Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

 Sách: Đức Phanxicô nhắc lại “sức mạnh biến đổi” của kitô giáo

cath.ch, I. Media, 2020-12-10

“Không có một tinh thần chân thật nào có thể phủ nhận sức mạnh biến đổi của kitô giáo”, Đức Phanxicô viết trong một bài viết chưa từng có trong quyển sách tiếng Ý “Thiên đàng ở trần thế” (Il cielo sulla terra) sẽ được Nhà xuất bản Vatican (LEV) phát hành. Nhưng ngài cho biết, chỉ khi nào kitô giáo bám rễ trong Tin Mừng thì mới cống hiến những gì tốt nhất của mình cho nền văn minh.



Với chú thích, “Yêu thương và phục vụ để biến đổi thế giới”, quyển sách mới này là tập thứ tư trong bộ sách dành cho đối thoại đại kết của Đức Phanxicô. Nói với tất cả các tín hữu kitô, ở đây ngài viết một bản văn chưa từng có và mục sư Martin Junge, tổng thư ký của Liên đoàn Luther Thế giới viết lời tựa.

Đây là bài ca ngợi kitô giáo dài mười trang của Đức Phanxicô có tựa đề “Biến đổi thế giới”. Ngài viết: “Không có một tinh thần chân thật nào có thể phủ nhận sức mạnh biến đổi của kitô giáo trong lịch sử”, với mong muốn làm im lặng những người hoài nghi và những người vỡ mộng không còn tin vào khả năng của một thế giới công bằng hơn và huynh đệ hơn. Ngược lại, ngài muốn đưa ra, “mỗi khi đời sống kitô giáo được lan rộng trong xã hội một cách đích thực và tự do, thì đời sống này luôn để lại dấu vết của một nhân loại mới trên thế giới.”

Khám phá lại “động lực biến đổi của kitô giáo”

Đặc biệt đề cập đến “sự kiên cường của truyền thống đan viện Biển Đức trong thời kỳ man rợ”, ngài nhấn mạnh đến nhiều cải cách thầm lặng của các tu sĩ môn đệ của Chúa Kitô đã thực sự thay đổi ý nghĩa của lịch sử. Bằng cách nào? Đức Phanxicô dựa trên tư tưởng của Emmanuel Mounier để làm sáng tỏ “bí mật” này. Triết gia công giáo người Pháp tin rằng ảnh hưởng quan trọng của kitô giáo đối với nền văn minh Âu châu là “tác dụng bổ túc” cho lời chứng của các kitô hữu đầu tiên hơn là kế hoạch được thiết lập trước, một hệ quả vô cớ của một đức tin sống đơn giản hơn là kết quả của một chương trình văn hóa – chính trị.

Một định đề mà ngài đồng ý và tổng kết như sau: “Chỉ khi nào kitô giáo bám rễ trong Tin Mừng thì kitô giáo mới cống hiến những gì tốt nhất của mình cho nền văn minh”. Ngược lại, kitô giáo sẽ bị lạc khi “theo bản sắc lô-gích và các cấu trúc của thế gian” và tách khỏi mình ra khỏi Thần Khí.

Để tìm lại “động lực biến đổi kitô giáo”, ngài mời gọi chúng ta trở lại với chứng tá và kinh nghiệm của những kitô hữu đầu tiên. Dừng lại trước hình ảnh Thánh Phaolô, Đức Phanxicô nhấn mạnh, vị tông đồ cho dân ngoại hiểu, “sự cứu rỗi của mình không phụ thuộc vào những việc tốt lành do chính bản thân mình thực hiện theo luật pháp, mà dựa vào việc Chúa Giêsu đã […] chết vì mình”.

Sự nhạy cảm của Luther

Vì thế, không phải với “chiến thuật thế gian hoặc do quyết tâm đạo đức” mà tín hữu kitô thay đổi được thế giới, nhưng “chỉ do quyền năng Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh”. Tuy nhiên, “quyền ưu tiên của Ân sủng” này do Đức Phanxicô đưa ra không nên dẫn đến sự thụ động. Ngài nhấn mạnh: “Ngược lại, nó giảm năng lực và tăng nhạy cảm với sự bất công”.

Sự nhạy cảm này, Đức Phanxicô làm nổi bật bằng cách trích dẫn lời của mục sư Martin Luther. Người khởi xướng cuộc Cải cách Tin lành khẳng định, “chúng ta không nên nghĩ rằng ăn cắp chỉ có nghĩa là lấy tài sản của người hàng xóm”. Mục sư giải thích, “nếu bạn thấy người hàng xóm của mình đói khát, không nhà cửa, không áo quần giày dép, mà bạn không giúp thì bạn giống như người ăn cắp tiền trong túi xách hoặc trong hòm tiền”.

“Lòng bác ái chân thành luôn dẫn đến lời cầu nguyện”

Ngoài ra Đức Phanxicô còn muốn cảnh báo về những cam kết từ thiện, cố gắng lấp đầy “khoảng trống, cố gắng thoát ra bằng hàønh động ‘nhiệt tình’”. Ngài tin chắc: khoản đầu tư này không bền vững cũng không đáng tin cậy: “Có một hố sâu ngăn cách các chuyên gia khỏi sự nhiệt tình và cam kết đến từ trải nghiệm của món quà được nhận”.

Nhận thức được việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương có thể cho mình thấy chính sự dễ tổn thương của mình, và vì thế  mình cũng cần được chăm sóc – hoặc cơ bản hơn là nhu cầu “được cứu” của mình -, Đức Phanxicô kết luận “lòng bác ái chân thành luôn dẫn đến cầu nguyện, trong sự cầu xin có sự Hiện diện của Thiên Chúa, Đấng có thể chữa lành vết thương nội tâm của chúng ta và của những người khác”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2020/12/11/sach-duc-phanxico-nhac-lai-suc-manh-bien-doi-cua-kito-giao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét