Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

HY Cantalamessa: “Giáng sinh là điều mới lạ duy nhất dưới ánh mặt trời”

 Hồng y Cantalamessa: “Giáng sinh là điều mới lạ duy nhất dưới ánh mặt trời”

cath.ch, Maurice Page, 2020-12-18




Trong buổi suy niệm Mùa Vọng thứ ba và là buổi cuối cùng được tổ chức ở Hội trường Phaolô VI với sự hiện diện của Đức Phanxicô và nhiều thành viên trong Giáo triều, tân hồng y Raniero Cantalamessa giảng: “Vào Đêm Giáng Sinh, chúng ta phải tìm lại ý nghĩa đầu tiên và đơn giản của Ngôi Lời nhập thể”.

Hồng y mời gọi tín hữu kitô suy gẫm về mầu nhiệm nhập thể trong đêm Giáng sinh, “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh mặt trời”, ngài trích câu của linh mục thần học gia John Damascene (676-749) chú giải về câu nổi tiếng của sách Giảng viên “Không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời.”

Sau khi suy niệm trong bài suy gẫm tuần trước về đức tin ở đời sau, hồng y Cantalamessa đã đặt câu hỏi về mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời. Để qua một bên “tất cả những lời giải thích thần học và tín điều được xây dựng”, ngài nhắc lại đặc điểm phi thường và đơn giản của sự kiện này, nhờ đó “Thiên Chúa ở  giữa chúng ta” và Đức Kitô đã có tên: “Emmanuel.” Ngài nói: “Chúng ta phải tìm ra ý nghĩa đầu tiên và đơn giản của Ngôi Lời nhập thể. Theo linh mục Jean Damascene, việc Con Thiên Chúa xuống trần và làm người là điều mới lạ vĩ đại nhất có thể tưởng tượng được, “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh sáng mặt trời”. Để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Giáng Sinh, tân hồng y mời chúng ta ngược thời gian để nắm bắt được điều nghịch lý và chói tai của của Thánh Gioan: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm”.

“Giáng sinh là lễ của sự khiêm nhường của Thiên Chúa”

Ngay sau khi xuất hiện, Giáo hội đã có những cuộc tranh cãi lớn trước các Công đồng Êphêsô và Chalcedon về hai bản tính của Chúa Kitô: nhân tính và thiên tính. Việc Thiên Chúa mượn xác phàm như chúng ta không phải là điều hiển nhiên, hồng y nhắc lại: với lương dân thì thật điên rồ, với người Do Thái thì thật chướng tai khi hình dung Chúa hòa nhập với con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta: Ngài “đã dựng lều” giữa chúng ta, hồng y nhắc lại từ nguyên của eskenosen trong phần mở đầu Tin Mừng Thánh Gioan.

Làm thế nào để hiểu sự nhập thể của Ngôi Lời? Hồng y trích lời Thánh Âugutinô: “Nếu tôi không khiêm tốn, tôi sẽ không hiểu sự khiêm tốn của Thiên Chúa”. Khiêm nhường cho chúng ta chìa khóa để hiểu Nhập thể. Chúa đã giấu những điều bí ẩn khỏi những người khôn ngoan và thông minh, Ngài mạc khải cho những người thấp bé. Hồng y nhận xét: “Toàn bộ câu chuyện con người không thể hiểu được này được giải thích bằng chính lời Chúa Giêsu”.

Ngài giải thích: “Khiêm tốn không có nghĩa là nhỏ hay tự mình làm cho nhỏ, nhưng là làm cho mình trở nên nhỏ bé vì tình yêu thương để nâng người khác lên”. Đó là mầu nhiệm của lễ Giáng sinh, “lễ của lòng khiêm nhường của Thiên Chúa”.

Con Thiên Chúa hạ mình vâng lời cho đến chết. Hồng y trích lời của Thánh Phanxicô Assisi: “Hỡi anh em, anh em hãy nhìn sự khiêm nhường của Chúa”.

Giáo hội, nhiệm thể của Chúa Kitô

Vào thời Thánh Gioan Tẩy Giả, nhà tiên tri cuối cùng trước Chúa Giêsu và là nhà rao giảng đầu tiên cho rằng, điều tạo vấn đề là xác phàm của Chúa Kitô. Hồng y ghi nhận, ngày nay chính Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô lại là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn qua các vụ bê bối. Giáo hội cũng như loài người cũng “không loại trừ được tội.”

Ngoài câu “Đây là Mình Ta” được dâng trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô còn hiện diện nơi thân thể người nghèo, hồng y giải thích theo ánh sáng Tin Mừng: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy. Giáo hội phải là một Giáo hội của người nghèo, dưới tác động của các giáo hoàng gần đây và đặc biệt của Đức Phanxicô, người cha của người nghèo”.

Chúa không chỉ đến ở Bê-lem một lần, Ngài còn đến với chúng ta trong mỗi giây phút Ngài ngự vào tâm hồn chúng ta. Vì thế, trong thời gian hạn chế và cách ly, “chúng ta không gặp được Chúa nếu chúng ta chỉ đi nhà thờ”. Chúng ta có thể nói chuyện riêng với Chúa Giêsu trong tinh thần, trong sự thật tại nhà, tại văn phòng. Hồng y  mượn lời của Thánh Maxime, người giải tội để kết luận: “Lời Chúa lặp lại nơi mọi người mầu nhiệm nhập thể của Ngài”.

Nhân tính và thiên tính của Chúa Kitô

Theo hồng y, kể từ khi “Ngôi Lời mặc xác phàm”, Thiên Chúa đã ở với chúng ta mãi mãi và cho đến tận cùng thời gian. Do đó, có một sự khác biệt, giữa “sự kiện nhập thể” và “phương thức hiện hữu” của Chúa Kitô, nghĩa là giữa chiều kích bản thể học và chiều kích hiện sinh.

Như thế trong đời sống chúng ta, quan trọng hơn hết là phải biết “Chúa nhập thể trong loại người nào”. Về mặt này, Thánh Gioan và Thánh Phaolô mô tả việc Nhập thể khác nhau. Theo thánh sử, Ngôi Lời là Thiên Chúa, đã mặc xác phàm. Theo Thánh tông đồ, Chúa Kitô, bản chất là thiên tính đã đảm nhiệm vai trò của người tôi tớ. Từ giàu có, Ngài trở nên nghèo khó. Hồng y Cantalamessa kết luận: Khó nghèo và khiêm nhường là điều cần thiết để hiểu và sống mầu nhiệm thiêng liêng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2020/12/19/hong-y-cantalamessa-giang-sinh-la-dieu-moi-la-duy-nhat-duoi-anh-mat-troi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét