lạy Cha hiền, xin cầu bầu cùng Chúa Giê-su cho chúng con. Khi ở thế gian này, Cha đã từng là Cha nuôi và là vị bảo hộ trung thành của Chúa Con Chí Thánh, nay xin Cha bào chữa cho chúng con bên toà Chúa. Chúng con trao phó nơi Cha vụ khó khăn này (…)

Xin Cha giải gỡ giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha.

Lạy thánh Giuse nhân từ, chúng con tin tưởng, vâng, chúng con tin tưởng Cha có thể chấp nhận lời nguyện của chúng con, và giải thoát chúng con khỏi những khổ cực ưu sầu mà chúng con đang gặp phải. Hơn nữa, chúng con vững lòng trông cậy, Cha không bỏ qua điều gì giúp ích cho những người sầu khổ kêu cầu Cha. Chúng con sấp mình dưới chân Cha, tha thiết nài xin Cha đoái thương đến những than van khóc lóc của chúng con, xin Cha lấy tình thương như áo choàng che phủ chúng con và chúc lành cho chúng con. Amen”.

Kết thúc bài suy niệm Tin Mừng này, chúng ta cầu nguyện với Thánh Thi ngày lễ thánh Giu-se:

 

“Ðây bậc thánh cả thiên đàng hãnh diện,

Niềm cậy trông và cột trụ trần gian,

Chúng con dâng lời tán tụng đôi hàng

Xin hiền phụ Giu-se thương nhận lãnh.

 

Dòng Ða-vít, Chúa tạo thành xe định

Ðược kết duyên cùng Trinh Nữ ngọc ngà,

Con Chúa Trời âu yếm gọi là ‘cha’

Ngài cộng tác vào công trình cứu độ.

 

Ngài lặng lẽ ngắm nhìn Ngôi Thiên Tử

Giờ sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn,

Ðấng bao đời ngôn sứ đã ngợi khen,

Ngài thờ lạy đầu tiên cùng Ðức Mẹ.

 

Ðây Chúa Tể càn khôn, đây Thượng Ðế,

Một dấu tay là địa ngục hãi hùng,

Cả thiên đình đều phụng mệnh khiêm cung

Mà không quản vâng ý ngài trọn vẹn.

 

Lời vinh tụng, dâng Ba Ngôi trìu mến

Ðã ban cho ngài chức trọng quyền cao,

Được ngài thương hằng nâng đỡ nguyện cầu

Đoàn chúng tử sẽ thông phần vinh phước”.[11]

 

 

 

[1] Ravasi G., Das Evangelium nach Matthaeus, Verlag Neue Stadt. Muenchen 1992. S.47.

[2] FX. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mát-thêu dùng trong phụng vụ. NXB. Tôn Giáo, Hà Nội 2007. T.26-27.

[3] Ravasi G., Das Evangelium nach Matthaeus, S.48.

[4] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.59-61.

[5] Ravasi G., Das Evangelium nach Matthaeus, S.49.

[6] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.71-74.

[7] Schnelle U., Theologie des Neuen Testaments, S.402.

[8] Rahner K., Saemtliche Werke 14. Christliches Leben. Herder Verlag. Freiburg 2006. S.222.

[9] Rahner K., Saemtliche Werke 14. Christliches Leben. S.222-223.

[10] Tê-rê-sa Avila, Tiểu sử tự thuật. Kinh Đô Ấn Quán tái bản. Hoa Kỳ 1999. T.37-38.

[11] Thánh Thi kinh Sáng lễ thánh Giu-se, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, ngày 19.3


https://dongten.net/2020/12/16/giac-mong-noi-troi-va-dat/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét