LỄ GIÁNG SINH  

Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-18

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cử hành mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Biến cố Con Thiên Chúa giáng trần là tin mừng trọng đại, là niềm vui lớn lao cho toàn thể nhân loại. Ngay cả các tầng trời và địa cầu đều mừng rỡ hân hoan. Bởi vì, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta. Xét về nguồn gốc, lai lịch cũng như sứ vụ, Đức Giêsu là một nhân vật đặc biệt có một không hai trong lịch sử. Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về những lần sinh hạ của Con Thiên Chúa để hiểu Người là ai và Người có liên hệ gì với chúng ta không?

1- Chúa sinh hạ lần thứ nhất

Khác với mỗi con người, Chúa Giêsu có nguồn gốc thần linh rất sâu xa, Người đã tiền hữu từ đời đời, Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Đây là lần sinh ra từ đời đời của Ngôi Lời.

Chúng ta tìm thấy nền tảng Kinh Thánh cho những điều vừa nói ở trên nơi bài Tin Mừng hôm nay. Các tác giả Tin Mừng khác thích trình bày nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu, còn thánh Gioan trong Lời Tựa, trình bày nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu với những lời rất sâu sắc: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

Dựa trên mạc khải, đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng: trong mầu nhiệm Thiên Chúa, có ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ đời đời, trước khi có thời gian và vũ trụ này. Người được sinh ra chứ không phải được tạo thành. Người đồng bản thể và ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nên Người cũng là Thiên Chúa và cũng được phụng thờ cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Điều này muốn nhắc nhở rằng khi nhìn vào Hài Nhi Giêsu, chúng ta tin nhận Người không chỉ là một con người, nhưng còn là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta biết tôn thờ và yêu mến Người.

2- Chúa sinh hạ lần thứ hai

Con Thiên Chúa được sinh ra lần thứ hai trong thời gian, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đây là biến cố nhập thể làm người của Ngôi Hai, một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Nhờ quyền năng Thánh Thần, Ngôi Lời xuống thế làm người, kết hợp với bản tính nhân loại trong cung lòng Đức Maria, trở nên người thật mà vẫn là Thiên Chúa thật (x. Lc 1,26-45). Người được Đức Maria sinh ra và được đặt tên là Giêsu. Thánh Ignatio thành Antiokia gọi Chúa Giêsu vừa là Con của Đức Maria vừa là Con Thiên Chúa.

Mục đích của việc sinh hạ lần thứ hai là để cứu độ loài người, như Kinh Tin Kính tuyên xưng: “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người.”

Vì thế, ngày sinh nhật của Chúa Giêsu là ngày tràn đầy niềm vui cho hoàn vũ và mọi người. Vì Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho chúng ta. Niềm vui đó được cử hành từ hơn hai mươi thế kỷ qua. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh về, khắp nơi từ thành phố đến thôn quê, người ta trang trí hang đá, đèn điện, cây thông, văn nghệ, tiệc mừng, tặng quà cho nhau… để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Tất cả để chia sẻ niềm vui cứu độ mà Con Thiên Chúa mang đến khi làm người. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng không được biến lễ Giáng Sinh thành một lễ hội với những niềm vui trần tục mà chúng ta lại quên mất ý nghĩa đích thực và nhân vật chính là Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta chỉ chạy theo việc tổ chức bên ngoài, mà không có thời gian và những tâm tình xứng hợp để đến tôn thờ Chúa Hài Đồng Giêsu nơi hang đá.

3- Chúa sinh hạ lần thứ ba

Theo nghĩa thiêng liêng hoặc thần bí, Chúa Giêsu có một lần sinh ra nữa nơi các tín hữu nhờ đức tin. Thánh Ambrôsiô thắc mắc: “Vậy Chúa Kitô sinh ra ở đâu?” Ngài trả lời: “Theo một ý nghĩa sâu sắc nhất, Chúa sinh ra trong trái tim và trong tâm hồn bạn và tôi.” Như thế, Chúa Giêsu không chỉ sinh ra “cho chúng ta” nhưng còn sinh ra “trong chúng ta.”

Quả thế, người Kitô hữu tự bản chất là người cưu mang Chúa, người có Chúa ở trong lòng. Chúa Giêsu phải được tiếp tục đầu thai trong lòng chúng ta khi chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Người” (x. Gl 4,9; Rm 13,14; Ep 3,17), khi chúng ta mặc lấy Chúa Kitô và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô. Hay nói cách khác, như Phaolô, không phải tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20). Nghĩa là Chúa Kitô trở thành trung tâm điểm đời sống chúng ta, biến đổi chúng ta từ con người cũ trở thành con người mới, có nếp sống mới nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Như thế, việc thụ thai Chúa Kitô đã thực hiện!

Theo ý nghĩa này, mỗi Kitô hữu nắm giữ vai trò là “mẹ” của Chúa Kitô. Chức năng làm mẹ của người Kitô hữu hệ tại trong lời quả quyết của Chúa Giêsu: “Mẹ ta và anh em ta là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Với tư cách này, chúng ta có bổn phận phải sinh hạ Chúa Giêsu cho cuộc đời và cho tha nhân để họ cũng nhận biết và tin nhận Chúa Kitô.

Bởi thế, các bậc thầy tu đức và tiến sỹ Hội Thánh dạy chúng ta rằng: “Chúa Kitô có giáng sinh cả ngàn lần ở Bêlem cũng không có ý nghĩa gì nếu Người không có giáng sinh một lần trong lòng chúng ta.”

Như thế, khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta được nhắc nhở về nguồn gốc thần linh từ đời đời và nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu, đồng thời lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta ý thức về mối tương quan mật thiết giữa Chúa Kitô với mỗi người chúng ta.
Với tất cả ý nghĩa ấy, tôi kính chúc quý anh chị em một mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức, và một năm mới tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/